Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

CHÍNH SÁCH CỦA LIÊN BANG NGA TẠI BIỂN ĐÔNG: KẾ THỪA HAY THAY ĐỔI


CHÍNH SÁCH CỦA LIÊN BANG NGA TẠI BIỂN ĐÔNG:
KẾ THỪA HAY THAY ĐỔI
(Phân tích sự chuyển đổi chính sách của Nga tại biển Đông
tính từ năm 2002 đến nay.)

Huỳnh Hồ Đại Nghĩa[1]


1.      Khái quát chính sách của Liên Bang Nga tại biển Đông tính từ năm 2002 đến trước ngày 05/04/2012[2].
Có thể thấy rằng, trong quá khứ, quốc gia hiện diện tại biển Đông trước nhất là Nga chứ không phải là Mỹ. Bằng chứng là từ những năm 80, Liên Xô đã từng kết hợp với Việt Nam khai thác mỏ Bạch Hổ ở biển Đông. Nhìn chung, có thể nói rằng khi đề cập đến vấn đề chính sách của Nga tại biển Đông thì chủ yếu là phân tích xoay quanh mối quan hệ Nga-Việt Nam.
Vào năm 2001, trước những thay đổi to lớn của thế giới và cả trong nội tại hai nước, Việt Nam và Nga đã nhất trí chấm dứt sớm thỏa thuận 1979[3] về vấn đề sử dụng cảng Cam Ranh. Đến năm 2002 thì việc nhất trí này chính thức diễn ra với sự kiện Đại tá chỉ huy trưởng Eryomin là người cuối cùng rời Cam Ranh. Từ đó đã chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng quân sự Nga tại cảng Cam Ranh nói riêng và toàn bộ biển Đông nói chung [4]. Trong suốt những năm sau đó, quan hệ chính trị ngoại giao giữa Nga và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đã tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ ở các cấp về các vấn đề song phương và đa phương. Có thể kể đến như vào tháng 11/2006, Tổng thống V. Putin đã có chuyến thăm thứ hai tới Việt Nam[5]; đến tháng 7/2007 là chuyến viếng thăm theo chiều ngược lại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; đến tháng 10/2008 là chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết[6]. Tuy nhiên, vấn đề biển Đông vẫn chưa thật sự hiện diện nhiều trong giai đoạn này. Nếu có chỉ có thể kể đến một số sự kiện liên quan đến biển Đông có thể coi là nổi bật hơn cả như vào ngày 23/03/2010, hãng thông tấn Nga đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly đã thông báo rằng Hải quân Nga sẽ giúp Hải quân Việt Nam trong việc xây dựng căn cứ đồn trú tàu ngầm, có thể là tại Cam Ranh. Tiếp đến ngày 07/05/2011, một hạm đội bao gồm Tàu Đô đốc Vinogradov, tàu chở dầu hạng trung Peche Nga và tàu cấp cứu SB-522 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã thăm Việt Nam và ghé Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng[7].
2.      Những thay đổi liên quan đến biển Đông tính từ ngày 05/04/2012 – Lý giải nguyên nhân.
Biển Đông là một khu vực có truyền thống giao thoa nhiều lợi ích chiến lược của các cường quốc có ảnh hưởng lớn đến châu Á-Thái Bình Dương. Vì thế việc biển Đông ngày càng được gia tăng độ ưu tiên trong chính sách của các cường quốc như Nga hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhìn chung, từ trước đến nay, Nga có hai lợi ích lớn ở Đông Nam Á là các dự án năng lượng và bán vũ khí. Nếu đánh giá một cách tổng quan thì Nga có ít lí do để xem trọng những tranh chấp trên biển Đông. Nhưng cũng như bất cứ quốc gia nào khác, Nga dĩ nhiên cũng muốn thấy khu vực này bình ổn, hoặc những bất ổn sẽ được giải quyết trên hòa bình vì những lợi ích kể trên, đặc biệt là trong mối quan hệ với Việt Nam. Chưa hết, trong chiến lược lấy lại vị thế của mình sau thời kỳ “ngủ đông”, Nga rất có thể sẽ cần một đồng minh để phát triển và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á và với một mối quan hệ tốt đẹp có từ trước thì Việt Nam đã hiện lên như là một đối tác lí tưởng.
Nhìn lại trong những năm gần đây, bất chấp tình hình tranh chấp căng thẳng tại biển Đông ngày càng leo thang, phía Moscow hầu như không đưa ra một lời bình luận chính thức nào về vấn đề này. Bất ngờ đã xảy ra vào ngày 20/05 khi Đại sứ Nga tại Philippines đã lên tiếng “phản đối bất kỳ bên thứ 3 nào không có tranh chấp can dự vào hoạt động tranh chấp trên biển Đông” vào khu vực này và “đây là quan điểm chính thức của (chính phủ) chúng tôi. Cũng giống như Mỹ, Nga không phải là một bên tranh chấp trên biển Đông, nếu không Nga sẽ trở thành kẻ can thiệp vào công việc nội bộ của các bên tranh chấp”, với lí do “Nga quan tâm tới tự do hàng hải”[8]. Đây có thể coi là lần đầu tiên một quan chức Nga chính thức có bình luận về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Trước đó, vào ngày 05/04/2012, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã tuyên bố tham gia dự án khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ở biển Đông mà công ty Anh BP đã phải từ bỏ dưới áp lực của Trung Quốc[9].
Nếu xem vấn đề này là một ván cờ thì có thể coi đây là một nước cờ khá mạo hiểm của Nga, vì có thể thấy rằng từ trước giờ Nga vẫn đang chơi cờ nước đôi: một mặt bán vũ khí, khí tài cho các quốc gia trong khu vực, mặt khác tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Cũng có thể đây là một hành động của Nga nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu một số mối lo trước những động thái ngang ngược của Trung Quốc. Đồng thời, cũng có thể coi là sự khởi đầu cho Nga trong quá trình quay trở lại châu Á.
So sánh một cách ví von thì Nga thừa hiểu đây là một “con cá” khó câu vì sẽ làm “phiền lòng” Trung Quốc, xấu nhất có thể dẫn tới xung đột. Nga cũng sẽ phải gồng mình chịu áp lực vì cỡ cường quốc như Anh với BP và Mỹ với Exxon cũng đã phải chùn bước, còn Ấn Độ thì đã dừng hợp tác trong dự án thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Nga có những lợi thế nhất định để làm cơ sở cho những hành động của mình.
Thứ nhất, Nga không hề bị lệ thuộc và càng không phải là “con nợ” của Trung Quốc, điều khác biệt với mối quan hệ khá chặt chẽ về kinh tế và tài chính của Mỹ với Trung Quốc. Do đó Nga dám đi những nước cờ táo bạo vì Trung Quốc không thể dùng áp lực kinh tế, còn Mỹ thì phải cực kỳ thận trọng.
Thứ hai, hiện Nga còn là một trong những đối tác cung cấp vũ khí lớn cho Trung Quốc. Mà Trung Quốc cũng đang mở rộng quy mô lực lượng quân đội cả về số lẫn chất lượng nhằm mục tiêu tạo áp lực cho các nước xung quanh.
Thứ ba, theo các nhà nghiên cứu thì tranh chấp ở biển Đông nếu xét trên bình diện toàn cầu thì không hẳn là vấn đề đối đầu trực tiếp với các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia,.. mà đó còn là cuộc tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ. Do đó nên chắc chắn Trung Quốc không muốn rơi vào thế khó “lưỡng đầu thọ địch”. Đặc biệt hơn là Moscow đang không phải vướng bận vào những vấn đề lớn như Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên,… trong khi Washington vẫn đang cần Bắc Kinh trong những vấn đề nóng bỏng như Bắc Triều Tiên.
Xét về cơ bản, dù trực tiếp hay gián tiếp thì Nga vẫn có nhiều lợi ích lớn ở biển Đông. Trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay thì việc tập đoàn Gazprom tham gia khai thác dầu khí tại Việt Nam ít nhiều cũng thể hiện ý đố chiến lược của Moscow.
Vị thế của biển Đông phụ thuộc không chỉ vào sự dồi dào nguồn tài nguyên mà còn bởi tầm quan trọng chiến lược của vùng biển này - nơi mà Nga có tầm nhìn xa chiến lược tại khu vực. Với sự phục hồi về kinh tế và liên tiếp có những cải cách quân sự ngày càng tiến bộ, Nga đã bắt đầu tiến hành hướng về phía Đông và chắc chắn Nga sẽ không bỏ qua khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng như biển Đông chắc chắn nằm trong vành đai đó.
Trở lại với việc đưa ra bình luận của Đại sứ Nga tại Philippines vào ngày 20/05, có một điểm đáng lưu ý là Nga ủng hộ “giải pháp song phương”, điều mà Trung Quốc mong muốn và theo đuổi từ lâu. Nhiều nhà phân tích cho rằng có khả năng Nga đang dần thể hiện mình hướng gần hơn với Bắc Kinh. Nếu Nga tiếp tục bày tỏ thái độ như vậy trong việc này thì có thể coi như là gây thêm một khó khăn mới trong việc hướng tới quốc tế hóa và giải quyết đa phương của Việt Nam, Philippines,… Bất ngờ hơn là Nga còn tuyên bố muốn tập trận chung với Philippines. Đây chỉ có thể lại là một nước cờ đôi đầy ẩn ý của Moscow. Theo AP thì đây cũng có thể là một động thái quan trọng chứng tỏ Nga không hề tụt hậu vị thế so với Mỹ .
Chắc chắn rằng nếu Nga xuất hiện thì sẽ khiến tình hình diễn biến tại biển Đông thay đổi. Trong tình huống Nga tiếp tục đi những nước cờ táo bạo và Trung Quốc sẽ chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ thì chủ quyền của Việt Nam trên những vùng biển này sẽ được củng cố vì sự khai thác tài nguyên trên một vùng biển nào đó nếu diễn ra tốt đẹp thì cũng là một hình thức xác định chủ quyền. Nhưng tất cả những giả thuyết trên chỉ là tình huống giả định, khả năng thành hiện thực còn là một câu hỏi khó và phải cần thời gian.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 tại Shangri-La, Singapore với sự tham dự của đại diện tới từ 28 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, và Mỹ kết thúc vào ngày 03/06, Nga gần như không có một động thái hay phát biểu cụ thể nào đề cập tới vấn đề biển Đông. Trong khi Mỹ thì rất mạnh dạn bày tỏ quan điểm khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta công bố “đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% năng lực hải quân tại Thái Bình Dương, và 40% tại Đại Tây Dương, thay đổi so với tỷ lệ 50:50 hiện nay” [10]. Điều này làm nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu rằng Nga có thật sự quan tâm đến biển Đông hay không khi mà những động thái liên quan vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Xét về cơ bản, Nga hợp tác với Việt Nam nhằm tận dụng những ưu thế cực lớn của biển Đông cũng không khác gì việc Mỹ hậu thuẫn cho Philippines. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hiện Nga thực sự chưa đủ sức mạnh để triển khai trên tầm quốc tế, điều này khác hoàn toàn so với Mỹ. Việc Nga đang có nhiều lợi ích chung với Trung Quốc cũng khiến Nga không thể hiện được quá nhiều trên biển Đông. Tuy nhiên, không thể vì thế mà xem thường vai trò và những gì Nga có thể làm ở biển Đông. Dưới sự lãnh đạo của Putin và việc Nga đã thành lập Bộ phát triển Viễn Đông thì rõ ràng Nga sẽ tiếp tục chú trọng phát triển chính sách hướng Đông. Và để chính sách này tiến hành tốt thì Nga phải cần một môi trường ổn định cả trong nước lẫn quốc tế. Vì thế, việc biển Đông dậy sóng rõ ràng là không tốt cho Nga, và Nga dĩ nhiên sẽ sẵn sàng duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng với Việt Nam tại biển Đông.
Trong chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới Nga theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov vào ngày 29/6- 3/7 thì hai bên cũng đã lên tiếng nhắc lại là mọi tranh chấp tại biển Đông nên được xử lý theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC. Theo đó, Bộ trưởng Sergey Lavrov cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam bằng cách kêu gọi nhanh chóng xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc đối với các bên về tranh chấp trên Biển Đông COC. Một tờ báo mạng chuyên ngành có uy tín tại Nga cũng vừa đăng một bài nhìn nhận về những căng thẳng đang xảy ra trên biển Đông, kèm theo một lời “cảnh báo” rằng “trong trường hợp Trung Quốc muốn tiến tới, nước này sẽ gặp phản ứng không chỉ từ phía Việt Nam, mà cả Nga và Hoa Kỳ”[11].
Qua đó, có thể thấy rằng mặc dù Nga và Trung Quốc hiện vẫn đang là hai đối tác của nhau trên trường quốc tế và có sự phối hợp chặt chẽ trên nhiều hồ sơ quốc tế để chống lại các nước phương Tây, đặc biệt là trong vấn đề Syria và Iran. Tuy nhiên, Moscow lại đang nhìn nhận sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở châu Á-Thái Bình Dương với một thái độ nghi ngại, với sự lo sợ về vị thế của mình. Và điều này dĩ nhiên đang rất có lợi cho Việt Nam.
Trong khi những tín hiệu tích cực đến từ chuyến thăm chính thức của ông Phạm Bình Minh chưa hết nóng thì dư luận lại có dịp đổ dồn sự chú ý vào chuyến thăm chính thức Nga vào cuối tháng 7/2012 của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược[12]. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thì chuyến thăm kéo dài 5 ngày từ ngày 26 đến 30/7. Trong đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau đó là Thủ tướng đồng thời là Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev, và các lãnh đạo cấp cao khác[13]. Có một điều đặc biệt trong chuyến đi này là các cuộc gặp và làm việc giữa ông Trương Tấn Sang và ông Putin sẽ diễn ra ra thành phố nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen. Đây là nơi mà đất nước Nga luôn dành để đón tiếp lãnh đạo của các cường quốc hoặc những quốc gia có quan hệ thân thiết và tin cậy. Điều này đã làm cho dư luận đoán được rằng ông Putin đang có thái độ coi trọng Việt Nam như thế nào.
Xung quanh chuyến đi này, dư luận cũng đang rất quan tâm là liệu vấn đề biển Đông có được đưa ra thảo luận giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Putin hay không. Hiện nay Nga đang là một trong vài nước lớn có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Cơ chế đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng thường niên hoạt động đều đặn và hiệu quả[14]. Việt Nam cũng là một trong những đối tác mua vũ khí nhiều nhất của Nga[15]. Liên tục trong nhiều năm qua, Nga đã bán cho Việt Nam nhiều vũ khí tối tân như máy bay tiêm kích SU-27, SU-30, hộ tống hạm Gepard, tài ngầm lớp Kilo, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion và tổ hợp tên lửa S300[16]. Đặc biệt hơn khi đa phần những vũ khí mà Việt Nam mua từ Nga đều nhằm phòng vệ biển, nhất là trong bối cảnh tranh chấp biển Đông đang leo thang như hiện nay.
Vào thời điểm hiện tại, ta có thể thấy chỉ có Mỹ mới đủ tiềm lực “khống chế” Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, việc hai nước Trung Quốc và Mỹ liên tục lên tiếng chỉ trích những hành động gây hấn trên biển Đông của nhau trong thời gian qua khiến nhiều người nghĩ tới một kịch bản xấu, có thể là xảy ra chiến lạnh giữa hai ông lớn này. Điều này vô tình lại tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi cho Nga trong việc nhảy vào can thiệp ở biển Đông.
Có một câu hỏi khác được đặt ra là liệu Nga có thật sự muốn xâm hại đến những lợi ích song phương to lớn với Trung Quốc khi can thiệp vào biển Đông hay không? Khi mà hiện tại Nga vẫn chưa xác định biển Đông là “lợi ích” gì đối với mình trong khi Mỹ đã rất mạnh bạo tuyên bố biển Đông là “lợi ích quốc gia”. Có thể thấy là dù mối liên quan lợi ích Trung-Nga rất lớn nhưng thật sự thì đây lại là mối quan hệ “bằng mặt không bằng lòng”, vẫn có những lợi ích mâu thuẫn nhau, tạo nên những cơn sóng ngầm. Moscow hiện đang nhìn nhận sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở châu Á-Thái Bình Dương với một thái độ nghi ngại, với sự lo sợ về vị thế của mình. Vì vậy dĩ nhiên Nga đang rất muốn đẩy lùi vị thế của Trung Quốc tại tất cả các khu vực mà Nga đang hoặc sẽ có ý định nhảy vào. Vì thế mà Nga cũng sẽ không cam tâm để Trung Quốc qua mặt mình tại biển Đông, nơi đang trở thành điểm nóng quan tâm của cả thế giới.
Dù đang gặp nhiều vấn đề xấu về kinh tế, xã hội trong nước nhưng trên bình diện quốc tế thì Nga vẫn được coi là một cường quốc. Và để chứng minh cho cái gọi là cường quốc của mình thì bắt buộc Nga không được phép mất đi tiếng nói của mình tại những khu vực trọng yếu trên thế giới. biển Đông chính là một trong những khu vực trọng yếu như thế. Thêm vào đó, điều kiện địa lý của Nga rất không thuận lợi làm hạn chế nghiêm trọng sự phát triển sức mạnh trên biển, sức mạnh hải quân của Nga trong những năm gần đây. Phần lớn đường bờ biển thuộc khu vực lạnh giá, trong năm có thời gian đóng băng rất dài, tỷ lệ sử dụng bờ biển tương đối thấp. Khu vực biển Baltic và biển Đen đều có bờ biển ấm áp, có tương đối nhiều cảng không đóng băng, nhưng độ dài của tuyến đường bờ biển không lớn, khó trở thành căn cứ chủ yếu để phát triển quyền kiểm soát biển. Vì thế hơn lúc nào hết, Nga cần thông qua những đồng minh lâu năm của mình như Việt Nam để tìm kiếm ảnh hưởng tại những vùng biển có lợi ích hơn như tại biển Đông.
Hiện việc Trung Quốc liên tục phô trương sức mạnh quân đội cả trên đất liền lẫn trên biển đã khiến các quốc gia láng giềng cảm thấy bất an, tạo ra làn sóng ngầm vũ trang trên toàn khu vực. Điều này tạo cơ hội cho Nga trong việc có thêm một số hợp đồng cung cấp vũ khí. Nếu xét về cơ bản thì làn sóng vũ trang này mục đích chỉ để các nước tìm kiếm sự cân bằng trong quân sự với Trung Quốc chứ không hẳn là để gây nên chiến tranh. Vì thế Nga vẫn có thể vừa bán vũ khí dù là số lượng ít, vừa có thể hành động nhằm giữ cho tình hình biển Đông được ổn định. Đây là một nước cờ “đẹp cả đôi đường” cho cả Nga và tình hình biển Đông hiện tại.
3.               Quan hệ Nga-Mỹ, chiến lược “Trở lại châu Á- Thái Bình Dương” của Mỹ, chính sách “hướng Đông” của Nga và sự chi phối đến chính sách biển Đông của Nga theo hướng cân bằng quyền lực.
Có thể nói rằng quan hệ Nga-Mỹ hiện tại không phải là quan hệ đối đầu do sự đối kháng ý thức hệ chi phối như quan hệ Xô-Mỹ trước đây. Vào thời điểm này, đây vẫn là một trong những cặp quan hệ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Cả Nga và Mỹ đều là những cường quốc về quân sự, có tầm ảnh hưởng trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là vấn đề chính trị, quân sự, an ninh quốc phòng.
Về phía Nga, mối quan hệ với Mỹ luôn được Nga coi là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất. Xét một cách tổng thể, Nga vẫn cần đến Mỹ nhiều hơn là Mỹ cần Nga. Mặc dù không coi Nga là kẻ thù nhưng Mỹ cũng chưa bao giờ có động thái nào cho thấy quốc gia này coi Nga là đối tác chiến lược.
Trong tất cả các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, quân sự - an ninh, kinh tế - thương mại, Mỹ đã không xem Nga như là một đối tác bình đẳng. Sự nghi ngại, dè chừng, cảnh giác vẫn còn là tâm lý tồn tại dai dẳng và khá phổ biến ở cả hai phía. Về cơ bản, trên bình diện quốc tế, Mỹ dường như đang thực hiện một chính sách cân bằng giữa “đối tác chiến lược” và “đối thủ chiến lược” đối với Nga[17].
Sự trỗi dậy của Trung Quốc với những nỗ lực xây dựng chiến lược hoặc trật tự riêng sớm muộn sẽ thách thức quyền lãnh đạo của Mỹ, đe dọa đến vị thế của Nga trên trường chính trường quốc tế. Trong tình hình đó, theo lý thuyết chuyển dịch quyền lực, Mỹ có thể từ bỏ một phần đặc quyền nhưng sẽ không từ bỏ vị trí lãnh đạo thế giới mà xưa nay Mỹ vẫn đang làm rất tốt. Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ làm mọi cách để đầy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hiện nay, vai trò và sức mạnh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đã suy yếu đáng kể. Sự nổi lên của Trung Quốc càng làm nổi bật sự sa sút của Mỹ, vai trò và tầm quan trọng của Trung Quốc ngày càng được củng cố và tăng cường, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này ngày càng sâu đậm bằng những tuyên bố và cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh trong suốt thời gian qua tại khu vực biển Đông- Nơi mà chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chính sách đi ra ngoài một cách rầm rộ nhất. Đứng trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và đang cố gắng gây ảnh hưởng tại khu vực này, Mỹ đã bắt bắt đầu điều chỉnh ngay từ những năm đầu của chính quyền Obama, từng bước định hình cùng với quá trình điều chỉnh lại các ưu tiên đối ngoại quốc gia cũng như chiến lược toàn cầu của Mỹ. Với vai trò là cường quốc biển hàng đầu thế giới, Mỹ đã chủ yếu tiếp cận với châu Á - Thái Bình Dương thông qua con đường hàng hải. Hải quân Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển quyền lực của quốc gia. Hạm đội 7 trong Chiến tranh thế giới thứ 2 có một sức mạnh đáng kể, cũng như Chiến tranh Lạnh đã đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu bao vây và cô lập Liên Xô của Mỹ. Hiện nay, trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên như là một thách thức mới, thì chiến lược toàn cầu của Washington cũng đang thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay, có thể nói rằng Nga - Mỹ là hai nước lớn trên thế giới có quyền quyết sách hoàn toàn độc lập tự chủ, có chiến lược ngoại giao dài hạn, có ảnh hưởng đặc biệt đến sự phát triển của thế giới. Việc mối quan hệ song phương này tốt hay xấu cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cục diện quốc tế. Bất cứ một vấn đề hay một sân chơi nào đó mà hai nước này tham gia đều sẽ phải chịu sự phụ thuộc rất lớn vào các động thái của chính hai nước này. biển Đông cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ.
Nga luôn muốn khôi phục vị thế siêu cường của mình còn Mỹ thì đang làm mọi cách để duy trì vị thế độc tôn của mình. Mỹ thực hiện chiến lược “trở lại châu Á – Thái Bình Dương” thì Nga cũng tiến hành chính sách “hướng Đông”. Cả hai cường quốc này đều muốn “ra mặt” và tái khẳng định vị trí, vai trò của mình tại khu vực này – nơi được xem lại địa chiến lược của các nước lớn trong thế kỷ 21. Xu hướng cân bằng quyền lực có lẽ là hợp lý nhất để giải thích cho những thay đổi chính sách của Nga tại khu vực biển Đông nói riêng và toàn cầu nói chung.
Tuy nhiên, hai quốc gia này lại đang có cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Về phía Nga, rõ ràng những hành động của nước này có phần thiết thực hơn. Bằng chứng là Nga đã nhiều lần cởi mở với các ý tưởng tiến hành tập trận quân sự chung với Philippines trong lĩnh vực chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn giống như những gì họ đã triển khai với Indonesia hồi đầu năm 2011. Còn về phía Mỹ thì từ khi xảy ra xung đột đến nay, nước này đã rất mạnh dạn bày tỏ quan điểm khi tuyên bố biển Đông là lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, việc can thiệp của Mỹ khi xét về cơ bản thì chỉ là nhằm tăng cường trao đổi qua lại với ASEAN, Nhật Bản và Úc, còn việc ủng hộ ASEAN thì vẫn xoay quanh đồng minh truyền thống là Philippines, việc ủng hộ một số quốc gia khác có tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ dừng lại trên bề mặt ngoại giao.
4.               Dự báo chính sách của Nga tại biển Đông trong thời gian tới và những điều kiện Việt Nam có thể tận dụng trong giải quyết tranh chấp biển Đông.
Qua những phân tích trên, có thể thấy rằng trường hợp Nga chấp nhận khoanh tay đứng nhìn cho mọi căng thẳng leo thang nhằm bán vũ khí trục lợi khó có thể xảy ra. Vì không những cần “miếng”, Nga còn cần “tiếng”. Việc có “miếng” mà không có “tiếng” sẽ tạo nên một hình ảnh không hề tốt đẹp cho cái gọi là “cường quốc” Nga trong con mắt dư luận quốc tế. Vì thế nước này chẳng dại gì mà đánh đổi điều đó với những con số cực hấp dẫn từ việc bán vũ khí khi có xung đột xảy ra. Tuy nhiên, cả Nga và Mỹ đều không muốn các nước có tranh chấp tại khu vực biển Đông lại đi đến cục diện xung đột vũ trang bởi cả hai nước đều có lợi ích cơ bản về tự do hàng hải, thông thương tại khu vực này.
Có thể khẳng định rằng Nga đang thực sự quan tâm và đang tích cực tìm kiếm một vai trò ngày càng lớn hơn tại biển Đông. Những động thái can thiệp một cách tích cực và mạnh bạo hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần. Qua hơn 60 năm kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao tính từ thời Liên Xô, có thể nói rằng hai nước Nga-Việt Nam hoàn toàn có thể đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới thông qua chuyến đi của ông Nguyễn Tấn Sang, đặc biệt là khi hai bên sẽ ký một loạt văn kiện hợp tác song phương[18]. Việc nâng tầm hợp tác rõ ràng rất có lợi cho Việt Nam trong tranh chấp biển Đông khi chắc chắn nhờ đó mà Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự hậu thuẫn từ Nga-một nước mà Trung Quốc có liên quan nhiều lợi ích lớn. Còn Trung Quốc sẽ phải dè chừng với những hành động ngang ngược của mình khi có sự xuất hiện, can thiệp của Nga. Hay như tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nga là “Cùng lạc quan nhìn về tương lai quan hệ Việt Nam-Nga”[19].
Về phía Nga sẽ là bước đi mang tính chiến lược khi Nga bắt đầu thực hiện chính sách hướng Đông thông qua Việt Nam. Vị trí và vai trò của Việt Nam trong ASEAN ngày càng được khẳng định, thông qua Việt Nam, Nga sẽ tăng cường hình ảnh và gây ảnh hưởng của mình tại khu vực này mà vốn dĩ là sân sau của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thông qua Việt Nam, Nga sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cả về kinh tế quân sự lẫn an ninh quốc phòng trong đó có thể kể đến như Philippines, Indonesia chẳng hạn. Sự xuất hiện của khu trục hạm chống tàu ngầm Admiral Panteleyev, tàu chở dầu Boris và tàu cứu hộ Fotiy Krylov tại Philippines vào tháng 2/2012[20] là một minh chứng cho thấy người Nga đang thực hiện chính sách hướng Đông của mình một cách rõ nét.
Trong quá khứ Nga đã duy trì khá tốt ảnh hưởng của mình tại biển Đông trong đó có thể nói Cảng Cam Ranh đã từng là một trong những căn cứ trước đây của Liên Bang Xô Viết thời kỳ chiến tranh Lạnh và đã có trên 10.000 binh lính cùng các thành viên gia đình họ đồn trú tại Cảng Cam Ranh trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước Nga - Việt thân thiết nhất[21]. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, trong nhiều năm qua, quốc gia này đã hạn chế tầm ảnh hưởng của mình tại đây, chính vì thế Trung Quốc mới có điều kiện ra mặt trực tiếp, rồi sau đó Mỹ là kẻ tiếp theo nhảy vào. Cuộc tranh giành quyền lực và vị thế ở biển Đông đang diễn ra trong bối cảnh tiềm năng quân sự đặc biệt là hải quân của Trung Quốc phát triển tăng tốc và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm gây ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á, có khả năng không chỉ sẽ phá vỡ sự ổn định trong khu vực. Trước tình hình đó, Nga đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình trong thời gian qua nhằm tạo ra thế chân vạc tại khu vực này từ đó cân bằng quyền lực, vị trí cùng với Mỹ và Trung Quốc. Một chiến lược phù hợp để cân bằng tương quan lực lượng sẽ là một giải pháp tốt cho cả Nga và cho tình hình chung trên biển Đông. Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào sự phối hợp Việt Nam - Nga sẽ được tăng cường trong thời gian tới. Việc phối hợp và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên Bang Nga không chỉ là sự kế thừa và phát huy mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp của hai nước mà còn là sự kết hợp mang tính hiệu quả mang tính cơ học cho cả hai trong thời gian tới. Phía Việt Nam có thể tận dụng sự xuất hiện và chính sách hướng Đông của Nga nhằm mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho tranh chấp biển Đông theo đúng như mong muốn của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Ngược lại, thông qua Việt Nam, Nga bắt đầu gây ảnh hưởng mình cả về hợp tác kinh tế, quân sự, hàng hải…. tại  khu vực biển Đông nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương nói chung vốn dĩ là “căn cứ” của Liên Xô trước đây. Từng bước xác lập lại trật tự và vị trí của Nga trên vũ đài quốc tế nhằm thực thi thế cân bằng quyền lực tại các khu vực nhạy cảm mà Nga đang quan tâm.















Danh mục tài liệu tham khảo:
1.      TS. Hà Mỹ Hương (2006), Nước Nga trên trường quốc tế: Hôm qua, hôm  nay và ngày mai, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
2.      TS. Nguyễn An Hà (Chủ biên) (2011), Liên Bang Nga hai thập niên đầu thế kỷ 21, Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
3.      A.P. Côchétcốp (2004), Nước Nga trước thềm thế kỷ XXI, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
4.      Nguyễn Quang Thuấn (Chủ biên) (2007), Hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện Nga – Asean trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
5.      “Quan hệ Nga – Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống Nga”, Thông Tấn Xã Việt Nam, số 043, thứ sáu, 17/02/2012.
6.      “Putin, nước Nga và thế giới”, Thông Tấn Xã Việt Nam, số 069, thứ tư, 14/03/2012.
7.      “Nước Nga thời Putin với những thời cơ và thách thức”, Thông Tấn Xã Việt Nam, số 085, thứ sáu, 30/03/2012.
8.      “Con đường trỗi dậy đầy trắc trở của nước Nga”, Thông Tấn Xã Việt Nam, số 093, chủ nhật, 08/04/2012.
9.      “Triển vọng quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung”, Thông Tấn Xã Việt Nam, số 111, thứ năm, 26/04/2012.
10. “Tổng thống Putin xác định đường hướng phát triển đất nước”, Thông Tấn Xã Việt Nam, số 131, thứ sáu, 18/05/2012.
11. “Đặc trưng và xu thế mới trong quan hệ Trung – Mỹ - Nga hiện nay”, Thông Tấn Xã Việt Nam, số 158, thứ năm, 14/06/2012.
12.  “Cam Ranh – Đệ nhất quân cảng”, Báo Công An Nhân Dân, 06/02/2011, http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2011/1/74338.cand
13. “Biển Đông: Liệu “gấu” Nga sẽ “vỗ ngực xưng tên”, Tuanvietnam.net, 08/06/2012, http://tuanvietnam.net/2012-06-05-bien-dong-lieu-gau-Nga-se-vo-nguc-xung-ten-
14. “Lần đầu tiên Nga lên tiếng về tình hình biển Đông”, VOV online - Đài tiếng nói Việt Nam, 21/05/2012, http://vov.vn/The-gioi/Lan-dau-tien-Nga-len-tieng-ve-tinh-hinh-Bien-Dong/210053.vov
15. “Tính toán của Nga ở biển Đông?”, BBC Vietnamese, 19/04/2012, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/04/120419_russia_scs_interests.shtml
16. “Mỹ sẽ điều 60% tàu hải quân đến Thái Bình Dương”, VnExpress, 02/06/2012, http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/06/my-se-dieu-60-tau-hai-quan-den-thai-binh-duong/
17. “Trung Quốc gây hấn để quên mâu thuẫn nội bộ?”, BBC Vietnamese, 18/07/2012, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120718_russia_viet_china.shtml
18. “Chủ tịch Trương Tấn Sang sắp thăm Nga”, BBC Vietnamese , 22/07/2012, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120722_sang_to_visit_russia.shtml
19. “Báo chí Nga đưa tin chuyến thăm của Chủ tịc nước”, VBA Vietnamese , 21/07/2012, http://hoidoanhnghiep.ru/vietnamese/News/16160/Bao-chi-Nga-dua-tin-chuyen-tham-cua-Chu-tich-nuoc.html
20. “Phỏng vấn Ngoại trưởng Nga nhân kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại guao Việt Nam-Nga”, VBA Vietnamese , 25/01/2010, http://hoidoanhnghiep.ru/vietnamese/News/5137/Phong-van-Ngoai-truong-Nga-nhan-ky-niem-60-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-VN-LB-Nga.html
21. Hải quân của Nga tăng cường sự xuất hiện tại biển Đông, Phunutoday, 04/06/2012,  http://phunutoday.vn/xa-hoi/quoc-phong/201206/Hai-quan-Nga-tang-cuong-xuat-hien-tai-bien-dong-2160883/
22. Putin tìm kiếm quá khứ của Liên Xô qua chiến lược biển Đông, 25/4/2012 http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/2553-putin-tim-kiem-qua-khu-cua-lien-xo




[1] Huỳnh Hồ Đại Nghĩa hiện là sinh viên năm 4, chuyên ngành Chính trị quốc tế tại Khoa Quan Hệ Quốc Tế, Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP. Hồ Chí Minh. Email: Dinkhuynh@gmail.com. Sđt: 0906.977.756
[2] Đây là ngày Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã nhận lời tham gia dự án khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ở biển Đông với Việt Nam.
[3] Từ năm 1979, theo hiệp định được ký kết giữa Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Xô, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hậu cần, tên gọi đầy đủ là Điểm cung cấp vật liệu - kỹ thuật số 922 (PMTO) của Hạm đội Thái Bình Dương với diện tích khoảng 100 km2 trong thời hạn 25 năm, phục vụ một đơn vị thường trực chiến đấu mang tên Liên đội tàu chiến đấu số 17 của Hạm đội Thái Bình Dương.
[4] “Cam Ranh – Đệ nhất quân cảng”, Báo Công An Nhân Dân, 06/02/2011, http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2011/1/74338.cand
[5] Lần đầu tiên Tổng thống V. Putin viếng thăm Việt Nam là vào tháng 3/2001.
[6] TS. Hà Mỹ Hương (2006), Nước Nga trên trường quốc tế: Hôm qua, hôm  nay và ngày mai, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 292-293.

[7] Biển Đông: Liệu “gấu” Nga sẽ “vỗ ngực xưng tên”, Tuanvietnam.net, 08/06/2012, http://tuanvietnam.net/2012-06-05-bien-dong-lieu-gau-Nga-se-vo-nguc-xung-ten-
[8]“Lần đầu tiên Nga lên tiếng về tình hình biển Đông”, VOV online - Đài tiếng nói Việt Nam, 21/05/2012, http://vov.vn/The-gioi/Lan-dau-tien-Nga-len-tieng-ve-tinh-hinh-Bien-Dong/210053.vov

[9] “Tính toán của Nga ở biển Đông?”, BBC Vietnamese, 19/04/2012, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/04/120419_russia_scs_interests.shtml


[10] “Mỹ sẽ điều 60% tàu hải quân đến Thái Bình Dương”, VnExpress, 02/06/2012, http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/06/my-se-dieu-60-tau-hai-quan-den-thai-binh-duong/
[11] “Trung Quốc gây hấn để quên mâu thuẫn nội bộ?”, BBC Vietnamese, 18/07/2012, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120718_russia_viet_china.shtml
[12] “Chủ tịch Trương Tấn Sang sắp thăm Nga”, BBC Vietnamese , 22/07/2012, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120722_sang_to_visit_russia.shtml
[13] Số đã dẫn như trên .
[14] Số đã dẫn như trên.
[15] Số đã dẫn như trên.
[16] Biển Đông: Liệu “gấu” Nga sẽ “vỗ ngực xưng tên”, Tuanvietnam.net, 08/06/2012, http://tuanvietnam.net/2012-06-05-bien-dong-lieu-gau-Nga-se-vo-nguc-xung-ten-

[17] TS. Hà Mỹ Hương (2006), Nước Nga trên trường quốc tế: Hôm qua, hôm  nay và ngày mai, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 300.
[18] “Báo chí Nga đưa tin chuyến thăm của Chủ tịc nước”, VBA Vietnamese , 21/07/2012, http://hoidoanhnghiep.ru/vietnamese/News/16160/Bao-chi-Nga-dua-tin-chuyen-tham-cua-Chu-tich-nuoc.html

[19] “Phỏng vấn Ngoại trưởng Nga nhân kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nga”, VBA Vietnamese , 25/01/2010, http://hoidoanhnghiep.ru/vietnamese/News/5137/Phong-van-Ngoai-truong-Nga-nhan-ky-niem-60-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-VN-LB-Nga.html

[20] Hải quân của Nga tăng cường sự xuất hiện tại biển Đông, Phunutoday, 04/06/2012,  http://phunutoday.vn/xa-hoi/quoc-phong/201206/Hai-quan-Nga-tang-cuong-xuat-hien-tai-bien-dong-2160883/
[21] Putin tìm kiếm quá khứ của Liên Xô qua chiến lược biển Đông, 25/4/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét