Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Khu vực thương mại tự do ASEAN-HÀN QUỐC và tác động tới quan hệ thương mại Việt Nam


Khu vực thương mại tự do ASEAN-HÀN QUỐC và tác động tới quan hệ thương mại Việt Nam

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai mà ASEAN đàm phán Hiệp định thương mại tự do (sau Trung Quốc). Tiến trình này được bắt đầu vào năm 2004 khi các nhà Lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc ký Tuyên bố chung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc, khẳng định mong muốn thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư.
 Năm 2005, ASEAN và Hàn Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện (Hiệp định khung), và sau đó là các hiệp định cụ thể trong từng lĩnh vực, tạo nền tảng pháp lý hình thành Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).
Thương mại hàng hóa
Hiệp định cụ thể đầu tiên được hai bên thống nhất là Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKTIG), ký kết ngày 24 tháng 8 năm 2006. Hiệp định này quy định các thỏa thuận thương mại hàng hóa ưu đãi giữa 10 Quốc gia Thành viên ASEAN và Hàn Quốc, trong đó quan trọng nhất là cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế suất đối với tất cả các dòng thuế trong một giai đoạn nhất định. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2010, Hàn Quốc và ASEAN-5 (Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Xinh-ga-po) đã xóa bỏ thuế của gần 90% các mặt hàng trong Lộ trình Thông thường. Các thành viên mới hơn của ASEAN là Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, sẽ có thời gian dài hơn để cắt giảm và xóa bỏ thuế quan. Đối với Việt Nam, ít nhất 50% các dòng thuế trong Lộ trình Thông thường sẽ có thuế suất từ 0-5% trước ngày 1 tháng 1 năm 2013 và đối với Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma là trước ngày 1 tháng 1 năm 2015. Đến năm 2016, Việt Nam sẽ phải đưa 90% số dòng thuế về mức 0-5% và đạt mức tự do hóa hoàn toàn vào năm 2017. Thời hạn tương tự cho Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma sẽ là 90% vào năm 2018 và tự do hóa hoàn toàn vào năm 2020. Thái Lan, do tham gia Hiệp định AKTIG muộn hơn – năm 2007, sẽ có lộ trình cắt giảm thuế khác. Thuế suất đối với các sản phẩm trong Lộ trình Thông thường sẽ được cắt giảm theo từng giai đoạn và xóa bỏ vào nâm 2016 hoặc 2017.
Với việc ký kết và thực hiện Hiệp định AKTIG, quan hệ thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng. Năm 2009, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ năm của ASEAN với tổng giá trị thương mại lên tới 74,7 tỷ đô la Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hàn Quốc vào ASEAN là 1,4 tỷ đô la Mỹ.

Thương mại Dịch vụ
Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN – Hàn Quốc (AKTIS) được ký ngày 21 tháng 11 năm 2007, tạo nền tảng để tiếp tục mở cửa thị trường dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ của ASEAN và Hàn Quốc. Xây dựng trên cơ sở các cam kết theo Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO, trong Hiệp định AKTIS, cả ASEAN và Hàn Quốc đều cam kết sâu rộng hơn thông qua việc bổ sung các ngành/phân ngành mới như kinh doanh, xây dựng, giáo dục, dịch vụ viễn thông, môi trường, dịch vụ du lịch và dịch vụ giao thông vận tải.

Đầu tư
Hiệp định Đầu tư ASEAN – Hàn Quốc (AK-AI) được ký kết ngày 2 tháng 6 năm 2009 nhằm tạo lập một môi trường minh bạch, thuận lợi và ổn định hơn cho các nhà đầu tư và nguồn vốn từ ASEAN và Hàn Quốc. Nội dung chính của Hiệp định AK-AI tập trung vào các yếu tố bảo hộ đầu tư như điều khoản về đối xử công bằng, bảo vệ đầy đủ và an toàn cho nguồn đầu tư; chuyển giao quỹ liên quan đến nguồn đầu tư; và đền bù trong trường hợp quốc hữu hóa đối với nguồn đầu tư. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2009. Tuy nhiên, hiện nay, ASEAN và Hàn Quốc vẫn tiếp tục thảo luận nhằm hoàn thiện các nội dung hợp tác dự kiến, trong đó có vấn đề xây dựng các cam kết mở cửa thị trường hoặc lộ trình loại bỏ các bảo lưu. Trong vòng năm năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, ASEAN và Hàn Quốc sẽ thảo luận và hoàn thành những nội dung này.

Cơ chế Giải quyết Tranh chấp
Hiệp định về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp ASEAN – Hàn Quốc, ký ngày 13 tháng 12 năm 2005, đưa ra cơ chế giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh giữa các Bên trong quá trình triển khai hoặc áp dụng các Hiệp định nói trên, kể cả Hiệp định khung.

Tác động của Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc tới quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc
Trong nhiều năm qua Hàn Quốc luôn là đối tác th­ương mại quan trọng của Việt Nam. Hàn Quốc là 4 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc trong 10 năm qua (2001~2010) là rất cao, đạt trên 23%. Năm 2009, mặc dù chịu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,1%. Đặc biệt trong năm 2009, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã vượt mức 2 tỷ USD với mức tăng trưởng là 15,7%. Trong năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều có sự phục hồi rõ rệt với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 12,85 tỷ đô la, tăng 42,2% so với năm 2009. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,1 tỷ đô la, tăng 49,8%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 9,75 tỷ đô la, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính của ta sang Hàn Quốc là dầu thô, dệt may, thủy sản, than đá, gỗ và sản phẩm gỗ, v.v. 
Một đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc là việc ta liên tục nhập siêu từ nước này. Trong năm 2010, Việt Nam chịu thâm hụt thương mại lên đến gần 6,7 tỷ đô la, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm trước.Tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu là 216%, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu chung.Mặc dù vậy, nhập siêu từ Hàn Quốc được đánh giá là tương đối tích cực vì cơ cấu nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu (chiếm hơn 70% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc). Sắt thép các loại là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất (12,3%) tiếp đến là vải các loại (11,7%), máy móc thiết bị (11,2%), máy vi tính sản phẩm điện tử (8,6%), xăng dầu các loại (8,3%), chất dẻo nguyên liệu (7,3%), nguyên phụ liệu dệt may và da giầy (4,9%).
Theo đánh giá chung, Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc đã đem lại những lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác hạn ngạch thuế quan với thuỷ sản, mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hàng đầu của ta vào Hàn Quốc. Hàn Quốc cam kết dành cho ASEAN lượng hạn ngạch thuế quan như sau: (i) Tôm đông lạnh: 5000 tấn miễn thuế; (ii) Tôm tươi: 300 tấn miễn thuế; (iii) Mực nang: 2000 tấn miễn thuế; (iv)Tôm luộc: 2000 tấn miễn thuế; (iiv) Sắn: 25000 tấn với thuế suất 20%; (iiiv) Tinh bột sắn: 9600 tấn với thuế suất 9%. Với mức thuế trong hạn ngạch 0% (so với mức trung bình 15% ngoài hạn ngạch) là lợi thế cho các doanh nghiệp ASEAN và Việt Nam. Bên cạnh đó, thuế suất mà Hàn Quốc dành cho các sản phẩm mà ta có thế mạnh như dệt may, giày da, sản phẩm chế biến cũng rất thấp, góp phần tạo cơ hội xuất khẩu quan trọng cho các mặt hàng này.
Một điểm đáng lưu ý là Hàn Quốc đã có nhượng bộ trong vấn đề kiểm dịch động thực vật (SPS), chấp nhận đưa nội dung hợp tác đối với các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về SPS vào Phụ lục của Hiệp định khung; có điều khoản về TBT và SPS trong Hiệp định về Thương mại Hàng hóa; thành lập Tổ công tác về TBT và SPS để xem xét các vấn đề thực thi.
Với những lợi thế như trên, cho tới nay AKFTA đã tác động rất tích cực tới quan hệ thương mại ASEAN-Hàn Quốc. Có thể nói đây là Khu vực thương mại tự do đem lại lợi ích lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam xét trên khía cạnh tận dụng các ưu đãi của Hiệp định. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi theo AKFTA thông qua việc áp dụng mẫu quy tắc xuất xứ (mẫu AK) của các doanh nghiệp Việt Nam là rất cao, lên tới 58,6% ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định      AKTIG (2007) và tăng lên  66,5% vào năm 2008, 64,6% năm 2009. Như vậy, có thể nói đa số hàng hóa xuất khẩu của ta sang Hàn Quốc đã tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định AKFTA. Tỷ lệ này đặc biệt cao đối với các nhóm hàng hóa như nguyên liệu (gần 100%), khoáng sản chế biến (trên 95%), sản phẩm da (trên 70%), dệt may (88%). Ngược lại, hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam không tận dụng được nhiều các ưu đãi trong Hiệp định AKFTA, với tỷ lệ sử dụng mẫu quy tắc xuất xứ chỉ đạt khoảng 3%. Đây cũng là minh chứng rõ ràng để kết luận Hiệp định AKFTA không làm tăng nhập siêu của ta trong quan hệ thương mại với Hàn Quốc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét