Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH CHÂU Á CỦA MỸ TỪ NỬA SAU NHỮNG NĂM 50 THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX


NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH CHÂU Á CỦA MỸ TỪ NỬA SAU NHỮNG NĂM 50 THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX

Đăng ngày: 17-07-2012, 10:42 | Danh mục: Bài viết Tạp chí » Năm 2007 » Số 11
Lịch sử lập quốc của Mỹ được tính từ ngày 04/7/1776, tức là ngày nước Mỹ công khai tuyên bố trước toàn thế giới về nền độc lập của mình. Vì vậy, so với các cường quốc tư bản Anh, Pháp thì Mỹ là một quốc gia còn rất non trẻ. Để có thể xác lập được vị thế của mình trên trường quốc tế, nước Mỹ tự nhận thấy không thể đi theo lối mòn của các cường quốc tư bản Châu Âu mà phải tìm cho mình một hướng đi mới. Đó là việc Mỹ sử dụng lợi thế của một nước đi tiên phong trong việc giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa thực dân để khuếch trương, mở rộng vị thế của mình đối với các nước Châu Mỹ Latinh nói riêng và đối với thế giới nói chung trong đó có các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
1. Bắt đầu bằng các Hiệp định thương mại và chính sách mở cửa
Trong số các nước Châu Á thì Nhật Bản không phải nước đầu tiên để cho Mỹ thiết lập mối quan hệ về thương mại mà là nước đầu tiên được Mỹ lựa chọn cho việc phục vụ chính sách của Mỹ ở khu vực này. Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1853, Mỹ cử Thiếu tướng hải quân Matthew Perry chỉ huy Đoàn tàu 7 chiếc tiến vào Edo yêu cầu Nhật Bản mở cửa. Dưới nhãn quan của các chiến lược gia của Mỹ thì Nhật Bản là điểm đến lý tưởng nhất cho phép Mỹ rộng đường trong việc thiết lập mối quan hệ thương mại với các nước khác trong khu vực. Một năm sau vào tháng 3 -1854, Hiệp ước Kanagawa được ký kết cho phép các thương nhân Mỹ được tự do buôn bán ở hai cảng biển Hakodate và Shimoda cũng như được đặt lãnh sự quán tại Shimoda.
Sau khi buộc Nhật Bản mở cửa, Mỹ tiến thêm một bước yêu cầu Nhật Bản trao cho Mỹ nhiều quyền lợi hơn giống như những quyền lợi mà Trung Quốc đã ưu đãi cho nước Anh. Không còn sự lựa chọn nào khác, Nhật Bản đành phải chấp nhận ký với Mỹ Hiệp ước bất bình đẳng nhưng núp dưới tên gọi là Hiệp ước " Hòa bình và Thương mại" vào năm 1858. Theo nội dung của bản Hiệp ước thì ngoài hai cảng Shimoda và Hakodate, các cảng và các thành phố sau đây được mở cửa vào các mốc thời gian tương ứng theo trình tự như sau: Kanagawa ngày 04-7-1859, Nagasaki ngày 04-7-1859, Nigata ngày 01-01-1860 và Hyogo ngày 01-10-1863. Ngoài ra, tại các cảng và thành phố kể trên công dân Mỹ có quyền được cư trú và được hưởng quyền lãnh sự tài phán. Đối với Trung Quốc, ngay từ những năm 40 của thế kỷ XIX, Mỹ đã thiết lập mối quan hệ  với nước này thông qua việc ký kết Hiệp ước Vọng Hạ vào năm 1844. Thế nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX thì Mỹ mới có điều kiện để xâm nhập một cách mạnh mẽ vào Trung Quốc. Để có thể chen chân vào thị trường Trung Quốc, Mỹ đã sử dụng chính sách mở cửa nhằm duy trì “nguyên trạng” (status quo ante bellum) lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 9 - 1899, Mỹ đã đưa ra chính sách mở cửa đối với Trung Quốc (The open door policy) với các nội dung như sau:
- Hàng hóa của các nước phải theo chế độ thuế quan của Trung Quốc và do Chính phủ Trung Quốc thu thuế.
- Không can thiệp vào lợi ích của các nước theo những điều đã ký.
- Tàu thuyền các nước đi lại trong thương cảng thuộc phạm vi các nước không được đánh thuế nhập khẩu cao hơn thuế suất qui định cho tàu thuyền của nước mình kể cả trên lĩnh vực xe lửa.
Với cách thức đó, trên thực tế Mỹ đã có được một vị thế ngang hàng với các cường quốc tư bản  Anh, Pháp trong việc phân chia phạm vi ảnh hưởng trên lãnh thổ Trung Quốc.
2. Đến việc thực hiện chiêu bài “ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc” và làm "trọng tài" trong các cuộc tranh chấp quốc tế
Một điều cần phải nhận thấy là khi nước Mỹ đủ sức để vươn ra bên ngoài thì cũng chính là lúc trên thế giới không còn "đất trống". Những năm cuối thế kỷ XIX  cho đến đầu thế kỷ XX, phần lớn các thị trường trên thế giới hầu như đã phân chia xong. Vì vậy, để có một chỗ đứng "dưới ánh nắng mặt trời", nước Mỹ không thể tiến hành các hoạt động bành trướng như các nước thực dân khác mà tìm cho mình một con đường đi riêng. Cho nên không thể phủ nhận điều mà nhà sử học Kenton Clymer nhận xét “Sự bành trướng của Mỹ trong những năm 1890 như một nỗ lực thôn tính thương mại hơn là lãnh thổ.... ngay cả trong trường hợp Philippin, động cơ kinh tế là chiếm ưu thế bởi đó là căn cứ thích hợp để từ đó thâm nhập vào thị trường được coi là rộng lớn của Trung Quốc, nơi mà Mỹ không hề có một ý muốn thiết lập một thuộc địa thực sự”(1). Chính sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong nước cộng với sức ép ngày càng gia tăng của các tập đoàn lũng đoạn và nguồn vốn khổng lồ mà Mỹ xuất khẩu ra thị trường thế giới đã buộc giới cầm quyền Mỹ quan tâm nhiều hơn đến thế giới bên ngoài trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực Mỹ đặc biệt chú ý. Rõ ràng là, đã đến lúc Mỹ “tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm hàng công nghiệp và ngành tài chính ngân hàng. Nếu chiếm được đất đai, cũng không được sử dụng cho các mục đích nông nghiệp mà cho các căn cứ hải quân ở Hawaii, biển Caribbean và Philippines – những căn cứ có thể bảo vệ cho nền ngoại thương đang càng mở rộng này”(2).
Theo cách nhìn của các chiến lược gia Hoa Kỳ thì Philippin có vị trí chiến lược quan trọng và lợi hại ở Châu Á. Ngoài ra, Philippin còn là bàn đạp và là trạm trung chuyển cho tham vọng của Mỹ vào bất cứ nước nào ở khu vực Thái Bình Dương và Viễn Đông, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Khống chế được Philippin là khống chế được con đường buôn bán thương mại trên biển và điều đặc biệt quan trọng là ngăn chặn được sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các nước đế quốc khác. Thượng nghị sỹ Beneredge đã phát biểu trong một bài diễn văn rằng, “Quần đảo Philippines mãi mãi là của chúng ta. Thị trường Trung Quốc rộng lớn lại ở đằng sau Philippines. Chúng ta không thể quên trách nhiệm của chúng ta đối với quần đảo đó, không thể bỏ qua cơ hội mở ra cho chúng ta tiền đồ ở phương Đông”(3).
Để thực hiện, ngưòi Mỹ bắt đầu tạo dựng lên một nguyên cớ "hợp pháp" để cho phép Mỹ có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Năm 1898, tại thủ đô Habana xảy ra một sự kiện chống đối ách thống trị của Tây Ban Nha. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là William Mckinley lấy cớ là "bảo vệ kiều dân của mình", phái chiến hạm đến Habana. Khi chiến hạm do Tổng thống William Mckinley phái đến tiến gần vào cảng Habana thì bị trúng mìn chìm. Mỹ đổ lỗi cho Tây Ban Nha và phát động cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha.
Đối với Philippin, lúc đầu Mỹ lấy danh nghĩa là "bạn của Philiippin " giúp Philippin tiến hành cuộc đấu tranh chống thực dân Tây Ban Nha. Thế nhưng sau khi đánh bại thực dân Tây Ban Nha Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Philippin (1899 - 1903) và biến Philippin thành thuộc địa của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong khi Mỹ đang tìm mọi cách củng cố quyền lực ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì Nhật Bản cũng đang tìm cách mở rộng quyền lực của  mình ở khu vực này. Bằng chứng là Nhật Bản tiến hành cuộc chiến tranh với Nga (1904 - 1905) và không che giấu tham vọng tấn công xâm lược Philippin. Trước tình hình đó, thái độ của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Nga - Nhật là ủng hộ Nhật Bản mặc dù về phía Mỹ cũng nhận thức ra được sự nguy hiểm từ Nhật nếu như Nhật chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Nga. Đấy là điều dễ hiểu khi mà Hội nghị Portsmouth lâm vào bế tắc thì Mỹ là nước đứng ra làm cầu nối và đóng vai trò trọng tài dàn xếp mối quan hệ giữa Nhật Bản với Nga. Đối với Hiệp ước Anh - Nhật đựơc ký kết năm 1902  đến năm 1905 được hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình mới thì Mỹ được coi là một thành viên bí mật của hiệp ước đó.
Theo sự thỏa thuận bí mật giữa Tổng thống Roosevelt với Nhật Bản thì về phía Nhật Bản yêu cầu có "một sự hiểu biết rất tốt về nhau hay một Hiệp ước trong thực tế, nếu không muốn nêu tên" giữa Nhật Bản, Anh và Mỹ. Đáp lại lời yêu cầu đó, Tổng thống Roosevelt cho rằng: “Ông cảm thấy tin tưởng, rằng không cần bất kỳ sự thỏa thuận nào thì nhân dân Mỹ cũng đã hoàn toàn tán thành với chính  sách của Liên hiệp Anh và Nhật Bản trong việc duy trì nền hòa bình chung tại Viễn Đông, rằng bất kỳ lúc nào có nhu cầu cần hành động thích đáng của Chính phủ Mỹ cùng với Nhật Bản và Liên hiệp Anh nhằm mục đích trên, Mỹ có thể thực hiện một cách rất tự tin nếu như họ coi hành động đó là hành động của Mỹ thực hiện theo trách nhiệm của bên tham gia hiệp ước”(4).
Với lời cam kết trên chúng ta có quyền khẳng định rằng Mỹ là thành viên bí mật của hiệp ước Anh – Nhật.  Minh chứng cho vấn đề này là việc Mỹ đã có những hành động hợp tác chặt chẽ với Liên hiệp Anh và Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật với trách nhiệm giúp đỡ Nhật Bản như những gì mà Anh đã dành cho Nhật Bản trước đó. Bởi hơn ai hết Mỹ nhận thức được sự nguy hiểm từ phía Nga nếu như liên minh Nga – Nhật được thiết lập thì quyền lợi cũng như vị thế của Mỹ ở Viễn Đông sẽ bị suy giảm.
Riêng đối với vấn đề Triều Tiên thì Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với việc quân đội Nhật thiết lập quyền bá chủ ở Triều Tiên với một mức độ cần thiết vì theo Nhật Bản thì Triều Tiên là nguyên nhân trực tiếp để dẫn đến cuộc chiến tranh. Thế nhưng thực chất của vấn đề này không phải bắt nguồn từ Triều Tiên mà nguyên nhân trực tiếp là  bắt nguồn từ vấn đề kiểm soát Mãn Châu và nguyên nhân gián tiếp là sự kiểm soát của Trung Quốc. Rõ ràng là giữa Mỹ và Nhật Bản đã có một sự thỏa thuận ngầm khi Nhật Bản đưa ra một tuyên bố chính thức không can thiệp vào Philippine thì Mỹ cũng đồng ý để Nhật Bản rảnh tay ở Triều Tiên. Sự thỏa thuận này đã được tờ Kokumin, một tờ báo nguyệt san của Chính phủ Nhật Bản thừa nhận:
Trên thực tế đây là một hiệp ước giữa Nhật Bản, Anh và Mỹ. Chúng ta có thể tin rằng chỉ khi Anh đã trở thành đồng minh của chúng ta, thì Mỹ cũng trở thành một bên của hiệp ước này. Do các điều kiện đặc thù trong nước, Mỹ không thể ký kết bất kỳ một hiệp định mở nào, nhưng chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng, Mỹ luôn là đồng minh của chúng ta, mặc dù điều đó không được ghi trong một hiệp ước chính thức nào cả; chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của một nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới – Tổng thống Rosevelt, Mỹ sẽ giải quyết các vấn đề phương Đông của mình trong sự hợp tác với Nhật Bản và Liên hiệp Anh”(5).
3. Và cuối cùng là đóng vai trò “người quyết định” để giải quyết các vấn đề Châu Á theo cách riêng của người Mỹ
Khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương là khu vực gắn bó một cách thiết thực đến quyền lợi của Mỹ, thế nhưng kết quả của sự phân chia quyền lợi giữa các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất thông qua Hội nghị Vecxai đã không hề đếm xỉa đến lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Vì vậy, từ chỗ là quan hệ đồng minh với Mỹ, Anh và Nhật Bản đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ ở khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương.
Ngày 12-11- 1921, Mỹ đứng ra triệu tập Hội nghị Oasinhtơn với sự   tham gia của 9 nước bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ý, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha và Trung Quốc. Kết quả của Hội nghị Oasinhtơn được thể hiện qua ba vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Mỹ đã ký với Anh, Pháp và Nhật Bản “Hiệp ước không xâm lược ở Thái Bình Dương” (13-02-1921) nhằm tiếp tục duy trì khu vực này ở trong tình trạng nguyên trạng với mục đích là bảo vệ quyền lợi của Mỹ khi Mỹ chưa có điều kiện mở rộng phạm vi ảnh hưởng đối với khu vực rộng lớn và giàu có về tài nguyên thiên nhiên này. Đồng thời với điều đó, Mỹ đã buộc Anh và Nhật Bản thủ tiêu Hiệp ước liên minh Anh – Nhật được ký kết vào năm 1902.
Thứ hai, Mỹ buộc các nước Anh, Pháp, Nhật, Ý, Bồ Đào Nha và Hà Lan  công nhận nguyên tắc “hoàn chỉnh về lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc” cũng như tạo cơ hội đồng đều” đối với tất cả các nước liên quan đến các hoạt động thương mại và công nghiệp trên lãnh thổ Trung Quốc.              
Với cách làm đó, trên thực tế, Mỹ đã hợp thức hóa được sự có mặt của Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc, điều mà Mỹ không đạt được trong Hội nghị Vecxai.
Thứ ba, Mỹ đã ký với các nước Anh, Pháp, Ý, Nhật Hiệp ước ( 06 – 02- 1922) về “hạn chế vũ trang và hải quân”,theo đó tỉ lệ hải quân của Mỹ được nâng lên ngang hàng với Anh (525000 tấn)  và vượt qua Nhật Bản (315000 tấn) đã buộc Anh từ bỏ nguyên tắc hạm đội hải quân của Anh bằng hai hạm đội mạnh nhất thế giới cộng lại cũng như làm giảm sức mạnh trên biển của Nhật Bản.
Như vậy, Hội nghị Oasinhtơn đã giải quyết được những vấn đề vướng mắc trong quan hệ giữa Mỹ với Anh và Nhật Bản liên quan đến lợi ích của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương và Trung quốc. Với kết quả của Hội nghị Oasinhtơn, Mỹ đã khẳng định được vị thế của mình và thiết lập một khuôn khổ mới do Mỹ chi phối ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Nhìn lại chính sách Châu Á của Mỹ trong nửa sau những năm 50 của thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy chính sách đối ngoại của Mỹ được triển khai hết sức linh hoạt tùy theo từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử cụ thể thích ứng với từng nước cụ thể. Đối với Nhật Bản và Trung Quốc trong giai đoạn đầu là thông qua các Hiệp định thương mại và “mở cửa” để có được một chỗ đứng “dưới ánh nắng mặt trời” như các nước tư bản phương Tây khác. Đến giai đoạn thứ hai với danh nghĩa là nước tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (chống chủ nghĩa thực dân Anh giành độc lập cho Bắc Mỹ trong những năm cuối thế kỷ XVIII) nên Mỹ sử dụng lợi thế đó để gạt Tây Ban Nha ra khỏi Philippin và biến Philippin thành nơi che chắn và bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Đồng thời lợi dụng cuộc chiến tranh Nga – Nhật, Mỹ trở thành một nhân tố quan trọng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Nhật tại Portsmouth vào năm 1905. Và giai đoạn thứ ba, sau khi trở thành “một nhân tố không thể thiếu’ trong những vấn đề thế giới, nước Mỹ tự trao cho mình quyền chủ động giải quyết các vấn đề quốc tế theo cách riêng của Mỹ, ít nhất là ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Và đấy là cơ sở tạo nên đường lối đối ngoại kiểu Mỹ (American way) cho phép Mỹ vươn lên thành một siêu cường sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và “có quyền” can dự vào các vấn đề trọng yếu của toàn cầu.

NGUYỄN VĂN TẬN
(Phó giáo sư,  Tiến sĩ, Đại học Khoa học Huế)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Minh Chơng, Cuộc cách mạng Philippin (1896-1898) – một trăm năm nhìn lại, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, 1998.
2. Eric Foner, Lịch sử mới của nước Mỹ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
3. Nguyễn Lê Nghị, Lê Minh Đức, Lịch sử nước Mỹ, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994.
4. Nguyễn Huy Quí, Lịch sử cận đại Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.
5. Jean Pierre Pichou, Văn minh Hoa Kỳ, Nxb. Thế giới,  Hà Nội, 1998.
6. Tiếp cận nghiên cứu Hoa Kỳ học và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế, Hà nội, 2000.
7. The Treat of Portsmouth 1905, ICAS Historical Document, http:// icasinc.org
8. Vĩnh Sính, Nhật Bản cận đại, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1991.






(1) Tiếp cận nghiên cứu Hoa Kỳ học và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế học, Hà nội, 2003, trang 75.
(2) Eric Foner, Lịch sử mới của nước M, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2003, trang 595.
(3) Cao Minh Chơng, Cuộc chiến tranh Philippin-Mỹ 1899- 1903, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, 1998, trang32-33.
(4) Dẫn theo tài liệu lịch sử  nghiên cứu Mỹ - Hàn; Số1905-0729-DOC; Bản thỏa thuận Taft-Katsura ngày 29.7.1905.http;//www.icasinc.org /
(5) Tài liệu đã dẫn

QUAN HỆ NHẬT – TRUNG: HOÀ GIẢI VÀ THÁCH THỨC


QUAN HỆ NHẬT – TRUNG: HOÀ GIẢI VÀ THÁCH THỨC




Với chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Abe vào tháng 4 năm 2006 và chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong tháng 4/2007, quan hệ Nhật-Trung có vẻ như đã được bình thường hóa sau một thời gian khá dài ở trong tình trạng “nóng về kinh tế, lạnh về chính trị”. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa hai nước cho đến nay, không chỉ có vấn đề chính trị mà còn đang ẩn chứa nhiều xung đột lợi ích về kinh tế, quân sự v.v...Vì vậy, tại sao hai nước lại phải hòa giải với nhau và liệu quan hệ giữa hai nước có thực sự phát triển một cách êm ấm hay không đang là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Do đó, bài viết này sẽ điểm lại quan hệ Nhật-Trung trong vài năm gần đây cũng như dự báo mối quan hệ này trong tương lai gần.
Có thể nói, bước vào thế kỉ 21, quan hệ Nhật-Trung đã ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau khi hai nước kí kết Hiệp ước hòa bình hữu nghị vào năm 1978. Trong suốt mấy năm qua, cho dù người ta nghe thấy cả hai bên vẫn tuyên bố là đối tác quan trọng của nhau, muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển hơn nữa v.v... Nhưng, các hành động trong thực tế đều có vẻ đi ngược lại với những tuyên bố đó. Kể từ năm 2001 đến năm 2005, ngoại trừ một vài cuộc gặp cấp cao một cách “bắt buộc” giữa thủ tướng hai nước tại các hội nghị quốc tế ra, hai nước đã  không thực hiện trao đổi các chuyến thăm cao cấp lẫn nhau như trước đó. Lí do dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do việc Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đến viếng đền thờ Yasukuni-nơi có thờ cúng cả những tội phạm chiến tranh loại A trong Chiến tranh Thế giới II của Nhật Bản bất chấp lời cảnh báo từ phía Trung Quốc.
Sự câu nệ đối với vấn đề đến viếng một ngôi đền, hay nói đúng ra việc lợi dụng lá bài lịch sử của các nhà lãnh đạo cũng như của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của hai nước đã đẩy mối quan hệ xấu đi nhanh chóng. Có thể nói như vậy là bởi trong thời gian trước đó đã có những nhà lãnh đạo Nhật Bản tới viếng ngôi đền này nhưng phản ứng của Trung Quốc đâu có dữ dội như vậy? Còn với Thủ tướng Koizumi cho dù tuyên bố đến viếng ngôi đền với tư cách cá nhân để bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên thì cũng không cần thiết trong 4 năm cầm quyền năm nào cũng đến viếng ngôi đền này cho dù biết rằng sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao hai bên lại sử dụng “vấn đề lịch sử” để làm căng thẳng mối quan hệ vốn đang tốt đẹp? Phải chăng bởi đã đến lúc Trung Quốc đã xác lập được vai trò quan trọng trên trường quốc tế và phát triển đến giai đoạn không cần đến vốn ODA của Nhật Bản nữa hay đây vẫn chỉ là “kịch bản” để ép Nhật Bản phải cung cấp tiếp ODA. Hoặc đây chính là lá bài để kiềm chế Nhật Bản vươn lên trở thành một cường quốc đầy đủ cũng như làm cho lung lay liên minh Nhật-Mỹ. Trái lại, phải chăng Nhật Bản muốn trở thành “một nước bình thường” và không muốn bị Trung Quốc lấy vấn đề lịch sử làm lá bài mặc cả trong mọi vấn đề.
Có thể nói, việc Trung Quốc phê phán Nhật Bản dự định ngưng cung cấp ODA cho Trung Quốc, phớt lờ quan hệ với Nhật Bản trong khi thúc đẩy mạnh mẽ chính sách ngoại giao thân thiện với các nước láng giềng, công khai tuyên bố chống Nhật Bản trở thành nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc v.v...Trong khi đó, việc Thủ tướng Nhật Bản vẫn đến viếng đền Yasukuni, tiến hành các bước để sửa đổi hiến pháp, nâng Cục phòng vệ thành Bộ quốc phòng và tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ là những câu trả lời  cho các câu hỏi trên.
Chính vì vậy, từ năm 2004 quan hệ Nhật-Trung ngày càng căng thẳng hơn. Điều này không chỉ thể hiện trong các tuyên bố và các hành động ngoại giao mà nó còn được thể hiện cả trong hành động thực tế. Trước hết vào tháng 5/2004,  phía Trung Quốc đã tiến hành thăm dò dầu mỏ tại khu vực còn đang tranh cãi về chủ quyền trên biển, tiếp đến Trung Quốc cho tàu ngầm xâm phạm lãnh hải Nhật Bản và cho máy bay bay vào vùng không phận hai bên đang tranh chấp. Để đáp trả, các bộ của Nhật Bản đã cho phép các công ty Nhật tiến hành thăm dò dầu mỏ tại khu vực tranh chấp và Chính phủ Nhật cũng tuyên bố sẽ sử dụng cả biện pháp quân sự để bảo vệ ngư dân và các giàn khoan trên biển nếu cần thiết. Nhưng có lẽ năm 2005 mới là năm quan hệ hai nước xấu nhất. Ngay từ đầu năm 2005, ở Trung Quốc đã có hơn 44 triệu người tham gia vào phong trào kí tên vào đơn trên mạng In-tơ-net phản đối Nhật Bản trở thành nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đến tháng 4/2005, khi Chính phủ Nhật cho phép các trường học nước này được sử dụng cuốn sách lịch sử mới thì ở nhiều nơi của Trung Quốc đã nổ ra các cuộc biểu tình chống Nhật Bản. Những người tham gia biểu tình còn sử dụng hành động bạo lực tấn công vào các nhà hàng, công ty thậm chí vào cả lãnh sự quán của Nhật Bản tại Trung Quốc. Lúc đầu, “Chính phủ Trung Quốc đã đồng tình thậm chí là cho phép những hành động bạo lực của các cuộc biểu tình([1])”. Nhưng sau đó, có lẽ chính bản thân Chính phủ Trung Quốc lo ngại rằng có những phần tử lợi dụng chính các cuộc biểu tình này để chống lại Trung Quốc. Và nếu như vậy sẽ lại xảy ra một sự kiện “Thiên An Môn” nữa, nên mới quyết định cấm tổ chức biểu tình tiếp. Đây quả thực là cú sốc lớn của Trung Quốc dành cho người Nhật Bản. Tuy nhiên, cuối tháng 5/2005 Trung Quốc còn gây ra sự kiện làm cho người Nhật cảm thấy “muối mặt” hơn. Đó là việc Trung Quốc đã đột ngột gọi Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi đang ở thăm Nhật Bản về nước, bất chấp đã có lịch hội đàm với Thủ tướng Koizumi. Đặc biệt, việc Trung Quốc gọi phó thủ tướng về nước mà không hề có lời xin lỗi phía Nhật Bản cũng như họ đưa ra lí do “bận công việc ở trong nước” nhưng ngay sau đó lại tiến hành thăm Mông Cổ đã làm cho người Nhật cảm thấy bị coi thường.
Nhưng rốt cuộc, có vẻ như cả hai bên đều đã nhận ra rằng, việc duy trì mối quan hệ căng thẳng như vậy chẳng những không giải quyết được vấn đề gì mà còn cản trở thực hiện chiến lược của mỗi bên cũng như ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của mình. Chẳng hạn với Nhật Bản, việc tiếp tục đến ngôi đền Yasukuni sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc lấy cớ để ngăn cản Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc, lôi kéo các nước ở Châu Á tạo thành một liên minh chống lại Nhật Bản v.v... Còn với Trung Quốc, nếu cứ bám lấy “vấn đề lịch sử” để chống Nhật chỉ càng làm cho Chính phủ Nhật, nhất là thế lực cực hữu ở Nhật càng có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, càng đẩy Nhật liên minh chặt chẽ hơn đối với Mỹ, can thiệp sâu hơn đối với vấn đề Đài Loan  hoặc dùng sức mạnh kinh tế để lôi kéo các nước chống lại Trung Quốc v.v... Chính vì vậy, bước sang năm 2006, cả hai bên đều tìm cách làm dịu đi mối quan hệ đang căng thẳng. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cho thành lập một tiểu ban đặc biệt nghiên cứu biện pháp cải thiện quan hệ với Nhật Bản, dùng lời lẽ phê phán nhẹ nhàng hơn đối với vấn đề viếng đền thờ Yasukuni cũng như kêu gọi Chính phủ Nhật cải thiện quan hệ song phương v.v... Về phía Nhật Bản, ngoài các đoàn đại biểu của các đảng phái và các tổ chức kinh tế sang thăm Trung Quốc để tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc ra, bản thân Chính phủ Nhật Bản cũng đã tiến hành bước đi cụ thể nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước. Điều này được thể hiện rõ trong việc Ông Shinzo Abe một người thuộc phái có đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc khi trở thành thủ tướng đã chọn Trung Quốc là nước đến thăm đầu tiên của ông.
Có thể nói, việc chọn không phải Mỹ là nước tới thăm đầu tiên khi trở thành thủ tướng là bước đi dũng cảm của nhà lãnh đạo Nhật Bản. Đúng như một học giả Trung Quốc nhận xét: “ Việc Thủ tướng Abe chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên đã không chỉ mở ra tiền lệ trong lịch sử ngoại giao Nhật Bản sau chiến tranh mà còn gây chấn động trong đảng cầm quyền và đảng đối lập ở nước này”([2]). Do vậy, đây dù là sự “xuống thang” hay là “chiến thuật” của Nhật Bản đi chăng nữa thì, với  chuyến thăm này, Thủ tướng Abe cũng đã làm “tan băng” trong quan hệ giữa hai nước. Sau các cuộc hội đàm, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong việc cải thiện và phát triển quan hệ song phương, vấn đề khu vực và vấn đề cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc v.v... Đặc biệt, hai bên đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc việc “xây dựng mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung” do Thủ tướng Abe đề xuất. Liên quan đến vấn đề “lịch sử”, hai nước còn nhất trí thành lập “nhóm nghiên cứu chung lịch sử Trung-Nhật” do các giáo sư, các nhà nghiên cứu của các trường Đại học và Viện nghiên cứu của hai nước đảm nhiệm. Ngoài ra, Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn đưa ra 5 đề nghị để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Đây có lẽ là  một điểm thú vị khi nghiên cứu quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa ngoại giao. Đó là vì, từ năm 1972 đến nay, quan hệ Nhật-Trung đã không ít lần xảy ra sóng gió mà nguyên nhân chủ yếu là do phía Nhật Bản có những hành động liên quan đến lịch sử. Mỗi lần như vậy, phía Trung Quốc đều phản ứng gay gắt khiến cho quan hệ hai nước trở lên căng thẳng nhưng sau đó bao giờ Trung Quốc cũng lại là phía chủ động đưa ra những kiến nghị, những nguyên tắc để bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ hai nước. Có thể nói đây là chiến thuật “vừa đấm vừa xoa” của Trung Quốc, nhưng qua đây cũng cho thấy “nhân tố” Nhật Bản là không thể thiếu đối với sự phát triển của Trung Quốc.
Sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abe, quan hệ Nhật-Trung nhất là quan hệ chính trị đã trở lên nồng ấm hơn nhưng, có lẽ chỉ tới khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tiến hành thăm Nhật Bản vào tháng 4/2007 thì quan hệ giữa hai nước mới thực sự “tan băng”. Bởi đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc sau đúng 7 năm. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai bên đã đạt được những thỏa thuận quan trọng nhằm cụ thể hóa những nội dung để xây dựng “mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung”. Những thỏa thuận này đã được đề cập đến trong bản Thông cáo báo chí chung với một số điểm chính dưới đây:
a- Giao lưu cấp Thủ tướng, đối thoại kinh tế cấp cao Nhật-Trung, đối thoại giữa Bộ ngoại giao hai nước, giao lưu phòng vệ, tăng cường giao lưu giữa nhân dân và thanh thiếu niên hai nước, giao lưu văn hóa.
b- Tăng cường hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực năng lượng, môi trường, nông nghiệp, y tế, tài chính v.v...
c- Hợp tác trong khu vực và cộng đồng quốc tế như cải cách liên hiệp quốc, cuộc đàm phán 6 bên ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
d- Giao lưu đầu tư.
e- Đạt được nhận thức chung về xử lí vấn đề Biển Đông
Riêng về vấn đề hợp tác kinh tế, cuối cùng Trung Quốc cũng đã “chấp nhận” việc Nhật Bản chấm dứt viện trợ ODA cho Trung Quốc vào năm 2008. Ngoài ra, phía Nhật Bản còn đồng ý đẩy nhanh quá trình xử lí số vũ khí hóa học (được xác định khoảng 400.000 quả đạn) mà quân đội Nhật Bản đã bỏ lại ở Trung Quốc sau Chiến tranh Thế giới II[3].
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nhấn mạnh đến những vấn đề đáng chú ý khác trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thứ nhất, đó là sau hơn 20 năm mới lại có một  lãnh đạo của Trung Quốc đọc bài diễn văn trước quốc hội Nhật Bản. Trong bài diễn văn, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảm ơn chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã viện trợ kinh tế và giúp đỡ công cuộc xây dựng và hiện đại hóa của Trung Quốc. Song, cũng không quên nhắc lại lịch sử quan hệ “từ cổ chí kim” để nhắc nhở lại công ơn của Trung Quốc đối với Nhật Bản cũng như tội ác của Nhật Bản đối với Trung Quốc. Thứ hai, trong suốt thời gian ở thăm Nhật Bản, Thủ tướng Ôn Gia Bảo không một lần nhắc đến vấn đề đền thờ Yasukuni. Đây là hiện tượng chưa từng có trong những chuyến viếng thăm Nhật Bản của lãnh đạo Trung Quốc trong những năm gần đây. Ngoài ra, ông cũng không nhắc đến vấn đề “nô lệ tình dục” và tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với đảo Senkaku, đây là điều “làm mất đi nguyên tắc lớn trong các chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc tới Nhật Bản trong thời gian gần đây”([4]).
Sự phụ thuộc lẫn nhau, ý đồ chiến lược của mỗi bên đã buộc chính phủ hai nước đều phải xuống thang với nhau và đi đến thỏa thuận “xây dựng mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung”. Song, mối quan hệ giữa hai nước có thuận chèo xuôi mái hay không? Duy trì tình hữu nghị được bao lâu vẫn còn là câu trả lời còn bỏ ngỏ vì giữa hai nước vẫn còn nhiều trở ngại khó giải quyết, thậm chí có thể nói không thể giải quyết:
Thứ nhất là vấn đề lịch sử: Sau một thời gian đầy sóng gió, quan hệ giữa hai nước có vẻ như đã bình yên trở lại bởi một loạt động thái của lãnh đạo hai nước dựa trên quan điểm “lấy lịch sử làm bài học, hướng tới tương lai”. Đó là thành lập “nhóm nghiên cứu chung lịch sử Trung-Nhật”, lãnh đạo Trung Quốc cố không nhắc đến ngôi đền Yasukuni và những vấn đề liên quan khác còn Thủ tướng Nhật Bản kiềm chế không đến viếng ngôi đền Yasukuni v.v...Tuy nhiên để thống nhất quan điểm lịch sử và duy trì tình trạng như hiện nay có vẻ không đơn giản. Lí do là:
- Nhóm nghiên cứu chung lịch sử khó có thể đi đến thống nhất quan điểm về các sự kiện lịch sử bởi hai bên có nhận thức lịch sử khác nhau, có chế độ chính trị khác nhau và họ mang tình cảm đối với dân tộc của họ. Cho nên, vấn đề “lịch sử” mãi mãi vẫn chỉ là “vấn đề lịch sử”.
- Cho dù lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu nhưng, Thủ tướng Nhật Bản vẫn chưa tuyên bố dứt khoát là có đến viếng ngôi đền Yasukuni nữa hay không. Điều này khiến cho các học giả Trung Quốc gọi là “chiến thuật mơ hồ” đối với vấn đề lịch sử, thậm chí cho rằng “Dường như ông Shinto Abe đang sử dụng vấn đề này như một con bài cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và củng cố uy tín chính trị trong nước Nhật Bản”([5]).
- Hiện nay, cùng với kinh tế phát triển, vị thế của Trung Quốc đang ngày càng nâng cao trên trường quốc tế thì sự trỗi dậy lòng tự hào “Trung Hoa” của người dân càng cao. Do đó, những vụ Lư Cầu Kiều, vụ thảm sát Nam Kinh v.v...sẽ càng khứa sâu vào nỗi đau dân tộc, rất khó xóa đi. Việc không ít lần người dân Trung Quốc tiến hành các hoạt động để tố cáo tội ác của Nhật và biểu tình chống Nhật trong đó, đỉnh cao là cuộc biểu tình chống Nhật năm 2005 là những minh chứng cụ thể. Trái lại, sau 35 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tình cảm của người dân Nhật Bản đối với Trung Quốc cũng suy giảm nghiêm trọng. Người Nhật không chống lại Trung Quốc theo cách làm của người Trung Quốc nhưng tình cảm của họ đối với Trung Quốc được thể hiện rõ nét qua các cuộc điều tra dư luận trong nước. Theo cuộc điều tra dư luận do Hãng điều tra dư luận Chuyo tiến hành tháng 2 năm 2006 thì, chỉ có 6,9% số người trả lời cho rằng  quan hệ Nhật-Trung hiện nay tốt, có đến 66,7% trả lời không tốt. Đối với câu hỏi “cảm giác thân thiện đối với Trung Quốc” thì tỷ lệ số trả lời “có” cũng giảm mạnh. Nếu tại cuộc điều tra được tiến hành năm 1978, có 62,1% số người được hỏi trả lời là “thân thiện với Trung Quốc” và 25,6% trả lời “không thân thiện” thì, đến năm 2005 các con số tương ứng là 32,4% và 63,4%. Có nghĩa là vị trí giữa các tỉ lệ này đã đổi chỗ cho nhau. Hơn nữa, hiện nay ở Nhật Bản vẫn tồn tại “thuyết đe dọa của Trung Quốc”. Do vậy, mối hiềm khích dân tộc sẽ là một trong những nhân tố gây cản trở lớn nhất để chính phủ hai nước thực hiện chính sách “hữu nghị đời đời bền vững”.
Thứ 2 là vấn đề Đài Loan: Cũng giống như Mỹ, cho đến nay Chính phủ Nhật Bản vẫn tuyên bố ủng hộ Chính sách “một nước Trung Quốc” nhưng cũng chưa bao giờ cam kết bằng văn bản ngoại giao là sẽ “không ủng hộ chủ trương Đài Loan độc lập”. Ngoài ra, Nhật Bản vẫn kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan như trong “Luật chống li khai” của Trung Quốc và ngày càng có nhiều tuyên bố và hành động nhằm bảo vệ Đài Loan. Chẳng hạn, trước tình hình Trung Quốc ngày càng bố trí nhiều quân đội và các loại vũ khí tiên tiến nhằm vào Đài Loan, Nhật Bản cùng Mỹ ra tuyên bố bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Điều này có nghĩa là nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan thì Mỹ và Nhật Bản sẽ nhảy vào can thiệp. Hơn nữa, Nhật Bản vẫn để cho các quan chức Nhật Bản thăm Đài Loan cũng như cho phép các quan chức Đài Loan sang Nhật. Ngay đầu tháng 6 năm 2007, khi mà quan hệ hai nước mới hòa dịu lại, Nhật Bản không những cho phép Lí Đăng Huy- người bị phía Trung Quốc coi là nhân vật cầm đầu thế lực độc lập ở Đài Loan sang thăm mà còn cho phép ông ta đến viếng ngôi đền Yasukuni đầy tranh cãi.
Như vậy, đối với một bên sẽ giải quyết bằng mọi giá và một bên phản đối đến cùng mọi hành động sử dụng vũ lực, “vấn đề Đài Loan” sẽ còn là nhân tố tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước. Tuy nhiên, có thể “Đài Loan” còn là một “lá bài” để cả hai bên mặc cả với nhau chẳng hạn như đối với vấn đề trở thành Ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Nhật Bản.
Thứ ba là tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên: Mặc dù hiện nay cả hai bên đều nhất trí tìm cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, nhưng đây là vấn đề khó nhượng bộ nhau bởi nó liên quan đến vấn đề chủ quyền, năng lượng và an ninh quốc gia. Đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu ngư) đang nằm trong kiểm soát của Nhật Bản nên phía Nhật Bản chắc chắn sẽ không chấp nhận mọi đề xuất của Trung Quốc liên quan đến việc chia xẻ chủ quyền. Ngược lại, với mục đích xây dựng chiến lược phòng thủ trên biển từ xa, Trung Quốc cũng không chấp nhận quần đảo này thuộc của riêng Nhật Bản.
Ngay cả tranh chấp về vấn đề khai thác năng lượng ở ngoài khơi biển Hoa Đông cũng chưa giải quyết được cho dù đã qua 9 vòng đàm phán. Mặc dù hai bên đồng ý giải quyết tranh chấp nguồn năng lượng dưới đáy biền bằng việc cùng khai thác tại đường trung gian trên biển. Nhưng việc xác định đường trung gian chạy qua khu đặc quyền kinh tế chồng lấn lên nhau của hai bên vẫn chưa được rõ ràng. Hơn nữa, Nhật Bản vẫn e ngại việc Trung Quốc tiến hành khai thác khí đốt ở gần đường trung gian sẽ hút hết nguồn khí nằm trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản. Do đó, cho dù đạt được thỏa thuận cùng khai thác nhưng, khai thác ở chỗ nào mới là cốt lõi của vấn đề.
Thứ tư là vấn đề an ninh, quốc phòng: Đây cũng là một trong những thử thách khó khăn để phát triển quan hệ Nhật-Trung. Trong những năm gần, đây hai nước luôn có những tuyên bố bày tỏ lo ngại về chính sách quân sự cũng như việc thành lập những liên minh mới để kiềm chế lẫn nhau. Cho dù hai bên đều bác bỏ những lời cáo buộc của nhau nhưng trên thực tế, chính sách và hành động của hai nước lại chứng minh rõ ràng cho những cáo buộc đó. Đó là:
Về phía Trung Quốc: Có thể nói cho đến nay Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược an ninh quốc gia hết sức tinh vi và đa dạng. Nó được thể hiện trên hai khía cạnh là: xây dựng an ninh đối ngoại và hiện đại hóa quốc phòng. Về an ninh đối ngoại, Trung Quốc tìm cách củng cố an ninh của mình bằng việc vừa tham gia vào các tổ chức trong khu vực, vừa thắt chặt quan hệ song phương với từng nước trong tổ chức đó, nhất là các nước liên quan nhiều đến an ninh của Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ trong việc thành lập và nâng cao vai trò của Tổ chức hợp tác Thượng Hải như hiện nay, việc tham gia hợp tác đầy đủ trên các lĩnh vực với tổ chức ASEAN, duy trì mối quan hệ chiến lược với Pakistan, CHDCND Triều Tiên v.v... Tất nhiên, chiến lược này của Trung Quốc còn nhằm làm suy yếu vai trò của Nhật Bản tại các khu vực này.  Riêng phía đông, Trung Quốc bị Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và những căn cứ quân sự của Mỹ ngăn chặn. Vì vậy, một mặt Trung Quốc lấy vấn đề lịch sử để lôi kéo Hàn Quốc vào liên minh chống Nhật, mặt khác Trung Quốc đang ra sức lấn chiếm các đảo trong khu vực biển Đông và hiện đại hóa quốc phòng nhất là lực lượng hải quân để tạo ra phòng tuyến ngăn chặn từ xa.
Về hiện đại hóa quốc phòng, trong 18 năm liên tiếp ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng hàng năm ở hai con số. Tháng 3/2007, Đại hội đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc đã thông qua ngân sách quân sự năm tài chính 2007 là khoảng 45 tỉ USD, tăng 17,8% so với năm tài chính trước. Nhưng theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ thì ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay ở vào khoảng từ 80 đến 120 tỷ USD. Với khoản ngân sách lớn như thế này, Trung Quốc sẽ phát triển được nhiều tên lửa tầm xa, lực lượng tàu ngầm và có khả năng có được tàu sân bay. Như vậy, Nhật Bản luôn nằm trong tầm ngắm của vũ khí của Trung Quốc. Đó là lí do tại sao Nhật Bản luôn yêu cầu Trung Quốc phải minh bạch ngân sách quân sự.
Để đối phó lại Trung Quốc, Nhật Bản cũng không chịu ngồi yên. Trong thời gian qua, Nhật Bản cũng đang thực hiện chiến lược an ninh gây lo ngại cho Trung Quốc.
Thứ nhất, Nhật Bản thực hiện chính sách ngày càng mở rộng liên minh quân sự với Mỹ như: mở rộng phạm vi can thiệp trong Hiệp ước bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ; cùng Mỹ nghiên cứu và sản xuất những loại vũ khí tiên tiến, để Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa trên đất Nhật Bản v.v...
Thứ hai, Nhật Bản đã nâng cấp “Cục phòng vệ Nhật Bản” lên thành Bộ quốc phòng, điều này có nghĩa là vai trò của quân đội Nhật Bản sẽ được mở rộng hơn. Ngoài ra, Nhật Bản đang tích cực xúc tiến sửa đổi Bản hiến pháp năm 1946, đặc biệt là sửa điều 9 vốn được xem như là tượng trưng cho chính sách hòa bình của Nhật Bản.
Thứ ba, tìm cách mở rộng thêm hệ thống an ninh mới. Để bảo đảm an ninh và quyền lợi ở khu vực Đông Nam và Nam Á, Nhật Bản cũng đang thực hiện chính sách đối ngoại mạnh mẽ và năng động hơn. Ngoài việc tăng cường quan hệ với tổ chức ASEAN và các nước thành viên trong tổ chức ra, Nhật Bản đã và đang tìm cách thành lập thêm hệ thống an ninh mới ở khu vực này. Chẳng hạn, Nhật Bản đã kí kết Hiệp ước an ninh với Ôxtralia vào tháng 3/2007 và đang cùng Mỹ, Ôxtralia và Ấn Độ bàn bạc thành lập cơ chế đối thoại chiến lược. Rõ ràng điều này sẽ tạo ra một thế kiềm chế Trung Quốc nên báo chí Trung Quốc đã phê phán đây là tổ chức NATO ở Châu Á.
Thứ năm là vấn đề Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thoáng nhìn thì có vẻ như Trung Quốc đang nắm trong tay lá bài này để mặc cả với Nhật Bản nhưng, thực ra  đây cũng lại là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc không bao giờ muốn Nhật Bản trở thành nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ để có thể trở thành một cường quốc đầy đủ. Việc Trung Quốc lấy cớ Nhật Bản “không thức tỉnh đối với bài học lịch sử” để ngăn cản chính là vì mục đích đó. Nhưng, có vẻ hiện nay Nhật Bản đang “nhún mình” đối với Trung Quốc bằng cách không khuấy lên vấn đề lịch sử. Vì vậy, Trung Quốc sẽ mất đi lá bài của mình. Để tiếp tục ngăn cản Nhật Bản, Trung Quốc sẽ buộc phải dùng đến những lí do khác. Nhưng nếu làm như vậy sẽ làm cho thế lực cực hữu (thậm chí cả người dân) ở Nhật Bản có lí do chống lại Trung Quốc. Chính vì vậy, Trung Quốc chính là người đứng trước ngã ba của sự lựa chọn chính sách đối với Nhật Bản và mọi động thái của Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đến quan hệ hai nước.
Tóm lại, sau nhiều năm bị đóng băng, quan hệ Nhật-Trung đã ấm trở lại. Bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế hiện nay đã quá lớn cũng như những toan tính chiến lược chắc chắn sẽ buộc hai nước cùng phải tạm thời gác lại những bất đồng cùng nhau xây dựng mối “quan hệ hữu nghị” đời đời. Do đó, trong thời gian tới quan hệ hai nước vẫn sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực. Quan hệ hai nước sẽ phát triển sâu hơn và rộng hơn trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng, bảo vệ môi trường, giao lưu nhân sự v.v... Tuy nhiên, những trở ngại đề cập ở trên, nhất là khi những chiến lược của mỗi bên chủ yếu nhằm cản trở nhau sẽ ảnh hưởng mạnh đến quan hệ hai nước. Đặc biệt tôi cho rằng, trong những trở ngại của quan hệ hai nước, thì trở ngại về “lòng tự hào và sự tổn thương dân tộc” sẽ khó điều chỉnh nhất và có tính quyết định nhiều nhất đến quan hệ Nhật-Trung trong tương lai.

NGUYỄN THANH BÌNH
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Vĩnh Long, “Đông Nam Á trong quan hệ Mỹ – Nhật - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam”. Tạp chí nghiên cứu & thảo luận; số 8 tháng 7/2006.
2. Những kiến nghị cho quan hệ Nhật-Trung từ nay về sau, Ủy ban phát triển kinh tế Nhật Bản. Tháng 4/2006.
3. Báo điện tử Vietnamnet
4. Tài liệu tham khảo đặc biệt.
5. Tin trên trang Web của Bộ ngoại giao Nhật Bản: www.mofa.go.jp




([1]) Joseph S.Nye “Tam giác chiến lược Đông Á”, đăng trên WWW.lanhdao.net ngày 30/10/2006.
([2]) Vương San, “Những điều chỉnh trong chính sách đối với Trung Quốc của Shinzo Abe và quan hệ Trung-Nhật”; Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 15/4/2007.
([3]) www.mofa.go.jp/mofaj/area/china/visit/0704_kh.html
([4]) Tài liệu tham khảo đặc biệt; ngày 11/6/2007.
([5]) Tài liệu tham khảo đặc biệt; 13/4/2007

MỘT SỐ LUẬN BÀN VỀ MÔ HÌNH THỐNG NHẤT BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN


MỘT SỐ LUẬN BÀN VỀ MÔ HÌNH THỐNG NHẤT BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN




Khi luận bàn về mô hình thống nhất hai miền Triều Tiên người ta thường nghĩ đến trường hợp của nước Đức thống nhất 10/1990. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mô hình thống nhất kiểu Đức không áp dụng được cho Bán đảo Triều Tiên do sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử chiến tranh, các điều kiện về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội … mà cụ thể là: Chiến tranh Triều tiên (1950-1953), Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên có lực lượng quân sự hùng mạnh và thậm chí có cả vũ khí hạt nhân, người dân CHDCND Triều Tiên ít được tiếp cận với các phương tiện thông tin từ bên ngoài, dân số Hàn Quốc chỉ gấp đôi dân số CHDCND Triều Tiên trong khi dân số Tây Đức gấp những 3 lần dân số Đông Đức và Hàn Quốc cũng chưa đủ mạnh để có thể đảm bảo nâng mức sống của CHDCND Triều Tiên lên ngang bằng với Hàn Quốc trong vòng 5 năm, vv…
Vì vậy, thống nhất Triều Tiên sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, kinh nghiệm thống nhất của nước Đức cũng giúp Triều Tiên học hỏi được rất nhiều điều và lường trước được những hạn chế (khó khăn) nảy sinh khi thống nhất hai miền.
Hơn nữa, quá trình thống nhất phải xuất phát từ nguyện vọng và sự hợp tác của cả hai bên, chứ không phải là bên nào áp đặt bên nào và đồng thời cũng cần có một sự thay đổi bước ngoặt trong giới lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc với sức mạnh kinh tế hùng hậu và dân số đông hơn nên là người tiên phong, nhưng chỉ nên mách bảo cho CHDCND Triều Tiên về cơ chế thị trường chứ không nên áp đặt nó. Thống nhất cần phải được thực hiện từ từ và từng bước, nó có thể sẽ mất hàng thế hệ kể từ thời điểm chuẩn bị sáp nhập cho tới khi trở thành một thực thể kinh tế thống nhất. Và các quan điểm chính trị của CHDCND Triều Tiên sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến Hàn Quốc theo cách mà nó đã không thực sự diễn ra ở nước Đức. Một trong những bài học mà Hàn Quốc có thể học được từ nước Đức là, không nên thống nhất hoàn toàn chừng nào mà CHDCND Triều Tiên còn chưa chuẩn bị cho việc hình thành một nền kinh tế thị trường thực sự.
Dưới hệ thống chính trị năng động mới, trong bối cảnh toàn cầu thay đổi với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, hai miền Triều Tiên cần phải phát triển những cách thức và nguyên tắc mới để điều tiết quan hệ của chúng. Bởi vì hai bên có sự khác biệt về thể chế và quan niệm khác nhau về những đòi hỏi của tình hình mới. Mỗi bên cần phải phát triển chiến lược và chính sách riêng của mình trong sự phối hợp với bên kia, và đồng thời tạo ra một sự điều chỉnh hợp lý và có lợi cho cả hai bên. Vì vậy, nên thực hiện hội nhập từng bước hơn là thống nhất hai miền ngay lập tức.
Để có được một nước Triều Tiên độc lập và thống nhất, trước tiên cần phải bàn đến hai vấn đề. Thứ nhất là,cách thức và chiến lược thống nhất. Thứ hai là, cần một mô hình thống nhất thích hợp cho một nhà nước thống nhất trong tương lai và công cụ để biến nó thành hiện thực.
Cho đến nay các luận bàn về thống nhất Bán đảo Triều Tiền đều tập trung vào quá trình đi đến thống nhất. Những quan tâm chủ yếu trong các cuộc luận bàn về quá trình đi tới thống nhất đó là:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho thống nhất bằng cách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên (thoả thuận hợp tác khu vực và nhận diện lẫn nhau);
- Các cách tiếp cận thống nhất (theo chế độ Liên bang, theo Thuyết chức năng và Thuyết chức năng mới);
- Các cách làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên (ví dụ: hội nhập hay cùng tồn tại hai miền); trao đổi và hợp tác liên Triều;
- Thay đổi, cải cách về chính trị và kinh tế ở cả hai miền.
Tuy nhiên các nghiên cứu này vẫn chưa tìm ra được một mô hình thích hợp và khả thi nhất cho việc thống nhất hai miền trong hiện tại và tương lai.
Khái niệm thống nhất và hội nhập:
Sau đây chúng ta thử xem xét hai khái niệm liên quan đến thống nhất, đó là: thống nhất và hội nhập. Thống nhất chính trị là một quá trình sáp nhập các hệ thống chính trị riêng rẽ thành một hệ thống chính trị duy nhất. Hội nhập xã hội là một quá trình hoá giải những xung đột đang diễn ra hoặc tiềm ẩn bắt nguồn từ những khác biệt hay những khoảng cách về văn hoá. Khái niệm thứ nhất liên quan đến việc xây dựng một nhà nước trong khi khái niệm thứ hai liên quan đến việc xây dựng một dân tộc hay một quốc gia. Vì vậy, một nhà nước bị chia cắt có thể sáp nhập về mặt chính trị mà chưa hội nhập về mặt xã hội. Chẳng hạn như, Lebanon và Nigeria đã đạt được một mức độ cao về xây dựng nhà nước nhưng mức độ hội nhập dân tộc (quốc gia) còn thấp của nó đã dẫn đến những xung đột nội bộ gay gắt (nội chiến). Một bài học đắt giá có thể rút ra từ cuộc nội chiến ở Yemen do việc sáp nhập chính trị nóng vội gây ra. Thống nhất chính trị mà thiếu tái hội nhập xã hội chính là nguyên nhân gây xung đột chia rẽ. Trường hợp thống nhất nước Đức năm 1989-1990 cho chúng ta thấy việc sáp nhập hai đảng phái và hai nền văn hoá chính trị là khó khăn như thế nào. Có thể rút ra một điều rằng, ở nước Đức sự thống nhất quốc gia có lẽ chỉ đạt được về mặt chính trị còn sự thống nhất toàn diện thực sự về mọi mặt thì còn lâu mới đạt được.
Dù sao thì chúng ta cũng thấy rằng, trong những năm đầu của thập niên 1990, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đã đạt được một bước tiến mới trong quá trình hoà giải. Quan hệ mới giữa hai miền trong thập niên 1990 đã thể hiện một bước đột phá trong quan hệ liên Triều; nó phản ánh việc công nhận sự tồn tại thể chế của nhau trong sự thay đổi của môi trường chính trị thế giới. Bước đột phá mới trong giai đoạn 1991-1992 đó là, hai miền đã nhận thức được rằng cùng tồn tại là điều kiện tiên quyết để duy trì hoà bình và ổn định trong kỷ nguyên sau Chiến tranh Lạnh. Hai bên cũng đã nhận ra một chân lý, đó là tái thống nhất Triều Tiên sẽ không trở thành hiện thực (ngoại trừ việc xử dụng vũ trang và nổi loạn) nếu không thiết lập một khung khổ cho việc cùng tồn tại hoà bình và thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa hai miền. Những nỗ lực bình thường hoá quan hệ thù địch trong quan hệ liên Triều đã đem lại kết quả qua việc ký kết hai hiệp định lịch sử vào 12/1991, Không quá khích; Hợp tác và Trao đổi (còn gọi là Hiệp định Cơ sở) và một Tuyên bố Chung về Phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên. Kết quả mà các hiệp định này đem lại là khả năng và triển vọng hoà bình và tái thống nhất Triều Tiên đã được cải thiện một cách đáng kể, mặc dù chương trình vũ khí hạt nhân khả nghi của CHDCND Triều Tiên - hiện đang được đặt dưới sự thanh tra giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đang đe doạ an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Thách thức trong kỷ nguyên sau Chiến tranh Lạnh đó là thay đổi mối quan hệ liên Triều, chuyển từ đối đầu sang cùng tồn tại trong một nền hoà bình và trật tự. Nhiệm vụ thể chế hoá quá trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ mất nhiều thời gian. Tranh luận về vấn đề hạt nhân cho thấy khó khăn như thế nào trong việc xoá bỏ những nghi ngờ và thù địch giữa hai bên.
Dù sao thì, bằng cách mở ra một kênh đối thoại ở cấp chính phủ, hai miền đã nhận thức được rằng nên dựa vào ngoại giao và đối thoại hơn là dựa vào sự ép buộc và đe doạ chiến tranh. Nói cách khác là, hai miền đã quyết định “chơi trò chơi” ngoại giao và đàm phán hơn là “chơi trò chơi” chiến tranh và xung đột. Kết quả là, triển vọng thể chế hoá quá trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên đã được cải thiện một cách đáng kể.
Seoul cho rằng, tái thống nhất Triều Tiên chỉ có thể đạt được một cách dần dần từng bước bởi vì có rất nhiều khác biệt về kinh tế và hệ tư tưởng giữa hai miền. Vì vậy, nhiệm vụ trước tiên là tạo ra một khung cảnh hoà bình ổn định ở cả hai bên Seoul và Bình Nhưỡng và đồng thời làm cho Washington, Bắc Kinh và Tokyo tin tưởng vào một nền hoà bình ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Sự mất niềm tin sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) đã mách bảo một điều rằng cần phải thực hiện “hiệp ước không quá khích” trước khi dự định thực hiện bất kể một thoả thuận nghiêm túc nào về thống nhất hoà bình. Vì vậy, đối với Seoul, cùng tồn tại hoà bình cần phải được coi như là bước khởi đầu quan trọng nhất. Ngược lại, CHDCND Triều Tiên lại cho rằng, cần thực hiện thống nhất theo kiểu “toàn bộ và một lần”, chia cắt càng kéo dài thì càng khó thực hiện thống nhất, và việc cùng nhận diện sự tồn tại riêng biệt của nhau hiện nay sẽ càng kéo dài thêm sự chia cắt trên Báo đảo Triều Tiên. Vì vậy, Bình Nhưỡng yêu cầu quân đội Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc và tiến hành đàm phán chính trị ngay lập tức để đẩy nhanh tiến trình tái thống nhất.
Ngay cả mô hình Cộng hoà Liên bang Dân chủ (Democratic Confederal Republic) đã kêu gọi sự hình thành một lực lượng ‘quân sự quốc gia kết hợp’ và một chính sách ngoại giao chung trước khi hội nhập chính trị hai miền. Nói tóm lại, CHDCND Triều Tiên coi tái thống nhất như một sự kết thúc, với cái tên gọi chung là “Cộng hoà Liên bang Dân chủ Triều Tiên”, trong khi Hàn Quốc coi nó như một quá trình thống nhất từ từ, từng bước sau khi thiết lập một “Cộng đồng Quốc gia Triều Tiên” (Korean National Community).
Với những quan điểm về thống nhất mà hai bên đã thể hiện cho thấy, cả hai bên đều không thực sự thích thú việc thống nhất cho lắm mà chỉ sử dụng các cuộc đối thoại, đàm phán thống nhất như một hình thức chiến tranh lạnh chính trị nhằm áp đặt ý đồ của mình đối với bên kia.
Không chỉ có sự khác biệt cơ bản giữa hai miền trong cách thức đi đến thống nhất mà hai miền còn có vị trí rất khác nhau trong chiến lược hình thành một chính phủ thống nhất. Hàn Quốc muốn một sự tự do, một cuộc tổng tuyển cử (mọi người dân Triều Tiên đều được tham gia bầu cử) dưới sự quản lý và giám sát của Liên Hiệp Quốc hoặc một tổ chức nào đó tương tự. Và nên dành quyền đại diện đa số cho Hàn Quốc vì Hàn Quốc có đông dân số hơn CHDCND Triều Tiên. Ngược lại, CHDCND Triều Tiên muốn một liên bang có cơ cấu lỏng lẻo hơn. Cuộc tổng tuyển cử không nên tiến hành dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc mà nên là các nước trung lập hoặc các đảng phái thích hợp nào đó. Bởi vì Bắc Triều Tiên đã chống trả lại lực lượng của Liên Hiệp Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, nên Liên Hiệp Quốc khó mà tránh khỏi không có thành kiến với CHDCND Triều Tiên. Sự lựa chọn hợp lý nhất là tiến hành tổng tuyển cử do chính người dân Triều Tiên tổ chức và dưới sự giám sát của nước ngoài. Quyền đại diện của mỗi bên không nên chỉ dựa vào qui mô dân số mà nên xét đến cả qui mô diện tích lãnh thổ. CHDCND Triều Tiên còn đề xuất một ‘Hội nghị phối hợp các đại diện’ của các đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội đến từ hai miền. Đề xuất này sẽ tạo ra một cơ cấu đại diện theo chức năng chứ không chỉ dựa theo qui mô dân số. Mô hình Liên bang mà CHDCND Triều Tiên dự thảo sẽ được hình thành một cách tạm thời, trong khi chính phủ hai bên vẫn có toàn quyền tự chủ.
Mặc dù có sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận thống nhất của cả hai miền, CHDCND Triều Tiên nói chung vẫn phản đối sự hiện diện của bất cứ một lực lượng quân đội nước ngoài nào tại Hàn Quốc, đặc biệt là của Mỹ. CHDCND Triều Tiên coi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc chính là lực cản lớn nhất của quá trình đàm phán thống nhất. Hơn nữa, CHDCND Triều Tiên còn sợ rằng cuộc đua vũ trang giữa hai miền tiếp diễn sẽ gây nguy hại đến tiến trình thống nhất và đề xuất một sự cắt giảm quân sự chung của hai bên (mỗi bên cắt giảm khoảng 100 nghìn quân nhân). Trong khi đó Hàn Quốc vẫn cảm thấy rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc là rất cần thiết để đảm bảo hoà bình và ổn định của khu vực Đông Á nói chung và cho sự ổn định và chuyển đổi dần dần của hệ thống chính trị Triều Tiên nói riêng. Hàn Quốc cho rằng, nên duy trì một lực lượng quân sự cân bằng giữa hai miền cho tới khi đạt được các điều kiện về thống nhất hoà bình. Vì thực tế như chúng ta đã biết, chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã nổ ra ngay sau khi lực lượng quân đội của Mỹ và Nga rút khỏi hai miền được một năm.
Một phân tích so sánh về thái độ và chính sách của các hệ thống chính trị - xã hội cùng tồn tại ở các nước bị chia cắt đã chỉ ra rằng, trong mỗi một trường hợp cụ thể, sự duy trì và phát triển của một hệ thống riêng biệt thường ưu tiên về mặt thứ bậc của các giá trị hơn là thành tựu chung của quốc gia. Mâu thuẫn giữa mục tiêu ý thức hệ của việc duy trì hệ thống và những đòi hỏi của việc thống nhất quốc gia đã được giải quyết hầu hết bằng cách ưu tiên cho các nhu cầu duy trì hệ thống. Các kịch bản thống nhất hầu như đều được nhìn nhận dưới những cách mà ở đó các thành tựu thống nhất đi đôi với chiến thắng cuối cùng của một hệ thống đối với hệ thống còn lại hay ít nhất là bởi sự thay thế của hệ thống này cho hệ thống kia. Cho đến nay, sự thống nhất mà các quốc gia bị chia cắt có được là nhờ, hoặc là chiến tranh hoặc là do một hệ thống bị sụp đổ hoàn toàn trước hệ thống kia, ví dụ như trường hợp của Việt Nam, Yemen, Đức và Căm Pu Chia. Và nước Đức cũng không thể thống nhất được nếu không có sự chuyển đổi của hệ thống cũ ở Đông Đức. Với thách thức vượt qua những khó khăn trong vấn đề Đài Loan, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất mô hình thống nhất “một quốc gia hai chế độ”. Về thực chất thì hệ thống này cũng vẫn chỉ coi Đài Loan như là một bộ phận trực thuộc hệ thống bá quyền của Trung Quốc mà thôi. Việc phủ nhận quyền bình đẳng giữa hai hệ thống khác nhau này của Trung Quốc đã gây trở ngại cho việc xây dựng mô hình thống nhất Bán đảo Triều Tiên theo kiểu “một quốc gia hai chế độ”. Có vẻ như việc thực hiện thống nhất là không hiện thực trừ phi có sự hội nhập giữa hai hệ thống đối lập này, vì cả hai bên đều e ngại lẫn nhau về mục tiêu thống nhất cuối cùng của mỗi bên. Nhưng việc theo đuổi thống nhất và các cách thức thống nhất loại trừ lẫn nhau hiện nay của cả hai hệ thống không có nghĩa là sẽ không thể tiến hành những bước chuẩn bị cho quá trình tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên.
Sau đây là một số đề xuất giải pháp trước mắt mang tính khả thi:
Loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực, hai miền dường như đang đứng trước hai sự lựa chọn: một là tiếp tục kéo dài tình trạng cùng tồn tại đối đầu như hiện nay, hai là chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để đi tới mục tiêu cuối cùng là hình thành một Liên bang Triều Tiên hay một Khối cộng đồng Triều Tiên (Korean Commonwealth or Confederation). Kinh nghiệm của Đức cho thấy, hai miền Triều Tiên nên ký kết với nhau một bản Hiệp ước về Cơ sở Quan hệ Liên Triều bao gồm các điều khoản sau:
1. Công nhận lẫn nhau như những nhà nước độc lập trong một quốc gia, hai bên đều phải cam kết hướng tới mục tiêu cuối cùng là tái thống nhất quốc gia.
2. Thúc đẩy an ninh và hoà bình của quốc gia và khu vực, hai bên đều phải tránh sử dụng vũ lực để đối phó lẫn nhau và cùng nhau phát triển các hệ thống quân sự tin cậy.
3. Tránh khiêu khích và xích mích lẫn nhau. Theo điều khoản 1 của Hiệp ước này thì hai bên đều phải tôn trọng những khác biệt trong hệ thống chính trị - xã hội của nhau, tránh can thiệp vào các chính sách đối nội và đối ngoại của nhau. Hiệp ước này không chịu sự chi phối của bất kỳ một hiệp ước nào khác đang tồn tại của hai bên.
4. Để thúc đẩy tiếp tục đối thoại và hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai bên, hai bên phải phối hợp thiết lập ra một Uỷ ban tư vấn về Hợp tác liên Triều.
- Uỷ ban này sẽ bao gồm hai bộ phận.: Uỷ ban Tư vấn bao gồm các đại diện cấp cao của các chính phủ và các tổ chức xã hội Chữ thập đỏ và Hội đồng Tư vấn bao gồm những người đại diện do nghị viện và các tổ chức tôn giáo, kinh tế và văn hoá của hai bên đề cử. Hai bên tổ chức và chọn lựa các đại biểu chung của mình mà không có sự tham gia của bên thứ ba nào khác.
- Uỷ ban Tư vấn có nhiệm vụ hoạch định tương lai phát triển các trao đổi liên Triều hiện nay, nghĩ ra những phương thức trao đổi mới, và giải quyết các vấn đề liên quan đến câu hỏi liệu, khi nào, và làm thế nào để việc thiết lập một Liên bang Triều Tiên hay một Khối cộng đồng Triều Tiên có thể được coi như là một bước khởi đầu hướng tới mục tiêu cuối cùng là tái thống nhất hoàn toàn và lâu dài.
- Văn phòng Uỷ ban Tư vấn đặt ở Bàn Môn Điếm nơi mà sau này sẽ có thể phát triển dần thành một Trung tâm Trao đổi liên Triều.
1. Hai bên thiết lập các Văn phòng Trao đổi ở thủ đô của cả hai miền.
Kịch bản Hiệp ước này nhằm mục tiêu tạo ra một cơ chế bước đệm cho cả hai bên, giữa hiện trạng và tương lai của một Khối cộng đồng Triều Tiên hay một cơ cấu Liên bang sẽ được hình thành giữa hai bên.
Với tình hình của CHDCND Triều Tiên hiện nay thì, các chính sách hướng tới thống nhất hai miền của chính phủ Hàn Quốc chỉ có thể đạt được mục tiêu khi mà nó hướng tới những lợi ích thiết thực của CHDCND Triều Tiên (ví dụ như mang lại lợi ích về mặt kinh tế). Mặc dù hai bên đã có một loạt các trao đổi về mậu dịch, viện trợ, khoa học, công nghệ, du lịch, văn hoá, thể thao, triển lãm, …. nhưng có thể nói hoạt động trao đổi và quan hệ liên Triều cho đến nay vẫn còn rất hạn chế, vì vậy cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi giữa hai bên trong phạm vi có thể.
Trong lúc có vẻ như quá sớm để hình thành một cơ cấu Liên bang hay Khối cộng đồng Triều Tiên ở thời điểm này thì hai miền có thể thiết lập một thể chế tạm thời như đã đề cập ở trên (Hiệp ước về Cơ sở Quan hệ liên Triều).
Một mặt, để đối phó với tình hình mới luôn có những bất ổn và chiến tranh rình rập, cần phải thiết lập một mạng lưới phối hợp giải quyết tốt hơn về mặt thể chế ở miền Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống và Bộ Thống nhất thông qua những phân tích chính sách chiến lược phương Bắc của Seoul. Mặt khác, để giảm bớt khó khăn, Hàn Quốc nên thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ và Nhật Bản trong việc hình thành các chính sách đối với CHDCND Triều Tiên.
Hàn Quốc không nên loại trừ khả năng thương mại hoá các viện trợ kinh tế và các viện trợ ngoại giao khác (nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Washington, Tokyo và Châu Âu) để duy trì tiến trình của CHDCND Triều Tiên trong việc thực hiện Hiệp ước Bắc-Nam năm 1991-1992 và tiến trình đàm phán bốn bên.
Kinh nghiệm của Đức cho thấy những động thái phát triển mới (ngoài dự đoán) có thể dẫn tới một sự sụp đổ bất ngờ hay một sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống thứ hai. Thay vì cảm thấy tình hình phát triển hiện nay là không chắc chắn, Hàn Quốc cần phải chuẩn bị ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra. Vì vậy, những gánh nặng và áp lực đối với Hàn Quốc là lớn hơn rất nhiều so với những gì mà Tây Đức phải gánh chịu sau sự sụp đổ không mong đợi của Đông Đức năm 1990.

VÕ HẢI THANH
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ronald Meinardus, Liberal Times, Challenges for Korea's Unification: A German perspective, 11-21-2002.
2. Kim Yung-Bong, Professor of Economics
Chung-Ang
 University, Conditions for Unification in the 21st Century, Unified Korea Economy, January 2000.
3. Nicholas Eberstadt and Judith Banister, Divided Korea: Demographic and Socio-Economic Issues forReunification
4. Speeches, Testimony, Papers, The Economics of Korean Unification, Marcus Noland Institute for International Economics, Paper prepared for Foresight Magazine February 2000
5. Dr Rhee Tong-chin, Korea Times 30 January 2001, "Will Korea Be Unified-Under What Circumstances?"
6. Jonathan D. Pollack, Korean Unification: Illusion or Aspiration? Winter/Spring 2001 – Volume VIII, Issue 1.
7. Colonel Richard B. Bundy, Korean Unification: Opportunities and Threats.
8. Ronald Meinardus, Challenges for Korea's Unification: A German perspective, Liberal Times,11-21-2002.
9. Ministy of Unification, white paper, Overview of South Korea s Policy toward North Korea Prior to the Kim Dae-jung Administration, 21.08.2002.
10. Peace and Cooperation, White Paper on Korean Unification 1996, Ministry of National Unification, Republic of Korea.
11. Jonathan D. Pollack, Chung Min Lee, Preparing for Korean Unification: Scenarios and Implications
12. Sam Vaknin, The Cost of Unification German Lessons for Korea, published by United Press International (UPI)
13. The Costs and Benefits of Korean Unification, Marcus Noland Institute for International Economics, Sherman Robinson, International Food Policy Research Institute, Li-Gang Liu, Institute for International Economics
14. By Jong-chul Park, The Policy of Peace and Prosperity: Its Characteristics and Challenges, The Korea Society Quarterly, Volume 4, Number 1

TỔNG THỐNG ROH MOO-HYUN TRƯỚC SÁNG KIẾN HỢP TÁC ĐÔNG BẮC Á VÀ NỖ LỰC CẢI THIỆN QUAN HỆ VỚI CHDCND TRIỀU TIÊN


TỔNG THỐNG ROH MOO-HYUN TRƯỚC SÁNG KIẾN HỢP TÁC ĐÔNG BẮC Á VÀ NỖ LỰC CẢI THIỆN QUAN HỆ VỚI CHDCND TRIỀU TIÊN





Sau khi tuyên thệ nhậm chức, tổng thống Hàn Quốc, ông Roh Moo-hyun đã đề xuất Sáng kiến Hợp tác Đông Bắc Á. Sáng kiến đó có thể được coi là chiến lược lâu dài  nhằm kiến tạo hòa bình và thịnh vượng chung ở khu vực này. Đấy cũng là lộ trình gồm ba giai đoạn tiến tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Lộ trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên
Giai đoạn thứ nhất của lộ trình là đặt nền tảng cho một nền hòa bình qua việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, đẩy nhanh tiến trình hòa bình trên Bán đảo qua cuộc họp thượng đỉnh liênTriều lần thứ hai, nối lại hệ thống đường sắt Nam-Bắc, xây dựng tổ hợp công nghiệp Gaesung, cải thiện môi trường quốc tế qua sự hòa giải giữa CHDCND Triều Tiên với Hoa Kỳ, mở lại cuộc đàm phán Nhật Bản-CHDCND Triều Tiên về bình thường hóa quan hệ, và khởi xướng một chế độ hợp tác đa phương Đông Bắc Á về an ninh.
Giai đoạn thứ hai là hủy bỏ chương trình hạt nhân của miền Bắc, chấm dứt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, hợp tác kinh tế Nhật Bản - CHDCND Triều Tiên, và thiết lập một cơ chế cho sự hợp tác Đông Bắc Á vì hòa bình. Trong giai đoạn thứ hai này, cuộc họp thượng đỉnh liên Triều sẽ được đặt thành thể chế, văn phòng đại diện sẽ được mở ở Bình Nhưỡng và Seoul, và sự hợp tác kinh tế-xã hội đầy đủ hơn giữa hai miền sẽ được dự kiến.
Cuối cùng, trong giai đoạn thứ ba, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và một nền hòa bình lâu dài giữa hai miền Triều Tiên sẽ được thực hiện. Giai đoạn thứ ba này dựa trên cơ sở bình thường hóa quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản-CHDCND Triều Tiên, viện trợ kinh tế của Nhật Bản cho CHDCND Triều Tiên, kết nạp nước này vào các cơ quan tài chính quốc tế và biến cuộc đàm phán sáu bên thành một chế độ hợp tác đa phương về an ninh. Trong giai đoạn này, biện pháp xây dựng lòng tin hoàn toàn giữa hai miền về quân sự và biện pháp cắt giảm vũ khí sẽ được thi hành.
Nếu chỉ căn cứ vào lộ trình này, thì chưa thể nhận định về sáng kiến của Tổng thống Roh Moo-hyun, nhưng nó cho ta một đầu mối để nhận xét về tiến trình hòa bình trong thời gian ông cầm quyền. Muốn đánh giá sáng kiến đó, ta cần chú ý đến ba khía cạnh: vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên, quan hệ giữa hai miền, và sự cải thiện môi trường an ninh bên ngoài.
Từ khi ông Roh Moo-hyun lên làm tổng thống, vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên chẳng những không được cải thiện mà còn xấu đi. Tháng Mười 2002, ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ hai, một lò phản ứng hạt nhân 5-megawatt và nhà máy tái chế nhiên liệu vẫn còn bị phong tỏa, ba nhân viên thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hiện diện để theo dõi tại chỗ hoạt động hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, lệnh tạm thời ngừng phóng thử tên lửa đang có hiệu lực. Như thế là hiệp định khung Geneva vẫn có tác dụng, nhưng tình hình bốn năm sau đó xấu đi nhiều. CHDCND Triều Tiên trục xuất thanh sát viên IAEA, khởi động lại lò phản ứng 5-megawatt và tái chế 8.060 thanh nhiên liệu phế thải để sản xuấtplutonium. Gay go hơn nữa, chẳng những CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm ngắn, tầm trung, và tầm xa vào tháng Sáu 2006, mà còn thử hạt nhân ngầm dưới đất ngày 9 tháng Mười 2006.
Quả thật, Chính phủ Hàn Quốc không ngăn cản được CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng có lẽ không công bằng khi trách Tổng thống Roh Moo-hyun về cuộc khủng hoảng. Điều thực sự làm tình hình hạt nhân trở nên nghiêm trọng là lập trường cứng rắn của Mỹ và đường lối ngoại giao nguy hiểm của miền Bắc, kết hợp với việc miền Nam không đủ khả năng tác động đến cách ứng xử của họ. Tuy nhiên, nên thấy rằng chính phủ Roh Moo-hyun đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn cản cuộc khủng hoảng leo thang và dọn đường cho cách giải quyết hòa bình qua cuộc đàm phán sáu bên, bằng chứng là Tuyên bố chung Bắc Kinh được thông qua ngày 19 tháng Chín 2005. Điều này có thể được xem là một bước đi đầy hứa hẹn tiến tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân.
Theo tuyên bố chung Bắc Kinh, CHDCND Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí và chương trình hạt nhân, trở lại hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (NPT) và cho phép IAEA thanh sát. Phía Mỹ thì khẳng định thái độ không thù địch, tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng tồn tại hòa bình và cuối cùng bình thường hóa quan hệ. Đặc biệt, Mỹ cam kết không tấn công CHDCND Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân hay thông thường, đã làm giảm nguy cơ xung đột quân sự.
Bốn nước khác cũng bảo đảm rằng họ sẵn lòng giúp CHDCND Triều Tiên xây dựng lại kinh tế bằng cách hợp tác song phương và đa phương với Bình Nhưỡng trong các lĩnh vực năng lượng, buôn bán và đầu tư. Đó là một tín hiệu tốt lành gửi đến một nước Triều Tiên đang gặp khó khăn cực kỳ nghiêm trọng về kinh tế. Tuy vậy, mấy tháng sau khi tuyên bố chung được ký kết, cuộc đàm phán sáu bên đột ngột ngừng lại. Vòng đàm phán thứ năm, diễn ra ở Bắc Kinh cuối tháng Mười một 2005 không đạt được tiến bộ vì Mỹ  trừng phạt CHDCND Triều Tiên về rửa tiền và in tiền giả, phong tỏa tài khoản của Bình Nhưỡng ở ngân hàng Banco Delta Asia (BDA). CHDCND Triều Tiên trả đũa lại bằng cách từ chối tham dự đàm phán, trừ phi chính phủ Hoa Kỳ thay đổi lập trường và bãi bỏ việc phong tỏa tài khoản của Bình Nhưỡng.
Nhưng lập trường của người Mỹ rất cứng rắn, họ tuyên bố rằng thương lượng về hạt nhân và in tiền giả là hai vấn đề tách biệt nhau. Theo họ, thì rửa tiền và giả mạo tiền là vấn đề pháp luật hình sự, không phải đem ra mặc cả về chính trị và ngoại giao, đồng thời tố cáo CHDCND Triều Tiên vi phạm nhân quyền, buôn lậu, ma túy, và quan hệ với tổ chức tội phạm quốc tế. Ngược lại, CHDCND Triều Tiên coi cách xử sự của Mỹ là một phần trong nỗ lực có tính toán nhằm cô lập và kiềm chế mình, nên trả miếng bằng việc phóng thử tên lửa và thí nghiệm hạt nhân. Cuộc đàm phán sáu bên bị ảnh hưởng của vấn đề BDA trong hơn một năm.
Tuy thế nhưng vòng luẩn quẩn của khủng hoảng và đối đầu nhau không leo thang thành một thảm họa, nhờ bước đột phá mới trong vòng đàm phán thứ năm giữa sáu bên  ở Bắc Kinh từ ngày 8 đến 13 tháng Hai 2007. Sáu bên đạt được một thỏa ước về “những hành động đầu tiên để thực hiện Tuyên bố chung”, CHDCND Triều Tiên cam kết “đóng cửa và niêm phong để cuối cùng từ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon, kể cả cơ sở tái chế nhiên liệu” và “mời nhân viên IAEA trở lại giám sát và kiểm tra”. CHDCND Triều Tiên cũng đồng ý cung cấp “danh sách các chương trình hạt nhân của mình như đã trình bày trong Tuyên bố chung, kể cả plutonium lấy từ các thanh nhiên liệu phế thải”.
Đáp lại thiện chí đó, Hoa Kỳ đồng ý thương lượng song phương với CHDCND Triều Tiên nhằm “giải quyết những vấn đề còn để treo”, thí dụ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố, và “tiến tới quan hệ ngoại giao đầy đủ”. Nhật Bản cũng đồng ý nối lại thương lượng nhằm bình thường hóa quan hệ với CHDCND Triều Tiên, năm nước (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Nga) nhất trí cung cấp cho CHDCND Triều Tiên 50.000 tấn dầu nặng nguyên liệu trong vòng 60 ngày, nếu nước này thực hiện những cam kết đầu tiên.
Sáu bên lập năm nhóm làm việc (phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, bình thường hóa quan hệ CHDCND Triều Tiên-Hoa Kỳ, bình thường hóa quan hệ CHDCND Triều Tiên-Nhật Bản, hợp tác về kinh tế và năng lượng, cơ chế hòa bình và hợp tác Đông Bắc Á), để thực hiện những hành động đầu tiên nhằm thi hành đầy đủ Tuyên bố chung. Nếu CHDCND Triều Tiên khai báo đầy đủ chương trình và dỡ bỏ tất cả các thiết bị hạt nhân, kể cả lò phản ứng và nhà máy tái chế, thì viện trợ kinh tế, năng lượng và nhân đạo tương đương một triệu tấn dầu nặng nguyên liệu, bao gồm chuyến hàng đầu tiên tương đương 50.000 tấn, sẽ được cung cấp cho CHDCND Triều Tiên. Sau khi các hành động đầu tiên được thực hiện, sáu bên sẽ nhanh chóng triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng để xác nhận việc thực hiện Tuyên bố chung, và thăm dò cách thúc đẩy hợp tác an ninh ở Đông Bắc Á.
Thỏa ước ngày 13 tháng Hai chỉ là bước thứ nhất tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, nhưng việc thực hiện thỏa ước đã vấp một thất bại lớn ngay từ đầu. Hoa Kỳ không chuyển tài khoản BDA cho người thuộc CHDCND Triều Tiên qua ngân hàng của bên thứ ba khiến họ không tuân thủ thỏa ước ngày 13 tháng Hai, một lần nữa làm đình trệ toàn bộ quá trình đàm phán sáu bên. Vì Bình Nhưỡng coi vấn đề BDA là biểu hiện của ý đồ thù địch, nên không đóng cửa và niêm phong thiết bị hạt nhân cho đến khi vấn đề đuợc giải quyết.
Trong khi đó, Washington nói rằng việc chậm trễ chuyển số tiền BDA cho CHDCND Triều Tiên chỉ là vấn đề thủ tục, yêu cầu Bình Nhưỡng phải tuân thủ thỏa ước 13 tháng  Hai. Tuy nhiên, cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết, cuộc đàm phán sáu bên lại tiếp tục, nhưng việc hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên còn mất nhiều thời gian.
Về lộ trình tiến tới hòa bình, thì các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Roh Moo-hyun đã thảo luận về các dự án của giai đoạn thứ nhất, như thể thức hóa cuộc đối thoại liên Triều, triệu tập cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai, nối lại đường sắt Bắc-Nam, xây dựng tổ hợp công nghiệp Gaesung, mở con đường bộ tới núi Geumgang, xây dựng lòng tin liên Triều về quân sự, và thảo luận việc thay thế hiệp ước đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình mới.
Tuy vậy, kết quả có cái được, cái không được. Mặc dầu vấp phải thất bại trước, nhưng cuộc đối thoại liên Triều vẫn được thể thức hóa. Từ tháng Ba 2003 đến tháng Chín 2007, có 113 cuộc đàm phán Bắc-Nam được tổ chức và 74 thỏa thuận được ký, 10 cuộc đàm phán liên Triều cấp bộ trưởng được triệu tập. Xét về số cuộc họp và thỏa thuận, thì chính phủ Roh Moo-hyun tích cực hơn chính phủ Kim Dae-jung nhiều. Đàm phán liên Triều đạt hiệu quả nhất trong lĩnh vực kinh tế, còn tiếp xúc chính trị và quân sự thì ít tích cực hơn. Bước phát triển có ý nghĩa nhất là xây dựng tổ hợp công nghiệp Geasung. Cho đến tháng Tư 2007, đã có 22 công ty Hàn Quốc hoạt động ở Geasung, thêm 20 công ty nữa đang xây dựng nhà máy, tuyển dụng khoảng 13.405 công nhân. Sản lượng hàng năm ước tính đạt 100 triệu đô-la năm 2007. Khi giai đoạn hai được hoàn thành năm 2010, thì sản lượng hàng năm ước tính vượt 2,3 triệu đô-la, tạo thêm 30.000 việc làm cho dân CHDCND Triều Tiên.
Đường sắt liên Triều, đã bị cắt đứt từ khi bùng nổ chiến tranh Triều Tiên, được nối lại ngày 17 tháng Năm 2007. Cùng với việc đó, viện trợ nhân đạo của miền Nam cho miền Bắc đã tăng từ 93,7 triệu đô-la năm 2003 lên 209 triệu đô-la năm 2006, và từ khi chính phủ Roh Moo-hyun cầm quyền, các gia đình ly tán đã được sum họp tám lần. Các cuộc trao đổi xã hội và văn hóa cũng được đẩy mạnh, cho thấy mặc dầu vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên bế tắc, chính phủ Roh Moo-hyun đã tiến đều đặn trong quan hệ liên Triều.
Nhưng tiến bộ còn hạn chế trong lĩnh vực chính trị và quân sự, cuộc họp thượng đỉnh liên Triều chưa được thực hiện. Tuy vậy, đàm phán cấp tướng lĩnh đã được thể chế hóa, và cuộc hội đàm thứ hai ở cấp đó, được tổ chức tại núi Seorak ngày 3-4 tháng Sáu 2004, đã dẫn đến một thỏa thuận quan trọng nhằm ngăn chặn các vụ va chạm của hải quân, đình chỉ hoạt động tuyên truyền và loại bỏ thiết bị tuyên truyền ở vùng phi quân sự. Mặc dầu có bước tiến bộ đó, biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai miền vẫn hạn chế. Hội đàm cấp bộ trưởng Quốc phòng chưa bao giờ được nối lại sau cuộc gặp gỡ thứ nhất năm 2000. Việc thông báo và quan sát cuộc tập trận, trao đổi nhân viên quân sự, và triển khai quân đội chưa được thực hiện.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Bush của Hoa Kỳ, trong dịp gặp gỡ thượng đỉnh Hoa Kỳ-Hàn Quốc tại Hà Nội tháng Mười một 2006, nói rằng cần phải tạo khuôn khổ cho một chế độ hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên, thì cuộc tranh luận về vấn đề đó lại được nhen nhóm, mặc dầu Bắc Triều Tiên chưa hưởng ứng nhiệt tình. Nhưng nói chung, chính phủ Roh Moo-hyun đã đạt tiến bộ trong quan hệ liên Triều, một phần do sử dụng có hiệu quả các khoản trợ giúp, như viện trợ kinh tế và nhân đạo trong khi CHDCND Triều Tiên rất khó khăn. Tuy vậy, có thể nói rằng chưa có bước đột phá căn bản nào, quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên còn tùy thuộc cuộc đàm phán sáu bên.
Mặc dầu CHDCND Triều Tiên nói rằng quan hệ liên Triều nên tách rời cuộc thương lượng hạt nhân, nhưng Hàn Quốc từ chối cung cấp gạo cho miền Bắc vì thỏa ước ngày 13 tháng Hai không được thực hiện, cuộc họp không mang lại kết quả cụ thể nào. Vì nguyên tắc chủ yếu của Tổng thống Roh Moo-hyun là không chấp nhận CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, nên chính sách của ông cũng phụ thuộc cuộc đàm phán sáu bên.
Từ khi nhậm chức tổng thống năm 2003, ông Roh Moo-hyun phải đương đầu với một môi trường cực kỳ bất lợi cho việc tạo lập hòa bình ở Triều Tiên. Chính quyền Bush chẳng những từ chối đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên vì khẳng định nước đó nằm trong trục ma quỷ, mà còn đưa ra một đề nghị khó được CHDCND Triều Tiên chấp nhận là phải từ bỏ chương trình hạt nhân rồi sau mới đối thoại. CHDCND Triều Tiên liền ăn miếng trả miếng, thế là tình hình xấu thêm. Nhật Bản cũng hưởng ứng lập trường cứng rắn của Mỹ bằng cách nêu vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc.
Như vậy, kế hoạch ban đầu của chính phủ Roh Moo-hyun là, tạo điều kiện nối lại đàm phán Hoa Kỳ-CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản-CHDCND Triều Tiên, đã không đạt kết quả. Trong khi đó, Hàn Quốc ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân  bằng thương lượng, một giải pháp được Nga và Trung Quốc tán thành. Trung Quốc đã đảm nhận một vai trò trung gian quan trọng trong việc khởi xướng và chèo lái quá trình đàm phán sáu bên, nhưng lập trường cứng rắn của cả CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ đã khiến kết quả chẳng đi tới đâu.
Cơ hội mới cho nỗ lực của Tổng thống Roh Moo-hyun
Từ tháng Một 2007, Mỹ bỗng thay đổi lập trường, chủ trương tiếp xúc song phương với CHDCND Triều Tiên, không đòi hỏi một cuộc họp đa phương như trước nữa. Đặc biệt đáng chú ý là, tất cả năm nước đều cam kết chung sức giúp CHDCND Triều Tiên về năng lượng phù hợp với nguyên tắc công bằng và sòng phẳng. Cả CHDCND  Triều Tiên và Mỹ đều có vẻ muốn giải quyết vấn đề hạt nhân bằng ngoại giao thông qua đàm phán sáu bên. Trong khi Hoa Kỳ cam kết giải quyết vấn đề BDA trong vòng 30 ngày và mời Thứ trưởng Ngoại giao Kim Gye-Gwan, trưởng phái đoàn CHDCND  Triều Tiên ở cuộc đàm phán Bắc Kinh, đến New York ngày 1 tháng Ba để thương lượng về bình thường hóa quan hệ, thì CHDCND  Triều Tiên đáp lại bằng cách mời ông Mohammed el-Baradei, giám đốc IAEA, đến thăm Bình Nhưỡng, một động thái có thể được xem là lý do để thanh sát viên trở lại. Hình như tất cả các bên, kể cả CHDCND  Triều Tiên, đều nhận thức rằng sự đổ vỡ của thỏa thuận có thể dẫn tới sự sụp đổ cách giải quyết bằng thương lượng, báo hiệu một thảm họa lớn, và chẳng ai muốn bị coi là kẻ phá đám. Ngoài ra, sáu bên đều nhất trí giải quyết vấn đề hạt nhân bằng cách xây dựng một chế độ hòa bình ở Triều Tiên để thay thế hiệp định đình chiến, cũng như một chế độ hợp tác đa phương về an ninh trong khu vực.
Chính phủ Roh Moo-hyun đã trù tính đẩy nhanh quá trình hợp tác đa phương, có thể thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân và thiết lập một chế độ hòa bình ở Triều Tiên. Chính phủ này cũng góp phần lập một nhóm làm việc về cơ chế hòa bình và an ninh Đông Bắc Á. Tuy đáng khen về thành tích này, nhưng môi trường chung của khu vực vẫn chưa thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế. Thực ra thì chính phủ Roh Moo-hyun chưa thực hiện được lộ trình tạo lập hòa bình.
Tổng thống Bush lên cầm quyền ở Mỹ, môi trường quốc tế thay đổi sau thảm họa 11/9, lập trường cứng rắn của CHDCND Triều Tiên, và thái độ bất hợp tác của Nhật Bản đã tạo ra hoàn cảnh tồi tệ nhất cho chính phủ Roh Moo-hyun. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những động thái nguy hiểm của CHDCND Triều Tiên, như vụ phóng tên lửa tháng Bảy và cuộc thí nghiệm hạt nhân tháng Mười 2006, thì Chính phủ Roh Moo-hyun đã ngăn cản được tình trạng căng thẳng quân sự leo thang hơn nữa ở Bán đảo Triều Tiên. Ông Roh Moo-hyun chẳng những ghi được nhiều điểm trong việc chèo lái quan hệ liên Triều, mà còn tạo điều kiện cho sự hợp tác đa phương về an ninh trong khu vực. Ông lại có tham vọng xây dựng một cộng đồng khu vực Đông Bắc Á.
Cộng đồng khu vực do Tổng thống Roh Moo-hyun khởi xướng gồm Hiệp định thương mại tự do (FTA) Đông Bắc Á, hợp tác về năng lượng và vận tải, hợp tác về môi trường, hợp tác phát triển kinh tế trong khu vực, hợp tác về xã hội và văn hóa. Tuy nhiên trong thực tế, dự án đó không dễ thực hiện vì nó đòi hỏi các đối tác trong khu vực phải thực hiện những hành động có đi có lại.
Khía cạnh dễ thấy nhất của quan hệ hợp tác và hội nhập khu vực là thỏa thuận về thương mại tự do. Chính phủ Roh Moo-hyun định ký FTA song phương với Nhật Bản trước, rồi sau mới chuyển sang FTA khu vực. Nhưng cuộc thương lượng Nhật Bản-Hàn Quốc đã dừng lại từ tháng Mười một 2004, do bất đồng về vấn đề nông nghiệp. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN (+3) tháng Mười một 1999, Chính phủ Hàn Quốc đề nghị thảo luận một FTA Đông Bắc Á, được Trung Quốc và Nhật Bản ủng hộ, nhưng từ đấy chẳng có kết quả cụ thể nào. Trong khi đó, chính phủ này làm thế giới ngạc nhiên bằng cách ký FTA với Mỹ tháng Ba 2007. Động thái đó phản ánh ý định của Tổng thống Roh Moo-hyun muốn đóng vai trò cầu nối giữa Đông Bắc Á với Hoa Kỳ bằng cách trước tiên ký FTA với Mỹ, rồi sau đó với Trung Quốc và Nhật Bản. FTA giữa Seoul với Washington có khả năng thúc đẩy cuộc thương lượng hai bên hoặc ba bên về FTA, cho phép thực hiện quan hệ hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực.
Chính phủ Hàn Quốc cũng nhấn mạnh hợp tác khu vực về năng lượng. Quan hệ chặt chẽ với Nga, qua việc xây dựng một hệ thống đường ống khí đốt và kế hoạch cùng thăm dò dầu khí, được đặt lên hàng đầu. Về lâu dài, sự hợp tác để cung cấp năng lượng cho CHDCND Triều Tiên, và phát triển nguồn năng lượng khu vực như thủy điện Siberia, cũng được xem xét. Sau chuyến công du của Tổng thống Roh Moo-hyun đến Nga tháng Chín 2004, quan hệ hợp tác Seoul-Mạc Tư Khoa được thể hiện rõ hơn.
Chẳng những Tập đoàn khí đốt Hàn Quốc mua khí hóa lỏng của công ty Sakhalin II, Tập đoàn Dầu lửa Hàn Quốc liên doanh với công ty dầu lửa Roseneft của Nga thăm dò dầu ở bán đảo Kamzhaka, mà Hàn Quốc còn sẵn sàng tham gia xây dựng hệ thống cung cấp khí đốt hợp nhất. Chính phủ Roh Moo-hyun cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước tiêu thụ năng lượng (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) để phát triển nguồn năng lượng thay thế. Ý tưởng đó được Trung Quốc ủng hộ, nhưng chưa được Nhật Bản nhiệt tình hưởng ứng. Cần phải cố gắng hơn nữa để tăng cường hợp tác năng lượng giữa Nhật Bản, Trung Quốc, và Hàn Quốc.
Như trên đã nói, đường sắt Nam-Bắc Triều Tiên đang được nối lại qua vùng phi quân sự. Hệ thống đường sắt liên Triều, một khi được nối với Đường sắt xuyên Siberia, Đường sắt xuyên Trung Quốc, Đường sắt xuyên Mông Cổ, Đường sắt xuyên Mãn Châu cùng các đường sắt khác, sẽ giúp Triều Tiên khắc phục tình trạng cô lập về địa lý và trở thành một trung tâm hậu cần của Đông Bắc Á. Chính phủ Roh Moo-hyun rất tích cực trong việc nối Đường sắt xuyên Triều Tiên với Đường sắt xuyên Siberia, nhưng chi phí quá cao và thiếu sự hợp tác của (CHDCND) Triều Tiên và Nga nên công trình bị cản trở.
Đông Bắc Á còn phải đương đầu với vấn đề môi trường như ô nhiễm công nghiệp, bụi vàng, mưa axit, và cả nạn ô nhiễm môi trường biển ngày càng tăng. Mặc dầu có một số cơ quan chính phủ và phi chính phủ trong khu vực ủng hộ sự hợp tác về môi trường, nhưng kết quả cụ thể chưa nhiều.
Cuối cùng, cần phải thực hiện trao đổi văn hóa và xã hội trong khu vực để xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, nhưng một quá trình lịch sử xung đột, thống trị thuộc địa, và đối lập về ý thức hệ đã để lại cho Đông Bắc Á rất nhiều điều hiểu lầm và nghi kỵ nhau. Như vậy, khái niệm về một cộng đồng Đông Bắc Á không phải chỉ tập trung vào sự hội nhập kinh tế, mà còn phải nhấn mạnh giá trị chung và một cách nhìn về tương lai chung, giống như trường hợp Liên minh châu Âu. Về phương diện này, một nhiệm vụ cấp thiết là phải loại bỏ sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, phải có biện pháp xây dựng lòng tin giữa miền Nam và miền Bắc bán đảo Triều Tiên.
Chính sách của chính phủ Roh Moo-huyn đối với CHDCND Triều Tiên
Ngày 25 tháng Hai 2003, ông Roh Moo-Hyun nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Ngay sau đó, ông đề ra ba nguyên tắc: (a) không thừa nhận chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, (b) giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp hạt nhân, và (c) đóng vai trò chủ động trong quá trình phi hạt nhân hóa  CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, Chính phủ Roh Moo-hyun đề nghị giải quyết vấn đề hạt nhân song song với việc cải thiện quan hệ liên Triều. Quan hệ hợp tác giữa hai nước Triều Tiên sẽ gồm cả hiệp ước quân sự giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân nổ ra vào tháng Mười 2002 lúc miền Bắc thừa nhận có chương trình làm giàuuranium, nhưng thực ra cuộc tranh cãi hạt nhân đã bùng phát trước đấy nhiều. Cuộc khủng hoảng đó bắt đầu trước khi ông Roh Moo-hyun nhậm chức tổng thống, và trầm trọng thêm lúc chính quyền tân-bảo thủ của Tổng thống Bush phủ nhận hiệp ước khung Mỹ-CHDCND Triều Tiên và Tuyên bố chung mà chính quyền Bill Clinton ký. CHDCND Triều Tiên cũng có thái độ cứng rắn, thế là vấn đề trở thành cuộc khủng hoảng.
Trong khi các bên ký kết thỏa ước 13 tháng Hai 2007 đạt được một kế hoạch đồng thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng, thì nhiều trở lực còn tồn tại cho đến khi miền Bắc từ bỏ tham vọng hạt nhân. Bên cạnh những trở lực đó, có sự bất đồng ý kiến giữa Mỹ và Hàn Quốc về đường lối giải quyết khủng hoảng. Lúc Tổng thống Bush thông báo rằng mọi cách lựa chọn còn đang được bàn bạc, kể cả việc sử dụng sức mạnh quân sự, thì Tổng thống Roh Moo-Hyun trả lời rằng chiến tranh không phải là một cách lựa chọn. Thái độ này có thể đã đóng góp vào cách giải quyết hòa bình bằng ngoại giao, Tổng thống Roh Moo-Hyun chẳng những kiềm chế được khủng hoảng mà còn tỏ ra độc lập về ngoại giao đối với Hoa Kỳ.
Về cách giải quyết khủng hoảng, nước Mỹ không thể chi phối Hàn Quốc như trước. Ngoài ra, chính phủ Roh Moo-hyun còn cản trở các phần tử hiếu chiến trong chính quyền Bush muốn làm miền Bắc sụp đổ bằng trừng phạt và kìm hãm. Ông Roh Moo-hyun khiến Tổng thống Bush phải áp dụng chính sách thực tế hơn, cho Hoa Kỳ và các nước khác thấy rằng nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc và Hàn Quốc, thì khủng hoảng khó được giải quyết.
Tuy nhiên, sẽ không đúng nếu nói rằng vai trò chủ động của Hàn Quốc đã khiến các Tuyên bố chung 19 tháng Chín 2005 và 13 tháng Hai 2007 được thông qua, và CHDCND Triều Tiên có thái độ hợp tác. Mặc dầu Tuyên bố chung 19 tháng Chín không được thực hiện do vấn đề tài khoản BDA của CHDCND Triều Tiên, nhưng miền Bắc vẫn đồng ý nối lại đàm phán sáu bên và ký Tuyên bố chung 13 tháng Hai vì Hoa Kỳ sẵn sàng thay đổi cách giải quyết vấn đề BDA tại cuộc gặp gỡ giữa hai bên tại Berlin. Như vậy, do Hoa Kỳ chứ không phải nhờ Hàn Quốc mà thương lượng được nối lại sau mười bảy tháng đàm phán đình trệ.
Đối với miền Bắc, Tổng thống Roh Moo-Hyun trước sau cố gắng để vấn đề hạt nhân không ảnh hưởng đến quan hệ liên Triều. Hàn Quốc chú trọng đến cả hai vấn đề một lúc trong khi giải quyết chúng qua các kênh khác nhau. Khối lượng trao đổi và hợp tác giữa hai miền vẫn tăng trong thời gian khủng hoảng hạt nhân. So với các chính phủ tiền nhiệm, số người và vật liệu trao đổi đã tăng lên qua đường bộ, đường biển và hàng không. Thí dụ, giá trị buôn bán giữa hai miền là 3,8 tỉ đô-la trong bốn năm qua, nhiều hơn tổng số 3,2 tỉ đô-la trước khi Tổng thống Roh Moo-hyun nhậm chức. Dự án núi Geumgang tiếp tục được thực hiện, tổng sản phẩm công nghiệp của Gaesung vượt 100 triệu đô-la. Thêm vào đó, các cuộc đàm phán và thỏa thuận sau đó đạt hiệu quả cao hơn so với các chính phủ trước.
Chẳng có lý do gì nghi ngờ các số liệu này, nhưng tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá bước tiến bộ trong quan hệ Nam-Bắc là mức độ xây dựng lòng tin chứ không phải khối lượng trao đổi và hợp tác, và về mặt này thì Tổng thống Roh Moo-hyun đạt điểm thấp. Sau vụ CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa, chính phủ ông đình chỉ viện trợ nhân đạo, kể cả trợ giúp lương thực, làm tổn hại lòng tin giữa hai miền Triều Tiên. Mặc dầu hành động của CHDCND Triều Tiên có thể đòi hỏi một số biện pháp kiềm chế, nhưng chính phủ Hàn Quốc đã bị chỉ trích là không trung thành với nguyên tắc và mục đích của mình.
Trước hết, chính phủ Roh Moo-hyun thi hành lệnh trừng phạt trước chính quyền Bush. Thứ hai, chính phủ đó dùng viện trợ nhân đạo làm con bài mặc cả, trái với nguyên tắc mà mình đề ra. Ông Roh Moo-hyun không bảo vệ được quan hệ liên Triều tránh khỏi ảnh hưởng của vấn đề hạt nhân và tên lửa. Một thí dụ nữa là cơ hội đã bị bỏ lỡ cho một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai miền. Chính phủ Roh Moo-hyun không mặn mà với cuộc họp đó, vì sợ nếu hai miền gặp nhau trong khi vấn đề hạt nhân chưa được giải quyết thì chiến lược thống nhất giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ bị tổn hại.
Về quân sự, chính phủ Roh Moo-hyun muốn thúc đẩy việc ký kết một thỏa ước. Đây là một vấn đề rắc rối vì CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh rằng “nguồn gốc của nguy cơ” là Hoa Kỳ chứ không phải Nam Triều Tiên, bởi thế không cần phải đàm phán về quân sự với miền Nam. Tuy nhiên, chính phủ Roh Moo-hyun vẫn đạt được một tiến bộ nhất định như sau theo nhận định của Hàn Quốc:
- Hai miền đã tổ chức bốn cuộc đàm phán cấp tướng lĩnh, và 32 cuộc thương lượng liên quan đến quân sự, kể cả những lần tiếp xúc giữa hai trưởng đoàn.
- Hai miền nhất trí sử dụng một mạng lưới liên lạc giữa các tàu hải quân, và bố trí một hệ thống tiếp xúc khẩn cấp để ngăn chặn các vụ xung đột quân sự như đã xảy ra ngoài biển.
- Hai bên ngừng hoạt động tuyên truyền ở giới tuyến quân sự, và loại bỏ các thiết bị tuyên truyền.
- Trong trường hợp một tàu biển của CHDCND Triều Tiên gặp nạn, thì các tàu cứu nạn và máy bay tuần tiễu của Hàn Quốc được phép vượt qua giới tuyến quân sự, và trong trường hợp cháy rừng ở khu phi quân sự, máy bay lên thẳng cứu hỏa được phép vượt qua giới tuyến quân sự.
Những thỏa hiệp này được chính phủ Roh Moo-huyn coi là một thành tựu, nhưng rõ ràng Hàn Quốc đã để lỡ những cơ hội khác để xây dựng lòng tin. Thí dụ, lúc miền Bắc định giải quyết vấn đề thiếu nhân công bằng cách cắt giảm binh bị, thì miền Nam có thể lợi dụng một thời cơ thuận lợi để đàm phán với CHDCND Triều Tiên để rút bớt vũ khí của cả hai miền. Dù cho việc cắt giảm vũ khí không thể diễn ra một sớm một chiều, nhưng đàm phán có thể đã mở ra triển vọng mới cho thương lượng hòa bình, giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Gần đây, chính phủ Roh Moo-hyun có kế hoạch trang bị cho quân đội vũ khí tối tân, mặc dầu cố vấn quân sự Mỹ nói rằng Hàn Quốc đã có một năng lực quốc phòng lớn, miền Bắc hầu như không có ý định tấn công miền Nam, trừ phi bị khiêu khích. Vì thế, thật là khó hiểu tại sao chính phủ Hàn Quốc cứ nhất định trang bị vũ khí tối tân, đặc biệt khi cam kết xây dựng lòng tin với CHDCND Triều Tiên. Trước hết, hành động đó có thể khiến miền Bắc phân vân và tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga, khiến Hàn Quốc phải tăng chi phí quân sự tốn kém. Thứ hai, thật là phi lý khi chuẩn bị đối phó với những đe dọa không chắc đã có trong tương lai bằng cách tích lũy vũ khí từ bây giờ. Khi một nguy cơ tiềm tàng trở thành mối đe dọa thật sự, thì những vũ khí đó đã trở thành cổ lỗ. Thứ ba, ngân sách mua vũ khí có thể được dùng để phát triển kinh tế và tăng phúc lợi.
Kết luận
Sáng kiến Hòa bình Đông Bắc Á là một kế hoạch lớn đầy tham vọng để tăng cường hòa bình, thịnh vượng, và tinh thần cộng đồng. Tổng thống Roh Moo-hyun đáng được khen ngợi vì đã ngăn chặn tình hình xung đột leo thang, nhưng ông không vượt qua được giai đoạn thứ nhất của lộ trình hòa bình, và không tạo được một bước đột phá căn bản để kiến tạo hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á. Công việc chưa hoàn thành có lẽ phải được chuyển cho chính phủ sau. Điều mà ông Roh Moo-Hyun đạt được chỉ là bước mở đầu trong một cuộc lữ hành dài.
Về chính sách đối với CHDCND Triều Tiên, thì ông Roh Moo-Hyun vấp phải một số khó khăn lúc lên cầm quyền. Sau khi ông George W. Bush nhậm chức ở Hoa Kỳ, chính sách CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Kim Dae-jung đạt rất ít tiến bộ, quan hệ liên Triều xấu đi, và thậm chí bị cắt đứt trong một thời gian sau vụ CHDCND Triều Tiên làm giàu uranium năm 2002. Những diễn biến đó đã gây trở ngại cho Tổng thống Roh Moo-hyun khi thi hành chính sách CHDCND Triều Tiên. Ông cầm quyền lúc liên minh Mỹ-Hàn Quốc đang được điều chỉnh lại, như vấn đề chuyển vị trí cho căn cứ Yongsan, cắt giảm lực lượng Hoa Kỳ đóng ở Hàn Quốc. Chính phủ ông lại phải đối mặt với lời chỉ trích quyết định đưa quân sang Irăc. Thêm vào đó, một số sự kiện nữa cũng tác động đến quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
May mắn thay, quan hệ liên Triều đã có bước đột phá đầy hứa hẹn qua chuyến thăm Bình Nhưỡng của tổng thống Hàn Quốc vừa rồi bằng đường bộ qua khu vực phi quân sự. Ở thủ đô của CHDCND Triều Tiên, Tổng thống đã được Chủ tịch Kim Jong-il tiếp đón nồng nhiệt và thân tình.

ĐỖ TRỌNG QUANG
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. IMF 2006 International Financial Statistics Yearbook.
2. Moon, Chung-In. 2007. “Managing the North Korean Nuclear Quagmire”.
3. East Asian Review, Summer 2007.