Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Một số suy nghĩ về đề nghị đối thoại an ninh Mỹ - Trung - Nhật


Một số suy nghĩ về đề nghị đối thoại an ninh Mỹ - Trung - Nhật
Tác giả: Nguyễn Phương Bình.
Theo tin tức những tháng gần đây, Nhật Bản đã đưa ra với Trung Quốc đề nghị về việc tổ chức đối thoại an ninh giữa Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Cuộc đối thoại này nếu diễn ra chắc chắn sẽ thu hút sự tập trung chú ý của cả thế giới và khu vực vì tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó.
Từ khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, thế giới hai cực Xô - Mỹ chi phối các công việc quốc tế trên thế giới, trong đó có khu vực Châu A' - Thái Bình Dương (CA-TBD) của thời kỳ chiến tranh lạnh không còn nữa. Tam giác chiến lược Mỹ - Xô - Trung, vốn vẫn đặc trưng cho mối quan hệ phức tạp, tác động qua lại lẫn nhau giữa các nước lớn ở CA-TBD, vì vậy cũng tác động đến tình hình kinh tế, an ninh chính trị chung của khu vực, không còn cơ sở để tồn tại. Chiến tranh lạnh chấm dứt, những giây phút hân hoan ban đầu về một kỷ nguyên mới hoà bình và hợp tác qua đi, dần nhường chỗ cho những lo nghĩ về việc thế giới và khu vực sẽ vận động tiếp như thế nào, về một trật tự thế giới và khu vực mới trong tương lai. Không ít các học giả và quan chức an ninh trong khu vực đã gọi giai đoạn chuyển tiếp sau chiến tranh lạnh là "thời kỳ của những điều không chắc chắn". Nay dường như mọi việc đã rõ ràng hơn.
Tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Nhật bắt đầu được đề cập đến nhiều, nghiên cứu, phân tích và đánh giá sau chiến tranh lạnh. Nhưng sự công nhận đối với tam giác chiến lược mới của khu vực CA-TBD chưa phải đã đến ngay vì bên cạnh đó vẫn có những quan điểm khác về trật tự khu vực với tứ giác chiến lược Mỹ - Trung - Nhật - Nga - ASEAN, và thậm chí cả lục giác chiến lược Mỹ - Trung - Nhật - Nga - ASEAN - Â'n Độ. Vì vậy, có thể thấy rằng nếu cuộc đối thoại an ninh Mỹ - Nhật - Trung, theo đề nghị của phía Nhật, được các bên đồng ý tiến hành thì điều đó cũng có nghĩa là cơ cấu chiến lược giữa ba nước bước đầu sẽ được xác định chính thức ở CA-TBD.
Chiến tranh lạnh chấm dứt cũng là lúc mà hình thức hợp tác an ninh đa phương ở khu vực CA-TBD được quan tâm xây dựng như diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) mà số thành viên hiện nay đã bao gồm 21 nước và vùng lãnh thổ ở khu vực và đại diện của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc đối thoại an ninh tay ba Mỹ - Nhật - Trung cũng sẽ là một mô hình mới của hợp tác an ninh đa phương ở CA-TBD, mô hình hợp tác an ninh giữa ba nước lớn và là các tác nhân chính ở khu vực. Khác với thời kỳ chiến tranh lạnh chỉ tồn tại các cuộc đối thoại an ninh song phương giữa các nước lớn như Mỹ - Nga, Mỹ - Trung và sau đó Nga - Trung. Đối thoại an ninh Mỹ - Nhật Trung sẽ xác định ảnh hưởng của tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Nhật đối với an ninh CA-TBD, và mặc nhiên xác định cả vị trí và vai trò của mỗi nước ở khu vực sau chiến tranh lạnh.
Vị thế của hai nước Mỹ và Trung Quốc đã được đề cập đến nhiều và khá rõ ràng. Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh lạnh với tư cách là một siêu cường duy nhất tuy có suy yếu đôi chút về kinh tế. Sự hồi phục rõ rệt của kinh tế Mỹ và việc triển khai một chính sách khu vực tích cực những năm gần đây cho thấy quyết tâm của Mỹ duy trì vị trí lãnh đạo ở CA-TBD, khu vực có vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng thiết yếu đối với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.
Trung Quốc đã phát triển với những thành tựu to lớn vượt bậc qua những năm cải cách kinh tế theo hướng thị trường, một sự phát triển mà cả Mỹ và đồng minh của Mỹ đang phải để mắt quan tâm đến. Được dự đoán có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vào đầu thế kỷ tới, sự lớn mạnh về quân sự, sức thu hút của một thị trường khổng lồ và một chính sách ngoại giao linh hoạt duy trì mối quan hệ đối tác với cả Mỹ, Nga, Nhật, úc, ASEAN... đã và đang là những nhân tố thuận lợi củng cố vị trí của Trung Quốc trong so sánh lực lượng giữa các nước lớn ở khu vực.
Trường hợp của Nhật có đặc biệt hơn. Mối quan hệ an ninh của Nhật với Mỹ được hình thành từ hiệp ước an ninh giữa hai nước ký năm 1951. Từ một nước thua trận phải đầu hàng Mỹ và đồng minh, bị chiến tranh tàn phá... nhờ vào sự bảo hộ của Mỹ về quân sự Nhật Bản đã có thể tập trung sức vào phát triển kinh tế và đã tạo ra những "sự thần kỳ" về kinh tế, khoa học và công nghệ. Vào những năm 1980, Nhật Bản đã tiến kịp với các quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới và trở thành một cường quốc kinh tế, nước cho vay và cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất thế giới. Hiện tại Nhật cũng đang là nước cung cấp phương tiện tài chính và kỹ thuật cho sự có mặt về quân sự của Mỹ ở CA-TBD và cho các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, các hoạt động gìn giữ hoà bình ở Campuchia của Liên Hiệp Quốc (LHQ)... Cùng với những phát triển mới đó, vị trí và vai trò của Nhật trong quan hệ với Mỹ và với cả khu vực CA-TBD cũng dần thay đổi. Sự thay đổi theo hướng nâng cấp vị trí và vai trò của Nhật trong quan hệ với Mỹ và với cả khu vực được thể hiện khá rõ nét qua những hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, từ hiệp ước an ninh 1951 đến "Liên minh chiến lược hướng tới thế kỷ 21" tháng 4 năm 1996, qua đạo luật cơ sở Nhật - NATO ký hồi tháng 5 năm 1997 và gần đây nhất là phương hướng hợp tác phòng thủ mới Nhật - Mỹ được công bố ngày 23 tháng 9 năm 1997.
Không chỉ là sự phát triển, vươn lên của Nhật Bản cùng mối quan tâm chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc mới đưa đến những thay đổi về vị trí, vai trò của Nhật trong quan hệ với Mỹ và ở khu vực CA - TBD mà những yếu tố nội bộ ở cả Mỹ và Nhật cũng đã và đang thúc đẩy những thay đổi đó. Mỹ dường như không thể tiếp tục bằng lòng với việc cán cân buôn bán luôn nghiêng về phía Nhật, với việc "Nhật Bản chỉ chi tiền, rồi sau đó vẫy cờ chào vĩnh biệt các binh sĩ Mỹ" - như cách nói hài hước của một số học giả, mà muốn Nhật phải chia xẻ trách nhiệm nhiều hơn cả về vật chất lẫn tài chính. Còn phía Nhật, vốn chỉ quen chi tiền để đạt được các mục đích của mình, bảo đảm an ninh của mình, cũng đang muốn có những bảo đảm chắc chắn hơn cho tương lai.
Nói một cách hình tượng, dường như cô gái Nhật yêu say đắm, nồng nàn, và bi luỵ người lính viễn chinh Mỹ trong vở kịch nổi tiếng "Chiô - Chiô Xan" (hay còn gọi là "Madam Butterfly"), đang vươn lên với khát vọng mới của mình. Cùng với sức mạnh kinh tế, Nhật đang tìm kiếm một vai trò chính trị lớn hơn ở khu vực, và muốn vậy trước hết phải tìm cách độc lập hơn trong quan hệ với Mỹ, tìm kiếm sự công nhận của Mỹ và các nước khác đối với vai trò mới (vai trò cường quốc khu vực của Nhật), vừa chứng tỏ được thiện chí đối với khu vực, và vừa "tự bảo vệ được mình". Và viện trợ đã trở thành công cụ đầy sức mạnh của Nhật trong chính sách đối với khu vực. Đến đầu những năm 1990, gần hai phần ba viện trợ của Nhật là dành cho châu A', cao gấp 6 - 7 lần viện trợ chính thức của Mỹ cho khu vực này (1) . Ngoài viện trợ kinh tế, Nhật Bản còn tích cực tham gia vào quá trình đem lại hoà bình cho cuộc xung đột ở Campuchia, chương trình tái thiết các nước Đông Dương, Diễn đàn khu vực ASEAN, các chương trình hợp tác phát triển vùng sông Mê Công, đề nghị gặp gỡ cấp cao Nhật - ASEAN v.v...
Bên cạnh đó, các chính khách Nhật Bản cũng đang tìm cách diễn giải điều 9 - điều khoản chống chiến tranh trong Hiến pháp Nhật theo hướng tìm kiếm tính hợp pháp và vai trò lớn hơn cho lực lượng phòng vệ Nhật được thành lập năm 1954. Ngày 15 tháng 6 năm 1992, Quốc hội Nhật đã thông qua dự luật về việc tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ, chấm dứt việc cấm đoán đưa lực lượng phòng vệ Nhật ra nước ngoài vốn được bảo lưu từ khi lực lượng này được thành lập. Sau khi hợp pháp hoá việc tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình, tháng 9 năm 1992 chính phủ Nhật đã quyết định đưa 600 lính công binh, 9 kiểm soát viên về ngừng bắn và một đội sĩ quan cảnh sát dân sự tham gia vào đội quân 22.000 người trong sứ mạng gìn giữ hoà bình của LHQ ở Campuchia(2).
Cũng phải nói thêm rằng hiện nay, chính việc nhấn mạnh đến sức mạnh mang tính "đe doạ tiềm tàng" của Trung Quốc đối với an ninh khu vực đã tạo thêm thuận lợi cho Nhật trong việc tranh thủ được sự ủng hộ ở cả trong và ngoài nước đối với việc tăng cường và củng cố lực lượng phòng vệ Nhật cũng như các quan hệ an ninh phòng thủ với Mỹ. Trong mối quan hệ Mỹ - Nhật, mỗi bên đều theo đuổi những mục tiêu riêng. Phía Mỹ muốn Nhật chia xẻ bớt trách nhiệm để có thể tập trung hơn cho các vấn đề kinh tế, đối nội mà vẫn bảo đảm được ảnh hưởng của mình trong khu vực, kiềm chế được cả hai đối thủ tiềm tàng là Nhật và Trung Quốc. Còn phía Nhật là tìm kiếm sự độc lập hơn về chính trị, an ninh để thực hiện mục tiêu của mình, tăng cường khả năng "tự bảo vệ" cho bản thân giữa "các láng giềng không thân thiện". Như vậy, cả Mỹ và Nhật đều gặp nhau ở điểm tăng cường vai trò an ninh chính trị của Nhật, của lực lượng phòng vệ Nhật đối với khu vực, mà phương hướng hợp tác phòng thủ mới Nhật - Mỹ là một minh chứng.
Đối thoại an ninh với Mỹ và Trung Quốc sẽ càng củng cố thế ngoại giao cho Nhật trong quan hệ với hai nước này và cả với những nước khác như Nga, tạo thuận lợi cho nỗ lực ngoại giao của Nhật trở thành thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ, điều mà trở lại sẽ càng làm tăng thêm vị thế của Nhật.
Chấp nhận đề nghị của Nhật, một đề nghị mang tính khẳng định vị trí và tầm quan trọng của Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh của CA-TBD sau chiến tranh lạnh, Trung Quốc sẽ có dịp thể hiện "thiện chí đối thoại" của mình với các nước vì mục tiêu hoà bình và an ninh của khu vực, và theo đuổi phương châm "vì đại cục" mà phía Trung Quốc đã nhiều lần giải thích (thực chất là vì những mục tiêu chiến lược lâu dài của Trung Quốc). Hơn thế nữa, sau khi xây dựng được quan hệ "Đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ 21" với Nga (tháng 4 năm 1996), Trung Quốc đã cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ qua mối quan hệ "đối tác chiến lược mang tính xây dựng hướng tới thế kỷ 21", với Nhật qua "Quan hệ láng giềng thân thiện hướng tới thế kỷ 21", và với các nước ASEAN qua "Quan hệ bè bạn láng giềng thân thiện và tin cậy hướng tới thế kỷ 21" (tháng 11, 12 năm 1997). Những mối quan hệ chiến lược này sẽ ngày càng củng cố thêm vị trí và vai trò của Trung Quốc ở khu vực và trên thế giới trong tương lai.
Chính vì vậy, trước ý đồ đã rõ ràng của Nhật là muốn loại Nga ra khỏi cuộc đối thoại giữa các nước lớn, nhằm tập trung quyền lực vào ba nước Mỹ - Trung - Nhật và vừa kiềm chế Trung Quốc trong cơ cấu đối thoại đó, Trung Quốc đã nêu vấn đề đối thoại bốn nước lớn Mỹ - Trung - Nhật - Nga, theo đó Trung Quốc vẫn khẳng định được vị trí nước lớn của mình, vừa tạo thế cân bằng hơn cho Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ và Nhật. Hơn nữa trong tương quan lực lượng giữa các nước lớn hiện nay, cùng với sức mạnh và ảnh hưởng tiềm tàng của Nga cũng không dễ dàng gì loại Nga ra khỏi "cuộc chơi".
Ngoài sự quan tâm theo dõi chung, các nước khu vực chắc sẽ đón nhận cuộc đối thoại an ninh lịch sử này (dù là tay ba hay tay tư) với những tình cảm hết sức trái ngược nhau: vui mừng và lo ngại. Xuất phát từ những trường phái tư duy khác nhau, cách đề cập khác nhau, sự nhìn nhận vấn đề cũng rất khác nhau. Quan điểm lạc quan có thể cho rằng việc các nước lớn đối thoại an ninh với nhau sẽ tác động tích cực và góp phần vào hoà bình, an ninh và hợp tác khu vực. Còn nếu nhìn nhận thực tế hơn lại có thể lo ngại rằng các nước lớn sẽ thoả thuận và quyết định mọi vấn đề của khu vực, theo những tính toán chiến lược của họ mà không tính quyền lợi của các nước nhỏ, và trong trường hợp đó cơ may cho các nước nhỏ sẽ ít hơn. Đó cũng là quan điểm của một số học giả hàng đầu hiện nay, trong đó điển hình là Harry Harding (3).
Đối với đề nghị nói trên của Nhật, một số nước chắc chắn sẽ có thái độ và phản ứng của người bị gạt ra ngoài rìa. Còn các nước Đông Nam A' do những vấn đề lịch sử vốn vẫn nghi ngờ về ý đồ đối với khu vực của Nhật và Trung Quốc, và ủng hộ sự có mặt về quân sự của Mỹ ở khu vực như một đối trọng, chắc sẽ vừa hoan nghênh, vừa theo dõi cuộc gặp với sự cảnh giác cao độ.
Có thể nói các cuộc đối thoại an ninh giữa các nước lớn sẽ tác động không nhỏ, nếu không nói là một thách thức, đối với vai trò lãnh đạo hiện nay của ASEAN trong ARF, diễn đàn được thành lập theo sáng kiến của ASEAN. Về mặt an ninh khu vực sẽ có hai cơ chế đa phương ARF và cơ chế các nước lớn, trong đó tất cả các thành viên của cơ chế thứ hai đều lại là thành viên của cơ chế thứ nhất. Trong tương lai hai cơ chế đó sẽ tồn tại song song và tác động qua lại đến nhau như thế nào thì cho đến nay vẫn còn là câu hỏi.
Liên quan đến vai trò trong ARF, ASEAN còn bị thách thức ngay cả ở Campuchia, nước đã tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (Hiệp ước Bali) và trở thành quan sát viên của tổ chức này, thành viên của ARF. Mỹ và Trung Quốc - hai trong số năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và là hai nhân vật chính đã đưa đến việc ký kết Hiệp định hoà bình cho cuộc xung đột Campuchia trước đây (10/1991). Còn Nhật Bản lại là nước "đặt cược" cho việc tìm kiếm vai trò chính trị của mình ở khu vực đầu tiên ở Campuchia, và đang muốn tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình ở đây. Điều này được thể hiện rất rõ qua những diễn biến liên quan đến tình hình Campuchia gần đây.
Một trong những yếu tố được công nhận rộng rãi đã dẫn đến sự thành công của ASEAN trong 30 năm qua là việc ASEAN đã xử lý rất khéo quan hệ với các nước lớn để tồn tại và phát triển thành một tổ chức có tiếng nói ở khu vực và trên thế giới như ngày nay. Nhưng đó là việc xử lý mối quan hệ đối đầu và mâu thuẫn nhau giữa các nước lớn của thời kỳ chiến tranh lạnh. Còn khi các nước lớn đã hoà hoãn với nhau, tìm cách dàn xếp quan hệ với nhau, cách xử lý quan hệ với họ của ASEAN sẽ như thế nào cũng lại là một thách thức mới đối với ASEAN, nhất là khi không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có cách nhìn nhận về các nước lớn giống nhau, và kinh nghiệm ứng xử chung của ASEAN trước "chuyện tình" giữa các nước lớn còn thiếu. Tuy nhiên, với Hội nghị A' - Âu (ASEM) và nhất là Hội nghị 9 + 3 tháng 12 năm 1997 vừa qua giữa 9 nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dường như đã cho thấy một hướng đi mới trong công thức hợp tác của ASEAN, đang góp phần củng cố vị thế của ASEAN như một trong những tác nhân chính của khu vực Đông A' và CA-TBD.
Tình hình an ninh CA-TBD, Đông Nam A' và cả những vấn đề an ninh nội bộ của các nước thành viên đang đặt ra cho ASEAN những thách thức mới mang tính quyết định đến tương lai phát triển, vị trí và vai trò của Hiệp hội. Có lẽ hơn lúc nào hết, tình đoàn kết ASEAN, tinh thần đồng đội ASEAN, sự nhạy bén và thích ứng nhanh chóng với tình hình mới đã từng giúp đưa ASEAN đến vị trí hôm nay lại càng cần thiết để đưa ASEAN vượt qua những khó khăn,thách thức trước mắt, vững bước đi tới thế kỷ 21./.
Tài liệu trích dẫn:
1. Kenneth B.Pyle, "Japan's emerging strategy in Asia",- Southeast Asia security in the new millenium, New York, 1996, p.131.
2. Kenneth B.Pyle, "Japan's emerging strategy in Asia",- Southeast Asia security in the new millenium, New York, 1996, p.136..
3. Harry Harding, "The role of China, the U.S. and Japan in the Asia Pacific in the 21' century", Asia im the 21st century, ASEAN-ISIS, IIR, Hanoi-June, 1997. p.9-99./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét