Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Quan hệ Việt Nam - Asean và những vấn đề đặt ra trong tương lai


Quan hệ Việt Nam - Asean và những vấn đề đặt ra trong tương lai
Nguyễn Phương Bình, Học viện Ngoại giao.
28 năm sau khi "Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á" (ASEAN) được thành lập (1967 - 1995), và 20 năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc (1975 - 1995), nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất đã trở thành thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN. Ngoài 5 thành viên sáng lập của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, thành viên thứ 6 của tổ chức là Brunei đã được kết nạp ngay sau khi nước này được trao trả độc lập từ phía Anh (1984). Tất nhiên Việt Nam và Brunei là hai nước rất khác nhau về diện tích, dân số, văn hoá, tôn giáo, chế độ chính trị, kinh tế... nhưng những khoảng thời gian dài nêu trên cũng cho thấy phần nào những khó khăn, những bước thăng trầm trong quan hệ giữa hai phía để có thể đến với nhau và cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn của đại gia đình Đông Nam A' (ĐNA).
Tuy vậy, ngay cả sau khi Việt Nam đã là thành viên của ASEAN (tháng 7 năm 1995) vẫn còn những thắc mắc từ bên ngoài như: tại sao Việt Nam lại đi nhanh như vậy trong quan hệ với ASEAN, và một sự chuyển biến nhanh như vậy phải chăng nhằm phục vụ cho ý đồ chiến lược của Việt Nam nhằm chống một bên nào đó ?
Mỗi người có thể tự rút ra lời giải đáp cho những câu hỏi trên qua việc tìm hiểu quá trình phát triển quan hệ Việt Nam - ASEAN.
Những năm 1960 khi cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đang ở cao trào và có sự tham gia (trực tiếp hay gián tiếp) của một số nước ASEAN, hai bên hầu như không có quan hệ với nhau (trừ mối quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Indonesia).
Vào những năm 1970, quan hệ Việt Nam - ASEAN đã dần được thiết lập và phát triển cùng với thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, và đặc biệt qua chuyến thăm các nước ASEAN của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng năm 1978, sau khi Việt Nam thống nhất và trở thành Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các bên đã bàn đến các vấn đề hợp tác kinh tế và an ninh chính trị như khả năng ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau. Tuy nhiên các sự kiện tiếp theo liên quan đến Campuchia đã làm quan hệ hai bên trở nên xấu đi, thậm chí đối đầu vào những năm 80. Cùng với những cố gắng trong việc tìm giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Campuchia, quan hệ Việt Nam - ASEAN được cải thiện trở lại và khả năng Việt Nam có thể tham gia tổ chức hợp tác khu vực của các quốc gia ĐNA này đã được đề cập đến từ năm 1989 tại cuộc gặp không chính thức lần thứ hai về vấn đề campuchia ở Jakarta (JIM 2). Ba năm sau đó, Việt Nam trở thành quan sát viên của ASEAN (7/1992), và lại ba năm tiếp nữa đã trở thành viên chính thức của ASEAN (7/1995).
Bên cạnh những thay đổi sâu sắc diễn ra trên thế giới và ở khu vực từ năm 1989, nhận thức về lợi ích chung của ĐNA, về sự liên kết cùng nhau phát triển đã đưa đến sự thông cảm hơn giữa Việt Nam và ASEAN về lợi ích an ninh của nhau, để tiến tới cùng chia xẻ một số phận chung của các dân tộc ĐNA.
Đường lối đổi mới được đề ra từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) và được phát triển thêm qua các Đại hội VII (1991) và Đại hội VIII (1996), đã thúc đẩy những cải cách kinh tế theo hướng thị trường nhằm đưa đất nước phát triển, hội nhập với khu vực và thế giới, với mục tiêu xây dựng một đất nước giàu mạnh, một xã hội công bằng và văn minh sống theo pháp luật.
Cách nhìn mới về phát triển kinh tế - xã hội: "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh sống theo pháp luật", và đường lối đối ngoại "là bạn với tất cả" thể hiện quan niệm mới về an ninh của Việt Nam, là những nhân tố tích cực thúc đẩy việc Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Và cũng từ đây quan hệ Việt Nam - ASEAN đã lật sang một trang mới.
Ngoài những thắc mắc từ bên ngoài ASEAN, ngay trong một số nước ASEAN cũng còn những ý kiến e ngại về khả năng của Việt Nam - một nước có trình độ kinh tế phát triển thấp hơn rất nhiều so với các nước ASEAN có chế độ chính trị và kinh tế khác biệt - tham gia vào hợp tác ASEAN, và việc Việt Nam với những bất hoà và tranh chấp lãnh thổ vốn có với Trung Quốc có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
Hai năm đã qua kể từ khi Việt Nam là một thành viên ASEAN, kinh tế đất nước và hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN vẫn tiếp tục phát triển và đã có những kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9% của Việt Nam vẫn được giữ vững và có thể hy vọng còn tiếp tục trong một vài năm tới, lạm phát được kiềm chế, sản lượng công nghiệp tăng trung bình 14 - 15%. Dòng đầu tư từ các nước ASEAN vẫn tiếp tục tăng và buôn bán Việt Nam - ASEAN đã vượt xa con số 2 năm trước đây. Đầu năm 1996, Việt Nam đã công bố 857 mặt hàng ở diện giảm thuế 5 - 0% khi tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), và đang dần từng bước thực hiện tiến trình tham gia AFTA. Với 60% các mặt hàng đã có sẵn mức thuế 5% hoặc thấp hơn 5%, Việt Nam theo đánh giá của ông Tổng thư ký ASEAN Ajit Singh, sẽ không gặp mấy khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu của AFTA về giảm thuế quan. Ngoài những cố gắng cụ thể tham gia vào hợp tác kinh tế ASEAN, AFTA, Việt Nam còn tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác khác của ASEAN, vào diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao A' - Âu... Nhiều nhà lãnh đạo các nước ASEAN, trong đó có ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas, đã đánh giá sự thành công của Việt Nam trong việc tham gia ASEAN là vượt quá sự trông đợi.
Hai năm qua, mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Trung Quốc cũng được củng cố và phát triển hơn. Tuy đôi lúc, những va chạm, tranh chấp từ khu vực, tranh chấp ở Trường Sa và Biển Đông có phủ bóng đen lên những mối quan hệ này, nhưng sự nâng cấp quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn thể hiện rõ nét qua việc Trung Quốc trở thành bên đối thoại đầy đủ của ASEAN từ năm 1996, qua những cuộc đối thoại an ninh chính trị hàng năm ngày càng đi vào thảo luận những vấn đề liên quan thiết thực đến lợi ích hợp tác của hai bên như vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Trường Sa và Biển Đông mà trước đây phía Trung Quốc không muốn đưa vào chương trình nghị sự, ở cuộc gặp gỡ cấp cao ASEAN - Trung Quốc sắp tới... Trong khi đó, quan hệ song phương về kinh tế, buôn bán, đầu tư, văn hoá... của Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN khác cũng đều được tăng cường và phát triển.
Tuy vậy, không có nghĩa là việc Việt Nam tham gia vào hợp tác ASEAN về các mặt đều diễn ra suôn sẻ, và Việt Nam đã không gặp mấy khó khăn và thách thức. Bên cạnh những kết quả tốt đẹp của hai năm tham gia hợp tác ASEAN, một số vấn đề vẫn còn tồn tại, và một số vấn đề mới nảy sinh sẽ tiếp tục thách thức sự tham gia và hội nhập của Việt Nam trong ASEAN.
Về kinh tế, việc thực hiện AFTA, vốn đã không dễ dàng giữa các nước thành viên là cựu của ASEAN, sẽ càng khó khăn thêm với các nước thành viên mới, trong đó có Việt Nam. Hội nghị Bộ trưởng thương mại các nước ASEAN họ ở Singapore tháng 4 năm 1996 đã đi đến sự nhất trí chung là phần lớn hàng hoá của khu vực sẽ có mức thuế từ 0 đến 5% vào thời điểm hoàn tất AFTA, và có "nương nhẹ" hơn đối với một số mặt hàng nông sản nhạy cảm như gạo mà thời hạn cuối cùng thực hiện giảm thuế có thể kéo dài đến năm 2010. Nhưng cũng không phải tất cả các nước thành viên đều sẵn sàng chấp nhận thời hạn đó. Indonesia, với sự ủng hộ của Philippines sau đó đã đề nghị kéo dài thời hạn cho các mặt hàng nông sản đến năm 2020. ASEAN đã phải tiến hành đàm phán, thương lượng một số vòng để đạt được sự nhất trí trong nội bộ, và cuối cùng cả hai nước (Indonesia và Philippines) đều đồng ý trở lại thời hạn ban đầu là 2010 với điều kiện có sự linh hoạt đối với vấn đề mức thuế cuối cùng(2). Điều đó cũng cho thấy trong các nước ASEAN vẫn còn những ý kiến khác nhau cề thời hạn thực hiện AFTA. Một số nước muốn thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện AFTA vào năm 2000 chứ không phải 2003 nữa, trong khi một số nước còn ngần ngại, muốn bảo lưu một số mặt hàng... chưa nói đến khả năng rút ngắn thời hạn thực hiện AFTA, thì việc thực hiện đúng tiến trình đã là thách thức đối với Việt Nam, vì chính trong việc thực hiện AFTA của Việt Nam cũng đã bộc lộ một số điểm hạn chế. Đánh giá tiến trình thực hiện AFTA đó ông Trần Xuân Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết: "Về mặt tổ chức và triển khai thực hiện CEPT của Việt Nam thời gian quan có thể nói rằng việc hợp tác thực hiện chưa được hiệu quả, còn mang tính bị động, đối phó... Cho đến nay mới chỉ có các cơ quan cấp Bộ, ngành tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến AFTA, còn các doanh nghiệp hầu như vẫn đứng ngoài cuộc". Bên cạnh đó, "để thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam bắt đầu từ năm 1998, thì thời gian còn lại cho các doang nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ, làm quan dần với mô trường cạnh tranh... là quá ngắn ngủi"(3).
Một cơ hội cho việc mở rộng hợp tác kinh tế của Việt Nam trong khu vực, đồng thời cũng lại là một thách thức mới đối với Việt Nam là trong chiến lược phát triển của ASEAN "tầm nhìn ASEAN 2020", điểm quan trọng là mục tiêu tiến tới khu vực mậu dịch tự do ASEAN mở rộng hay khu vực kinh tế ASEAN (AER), theo đó sau năm 2003, các loại thuế và những biện pháp bảo hộ khác sẽ được xoá bỏ hoàn toàn.
Qua hai năm tham gia trực tiếp vào các hoạt động hợp tác khác nhau của ASEAN, đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, làm quen dần với phương thức hợp tác trong ASEAN. Tuy nhiên, việc đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn lực nói chung vẫn đòi hỏi phải có nhiều cố gắng để có thể đáp ứng những bước đi tiếp theo khó khăn và phức tạp hơn trong hợp tác ASEAN.
Về an ninh khu vực, ASEAN vốn được biết đến với những nguyên tắc hoạt động đã trở thành tượng trưng cho tổ chức như nguyên tắc nhất trí, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng... Với ASEAN - 10 và những diễn biến gần đây ở Campuchia, những nguyên tắc trên dường như đang bị thử thách. Với 10 nước thành viên rất khác nhau về diện tích, dân số, trình độ phát triển, thể chế chính trị, tôn giáo... tính đa dạng của ASEAN về các mặt kinh tế chính trị, văn hoá và lợi ích an ninh... càng lớn và điều đó không khỏi tác động đến quá trình phát triển tiếp theo của ASEAN như: sự phức tạp hơn để đạt được sự nhất trí ASEAN về những vấn đề kinh tế, an ninh, sự dung hoà giữa các lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực, những thời hạn khác nhau về thực hiện AFTA, những khả năng khác nhau trong tham gia vào các hoạt động chung của ASEAN... Sự phức tạp đó cũng chính là điều mà Việt Nam cần phải lưu ý xử lý trong tương lai liên quan đến việc giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ ASEAN.
Sau khi những sự kiện xảy ra đầy tháng bảy vừa qua ở Campuchia, có thể nói nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN đang bị thử thách mạnh mẽ nhất. Ngoài sự theo dõi, chờ đợi phản ứng của ASEAN từ bên ngoài, trong nội bộ ASEAN, những cuộc tranh luận cũng đã mở ra. Khá nhiều quan chức và các nhà học giả ASEAN đặt ra vấn đề ASEAN cần phải có "chính sách can thiệp xây dựng" hay "can thiệp với đặc điểm ASEAN, với cách của ASEAN" ở Campuchia, và đó là điều cần phải làm vì những gì xảy ra hôm nay ở Campuchia có thể xảy ra tương tự trong tương lai ở một nước thành viên hay láng giềng khác của ASEAN. Tuy nhiên, dù là "can thiệp xây dựng" hay "can thiệp với cách của ASEAN, với đặc điểm ASEAN" thì vẫn không tránh được những từ "can thiệp" hay "dính líu". vấn đề đặt ra ở đây là cách tiếp cận của ASEAN và thái độ của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, sẽ như thế nào đối với những nguyên tắc hoạt động của ASEAN trong tương lai ? Liệu có phải ASEAN đang chuyển mình để có những bước đi có tính quyết định hơn, có tổ chức hơn và đóng vai trò lớn hơn ?
Tóm lại, có thể nói rằng với ASEAN - 10, ASEAN sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới. Một bước chuyển mới bao giờ cũng kèm theo những thay đổi, những trăn trở để tự hoàn thiện, để đáp ứng được với những đòi hỏi của tình hình thế giới, khu vực, và với vị trí và vai trò mới của ASEAN trong khu vực và trên thế giới. Và điều đó chỉ có thể có được với sự đóng góp và hợp tác của các nước thành viên. Xử lý tốt những vấn đề trong quan hệ của mình với ASEAN, Việt Nam đang làm cho sự tham gia của mình trong ASEAN ngày càng có hiệu quả hơn, và thiết thực hơn, thực hiện mục tiêu lâu dài là xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Bangkok Post 22 Aug, 1996, p.2 FBIS - EAS, 22 Aug, 1996, p.78;
2. Mainichi Daily News, September 13, 1996;
3. Nguyễn Hữu Đạt, "AFTA và ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam", Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, N - 224, 1/1997, tr.76./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét