Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

CÁC PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ SỰ PHÂN CHIA BÁN ĐẢO HÀN THỜI CẬN HIỆN ĐẠI


CÁC PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ SỰ PHÂN CHIA BÁN ĐẢO HÀN THỜI CẬN HIỆN ĐẠI


1. Các phong trào yêu nước
Trước khi Nhật Bản chính thức đặt ách cai trị trên bán đảo Hàn thì đã có hàng loạt phong trào yêu nước phản đối sự can thiệp của đế quốc nước ngoài như Nga, Pháp, Mỹ, đặc biệt, sự phản đối Nhật Bản diễn ra quyết liệt nhất.
Cuối thế kỷ XIX, trước sự can thiệp một cách sâu rộng và liên tục của các thế lực nước ngoài, đe doạ chủ quyền đất nước, trong nhân dân đã dấy lên làn sóng bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc. SeoJaePil (Từ Tái Bật), chủ bút báo Độc lập Tân văn đã cùng những người đứng đầu phái Khai hoá đứng ra thành lậpHiệp hội Độc lập vào năm 1896. Hiệp hội này kêu gọi tất cả các tầng lớp trong xã hội tham gia; Phương hướng hành động là khai sáng cho quốc dân, tham gia các hoạt động chính trị bảo vệ độc lập, tự chủ của đất nước, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; thông qua cải cách để làm giàu đất nước.
Hiệp hội Độc lập thông qua báo Độc lập tân văn, tờ báo song ngữ bằng tiếng Hàn và tiếng Anh đã khai sáng cho đồng bào, thường xuyên mở hội thảo, diễn thuyết để cổ xuý tinh thần độc lập tự chủ. Đặc biệt, Hiệp hội này chủ trương phải hoạt động chính trị theo phương châm tôn trọng quyền lợi của quốc dân thì mới có thể xây dựng đất nước giàu mạnh.
Trong các hoạt động của Hiệp hội Độc lập, nổi bật nhất là hoạt động của Hội Vạn dân cộng đồng. Hội này do Hội viên của Hiệp hội Độc lập chủ trì đã được tổ chức tại Jongno, Seoul, (năm 1898) tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thảo luận về các vấn đề chính trị, xã hội, phản đối hệ thống chính trị phụ thuộc nước ngoài, yêu cầu cải cách chính trị, đòi thực hiện nền chính trị nghị hội mang tính chất cận đại.
Ngay sau khi chủ trương của Hội Vạn dân cộng đồng được đưa ra, thì các hoạt động của quần chúng nhân dân mạnh mẽ hơn. Bởi thế, thế lực chính trị bảo thủ cảm thấy lo ngại, tìm cách khống chế và bắt bớ những người lãnh đạo của Hội. Nhân cớ Hiệp hội Độc lập xung đột với Hiệp hội Hoàng quốc (Hiệp hội do những người bán hàng rong lập ra), chính phủ đã giải tán Hiệp hội Độc lập.
Hiệp hội tuy bị giải tán nhưng hoạt động của Hiệp hội đã khích lệ tinh thần độc lập tự chủ, có ảnh hưởng rất lớn đến các phong trào dân tộc chống ngoại xâm của nhân dân Joseon.
Sau khi Hiệp hội Độc lập bị giải tán, đoàn thể chính trị ra đời sớm nhất là Hội Bảo an. Hội này đi tiên phong và hướng dẫn dư luận phản đối Nhật Bản đòi quyền khai thác đất hoang trong thời gian dài. Kết cục, Nhật Bản phải từ bỏ đòi quyền lợi đó nhưng Hội Bảo an cũng bị Nhật đàn áp và giải tán.
Sau sự đàn áp của Nhật, phong trào yêu nước chủ yếu tập trung chống lại sự xâm lược của Nhật, tiêu biểu là hoạt động của các Hội yêu nước như Hội Nghiên cứu chính trị lập hiến, Hội Đại Hàn tự cường, Hội Tân văn… Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế và thiếu kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh, hơn nữa, lực lượng chênh lệch quá lớn nên hàng ngàn người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống Nhật.
Ý nghĩa lớn lao của các phong trào yêu nước là hun đúc tinh thần tự chủ dân tộc để rồi thổi bùng lên những cuộc đấu tranh lớn tiếp theo.
Từ năm 1910 trở đi, Nhật Bản chính thức cai trị bán đảo Hàn và thi hành chính sách đô hộ hà khắc nhằm đồng hoá dân tộc Hàn. Cùng với chính sách bóc lột nhân lực, vật lực và tài nguyên, Nhật Bản còn thi hành chính sách triệt tiêu dân tộc Hàn. Chúng đưa ra thuyết Nhật Tiên đồng tổ luận (Il Seon dongjoron) với luận điệu Nhật và Triều Tiên (Joseon) có cùng một tổ tiên và bắt buộc người Joseon phải sử dụng tiếng Nhật, lấy họ tên người Nhật, cấm xuất bản các tờ báo tiếng Hàn…
Mặc dù phải chịu ách thống trị thực dân tàn bạo nhưng ý chí độc lập của người dân Hàn ngày càng mạnh mẽ. Ngày mùng 1 tháng 3 năm 1919, một phong trào độc lập lớn nhất được triển khai một cách rộng lớn mà tiêu điểm là ở Seoul. Lịch sử Hàn Quốc gọi đây là Phong trào mùng 1 tháng 3. Nhân buổi tang lễ của nhà vua Gojong (Cao Tông: 1863 – 1907), ông vua bị buộc phải rời bỏ ngai vàng vào năm 1907, mất năm 1919, các nhà lãnh đạo phong trào dân tộc coi đây là một cơ hội thuận lợi để tổ chức một cuộc biểu tình rộng lớn chống lại ách thống trị của Nhật Bản, công bố Bản Tuyên ngôn độc lập. Ban đầu, cuộc biểu tình dự kiến tiến hành vào ngày 3 tháng 3, tức ngày đưa tang nhà vua. Nhưng, lo ngại bại lộ kế hoạch nên họ đã quyết định tiến hành trước hai ngày. Đúng ngày 1 tháng 3, đông đảo thị dân, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo đã dồn về Jongno, trung tâm Seoul tổ chức biểu tình, nghe đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, 33 người lãnh đạo phong trào đã ký tên vào Bản Tuyên ngôn này. Sau đó, họ đổ xuống đường hô vang khẩu hiệu đòi độc lập, vẫy cờ Thái cực.
Quân đội Nhật bị bất ngờ trước cuộc biểu tình, tuy thế, chúng không chịu nhượng bộ và cho quân đội đàn áp đẫm máu. Có khoảng hơn 7000 người Hàn bị giết, 16000 người bị thương, hơn 40000 người bị bắt giữ, 415 ngôi nhà, 2 trường học, 47 nhà thờ bị phá huỷ….
Mặc dù bị thất bại nhưng Phong trào 1 – 3 đã xác nhận độc lập tự chủ trên toàn lãnh thổ thông qua tuyên bố Bản Tuyên ngôn độc lập. Đây chính là động cơ để các phong trào độc lập trong và ngoài nước được triển khai đa dạng hơn mà kết quả của nó là việc thành lập được Chính phủ lâm thời Đại Hàn dân quốc ở Thượng Hải Trung Quốc vào tháng 4 năm 1919. Chính phủ lâm thời có đầy đủ đại biểu đại diện cho các tỉnh thành trong cả nước tham gia và Tờ báo Độc lập Tân văn là cơ quan ngôn luận của chính phủ. Kế tiếp, năm 1920, Cao Ly Cộng sản Đảng được thành lập ở Thượng Hải do Lý Đông Huy lãnh đạo; năm 1925, Triều Tiên Cộng sản Đảng ra đời; năm 1927, Tân Cán Hội với tư cách là đoàn thể chính trị xã hội lớn nhất được thành lập. Năm 1929, nổ ra phong trào học sinh Gwang-ju phản đối Nhật Bản. Năm 1931, Chủ tịch Kim Gu của chính phủ lâm thời thành lập “Hàn nhân ái quốc đoàn” (đoàn thể người Hàn Quốc yêu nước) nhằm tổ chức các cuộc ám sát thực dân Nhật. Năm 1933, học hội tiếng Jo-seon ấn định phương án thống nhất về ngữ pháp Hangeul. Năm 1934, sáng lập học hội Jin-dan (Chấn Đàn học hội) nghiên cứu về Hàn Quốc học. Năm 1938, trước phong trào yêu nước dâng cao, Nhật Bản sửa đổi lệnh giáo dục Jo-seon, phế bỏ việc giáo dục chữ Hangeul cho người Hàn Quốc…
Tựu trung, các phong trào yêu nước được dấy lên có ý nghĩa to lớn trong việc nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần dân tộc chống lại ách thống trị của Nhật Bản để rồi tinh thần đó được phát huy cao độ vào dịp mùa thu năm 1945, đánh đuổi phát xít Nhật ra khỏi bán đảo Hàn.
2. Bán đảo Hàn được giải phóng và phân chia Nam – Bắc
Sau Đại chiến Thế giới II, Đức Ý Nhật đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. Quân đồng minh từ hai hướng tiến sang bán đảo để giải giáp vũ khí của quân đội Nhật. Nhân cơ hội này, nhân dân trên bán đảo Hàn đã vùng lên giành độc lập. Ngày 15 – 8 – 1945, người dân trên bán đảo hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản suốt 36 năm. Tuy nhiên, người dân Hàn đã không thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là thống nhất đất nước mà hai miền chịu ảnh hưởng của hai lực lượng đồng minh khác nhau, phía Bắc là Liên Xô, Trung Quốc; phía Nam là Mỹ. Quân đội Liên Xô và Mỹ lần lượt rút khỏi bán đảo Hàn vào cuối năm 1948 nhưng chế độ Hiệp thương hai miền không được thực hiện. Ngày 15 – 8 – 1948, ở phía Nam, nhà nước Đại Hàn Dân Quốc được thành lập. Ngày 9 – 9 – 1948, ở phía Bắc, nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng ra đời. Hai bên lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới và đi theo đường lối chính trị khác nhau. Hai thể chế chính trị này dấn sâu vào quan hệ thù địch với sự gắn kết chặt chẽ với Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc, các cường quốc đang là đồng minh chống phát xít nay chuyển sang đối đầu về chính trị và quân sự. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bùng nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.
Trước khi xảy ra chiến tranh, trên dọc biên giới hai miền đã xảy ra các cuộc đụng độ nhỏ. Ngày 25 – 6 – 1950, cuộc chiến bùng nổ và kéo dài hơn 3 năm. Quân độ CHDCND Triều Tiên tiến công quân sự sang phía Nam, chỉ trong vòng một tháng, quân đội Triều Tiên đã chiếm hầu như toàn bộ lãnh thổ phía Nam, trừ đảo Jeju và một phần khu vực Đông Nam như Daegu, Busan. Trước tình thế đó, quân đội Mỹ và Liên hiệp quốc đã can thiệp và đẩy lùi quân đội Triều Tiên tới sát sông Áp Lục (tuyến biên giới giáp với Trung Quốc). Trung Quốc lập tức huy động toàn quân tham chiến toàn diện và đẩy lùi quân Mỹ về phía Nam. Tới tháng 3 – 1951, cuộc chiến chỉ dao động xung quanh vĩ tuyến 38. Đầu tháng 7 năm 1951, hai phe đã bắt đầu bàn bạc để tiến tới ký Hiệp định đình chiến. Trải qua 575 lần họp chính thức, ngày 27 – 7 – 1953, Hiệp định đình chiến được ký kết.
Chiến tranh đã gây cho cả Hàn Quốc và Triều Tiên những tổn thất nặng nề. Ước tính số người thiệt mạng của cả hai miền cộng lại khoảng 2.800.000 ~ 3.690.000 người (chiếm 10% dân số hai miền lúc đó). Tổn thất không chỉ là sinh mạng và vật chất mà còn cả về tinh thần. Sự thù địch giữa hai miền vẫn dai dẳng và sự ly tán giữa các gia đình cũng như của dân tộc vẫn chưa có ngày sum họp.
Lý Xuân Chung
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Các tài liệu tham khảo chính
  1. Lịch sử Hàn Quốc; Đại học Quốc gia Seoul biên soạn; Nxb Đại học Quốc gia Hà nội.
  2. Hàn Quốc: Lịch sử và văn hoá; Nxb Văn hoá 1996.
  3. Hàn Quốc: Lịch sử và văn hoá;, Nxb Chính trị Quốc gia 1995.
  4. Xã hội Hàn Quốc hiện đại; Đại học Quốc gia Seoul biên soạn; Nxb Đại học Quốc gia Hà nội.
  5. Hàn Quốc (Đất nước- Con ngưòi); Trung tâm thông tin Hải ngoại Hàn Quốc xuất bản; Seoul Hàn Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét