Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Trung Quốc và cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính ở Đông Á


Trung Quốc và cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính ở Đông Á
Tác giả: Quách Quang Hồng.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ bắt nguồn từ Thái Lan, sau đó lan dần sang Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore. Từ tháng 7 đến tháng 10/1997, nó còn giới hạn ở ĐNA', nhưng từ cuối tháng 10/1997, cuộc khủng hoảng đã lan ra cả khu vực Đông Bắc A'. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiền tệ của Hàn Quốc và Nhật Bản... và tác động đến các nền kinh tế khác ở Châu A', trong đó có Trung Quốc. Trước tình hình đó, liệu Trung Quốc có phá giá đồng nhân dân tệ hay không, và Trung Quốc có những giải pháp gì để ngăn chặn, phòng ngừa tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tới nền kinh tế của mình? Vấn đề này, không chỉ riêng Trung Quốc mà tất cả các nước khác trong khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới đều hết sức quan tâm.
1. Tác động của cuộc khủng hoảng đến Trung Quốc:
Cuộc khủng hoảng tiền tệ ĐNA' đã tác động đến Trung Quốc ở một số mặt sau:
Trước hết, do đồng tiền của các nước ĐNA' bị mất giá ( đồng baht của Thái Lan mất giá đến 45,6%), nên khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong xuất khẩu cũng bị giảm. Trong thời gian ngắn, đồng tiền của các nước ĐNA' còn có thể bị phá giá, nên sức cạnh tranh trong xuất khẩu của nó tăng lên, và tạo ra những áp lực không nhỏ cho xuất khẩu của Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 1998, do tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 10%, và có thể còn bị giảm nữa. Một số quan điểm bi quan còn cho rằng, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 1998 sẽ bị giảm 50%. Và như vậy, Trung Quốc sẽ càng khó khăn hơn trong việc đáp ứng công ăn việc làm, khiến cho số người thất nghiệp càng tăng ( ước tính tỷ lệ thất nghiệp là 6,5%, cao nhất kể từ năm 1949). Thời gian tới, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên tới 28%, số người khó kiếm việc làm ở cả thành thị lẫn nông thôn sẽ lên tới 183 triệu người. Đây là sức ép to lớn đối với Trung Quốc trong thời gian tới. Trong thương mại, Trung Quốc cũng bị thua thiệt hơn 21 tỷ USD.
Tiếp đến là chấm dứt thời kỳ bùng nổ đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, vì hơn 70% FDI vào Trung Quốc đến từ các nước đang chịu khủng hoảng.
Sau cùng là tác động đến Hồng Kông, như ông Đổng Kiến Hoa - Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong cũng đã phát biểu rằng : " Cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu A' đã ảnh hưởng tới Hong Kong mạnh hơn dự đoán". Đầu năm 1998, chỉ số HangSeng của Hong Kong đã giảm từ 15000 điểm xuống còn 9000 điểm, thị trường bất động sản cũng bị tụt xuống. Trong mậu dịch, thua thiệt khoảng 14 tỷ USD.
Như vậy, cuộc khủng hoảng tiền tệ ĐNA' đã tác động đến Trung Quốc. Tuy nhiên so với những nước khác thì Trung Quốc bị ảnh hưởng ít hơn.
Nhưng hiện nay, cuộc khủng hoảng tiền tệ vẫn chưa có lối thoát, mức độ nguy hại của nó đối với các nước ở Châu A' ngày càng tăng, và giờ đây sự tác động của nó đối với Trung Quốc đã trở thành vấn đề nóng bỏng.
2. Những khả năng có thể xảy ra:
Việc Trung Quốc sẽ duy trì hay phá giá đồng nhân dân tệ trước cuộc khủng hoảng tiền tệ ở ĐNA' đang là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc.
2.1. Khả năng Trung Quốc duy trì sự ổn định đồng nhân dân tệ.
a. Những yếu tố duy trì ổn định đồng nhân dân tệ.
Thứ nhất, hiện nay dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đang ở mức cao ( 141 tỷ USD). HongKong là 98 tỷ USD và có mức thặng dư rất lớn trong cán cân thương mại. Trong 5 tháng đầu năm 1998, mức thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là 18,1 tỷ USD, như vậy sức cạnh tranh trong xuất khẩu vẫn tương đối mạnh.
Thứ hai, tình hình nợ nước ngoài của Trung Quốc tương đối lành mạnh, khoảng 120 tỷ USD, trong đó nợ trung hạn, dài hạn chiếm tới 78%, nợ ngắn hạn chỉ chiếm 22%, tương đương khoảng 30 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển. Trong khi đó, vốn ngắn hạn của Thái Lan chiếm tới 50%. Như vậy, Trung Quốc sẽ ít khó khăn hơn.
Thứ ba, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh, liên tục, và tương đối ổn định là nhân tố cơ bản để đối phó, ngăn chặn nguy cơ tiền tệ và để giữ giá đồng nhân dân tệ. Năm 1997, Trung Quốc xuất siêu 40 tỷ USD và thu hút đầu tư nước ngoài được gần 49 tỷ USD. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc với một thị trường rộng lớn hơn1,2 tỷ dân lại mang tính hướng nội là chính, không hoàn toàn dựa hẳn vào xuất khẩu, cho nên xuất khẩu dù có bị giảm và làm cho kinh tế tăng trưởng chậm, thì cũng ít sức ép đối với việc phá giá đồng nhân dân tệ.
Thứ tư, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhanh, liên tục xuất siêu , thị trường và hàng xuất khẩu của Trung Quốc tương đối đa dạng, được rải đều ở các khu vực. Hiện tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc chiếm 19% GDP, Hàn Quốc- 25%, Thái Lan- 30%, Malaisia -79%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng rất chú trọng phát triển và ổn định thị trường trong nước, nhất là lương thực và hàng nông sản thực phẩm.
Thứ năm, là một nước nông nghiệp, nên giá cả phụ thuộc nhiều vào lương thực và thực phẩm. Trung Quốc đã bình ổn được giá cả của những mặt hàng này trong mấy năm nay. Nông nghiệp phát triển ổn định là nhân tố quan trọng để giữ giá đồng nhân dân tệ.
Thứ sáu, đồng nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền chuyển đổi hoàn toàn, nên có thể kiểm soát vòng quay của nó và nó cũng rất khó bị đầu tư và thao túng từ bên ngoài. ( Từ năm 1994 đã áp dụng tỷ giá 8,2 tệ/USD, đến nay luôn ổn định và có nhích lên tý chút, hiện nay là khoảng 8,4 tệ/USD).
Thứ bảy, thị trường chứng khoán còn nhỏ bé, nên cuộc khủng hoảng tiền tệ ĐNA' cũng không tác động nguy hiểm nhiều đến thị trường tiền tệ của Trung Quốc.
Thứ tám, những cải cách do Thủ tướng Chu Dung Cơ, đặc biệt là cuộc cải cách triệt để lĩnh vực tài chính ngân hàng đang phát huy tác dụng, giúp cho Trung Quốc làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho nền kinh tế ổn định trong bối cảnh khủng hoảng khu vực.
Thứ chín, nếu không kiên trì ổn định đồng nhân dân tệ, thì lòng tin của nhân dân đối với chính phủ sẽ mất đi, và rất có thể nảy sinh một cuộc khủng hoảng mới - khủng hoảng lòng tin. Cuộc khủng hoảng lòng tin này còn có tính chất nguy hiểm hơn nhiều đối với một nước đông dân như Trung Quốc. Khi mất lòng tin đối với ngân hàng và chính phủ thì quan niệm giá trị và sự ổn định xã hội sẽ bị dao động. Hiện tượng này đang xảy ra ở Indonexia. Do đặc thù của xã hội Trung Quốc, nên khi giảm giá đồng tiền, cơ cấu thu nhập biến động theo, từ đó dễ dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột giữa các tầng lớp có thu nhập khác nhau trong xã hội. Đây có thể là ngòi nổ cho một cuộc đấu tranh chính trị.
Cuối cùng, Trung Quốc đang tìm cách để được gia nhập WTO trong năm 1998, vì thế Trung Quốc muốn tạo ra một hình ảnh tốt về mình trước khi là thành viên của WTO. Hơn nữa Trung Quốc cũng không muốn để thế giới nói rằng tình hình kinh tế nước này bị xấu đi kể từ khi Hong Kong trở về với Trung Quốc.
Đó là những cơ sở để Trung Quốc ổn định đồng nhân dân tệ. Nhưng bên cạnh đó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ như : nạn thất nghiệp đang gia tăng, vấn đề cải cách xí nghiệp quốc hữu cũng gặp phải không ít khó khăn, hệ thống ngân hàng cồng kềnh, kém hiệu quả, những khoản nợ khó đòi ngày càng nhiều lên; nợ khó đòi hiện nay là 6 tỷ USD, chiếm 2%, theo chiều hướng đi lên thì đến năm 1999 sẽ là 7,2 tỷ USD và năm 2000 sẽ là 8,4 tỷ USD; tỷ lệ nợ đọng chiếm 60% vốn vay từ ngân hàng (đặc biệt là ngân hàng công thương). Hiện Trung Quốc còn tồn đọng khoảng 16 tỷ USD giá trị hàng hoá, chiếm 1,8% GDP, thị trường trong nước cung đã vượt quá cầu về mặt hàng tiêu dùng.
Hiện nay, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang bị sức ép phá giá rất lớn, vì vậy, việc Trung Quốc vẫn cố giữ giá đồng nhân dân tệ vào cuối năm 1998 đầu năm 1999 là cực kỳ khó khăn. Muốn ổn định đồng nhân dân tệ, Trung Quốc phải tiêu tốn khoảng 40 tỷ USD và kèm theo điều kiện là đồng Yen của Nhật phải tương đối ổn định và không bị mất giá nhiều so với USD.
b. Những tác động tiêu cực của việc ổn định đồng nhân dân tệ.
Đầu tiên, kinh tế Hong Kong sẽ bị đình đốn, rất có thể giống như kinh tế của Nhật Bản 5 năm trước kia.
Sau đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
Tiếp đến, cải cách xí nghiệp quốc hữu sẽ bị trì hoãn. Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Châu A' đã bộc lộ rõ tính không ổn định của thể chế tiền tệ Quốc tế, cho nên các nước Châu A' kể cả Trung Quốc buộc phải nhìn lại tình hình vận hành của hệ thống tiền tệ nước mình, để chủ động điều chỉnh. Nhưng cải cách xí nghiệp quốc hữu trong giai đoạn hiện nay lại đang chịu tác động của những mặt trái của hệ thống tiền tệ Trung Quốc, nếu điều chỉnh lại hệ thống này thì sự lựa chọn chính sách rất có thể sẽ buộc phải tạm hoãn.
Tiếp theo, vấn đề thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng hơn, và rất có thể xảy ra những biến động xã hội.
Cuối cùng, thực lực của Trung Quốc trong khu vực sẽ bị yếu đi, điều này hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc.
Nói tóm lại, giữ hay giảm giá đồng nhân dân tệ là một lựa chọn cực kỳ khó khăn của Trung Quốc. Trung Quốc phải làm thế nào để chọn cái ít có hại nhất. Cho nên, Trung Quốc cần phải có những căn cứ hết sức khách quan để lựa chọn, sẽ rất sai lầm khi giải quyết vấn đề kinh tế bằng con mắt chính trị đơn thuần, và cũng sẽ sai lầm khi giải quyết vấn đề kinh tế với quan điểm thuần tuý kinh tế.
2.2. Khả năng phá giá đồng nhân dân tệ:
2.2.1. Những nhân tố tạo sức ép phá giá:
Thứ nhất, do đồng tiền của các nước Châu A' đều bị phá giá, ưu thế xuất khẩu của Trung Quốc và Hong Kong bị suy giảm, các bạn hàng chủ yếu của Trung Quốc là ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản đều chịu tác động to lớn của cuộc khủng hoảng này gây ra, vì thế nhu cầu nhập khẩu của các khu vực này giảm đi, khiến cho xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp. Do đó, tình hình mậu dịch của Trung Quốc trong năm 1998 sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí sẽ còn bị tác động mạnh hơn nữa của cuộc khủng hoảng tiền tệ ĐNA'.
Thứ hai, môi trường đầu tư bị xấu đi, dòng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm. Hiện Trung Quốc đang phải đẩy mạnh chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ Đài Loan, vì các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư ĐNA' đang có thái độ dè dặt đối với khu vực Châu A'.
Thứ ba, thu chi quốc tế có những biến động xấu, nên dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng sẽ bị giảm, thêm vào đó mức lãi gộp của các khoản vay nợ nước ngoài càng tăng. Như vậy trụ cột để giữ giá đồng nhân dân tệ đã bị lung lay.
Thứ tư, cải cách xí nghiệp quốc hữu đang và sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, nguy cơ khủng hoảng nằm ngay trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, những khoản nợ khó đòi chiếm khoảng 20%.
Thứ sáu, do việc muốn kích thích nhu cầu trong nước, chính phủ Nhật Bản chưa có những biện pháp hữu hiệu nhằm giữ giá đồng Yen. Nếu đồng Yên tiếp tục mất giá thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới Trung Quốc như : xuất khẩu giảm, GDP giảm, nạn thất nghiệp ngày một gia tăng do các xí ngiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Vì thế, Trung Quốc có khả năng phải phá giá đồng Nhân dân tệ để giải quyết những hậu quả trên. Nếu đồng Yen tiếp tục mất giá so với đồng USD, thì đương nhiên Trung Quốc phải xem xét lại chủ trương ấn định tỷ giá của mình.
Do các nhân tố trên, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại, Trung Quốc khó mà đạt được mục tiêu kinh tế như đã đề ra ( tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong năm 1998 ). Hiện nay, Trung Quốc đã phải điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8% năm xuống còn 7% và thậm chí còn phải điều chỉnh lại nữa. Như vậy, nền kinh tế của Trung Quốc cũng chịu tác động không nhỏ của cuộc khủng hoảng tiền tệ ĐNA'.
Như vậy, đồng nhân dân tệ đang đứng trước những sức ép phải phá giá. Trên thực tế, đồng nhân dân tệ cũng đang bị mất giá dần dần, từ cuối năm 1997 đến nay, trên thị trường tự do, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 4% - 5%. Theo một số nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, trong năm nay đồng nhân dân tệ có thể sẽ bị giảm giá (ít nhất là 10% giá trị) khi đồng Yen tiếp tục bị mất giá mạnh hơn nữa so với đồng USD. Thậm chí họ còn cho rằng khả năng phá giá của đồng nhân dân tệ vào những tháng còn lại của năm 1998 là điều chắc chắn.
2.2.2. Những hậu quả của việc phá giá:
Thứ nhất, khi đồng nhân dân tệ mất giá, Trung Quốc bắt buộc phải điều chỉnh lãi suất tiết kiệm để tiếp tục huy động vốn đầu tư trong nước. Hiện số tiền gửi tiết kiệm của dân lên tới khoảng 4000 tỷ NDT, chính số tiền này đang duy trì sự sống của ngân hàng và các xí nghiệp quốc hữu. Nếu đồng nhân dân tệ bị mất giá, dân chúng sẽ rút tiền ra để mua USD, lúc đó không thể biết được nền kinh tế của Trung Quốc sẽ đi đến đâu. Đầu tư nước ngoài vào Trung quốc đã giảm và có xu hướng ngày càng giảm, nếu thêm yếu tố mất giá của đồng nhân dân tệ thì sự suy giảm này sẽ càng tồi tệ hơn nữa.
Thứ hai, tuy mấy năm nay, Trung Quốc liên tục tăng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu và xuất siêu, nhưng nếu đồng nhân dân tệ mất giá có thể sẽ thúc đẩy xuất khẩu ở một mức độ nào đó, nhưng nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và sẽ làm xáo động thị trường xuất nhập khẩu ở khu vực ĐNA' đang có lợi cho Trung Quốc mấy năm qua ( thị trường ĐNA' chiếm 15% tỷ trọng hàng xuất khẩu của Trung Quốc).
Thứ ba, Hong Kong là đầu mối quan trọng của Trung Quốc về thị trường gia công xuất khẩu, chuyển khẩu và đầu tư. Nếu phá giá đồng nhân dân tệ, có nghĩa là trực tiếp đánh vào Hong Kong. Hong Kong bị đảo lộn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến việc thu hồi Ma Cao và tiến trình thống nhất hai bờ eo biển.
Thứ tư, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cồng kềnh và kém hiệu quả. Trung Quốc đang tập trung từng bước cải tổ hệ thống này trong năm 1998. Nếu đồng nhân dân tệ bị phá giá sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến trình cải cách hệ thống ngân hàng.
Thứ năm, mục tiêu của Trung Quốc là duy trì nền kinh tế phát triển ổn định, liên tục và tăng trưởng cao, tăng nhanh quốc lực để bước vào thế kỷ XXI. Khi đồng nhân dân tệ bị phá giá thì sẽ đẩy lạm phát lên cao, thất nghiệp và mất việc làm sẽ tăng nhanh, các chương trình kinh tế lớn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là vấn đề cải cách xí nghiệp quốc hữu.
Thứ sáu, làm cho cuộc khủng hoảng tiền tệ ngày càng trầm trọng hơn. Dễ gây ra khủng hoảng lòng tin.
Trung Quốc tuyên bố không phá giá đồng nhân dân tệ của mình, và đồng thời cũng chỉ trích mạnh mẽ sự phá giá của các đồng tiền khác trong vùng ( chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan ). Phải chăng Trung Quốc đang tìm cho mình một dư địa, để khi cần vẫn có thể phá giá đồng tiền của mình mà đổ lỗi cho các nước khác chứ không phải do bản thân mình.
Qua phân tích những mặt được và mất của việc giữ hay phá giá đồng nhân tệ như đã nêu ở trên. Có thể có một số kịch bản như sau :
Thứ nhất, nếu kinh tế của Nhật Bản và các nước Đông A' khác không xấu đi, thì Trung Quốc sẽ chậm phá giá.
Thứ hai, nếu kinh tế của Nhật Bản bị cuốn nhanh vào tâm khủng hoảng thì sẽ ép Trung Quốc phải phá giá sớm.
Nhìn chung, đồng nhân dân tệ sẽ khó tránh được sự phá giá từ từ, nhưng điều quan trọng hơn là phá giá vào lúc nào để Trung Quốc vừa có lợi mà vẫn không gây hoảng loạn cho thị truờng Đông A'.
3. Những giải pháp của Trung Quốc để ngăn chặn và phòng ngừa khủng hoảng:
3. 1. Tăng cường giám sát và quản lý vĩ mô đối với thị trường tiền tệ.
Tiền tệ là hạt nhân của nền kinh tế, tăng cường giám sát thị trường tiền tệ chính là bài học xương máu rút ra từ cuộc khủng hoảng tiền tệ ĐNA', nếu không giám sát và quản lý tốt thị trường tiền tệ, thì nó có thể làm đảo lộn trật tự kinh tế, thậm chí làm cho nền kinh tế quốc dân bị tê liệt.
a) Thực hiện chính sách thả nổi hối suất một cách thận trọng.
Trung Quốc thực hiện thể chế ngoại hối lấy cung cầu của thị trường làm cơ sở và chế độ hối suất thả nổi đơn nhất có quản lý là tương đối thành công. Nhưng về lâu dài, trong xu thế toàn cầu hoá, Trung Quốc phải thực hiện chế độ ngoại hối, hối đoái tự do hơn nữa, thực hiện chính sách thả nổi hối suất, tiến tới thực hiện thả nổi và tự do chuyển đổi giữa đồng nhân dân tệ và ngoại hối. Bởi vì, để duy trì hối suất cố định, cái giá nhà nước phải bỏ ra sẽ rất lớn.
b) Tăng cường hướng dẫn luồng vốn nước ngoài, ngăn chặn sự quấy nhiễu của luồng vốn ngắn hạn và đầu cơ.
Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế đi vào cộng đồng Quốc tế từ 18 năm nay. Tính đến nay, Trung Quốc đã thu hút được hơn 320 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ về thu hút vốn đầu tư. Nhìn chung, Trung Quốc sử dụng vốn nước ngoài tương đối lành mạnh, nhưng bên trong vẫn còn ẩn giấu những nguy cơ. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lớn là tốt nhưng cũng thể hiện việc chưa sử dụng một cách hiệu quả vốn nhàn rỗi, vì thông thường phải đầu tư vào sản xuất để có thể gia tăng và thể hiện giá thành cơ hội bằng ngoại hối.
Trung Quốc phải xây dựng một hệ thống giám sát tương ứng để ngăn chặn sự xâm nhập của luồng vốn ngắn hạn. Ưu tiên cấu trúc lợi dụng vốn nước ngoài, từ đó nâng cấp sản nghiệp và nâng cao năng lực tạo ngoại hối, nâng cao tỷ trọng đầu tư trực tiếp, hoàn thiện cấu trúc đầu tư nước ngoài và hướng đi của nó, hết sức đề phòng nó chảy vào thị trường chứng khoán, vốn ngắn hạn, bất động sản để đầu cơ, dẫn đến kinh tế bong bóng, làm tăng nguy cơ tiền tệ. Khi mở cửa hạng mục cho tư bản, phải hết sức thận trọng. Chuẩn bị mọi phương án để nếu xảy ra phải hạn chế ảnh hưởng ở mức thấp nhất.
c) Phòng ngừa " hiện tượng bong bóng " trong thị trường cổ phiếu, đầu cơ quá độ của thị trường chứng khoán.
Tính đến năm 1997, thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã hoạt động được hơn 7 năm, nó không ngừng phát triển, nhưng cũng tồn tại một số vấn đề như " kinh tế bong bóng" của thị trường chứng khoán, mạo hiểm kinh doanh, đầu cơ qúa độ, hiện có hơn 750 công ty hoạt động và có hơn 900 loại cổ phiếu, quy mô giao dịch khoảng 30 tỷ nhân dân tệ, trị giá cổ phiếu đạt 1640 tỷ nhân dân tệ. Trên thực tế, thị trường chứng khoán của Trung Quốc chưa được hoàn thiện, quy mô còn hạn chế, có nhiều kẽ hở, quỹ đầu tư chưa đủ, trong 750 công ty hoạt động thì công ty thực chất có năng lực lại không đáng bao nhiêu. Trung Quốc bắt buộc phải từng bước nâng cao vai trò của chính phủ trong thị trường chứng khoán, thiết lập hệ thống giám sát tập trung thống nhất, nhanh chóng cho ra đời luật chứng khoán và các pháp luật, pháp lệnh khác liên quan đến thị trường chứng khoán, xây dựng chế độ bình cấp chứng khoán và uy tín kinh doanh chứng khoán, cải cách chế độ phát hành, huỷ bỏ chế độ hạn ngạch trên thị trường, mở rộng quỹ đầu tư.
d) Khống chế những khoản vay không hiệu quả của ngân hàng, xoá bỏ nợ ngân hàng.
Chính những khoản nợ khó đòi cũng là một trong những nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng tiền tệ ở ĐNA'. Làm thế nào để ngăn chặn và đề phòng nó là chủ đề mà không phải chỉ riêng các nước Châu A' quan tâm. Tình hình của ngân hàng Trung Quốc cũng giống như các nước ĐNA', tồn tại nhiều khoản vay khó đòi, các xí nghiệp quốc doanh trong một thời gian dài làm ăn thua lỗ, có tới 70% xí nghiệp quốc hữu ở trong tình trạng vốn không đủ trả nợ, và đến 98% xí nghiệp quốc hữu tồn tại được là nhờ vào các khoản vay ngân hàng. Những khoản nợ đó không chỉ là trở ngại của các xí nghiệp quốc hữu mà còn là gánh nặng cho ngân hàng.
Trung Quốc bắt buộc phải hoá giải các khoản nợ khó đòi, nợ qúa hạn và ngăn ngừa những khoản vay không hiệu quả. Muốn làm được như vậy, không có cách nào khác là phải khống chế nghiêm ngặt phá sản, ngăn chặn chây nợ, thực hiện kỷ luật nghiêm trong nội bộ ngân hàng, nghiêm túc trong trình tự cho vay, bảo đảm tín dụng ngân hàng vận hành lành mạnh. Giảm các khoản vay không hiệu quả của ngân hàng, chấp hành chế độ đặt bảo lãnh và các điều kiện khắt khe khi vay vốn ngân hàng, để cho các xí nghiệp tự tạo ra vốn hoặc gom vốn, qua đó giảm bớt nhu cầu vay vốn đối với ngân hàng. Căn bản vẫn phải ngăn chặn sự phát sinh của những khoản vay không hiệu quả.
e) Ngăn chặn dòng vốn trong nước chảy ra nước ngoài.
Có nhiều hình thức tuồn vốn ra nước ngoài. Qua những vụ án lớn gần đây cho thấy, mỗi năm có đến hàng chục tỷ nhân dân tệ chảy ra nước ngoài. Từ năm 1985 đến năm 1994, tổng cộng có khoảng 40,287 tỷ USD vốn chảy ra nước ngoài. Trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1995 số vốn dài hạn của Trung Quốc chảy ra nước ngoài có thể lên tới 100 tỷ USD, trong đó 50 tỷ USD chưa qua chính phủ phê duyệt. Một số vốn lớn chảy ra nước ngoài cũng là nguy cơ tiềm ẩn của khủng hoảng tiền tệ. Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường quản lý vốn ra nước ngoài, giám sát phát hiện những thao tác phạm quy. Phải kết hợp nhiều ngành liên quan để cùng quản lý và giám sát nguồn vốn của Trung Quốc khi ra nước ngoài.
f) Thanh toán các cơ quan phi tiền tệ và những hoạt động phi pháp.
Có nhiều cơ quan không có chức năng kinh doanh tiền tệ nhưng vẫn tiến hành kinh doanh tiền tệ, làm cho thị trường tiền tệ hỗn loạn, mất trật tự ảnh hưởng đến sự điều tiết vĩ mô của nhà nước. Phải xoá bỏ tất cả những cơ quan không có chức năng kinh doanh tiền tệ mà kinh doanh tiền tệ. Chỉnh đốn việc gom vốn phi pháp trong xã hội.
g) Tăng cường khống chế nội bộ ngân hàng, ngăn ngừa tội phạm tiền tệ.
Ngân hàng quản lý lỏng lẻo, không khống chế được cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên cuộc khủng hoảng tiền tệ ở ĐNA'. Trung Quốc cũng đang đứng trước những vấn đề như : ngân hàng không khống chế được, kinh doanh không đúng quy phạm, chế độ giám sát chưa kiện toàn, tội phạm về tiền tệ ngày một tăng. Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng còn tồn tại nhiều vấn đề như : kinh doanh ngoài sổ sách, vi phạm quy định lãi suất, thu hút tiền gửi lãi suất cao, hạch toán những khoản vay giả, vượt quá quy mô khoản vay, chuyển dịch hoặc ỉm đi những khoản gửi, lạm dụng vốn tín dụng để trực tiếp kinh doanh hoặc tiếp tay cho những người kinh doanh chứng khoán để tiến hành giao dịch cổ phiếu. Do vậy, Trung Quốc phải tăng cường khống chế nội bộ ngân hàng, đảm bảo cho bộ máy của ngân hàng vận hành một cách lành mạnh.
h) Tăng cường khống chế vĩ mô đối với hoạt động tiền tệ, đề phòng sự chín sớm của thị trường tiền tệ.
Tăng cường sức giám sát tiền tệ cho dù nó có bình thường, phải có ý thức quản lý tiền tệ và quan trọng là phải có một chính phủ có hiệu suất cao, năng lực mạnh. Nên xây dựng cơ chế ngăn ngừa khủng hoảng, hệ thống an toàn về chỉ tiêu tiền tệ để khi có nguy cơ phải hạn chế ở mức thấp nhất. Bây giờ, chưa phải là lúc Trung Quốc phát triển quá mạnh ngành ngân hàng, nếu hoạt động tiền tệ phát triển quá mạnh sẽ là trở ngại cho công nghiệp hoá quốc gia và hiện đại hoá xã hội. Chính vì vậy, Trung Quốc đang phải hạn chế việc phát triển tiền tệ, điều chỉnh lại mục tiêu phát triển tiền tệ, hạn chế lĩnh vực hoạt động của tiền tệ. Khuyến khích dùng tiền bạc vào việc phát triển khoa học kỹ thuật, giáo dục ( các sản nghiệp cơ sở ) để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của xã hội.
i) Cải cách ngân hàng.
Cải cách cơ cấu ngân hàng TW và 4 ngân hàng chuyên doanh của nhà nước là ngoại thương, công thương, nông nghiệp và kiến thiết. Tinh giảm bộ máy và giám sát kinh doanh ngân hàng. Giải tán các chi nhánh ngân hàng TW ở các địa phương. Cho phép mở ngân hàng cổ phần và tư vấn ngân hàng. Chấp nhận phá sản những ngân hàng thua lỗ kéo dài. Kiên quyết tách hoạt động ngân hàng với chính quyền, cấm quan chức chính phủ, địa phương lợi dụng chức quyền can thiệp vào hoạt động vay vốn, kinh doanh ngân hàng. Khắc phục tình trạng lộn xộn trong vay vốn và kinh doanh tiền tệ hiện nay. Tiếp tục ưu tiên đầu tư vốn cho xây dựng cơ bản và các ngành kỹ thuật cao để chuyển đổi cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu và hiện đại hoá nền kinh tế. Lấy xuất khẩu hàng giá trị cao, kỹ thuật tiên tiến thay cho hàng thông thường để cạnh tranh và giữ cán cân xuất nhập khẩu đang bị cạnh tranh do suy thoái tiền tệ tạo nên. Điều chỉnh lại việc cấp vốn kinh doanh. Quy chế hoá đối tượng vay vốn theo 5 loại thông lệ mà các ngân hàng nước ngoài vẫn áp dụng : Standard; Special mention; Sub standard; Doubt full; Loss. Cố hạ tỷ lệ vốn đọng xuống 8% (hiện là 10%).
3.2. Tăng cường điều chỉnh cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu mậu dịch xuất khẩu.
Hầu hết mô thức phát triển kinh tế của các nước Châu A' ( các nước trỗi dậy vào những thập niên 70 - 80 như Thái Lan, Malaisia, Indonesia, Hàn quốc, Nhật Bản ) đều lấy công nghiệp làm chủ đạo, và dùng xuất khẩu để phát triển kinh tế. Sự thất bại của nền kinh tế bong bóng Nhật Bản đã cảnh báo trước rằng cơ cấu kinh tế Châu A' đã đến lúc phải điều chỉnh.
Các nền kinh tế Châu A' mới trỗi dậy hầu hết là thiếu tài nguyên, thiếu thị trường; trong kinh tế tính phụ thuộc và bị chi phối tương đối lớn. Cho nên trong cơ cấu kinh tế của nó tự nhiên sẽ có mâu thuẫn. Trung Quốc và các nước Châu A' khác cũng nằm trong tình trạng đó, vì thế không còn cách nào khác bắt buộc các nước này phải điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế của mình.
a) Nhanh chóng thay đổi cơ cấu xuất khẩu mậu dịch.
Trung Quốc và các nước ĐNA' có cơ cấu xuất khẩu giống nhau, thường là những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, cần nhiều lao động như hàng công nghiệp nhẹ, điện tử. Trong năm 1996, có đến 50% hàng xuất khẩu là của ngành công nghiệp gia công, và hầu hết các xí nghiệp ngoại thương quốc doanh đều bị lỗ vốn. Cho nên, Trung Quốc phải điều chỉnh kịp thời cơ cấu xuất khẩu, trong khi đó vẫn phải kiên trì sách lược lấy xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế, bên cạnh đó phải khuyến khích, động viên các xí nghiệp chuyển dịch từ ngành kỹ thuật thấp ( sử dụng nhiều lao động ) sang ngành kỹ thuật có giá trị gia tăng cao, đổi mới kết cấu sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh.
b) Khống chế sự phát triển của ngành địa ốc.
Chính sự non yếu của ngành địa ốc đã làm cho những khoản nợ khó đòi của ngân hàng ngày một tăng lên, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tiền tệ. Một điều rất dễ hiểu là nếu đầu tư vào ngành này thì sẽ thu được lợi nhuận cao, đặc biệt là khi nền kinh tế quá nóng nó lại càng làm mưa làm gió. Ngành địa ốc quá nóng cũng là một trong những nguyên nhân làm suy yếu nền kinh tế.
Ngân hàng Thái Lan đầu tư vốn vào bất động sản là 30%, đầu tư vào các ngành khác là 50%. Khi thị truờng địa ốc qúa nóng sẽ đẩy giá lên cao, nhưng sau đó giá bất động sản sẽ dần hạ xuống đúng với giá trị thực của nó, thì chính lúc đó các nhà kinh doanh bất động sản cũng nhanh chóng bị mắc nợ, rồi dùi thủng kinh tế bong bóng, bong bóng tan ra làm cho kinh tế tan vỡ theo. Những mắt xích đó được móc nối với nhau rất chặt chẽ ; khi ngành địa ốc quá nóng rồi sụp đổ, thì sẽ làm cho ngân hàng đổ vỡ và kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế .
c) Giảm thâm hụt tài chính quốc gia.
Quốc gia bị thâm hụt tài chính thì sẽ phải đi vay nợ. Đây cũng là một trong những ngyên nhân gây ra khủng hoảng tiền tệ.
Hiện các xí nghiệp của Trung Quốc nợ ngân hàng khoảng 200 tỷ USD. Trung Quốc đang tìm cách hoá giải khoản nợ đó và cố gắng trong 3 năm sẽ giúp các xí nghiệp này thoát khỏi khó khăn. Trước mắt ngân hàng hạ lãi suất vay và huỷ bỏ 50 tỷ USD tiền nợ của các xí nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh của các xí nghiệp đó.
d) Tăng cường xây dựng sản nghiệp cơ sở, tránh xây dựng trùng lắp.
Cơ cấu kinh tế của ĐNA' có một đặc điểm chung là : hạ tầng cơ sở lạc hậu, không kiện toàn, vốn của xã hội thường chảy vào ngành có lợi nhuận cao. Do đó, Trung Quốc sẽ phải đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng, bởi vì nếu cơ sở hạ tầng lạc hậu thì sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, từ đó sẽ ẩn tích những nguy cơ tiền tệ.
e) Quy phạm chế độ cổ phần xí nghiệp.
Đây là sách lược quan trọng để cải tạo xí nghiệp quốc doanh. Cải cách xí nghiệp quốc doanh có thành công hay không chủ yếu dựa vào việc có thực hiện được chế độ cổ phần xí nghiệp hay không.
3.3. Coi trọng vị trí cơ sở của nông nghiệp và đầu tư vào giáo dục, bồi dưỡng lực lượng khoa học kỹ thuật.
Qua cuộc khủng hoảng tiền tệ ĐNA' đã cho thấy sự yếu ớt của cơ sở kinh tế ĐNA', hầu hết các nước ĐNA' đều là thị trường mới nổi, vốn lấy nông nghiệp làm chính, nhưng khi thu hút đầu tư lại chỉ chú ý đến ngành có lợi nhuận cao và nhanh như : địa ốc, điện tử... mà lại coi thường đầu tư vào nông nghiệp và giáo dục. Khi mà trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp kém, lạc hậu, kinh tế lại dựa vào hình thức tập trung nhiều lao động, gia công, thì chỉ đạt được sự phát triển kinh tế ở một mức độ nhất định nào đó, mà không đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Một nền kinh tế mạnh nhất định phải mạnh về cở sở kinh tế tổng thể, phát triển toàn diện công, nông, thương nghiệp. Kinh tế muốn phát triển phải dựa vào khoa học kỹ thuật, không chỉ cần khoa học mũi nhọn mà còn cần kỹ thuật cơ sở trình độ cao, nhưng Trung Quốc đều thiếu những cái đó. Trình độ nghiên cứu tổng thể của Trung Quốc không cao, tỷ suất chuyển từ khoa học kỹ thuật sang lực lượng sản xuất rất thấp. Sức sản xuất lao động của Trung Quốc hiện nay bằng 1/30 Anh, 1/36 Mỹ, 1/40 Nhật Bản, 1/45 Đức. Trong nhân tố tăng trưởng kinh tế hiện nay thì 72% là dựa vào vốn và nhân lực, chỉ có 28% là dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do vậy, Trung Quốc phải coi trọng vị trí cơ sở của nông nghiệp và đầu tư thích đáng vào giáo dục, bồi dưỡng lực lượng khoa học kỹ thuật.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp, chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt. Hậu quả của nó sẽ còn kéo dài, vì thế tác động của nó đến Trung Quốc cũng sẽ rất phức tạp và khó lường ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét