Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Hội nghị Cấp cao Hà Nội: ASEAN hướng tới tương lai


Hội nghị Cấp cao Hà Nội: ASEAN hướng tới tương lai
Tác giả: Luận Thùy Dương.
Trong hai ngày 15 và 16-12-1998, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI với sự tham gia của chín nước thành viên ASEAN và một nước quan sát viên (Campuchia) đã diễn ra tại Hà Nội. Nước chủ nhà Việt Nam đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho một cuộc hội tụ của hơn 600 đại biểu gồm những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, cùng nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, quan chức cao cấp và hơn 750 nhà báo từ 26 nước.
Hội nghị cấp cao Hà Nội diễn ra với chủ đề "Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển đồng đều". Đây là Hội nghị cấp cao cuối cùng của ASEAN trong thế kỷ 20 - thế kỷ đã đánh dấu sự ra đời của tổ chức ASEAN, đã chứng kiến những thành công huy hoàng cũng như những thử thách nặng nề của tổ chức. Hội nghị cũng thể hiện rõ nguyện vọng và quyết tâm của các nước ASEAN củng cố đoàn kết và hợp tác, vượt qua các khó khăn hiện tại, đưa ASEAN vững bước vào thế kỷ 21. Hội nghị cấp cao Hà Nội trở thành chiếc cấu nối hai thế kỷ quan trọng của tổ chức ASEAN.
Trong hơn 31 năm hoạt động, cho đến Hội nghị cấp cao Hà Nội, ASEAN đã có tới 5 Hội nghị cấp cao chính thức, hai Hội nghị cấp cao không chính thức, 32 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, 30 Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế. ..Nhưng Hội nghị cấp cao Hà Nội là Hội nghị bàn về nhiều vấn đề nhất trong lịch sử ASEAN. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang tác động trực tiếp đến khu vực Đông Nam A'. O' các mức độ khác nhau, thể chế kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều nước thành viên ASEAN đang bị de dọa. Biện pháp "tự cứu" mà các nước thành viên đang áp dụng, cũng như cuộc tranh cãi gay gắt về việc từ bỏ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau - một trong những nguyên tắc cơ bản của ASEAN - được xem như là biện pháp "cứu nhau", đã đe dọa tính liên kết của ASEAN. Mặt khác, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng khu vực, ASEAN lại đứng trước một nhu cầu khác, chưa bao giờ cấp bách như hiện nay, là phải mở rộng ASEAN, liên kết tất cả 10 nước Đông Nam A' trong một tổ chức, tạo nên sức mạnh khu vực để đương đầu với những tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa. Hơn thế nữa, chỉ mấy tuần trước khi các nước ASEAN bước lên thềm Hội nghị cấp cao VI, tranh chấp Biển Đông lại trở thành vấn đề nóng bỏng sau khi Trung Quốc và Philippin có tranh chấp tại đảo Vành Khăn. Trong những bối cảnh như vậy, Hội nghị cấp cao Hà Nội đứng trước nhiều nhiệm vụ nặng nề. Trong đó, ba nhiệm vụ cơ bản nhất là tìm kiếm biện pháp khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ở khu vực, kết nạp Campuchia, và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Trước ngày 15/12/ 1998, không phải là không có những nghi ngờ về sự thành công của Hội nghị. Có nhiều ý kiến cho rằng, do phải lo đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, các nước ASEAN sẽ có khuynh hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch, trì hoãn tiến trình thực hiện tự do hóa mậu dịch, và do phải đối phó với cuộc khủng hoảng, các nước ASEAN sẽ khó đạt được thỏa thuận về các biện pháp tập thể nhằm khắc phục khủng hoảng. Liên quan đến vấn đề thành viên của Campuchia, cũng có những ý kiến cho rằng các nước ASEAN sẽ bị chia rẽ sâu sắc, vì việc đặt ra quá nhiều điều kiện cũng như chú ý quá nhiều vào công việc nội bộ của Campuchia sẽ gây tổn hại tới nguyên tắc không can thiệp của ASEAN. Về tranh chấp Biển Đông, có ý kiến cho rằng các nước ASEAN sẽ không thể đạt được sự nhất trí về lập trường chung đối với Trung Quốc, và như vậy, tranh chấp ở khu vực này sẽ thêm căng thẳng. Tuy nhiên, với nỗ lực của các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là của nước chủ nhà, Hội nghị cấp cao Hà Nội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.
Thành công lớn nhất của Hội nghị cấp cao Hà Nội là đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng. Các văn kiện cho thấy sự hợp tác giữa các nước ASEAN ngày càng nghiêm túc và thực chất hơn. Việc thông qua các văn kiện lớn về hợp tác chính trị và kinh tế, trong khi các nước thành viên đều đang gặp khó khăn, cho thấy sức tồn tại mạnh mẽ của ASEAN, chứng tỏ con thuyền ASEAN vẫn có khả năng vượt sóng to gió lớn để không ngừng tiến lên phía trước.
Tiếp sau các cuộc họp trù bị của các quan chức cao cấp ASEAN (SOM), các quan chức kinh tế cao cấp (SEOM), cuộc họp tư vấn chung (JCM), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM), Hội nghị liên Bộ trưởng (JMM), trong hai ngày Hội nghị cấp cao Hà Nội, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua hai văn kiện đặc biệt quan trọng là bản Tuyên bố Hà Nội và Chương trình Hành động Hà Nội. Tuyên bố Hà Nội với 34 điểm thể hiện quyết tâm chính trị của ASEAN ra sức củng cố đoàn kết và tăng cường hợp tác, nhằm sớm phục hồi kinh tế, nhanh chóng khắc phục khó khăn do khủng hoảng kinh tế - tài chính gây ra, củng cố hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực, tăng cường vai trò và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Trong Tuyên bố của mình, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết nội bộ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trong khu vực.
Chương trình hành động Hà Nội gồm 10 chương với 269 biện pháp đẩy mạnh chương trình hợp tác trên 10 lĩnh vực quan trọng nhằm phục hồi và gia tăng sự liên kết kinh tế ASEAN, phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực, phát triển khoa học công nghệ thông tin, phát triển các nguồn nhân lực, phát triển xã hội, tăng cường bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh khu vực, khuyến khích sự hợp tác trong nội bộ ASEAN và tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các nước, các tổ chức khác trên thế giới. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố về các biện pháp đẩy mạnh đầu tư và thương mại, đưa ra những biện pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và thương mại của ASEAN. Đây có thể coi là những biện pháp gieo mầm cho sự phục hồi kinh tế khu vực và cũng chứng tỏ ASEAN cương quyết không ngả theo khuynh hướng bảo hộ mậu dịch , cô lập nền kinh tế của mình với thế giới.
Ba văn kiện trên, ("Tuyên bố Hà Nội", "Chương trình Hành động Hà Nội", và "Tuyên bố về các biện pháp đẩy mạnh") cùng với các Hiệp định được ký kết tại Hội nghị cấp cao Hà Nội (Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng quá cảnh; Nghị định thư về thực hiện giai đoạn 2 các cam kết về dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ của ASEAN; Hiệp định khung của ASEAN về các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau) đều nhằm, trước mắt là phục hồi sự phát triển của các nền kinh tế, giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang đè nặng lên các tầng lớp xã hội, sau nữa là nhằm thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2020, bao gồm việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tăng cường hợp tác chuyên ngành, đảm bảo phát triển bền vững và đồng đều, và xây dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau.
Hội nghị cấp cao Hà Nội đánh dấu nỗ lực phối hợp đầu tiên ở cấp cao nhất của ASEAN nhằm giúp các nước thành viên vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế - tài chính khu vực. Do tác động của cuộc khủng hoảng, nhiều nước ASEAN phải đối mặt với những khó khăn gay gắt cả về kinh tế lẫn xã hội. Trong hơn một năm qua, mỗi nước đều đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm khắc phục khủng hoảng. Một số nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, song cho đến nay cuộc khủng hoảng khu vực vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhận thức rõ tình hình này, tại Hội nghị cấp cao Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã dành nhiều thời gian thảo luận các biện pháp khắc phục khủng hoảng. Các biện pháp phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ, củng cố hệ thống tài chính và thị trường vốn, tăng cường qui chế giám sát các dòng vốn, nhất là vốn ngắn hạn, khuyến khích sử dụng rộng rãi hơn các đồng tiền ASEAN để thanh toán trên cơ sở tay đôi và tự nguyện, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các thỏa thuận về Khu vực mậu dịch tự do (AFTA), khu vực đầu tư ASEAN (AIA)... được coi là những biện pháp tập thể hữu hiệu giúp các nước thành viên vượt qua khủng hoảng. Tất cả các biện pháp này đều được phản ánh trong các văn kiện và các hiệp định được ký kết và thông qua tại Hội nghị cấp cao Hà Nội.
Một trong những kết quả nổi bật được ghi nhận tại Hội nghị lần này là lộ trình AFTA sẽ được thực hiện sớm hơn một năm, không phải đến năm 2003 mà đến năm 2002, sáu quốc gia phát triển hơn trong khối sẽ thực thi AFTA hoàn toàn, áp dụng thuế suất hàng xuất nhập khẩu trong khối ở mức 0-5%, trong đó phần lớn các mặt hàng ở mức 0%. Ba nước kém phát triển hơn và gia nhập ASEAN muộn hơn là Việt Nam và Lào, Mianma sẽ thực hiện AFTA đầy đủ vào 2006 và 2008.
Về khu vực đầu tư ASEAN, tháng 10-1998, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 30 họp tại Ma-ni-la (Philippin) đã ký Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA). Theo hiệp định này, một khu vực đầu tư ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2010. Nhưng tại Hội nghị cấp cao Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bàn đến khả năng đẩy thời hạn này sớm lên bảy năm, tức là vào năm 2003. Trước mắt, các nước ASEAN sẽ đưa ra chế độ đãi ngộ đặc biệt cho các nhà đầu tư đăng ký làm ăn ở khu vực trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2002, nhưng chế độ đãi ngộ ở mỗi nước sẽ khác nhau. Ví dụ, sẽ bao gồm các khoản khấu trừ thuế và nhập khẩu không bị đánh thuế các nguyên liệu thô, hoặc cho phép đầu tư 100% vào một số ngành nhất định... Đứng trước những thử thách của cuộc khủng hoảng khu vực, việc đẩy nhanh AFTA cũng như tính đến khả năng thực hiện sớm khu vực đầu tư ASEAN càng chứng tỏ quyết tâm cao độ của các nước ASEAN nhanh chóng vượt qua khó khăn, giành lại vị thế trên trường quốc tế. Các nước ASEAN muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ chẳng những không chùn bước trước khó khăn mà còn thể hiện một sức sống mới.
Hội nghị cấp cao Hà Nội đặc biệt quan tâm về vấn đề phát triển bền vững và đồng đều của ASEAN. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cam kết phấn đấu thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước thành viên thông qua các chương trình hợp tác tiểu vùng, nhất là ở lưu vực sông Mê Công. Hội nghị cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thống nhất trong đa dạng, gắn bó và hài hòa của ASEAN, trên cơ sở tôn trọng những bản sắc và giá trị vốn có của mỗi nước và của cả khu vực. Kết quả quan trọng của Hội nghị là các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của ASEAN. Đó là : tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đồng thuận và tham khảo lẫn nhau.
Thành công tiếp theo của Hội nghị là đã thực hiện được mục tiêu xây dựng ASEAN bao gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam A'. Các vị lãnh đạo ASEAN đã quyết định kết nạp Vương quốc Campuchia làm thành viên thứ 10 của ASEAN và chỉ thị cho các Bộ trưởng Ngoại giao tổ chức một buổi lễ kết nạp đặc biệt tại Hà Nội trong thời gian gần nhất. Bằng quyết định này, Hội nghị cấp cao Hà Nội đã hoàn tất một giai đoạn tập hợp tất cả nước Đông Nam A' vào một cơ chế liên kết khu vực để chuyển sang giai đoạn tăng cường và thống nhất Đông Nam A' trong xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa. Kể từ Hội nghị này, khối ASEAN với đầy đủ 10 nước Đông Nam A' cùng nắm tay nhau bước vào thế kỷ 21. Qua đó, Hội nghị cấp cao Hà Nội đã làm tăng vị thế của ASEAN đối với thế giới bằng một thông điệp mạnh mẽ cho thấy ASEAN vẫn giữ vững đoàn kết, tiếp tục hòa nhập và phát triển.
Hội nghị cấp cao Hà Nội đã nêu một bằng chứng sinh động về mong muốn của ASEAN tiếp tục chính sách hợp tác rộng mở với các nước và tổ chức quốc tế. Đây là Hội nghị cấp cao chính thức đầu tiên của ASEAN tiến hành cuộc gặp cấp cao với ba nước đối thoại trong vùng Đông A' là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này tạo nên một truyền thống tốt đẹp mới trong sinh hoạt của ASEAN.
Về vấn đề Biển Đông, trong các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, các đại biểu ASEAN và Trung Quốc đã nêu nhiều ý kiến khác nhau, chưa đưa ra một giải pháp thực sự cho các tranh chấp. Nhưng các bên đều nhắc lại cam kết tôn trọng những thỏa thuận đã đạt được trước đây, giữ nguyên trạng, và đều thống nhất ý kiến cho rằng giải quyết và ngăn chặn những xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông cần thông qua thương lượng hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế năm 1982 về Luật biển và Tuyên bố về Biển Đông. Điều có nghĩa quyết định và bao trùm là các nhà lãnh đạo ASEAN và các nhà lãnh đạo ba nước đối thoại đã thỏa thuận hợp lực duy trì hòa bình và ổn định lâu dài ở khu vực.
Cam kết của Nhật Bản về quĩ cứu trợ cả gói 30 tỷ USD và khoản cho vay ODA trị giá 1000 tỷ Yên với lãi suất 0,75% (thời hạn thanh toán 40 năm) nhằm giúp các nước khủng hoảng và chịu tác động của cuộc khủng hoảng, trong đó có Việt Nam, là sự giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của Nhật Bản đối với các nước ASEAN. Sự hỗ trợ của Trung Quốc (4,5 tỷ USD và cam kết không phá giá đồng Nhân dân tệ) và những biện pháp của Hàn Quốc đã được các nước ASEAN hoan nghênh. Tổng thống Hàn Quốc đã đề nghị gắn khu vực Đông Bắc A' với Đông Nam A', đề nghị thành lập "nhóm quan sát" về hợp tác Đông A' và gợi ý rằng cuộc họp trù bị đầu tiên của nhóm sẽ được tiến hành tại Xơ-un vào năm tới. Thủ tướng Nhật Bản và nhiều nước ASEAN đã tán thành đề nghị này. Điều đó cho thấy một xu hướng tập hợp lực lượng mới hình thành trong khu vực và các nước lớn, đặc biệt là các nước lớn ở Đông Bắc A' đang ra sức nâng cao vai trò và ảnh hưởng của mình ở khu vực.
Những kế hoạch giúp đỡ, các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương của các nhà lãnh đạo 3 nước đối thoại Đông A' này với các nhà lãnh đạo ASEAN, cùng với các bức điện chúc mừng Hội nghị cấp cao Hà Nội của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo nhiều nước, nhiều tổ chức khu vực khác, đã chứng tỏ mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với ASEAN. Hội nghị cấp cao Hà Nội đã khẳng định giá trị ASEAN không hề bị xói mòn, ngược lại, ASEAN vẫn có vị trí quan trọng và sức hấp dẫn trên trường quốc tế
Sự thành công của Hội nghị cấp cao Hà Nội cùng với các hội nghị cấp cao ASEAN trước đó là những mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của tổ chức ASEAN. Hội nghị cấp cao Hà Nội là bức thông điệp của các quốc gia và nhân dân khu vực quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị của ASEAN lên một tầm cao mới. Hội nghị đã góp phần nâng cao uy tín chính trị của Việt Nam, đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, ngay trước, trong và sau Hội nghị cấp cao của ASEAN, còn lần lượt diễn ra các chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của các vị Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Philippin, Thủ tướng Nhật Bản, Phó Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Campuchia, đã đánh dấu bước phát triển quan trọng mới trong quan hệ song phương giữa nước ta với các nước trong và ngoài Đông Nam A'.
Việc đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN -VI chỉ ba năm sau khi gia nhập đại gia đình ASEAN đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam, góp phần vào thực hiện các chương trình của Hiệp hội. Đồng thời cũng chứng tỏ rằng Việt Nam có quyết tâm và có khả năng tham gia sự nghiệp phát triển ASEAN một cách bình đẳng với các thành viên khác, vì lợi ích của dân tộc mình và của các dân tộc khác trong cộng đồng ASEAN.
Cùng với thành công trong việc đăng cai Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp vào tháng 11-1997, trở thành thành viên chính thức APEC tháng 11-1998, việc đăng cai thành công Hội nghị cấp cao ASEAN -VI tháng 12 - 1998 là những bước phát triển có ý nghĩa lớn trên con đường hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét