2. Nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc:
Liên hợp quốc hoạt động theo những nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của tất cả các nước thành viên.
- Nguyên tắc các nước thành viên Liên hợp quốc phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ đã cam kết theo Hiến chương.
- Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, sao cho không tổn hại đến hòa bình, an ninh và công lý.
- Nguyên tắc cấm đe dọa dùng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
- Nguyên tắc các nước thành viên Liên hợp quốc phải giúp đỡ đầy đủ Liên hợp quốc trong mọi hành động của Liên hợp quốc theo đúng các điều quy định của Hiến chương này và không được giúp đỡ bất kỳ một nước nào bị Liên hợp quốc áp dụng một hành động phòng ngừa hoặc cưỡng chế.
- Nguyên tắc đảm bảo để các nước không phải là thành viên Liên hợp quốc cũng hành động theo các nguyên tắc này vì nó cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
- Nguyên tắc không cho phép Liên hợp quốc can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào.2
3. Thành viên của Liên hợp quốc
Hiến chương Liên hợp quốc quy định muốn trở thành thành viên của Liên hợp quốc thì các quốc gia phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau: thứ nhất phải là quốc gia yêu chuộng hòa bình (peace-loving states) và thừa nhận những nghĩa vụ ghi trong Hiến chương; thứ hai, phải được Liên hợp quốc xét có đủ khả năng và tự nguyện làm tròn những nghĩa vụ đó.3
Hiến chương còn quy định việc kết nạp bất kỳ một quốc gia nào vào Liên hợp quốc sẽ được tiến hành bằng nghị quyết của Đại hội đồng, theo đề nghị của Hội đồng bảo an.4
III. CÁC CƠ QUAN CỦA LIÊN HỢP QUỐC
1. Các cơ quan chủ yếu của Liên hợp quốc (Primary organs of United Nations):
Liên hợp quốc có 6 cơ quan chủ yếu là: Đại hội đồng, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên, ba cơ quan có chức năng chuyên môn đặc biệt và bao gồm số lượng nhất định các quốc gia thành viên (Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội và Hội đồng quản thác), và hai cơ quan không bao gồm các quốc gia thành viên mà thành viên là những cá nhân (Ban thư ký và Tòa án quốc tế). Theo Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (United Nations Securiry Council) là cơ quan lãnh đạo chính trị thường trực của Liên hợp quốc.
1.1. Hội đồng bảo an
a. Chức năng của Hội đồng bảo an
Hội đồng bảo an là cơ quan được các thành viên Liên hợp quốc trao cho trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới.5 Các thành viên Liên hợp quốc thừa nhận rằng khi làm những nghĩa vụ do trách nhiệm được giao thì Hội đồng bảo an hành động với tư cách thay mặt cho các thành viên.6 Hòa bình (peace) được hiểu là trong quan hệ quốc tế không có xung đột vũ trang. An ninh (security) được hiểu là không có xung đột mà có khuynh hướng gây nên những xung đột vũ trang.
Hội đồng bảo an có quyền điều tra bất cứ vụ tranh chấp hoặc tình thế nào mà có thể dẫn đến bất hòa giữa các quốc gia.7
Hội đồng bảo an có chức năng yêu cầu các bên tranh chấp giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình.8 Phương pháp hòa bình được Hiến chương Liên hợp quốc đề cập đến là đàm phán (negotiation), điều tra (enquiry), trung gian (mediation), hòa giải (conciliation), trọng tài (arbitration), bằng con đường tư pháp (judicial settlement), bằng việc sử dụng những cơ quan hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác do các bên lựa chọn.9
Hội đồng bảo an là cơ quan xác định sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định những biện pháp để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh thế giới10. Những biện pháp mà Hội đồng bảo an có quyền quyết định bao gồm: thứ nhất, Hội đồng bảo an yêu cầu các thành viên áp dụng các biện pháp kinh tế và các biện pháp khác (không bao gồm dùng vũ lực) như đình chỉ một phần hay toàn bộ những quan hệ kinh tế, đường sắt, hàng hải, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện giao thông khác (cấm vận), cắt đứt quan hệ ngoại giao để ngăn chặn hoặc chấm dứt hành động xâm lược11. Thứ hai, Hội đồng bảo an thực hiện hành động quân sự đối với quốc gia có hành động xâm lược như dùng các lực lượng hải, lục, không quân nếu xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh thế giới. Hành động này còn bao gồm cả những cuộc thị uy, những biện pháp phong tỏa và những cuộc hành binh khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của những thành viên Liên hợp quốc thực hiện12. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ cung cấp cho Hội đồng bảo an những lực lượng vũ trang, sự viện trợ và mọi phương tiện phục vụ khác kể cả việc cho quân đội Liên hợp quốc qua lãnh thổ của mình khi cần thiết cho việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới13. Các quốc gia thành viên sẽ tổ chức một số phi đội không quân của nước mình sẵn sàng chiến đấu nhằm phối hợp thực hiện một hành động quốc tế có tính chất cưỡng chế14. Cơ quan giúp Hội đồng bảo an để chỉ huy lực lượng vũ trang của Liên hợp quốc là Ban tham mưu quân đội gồm tham mưu trưởng các nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an15.
Hội đồng bảo an là cơ quan đề nghị việc kết nạp thành viên mới của Liên hợp quốc16 và đề nghị các điều kiện để các quốc gia có thể trở thành thành viên của Qui chế Tòa án quốc tế.17
Hội đồng bảo an thực hiện chức năng bảo trợ của Liên hợp quốc đối với các khu vực chiến lược (strategic areas).18
Hội đồng bảo an đề nghị Đại hội đồng bầu Tổng thư ký Liên hợp quốc19 và cùng với Đại hội đồng bầu các thẩm phán của Tòa án quốc tế.20
Hội đồng bảo an còn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (UN peacekeeping operations).
b. Thành phần của Hội đồng bảo an
Hội đồng bảo an gồm 15 ủy viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực (permanent members) là Anh, Pháp, Mỹ, CHND Trung Hoa21, CHLB Nga22 và 10 ủy viên không thường trực (non-permanent members)23 được Đại hội đồng bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm. Khi bầu các ủy viên không thường trực, Đại hội đồng phải đặc biệt tính đến sự đóng góp của thành viên Liên hợp quốc vào việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới, vào các mục đích khác của Liên hợp quốc cũng như lưu ý đến sự phân bố công bằng theo khu vực địa lý24. Việc phân bố các ủy viên không thường trực được quy định như sau:
- Các nước Châu Á và Châu Phi : 5 ủy viên.
- Các nước Đông Âu : 1 ủy viên.
- Tây Âu và các nước khác25 : 2 ủy viên
- Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê : 2 ủy viên.
Chức vụ chủ tịch Hội đồng bảo an luân phiên hàng tháng theo vần chữ cái tiếng Anh tên của các quốc gia thành viên.
Thành viên tham gia và chức chủ tịch Hội đồng bảo an năm 2001 được qui định như sau:
Tháng Chủ tịch Thời điểm kết thúc nhiệm kỳ
01 Singapore 31/12/2002
02 Tunisia 31/12/2001
03 Ukraina 31/12/2001
04 Vương quốc Anh Ủy viên thường trực
05 Hoa Kỳ Ủy viên thường trực
06 Bangladesh 31/12/2001
07 CHND Trung hoa Ủy viên thường trực
08 Colombia 31/12/2002
09 Pháp Ủy viên thường trực
10 Ireland 31/12/2002
11 Jamaica 31/12/2001
12 Mali 31/12/2001
Mauritius 31/12/2002
Na uy 31/12/2002
CHLB Nga Ủy viên thường trực
c. Thủ tục bỏ phiếu tại Hội đồng bảo an
Mỗi ủy viên của Hội đồng bảo an có một lá phiếu.26
Những quyết định về các vấn đề thủ tục (procedural matters) được thông qua do phiếu thuận của 9/15 ủy viên của hội đồng.27
Những quyết định về tất cả các vấn đề khác (all other matters) phải được phiếu thuận của 9/15 ủy viên hội đồng trong đó có phiếu thuận của tất cả các ủy viên thường trực Hội đồng bảo an28. Đây là qui tắc “nhất trí của các nước lớn” (great Power unanimity) mà thường được gọi là quyền phủ quyết (veto) của các ủy viên thường trực Hội đồng bảo an.
Như vậy Hiến chương qui định các ủy viên thường trực Hội đồng bảo an có quyền phủ quyết những quyết định về tất cả các vấn đề khác. Các vấn đề khác được hiểu là các vấn đề không mang tính thủ tục (non-procedural matters). Vấn đề nào được coi là vấn đề mang tính thủ tục hay không mang tính thủ tục thì không được qui định trong Hiến chương mà thường do các ủy viên thường trực quyết định. Các vấn đề mang tính thủ tục là những vấn đề được qui định từ điều 28-32 Hiến chương, những vấn đề về chương trình nghị sự (agenda). Vấn đề không mang tính thủ tục thường là vấn đề về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, vấn đề dùng vũ lực. Tóm lại, trong trường hợp biểu quyết thông qua các quyết định liên quan đến các vấn đề không mang tính thủ tục thì chỉ cần một ủy viên thường trực bỏ phiếu chống thì quyết định đó không được thông qua. Tuy nhiên trong thực tế, khi một ủy viên thường trực đưa ra một vấn đề nào đó cần biểu quyết tại Hội đồng bảo an và coi đây là một các vấn đề mang tính thủ tục nhưng (các) ủy viên thường trực khác bỏ phiếu phủ quyết thì vấn đề này trở thành vấn đề không mang tính thủ tục và lúc đó (các) ủy viên thường trực đó lại có quyền phủ quyết một lần nữa khi bỏ phiếu thông qua theo qui định của điều 27(3). Trường hợp này gọi là phủ quyết hai lần (double veto). Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945 –1992), việc sử dụng quyền phủ quyết của các ủy viên thường trực như sau: Liên Xô: 114 lần, Mỹ: 69 lần, Anh: 30 lần, Pháp:18 lần, Trung Quốc: 3 lần. Sau thời kỳ này, quyền phủ quyết ít được sử dụng hoặc sử dụng một cách rất hạn chế. Quyền phủ quyết của ủy viên thường trực Hội đồng bảo an không được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Khi ủy viên thường trực là một bên tranh chấp sẽ không bỏ phiếu trong việc giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở chương VI của Hiến chương.29
- Quyết định của Hội đồng bảo an về triệu tập hội nghị toàn thể để xét lại Hiến chương.30
- Quyết định về bầu thẩm phán của Tòa án quốc tế.31
Hiến chương Liên hợp quốc qui định tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đồng ý chấp thuận và thi hành quyết định của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc32. Trong khi các nghị quyết hoặc quyết định của các cơ quan khác của Liên hợp quốc chỉ mang tính chất khuyến nghị đối với các quốc gia thành viên thì Hội đồng bảo an là cơ quan duy nhất có quyền ban hành các quyết định có giá trị bắt buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên.
(còn tiếp)
1 Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc.
2 Điều 2, những nguyên tắc này còn được đề cập trong Nghị quyết số 2625 (XXV) ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế.
3 – 20 Các điều 4 (1), 4 (2), … 97.
21 Điều 4 (1) Quy chế Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc.
22 Kế thừa Liên Xô cũ từ ngày 17/01/1992.
23 Số lượng ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an tăng từ 6 lên 10 theo nghị quyết của Đại hội đồng ngày 17/12/1963 có hiệu lực ngày 31/08/1965.
25 – 32 Các điều 23 (1)….