Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển quan hệ với châu Phi


Trung Quốc đẩy mạnh phát triển quan hệ với châu Phi
Tác giả: Văn Luyện.
Từ đầu thập kỷ 90, nhất là từ năm 1992 đến nay, Châu Phi đã có nhiều biến chuyển quan trọng về chính trị và kinh tế. Một mặt những thành quả trên toàn cầu đã làm giảm bớt khó khăn cho một số quốc gia Châu Phi, đặc biệt là những nước có xung đột hoặc khủng hoảng xã hội, mặt khác các lãnh tụ Châu Phi đã và đang đi dần đến quan điểm rõ ràng về cải cách kinh tế và mở rộng cửa với thế giới bên ngoài. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy kinh tế Châu Phi phát triển. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu á cũng đang mở cánh cửa vận hội cho Châu Phi. Tuy không ai hy vọng một nước nào đó ở Châu Phi có thể ganh đua với thành công quá khứ của các con hổ Châu á, nhưng những thành tựu mà các nước Châu Phi giành được sau chiến tranh lạnh đã làm cho người ta thay đổi quan niệm về lục địa này, nhất là các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc. Rõ ràng mọi người bắt đầu nhận thấy Châu Phi hoàn toàn không phải là trường hợp tuyệt vọng như lâu nay vẫn tưởng.
Vì vậy, Mỹ đã coi Châu Phi là một thị trường quan trọng nhất trong thế kỷ tới. Bộ trưởng Thương mại Mỹ William Daley nói : "Mỹ rất coi trọng quan hệ với Châu Phi, nhất là thương mại; Mỹ có thể mở ra một chương mới trong quan hệ với Châu Phi"1. còn Trung Quốc thì cho rằng : "Châu Phi đã vượt qua thời kỳ hỗn loạn chính trị và phần lớn các nước đã có vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới" 2, và muốn thiết lập quan hệ toàn diện với Châu Phi khi bước vào thế kỷ 21. Tạp chí "Thế giới tri thức" của Trung Quốc số 11 năm 1998 cũng ví Châu Phi là "vùng đất trinh nữ cuối cùng" trên thế giới chưa được khai phá, và kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc phải nắm bắt thời cơ tiến vào Châu Phi.
1. Về kinh tế
Trong khi kinh tế Châu á đang lao đao trước tác động của khủng hoảng tài chính - tiền tệ, thì nền kinh tế Châu Phi lại đi vào ổn định và phát triển, 31 nước (trong 57 nước) Châu Phi có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt trên 4%3. Như giám đốc IMF, Michel Candessus nói :"....kinh tế Châu Phi đã khá hơn và có vẻ họ đã tìm ra con đường dẫn đến thành công, tuy còn chậm song rất đều đặn. Nó được minh chứng thông qua việc cải thiện các chính sách kinh tế và tài chính, và các cuộc cải cách cơ cấu nhằm cải thiện quản lý công cộng của các quốc gia Châu Phi. "Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Phi (ABD) đều tỏ ra lạc quan và cho rằng kinh tế Châu Phi đang tăng trưởng, tuy chậm nhưng mà đều. Tỷ lệ tăng GDP hàng năm từ 2% (1993-1994) lên 4% (1995-1997), và dự đoán năm 1998 sẽ đạt 5%, cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ (3,8%), Liên minh Châu Âu (2,5%) và Nhật Bản (1,0%), nhưng thấp hơn Châu á (6,8%), Mỹ Latinh (5,4%); lạm phát giảm từ 50% xuống dưới 20%, thâm hụt thương mại từ gần 50% xuống còn 4,8%4. Như vậy, trong vòng 3 năm lại đây mức tăng trưởng bình quân toàn châu lục là 4,5%, mức tăng dân số là 2,8%, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên sau nhiều năm tụt xuống (nổi bật như Mô-dăm-bích, U-gan-đa). Những nước như Mô-rit-xơ, Bốt-xoa-na và Ga-na vốn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao, đến nay vẫn duy trì. Những số liệu trên cho thấy chiều hướng này dường như sẽ tiếp tục trong thời kỳ trung hạn. Trong tương lai tự do hóa buôn bán sẽ là nhân tố tiềm tàng để cho nền kinh tế Châu Phi tiếp tục phát triển. Ngoài ra người ta còn cho rằng, nếu Châu Phi thu hút được nguồn vốn nước ngoài đang rút ra từ Châu á thì tăng trưởng kinh tế của họ sẽ đạt 6% năm5. Chính vì Châu Phi là châu lục phát triển chậm trễ nên ngày nay mảnh đất với hơn 730 triệu người, có tài nguyên quý hiếm và dồi dào đang trở thành thị trường tiêu thụ rộng lớn trong giai đoạn phát triển mới của thế giới.
Do nhận thức được khả năng và tầm quan trọng của Châu Phi tương lai, nên các nước lớn đã có những điều chỉnh chính sách. Anh tiếp tục thông qua khối Thịnh vượng chung để thâm nhập vào Châu Phi. Pháp cố gắng dùng "quan hệ phụ thuộc" thông qua tổ chức Francophonie nhằm duy trì, củng cố không gian tiếng Pháp trước sự xâm lấn của tiếng Anh. Nhưng do tình hình phát triển của Châu Phi trong những năm gần đây, mối quan hệ đó đã có nhiều thay đổi, vai trò của Pháp đang mờ nhạt dần, đặc biệt là khi Pháp vẫn cố bảo vệ chế độ Mobutu đến cùng. Trong khi đó, Mỹ điều chỉnh chính sách, coi trọng khu vực châu Phi hơn trước, và thu được nhiều thành công. Qua chuyến thăm Châu Phi tháng 3/1998, với việc đến Nam Phi (nước đã từng tạo ra những khó khăn kéo dài đối với Nhà Trắng trong việc hoạch định chính sách Châu Phi) của Tổng thống Mỹ B. Clinton, và với chính sách tài trợ, hợp tác kinh tế mới của Mỹ, quan hệ Mỹ - Châu Phi lại có bước đột phá mới. Dư luận đánh giá mục đích của Mỹ là tranh giành ảnh hưởng tại khu vực mà từ lâu được coi là thuộc "quyền sở hữu" của các nước thực dân Châu Âu, hay chính xác hơn là khu "vườn cấm" của Anh và Pháp. Trước đó, xuất khẩu của Mỹ sang thị trường Châu Phi đã lên tới 6 tỷ USD năm 1996, cao hơn với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Châu Phi cũng theo đó tăng mạnh (31% so với 12% là phần còn lại của thế giới)6. Việc Mỹ xóa khoản nợ 30 triệu USD và hứa cho Châu Phi vay thêm 700 triệu USD trong năm 1998, đồng thời đưa ra 4 chương trình trợ giúp (giáo dục, luật pháp, thương mại và môi trường), và thi hành chính sách mềm mỏng trong chính trị đối với Châu Phi đã thực sự khích lệ chính phủ các nước Châu Phi, đánh dấu bước phát triển mới giữa Mỹ và Châu Phi, tạo ra cho Mỹ một thị trường rộng lớn mới sau khi Pháp mất dần ảnh hưởng ở khu vực này. Đây cũng là nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn khác tại châu lục này trong giai đoạn tới.
Trong khi đó đối với Trung Quốc vấn đề cạnh tranh thị trường xuất khẩu và đầu tư là sức ép đè nặng lên nền kinh tế đang đi vào giai đoạn cải cách cơ cấu, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu á tác động mạnh tới kinh tế các nước khu vực. Nếu như mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 1997 là 20%, thì 6 tháng cuối năm 1997 tụt xuống còn 17%, và đến 6 tháng đầu năm 1998 chỉ tăng 7,6% 7. Để đối phó tình trạng xuất khẩu giảm mạnh, trong khi cố gắng giữ giá đồng Nhân dân tệ, chính phủ Trung Quốc đưa ra hàng loạt chính sách ứng phó, chủ yếu tập trung vào hai mặt là tiền tệ và ngoại thương. Họ đề ra chính sách "đa nguyên hóa thị trường", tạo môi trường và không gian bên ngoài rộng lớn hơn để tăng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài việc mở rộng thị trường sang Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Cận Đông thì Châu Phi là thị trường lớn thu hút sự chú ý của Trung Quốc.
Mấy năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Chủ tịch Giang Trạch Dân (từ 8-22/5/1996), Thủ tướng Lý Bằng, các Phó Thủ tướng Chu Dung Cơ, Lý Lam Thanh, Tiền Kỳ Tham lần lượt đến thăm Châu Phi và mới đây đã thành lập "Tiểu ban điều phối công tác hợp tác kinh tế mậu dịch, kỹ thuật với Châu Phi" do Lý Lam Thanh làm Trưởng tiểu ban. Trung Quốc đưa ra chương trình hợp tác trên 8 lĩnh vực với Châu Phi gồm : sản xuất sản phẩm cơ điện và hàng tiêu dùng hàng ngày; nông nghiệp và gia công sơ cấp hàng nông nghiệp; khai thác và gia công nông nghiệp ; đánh cá và gia công nghề cá; sản xuất thuốc chữa bệnh ; khai thác mỏ ; lập các trung tâm phân phối và buôn bán sản phẩm; khai thác và sử dụng năng lượng. Đến nay Trung Quốc đã có quan hệ buôn bán với 57 nước và tiểu khu vực, lập hơn 150 công ty và phòng đại diện mậu dịch tại Châu Phi. Để thúc đẩy và giúp đỡ các doanh nghiệp đầu tư vốn sang Châu Phi, Trung Quốc đã thành lập trung tâm đầu tư phát triển mậu dịch ở 10 nước Châu Phi. Tính đến cuối năm 1996 Trung Quốc đã cung cấp viện trợ cho 53 nước Châu Phi; xây dựng hơn 560 hạng mục thiết bị toàn bộ bằng tiền viện trợ. Đến cuối năm 1997, Trung Quốc ký hơn 20 thỏa thuận khung cho vay tín dụng lãi suất ưu đãi với 19 nước, đồng thời đã mở chi nhánh ngân hàng tại Dăm-bi-a (22/7/1997). Tới cuối tháng 6/1997, Trung Quốc đã đưa sang Châu Phi 260.000 lao động; đầu tư và nhận thầu nhiều công trình lớn nhỏ khác (lớn nhất là đường sắt ở Ni-giê-ri-a với giá trị hợp đồng là 528 triệu USD)8.
Những con số thống kê mà Tân Hoa xã đưa ra (14/3/1998) cho thấy, năm 1997 tổng kim ngạch buôn bán của Trung Quốc - Châu Phi lên tới 5,7 tỷ USD, tăng 40,6% so với năm 1996 (gấp 7 lần so với năm 1990). Năm 1997 xuất khẩu Trung Quốc sang các nước Châu Phi tăng 24,9% bằng 3,21 tỷ USD. Ngược lại nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước Châu Phi tăng 68,2%, lên tới 2,46 tỷ USD. Trung Quốc xuất sang Châu Phi các mặt hàng tiêu dùng, sản phẩm điện tử, máy móc, và nhập nguyên liệu từ Châu Phi 9. Xuất khẩu Trung Quốc sang Châu Phi 6 tháng đầu năm 1998 đã đạt 1,99 tỷ USD tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 1997 và đà này có thể duy trì trong 6 tháng cuối năm 10.
Ngoài ra, Trung Quốc là bạn hàng thứ 6 của Nam Phi, tổng giá trị trao đổi hàng hóa hai bên là 1,57 tỷ USD/1997, tăng 16,8% so với năm 1996 trong đó xuất 784 triệu USD, nhập 789 triệu UDS 11, (chưa kể Hồng Kông). Thực ra, con số đó sẽ rất có ý nghĩa nếu ta đem so sánh với kim ngạch thương mại hai bên thời kỳ năm 1992 (chỉ là 10 triệu USD). Điều đáng chú ý là, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Châu Phi tăng mạnh, thì xuất khẩu của họ sang Châu á với nhiều nguyên nhân khác nhau lại giảm mạnh. ví dụ : với Thái Lan giảm 41,9%, với Malayxia giảm 39,4%, với Inđônêxia giảm 23%, với Philipin giảm 17,3%, với Hàn Quốc giảm 24,5%...12.
Qua các con số so sánh trên đây, chúng ta có thể thấy rõ rằng, ngoài việc tìm kiếm các thị trường mới và gia tăng thương mại với Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Cận Đông..., Trung Quốc đang chú trọng và thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước Châu Phi để bù lại sự thâm hụt xuất khẩu do cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu á gây ra. Đây cũng được coi là một thành tích bước đầu trong chính sách "đa nguyên hóa thị trường" của Trung Quốc. Nếu so sánh với thập kỷ 80 trở về trước thì có thể thấy rằng, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Châu Phi là có động lực và mục tiêu rõ ràng, chắc chắn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
2. Về chính trị
Hơn 40 năm qua, từ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cho đến Đặng Tiểu Bình đều coi việc cố gắng phát triển quan hệ với các nước Châu Phi (thuộc thế giới thứ 3) là điểm cơ bản trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Vì vậy với sự phát triển thương mại và kinh tế, thì việc cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Châu Phi đã mang một ý nghĩa chính trị lớn hơn ý nghĩa kinh tế nhiều lần. Với thành tích tiến vào Châu Phi, lãnh đạo Trung Quốc đã chứng minh thế hệ thứ 3 kế nhiệm có đủ khả năng để đạt được mục đích mà những thế hệ cha anh họ chưa thực hiện được, bởi những biến cố chính trị trong nửa thế kỷ qua.
Một ý nghĩa quan trọng khác là quan hệ Trung Quốc - Châu Phi phát triển thì không gian chính trị truyền thống của Đài Loan tại châu lục này cũng bị thu hẹp. Đây là một thắng lợi trong chính sách phong tỏa Đài Loan bằng ngoại giao của Trung Quốc. Mấy năm qua, theo đà lớn mạnh của Trung Quốc, Châu Phi đã trở thành khu vực tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Nếu Mỹ giành được ảnh hưởng từ người Pháp, thì Trung Quốc đang từng bước đẩy lùi Đài Loan ra khỏi châu lục này. Chính ngoại trưởng Đài Loan Hồ Chí Cường ngày 2/5/1998 đã thừa nhận tình trạng đó : "Hiện nay trong hơn 27 nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thì đã có 2 đến 3 nước bật đèn đỏ và 2 đến 3 nước bật đèn vàng dao động trong quan hệ với Đài Loan" 13. Việc Nam Phi cắt bỏ quan hệ với Đài Loan để thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Trung Quốc (ngày 1/1/1998) được ghi nhận là một thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc. Nó đánh dấu thất bại đối ngoại của Đài Loan, chấm dứt 21 năm quan hệ giữa đất nước lớn nhất, có vị trí trọng yếu và giàu tài nguyên nhất Châu Phi với Đài Loan. Đây cũng là kết quả tất yếu của lập trường chống chủ nghĩa A-pac-thai của Trung Quốc đã được Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela ghi nhận. Vì vậy, việc Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và đoạn tuyệt quan hệ với Đài Loan là điều rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược ngoại giao "tiến xuống Tây - Nam". Mối quan hệ Trung Quốc - Nam Phi chắc chắn sẽ gây nên hiệu ứng mới trong toàn Châu Phi. Bước phát triển mới này không những thách thức địa vị của Mỹ ở Châu Phi, gây tác động mạnh đến tình hình hai bờ eo biển Đài Loan, mà sẽ tạo thuận lợi cho Trung Quốc tiến hành chính sách đa cực hóa trong quan hệ quốc tế. Nó không những mở ra cho Trung Quốc một thị phần rộng lớn ở Châu Phi để cạnh tranh với Mỹ và các nước lớn khác mà về lâu dài sẽ thúc giục các nước Châu Phi, đặc biệt là 8 nước 14 còn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan phải tính toán lại lợi ích chiến lược của họ.
Như vậy, ngoài mục đích khai phá thị trường mới, chiều hướng phát triển trên cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục chính sách bao vây phong tỏa ngoại giao đối với Đài Loan, đồng thời đẩy mạnh chính sách tập hợp lực lượng mới. Với quan niệm "tiến xuống Tây - Nam" để "giữ vững Đông-Bắc", Trung Quốc đã coi Châu Phi là một mắt xích quan trọng trong "vành đai sinh trưởng" (ASEAN - Nam á - Trung Đông - Châu Phi - Mỹ Latinh) của thế giới đa cực để điều hòa mối quan hệ với các nước lớn trong tương lai.
3. Hướng phát triển và những hạn chế
Trung Quốc nhận rõ địa vị và vai trò quốc tế của họ đã khích lệ một số nước Châu Phi từ bỏ Đài Loan để lập quan hệ ngoại giao với mình. Họ công khai xác nhận, "quan hệ Trung Quốc - Châu Phi đã có bước phát triển mới". Chủ tịch Giang Trạch Dân trong chuyến đi thăm Châu Phi (1996) nhận xét : "Tình hình thế giới thay đổi sau chiến tranh lạnh mang lại những xung đột lớn cho Châu Phi nay không còn nữa. Chúng tôi vui mừng thấy tình hình chính trị của nhiều nước Châu Phi đang hướng tới ổn định. Sự ra đời của nước Nam Phi mới đánh dấu việc hoàn thành sứ mạng giải phóng chính trị ở Châu Phi. Hợp tác khu vực đã có bước đi quan trọng.... Châu Phi đang bước vào thời kỳ lịch sử mới, tìm kiếm hòa bình, ổn định và phát triển. Hơn 50 nước Châu Phi là lực lượng quan trọng duy trì hòa bình và ổn định thế giới... Hòa bình toàn cầu không thể tách rời sự ổn định của Châu Phi; phồn vinh của thế giới không tách rời sự phát triển của Châu Phi. Trung Quốc mong muốn củng cố và phát triển quan hệ nhà nước, hợp tác toàn diện, lâu dài, ổn định, hướng tới thế kỷ XXI với các nước Châu Phi". Gần đây Trung Quốc lại nhấn mạnh: "chúng ta không những cần hết sức coi trọng Châu Phi về mặt chính trị mà đồng thời cũng phải coi trọng hợp tác kinh tế với Châu Phi" 15. Với cách nhìn trên, có thể thấy Trung Quốc phát triển quan hệ với Châu Phi không chỉ nhằm bao vây cô lập Đài Loan về ngoại giao hay đơn thuần về kinh tế, mà còn vì các nước Châu Phi tương lai sẽ trở thành một lực lượng quan trọng thúc đẩy đa cực hóa thế giới trong thế kỷ tới. Mặc dù Trung Quốc không phủ nhận vai trò giúp đỡ của bên ngoài đối với Châu Phi nhưng đã thẳng thừng phê phán chủ nghĩa thực dân Phương Tây bóc lột nhân dân Châu Phi. Trung Quốc muốn Châu Phi đi theo con đường riêng, chứ không phải phụ thuộc vào Mỹ hay phương Tây.
Tuy con đường Trung Quốc tiến vào Châu Phi có vẻ đã được hoạch định rõ ràng trong chính sách, nhưng những thành công và chưa thành công còn ở phía trước. Thực tế bên cạnh những thắng lợi bước đầu về chính trị và kinh tế, Trung Quốc vẫn còn vấp phải những khó khăn cơ bản trong chính sách Châu Phi hiện nay. Việc Mỹ cam kết sẽ nâng viện trợ công cộng cho Châu Phi tới mức cao nhất trong lịch sử (700 triệu USD), tăng giá trị đầu tư của Mỹ vào Châu Phi lên 650 triệu USD, xóa khoản nợ cũ, miễn 50% thuế quan cho hàng hóa nhập từ Châu Phi, cho thấy chính sách Châu Phi của Mỹ có sự chuyển hướng mạnh hơn, sau những thành công rõ rệt trong những năm gần đây. Quả thật, chính sách Châu Phi của Mỹ là thức thời và đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay của Châu Phi, còn chính sách của Trung Quốc nặng về hợp tác lâu dài. Điều đó cho thấy Trung Quốc đang vấp phải sự cạnh tranh của Mỹ trong khu vực.
Mặt khác, Châu Phi vốn là khu vực có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị đối với Đài Loan ; ảnh hưởng của Trung Quốc ở đây còn hạn chế. Một số nước Châu Phi còn chịu ảnh hưởng của Đài Loan (như Xê-nê-gan, Xao-tô-mê và Pơ-nanh-xi-pê lại cắt quan hệ với Trung Quốc để lập quan hệ với Đài Loan). Như vậy muốn giành được ưu thế hơn Đài Loan, thì ngoài việc mở rộng quan hệ chính trị với toàn khu vực, Trung Quốc còn phải có sức mạnh kinh tế. Đây là điều kiện không thể thiếu. Thế nhưng, xét về thực lực kinh tế Trung Quốc sẽ gặp không ít khó khăn trong cuộc cạnh tranh với các nước Pháp, Mỹ và Đài Loan ở châu lục này. Trung Quốc hy vọng duy trì và phát triển quan hệ thương mại với các nước Châu Phi, nhằm mở rộng thị trường hàng hóa rẻ, thúc đẩy liên doanh liên kết, nhưng khả năng tài chính và kỹ thuật của Trung Quốc có hạn. Trung Quốc cũng chỉ mới đi vào lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, ngư nghiệp, chứ chưa đủ khả năng để đầu tư, viện trợ hay trao đổi thương mại với Châu Phi như Pháp, Mỹ và Đài Loan (buôn bán hàng năm giữa Đài Loan - Châu Phi là 25 tỷ USD, trong khi đó Trung Quốc chỉ đạt khoảng 5,7 tỷ USD). Mặt khác, các nước Châu Phi đang rất cần vốn để khai thác tài nguyên giàu có của mình, chứ không cần nhiều lao động, mà Trung Quốc thì lại đang dư thừa lao động và cần xuất khẩu. Điều rõ ràng là con đường tiến vào Châu Phi của Trung Quốc còn nhiều chông gai. Bên cạnh những ảnh hưởng lâu đời của Pháp, thì những gặt hái nổi bật gần đây của Mỹ, cũng như sự có mặt của Đài Loan (về kinh tế), chưa cho phép Trung Quốc dễ dàng tiến sâu vào Châu Phi như ý muốn.
Tuy vậy, sự phát triển quan hệ các mặt giữa Trung Quốc với Châu Phi trong thời gian qua cho thấy, Trung Quốc đã xác định hướng tiến vào Châu Phi - "mảnh đất trinh nữ" chưa được khai khẩn, với lợi ích kinh tế và chính trị đã rõ ràng. Trong tương lai Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến sâu hơn vào Châu Phi theo chiều hướng như hiện nay : Từng bước lôi kéo các nước Châu Phi, trước hết là trao đổi thương mại và hợp tác kỹ thuật trên một số lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và y tế... Tuy kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đây rõ ràng là bước tiến mới trong quan hệ Trung Quốc - Châu Phi./.
Tài liệu trích dẫn:
1. TTXVN - An-giê-ri (Tin kinh tế hàng ngày 24/3/1998)
2. Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham thăm Châu Phi 12-18/1/1998.
3. Trung Quốc/Ngoại giao 1998 trang 203
4. AFP-Bruc-xen (Tin kinh tế hàng ngày 17/2/1998)
5. TTXVN - New york (Tin kinh tế hàng ngày 5/2/1998).
6. (Tin kinh tế hàng ngày 13, 24/3/1998)
7. Số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc thông báo 17/7/1998
8. Tạp chí "Thế giới tri thức" 11/1997 và Nhân dân nhật báo 1/6/1998.
9. TTXVN - Tin kinh tế hàng ngày 11/8/1998.
10. Trung Quốc/Ngoại giao 1998 trang 315.
11.
12. THX Bắc Kinh (Tin kinh tế hàng ngày 14/3/1998)
13. TTXVN tại Hồng Kông 3/5/1998
14. 8 nước Châu Phi còn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan là : Ghi-nê Bit-xô, Ma-la-uy, Trung Phi, Xoa-di-lan, Buốc-ki-na Pha- xô, Găm-bi-a, Xê-nê-gan, Xao-tô-mê và Pơ-ranh-xi pê (mới có quan hệ năm 1997).
15. Nhân dân nhật báo 1/6/1998./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét