Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Nước Nga trên trường quốc tế: hôm qua, hôm nay và ngày mai


Nước Nga trên trường quốc tế: hôm qua, hôm nay và ngày mai
Tác giả: Hà Mỹ Hương.
Một học giả phương Tây nhận xét:"Nước Nga không phải là một quốc gia, nó gần như là một châu lục". Quả vậy, nước Nga là một quốc gia đặc biệt: lãnh thổ không những lớn nhất thế giới, trải dài trên hai châu lục Âu, A', mà còn được thiên nhiên ưu đãi một cách kỳ lạ. Nơi đây sinh sống hàng trăm dân tộc, sắc tộc khác nhau, có tôn giáo, tín ngưỡng, lối sống, trình độ chính trị, kinh tế, văn hóa rất khác nhau. Do vậy, nước Nga là một thực thể chính trị , kinh tế , văn hóa rất không thuần nhất. Trên hành tinh, không quốc gia nào có tổng thể những nhân tố cấu thành sức mạnh cũng như tính chất phức tạp như nước Nga. Vậy nước Nga đã và đang chiếm giữ vị thế như thế nào trên trường quốc tế? Và nước Nga sẽ giữ vị thế ra sao trên bàn cờ chính trị thế giới thế kỷ 21 - một thế kỷ được dự báo là tuy còn phức tạp, nhưng sẽ yên bình hơn so với thế kỷ 20 - thể kỷ bão táp, thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại? Tác giả bài viết này muốn góp phần lý giải những câu hỏi đó, vì cho rằng các nước lớn luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử loài người.
Từ nước Nga Sa hoàng đến Liên bang Nga: những thăng trầm của lịch sử.
Đến cuối thế kỷ 17, nước Nga Sa hoàng vẫn còn lạc hậu so với các nước phương Tây khác. Không kể Hà Lan và Anh đã thực hiện cách mạng tư sản, mà các nước quân chủ chuyên chế phương Tây khác, nhất là Pháp, đã và đang là những quốc gia hùng cường. Nước Pháp dưới thời Luis 14 (1661-1715) - "Hoàng đế - Mặt trời", đã phát triển cường thịnh, khống chế toàn bộ châu Âu. Còn nước Nga thì chỉ đến cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 , khi Piotr I lên ngôi Hoàng đế, trước những đòi hỏi bức xúc từ nhu cầu phát triển của đất nước, bắt đầu đề ra và thực hiện thanh công một số cải cách trong đường lối chính sách đối nội, đối ngoại, mới bước ra vũ đài quốc tế với tư cách một cường quốc. Từ đó cho đến nửa đầu thế kỷ 19, nước Nga tuy không giữ địa vị thống soái ở châu Âu, nhưng là một trong những quốc gia có tiêng nói quyết định trong các vấn đề quan hệ quốc tế cũng như số phận các dân tộc nhỏ yếu ở lục địa này, thông qua các liên minh như liên minh Thần thánh, liên minh ba Hoàng đế, liên minh Tứ cường,..
Tuy nhiên, về kinh tế, nhìn chung nước Nga vẫn còn rất lạc hậu. Cho đến trước Thế chiến I, nước Nga với diện tích và dân số lớn nhất trong số 8 cường quốc thế giới: Anh, Pháp, Nga, Đức, A'o, Hung, Italia, Mỹ và Nhật, lại chỉ chiếm vị trí cuối cùng về tỷ lệ dân số thành thị trong tổng dân số và mức độ công nghiệp hóa tính theo đầu người. Năm 1861, nước Nga mới xóa bỏ chế độ nông nô, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển cả ở thành thị lẫn nông thôn. Song về tổng quan, nếu như phần lãnh thổ thuộc châu Âu của nước Nga đã chuyển mạnh sang con đường phát triển TBCN, thì phần lãnh thổ rộng lớn thuộc châu A', ngoại trừ các thành phố lớn vẫn duy trì quan hệ sản xuất phong kiến với nền kinh tế du mục. Do vậy, nước Nga trước cách mạng tháng Mười là mắt xích yếu nhất trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa thế giới , trong khi chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng vẫn là thành luỹ của các thế lực quí tộc phong kiến phản động châu Âu, là chỗ dựa của giai cấp tư sản Nga hãy còn khá yếu ớt.
Cách mạng tháng Mười năm 1917 thành công, nước Nga có tên gọi mới: Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga; đến 30/12/1922 cùng với ba nước Cộng hòa Xô viết khác: Ukraina, Belorussia và Liên bang Zakavkaz, thành lập Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết. Liên bang Xô viết là một thực thể kinh tế , chính trị , xã hội hùng mạnh, nhất là sau khi chiến thăng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II, Liên Xô tập trung mọi nguồn lực, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi nền kinh tế quốc dân. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên bang Xô viết và Hợp chủng quốc Hoa kỳ đã là hai siêu cường thế giới, chi phối lẫn nhau và chi phối mọi mặt của đời sống quan hệ quốc tế. Về điều này đã có vô số bài viết, cuốn sách, công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta và nước ngoài đề cập tới, phân tích, luận giải. có thể người ta còn nhiều bất đồng trong đánh giá hàng loạt vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội của Liên Xô cũ, song không ai có thể phủ nhận một thực tế rằng Liên Xô là một quốc gia đủ mạnh để làm đối trọng với Mỹ, đẻ tạo ra và duy trì thế cân bằng chiến lược đó trong suốt thời gian chiên tranh lạnh. Mặc dầu đó là sự cân bằng rất nguy hiểm trên miệng hố chiến tranh hạt nhân nóng toàn cầu, song nó cũng tạo ra sự ổn định tương đối trong trật tự thế giới lúc bấy giờ.
Trong Liên bang Xô viết, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga là thành viên trụ cột, đóng vai trò chủ yếu làm nên sức mạnh, tạo dựng vị thế siêu cường của Liên Xô. A.Dinoviev, một triết gia nổi tiếng của nước Nga và Liên Xô cũ, vì bất đồng chính kiến, những năm 70 bị trục xuất khỏi Liên Xô, sống lưu vong ở nước ngoài, bất luận số phận trớ trêu, vẫn đánh giá: " Chính thời kỳ Liên Xô là thời kỳ vĩ đại nhất, đỉnh cao trong lịch sử nước Nga, là hiện tượng hùng tráng nhất trong lịch sử nhân loại. Liên bang Xô viết là sự kế tục bình thường của lịch sử nước Nga. Sự đứt đoạn của lịch sử nước Nga không phải là những gì đã xảy ra năm 1917, trái lại đang xảy ra vào chính lúc này" (1)..
Tháng 12/1991, Liên bang các nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết chấm dứt sự tồn tại của mình trong tư cách một thực thể địa - chính trị thống nhất, các nước thành viên trở thành các quốc gia độc lập, có chủ quyền, những chủ thể pháp lý quốc tế được Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Nước Nga sau khi Liên Xô tan rã chính thức có tên là "Liên bang Nga" thay cho " Cộng hoà XHCN Xô viết Liên bang Nga". Rõ ràng, đây không đơn giản là sự thay đổi tên gọi, mà là sự thay đổi thể chế chính trị - kinh tế của một quốc gia. Liên bang Nga bước ra vũ đài quốc tế không chỉ như là một trong những nước kế thừa chính thống Liên Xô cũ, mà còn được tiếp nhận quy chế của " quốc gia- người kế tục Liên Xô ". Biểu hiện trước hết là Liên bang Nga được Liên Hợp Quốc chuyển giao chiếc ghế uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, còn các đại sứ của Liên Xô cũ được thừa nhận là đại sứ Nga mà không cần chuyển giao đặc nhiệm - trao lại uỷ nhiệm thư.
Tuy nhiên, trên thực tế, nước Nga hiện nay không có được vị trí và vai trò quốc tế mà Liên Xô đã từng nắm giữ trong suốt thời gian tồn tại hơn 7 thập kỷ của nó. Chiến tranh lạnh kết thúc, phần thắng thuộc về Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, còn Liên Xô gánh chịu phần thua, làm cho tương quan lực lượng thay đổi bất lợi cho Liên bang Nga. Vai trò địa - chính trị của Nga bị suy giảm: chẳng những ảnh hưởng toàn cầu của Nga bị mất đi, mà khả năng tác động vào tiến trình vận động của các sự kiện đang diễn ra ở khu vực Âu - A' kề cận cũng bị hạn chế, thậm chí ở SNG, nước Nga phải khó khăn lắm mới giữ được những ưu thế của mình. Trên thế giới và ngay cả ở châu Âu, có hàng chục, hàng trăm vấn đề đã và đang được giải quyết mà không có sự tham gia của Liên bang Nga, trong đó NATO mở rộng là một ví dụ. Rõ ràng hiện trạng này không tương xứng với tiềm năng, tiềm lực của nước Nga. Tại sao vậy? Trước hết chúng ta hãy xem xét hiện trạng nước Nga khi "trở lại với chính mình" sau gần 70 năm không phải là một thực thể độc lập.
Những điểm yếu của Liên bang Nga hiện nay.
Sự suy thoái kinh tế: Nước Nga chiếm 76% lãnh thổ, 52 % dân số của Liên Xô trước đây. Liên Xô tan rã, Liên bang Nga kế thừa 60% tiềm lực kinh tế mà Liên bang Xô viết tạo dựng trong 7 thập kỷ cạnh tranh với hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, hơn 6 năm sau khi ra đời, Liên bang Nga vẫn chìm đắm trong khủng hoảng kinh tế - chính trị - xã hội, mặc dù gần đây tốc độ suy thoái kinh tế có giảm (năm 1997 lần đầu tiên chỉ số tăng trưởng GDP là dương, nhưng cũng chỉ là 0,4 %). Tính chung từ năm 1991 đến nay, GDP của Nga giảm 60%, nên hiện nay tiềm lực kinh tế của Nga chỉ bằng 24-26% so với Liên Xô cũ, dưới 10% so với Mỹ, 20% so với Trung Quốc, 25% so với Nhật, 40% so với Đức. Có thể so sánh với một số giai đoạn trong lịch sử: GDP của Nga chỉ giảm 1/4 trong những năm Đại chiến thế giới lần thứ nhất;23% trong thời kỳ nội chiến (1919 - 1922) và 21% trong Đại chiến lần thứ hai. ( Tuy nhiên, số liệu mà các học giả Nga đưa ra thường rất khác nhau. Theo số liệu của giáo sư, tiến sĩ sử học danh tiếng G.A. Trofimeko, thì GDP thực sự của Nga hiện chỉ bằng 12%của Liên Xô năm 1990) (2).
GDP tính theo đầu người /năm của Liên bang Nga cũng liên tục giảm xuống: từ mức 5634 USD/người năm 1990, còn3942 USD/ người năm 1996 (3). Song điều đáng nói là sự chênh lệch giữa 10% số người giàu nhất và 10% số người nghèo nhất ở Nga là 20:1, trong khi đó ở phương Tây là 10:1, thậm chí là 6:1 như ở Bắc Âu; ở nước Nga hiện có tới 60% dân chúng sống dưới mức nghèo khổ (4). Bằng cách phá vỡ những kỷ lục về sự bất công như vậy, nước Nga thường xuyên phải đối phó với những sự bùng nổ xã hội, những cuộc bãi công, biểu tình, đòi trả nợ lương của quần chúng lao động, v.v..
Sự suy giảm sức mạnh quân sự: Do kinh tế là cơ sở cho sức mạnh quân sự, mà kinh tế Nga thì đã suy thoái kéo dài, nên sức mạnh quân sự Nga bị suy giảm đáng kể. Thêm vào đó là sự bất ổn về chính trị -xã hội ( cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị, giữa các cơ quan hành pháp và lập pháp..) nên lực lượng vũ trang Nga (với quân số gần 3 triệu người ( theo G.A. Trofimeko), 1,7 triệu ( theo tiến sĩ C.M Rogov, giám đốc viện Mỹ và Canađa, viện hàn lâm khoa học Nga) đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, như một nhà phân tích đã nhận xét: " Tình trạng thiếu tiền đang tiêu diệt lực lượng vũ trang Nga có hiệu quả hơn bất kỳ quả bom hạt nhân nào". Liên bang Nga kế thừa 85% lực lượng vũ trang, phần lớn tiềm năng quân sự khổng lồ cả về hải, lục, không quân, nhất là kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ. Song cơ sở vật chất kỹ thuật của toàn bộ di sản vũ khí đó đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga hiện chỉ có thể sản xuất được 18% khối lượng sản phẩm mà Liên Xô trước đây sản xuất. Khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga bị giảm thiểu, tình trạng vô kỷ luật, phạm tội, tham nhũng.. trong quân đội gia tăng. Trong khi đó, mặc dầu chiến tranh lạnh đã kết thúc, hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển đang trở thành xu thế chủ đạo của thời đại, song nhiều nước vẫn không ngừng tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường mua sắm, trang bị các loại vũ khí hiện đại. Còn Liên bang Nga, dù có chi 20% ngân sách, 4% GDP cho quân sự, thì khả năng chi của Nga cũng kém Mỹ tới 4,5 lần. Xin xem bảng so sánh mà tiến sỹ C.M. Rogov đưa ra trong tạp chí tư tưởng tự do, số 4,1997: (xem bảng trang sau)
Các nước lớn nhất thế giới vào giữa những năm 90
NướcGDP (tỷ USD) 
theo sức mua
Dân số 
(triệu người)
Chi phí quân sự 
(tỷ USD)
Lực lượng vũ trang 
(ngàn người)
Mỹ 6920263,8263,51.523
Trung Quốc32051203,656,2 3.031
Nhật2595125,541,7242
Đức138081,336,6398
Ấn Độ1320936,58,51.265
Pháp110958,142,69504
Italia1034 58,343,0273
Anh99458,334,0273
Braxin916160,75,8296
Indonesia666203,62,0271
Mehico 63494,01,6175
Nga627149,940,01.700
Canada57928,410,380
Hàn Quốc54745,611,9750
Thổ Nhĩ Kỳ32263,47,1811
Với sự suy giảm tiềm lực kinh tế và quân sự như vậy, có thể nói Liên bang Nga đang bị đẩy lùi vào hàng "quốc gia hạng hai", nếu không nói là thuộc hàng các nước " thế giới thứ ba", và bị đe dọa bởi nguy cơ sẽ không lọt vào số các trung tâm sức mạnh chủ yếu của thế kỷ XXI.
Những ưu thế của nước Nga và vị thế quốc tế có thể có trong tương lai.
Tuy nhiên, đa số các nhà nghiên cứu, nhà chính trị ở cả phương Tây lẫn phương Đông đều cho rằng nước Nga trong tương lai sớm hay muộn sẽ khôi phục được vị thế của mình trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc lớn. Z. Brezinski viết: " Nước Nga là một nước, do số phận quy định, bằng cách này hay cách khác vẫn là một cường quốc trong các vấn đề thế giới, bất luận những khó khăn mà nó đang gặp phải" (5). Quả thật, dù hiện nay những nước cạnh tranh địa - chính trị của Nga là Mỹ và các nước NATO châu Âu một bên, và một bên là Trung Quốc và Nhật Bản, có mô tả sự yếu ớt của Nga như thế nào đi nữa thì họ vẫn phải giữ quan hệ đúng mực với Nga, vẫn phải e ngại, dè chừng nước Nga. Điều này xuất phát từ một loạt các nhân tố sau:
Thứ nhất, nước Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lớn và nhiều nhất thế giới. Chẳng hạn, năm 1995 nước Nga khai thác được 595 tỷ m3 ga, chiếm hơn 1/3 sản lượng ga toàn thế giới khai thác. Liên bang Nga có thể tự cung ứng hoàn toàn nhiên, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, chưa nói đến việc Nga còn là nước cung cấp dầu và khí đốt chủ yếu cho không ít nước láng giềng gần.
Thứ hai, trình độ khoa học, kỹ thuật của nước Nga khá cao, nhất là các ngành khoa học cơ bản, khoa học vũ trụ. Các động cơ khoa học của Nga được nghiên cứu và sản xuất từ nhiều năm trước hiện vẫn đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm mới nhất của các hãng sản xuất Mỹ, còn vũ khí Nga vẫn dễ dàng kiếm thêm thị trường tiêu thụ trong điều kiện thuần tuý thương mại hiện nay.
Thứ ba, người Nga có trình độ học vấn cao, có đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học-kỹ thuật chuyên môn hoá và công nhân lao động lành nghề.
Song có thể nói hai nhân tố sau đây mới là nền tảng cho vị thế của Liên bang Nga trên trường quốc tế. Đó là, thứ nhất, Liên bang Nga có kho vũ khí hạt nhân chiến lược khổng lồ, dù sao đi nữa vẫn là nhân tố có tính chất răn đe bất cứ hành động can thiệp nào của các cường quốc thế giới khác. Thứ hai, vị trí địa - chính trị đặc thù của nước Nga với tư cách là một cường quốc Âu-A', vị trí án ngữ giữa các cường quốc Đại Tây Dương và các cường quốc châu A'- Thái Bình Dương mới. Theo tôi, đây mới là nhân tố quan trọng nhất, nhân tố nền tảng mà theo Z. Brezinski là "do số phận quy định", để nước Nga từ ngàn xưa, hiện nay và trong tương lai luôn luôn chiếm vị trí rất quan trọng trong bài tính ngoại giao của các thời đại. Kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga, dù có thể trong quá khứ và ngay cả hiện nay không hề kém hơn so với Mỹ, và về mặt này Nga vẫn là "siêu cường". Song trong tương lai rất có thể bị vô hiệu hoá, hoặc lạc hậu so với các cường quốc hạt nhân khác. Còn vị trí địa- chính trị của Liên bang Nga là nhân tố rất ít thay đổi, ít biến động nhất trong thế giới hẳn còn nhiều biến động phức tạp, dù chúng ta cũng không loại trừ khả năng tan rã của nước Nga như Liên bang Xô viết hoặc Liên bang Nam Tư cũ. Nhưng tan rã đến mức mất đi vị trí bản lề giữa châu Âu và châu A' thì có lẽ không. Mới đây, trong cuộc gặp các quan chức Bộ Ngoại giao Nga ngày 12-5-1998, tổng thống Nga B.Eltsin sau khi khẳng định bước ngoặt dứt khoát về phía châu A'- Thái Bình Dương là thành quả rõ rệt của chính sách đối ngoại Nga, đã nhấn mạnh: "Bằng cách đó, nước Nga đã bắt đầu chứng minh tính chính đáng của luận điểm về tính chất có một không hai của vị trí địa - chính trị của nước Nga là một quốc gia Âu-A'".
Tuy nhiên, như giáo sư, tiến sĩ sử học danh tiếng của Mỹ Paul Kennedy, trong tác phẩm " Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc" ( xuất bản năm1998), đã nhận xét: " Sức mạnh của một quốc gia - dân tộc tuyệt nhiên không chỉ cốt ở lực lượng vũ trang, mà còn ở các nguồn lực kinh tế và kỹ thuật; ở tài khéo léo, nhìn xa thấy trước và ở tính quyết tâm của chính sách ngoại giao; ở hiệu lực của các tổ chức chính trị-xã hội của quốc gia đó. Trước hết, nó bao gồm bản thân quốc gia đó: những con người tài năng, nghị lực, tham vọng, kỷ luật, sáng kiến của họ.."(6). Còn trong cuốn: "Chuẩn bị cho thế kỷ XXI" (xuất bản năm 1992), Paul Kennedy càng nhấn mạnh hơn nhân tố con người và sự cố kết dân tộc của một quốc gia - dân tộc. Ông so sánh Liên Xô(Nga) với Nhật Bản: " trên nhiều phương diện, Liên Xô đang tan rã đã trở thành phản đề của Nhật Bản: rộng về đất đai, giàu về tài nguyên, so sánh với nước đảo bị chuột rút về tài nguyên; một mớ hỗn tạp dân tộc sánh với một trong những nòi giống đồng nhất và có ý thức về bản ngã nhất trên thế giới; xã hội tan rã so với xã hội công dân cố kết, tự trọng và có ý thức cộng đồng..."(7). Có thể sự đúng sai trong nhận xét, đánh giá của Paul Kennedy còn phải bàn luận, song quả thật sức mạnh của một quốc gia suy cho cùng là do con người tạo dựng. Mà nước Nga thì có lẽ chưa cố kết được các dân tộc sinh sống trên đất Nga. Do đó, Liên bang Nga hiện nay vừa có cả những nhân tố tạo sức mạnh lẫn những nhân tố là vật cản trên con đường xác lập vị thế quốc tế xứng đáng cho mình. Mặc dầu nhiều quan chức và học giả Nga không ít lần tuyên bố rằng nước Nga vẫn là một cường quốc, rằng không có nước Nga thì không có vấn đề nào trên thế giới được giải quyết, song vị thế, vai trò quốc tế của một nước được quyết định không phải bởi những gì người ta nói hoặc viết về mình, mà là bởi sức mạnh thực sự, tỷ trọng thực sự của nước đó trong tương quan lực lượng trên trường quốc tế, bởi cả việc các nước khác quan niệm, đánh giá sức mạnh của nước đó như thế nàov.v..
Như vậy, khi cân nhắc tổng thể những điểm mạnh, điểm yếu thực sự của Liên bang Nga, chúng tôi cho rằng sự yếu ớt hiện nay của nước Nga chỉ là tạm thời, song với xu thế vận động của thế giới hiện nay, nước Nga khó mà đạt tới vị thế, vai trò mà Liên bang Xô viết trước đây đã từng nắm giữ. Ngay cả Mỹ, dù hiện đang có sức mạnh tổng lực lớn nhất, do một loạt nhân tố chủ quan và khách quan, cũng không thể giữ được vị thế siêu cường trong thế kỷ tới. Dù trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh chưa được phân định, song xu thế ngày càng nổi rõ hơn là hình thành trật tự thế giới đa cực, nhiều trung tâm quyền lực. Các cực, các trung tâm này vừa hợp tác với nhau, vừa cạnh tranh, kiềm chế, chi phối lẫn nhau. Tất nhiên, không phải mọi quốc gia - dân tộc đều sẽ là một cực, một trung tâm trong trật tự thế giới đa cực, nhiều trung tâm, mà chỉ có một số quốc gia-dân tộc chiếm vị trí đó, nước Nga chẳng hạn. Nước Nga trong khi bảo vệ những lợi ích quốc gia sống còn của mình, thì với vị trí địa-chính trị đặc thù của mình, có thể thực hiện chính sách cân bằng giữa phương Tây và phương Đông, không quá nghiêng hoặc quá coi nhẹ bên nào. Hoặc tốt hơn là nước Nga trở thành mắt xích nối hai nền văn minh Đông-Tây trong khi vẫn giữ được bản sắc Âu-A' của mình. Để làm được điều đó, mọi sự tuỳ thuộc vào chính nước Nga và người Nga. Nước Nga vận động theo hướng nào cũng sẽ có tác động-tích cực hay tiêu cực- đến tình hình các quốc gia khác, trước hết là các nước láng giềng gần, các nước SNG./.
Tài liệu trích dẫn:
1. Vương Kiên Hồng-"Y' kiến của một ngườivốn bất đồng chính kiến đánh giá về nguyên nhân tan rã của Liên Xô"- T/c Chủ nghĩa xã hội khoa học (Trung Quốc), số 6/1995.
2. G.A. Trofimenco- "Nước Nga trên truờng quốc tế"-T/c Mỹ: kinh tế chính trị-tư tưởng, số 5/1997,tr. 6.
3. T/c Những vấn đề kinh tế (Nga), số 10/1997, tr.151.
4. K.S.Kpol- Nước Nga, con tin của CNTB theo kiểu mafia- TTKCN, TTXVN, 17-8-1997.
5. Z.Brezinxki- Liên minh chưa chín muồi- Thông tin công tác tư tưởng, số 12/1994, tr.23.
6. Paul Kennedy- Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc- NXB Thông tin lý luận, H.1992. tr. 70.
7. Paul Kennedy - Chuẩn bị cho thế kỷ XXI - NXB Chính trị quốc gia, H.,1995, tr. 350./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét