Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Dự báo chiến tranh và xung đột quân sự thế kỷ 21

TPO - Chỉ trong 50 năm cuối của thế kỷ XX, đã xảy ra 260 cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang. Từ đó, có thể dự báo được đặc điểm chiến tranh và xung đột cục bộ trong tương lai.
Chiến tranh chiếm vị trí đặc biệt trong toàn bộ tiến trình các sự kiện quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất của lịch sử nhân loại. Chỉ tính riêng trong 50 năm cuối của thế kỷ XX, đã xảy ra 260 cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang.
Trong suốt toàn bộ lịch sử nhân loại, con người chỉ sống 292 năm trong điều kiện hòa bình, nghĩa là trong 100 năm không có một tuần lễ hòa bình! Điển hình là thế kỷ XX đã kết thúc bằng hai cuộc chiến tranh đẫm máu là Chiến tranh vùng Vịnh và Chiến tranh Kosovo.

Một nghịch lý bi thảm của thế giới hiện đại trong khi các dân tộc và các quốc gia nhận thức rõ ràng họ đang sống trong một thế giới gồm các nước phụ thuộc lẫn nhau, nhưng vẫn không thể loại trừ được chiến tranh như là một phương tiện giải quyết các mâu thuẫn khác.
Mặc dù loài người đã ngăn chặn được khả năng bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ 3 trong giai đoạn chạy đua vũ trang, nhưng việc dùng vũ khí để giải quyết các tình huống xung đột vẫn là một nét đặc trưng của thời đại ngày nay. Cho nên việc nghiên cứu tính chất và đặc điểm các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự, từ đó rút ra những bài học cần thiết để phát triển chiến lược và nghệ thuật quân sự sẽ vẫn là một yêu cầu cấp thiết của thế kỷ XXI.
Từ kết quả các cuộc chiến tranh trong nửa cuối thế kỷ XX, có thể dự báo được đặc điểm chiến tranh và xung đột cục bộ trong tương lai như sau:
Thứ nhất. Trong vô vàn các nguyên nhân và mâu thuẫn về kinh tế, chính trị - xã hội dẫn tới chiến tranh và xung đột quân sự thì lợi ích của các nước lớn có trình độ phát triển cao, nhiều khi không trực tiếp tham gia vào các hành động quân sự, sẽ có tác động đáng kể nhất đến diễn biến và cục diện các cuộc chiến tranh và xung đội.
Trong thế kỷ XX, nhiều cuộc chiến tranh đã không xảy ra, hoặc đã có thể có các kết cục khác, nếu như các bên tham chiến không nhận được sự giúp đỡ về kinh tế, quân sự, chính trị của các cường quốc lớn. Bằng chứng là sự giúp đỡ của Mỹ đã dẫn đến 4 cuộc chiến tranh giữa các nước Arab và Israel, cuộc chiến tranh Israel xâm lược Liban, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1959 – 1952), cuộc Chiến tranh vùng Vịnh (1990 – 1991). Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ muốn áp đặt lợi ích của họ lên toàn thế giới, trước hết là ở châu Âu, và họ đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư (1999) và hàng loạt các cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông.
Trong thế kỷ XXI, có thể dự báo lợi ích và mâu thuẫn giữa các nước lớn có trình độ phát triển cao sẽ làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa các quốc gia và các giai cấp xã hội khác nhau, tạo tiền đề để châm ngòi chiến tranh. Còn sự giúp đỡ và tham gia trực tiếp của các nước lớn trong các hoạt động quân sự sẽ ảnh hưởng đến diễn biến và cục diện các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự
Thứ hai. Sẽ rất dễ nhận diện được kẻ xâm lược, đó thường là những kẻ chủ trương dùng sức mạnh quân sự để giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh. Trong trường hợp này, cục diện cuộc chiến phụ thuộc rất lớn vào việc các nước bị xâm lược cảnh giác nhận thức rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh mà ho phải tiến hành. Từ đó, các nước bị xâm lược có được sức mạnh có thể làm thay đổi diễn biến cuộc chiến về phía có lợi cho họ và giành chiến thắng trước kẻ xâm lược mạnh hơn nhiều lần. Một bài học điển hình là cuộc kháng chiến của Việt Nam trước Pháp và Mỹ.
Thứ ba. Nhân dân các bên tham chiến cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình đặc biệt nhạy cảm với các tổn thất về dân thường. Nếu trong các cuộc Chiến tranh thế giới của thế kỷ XX, thiệt hại về sinh mạng được coi là sự tất yếu, thì trong các cuộc xung đột cục bộ thế kỷ XXI, thiệt hại về sinh mạng sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến tình hình chính trị - xã hội trong các nước tham chiến. Trong điều kiện đó, ở đâu tính chất chính nghĩa của chiến tranh được nhận thức rõ ràng thì dân chúng thà hy sinh và ủng hộ mạnh mẽ chính phủ và quân đội, sẵn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ lợi ích của đất nước.
Một bài học điển hình là ý chí thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ của nhân dân Việt Nam chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược; ý chí hy sinh đến người cuối cùng của nhân dân Nam Tư để bảo vệ chủ quyền chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của NATO. Trong trường hợp chiến tranh phi nghĩa, tổn thất về sinh mạnh trong chiến tranh có thể có tác động rất tiêu cực đối với toàn bộ xã hội. Do đó, các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ, chính phủ và quân đội các nước sẽ đặc biệt chú ý các biện pháp nhằm hạn chế tổn thất về sinh mạng ở mức thấp nhất.
Thứ tư. Vũ khí chính xác sẽ được sử dụng phổ cập trong các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ nhằm tạo hiệu quả tàn phá đến mức tối đa nhưng lại giảm đến mức thấp nhất về thiệt hại sinh mạng với dân thường. Bằng cách đó bên gây chiến có thể sẽ tránh được nỗi bất bình của dân chúng. Hoặc nếu có chiến tranh xảy ra ở trong nước thì cũng hạn chế được thiệt hại của đông đảo dân chúng không tham gia các hoạt động quân sự.
Thứ năm. Kinh nghiệm các cuộc chiến tranh thế kỷ XX chứng tỏ trong các cuộc xung đột cục bộ, các bên đều tranh thủ mọi điều kiện để lôi kéo đồng minh và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Sự ủng hộ về mặt tinh thần của các nước khác và cộng đồng quốc tế tạo sức mạnh cho các bên tham chiến. Nếu các nước hữu nghị được huy động để giúp đỡ về mặt kinh tế, chính trị - xã hội hoặc để phong tỏa đối phương thì những hành động đó có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến và kết cục xung đột. Sự ủng hộ đó có thể được so sánh như là sự tham gia trực tiếp vào các hoạt động quân sự. Vì thế mà trong những năm gần đây, các nước đi xâm chiếm đã lợi dụng công pháp quốc tế để biện minh cho hành động xâm lược của mình. Một ví dụ điển hình là chiến dịch "Cáo sa mạc” của Mỹ.
Thứ sáu. Tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ trong nửa cuối thế kỷ XX đều sử dụng vũ khí thông thường. Nhưng cũng có một số vũ khí sát thương hàng loạt mà chủ yếu là vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học cũng được sử dụng. Từ đó thấy được loại vũ khí này là một phương tiện có tính chất tối hậu nhằm giải thoát khỏi tình trạng khẩn cấp khi một bên tham chiến không còn đủ lực lượng và phương tiện để tránh khỏi thảm họa về quân sự.
Vũ khí sát thương hàng loạt cũng có thể được sử dụng khi hoàn toàn tin tưởng rằng đối phương không có biện pháp trả đũa thích đáng. Nghĩa là một nước nào đó có vũ khí sát thương hàng loạt sẽ có sức mạnh kiềm chế bên xâm lược mở rộng hoặc leo thang các hành động quân sự và đồng thời kiềm chế đối phương trong việc sử dụng vũ khí tương tự. Chiến tranh hạt nhân mới trong học thuyết quân sự của Liên bang Nga là một minh chứng rõ ràng cho xu hướng này.
  Tàu sân bay là thành phần then chốt trong chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ

Thứ bảy. Quy mô không gian của các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ trong thế kỷ trước thường bị hạn chế trong khu vực có các hoạt động quân sự. Nhưng do có sự phát triển của các phương tiện chiến đấu, phạm vi đó sẽ được mở rộng. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh chứng tỏ hoạt động quân sự trên toàn bộ lãnh thổ của các bên tham chiến vượt ra khỏi khuôn khổ hoạt động của lục quân.
Còn ở chiến tranh Kosovo, không quân NATO đã tiến công vào các mục tiêu nằm rải rác trên toàn bộ lãnh thổ Nam Tư. Như vậy, trong thế kỷ XXI và sau này, các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ mặc dù hạn chế về tính chất và khu vực hoạt động nhưng luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ các bên tham chiến sẽ mở các đòn tấn công ồ ạt trên toàn bộ lãnh thổ đối phương mà không giới hạn trong khu vực giao tranh có các hành động quân sự trực tiếp.
Thứ tám. Chiến tranh trong thế kỷ 21 là chiến tranh chớp nhoáng, tốc độ cao, với thời gian nhanh nhất. Trong thế kỷ XX, thời gian kéo dài chiến tranh và xung đột cục bộ nắm trong một phạm vi rất rộng: Từ 6 ngày trong cuộc chiến tranh lần thứ 3 giữa các nước Arab và Israel (từ ngày 5 đến 10 - 6 – 1967) đến 8 năm trong cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq (1980 – 1988), và phụ thuộc chủ yếu vào việc các bên đã đạt được mục đích của chiến tranh hoặc do cả hai bên đều cạn kiệt về tiềm lực kinh tế, quân sự, chính trị, tinh thần. Qua đó có thể thấy được một số quy luật quan trọng có thể có ý nghĩa trong thế kỷ XXI.
Nếu một trong các bên tham chiến không đạt được mục đích đề ra trong thời gian quy ước thì chiến tranh sẽ kéo dài và đưa đến những kết cục không thể dự báo trước đối với bên gây chiến. Chiến thắng thường nghiêng về bên tiến công và thuộc về bên nào có ưu thế đáng kể về chiến lược quân sự, tâm lý – tinh thần, hỏa lực và công nghệ so với đối phương với thời gian ngắn. Nhưng dễ dàng nghiêng về một cuộc chiến tranh nhân dân 
Trong các cuộc chiến tranh chớp nhoáng, các đội quân được xây dựng trên cơ sở chuyên nghiệp sẽ có ưu thế mạnh hơn các đội quân được xây dựng trên các nguyên tắc tổ chức khác. Tuy nhiên, trong các cuộc chiến tranh kéo dài, ưu thế sẽ thuộc về các đội quân của nước nào được xây dựng trên cơ sở quốc phòng toàn dân bởi vì nước đó có thể huy động toàn bộ nhân dân tham gia chiến tranh và kết cục họ sẽ giành được chiến thắng của một cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Thứ chín. Chiến tranh hiện đại là cuộc chiến tranh dồn nén thời gian, và được kéo dài ra thành nhiều giai đoạn, nhưng thực tế cho thấy, lý thuyết của chiến tranh dồn nén thời gian đến nay vẫn chưa có được một kết quả hoàn hảo. Ngoại trừ cuộc chiến tranh cục bộ chống lại Gruzia. Nếu bên phòng ngự đánh trả được đòn tiến công đầu tiên của đối phương và động viên được đông đảo lực lượng tham gia chiến tranh thì chiến tranh sẽ kéo dài và rất khó đoán được kết cục của chiến tranh.
Cơ sở để giành chiến thắng trong giai đoạn đầu của chiến tranh thường được xây dựng từ trong thời bình và đặc biệt được tăng cường trong thời kỳ chuẩn bị chiến tranh. Trong giai đoạn đầu, bên khởi chiến sẽ tạo ra ưu thế về lực lượng, phương tiện, công nghệ, tiến hành bố trí lại lực lượng, tổ chức bảo đảm vật chất kỹ thuật tại nơi sẽ xảy ra chiến sự. Ngoài ra, họ còn tiến hành các biện pháp phong tỏa kinh tế, chính trị, ngoại giao mà đặc biệt là phong tỏa đối phương về mặt quân sự, tiến hành các hoạt động đặc biệt và sử dụng các lực lượng chống đối để gây mất ổn định tình hình trong nước.
Các khối liên minh sẽ tạo dựng và lôi cuốn các tổ chức quốc tế đứng về phía họ. Trong giai đoạn chuẩn bị thường có các biện pháp phô trương sức mạnh. Trong giai đoạn đe dọa chiến tranh, các bên sẽ tiến hành các chiến dịch chiến tranh thông tin với cường độ cao nhằm tác động mạnh mẽ về mặt tâm lý và tinh thần đối với dân chúng và quân đội của đối phương. Do đó, giai đoạn đe dọa và chuẩn bị chiến tranh có tầm quan trọng đặc biệt và có thể coi như một giai đoạn độc lập và là một trong các diễn biến của xung đột quân sự.
Thứ mười. Các xu hướng cơ bản trong việc phát triển vũ khí trang bị và kỹ thuật quân sự và các phương thức sử dụng đã tạo ra một động lực mới cho sự phát triển nghệ thuật quân sự. Trước hết có thể thấy khả năng cơ động cao của các phương tiện hỏa lực, chiều sâu và độ chính xác của các đòn tiến công hỏa lực cho phép các bên tham chiến tiến công trên suốt chiều sâu đội hình chiến dịch và trên toàn lãnh thổ của đối phương, nhanh chóng thay đổi hướng tiến công nhằm vào các điểm dễ bị tổn thương nhất.
Vì thế, chiến tranh trong thế kỷ XXI sẽ có tính năng động rất cao và phạm vi không gian tác chiến rất rộng lớn, trên vũ trụ, trên không, trên biển, dưới mặt biển và trên mặt đất. Để bảo toàn lực lượng chiến đấu và giảm thiểu tổn thất trước các phương tiện hỏa lực tầm xa và có độ chính xác cao, các lực lượng tác chiến phân tán lực lượng, cơ động và ngụy trang, đồng thời tập trung hỏa lực nhiều chiều vào các hướng tiến công chủ yếu bằng cách kịp thời và nhanh chóng cơ động lực lượng và phương tiện nhằm tiêu diệt mục tiêu.
Chiến tranh hiện đại có tính đặc trưng là nhanh chóng thay đổi hướng tập trung hoặc khu vực tập trung các lực lượng chủ yếu. Được trang bị vũ khí chính xác cao, bộ binh hiện nay thường không tiến hành đột phá hệ thống phòng ngự, mà tìm kiếm các khu vực dễ bị tổn thương nhất hoặc né tránh các khu vực phòng thủ mạnh, nhanh chóng cơ động lực lượng theo chính diện để kịp thời tăng cường lực lượng trên các hướng có nguy cơ bị tấn công.
Trong các cuộc chiến tranh tương lai có thể sẽ không có hành động đột phá phòng ngự theo khái niệm cổ điển. Phương án hay được lựa chọn nhất là vòng tránh các lực lượng phòng thủ mạnh, hoặc sử dụng vũ khí có nguyên lý mới để đột phá hệ thống phòng ngự. Ví dụ trong các cuộc chiến tranh hiện đại có sử dụng xe tăng và vũ khí chống tăng có điều khiển chính xác cao thì vũ khí chống tăng thường có ưu thế hơn. Do đó, xe tăng và các phương tiện bọc thép khác được sử dụng chủ yếu để phát triển kết quả sát thương và hủy diệt của vũ khí hiện đại, để nhanh chóng cơ động lực lượng và bảo vệ bộ đội trong quá trình chiến đấu.
  Tàu ngầm hạt nhân là phương tiện răn đe trong bộ ba hạt nhân của các cường quốc quân sự
Các trận đánh và các hoạt động chiến đấu sẽ được tiến hành theo các hướng độc lập khác nhau trong đội hình chiến dịch. Các hệ thống chỉ huy, trinh sát và chiến tranh điện tử sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu. Ngày nay, trinh sát và tác chiến điện tử không còn là hình thức bảo đảm chiến đấu, mà là một lực lượng chiến đấu thực sự. Trong tương lai, các lực lượng và phương tiện này sẽ là một bộ phận đặc biệt hợp thành đội hình chiến dịch. Vì thế, đó là các lực lượng và phương tiện tác chiến điện tử được các bên ưu tiên tiêu diệt đầu tiên nhằm làm giảm hiệu quả chiến đấu của đối phương.
Hiện nay, các nước công nghiệp phát triển đưa các phương tiện trinh sát, dẫn đường và truyền thông vào vũ trụ. Do đó, các biện pháp triển khai chiến tranh thông tin trong các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ sẽ tiến hành chủ yếu từ vũ trụ. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, khả năng tăng cường năng lực tác chiến của lực lượng vũ trụ quân sự sẽ ngày càng tăng.
Trong điều kiện hiện đại, khi hỏa lực của vũ khí sát thương trở thành một yếu tố quyết định sự thành bại của chiến trường thì vai trò của không quân và tên lửa chiến trường sẽ tăng lên vượt bậc trong các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ. Quân đội các nước có công nghệ phát triển cao có khả năng tiến công trên toàn bộ lãnh thổ của đối phương và tiến công có chọn lọc vào các mục tiêu ảnh hưởng sức mạnh toàn bộ tiềm lực kinh tế - quân sự của đối phương.
Kinh nghiệm chiến tranh vùng Vịnh và chiến tranh Kosovo chứng tỏ do khả năng chiến đấu ngày càng tăng của các loại máy bay và các phương tiện tiến công đường không, nên trong chiến tranh tương lai sẽ không sử dụng các phi đoàn không quân tiến quân ồ ạt mà sẽ sử dụng các cụm máy bay tấn công ngoài đường chân trời hoặc các tốp máy bay tàng hình, máy bay không người lái kết hợp với các loại tên lửa và vũ khí thông minh. Không quân và tên lửa hiện đại có khả năng tiến công từ những khoảng cách an toàn. Do đó, bên phòng thủ phải áp dụng phối hợp nhiều phương thức khác nhau trong hoạt động phòng không. Đặc biệt, cần chú trọng bảo vệ hạ tầng cơ sở như giao thông, truyền thông và các cơ sở năng lượng, các cơ quan đầu não. Từng bước, các lực lượng phòng không cũng phải vươn đến tận vị trí xuất phát của vũ khí tiến công, mà hệ thống phòng không S-400 là một điển hình.
Thứ mười một. Hình thành loại hình chiến tranh nhằm vào hệ thống chỉ huy và điều khiển học, gọi tắt là chiến tranh chỉ huy điều khiển, bao gồm các đặc trưng sau:
Hệ thống lãnh đạo chỉ huy có trình độ cao là "bộ não” của chiến tranh có điều khiển. Thực tiễn các cuộc Chiến tranh hiện đại đã chứng tỏ nếu bộ máy chỉ huy không có tri thức hiện đại thì không thể chỉ huy các hoạt động tác chiến với trang thiết bị hiện đại, không gian chiến trường đa dạng.
Chiến tranh có điều khiển đã đặt ra yêu cầu rất cao về trình độ tổng hợp của người chỉ huy. Một là, phải có trình độ tri thức cao. Trình độ tri thức của người chỉ huy có ảnh hưởng rất rõ đến thắng thua trong chiến tranh công nghệ cao. Hai là, có trình độ và năng lực ra quyết định độc lập cao.
Người chỉ huy hiện đại cần phải có quan điểm toàn cục và tư duy chiến lược, chiến thuật khoa học, có trình độ lý luận quân sự và lý luận quân sự phù hợp với chiến tranh thông tin, có quan điểm mới về giành thắng lợi trên chiến trường bằng chiến tranh thông tin, nắm bắt khả năng tác chiến của địch, hiểu sâu sắc năng lực thực tiễn của ta, hiểu biết sâu sắc chiến trường, có khả năng phân tích tổng hợp, khả năng xử lý thông tin cao và đưa ra những quyết định chính xác. Phải nắm được tri thức ngành công nghệ thông tin và lý luận mới về tác chiến trong môi trường thông tin, có hiểu biết cao về khoa học kỹ thuật hiện đại tương thích với tác chiến thông tin, thành thạo sử dụng công nghệ thông tin để chỉ huy tác chiến.
Quyền kiểm soát thông tin là tiêu điểm của chiến tranh có điều khiển. 
Trong thế kỷ XXI, thông tin là nguồn tài nguyên quan trọng gắn bó với mọi hoạt động tác chiến, trở thành cơ sở vật chất của tác chiến thông tin và của mọi lĩnh vực có liên quan đến tác chiến thông tin như chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa...Trong chiến tranh có điều khiển, ai nắm được nhiều nguồn thông tin, bên đó sẽ có khả năng giành quyền chủ động trên chiến trường.
Trong điều kiện chiến tranh thông thường, đối tượng chỉ huy điều khiển của hai bên tham chiến là con người và trang bị vũ khí tạo thành các đơn vị tác chiến riêng lẻ, theo các nhiệm vụ được giao. Trong chiến tranh tương lai, hai bên tham chiến phải dựa ngày càng nhiều vào thu thập, xử lý và trao đổi thông tin. Nắm quyền chủ động về thông tin chiến trường sẽ trở thành tiêu điểm giành giật của hai bên tham chiến. Chiến tranh có điều khiển sẽ được triển khai xoay quanh khả năng thu thập, kiểm soát và xử lý thông tin – mạng thông tin, ra quyết định thực hiện nhiệm vụ.
Nhất thể hóa các biện pháp tiến công "cứng” với tiến công "mềm”. Các biện pháp tác chiến cơ bản của chiến tranh có điều khiển là sử dụng tổng hợp các đòn "tiến công mềm” và "tiến công cứng”, nhằm gây nhiễu, phá hoại và làm tê liệt hệ thống điều hành các hoạt động tác chiến của đối phương.
Tiến công "phẫu thuật ngoại khoa” nhằm thực hiện các đòn đánh mang tính lựa chọn cao nhằm đúng vào các bộ phận then chốt trong hệ thống C3I của đối phương. Trong chiến dịch "’Bão táp sa mạc”, quân đội Mỹ đã xếp nhà máy điện của Iraq vào vị trí thứ 2 trong 12 cụm mục tiêu ưu tiên đánh trước và đã tiến hành những đòn tiến công bằng hỏa lực đường không quy mô lớn và mạnh mẽ vào đó, phá hoại nghiêm trọng các nhà máy điện, cắt đứt nguồn điện dùng cho toàn bộ hệ thống thông tin, truyền thông và chỉ huy của quân đội Iraq, khiến cho hệ thống chỉ huy tác chiến của quân đội Iraq hỗn loạn. Cách đánh này được gọi là tác chiến "phẫu thuật ngoại khoa” làm tê liệt hệ thống chỉ huy, hủy hoại toàn bộ khả năng phản ứng điều hành chiến tranh. 
Tiến công mạng. Thông qua hệ thống máy tính để tiến công hệ thống C3I của đối phương. Trong chiến tranh Kosovo, đồng thời với việc dốc sức đánh trả các cuộc tiến công của NATO, Nam Tư còn mở "chiến trường thứ 2” trên mạng, thông qua mạng Internet tập kích hệ thống máy tính của NATO, làm cho một bộ phận mạng máy tính của các nước thành viên trong NATO bị rối loạn, từ đó thông tin liên lạc của quân đồng minh bị xáo trộn.
Gây nhiễu, Đánh lừa và phong tỏa thông tin, làm suy yếu và hủy hoại khả năng trực tiếp thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin chiến trường của đối phương. Trong cuộc Chiến tranh Kosovo, cả NATO và Nam Tư đặc biệt coi trọng nhiệm vụ chế áp thông tin. Trong toàn bộ quá trình tác chiến, các bên đã sử dụng các phương thức kỹ thuật để tung vào hệ thống truyền thông khối lượng khổng lồ thông tin giả và chế áp, bảo mật nghiêm ngặt mọi nguồn thông tin.
Hệ thống C4I2 là trụ cột của chiến tranh có điều khiển. Hệ thống C4I2 là hạt nhân của chiến tranh có điều khiển. Trong Chiến tranh Kosovo, Nam Tư có 15 máy bay Mig-29, trong vòng 3 ngày đã bị NATO bắn rơi 5 chiếc. Nguyên nhân chủ yếu là vì NATO có hệ thống C4IRS tiên tiến, có thể phát hiện kịp thời các máy bay của Nam Tư và nhanh chóng điều máy bay đến đánh chặn. Trên chiến trường hiện đại, tác dụng của các loại vũ khí hiện đại ngày càng suy giảm. Hoạt động đối kháng giữa hệ thống vũ khí với hệ thống vũ khí trang bị của đối phương đã trở thành đặc điểm quan trọng trên chiến trường kỹ thuật cao tương lai.
Chỉ có thông qua hệ thống tự động hóa chỉ huy tác chiến mới có thể liên kết các hệ thống vũ khí lại với nhau tạo thành một chỉnh thể hoàn hảo vận hành linh hoạt, phát huy triệt để hiệu quả liên kết phối hợp lớn nhất của vũ khí hiện đại. Hệ thống C4I2 còn là hạ tầng công nghệ không thể thay thế được trong việc nắm quyền kiểm soát thông tin chiến trường và nâng cao vượt bậc khả năng phản ứng nhanh, diễn biến linh hoạt trên chiến trường. Sử dụng các phương tiện hỗ trợ ra quyết định thông minh, tự động hóa vừa có thể phát huy ưu thế của con người, lại có thể phát huy tác dụng to lớn của kỹ thuật cao, nâng cao tốc độ, chất lượng của quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy.
Những mưu đồ chính trị và ý đồ chiến lược, chiến thuật là yếu tố nhân bội sức mạnh trong chiến tranh có điều khiển. Thực tiễn chiến tranh đã chứng minh việc triển khai các thủ đoạn và sức ép chính trị trước, triển khai binh lực sau vẫn là một chân lý phổ biến. Chiến tranh có điều khiển là cuộc "chiến tranh trí tuệ” trong chiến tranh công nghệ cao, nên việc đối kháng mưu lược trong chỉ huy càng quyết liệt và quan trọng. Các cuộc chiến tranh cục bộ vừa qua chứng tỏ mưu lược là yếu tố nhân bội sức mạnh trong chiến tranh có điều khiển.
Trịnh Thái Bằng

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Trung Quốc đang lo ngại mất “con bài” Campuchia vào tay phương Tây?

Trung Quốc đang lo ngại mất “con bài” Campuchia vào tay phương Tây?

Bắc Kinh hiểu rằng bất ổn chính trị của Campuchia không những ảnh hưởng đến ổn định khu vực, mà còn gây cản trở đến chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN. Hơn nữa, nếu không ngăn chặn được sự trỗi dậy của phe đối lập (cụ thể là CNRP) thì nó sẽ để lại hệ quả không khác gì phong trào Cách mạng Mùa xuân Ả-rập ở Trung Đông (Arab Spring).

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến thăm chính thức hai ngày (21-22/8) tới Vương quốc Campuchia. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Cappuchia vừa mới trải qua một cuộc bầu cử quốc hội gây nhiều tranh cãi với thắng lợi không thực sự thuyết phục của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen trước đảng Cứu quốc Campuchia của ông Sam Rainsy.
Bên cạnh đó, chuyến công du Phnom Penh của Vương Nghị cũng trùng với dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia – Trung Quốc.
Tại cuộc tiếp xúc với người đồng nhiệm bên phía Campuchia Hor Nam Hong, Ngoại trưởng Vương Nghị cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, đồng thời Trung Quốc sẽ tiếp tục trợ giúp cho Campuchia về phát triển kinh tế, xã hội và ngăn chặn “những sự nhiễu loạn của các phần tử bên ngoài”.
Thủ tướng Campuchia Hunsen tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ông Nghị cũng hối thúc Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhanh chóng giải quyết những bất đồng về chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua của nước này để thành lập một chính phủ mới. Nhìn từ góc độ khác, ẩn sâu bên trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc còn có những mục tiêu chính trị khác trong quan hệ với Campuchia.
Từ lâu, Campuchia được coi là một trong những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 9.17 tỉ USD để viện trợ và đầu tư vào nước này. Bằng khoản tiền khổng lồ đó, Trung Quốc đã gây áp lực lên Campuchia về mặt chính trị để qua đó tạo được lợi thế trong quan hệ với các quốc gia ASEAN.
Phnom Penh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Bắc Kinh tạo ảnh hưởng đến các nước khác trong các vấn đề khu vực, nhất là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mà Myanmar – một đối tác quan trọng khác của Trung Quốc trong khu vực – lại đang ngả dần về phía các nước phương Tây sau những cải cách gần đây về mặt chính trị, cộng thêm việc Tổng thống Mỹ Obama vừa có chuyến thăm tới Phnom Penh hồi cuối năm 2012 với mục đích đẩy mạnh quan hệ Mỹ-Campuchia, rõ ràng Trung Quốc không muốn để mất con bài Campuchia vào tay phương Tây.
Thời gian vừa qua, đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) liên tục khiếu kiện về chiến thắng của CPP trong cuộc bầu cử Quốc hội, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc kiểm phiếu lại dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc, tuy nhiên phía CPP đã từ chối yêu cầu của phe đối lập.
Ông Hunsen và ông Tập Cận Bình.
Điều này có thể dẫn đến khả năng bế tắc chính trị ở Campuchia với việc CNRP đòi tẩy chay Quốc hội mới và chính phủ mới, thậm chí tình hình sẽ có thể xấu hơn nữa với các cuộc biểu tình lớn nếu như kết quả bầu cử không được xem xét lại.
Bắc Kinh hiểu rằng bất ổn chính trị của Campuchia không những ảnh hưởng đến ổn định khu vực, mà còn gây cản trở đến chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN. Hơn nữa, nếu không ngăn chặn được sự trỗi dậy của phe đối lập (cụ thể là CNRP) thì nó sẽ để lại hệ quả không khác gì phong trào Cách mạng Mùa xuân Ả-rập ở Trung Đông (Arab Spring).
Bắc Kinh không hề mong muốn điều này xảy ra vì một khi phong trào dân chủ ở Campuchia phát triển, nó có thể kéo theo sự can thiệp và gia tăng ảnh hưởng mạnh hơn của Mỹ và phương Tây trong khu vực.
Do đó, việc ông Vương Nghị hối thúc ông Hun Sen nhanh chóng thành lập chính phủ mới cho thấy dù không can thiệp vào nội bộ chính trị của Campuchia, nhưng trong thâm tâm Trung Quốc không muốn để “mất” Campuchia chỉ vì những bất ổn chính trị của nước này.
Về phía CPP, dù giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này nhưng ông Hun Sen và đảng CPP phải đối mặt với nhiều bất lợi trong nước và mất đi sự ủng hộ của phương Tây. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị như là một liều thuốc làm gia tăng hơn nữa sự tự tin của CPP khi ông Hun Sen biết có sự ủng hộ của Trung Quốc phía sau.
Tuy nhiên việc dựa vào Trung Quốc cũng có những giới hạn nhất định. Bên cạnh các yếu tố như kinh tế xã hội, kết quả của cuộc bầu cử vừa qua còn là sự thể hiện thái độ bất mãn của người dân Campuchia trước việc chính phủ Hun Sen để cho Trung Quốc thao túng quá nhiều về mặt kinh tế và chính trị của nước này trong những năm qua.
Biểu hiện rõ nhất là sự ủng hộ của Campuchia đối với Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 7/2012, khiến lần đầu tiên trong lịch sử của mình ASEAN không thể đưa ra được tuyên bố chung.
Do đó, sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, ông Hun Sen đang phải đối mặt với một bài toán khó là có nên tiếp tục dựa vào Trung Quốc trong thời điểm này hoặc giải tỏa mối lo ngại của công chúng Campuchia về việc bị Trung Quốc thao túng bằng cách tăng cường hơn nữa quan hệ với phương Tây hay không.
Hiện tại hãy còn quá sớm để nói về một sự thay đổi lớn trong quan hệ Trung Quốc – Campuchia. Và với chuyến thăm của Vương Nghị, Trung Quốc đã cho thấy sự cảnh giác của họ trước tình hình chính trị phức tạp tại Campuchia hiện nay và không muốn mất ảnh hưởng của mình tại đây với nhiều hệ lụy xấu đi kèm.
Còn với ông Hun Sen, cuộc bầu cử vừa rồi cùng với chuyến thăm của ông Nghị như là một lời cảnh tỉnh với CPP rằng nếu không điều chỉnh quan hệ với Bắc Kinh một cách hợp lý thì uy tín của của CPP cả ở trong nước lẫn ngoài quốc tế sẽ tiếp tục bị suy giảm.
(BGD)

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Nhật Bản trong lòng Châu Á

Nhật Bản trong lòng Châu Á


Nguồn: Green, Michael (2008). “Japan in Asia”, in David Shambaugh & Michael Yahuda (eds), International Relations of Asia (Maryland: Rowman & Littlefield Publishers), pp. 170-191.
Biên dịch: Đinh Nguyễn Lan Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong bài luận vào cuối thời kỳ Tokugawa, Lý luận của ba kẻ say về Chính phủ, Nakae Chomin đã hình dung ra một vị chủ nhà vào một buổi tối đã cùng hai người bạn rượu của mình tranh cãi trong hơi men về tương lai của Nhật Bản ở châu Á. Một trong hai bạn rượu của ông ta là một “quý ông Tây học”, ăn mặc theo phong cách phương Tây và ca tụng những ưu điểm của dân chủ, quyền cá nhân và phát triển kinh tế. Người kia mặc quần áo truyền thống của một samurai và bảo vệ cho chiến lược chính trị hiện thực của việc bành trướng quân sự nhằm hất cẳng Trung Quốc và nước Anh địch thủ, trở thành một thế lực đế quốc có sức ảnh hưởng lớn ở châu Á. Cuối cùng, vị chủ nhà đã kết luận rằng Nhật Bản phải cân bằng cả hai, phải nắm lấy tri thức phương Tây và phát triển kinh tế đồng thời mở rộng thế lực của Nhật Bản tại châu Á. Kết luận này đã khiến người đọc ý thức sâu sắc về mâu thuẫn không giải quyết được giữa hai tầm nhìn tương lai của Nhật Bản nổi lên trong giai đoạn xuất hiện những Con tàu đen của Thuyền trưởng Perry và cải cách Minh Trị này.1
Tìm kiếm chiến lược
Ít có quốc gia nào trong lịch sử dằn vặt với sự ngờ vực chính chiến lược quốc gia của mình như Nhật Bản. Càng có ít đất nước kiên định với lợi ích quốc gia hoặc ý thức sâu sắc về các mối quan hệ quyền lực xung quanh họ như đất nước này. Đối với Nhật Bản, những yếu tố giúp định hướng chiến lược quốc gia về cơ bản vẫn y hệt như thời kỳ Lý luận của ba kẻ say về Chính phủ: theo đuổi quyền tự trị và vị thế được tôn trọng trong hệ thống quốc tế dựa trên sự tính toán về sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc (cùng với Triều Tiên như là một chất xúc tác khác) và sự chung sống với cấu trúc quyền lực quốc tế hiện hành.2 Mặc dù các yếu tố định hướng này đã không đổi trong suốt lịch sử Nhật Bản hiện đại, các công cụ được sử dụng lại đa dạng một cách đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, Nhật Bản đã tự cách tân bản thân ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử để tối đa hóa nguồn lực sức mạnh quốc gia và quyền tự trị tương đối của mình phù hợp với bối cảnh hệ thống quốc tế trong từng giai đoạn. Có lúc, Nhật Bản đã đi theo con đường của quý ông Tây học; khi khác thì lại đi theo con đường của một quý ông truyền thống.
Vào cuối thế kỷ 19, các nhà lãnh đạo thời Minh Trị đưa ra chiến lược dựa trên khẩu hiệu bốn chữ fukukoku kyohei hay “phú quốc/cường binh”, vận dụng Tây học để xây dựng quốc gia cường thịnh và từ đó tạo ra một lực lượng hải quân và quân đội hiện đại. Kết quả thật đáng kinh ngạc, từ năm 1860 đến năm 1938, tỉ lệ GDP của Nhật Bản trong GDP thế giới tăng từ mức chỉ 2,6% lên 3,8%; trong khi Nhật Bản đã khẳng định bản thân mình là một đối thủ tranh giành sự thống trị một nửa thế giới.3 Việc đánh bại Trung Quốc năm 1895 và Nga năm 1905 đã truyền sức mạnh cho các nhà dân tộc chủ nghĩa trẻ và những người chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn châu Á; và các nhà chiến lược Nhật Bản đã phôi thai nên một chủ nghĩa Liên Á mang tính lý tưởng chủ nghĩa dựa trên kinh nghiệm của chính Nhật Bản vềwakon/yosai, hay còn gọi là “tinh thần Nhật Bản và Tây học”. Chủ nghĩa lý tưởng Liên Á đó đã sớm nhường chỗ cho một trật tự đế quốc chủ nghĩa xấu xí hơn gấp nhiều lần mà cơ sở là hệ thống thứ bậc truyền thống của châu Á cùng một sự kết hợp đầy nguy hiểm giữa tâm lý mất an ninh chống lại phương Tây cộng với sự áp bức dựa trên sức mạnh ưu việt chống lại các quốc gia phương Đông. Nhật Bản cũng đã mắc sai lầm khi liên minh với Đức Quốc xã khi nhầm lẫn về các xu thế trong cấu trúc quyền lực thế giới. Kết quả là một thảm họa cho cả Nhật Bản lẫn châu Á.
Sau chiến tranh, Nhật Bản buộc phải thích nghi với cấu trúc quyền lực thế giới mới dưới sự ảnh hưởng của đế quốc Mỹ và sắp xếp lại các thể chế của mình để tối đa hóa sức mạnh và quyền tự trị của Nhật Bản trong bối cảnh mới. Dưới sự cai trị đầy khéo léo của Thủ tướng Yoshida Shigeru, Nhật Bản đã tiếp nhận các thể chế dân chủ và thiết lập quan hệ liên minh với Mỹ, đồng thời đảm bảo rằng Điều 9 Hiến pháp về chủ nghĩa hòa bình được thể chế hóa trong luật pháp và chính sách quốc gia nhằm không rơi vào cái bẫy chiến lược Chiến tranh lạnh của Mỹ. Nhật Bản chỉ xây dựng quốc phòng ở mức tối thiểu để duy trì cam kết quân sự với Mỹ đồng thời tập trung vào việc khôi phục kinh tế và theo đuổi mối quan hệ mới với châu Á – bao gồm cả Trung Quốc – dựa trên thương mại.
Vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh, nhiều nhà chiến lược Nhật Bản bắt đầu tranh luận rằng mô hình mới về phát triển kinh tế của Nhật Bản đã vượt qua chủ nghĩa tư bản truyền thống và sẽ đưa Nhật Bản vào vị trí của một chủ thể có sức ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 21, tự do theo đuổi các chính sách đối ngoại “độc lập” và định hình một trật tự kinh tế châu Á mới mà không có các công cụ quân sự truyền thống, đồng thời liên minh với siêu cường độc nhất trên thế giới nhưng không phụ thuộc vào nó. Tuy nhiên, viễn cảnh này đã bị phá vỡ vào những năm 1990 khi Nhật Bản lặng im không hành động trong suốt Chiến tranh Vùng Vịnh, đánh mất mô hình kinh tế khả tín sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng, không thể tận dụng sự phục thuộc lẫn nhau về kinh tế nhằm định hình sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc về quân sự và chiến lược, và bị đe dọa bởi một Bắc Triều Tiên theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân. Sau gần một thập kỷ dao động và không chắc chắn, Nhật Bản bắt đầu lấy lại niềm tin với Thủ tướng Koizumi Junichiro (2001-2006) và thu hút sự chú ý của thế giới với một sự quyết đoán mới về an ninh quốc tế và nới lỏng những ràng buộc hậu chiến truyền thống liên quan đến Điều 9 Hiến pháp. Nhưng sau đó, chiến lược quốc gia của Nhật dường như lại tiếp tục trở nên thiếu rõ ràng khi người kế nhiệm Koizumi, Abe Shinzo, đã vướng phải những vấp váp chính trị vào năm 2007.
Việc tìm kiếm chiến lược của Nhật Bản đã làm phức tạp và phong phú thêm các thuyết về quan hệ quốc tế. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cấu trúc truyền thống như Henry Kissinger và Herman Kahn đã lập luận rằng không thể tưởng tượng được Nhật Bản lại có thể phát triển sức mạnh kinh tế mà không thiết lập sức mạnh quân sự bao gồm cả vũ khí hạt nhân tương xứng.4 Những người theo chủ nghĩa kiến tạo như Peter Katzenstein đã phát triển những lý thuyết có thể khái quát hóa được xung quanh ví dụ về Nhật Bản bằng cách cho rằng văn hóa chính trị Nhật Bản thực sự đã thay đổi do chủ nghĩa hòa bình được củng cố thông qua các chuẩn tắc hậu chiến và các thể chế dựa trên Điều 9 Hiến pháp.Các thuyết xét lại của ngành kinh tế chính trị quốc tế đã nở rộ trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 với ý tưởng rằng trên thực tế Nhật Bản đã xây dựng một mô hình mới về tăng trưởng kinh tế theo hướng pha trộn công nghệ và chủ nghĩa dân tộc cùng các mạng lưới sản xuất ở châu Á.6Richard Samuels và Eric Heginbotham đã quay trở lại với các thuyết hiện thực về quan hệ quốc tế để cho rằng hành vi của Nhật Bản là theo chủ nghĩa hiện thực, nhưng dựa trên tư tưởng chủ nghĩa hiện thực “trọng thương” mới hơn là các khái niệm lấy sức mạnh quân sự làm trọng tâm truyền thống của thuyết tân hiện thực hay các biến thể khác gần đây của lý thuyết kinh tế.7 Tôi đã lập luận trong bài Japan’s Reluctant Realism [Chủ nghĩa hiện thực miễn cưỡng của Nhật Bản] năm 2001 rằng văn hóa chiến lược của Nhật Bản đang chuyển từ chủ nghĩa hòa bình truyền thống và bị động sang hành vi cân bằng quyền lực rõ ràng hơn nhằm ứng phó với sự gia tăng những đe dọa từ bên ngoài cũng như thất bại của các công cụ kinh tế truyền thống trong việc giúp nước này tăng cường an ninh.8 Trong nghiên cứu quan trọng về lịch sử và sự hồi sinh của tư tưởng chiến lược Nhật Bản, Kenneth Pyle đã đưa ra luận điểm rất thuyết phục vào năm 2007 rằng Nhật Bản luôn luôn theo chủ nghĩa hiện thực và đang ngược lại quá khứ theo nhiều khía cạnh bởi nó đang muốn đòi lại quyền lợi của mình ở châu Á.9
Điều nổi lên từ các nghiên cứu khác nhau về tư tưởng chiến lược Nhật Bản là quá trình rõ ràng trong việc thử nghiệm và khám phá những công cụ cho phép Nhật Bản tối đa hóa quyền tự trị và quyền lực theo hai yếu tố định hướng được nêu trước đó: tính toán sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc (và Triều Tiên) và sự chung sống với cấu trúc quyền lực quốc tế hiện hành. Nhưng các thể chế và chuẩn tắc của Nhật vẫn cứng nhắc và không linh hoạt, gây khó khăn cho việc tìm kiếm một chiến lược mới ngay cả khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản nỗ lực một lần nữa để sắp xếp lại bộ công cụ của mình khi mà bối cảnh địa chính trị châu Á đang bước vào một giai đoạn bất ổn.
Phần còn lại của chương này sẽ nói rõ hơn về bộ công cụ đó, đánh giá những gì đã hoặc không có hiệu quả đối với Nhật Bản trong bối cảnh châu Á ngày nay và những yếu tố nào có khả năng là tiêu biểu nhất cho chiến lược của Nhật Bản trong những năm tiếp theo. Chương này được chia thành năm phần. Phần một bắt đầu với việc xem xét những công cụ được coi là hứa hẹn nhất cho tới cách đây một thập kỷ – mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc và vai trò lãnh đạo về kinh tế trong việc mang lại một trật tự mới cho khu vực – và cách thất bại trong những lĩnh vực này đã thay đổi chiến lược của Nhật Bản và việc sử dụng những công cụ đó ngày nay như thế nào. Phần hai sẽ xem xét sự quay trở lại của Nhật Bản với trọng tâm chiến lược của nó ở châu Á: liên minh với Mỹ, các cơ hội và sự phức tạp mà liên minh này mang lại. Phần thứ ba khảo sát chiến lược cân bằng của Nhật Bản ở châu Á trong ba lĩnh vực. Phần thứ tư đánh giá chiến lược của Nhật Bản trong việc định hình sự hội nhập và xây dựng thể chế ở khu vực. Phần thứ năm xem xét lại những vấn đề lịch sử để lại, tại sao giới lãnh đạo Nhật Bản lại gặp khó khăn trong việc giải quyết chúng, và đâu là những lĩnh vực mà những vấn đề đó làm hoặc không làm phương hại ảnh hưởng của Nhật Bản. Cuối cùng, chương này sẽ kết thúc với việc xem xét lại những biến số có thể khiến Nhật Bản đi theo một hướng khác bằng một bộ công cụ hoàn toàn khác so với bộ công cụ đã được xem xét ở đây.
Nhân tố Trung Quốc
Khi Nhật Bản trỗi dậy từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai và chuẩn bị tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế, giới tinh hoa theo xu hướng bảo thủ đã đưa ra những ý kiến khác nhau về việc một Nhật Bản dân chủ hóa hoàn toàn mới sẽ đóng một vai trò như thế nào. Một số quan chức cũ của Bộ Công thương, như Kishi Nobusuke, muốn liên minh chặt chẽ với Mỹ để chống lại chủ nghĩa cộng sản, thậm chí hợp tác [với Mỹ] sau chiến tranh Triều Tiên nhằm biến Nhật Bản trở thành một kho vũ khí ở châu Á. Trong khi đó, những người khác, như lãnh đạo Đảng Dân chủ Hatoyama Ichiro, lại muốn độc lập hơn với Mỹ thông qua việc ký một Hiệp ước Hòa bình với Nga (đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ký) và sửa đổi lại Hiến pháp Nhật Bản. Nhưng các bên khác vẫn muốn tránh việc tăng cường quân đội vì lo sợ điều này sẽ đưa Nhật Bản đi theo lối mòn chiến tranh một lần nữa. Các phe phái khác nhau này đã được kéo vào cùng một liên minh cầm quyền bởi Yoshida Shigeru, người đã đưa ra một chiến lược đơn giản cho Nhật Bản vốn gom tất cả những chính trị gia theo xu hướng bảo thủ vào cùng một mái nhà và đảm bảo rằng liên minh đó sẽ thống trị nền chính trị Nhật Bản và gạt những người theo tư tưởng xã hội và cộng sản ra lề trong suốt nửa thế kỷ tới.
Tuy nhiên, bên dưới mái nhà bảo thủ đó cũng có những ý kiến trái chiều về châu Á và đặc biệt là Trung Quốc. Yoshida đã đưa ra quan điểm chính xuyên suốt căn cứ trên một giả định sáng suốt rằng Trung Quốc cộng sản cuối cùng cũng dứt ra khỏi Liên Xô và xích lại gần Nhật Bản vì lý do thương mại. Trong khi những người bảo thủ “chống lại quan điểm chính thống này” tiếp tục ủng hộ Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan), những người thuộc phe Yoshida đã đảm bảo rằng Nhật Bản sẽ tránh vướng vào vấn đề an ninh của Đài Loan hoặc đối đầu với Bắc Kinh theo ủy quyền của Mỹ. Thủ tướng Sato Eisaku đã đồng ý trong một bản tuyên bố chung với Tổng thống Nixon rằng Nhật Bản có lợi ích trong việc đảm bảo ổn định eo biển Đài Loan vào năm 1969, nhưng ông làm vậy chỉ bởi muốn có được cam kết của Nixon trong việc trả lại chủ quyền Okinawa cho Nhật Bản. Không có bước tiếp theo nào trong quốc phòng hay chiến lược đối ngoại. Trên thực tế, trong cùng thời điểm, Nhật Bản đã âm thầm mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc thông qua quan hệ thương mại bán chính thức “L-T” (Liao Chengzhi và Tatsunosuke Takasaki), và sau chuyến thăm năm 1972 của Kissinger đến Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Tanaka Kakuei đã ngay lập tức bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh (tròn bảy năm trước khi Washington thực hiện điều này). Năm 1978, Nhật Bản và Trung Quốc đã ký Hiệp ước Hữu nghị, cho phép Trung Quốc bắt đầu các khoản vay bằng đồng yên, vốn được Nhật Bản coi là viện trợ, còn Bắc Kinh lại coi đó là khoản đền bù chiến tranh của Nhật cho Trung Quốc (lên tới hơn 1 tỷ đô la Mỹ vào thời điểm cao nhất đầu những năm 1990). Nhật Bản cũng đóng vai trò môi giới để giúp Trung Quốc và phương Tây hàn gắn lại với nhau sau sự kiện Thiên An Môn ngày 6/4/1989, phá vỡ chế độ trừng phạt của phương Tây đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Houston năm 1990. Sự tiên đoán của Yoshida chính xác một cách kỳ lạ, và những trí thức Nhật Bản bắt đầu ủng hộ cho một mối quan hệ tay ba “cân bằng” hơn giữa Bắc Kinh, Washington và Tokyo.
Tuy nhiên, giữa những năm 1990, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc đột nhiên bắt đầu thay đổi. Yoshida đã đúng về mức độ phụ thuộc lẫn nhau của kinh tế Trung-Nhật, nhưng ông không lường trước được những khó khăn trong việc dùng sự phụ thuộc lẫn nhau này để định hình hành vi ứng xử của Trung Quốc. Bước ngoặt đã xảy ra vào ngày 15/5/1995, khi Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại cơ sở Lop Nor. Các nhà ngoại giao Nhật Bản đã cảnh báo rằng mối quan hệ kinh tế Trung – Nhật và việc cho vay bằng đồng yên sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc thử nghiệm này, và các đảng phái chính trị Nhật Bản dù theo xu hướng gì cũng đều chỉ trích Bắc Kinh. Nhưng các cuộc thử nghiệm vẫn được tiến hành. Tháng 3/1996, Trung Quốc đã bắn tên lửa xung quanh đảo Đài Loan. Tháng 4 năm đó, Nhật Bản và Mỹ đã tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật trong Tuyên bố an ninh chung giữa Thủ tướng Hashimoto Ryutaro và Tổng thống Bill Clinton, và Tokyo đã đồng ý sửa đổi đường lối quốc phòng để lên kế hoạch không chỉ cho những bất trắc trong Chiến tranh Lạnh xuất phát từ việc Liên Xô có thể tấn công trực diện vào Nhật Bản, mà còn cho “những tình huống xảy ra xung quanh Nhật Bản gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nước này”. Trong suốt thập kỷ tiếp theo, sự cạnh tranh Trung-Nhật đã trở thành một đặc điểm không thể nhầm lẫn trong quan hệ quốc tế châu Á.
Những kinh nghiệm từ những năm 1990 đã cho công chúng và lãnh đạo Nhật Bản thấy các ý định của Trung Quốc không chắc chắn như thế nào và việc Nhật Bản thiếu trang bị ra sao trong việc định hình hành vi ứng xử của Trung Quốc: các công cụ kinh tế kém hiệu quả so với dự kiến và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên đến hai con số một lúc trong khi Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài và không thể vượt được mức tăng trưởng 2% mỗi năm ngay cả trong kịch bản tốt nhất. Các mối đe dọa ngoại giao và quân sự cụ thể cũng gia tăng trong thập kỷ tiếp theo. Sách trắng quốc phòng Nhật Bản tăng dần mức độ cảnh báo của mình về việc Trung Quốc tăng cường quân đội, với lưu ý trong năm 2007 rằng Trung Quốc đã nắm giữ một “con số đáng kể” các IRBM/MRBM (tên lửa đạn đạo tầm trung-xa/ tầm trung) có thể nhắm tới Nhật Bản, bao gồm DF-3 và DF-21, cùng với các chương trình phát triển tên lửa hành trình, tàu ngầm mới và một kho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư đang gia tăng bao gồm J-10, Su-27 và Su-30.10 Một tàu ngầm Trung Quốc đã đi vòng quanh Nhật Bản vào năm 2004 và sau đó đã xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản năm 2005, và 3 tàu khu trục Trung Quốc đã chĩa nòng súng vào máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản vốn đang giám sát các hoạt động xung quanh đảo Điếu Ngư vào năm 2005.11 Trên mặt trận ngoại giao, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động hành lang khắp châu Á và châu Phi vào năm 2005 nhằm chống lại những nỗ lực của Nhật Bản trong việc giành ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dựa trên “đồng thuận” rằng Nhật Bản không chịu chuộc lại lỗi lầm của mình trong Thế chiến thứ hai.
Những thay đổi trong chính trị nội bộ của Nhật Bản đều vừa làm phức tạp thêm, vừa bị thúc đẩy bởi những diễn biến này. Mối quan hệ Trung-Nhật trong suốt Chiến tranh Lạnh được gìn giữ bởi các phe theo quan điểm chính thống của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đặc biệt là phe của Thủ tướng Tanaka, lãnh đạo Đảng từ năm 1972 đến năm 1993 và đã duy trì sự tập trung vào việc phát triển kinh tế Nhật Bản mà không bị chi phối bởi vấn đề ý thức hệ. Cấu trúc chính trị Nhật Bản phản ánh cấu trúc của Chiến tranh Lạnh, và với sự sụp đổ của Liên Xô, phe cánh tả của Nhật Bản đã nhanh chóng thoái trào, và phe của Tanaka vốn trước kia chiếm ưu thế giờ dần dần đánh mất vai trò vào tay các chính trị gia bảo thủ thế hệ trẻ ở cả Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Dân chủ đối lập mới của Nhật Bản, những người ủng hộ các chính sách quyết đoán và không xin lỗi của Hatoyama và Kishi. Với thế hệ mới này, đối đầu với Trung Quốc đã trở thành một vấn đề không chỉ thuộc về an ninh quốc gia mà còn là bản sắc dân tộc.
Trung Quốc cũng đã đấu tranh với một Nhật Bản mà nó không lường trước được. Năm 1978, Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị được cho là đã khép lại mối quan hệ song phương dựa trên bản án của Tòa án tội phạm chiến tranh Tokyo. Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân đã tuyên bố trong chuyến thăm thất bại đến Tokyo vào tháng 10 năm 1998, rằng đây không phải là vấn đề chấp nhận lời xin lỗi của Nhật Bản, mà là Nhật Bản phải mãi mãi cảm thấy hối hận.12 Thực tế, sau Hiệp ước năm 1978, Bắc Kinh thấy rằng có thể vận động cánh tả và trung tả ở Nhật Bản chống lại những nỗ lực sửa đổi sách giáo khoa hoặc các chuyến thăm chính thức đến đền Yasukuni, nơi vinh danh những người đã chết trong chiến tranh của Nhật Bản (bao gồm 13 tội phạm chiến tranh loại A). Nhưng theo những gì Chủ tịch Giang Trạch Dân nhận thấy trong suốt chuyến thăm đến Tokyo năm 1998, quan điểm chính lưu đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, và Bắc Kinh càng gây áp lực kiềm chế với các vấn đề lịch sử nhạy cảm, công luận Nhật Bản lại càng ủng hộ một vị Thủ tướng kiên quyết, người có thể tiếp tục hành động bất chấp những áp lực từ Trung Quốc. Khả năng hai chính phủ và hai hệ thống chính trị có thể xử lý các vấn đề này đã ở mức tệ nhất trong năm 2005-2006. Thủ tướng Koizumi nhậm chức năm 2001 mà không hề có chương trình nghị sự nào chống đối Trung Quốc và đã tiến hành chuyến thăm đến cầu Lư Câu (Marco Polo) nơi cuộc chiến Trung-Nhật nổ ra năm 1937 để bày tỏ sự hối tiếc của mình. Nhưng ông cũng hứa với Hiệp hội các gia đình có người thân chết trong chiến tranh (Izzokai) trong một cuộc gặp đầy nước mắt rằng ông sẽ đến đền Yasukuni để bày tỏ sự tôn kính với những người thân của họ đã chết trong chiến tranh. Trung Quốc đã giận dữ và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cố gắng thuyết phục Koizumi đừng đi đến đó khi hai nước đang ở thời điểm cận kề Hội nghị thượng đỉnh Bangdung năm 2005.13Nhưng Koizumi đã hứa chỉ thực hiện “điều nên làm” – có nghĩa là ông vẫn sẽ đến thăm đền Yasukuni. Hồ Cẩm Đào đã công khai tuyên bố sẽ không có Hội nghị thượng đỉnh song phương nào với Koizumi cho tới khi Thủ tướng Nhật Bản hứa sẽ không đến thăm ngôi đền. Đa số người dân Nhật Bản, kể cả những người từng không ủng hộ chuyến viếng thăm này, cũng đã ủng hộ Koizumi thực hiện điều đó.14 Khi các đám đông Trung Quốc tấn công chiếc xe của một quan chức cấp cao Nhật Bản sau khi Nhật thắng Trung Quốc năm 2005 tại trận đấu vòng loại World Cup ở châu Á, cảm nhận của công chúng Nhật Bản coi mình như là nạn nhân của Trung Quốc càng tăng lên.
Chuyến thăm cuối cùng của Koizumi đến đền Yasukuni với tư cách Thủ tướng diễn ra vào ngày 15/8/2007, ngày kỷ niệm sự đầu hàng của Nhật Bản và cũng là một ngày rất nhạy cảm đối với tất cả các kẻ thù cũng như nạn nhân chiến tranh của Nhật Bản. Tuy nhiên, trớ trêu thay, điều này đã mở ra cánh cửa cho người kế nhiệm, Abe Shinzo (người hiếu chiến hơn Koizumi về vấn đề Trung Quốc), đạt được một sự hâm nóng lại quan hệ với Trung Quốc bằng chuyến thăm Bắc Kinh ngày 9/10/2007, nơi ông được đón tiếp nồng nhiệt bởi dàn lãnh đạo Trung Quốc vốn quan ngại về việc suy giảm đột ngột mối quan hệ Trung-Nhật và nhận thấy ở Abe cơ hội cho một sự khởi đầu mới. Hồ Cẩm Đào khôn ngoan không công khai gây sức ép buộc Abe tránh xa Yasukuni, cũng như Abe đã khôn ngoan không hứa hẹn gì với các cử tri về việc này.15 Người kế nhiệm Abe, Fukuda Yasuo và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có những chuyến viếng thăm lẫn nhau vào đầu năm 2008. Điểu này đã giúp cải thiện tốt hơn bầu không khí giữa hai nước, nhưng không giải quyết được gốc rễ của sự căng thẳng về quân sự, tư tưởng và chiến lược.
Thời kỳ “kinh tế ấm và chính trị lạnh” đã thách thức lý thuyết quan hệ quốc tế, nhưng lại đặc trưng cho trạng thái quan hệ Trung-Nhật trong thời gian tới. Mỉa mai nhất là sự khôi phục kinh tế Nhật Bản năm 2004-2006 sau nhiều năm chống đỡ với giảm phát đòi hỏi những cải cách của Koizumi và một nền kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc để thu hút hàng xuất khẩu Nhật Bản, vốn cuối cùng sẽ được xuất khẩu tiếp sang Mỹ sau khi được lắp ráp ở Trung Quốc. Thương mại Trung-Nhật đã vượt qua thương mại Nhật-Mỹ trong năm 2005, và theo thống kê của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, các nhà kinh doanh Nhật Bản tiếp tục xem Trung Quốc là mục tiêu chính cho đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.16 Nhưng dư luận Nhật Bản về Trung Quốc không được cải thiện sau khi trượt dốc từ thời kỳ mà quan điểm tích cực chiếm ưu thế trong suốt những năm hoàng kim 1980. (Hình 8.1).
Hình 8.1. Quan điểm của Nhật Bản về Trung Quốc
(Vui lòng download văn bản để xem hình)
Nguồn: “Khảo sát về quan hệ ngoại giao”, Văn phòng Nội các, Chính phủ Nhật Bản
Những thách thức về ngoại giao, quân sự và tâm lý được đặt ra bởi sự trỗi dậy đột ngột và một tương lai không chắc chắn của Trung Quốc là điều Nhật Bản không thể tránh khỏi. Châu Á vẫn duy trì trật tự thứ bậc, và Nhật Bản và Trung Quốc chưa bao giờ hùng mạnh cùng lúc giống như bây giờ. Tham vọng của cả hai nước cũng mâu thuẫn nhau.  Cả hai nước đều được thúc đẩy bởi ý thức sâu sắc về sự không hoàn thiện. Trung Quốc tìm kiếm sự toàn vẹn lãnh thổ và việc quay lại với vai trò trung tâm ở khu vực, nhưng nó cũng phải đối đầu với Nhật Bản đang tìm cách vượt qua thời kỳ hậu chiến và xây dựng lại niềm tự hào dân tộc đã đánh mất. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc tạo ra sự ổn định trong mối quan hệ song phương giữa hai nước, nhưng không phải là sự chắc chắn hay có thể dự đoán được về hướng đi tương lai của họ.
Bán đảo Triều Tiên
Chỉ đứng sau Trung Quốc với tư cách là một biến số khu vực có ảnh hưởng nhiều nhất đến chiến lược ngoại giao Nhật Bản chính là bán đảo Triều Tiên. Vị tướng thời Minh Trị Yamagata Aritomo từng nổi tiếng khi gọi bán đảo Triều Tiên là “con dao găm chiến lược nhằm vào trái tim Nhật Bản”. Triều Tiên là con đường truyền thống mà qua đó mọi thứ bắt nguồn từ lục địa châu Á có thể đến với Nhật Bản, bao gồm cả đạo Phật, chữ Hán, các cuộc xâm lược của quân Mông, món mì soba và có lẽ cả sushi (mặc dù hiện nay vẫn đang gây tranh cãi). Chính mâu thuẫn giữa những người theo xu hướng hiện đại hóa ủng hộ Nhật Bản và những người theo xu hướng truyền thống ủng hộ Trung Quốc trong triều đình Triều Tiên đã khiến Nhật Bản rơi vào cuộc chiến với Trung Quốc giai đoạn 1894-1895, và chính việc bành trướng của Nga vào Mãn Châu và hướng tới Triều Tiên đã dẫn đến cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 khi Nhật Bản tìm kiếm “lợi thế tối đa” để bảo vệ lợi ích của mình ở bán đảo này. Sự bùng nổ chiến tranh Triều Tiên năm 1950 là sự kiện hậu chiến quan trọng hơn bất kỳ sự kiện nào khác trong việc khiến Nhật Bản theo đuổi quỹ đạo chính sách ngoại giao hiện tại, bao gồm việc hình thành liên minh Mỹ-Nhật lần đầu tiên vào năm 1951, bên cạnh việc giúp khôi phục lại nền kinh tế Nhật Bản. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản nhanh chóng cử phái viên đến Washington để duy trì sự ủng hộ của người Mỹ đối với sự hiện diện quân sự ở bán đảo Triều Tiên, đáng lưu ý nhất là sau khi Tổng thống đắc cử Jimmy Carter cam kết vào năm 1976 rằng ông rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.17
Nhưng ngay cả khi Nhật Bản hành động để duy trì cam kết quốc phòng của Mỹ tại Hàn Quốc thì các chính phủ Nhật Bản liên tiếp cũng cố gắng thiết lập mối quan hệ của riêng họ với bán đảo này trên lĩnh vực ngoại giao lẫn thương mại. Quan hệ ngoại giao được thiết lập với Seoul năm 1965 đi kèm với một chương trình viện trợ đáng kể từ Nhật Bản. Bắc Triều Tiên tỏ ra khó khăn hơn, nhưng khi Nhật Bản thoát ra khỏi Chiến tranh Lạnh với một nền kinh tế mạnh và hi vọng rằng căng thẳng hai cực trong hệ thống quốc tế sẽ góp phần tìm ra giải pháp cho các vấn đề với Bình Nhưỡng, thì đã xuất hiện suy nghĩ lạc quan về việc bình thường hóa quan hệ song phương. Được thúc đẩy bởi khoản miễn giảm hàng năm ước tính khoảng 600 triệu đô la dành cho người Triều Tiên định cư ở Nhật (phần lớn khoản tiền này tìm đường vào tài khoản của các chính trị gia ở Tokyo) và bởi cơ hội thể hiện sáng kiến ngoại giao độc lập của Nhật Bản, lãnh đạo LDP đầy quyền lực Kanemaru Shin đã đến thăm lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành vào năm 1990 và rời cuộc họp với Kim Nhật Thành với cam kết đặt cược cuộc đời chính trị của mình vào mục tiêu bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương trong một buổi họp báo đầy nước mắt. Các cuộc đối thoại về bình thường hóa quan hệ Nhật-Triều (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) đã diễn ra ngắt quãng kể từ đó. Nhưng sự lạc quanh quanh chuyến thăm của Kanemaru cũng không kéo dài.
Bản chất thay đổi của mối đe dọa Bắc Triều Tiên với Nhật Bản trở nên rõ ràng hơn vào năm 1993 khi tài liệu dự báo tình báo quốc gia Mỹ (NIE) bị rò rỉ cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã có bom [hạt nhân], và sau đó vào năm 1994 Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa Nodong bay qua Nhật Bản (vào thời điểm đó người ta đã nghĩ rằng nó đã rơi xuống Biển Nhật Bản). Việc tái cơ cấu chính trị trong nước ở Nhật Bản cũng có tác động. Nhiều lãnh đạo kỳ cựu trong LDP, những người đã giúp duy trì quan hệ Trung-Nhật đồng thời cũng là những người, giống như Kanemaru, đã từng thúc đẩy quan hệ với Bắc Triều Tiên, đã được chống lưng bởi Đảng Xã hội Nhật Bản. Sự qua đời của họ, cùng với việc bắt giam Kanemaru vì cáo buộc tham nhũng, cũng như sự suy sụp của Đảng Xã hội, đã khiến cho chính sách Bắc Triều Tiên rơi vào tay một nhóm các chính trị gia trẻ hơn và thiên về chủ nghĩa dân tộc. Một trong những chính trị gia đó là Abe Shinzo, nổi lên với vai trò phó tướng của Koizumi và là người chủ trương theo đường lối cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên. Quan điểm cứng rắn của Abe nhận được sự ủng hộ của công chúng, những người đã phải chứng kiến Bắc Triều Tiên triển khai 200 tên lửa Nodong nhằm vào Nhật Bản, bán methamphetamine cho trẻ em Nhật, thử nghiệm tên lửa tầm xa Taepodong qua không phận Nhật Bản năm 1998, và sau đó là thử vũ khí hạt nhân vào tháng 10 năm 2006. Vấn đề nhạy cảm nhất là việc xác nhận hàng chục người Nhật bị bắt cóc bởi điệp viên Bắc Triều Tiên vào những năm 1970 và 1980 mặc dù chính phủ Nhật Bản đã phủ nhận là không có chứng cứ cho điều đó. Khi Thủ tướng Koizumi thành công trọng việc thuyết phục Triều Tiên phóng thích năm người bị bắt cóc sau chuyến thăm đầy kịch tính đến Bình Nhưỡng vào tháng 9 năm 2002, những câu chuyện được kể lại bởi những người Nhật trở về đã khiến người dân Nhật giận dữ hơn. Hiện nay, 74% người Nhật tỏ thái độ tiêu cực với Bắc Triều Tiên trong các cuộc thăm dò dư luận.18
Quan điểm của Nhật Bản về Bắc Triều Tiên là một yếu tố định hướng quan trọng đối với chiến lược ngoại giao của Nhật Bản vào đầu thế kỷ 21, nhưng nhiều nhà lãnh đạo bảo thủ Nhật Bản lại xem mối đe dọa Bắc Triều Tiên như là một công cụ hữu ích để đưa người dân Nhật ra khỏi sự mãn nguyện về nền hòa bình và chuẩn bị cho một sự cạnh tranh dài hạn với Trung Quốc mà không cần phải có những lựa chọn khó khăn về các vấn đề như phòng vệ tên lửa hoặc hợp tác quân sự Mỹ-Nhật, vốn là những vấn đề dễ dẫn đến việc đối đầu công khai với Bắc Kinh.
Mối quan hệ Nhật Bản với Hàn Quốc đã thách thức sự tính toán chiến lược cẩn thận này. Mối quan hệ giữa hai đồng minh dân chủ của Mỹ bắt đầu cải thiện đáng kể sau khi Thủ tướng Nhật Bản Obuchi Keizo bày tỏ sự ăn năn và xin lỗi tới Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung ở Tokyo năm 1998 và ông Kim đã chấp nhận lời xin lỗi này (điều mà Chủ tịch nước Trung Quốc đã không sẵn sàng thực hiện vài tháng trước đó khiến Obuchi chỉ bày tỏ “sự ăn năn”). Nhóm giám sát và phối hợp ba bên (TCOG) giữa Mỹ-Nhật-Hàn được thành lập bởi đặc phái viên Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên William Perry cũng đã thắt chặt mối quan hệ Nhật – Hàn về chính sách Bắc Triều Tiên vào năm 1999. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có cuộc đàm phán về Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong cùng thời kỳ đó.
Trong bối cảnh Nhật Bản gia tăng nhận thức về sự cạnh tranh với Trung Quốc và mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, người ta mong chờ Tokyo sẽ tiếp tục tranh thủ Seoul và duy trì ảnh hưởng ở bán đảo. Tuy nhiên, mối quan hệ Nhật-Hàn lại bất ngờ bị xấu đi và Nhật Bản đã bị sụt giảm ảnh hưởng. Xu hướng đi xuống bắt đầu từ tháng 4 năm 2004, khi Quận Shimane thông qua một nghị quyết tuyên bố Takeshima (Tokdo trong tiếng Hàn) là lãnh thổ của Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun phát động một chiến dịch chống Nhật Bản, khiến những người theo tư tưởng bảo thủ vốn thường ủng hộ Nhật Bản phải rơi vào thế chống đỡ. Thay vì tập trung vào những lợi ích lớn hơn ở Bán đảo Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy sự công nhận của quốc tế đối với yêu sách của Nhật Bản về lãnh thổ đang tranh chấp – một hành động chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Chuyến thăm của Thủ tướng Koizumi đến đền Yasukuni đã khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn, và sau đó những lời lẽ thiếu cân nhắc của Thủ tướng Abe vào tháng 3/2007 biện minh cho sự đối xử trong thời chiến của Nhật Bản với các nô lệ tình dục bị cưỡng bức hay còn gọi là “phụ nữ giải khuây” từ Triều Tiên đã mở ra một cuộc cạnh tranh giữa hai chính phủ để vận động hành lang quốc hội Mỹ thông qua hoặc bác bỏ dự luật lên án Nhật Bản. Việc Chính phủ Tổng thống Roh từ chối tiếp tục tham dự các cuộc họp của TCOG về vấn đề Bắc Triều Tiên và những nỗ lực nhằm coi Nhật Bản là một kẻ thù chung trong kế hoạch phòng thủ chung Mỹ-Hàn (cuối cùng không thành công) đáng lẽ ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Tokyo, nhưng thay vào đó chính phủ Nhật Bản lại chờ đợi và hi vọng rằng các mối quan hệ sẽ được cải thiện sau nhiệm kỳ của Tổng thống Roh. Với việc thắng cử của Tổng thống bảo thủ và thân Nhật hơn là Lee Myung Bok vào tháng 12/2007, mối quan hệ đã có vẻ sẽ được cải thiện hơn.
Sự bất lực của Nhật Bản trong việc duy trì mối quan hệ tích cực với Hàn Quốc được thiết lập bởi ông Kim và ông Obuchi cho thấy rằng hành vi cân bằng quan hệ bên ngoài nhằm chống lại Trung Quốc chỉ thực hiện được tới như vậy. Trong trường hợp mối quan hệ với Hàn Quốc, kiểu chính trị liên quan đến vấn đề bản sắc của Nhật Bản và sự đấu tranh tư tưởng trong nước để kết thúc “chế độ hậu chiến” đã làm thất bại các tính toán quyền lực theo tư duy hiện thực. Điều này xảy ra bất chấp thực tế nhìn chung công chúng Nhật Bản đã có một cái nhìn tích cực hơn rất nhiều về người dân Hàn Quốc so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử hai nước.19 Tuy nhiên, kết quả chiến lược của việc Tokyo bận tâm nhiều hơn về bản sắc dân tộc và chính trị lãnh thổ so với chính trị thực dụng đã khiến vị trí chiến lược của Nhật trở nên suy yếu hơn ở Đông Bắc Á.
Liên minh Mỹ – Nhật trong chiến lược Châu Á
Định hình hội nhập khu vực
Điểm mạnh và điểm yếu của công cụ ngoại giao Nhật Bản
Kết luận
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Nhat Ban trong long Chau A.pdf

Quan điểm của VN về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Quan điểm của VN về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa


Nguyen, Hong Thao (2012). “Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claims”, Journal of East Asia and International Law, 5(1), pp. 165-211. Biên dịch: Nguyễn Thái Giang, Nguyễn Thị Lan Hương, Quách Thị Huyền | Hiệu đính:Việt Long
Biển Đông từ lâu được coi là nguyên nhân chính gây căng thăng và bất ổn tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Làm rõ quan điểm của các bên yêu sách là một nhiệm vụ nghiên cứu nhằm tạo ra các biện pháp xây dựng lòng tin và tăng cường nỗ lực để kiểm soát những xung đột có thể xảy ra trong khu vực. Mục đích của bài viết này nhằm làm rõ quan điểm của Việt Nam về tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển tại Biển Đông. Quan điểm của Việt Nam sẽ được xem xét trên ba khía cạnh: (1) chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa; (2) các vùng biển bao quanh hai quần đảo này; và (3) giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
1. Giới thiệu
Hoàng Sa (tiếng Anh: Paracels, tiếng Trung: Tây Sa) và Trường Sa (tiếng Anh: Spratlys, tiếng Trung: Nam Sa) là hai quần đảo nằm ở trung tâm của Biển Đông (tên quốc tế: South China Sea, Việt Nam gọi là Biển Đông, Philippines gọi là Biển Tây). Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã tồn tại hơn một trăm năm và đối với quần đảo Trường Sa đã tồn tại tám mươi năm. Ban đầu, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chỉ phát sinh giữa hai bên tranh chấp là Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng do sự thay đổi về địa chính trị sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, sự phát triển của khoa học công nghệ cả về lĩnh vực dân sự và quân sự, khủng hoảng dầu mỏ và trật tự pháp lý trên biển mới được xác lập bởi luật biển giữa những năm 1970 và 1980, tranh chấp chủ quyền đã mở rộng tới quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh hai quần đảo này. Cũng có một số các bên tranh chấp như Anh và Nhật Bản đã có yêu sách đối với một số đảo nhưng sau đó đã từ bỏ. Kể từ năm 1956, đặc biệt cuối những năm 1970 đã xuất hiện các bên tranh chấp mới như Philippines, Malaysia và Brunei. Sau hai cuộc hải chiến vào năm 1974 và 1988, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá tại quần đảo Trường Sa. Sự kiện Vành Khăn năm 1995 giữa Trung Quốc và Philippines đã đưa ASEAN và Trung Quốc đến đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), kết quả đầu tiên của tiến trình này là việc kí kết Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002.[1] Ngay sau khí ký kết DOC, tình hình ở Biển Đông đã hạ nhiệt trong một vài năm. Tuy nhiên, từ 2009 sau khi Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC) tại Liên hợp quốc đệ trình bản đồ hình chữ U (đường đứt khúc 9 đoạn) lên Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới thềm lục địa (CLCS), những tuyên bố về “lợi ích cốt lõi”[2] của Trung Quốc  và “lợi ích quốc gia”[3] của Mỹ tại Biển Đông thì tình hình tại đây lại căng thẳng trở lại và làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc đối với cộng động quốc tế. Lịch sử tranh chấp phức tạp và những nỗ lực bất thành trong việc tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp có thể chấp nhận được đã khiến cho những tranh chấp ở Biển Đông trở thành một trong những tranh chấp phức tạp nhất trong bản đồ chính trị quốc tế.[4] Hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc[5] yêu sách toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi Brunei, Malaysia và Philippines yêu sách một phần hoặc hầu hết đối với quần đảo Trường Sa. Có rất nhiều bài viết làm rõ quan điểm của các bên và đề xuất các giải pháp cho tranh chấp.[6] Một vài lý do đã được đưa ra để giải thích cho sự phức tạp của tranh chấp Biển Đông: vị trí địa lý của Biển Đông; tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông; cuộc chạy đua đối với quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vậy này; thiếu sự rõ ràng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) về quy chế của đảo và đảo đá, và những tình cảm dân tộc. Để hiểu được tình hình này, nghiên cứu về quan điểm của các bên trong tranh chấp dưới ánh sáng của sự pháp triển của luật pháp và thực tiễn quốc tế là điều cần thiết. Bài viết này không cố gắng nghiên cứu toàn diện về quan điểm của tất cả các bên tranh chấp và các bên liên quan. Bài viết cũng không có tham vọng phân tích tất cả sự phát triển của luật pháp quốc tế có thể ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh về chủ quyền và các quyền tại Biển Đông. Việt Nam là một trong các bên tranh chấp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xung đột Biển Đông. Do đó, bài viết này chỉ nghiên cứu quan điểm của Việt Nam về tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông. Quan điểm của Việt Nam sẽ được xem xét trên ba khía cạnh: (1) chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa; (2) các vùng biển xung quanh các đảo này; và (3) giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
2. Quan điểm của Việt Nam về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 30 đảo nhỏ, đá và bãi nửa nổi nửa chìm, trong khoảng vĩ độ 16– 17Bắc và kinh độ 111– 113o Đông trên một vùng biển rộng khoảng 16000 km2. Quần đảo Trường Sa nằm trong khoảng vĩ độ 12– 4Bắc và kinh độ 109– 118o Đông, bao gồm hàng trăm đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm trải trên vùng biển rộng gấp 10 lần vùng biển của quần đảo Hoàng Sa, khoảng 160000 và 180000 km2. Hai quần đảo này còn có một số lượng lớn bãi ngầm và bãi san hô.Khoảng cách từ quần đảo Hoàng Sa đến điểm gần nhất của đất liền Việt Nam (cảng Đà Nẵng) là 170 hải lý và đảo Hải Nam Trung Quốc là 160 hải lý. Quần đảo Trường Sa cách Vịnh Cam Ranh (Việt Nam) 250 hải lý và cách Đảo Hải Nam Trung Quốc 520 hải lý.[7] Trong một thời gian dài, những chấm nhỏ li ti của hai quần đảo này chỉ được biết đến như những điểm cực kỳ nguy hiểm đối với các nhà hàng hải hay là nơi trú ẩn của ngư dân trong khu vực.[8] Đến đầu thế kỉ 17, các triều đại của Việt Nam (nhà Nguyễn và Tây Sơn) là những triều đại đầu tiên thực hiện chức năng nhà nước đối với những hòn đảo không có người sinh sống và xa xôi này. Làn sóng chiếm hữu thường xuyên những hòn đảo không có người sinh sống, nghèo tài nguyên và không có nước sạch này diễn ra lần đầu tiên vào giữa những năm 1920 và 1930 khi Pháp, đại diện cho Triều đình phong kiến Việt Nam trong mọi quan hệ đối ngoại từ năm 1884, phái những đội quân thường trú tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ khi Pháp và Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Giữa những năm 1950, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản phía tây quần đảo Hoàng Sa trong khi Trung Quốc tiếp quản phía đông. Tại quần đảo Trường Sa, quân Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu Aba), một số đảo khác dưới sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Giai đoạn chiếm đóng thứ 3 diễn ra giữa những năm 1970 và 1980 khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát phía tây quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1976, miền Bắc và miền Nam Việt Nam hợp nhất thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Philippines tham gia vào tranh chấp Trường Sa từ những năm 1970 trong khi đó Malaysia lần đầu tiên kiểm soát một đảo thuộc quần đảo này vào năm 1983. Giai đoạn chiếm đóng thứ 4 được đánh dấu bởi sự có mặt lần đầu tiên của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa sau một cuộc va chạm ngắn với tàu vận tải của hải quân Việt Nam. Quan điểm của Việt Nam và các bên tranh chấp khác có thể tìm hiểu bằng cách phân chia lịch sử tranh chấp thành các giai đoạn thích hợp. Hành động của các bên qua đó có thể xem xét dưới ánh sáng của luật thời điểm.
A. Trước thế kỉ 20
….
B. T đu thế kỷ 20 cho đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II 
……
C. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II 
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Cộng hòa Trung Hoa chiếm phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa và Itu Aba (đảo Ba Bình theo tiếng Việt), một đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng thời gian, Pháp và Chính quyền Bảo Đại tái chiếm phần phía tây của Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa. Phần phía đông của Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ năm 1956. Phần phía tây của Hoàng Sa bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm vào năm 1974. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm được quyền kiểm soát một số đảo tại Trường Sa lần đầu tiên vào năm 1988 thông qua việc sử dụng vũ lực. Kể từ đó, Trung Quốc đã mở rộng kiểm soát lên đến 9 đảo đá tại khu vực quần đảo Trường Sa. Philippines lần đầu tiên vào năm 1978 chính thức yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ quần đảo Trường Sa (gọi tên là Nhóm đảo Kalayan – Nhóm đảo Tự do, KIG) theo cách của gọi của Philippines), trừ đảo Trường Sa. Malaysia yêu sách chủ quyền với phần phía nam của quần đảo Trường Sa thông qua việc phát hành các bản đồ vào năm 1979. Trong bối cảnh này, năm 1976, nước Việt Nam thống nhất tiếp tục duy trì quan điểm là danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, được củng cố một thời gian dài bởi các Vua và Chúa Nguyễn cũng như là các chính quyền Pháp thuộc và Sài Gòn, chưa bao giờ bị từ bỏ cả. Việt Nam Cộng hòa tiếp nhận danh nghĩa chủ quyền, quyền và các yêu sách từ Pháp đối với các đảo phù hợp với Hiệp định Geneve năm 1954 – Ba Hiệp định về Ngừng chiến với Việt Nam, Lào và Campuchia.[1] Là bên nắm giữ danh nghĩa chủ quyền hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nam Việt Nam đã thực hiện tổ chức quản lý hành chính, khai thác kinh tế và bảo vệ hiệu quả hai quần đảo này.
Năm 1956, Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng hòa đã cấp phép khai thác phân chim trên đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật và Phú Lâm cho Lê Văn Cang. Năm 1959, giấy phép cũng được cấp cho Công ty Phốt-phát Việt Nam đảm nhiệm việc khai thác phân chim cho đến tận năm 1963. Năm 1973, một nghiên cứu chung đã được triển khai bởi Công ty và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Marubeni. Về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa đã được chuyển từ tỉnh Thừa Thiên sang tỉnh Quảng Nam theo Nghị định số N 174-NV ngày 13 tháng 7 năm 1961. Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã tuần tra thường xuyên tại các vùng nước quanh khu vực các đảo.
Đối với Trường Sa, hải quân Việt Nam Cộng hòa đã đến Trường Sa và dựng bia thể hiện chủ quyền vào ngày 22 tháng 8 năm 1956. Với Nghị định 143/VN ngày 20 tháng 10 năm 1956, quần đảo Trường Sa đã được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy. Từ 11 đến 16/6/ 1961, các tàu hộ vệ Vân Đồn và Vạn Kiếp (HQ02 và HQ06) đã được điều đến tuần tra các đảo Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta và An Bang thuộc quần đảo Trường Sa. Các đơn vị hải quân đến đảo Trường Sa, An Bang, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Nam Yết năm 1962, 1963 và 1964 nhằm mục đích dựng các cột chủ quyền đối với các đảo này. Ngày 6 tháng 9 năm 1973, với Nghị định N 420 – BNV/HCDP/26, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.[2]
Việc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực vào năm 1974 của Trung Quốc là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và không thể tạo ra một danh nghĩa pháp lý cho quần đảo này. Quan điểm này đã được khẳng định chắc chắn nhiều lần trong các Sách Trắng do Bộ Ngoại giao Việt Nam phát hành (cả Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam),[3] các Tuyên bố của Chính phủ đối với các vùng biển của Việt Nam và về đường cơ sở vào các năm 1977 và 1982; Nghị quyết 1994 của Quốc hội phê chuẩn UNCLOS và các phát biểu chính thức của lãnh đạo Việt Nam. Ví dụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tái khẳng định trước Quốc hội vào ngày 25/11/2011 rằng: “Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta đã kiểm soát  hai quần đảo này ít nhất từ thế kỷ 17, khi chưa có một quốc gia nào yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo này”.[4] Hiện nay, Việt Nam kiểm soát hơn 20 đảo, bãi cát, đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc giữ quan điểm rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình và Việt Nam đã hơn một lần công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này.[5]Yêu sách này dựa trên bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 liên quan đến chiều rộng của các vùng lãnh hải của Trung Quốc, Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản kháng việc Chính phủ Mỹ ấn định khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mỹ năm 1965, và phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm vào năm 1956. Dựa vào các bằng chứng này, Trung Quốc tuyên bố rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[6]Chúng tôi sẽ không xem xét phát biểu của ông Ung Văn Khiêm bởi vì không có bằng chứng trung lập. Ông Ung Văn Khiêm không có quyền hạn công nhận hay từ bỏ lãnh thổ. Bài phát biểu, nếu tồn tại, không diễn ra trong bối cảnh đàm phán về lãnh thổ. Hai tài liệu khác phải được xem xét trong bối cảnh Việt Nam bị chia cắt trong giai đoạn 1954 – 1975 cùng với mối quan hệ cực kỳ gắn bó giữa hai nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trung Quốc “vừa là đồng chí vừa là anh em”.[7]
Ngày 4/9/1958, bị đe dọa bởi Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ trong khu vực eo biển Đài Loan, Trung Quốc thông báo tuyên bố mở rộng chiều rộng lãnh hải ra 12 hải lý. Tuyên bố này áp dụng cho cả Trung Quốc đại lục và tất cả các đảo thuộc Trung Quốc bao gồm Tây Sa, Nam Sa.[8] Ngày 14/9/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai: “Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”. Trong Sách Trắng năm 1979, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên bố rằng cách hiểu của Trung Quốc về bức thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xuyên tạc, khi mà mục đích và hàm ý của công hàm chỉ nhằm công nhận chiều dài lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.[9] Liệu sự im lặng về tình trạng của Hoàng Sa và Trường Sa trong bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có được coi như là sự ngầm công nhận đối với chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này? Liệu nó có ảnh hưởng pháp lý nào nhằm loại bỏ Việt Nam không còn quyền đòi hỏi chủ quyền trong tương lai? Câu trả lời là “không”.[10]
Một hành động đơn phương sẽ tạo ra hậu quả pháp lý bắt buộc cho quốc gia thực hiện nếu như hành động đơn phương này được thực hiện trong phạm vi giới hạn của thẩm quyền quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và không trái đối với các nguyên tắc jus cogens (các nguyên tắc bắt buộc không được vi phạm) của luật quốc tế . Mục đích thật sự của quốc gia khi có tuyên bố đơn phương nên được diễn giải một cách cẩn trọng. Các hạn chế sự độc lập của các quốc gia do vậy không thể suy diễn.[11] Tòa Án Công lý Quốc tế (ICJ) trong vụ Thử vũ khí hạt nhân (Nuclear Tests Case) đã nhắc lại lập luận: “Một khi các quốc gia đã ra các tuyên bố hạn chế sự tự do hành động trong tương lai của họ thì một sự giải thích hạn chế là cần thiết”.[12] Qua thực tiễn hoạt động của các quốc gia và các phán quyết của Tòa,[13] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) đã có hướng dẫn xác định các hành động đơn phương và hiệu lực pháp lý của chúng.[14] Theo như ILC, để xác định các ảnh hưởng pháp lý của các tuyên bố đơn phương, cần thiết phải xem xét nội dung, hoàn cảnh thực tế của các tuyên bố đơn phương được đưa ra và các phản ứng mà các tuyên bố này gây ra. Một tuyên bố đơn phương sẽ dẫn đến việc quốc gia tạo ra nó bắt buộc phải thực hiện cam kết này chỉ khi nó được tuyên bố trong các điều khoản cụ thể và rõ ràng. Trong trường hợp có nghi ngờ như là phạm vi trách nhiệm thực hiện từ các tuyên bố này, trách nhiệm thực hiện sẽ chỉ được diễn giải một cách hạn chế. Khi diễn giải nội dung của các dạng nghĩa vụ thực hiện như vậy, việc đầu tiên quan trọng nhất là xem xét nội dung văn bản của tuyên bố cùng với bối cảnh và hoàn cảnh tuyên bố này được đưa ra.[15]
Khi áp dụng các hướng dẫn này, chúng ta có một số đánh giá về nội dung văn bản bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và hoàn cảnh văn bản này được viết.
Trước tiên, vào thời điểm đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không kiểm soát hai quần đảo Hoàng Sà và Trường Sa. Theo Hiệp định Geneve, Việt Nam bị tạm thời chia làm hai khu vực quản lý hành chính với ranh giới là vĩ tuyến 17 trong khi chờ đợi thống nhất thông qua tổng tuyển cử. Trung Quốc là một bên ký Hiệp định Geneve. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Vào thời điểm này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có danh nghĩa pháp lý de jure về chủ quyền cũng như không thực hiện chủ quyền de facto trên thực tế trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nó không có quyền từ bỏ đối với lãnh thổ mà nó không sở hữu.[16] Thậm chí các chính quyền miền Nam Việt Nam, hai chính phủ đối lập, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập năm 1969, chỉ có quyền quản lý đối với hai quần đảo nhưng không có quyền chuyển nhượng bất cứ phần lãnh thổ nào cho ngoại quốc. Năm 1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực tại Hoàng Sa khi đưa ra tuyên bố 3 điểm.[17]
  • Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mọi dân tộc
  • Giữa các nước láng giềng có nhiều vụ tranh chấp về vấn đề biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại. Các tranh chấp đó có khi rất phức tạp, đòi hỏi được xem xét kỹ càng; và
  • Các nước liên quan phải cùng nhau xem xét vấn đề trên tinh thần bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, và giải quyết vấn đề bằng thương lượng.
Tuyên bố công nhận sự tồn tại của tranh chấp, nhắc lại rằng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mọi dân tộc và kêu gọi đàm phán. Ngày 14/2/1975, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã công bố sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phù hợp với nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết được quy định trong luật pháp quốc tế và Hiệp định Geneve, số phận các phần lãnh thổ của Việt Nam phải được định đoạt bởi người dân của đất nước thống nhất. Việt Nam được thống nhất vào năm 1976 và cơ quan đại diện cao nhất của người Việt Nam là Quốc hội đã được bầu vào năm 1976. Việt Nam thống nhất, gọi tên là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa lãnh thổ từ Cộng hòa miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử vào năm 1976. Hiến pháp Việt Nam năm 1980 và 1992, Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 và Luật về biên giới quốc gia năm 2003 đều tái khẳng định rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và 1957 quy định rằng việc chuyển nhượng lãnh thổ phải được quyết định thông qua trưng cầu dân ý. Tuyên bố của thủ tướng Phạm Văn Đồng không có hiệu lực pháp lý để từ bỏ lãnh thổ. Trong trường hợp liên quan đến chủ quyên đối với các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks, và South Ledge (Malaysia/Singapore) liên quan đến lập luận của Singapore rằng Chính quyền Johor đã công nhận chủ quyền của Singapore đối với các đảo này,[18] Tòa án đã có quan điểm không xem xét trả lời của Johor có tính hiến pháp với nghĩa tạo ra tác động pháp lý quyết định đối với Johor.[19] Lời văn trong thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có bất cứ tính hiến pháp nào đối với lãnh thổ của Nam Việt Nam. Do đó, bức thư này không có hiệu lực pháp lý quyết định đối với số phận của Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ ba, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không bao giờ phủ nhận các yêu sách và các hoạt động khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Nam Việt Nam. Nếu như bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc, bước logic tiếp theo sẽ là tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Điều này không bao giờ xảy ra, cả trong năm 1956 và năm 1974. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tiếp tục ủng hộ lập trường của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Thứ tư, tên gọi của văn bản tiếng Trung Quốc năm 1958 là Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc. Bức thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng công nhận và đồng ý quyết định liên quan đến chiều rộng 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc. Bức thư này không chứa đựng bất cứ sự từ bỏ các đảo có lợi cho Trung Quốc. Việc chuyển chủ quyền lãnh thổ từ một quốc gia này cho một quốc gia khác thường được thực hiện thông qua hiệp ước. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 2/11/1957, Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thư đến Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất hai Đảng cầm quyền tôn trọng nguyên trạng status quo các vấn đề tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại, và giải quyết tất cả tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình vào thời điểm phù hợp. Bức thư tháng 11/1957 viết: “Vấn đề biên giới là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết thông qua các nguyên tắc thực định của luật pháp hay do quyết định của hai chính phủ”.[20] Vào tháng 4/1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có phản ứng tích cực đối với thư của Đảng Lao Động Việt Nam. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại được hiểu là chỉ liên quan đến vấn đề biên giới trên bộ; không đề cập đến trường hợp tranh chấp của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, hai nước đã đồng ý rằng các tranh chấp của hai nước sẽ được giải quyết trong một thời điểm thích hợp thông qua đàm phán. Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không nằm trong bối cảnh tranh chấp giữa Hà Nội và Bắc Kinh. ICJ đã phán quyết: “Không gì có thể ngăn cản các bên đạt thỏa thuận bằng con đường thông thường, đó là một thỏa thuận với điều kiện có đi có lại”.[21] Một số tác giả đã so sánh bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Tuyên bố Ihlen trong vụ án đảo Greenland.[22] Tuyên bố Ihlen được đưa ra trong bối cảnh tìm kiếm giải pháp cho Greenland và Spitzberg. Tuyên bố Ihlen không phải là “cho không” (“open-handed”). Tuyên bố này công nhận chủ quyền của Đan Mạch đối với Greenland để đổi lại việc Đan Mạch công nhận chủ quyền của Na-uy đối với Spitzberg. Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chứa đựng đặc điểm có đi có lại. Do đó rất khó có thể xem xét Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ năm, trong cuộc chiến, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hỗ trợ vật chất từ Trung Quốc. Điều này đã đặt Hà Nội vào thế khó xử. Bức thư chỉ ủng hộ việc áp dụng nguyên tắc 12 hải lý cho chiều rộng lãnh hải. Đây là một hành động thể hiện thiện chí của Bắc Việt Nam ủng hộ Trung Quốc, đang phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ xâm lược khi nước này nỗ lực đưa tàu sân bay vào hoạt động tại eo biển Đài Loan. Việc bảo lưu tình trạng của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được thể hiện trong bức thư vì Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có quyền hạn đối với hai quần đảo này.
Nhà nghiên cứu Monique Chemillier Gendreau đã nhận xét: “Đúng là công hàm của Phạm Văn Đồng chỉ hết sức hạn chế trong ghi nhận và tán thành quyết định về chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc. Thật không đúng để khẳng định rằng Việt Nam đã “thừa nhận yêu sách của Trung Quốc” đối với hai quần đảo”.[23] Không bên nào, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Việt Nam Cộng hòa công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Vậy liệu thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có tạo ra hiệu lực của nguyên tắc estopel(nguyên tắc mặc nhiên thừa nhận)? “Anh không thể vừa có chiếc bánh lại vừa ăn hết nó” là nguyên tắc ngăn ngừa các quốc gia có hành động không nhất quán gây tổn hại đến các quốc gia khác.[24] Theo Ian Brownlie, đặc điểm cốt lõi của nguyên tắc estoppel là nhân tố hành xử gây tổn hại nghiêm trọng cho bên khác, do họ dựa vào cách hành xử đó để thay đổi quan điểm của mình và phải chịu một số tổn hại.[25] Trong vụ tranh chấp thềm lục địa Biển Bắc, tòa ICJ đã phán quyết: “Bên dựa vào nguyên tắc estoppel phải chỉ ra, cùng với một số điều kiện khác, là mình đã có các hành động đặc biệt do dựa vào phát biểu của bên kia”.[26]
Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đặc biệt là điều kiện cần thiết “vì phát biểu này mà gây tổn hại cho bên khác” của nguyên tắc estoppel gây ra cho Trung Quốc. Trước tiên, Trung Quốc không chứng minh được quan điểm của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị thay đổi và bị thiệt hại do dựa vào tuyên bố của Bắc Việt Nam. Thứ hai, Trung Quốc đã giữ im lặng đối với tuyên bố của Mỹ liên quan đến khu vực tác chiến của lực lượng vũ trang Mỹ tại Biển Đông vào năm 1965, bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Điều này liệu có cho thấy Trung Quốc thờ ơ trong việc bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa khi bị nước ngoài xâm lược? Thứ ba, nguyên tắc estoppelchỉ được áp dụng cho các hành động của một bên về một vấn đề trong một giai đoạn liên tục trong lịch sử. Trong trường hợp này, nguyên tắc estoppel được áp dụng như thế nào cho các tuyên bố của hai chính phủ khác nhau đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì không có thẩm quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước kế tục của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng Hòa và có quyền lựa chọn quyền và nghĩa vụ của bên nào để kế tục. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa kế quyền và các hành động của Nam Việt Nam, vốn là bên duy nhất có quyền tài phán đối với Hoàng Sa và Trường Sa.[27]
3. Lập trường của Việt Nam về các vùng biển quanh đảo 
A. Lập trường của Việt Nam về các vùng biển theo UNCLOS 
B. Chế độ pháp lý của các đảo Hoàng Sa và Trường Sa
4. Quan điểm của Việt Nam về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông 
5. Kết luận 
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Vietnam Position_Paracels and Spratlys