Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á


Chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á

Luận Thùy Dương
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao

Link: http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=6&news_ID=7152530

TCCS - Chính quyền Ô-ba-ma sau mấy tháng cầm quyền đã triển khai các hoạt động quốc tế khá sôi nổi trên phạm vi toàn cầu. Nhìn bề nổi, một chính sách đối ngoại mới đang hình thành, song các nhà quan sát vẫn đặt câu hỏi: liệu chính sách đối ngoại của Tổng thống B. Ô-ba-ma có thực sự mới không, và B.Ô-ba-ma có thay đổi chính sách đối với Đông Nam Á so với các tổng thống tiền nhiệm không?

Điểm qua các thời kỳ

Mỹ bắt đầu quan tâm đến Đông Á - Thái Bình Dương từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, Đông Nam Á chưa chiếm vị trí ưu tiên cao trong chính sách của Mỹ.

Bước vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Đông Nam Á, với những biến đổi to lớn, lại trở thành nhân tố quan trọng trong tính toán chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Đông Nam Á đã trở thành một khu vực hòa bình và ổn định tương đối. Tuy nhiên, môi trường an ninh còn chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn khiến ở Đông Nam Á xuất hiện hai xu hướng đối phó thu hút sự quan tâm của Mỹ. 

Một là, các nước tăng cường mua sắm vũ khí, khiến Đông Nam Á là một trong số ít khu vực trên thế giới đi ngược lại xu hướng giải trừ quân bị, giảm chi tiêu quốc phòng sau chiến tranh lạnh. 

Hai là, các nước Đông Nam Á thúc đẩy sự hợp tác và đối thoại về an ninh. Một mặt, hợp tác song phương trong giải quyết các vấn đề an ninh tiếp tục được coi trọng. Mặt khác, xu hướng hợp tác đa phương về an ninh cũng đã xuất hiện và tiến triển tương đối nhanh. Tháng 7-1993, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) họp ở Xin-ga-po đã thống nhất thành lập Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) với sự tham gia của hầu hết các nước lớn và nội dung thảo luận không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ các vấn đề an ninh ở Đông Nam Á mà còn thảo luận các vấn đề an ninh ở các khu vực khác rộng lớn hơn như Đông Bắc Á và châu Á - Thái Bình Dương khiến Mỹ không thể không quan tâm. 

Về kinh tế, sang thập niên 90, Đông Nam Á với tiềm năng phát triển kinh tế cao, đã trở thành một khu vực có sức hấp dẫn mạnh mẽ về thương mại và đầu tư với nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng GDP của các nước khu vực là: Xin-ga-po 10,1%, Việt Nam 9,5%, In-đô-nê-xi-a 7,8%, Ma-lai-xi-a 7,4%, Thái Lan 6,8%(1)... Sở dĩ các nước ASEAN đạt được tốc độ tăng trưởng cao là do phát triển kinh tế đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, ASEAN bắt đầu mở rộng ra toàn khu vực Đông Nam Á và từng bước thúc đẩy "khu vực mậu dịch tự do" ở Đông Nam Á. Những biến đổi này rất phù hợp với mục tiêu tiếp cận và mở rộng thị trường trong chiến lược kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đến giữa thập niên 90, tuy Mỹ chưa công bố một chính sách rõ ràng đối với Đông Nam Á, song trên thực tế triển khai, có thể thấy chính sách của Mỹ diễn ra theo các hướng sau: 

Một, Mỹ tiếp tục sự hiện diện quân sự ở khu vực qua việc duy trì các hiệp ước an ninh song phương với các nước đồng minh. Hai, Mỹ ủng hộ hợp tác đa phương về an ninh ở khu vực, đặc biệt là đối thoại an ninh trong khuôn khổ ARF, nhằm bổ sung cho những quan hệ song phương và những mục tiêu rộng lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương. Ba, Mỹ cố gắng tham gia, dù là gián tiếp, quá trình xử lý các vấn đề an ninh khu vực.

Sau sự kiện ngày 11-9-2001, Tổng thống G.Bu-sơ chủ trương tăng đầu tư vào quân sự, tái khẳng định sự cam kết quân sự tại một số khu vực trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á, và thể hiện quyền lực nước lớn, nước lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố(2). Mỹ hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà Đông Nam Á là một bộ phận(3)

Từ những đường lối được phác thảo như thế, có thể thấy sau năm 2001, chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á có một vài khác biệt so với những năm trước đó, quan tâm nhiều hơn đến khu vực ở khía cạnh an ninh và quân sự. Chính sách này có một số đặc điểm: 

Thứ nhất, quan hệ song phương là chủ yếu, đa phương mang tính hỗ trợ. 

Thứ hai, an ninh quân sự nổi lên như một lĩnh vực hợp tác quan trọng. Kinh tế tiếp tục là nhân tố mấu chốt trong quan hệ, nhưng được nhìn nhiều hơn dưới khía cạnh "an ninh kinh tế". 

Thứ ba, Mỹ cứng rắn hơn trong các mối quan hệ đồng minh và đối tác, “cái gậy” được sử dụng nhiều hơn “củ cà rốt”. 

Thứ tư, chính sách của Mỹ với khu vực ngày càng có xu hướng đa dạng hóa các hợp tác. Trên cơ sở này, chính sách của Mỹ đối với các nước Đông Nam Á được phân thành 3 nhóm quan hệ: nhóm các đồng minh lâu năm (gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan), nhóm các đối tác Đông Dương (có Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam), và Mi-an-ma - nước bị Mỹ cấm vận.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông G.Bu-sơ, Đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục chủ nghĩa đối ngoại thực dụng, nhưng phân tích lợi ích quốc gia trên mối tương quan với khả năng của quốc gia. Hợp tác đa phương được quan tâm hơn khi các nhà chiến lược nhận ra sức mạnh có giới hạn của một siêu cường. Vì vậy từ năm 2005, Mỹ tham gia nhiều hơn vào các cơ chế an ninh đa phương ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. 

Chính sách của Tổng thống B.Ô-ba-ma

Sau khi chính thức cầm quyền, Tổng thống B.Ô-ba-ma và ê kíp đối ngoại của ông đã cố gắng tạo ra trong dư luận quốc tế một cách nhìn khác đối với nước Mỹ. Những nét cơ bản của đường lối đối ngoại Mỹ thời Ô-ba-ma rõ dần: khẳng định vị thế "siêu cường" của nước Mỹ, nhưng muốn đổi thay hình ảnh nước Mỹ không còn ngạo mạn, theo đuổi chủ nghĩa đơn phương như trước. 

Với chiến lược sử dụng "quyền lực thông thái" trong ngoại giao, chính quyền Ô-ba-ma đang tìm cách khẳng định vị thế mới của Mỹ trong một thế giới đã thay đổi. Giải thích trước Quốc hội Mỹ về "quyền lực thông thái", Ngoại trưởng H. Clin-tơn đã nói: với chiến lược này, Mỹ sẽ thực hiện "can dự có tính chất hợp tác" vào các vấn đề quốc tế; sẽ sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, luật pháp và văn hóa để tiếp cận bạn bè cũng như đối thủ; vừa củng cố các liên minh cũ, vừa tìm kiếm các đồng minh mới. Chính sách ngoại giao sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa thực dụng và học thuyết cứng rắn. Nói một cách khác, lực lượng quân đội Mỹ sẽ có thêm nhạc cụ mới tham gia vào dàn nhạc của các nhà ngoại giao(4).

Đông Bắc Á là trọng tâm chiến lược của Mỹ ở Đông Á - Thái Bình Dương, nhưng ông B.Ô-ba-ma đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến khu vực Đông Nam Á. Do vậy, B.Ô-ba-ma đã cử Ngoại trưởng H. Clin-tơn đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a ngay sau khi lên cầm quyền.

Chính quyền Ô-ba-ma chưa có một công bố chính thức nào về chính sách đối với Đông Nam Á, nhưng dựa vào thực tiễn, có thể rút ra một số nét chính.

Một, về kinh tế, Mỹ tiếp tục chính sách kinh tế của Tổng thống G.Bu-sơ ở khu vực: khuyến khích các cải cách kinh tế theo hướng thị trường ở các nước Đông Dương và Mi-an-ma, triển khai thực hiện những hiệp định kinh tế đã được phê chuẩn, từng bước thúc đẩy thương mại tự do với ASEAN, cải thiện môi trường đầu tư nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa và đầu tư của Mỹ. Mỹ tiếp tục đàm phán cho Hiệp định thương mại tự do Mỹ - ASEAN và tìm kiếm một thỏa thuận về đầu tư. Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc(5)

Hai, về chính trị, Mỹ muốn xác lập cơ chế đối thoại cấp cao thường niên với các nước ASEAN. Phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 25-9-2009, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cho hay, Mỹ đồng ý tổ chức hội nghị ASEAN - Mỹ lần đầu tiên tại Xin-ga-po vào tháng 11-2009. Theo các nhà phân tích, sau nhiều năm chờ đợi, việc Mỹ lần đầu tiên chấp nhận tổ chức hội nghị cấp cao đã đánh dấu giai đoạn mới trong chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á.

Ba, Mỹ thúc đẩy liên kết ASEAN theo hướng thể chế hóa, coi việc thực hiện Hiến chương ASEAN, xây dựng cơ chế nhân quyền và triển khai các cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN là các điều kiện tiến tới việc nâng tầm quan hệ đối tác Mỹ - ASEAN.

Bốn, với mục tiêu thúc đẩy tiến trình dân chủ theo mô hình phương Tây ở các nước ASEAN, Mỹ vừa hỗ trợ tài chính, vừa gây sức ép chính trị nhưng tránh các răn đe. Đối với Mi-an-ma, Mỹ nới lỏng cấm vận và có những nỗ lực đối thoại(6).

Năm, về an ninh - quốc phòng, các quan hệ song phương với các đồng minh ASEAN và sự có mặt quân sự của Mỹ ở một số điểm chủ chốt trong khu vực vẫn là những trụ cột cơ bản. Đồng thời Mỹ tích cực hơn với các hợp tác an ninh đa phương ở khu vực. Tháng 7-2009, Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn đã đến Thái Lan tham dự ARF sau một thời gian dài Mỹ không quan tâm(7)

Sáu, Mỹ tiếp tục can dự vào ASEAN. Mỹ đã bổ nhiệm không chỉ đại sứ mà một phái đoàn đại diện tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), nơi có trụ sở của Ban Thư ký ASEAN. Ngày 22-7-2009, Ngoại trưởng Mỹ đã ký các văn kiện về việc Oa-sinh-tơn gia nhập Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện ở Đông Nam Á (TAC) của ASEAN. Đây là những dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn can dự có hệ thống ở Đông Nam Á. 

Bảy, Mỹ xác định lại các đối tác quan hệ ở Đông Nam Á, tiếp tục tăng cường các mối quan hệ đồng minh với Phi-lip-pin, Thái Lan, Xin-ga-po, đồng thời tăng cường quan hệ với In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Quan hệ với Phi-lip-pin, được coi là "đồng minh đặc biệt", vẫn tiếp tục là trọng tâm trong công cuộc chống khủng bố của Mỹ ở Đông Nam Á. Mỹ đã khôi phục lại quan hệ quân sự chặt chẽ với Phi-lip-pin(8), coi Phi-lip-pin là "điều phối viên đặc biệt" của Mỹ trong quan hệ với ASEAN. Ông B.Ô-ba-ma cho rằng Phi-lip-pin là nước có quan điểm gần nhất với Mỹ trong vấn đề Mi-an-ma(9) và nhiều vấn đề an ninh - chính trị ở khu vực.

Quan hệ với In-đô-nê-xi-a được coi là "quan hệ đặc biệt" và là "sự khởi đầu" cho quan hệ Mỹ - Đông Nam Á (10). Chính quyền Ô-ba-ma cho rằng, In-đô-nê-xi-a có thể đóng vai trò cầu nối giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo bởi vì đó là nền dân chủ lớn thứ 3 trên thế giới đã chứng minh được rằng Hồi giáo, dân chủ và hiện đại không những chỉ tồn tại được cùng nhau mà còn có thể gắn kết được với nhau(11). Là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa, In-đô-nê-xi-a còn là nước có trụ sở của ASEAN và là một cường quốc khu vực với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Tất cả những đặc điểm này phù hợp với mục đích sử dụng "sức mạnh ngoại giao thông thái" của Mỹ trong việc thiết lập các quan hệ đối tác toàn diện. 

Quan hệ với Ma-lai-xi-a cũng được coi là "quan hệ đặc biệt", và cũng là trọng tâm để Mỹ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố ở Đông Nam Á, vì Ma-lai-xi-a án ngữ ở eo biển Ma-lắc-ca và là cửa ngõ tiếp cận với lực lượng ly khai ở In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Phi-lip-pin.

Tám, Mỹ quan tâm hơn tới khu vực Đông Nam Á lục địa, vì Mỹ cho rằng đây là khâu yếu nhất trong ASEAN và có nguy cơ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng nhiều. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM-42) và các hội nghị liên quan tại Phu-ket (Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn đã có cuộc gặp riêng với các bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và Thái Lan về các vấn đề sông Mê Công. Cuộc họp được tổ chức theo sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ với sự đồng thuận của bốn nước tiểu vùng. 

Chín, Mỹ đã chuyển từ "không can dự" sang can dự có chừng mực vào Biển Đông. Một mặt, Mỹ chủ trương sử dụng sự có mặt quân sự của Mỹ và các liên minh song phương như một nhân tố răn đe đối với các bên trong tranh chấp, đối phó với xung đột nếu xảy ra. Mặt khác, lực lượng hải quân Mỹ đã phái bốn tàu chiến đến Biển Đông để tham gia cuộc diễn tập quy mô lớn chưa từng thấy kéo dài ba tháng với lực lượng hải quân của sáu nước Đông Nam Á là Phi-lip-pin, Thái Lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây(12). Đồng thời, Mỹ chủ trương khai thác cơ chế đa phương, chủ yếu là ARF của ASEAN, đối thoại để tìm kiếm một giải pháp bảo đảm lợi ích của các bên, trong đó có Mỹ. Mỹ cũng lợi dụng các mối quan hệ phức tạp ở đây để xác lập chỗ đứng và bảo đảm lợi ích của mình(13)

Cơ sở triển khai chính sách

Người ta có thể trông chờ Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ tiếp tục các nỗ lực để thể chế hóa quan hệ Mỹ - Đông Nam Á. Điều này trước hết do Mỹ có những lợi ích bất biến ở khu vực, đó là:

- Duy trì sự cân bằng lực lượng có lợi cho Mỹ theo nghĩa không có cường quốc nào nổi lên khống chế hoặc có thể định ra "luật chơi" ở khu vực, do đó đe dọa các quốc gia khu vực. Vì thế, muốn có một cơ chế an ninh ổn định ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ có lợi ích duy trì sự có mặt ở đây. Hơn nữa, sự có mặt quân sự của Mỹ ở khu vực còn giúp Mỹ có được tiếng nói trong một loạt vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh của khu vực.

- Xây dựng một trật tự ổn định và nguyên trạng đi đôi với việc xác định lại vai trò của các nước lớn nhằm tiếp tục duy trì ảnh hưởng và vị trí của Mỹ ở khu vực trong tình hình mới. Trong điều kiện so sánh lực lượng giữa các nước lớn có thay đổi và tổ chức ASEAN ngày càng có tiếng nói, có uy tín trong việc giải quyết các vấn đề ở khu vực, thì lợi ích của Mỹ là xác định lại cơ sở cho mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - ASEAN, dính líu tích cực vào khu vực, nhằm tiếp tục duy trì vị trí chi phối của Mỹ trong các vấn đề khu vực.

- Bảo vệ khả năng tiếp cận khu vực, Mỹ đang phát triển những quan hệ quân sự mới với các nước ASEAN, tạo ra cho Mỹ một sự linh hoạt và cơ động ở khu vực Đông Nam Á, và từ khu vực này ra toàn Đông Á - Thái Bình Dương và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương.

- Thúc đẩy nền kinh tế của các nước ASEAN tiếp tục phát triển, lôi kéo các nước ASEAN ủng hộ chủ trương của Mỹ trong APEC và ngăn chặn tư tưởng bài Mỹ. Hầu hết Đông Nam Á đã tiến đến những chính sách kinh tế: tự do kinh doanh và hướng về xuất khẩu. 

- Bảo đảm an ninh và tự do trên đường biển quốc tế qua Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực gần quần đảo Trường Sa, eo biển Ma-lắc-ca. Nếu các tuyến giao thông đường biển đi qua đây bị các cuộc xung đột vũ trang do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa cắt đứt thì lợi ích kinh tế của các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ, sẽ bị đảo lộn nghiêm trọng. Do đó, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực quần đảo Trường Sa là rất quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh các lợi ích, còn có những chuyển biến khiến B.Ô-ba-ma phải có những điều chỉnh trong chính sách của Mỹ tại khu vực. 

Một là, hợp tác kinh tế Đông á đang phát triển mạnh dưới sự thúc đẩy và cả cạnh tranh của Trung Quốc và Nhật Bản. Ông B.Ô-ba-ma chắc chắn sẽ phải tăng cường hợp tác với khu vực, đặc biệt là về kinh tế để duy trì sự dính líu và vai trò ở khu vực.
Đông Nam Á còn hứa hẹn là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt sau khi ASEAN đang hoàn thành kế hoạch xây dựng khu vực thương mại tự do và từng bước xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Do vậy, B.Ô-ba-ma đã tính đến khả năng thúc đẩy đàm phán khu vực thương mại tự do với ASEAN.

Hai là, các diễn đàn đa phương có xu hướng phát triển mạnh mẽ ở khu vực. Trong khi đó ASEAN đóng vai trò dẫn dắt hầu hết các diễn đàn và các nước lớn cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng ở đây. Do vậy, Mỹ thấy cần phải tăng cường hợp tác với ASEAN, lôi kéo các nước ASEAN ủng hộ vai trò của Mỹ.

Ba là, việc Trung Quốc đang tăng cường khả năng quân sự và làm nóng tranh chấp ở Biển Đông buộc B.Ô-ba-ma phải quan tâm với khu vực này và thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng và an ninh biển để tăng cường sự hiện diện ở khu vực cũng như khả năng bảo đảm các đường biển trong khu vực.

Bốn là, trước tình hình ngày càng phức tạp ở bán đảo Triều Tiên, ông B.Ô-ba-ma đang có kế hoạch tái khẳng định và cơ cấu lại lực lượng quân đội Mỹ ở khu vực và Hạm đội Thái Bình Dương để có thể điều động, phối hợp binh chủng nhanh giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Phản ứng từ phía các nước ASEAN cũng là những cơ sở quan trọng cho việc triển khai chính sách của Mỹ. 

Thứ nhất, cách tiếp cận an ninh đa phương của Mỹ được các nước khu vực hoan nghênh. Đồng thời, một số nước ASEAN ủng hộ Mỹ tăng cường sự có mặt về quân sự ở Đông Nam Á nằm trong tính toán muốn trấn áp và đè bẹp các lực lượng phiến loạn, ly khai trong nước, tranh thủ viện trợ kinh tế, quân sự và sự ủng hộ của Mỹ cho việc giải quyết các vấn đề của đất nước, giảm mối lo ngại về xung đột ở Biển Đông, giảm tác động của tình hình bất ổn ở bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan đến khu vực. 

Thứ hai, tại khu vực hạ lưu sông Mê Công, Oa-sinh-tơn hiện đang có được uy thế nhất định. Thái Lan từ trước đến nay đã là một trong những đồng minh châu Á truyền thống của Hoa Kỳ. Còn đối với Việt Nam, Hoa Kỳ hiện là một trong những thị trường hàng đầu cho xuất khẩu của Việt Nam, trong lúc hàng Mỹ nhập vào Việt Nam hằng năm đạt mức 3 tỉ USD. Hai nước Lào và Cam-pu-chia cũng có quan hệ mậu dịch hạn chế với Oa-sinh-tơn. Sau quyết định vào tháng 6-2009 của Hoa Kỳ đưa hai quốc gia này ra khỏi "danh sách đen" không được Ngân hàng Ngoại thương Mỹ US Export - Import Bank tài trợ thì quan hệ thương mại có triển vọng phát triển.

Bốn nước thuộc khu vực sông Mê Công thấy được lợi ích trong hợp tác với Mỹ không chỉ về việc quản lý nguồn nước và tìm kiếm giải pháp cho các tác động của thay đổi khí hậu, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục và y tế cộng đồng cho khu vực này.

Một vài suy nghĩ về triển vọng

Chính quyền Ô-ba-ma sẽ tiếp tục một chính sách đối ngoại với ba ưu tiên mới. 1- Mỹ sẽ chuyển hướng ưu tiên chiến lược sang châu Á, quan tâm hơn tới Đông Á và Đông Nam Á; 2- Mỹ đã chuyển từ chủ nghĩa đơn phương sang đa phương. Các hợp tác đa phương sẽ được tăng cường hơn bên cạnh các hợp tác song phương ở Đông Nam Á; 3 - Mỹ sẽ chuyển trọng tâm hợp tác từ an ninh truyền thống sang an ninh phi truyền thống như phát triển kinh tế, môi trường, các vấn đề xã hội và con người ở khu vực Đông Nam Á. 

Mỹ đã làm sống lại quan hệ với châu Á, trong đó có ASEAN, tạo sự cân bằng trong ảnh hưởng của các nước lớn ở khu vực. Điều này phù hợp với lợi ích của các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nước khu vực vẫn nghi ngại những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với khu vực hiện nay chỉ mang tính chiến thuật, hơn là chiến lược. Do vậy, quan hệ Mỹ - Đông Nam Á vẫn khó có thể xác định được khuôn khổ, dẫn đến việc các nước khu vực tiếptục bị động trong quan hệ với các nước lớn khác. 

Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nhấn mạnh dân chủ và nhân quyền là một trong ba trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ và đây cũng luôn là một trong những trở ngại chính cho quan hệ Mỹ - Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông B.Ô-ba-ma chủ trương đối ngoại thực dụng, không quá coi trọng ý thức hệ, do vậy trở ngại này sẽ giảm độ căng thẳng và phức tạp. 

Hiện ông B.Ô-ba-ma vẫn phải tập trung vào kinh tế và các vấn đề trong nước, tham vọng đối ngoại buộc phải hạn chế, nhưng khi Mỹ thoát khỏi các khó khăn hiện tại, chính sách đối ngoại có thể thay đổi. Khi Mỹ lấy lại được vị thế trong quan hệ với các nước lớn, đánh giá vai trò của Đông Nam Á trong chiến lược toàn cầu của Mỹ có thể giảm tầm quan trọng. Tuy nhiên, nếu ASEAN liên kết chặt chẽ, trở thành một thực thể mạnh, hướng tới Cộng đồng, quan hệ tốt với Ấn Độ, Nhật Bản, và cân bằng được với Trung Quốc, thì ASEAN vẫn thu hút được sự quan tâm và ưu tiên của Mỹ./.

-------------------------------------
(1) Asiaweek, ngày 26-12-1996, tr 102
(2) Robert B. Zoellick, "A Republican foreign policy", Foreign Affairs, January / February 2002, tr 63 - 78
(3) Condoleezza Rice, "Promoting the national Interest", Foreign Affairs, January/February, 2001, tr 45 - 62
(4) Jim Lobe: Hilary hứa hẹn một chiến lược "quyền lực thông thái" trong nền ngoại giao Mỹ tạihttp://www.albionmonitor.com/0901a/copyright/hillarysmartpower.html
(5) Năm 2008, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và ASEAN là 178 tỉ USD, trong khi đầu tư vào khu vực này vào khoảng 100 tỉ USD. Con số tương đương của Trung Quốc là 230 tỉ USD và 60 tỉ USD.
(6) Báo ánh sáng mới của Mi-an-ma bình luận: "Chuyến thăm của Ngài Webb (Thượng nghị sĩ Jim Webb) là một thành công đối với cả hai bên và cũng được xem là bước đi đầu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước". Ông Webb đã gặp bà Shan Suu Kyi và Thống tướng Than Xuề. Phát biểu sau khi rời Mi-an-ma, ông Webb rất hy vọng chuyến thăm này có thể đem tới một "cách tiếp cận mới" cho quan hệ Mỹ - Mi-an-ma, kể cả việc cân nhắc lại các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Mi-an-ma.
(7) Bà C.Rai-xơ, Ngoại trưởng của chính quyền Bu-sơ trong 3 năm, đã 2 lần không dự ARF
(8) "Obama and Southeast Asia" - http://www. Dompsonscott.com
(9) "Obama names Philippines as key link of US with ASEAN" - http://www.asianewsnet. net/news. php?id= 7105&sec=1
(10) "Barack Obama: An overview" - http:// www. slideshare.net/guestb05b38/barack-O-bama and Southeast-asia
(11) Ngoại trưởng H. Clin-tơn phát biểu tại một cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a Hát-xan Uy-ray-u-đa
(12) "Mỹ - Trung Quốc và Biển Đông" - http:// www. toquoc.gov.vn/thongtin/y-kien-binh-luan
(13) Trong phát biểu tại cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ về "vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Đông Á" hôm 15-7-2009 của Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Robert Scher đã nêu lên 4 thành tố chính trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực: Thứ nhất, chứng tỏ rõ ràng bằng lời nói và hành động rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện và thể hiện vai trò của lực lượng quân sự số một trong khu vực. Thứ hai, xác lập quyền tự do đi lại của các hạm đội của Mỹ. Thứ ba, thiết lập những quan hệ mạnh mẽ hơn với các đối tác trong vùng về mặt chính sách, cũng như đối thoại chiến lược giữa các quốc gia. Thứ tư, củng cố cơ chế đối thoại quân sự và ngoại giao sẵn có với Trung Quốc nhằm tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét