Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI ĐÔNG NAM Á CỦA NHẬT BẢN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI BA NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG GIAI ĐOẠN SAU CHIẾN TRANH LẠNH


CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI ĐÔNG NAM Á CỦA NHẬT BẢN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI BA NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG GIAI ĐOẠN SAU CHIẾN TRANH LẠNH


Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới có những biến động sâu sắc, tất cả các quốc gia, dân tộc, nhất là các cường quốc lớn, trong đó có Nhật Bản đã điều chỉnh đường lối, chính sách đối ngoại của mình phù hợp với tình hình mới của quốc tế và khu vực, đáp ứng lợi ích cao nhất của mỗi nước. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng có nhiều tầng, nấc, tầng bậc theo những thời điểm lịch sử khác nhau, có tác động lớn đến các nước Đông Nam Á, nhất là các nước Đông Dương. Bài viết nghiên cứu sự thay đổi chính sách đối ngoại Châu Á - Đông Nam Á của Nhật Bản từ chú trọng kinh tế là chủ yếu sang quan tâm cả kinh tế lẫn chính trị. Mục tiêu của Nhật Bản là mở rộng từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính trị, tìm kiếm cho mình một vị thế mới trong hàng ngũ các cường quốc hàng đầu trên chính trường quốc tế trên cơ sở phát huy có hiệu quả chính sách đối ngoại ở khu vực.
Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Chiến tranh Lạnh đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn của quốc gia này đối với Châu Á, nhất là Đông Nam Á. Cùng với nhiều nhân tố khác nữa đã tác động mạnh đến khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho ba nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia trên các lĩnh vực hoà bình, an ninh chính trị, phát triển kinh tế, thương mại... mang lại lợi ích to lớn cho  ba nước ở Đông Dương.
1. Bối cảnh quốc tế, khu vực sau khi Chiến  tranh Lạnh kết thúc
Chiến tranh Lạnh kết thúc, trật tự hai cực của Ianta sụp đổ, một trật tự thế giới mới đang được hình thành. Ảnh hưởng của Mỹ đối với các nước đồng minh cũng bị suy giảm. Các nước lớn đều muốn khẳng định vai trò, độc lập trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Sau những biến đổi sâu sắc của cục diện thế giới, tất cả các quốc gia, nhất là các nước lớn, trong đó có Nhật Bản đều điều chỉnh lại chính sách  đối ngoại của mình cho phù hợp với xu thế mới. Trong xu thế phát triển mới hiện nay, kinh tế đóng vai trò hàng đầu, thì một cường quốc kinh tế như Nhật Bản cũng có điều kiện thuận lợi để thể hiện vai trò chính trị của mình trên thế giới. Chủ trương của Nhật Bản là dùng kinh tế để vươn lên về chính trị và từ vị thế chính trị mới sẽ tạo điều kiện hơn nữa đẩy mạnh tiềm lực kinh tế quốc gia. "Nhật Bản có thể sử dụng sức mạnh kinh tế - khoa học kỹ thuật như là công cụ để giành lấy vai trò chính trị an ninh rộng mở  hơn. Đó là yếu tố thúc đẩy Nhật Bản điều chỉnh chính sách an ninh để đảm bảo lợi ích kinh tế ngày càng tăng ở khu vực và trên thế giới".(1)
Trước những biến cố lớn quốc tế của thế giới như đã trình bày ở trên, vào những năm 90, Châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên như một khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Các nước Đông Nam Á, trong đó có các nước Đông Dương vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, có những biến đổi lớn lao trong phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, trong ổn định an ninh chính trị, trở thành trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật Bản mặc dù vẫn được coi là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ nhưng đất nước gặp nhiều khó khăn cả về kinh tế lẫn chính trị. Địa vị của Nhật Bản ở khu vực tuy có cao hơn trước nhưng đang bị thách thức bởi nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý nhất là Nhật Bản đang tiến hành cải cách kinh tế và phải đối mặt với Trung Quốc, Ấn Độ là những cường quốc lớn đang phát triển mạnh về kinh tế, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và nước Nga đang có tiềm lực rất lớn về mọi mặt. Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản sẽ không thể thay đổi được lập trường thân Mỹ của mình. Nhật Bản đang thực hiện chính sách ngoại giao đa phương song nền tảng trụ cột của chính sách đối ngoại Nhật Bản vẫn tiếp tục là chính sách thân Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh  quốc tế đầy biến động, Nhật Bản cũng đang tìm kiếm cho mình một vị thế mới tích cực mở rộng từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính trị và đứng vào hàng ngũ các cường quốc hàng đầu giải quyết các vấn đề chính trị toàn cầu và khu vực. Nhật Bản muốn tăng cường hơn nữa vai trò của mình ở Đông Nam Á (vốn là thị trường truyền thống của Nhật Bản), trong đó quan tâm đến Đông Dương và Châu Á nói chung, cạnh tranh với Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc tại thị trường này. Nhật Bản cũng muốn giành vai trò chủ đạo trong đối thoại an ninh và xây dựng cơ chế an ninh khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế kinh tế mở của khu vực ngày càng phát triển.(2)
2. Điều chỉnh chính sách đối ngoại Đông Nam Á của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh
Dựa vào nền tảng kinh tế mạnh của mình, sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại hết sức khôn khéo, mềm dẻo, nhằm xây dựng một vị thế vững mạnh, độc lập và toàn diện hơn trên trường quốc tế.
Về cơ bản, nội dung điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc, bao gồm các điểm sau đây:
- Tăng cường vai trò của Nhật Bản trong quan hệ với Mỹ, tìm kiếm vị thế độc lập hơn trong giải quyết các vấn đề quốc tế nhưng vẫn coi liên minh chiến lược Mỹ - Nhật là trụ cột trong chính sách an ninh của mỗi bên. Hợp tác chặt chẽ hơn trong liên minh Mỹ - Nhật đã được cả phía Mỹ và Nhật Bản tái khẳng định qua nhiều hiệp ước với mốc lịch sử khác nhau như vào tháng 1/1992, tháng 7/1996, năm 1997... Đặc biệt, hai bên đã phải thực hiện mục đích của "Tuyên bố về đảm bảo an ninh thế kỷ XXI" (tháng 7/1996). Bản “Tuyên bố chung” một lần nữa tiếp tục khẳng định quan hệ an ninh Mỹ - Nhật vẫn là trụ cột trong chính sách  an ninh của mỗi bên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm đạt được những mục đích an ninh chung và đã đưa quan hệ song phương Mỹ - Nhật bước vào một giai đoạn mới. Những hiệp ước trong quan hệ hai nước được điều chỉnh sau Chiến tranh Lạnh đều thừa nhận Nhật Bản ở tư thế bình đẳng hơn "cùng với Mỹ có trách nhiệm lãnh đạo thế giới"(3). Hai bên còn khẳng định cần tham khảo ý kiến một cách chặt chẽ trong chính sách phòng thủ quân sự và cả các vấn đề chung của toàn cầu. Đây chính là cơ sở để Nhật Bản mở rộng phạm vi, chức năng phát triển lực lượng quân sự lên một bước mới, là cơ sở để Nhật Bản đưa quân đội ra nước ngoài.
Sau sự kiện 11/09/2001, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua những đạo luật mới liên quan đến việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp hoà bình và cải tổ Cục phòng vệ thành Bộ Quốc phòng. Đây là những cơ hội cho Nhật Bản độc lập hơn trong giải quyết các vấn đề an ninh thế giới và là cơ sở để Nhật Bản nâng cao tiềm lực quân sự, chuyển từ "phòng thủ" sang "tấn công và phòng thủ". Sự có đi có lại trong quan hệ Nhật - Mỹ là rất rõ ràng. Nhật Bản ngày càng chứng tỏ là đồng minh tin cậy của Mỹ thông qua các hoạt động chống khủng bố của Mỹ và hàng loạt các bước đi đã nói ở trên. Còn Mỹ thì tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trở thành uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tạo ra khu vực kinh tế mở, năng động trên cơ sở phát triển kinh tế là cơ sở cho ổn định chính trị xã hội, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế của khu vực.
Trong xu thế quốc tế mới, nhân tố kinh tế được các nước đưa lên hàng đầu, lợi ích kinh tế trở thành nhân tố chi phối có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh tổng hợp của mỗi nước, đồng thời phát triển kinh tế sẽ tạo ra sự ổn định chính trị, mở rộng hợp tác quốc tế. Nhân tố kinh tế ngày càng chiếm vị thế quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia. Chính sách đối ngoại của mỗi bên đều nhằm phục vụ cho đường lối phát triển kinh tế trong điều kiện ngày càng phụ thuộc vào nhau trong kỷ nguyên khoa học và công nghệ hiện đại.
Cùng với nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ, xu hướng quốc tế hoá, khu vực hoá, phát triển kinh tế thị trường cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, có tác động to lớn đến tất cả các cộng đồng quốc gia. Sự xuất hiện của các hình thức liên kết kinh tế mở, của các khu vực mậu dịch tự do thương mại như NAFTA (North America Free Trade Area), AFTA (ASEAN Free Trade Area)... ngày càng nhiều, tất yếu  dẫn đến tự do hoá toàn cầu. Ở Đông Nam Á, các tổ chức liên kết kinh tế mở xuất hiện ngày càng nhiều như ASEAN+3, ASEAN+6, liên kết kinh tế Đông Á, khu vực tiểu vùng sông Mê Kông... đã mở ra khả năng phát triển nền kinh tế năng động, mang lại lợi ích cho khu vực và các nước đối tác.
Bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh Lạnh đã có tác động mạnh mẽ đến các cường quốc lớn trong khu vực (trong đó có Nhật Bản), cũng như các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Cả Nhật Bản (quốc gia có thị trường truyền thống ở Đông Nam Á) lẫn các nước trong khu vực đều nhận thức được việc cần thiết phải xây dựng Đông Nam Á, nhất là các nước Đông Dương thành khu vực hoà bình, ổn định vững chắc. Với sự hợp tác chặt chẽ trong mọi lĩnh vực nhằm tạo dựng một Đông Nam Á mới với tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế. Thực hiện những mục tiêu trên, Nhật Bản đã thực thi chính sách quay trở lại Châu Á là đối tác kinh tế quan trọng của Nhật Bản. Điều này được thể hiện rõ trong đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào châu Á. Từ tháng 3/1994 đến tháng 3/1995 đã tăng tốc độ kỷ lục 47% so với 11%  tổng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ra nước ngoài trong cùng năm đó(4). Vì vậy, việc điều chỉnh  chính sách đối ngoại đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có các nước Đông Dương nhằm tạo ra sự phát triển kinh tế, ổn định khu vực, mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Đông Dương cũng nằm trong chiến lược chung nhằm đáp ứng lợi ích cao nhất của Nhật Bản.
Nhật Bản đang cố gắng nỗ lực trên mọi lĩnh vực như là một nước đứng đầu đang có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Khi mà Mỹ đã giảm sút vai trò của mình ở Châu Á, nước Nga gặp nhiều vấn đề cần giải quyết thì đây là cơ hội cho các nước lớn như Nhật Bản và Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình. Việc cạnh tranh khốc liệt vị trí dẫn đầu sẽ là của nước nào? Đây vẫn còn là một vấn đề chưa được ngã ngũ. Vì thế việc mở rộng quan hệ Đông Nam Á, trong đó có ba nước Đông Dương cũng chính là yêu cầu cần thiết để tìm kiếm lợi ích và vị thế nói trên.
Thực ra Nhật Bản đã quan tâm tới Đông Nam Á ngay từ những năm sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc. Đặc biệt với học thuyết Fukuda (1977), lần đầu tiên Nhật Bản đã thể hiện chính sách đối ngoại của mình ở khu vực Đông Nam Á. Đây có thể xem là một cố gắng của Nhật Bản để làm rõ ý đồ và vai trò của mình ở Đông Nam Á. Học thuyết Fukuda và khoản cho vay bằng đồng Yên(5) thể hiện sự cam kết của Nhật Bản đối với sự phồn vinh và ổn định của Đông Nam Á. Tuyên bố này đã tạo nên khuôn khổ để Nhật Bản can dự vào nền chính trị khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản muốn làm chất xúc tác tạo cầu nối giữa Đông Dương và các nước ASEAN, mở đường cho việc tăng cường các mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau với các nước Đông Dương góp phần vào việc xây dựng hoà bình và thịnh vượng trên toàn khu vực Đông Nam Á. Với sự xuất hiện thuyết Fukuda đã cho thấy Nhật Bản sớm nhận ra vị trí quan trọng của Đông Nam Á và muốn quay trở lại vị thế của mình tại miền đất có nhiều hứa hẹn. Học thuyết Fukuda là nhân tố cơ bản của chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Nhiều đời thủ tướng sau đó như: Anbe, Kuramarisi, Kaifu … cơ bản đều thực hiện tư tưởng của học thuyết Fukuda về Đông Nam Á.
Trước những biến đổi sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực sau Chiến tranh Lạnh, lần đầu tiên cho phép Nhật Bản điều chỉnh chính sách đối ngoại Đông Nam Á của mình nhằm thích ứng với những đổi thay của tình hình mới và bảo vệ lợi ích sống còn của Nhật Bản. Trong chuyến thăm các nước ASEAN, tháng 4/1991 của Thủ tướng Kaifu tại Singapore đã phát biểu: "Cam kết không trở thành cường quốc quân sự, Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực hơn trong các vấn đề chính trị Châu Á - Thái Bình Dương, tham gia giải quyết các vấn đề Cămpuchia, tăng cường sự hợp tác khu vực thông qua đầu tư chuyển giao công nghệ, chương trình viện trợ chính thức ODA đóng vai trò thúc đẩy hợp tác để các  nước  ASEAN và  Đông Dương cùng phát triển và trở thành bạn hàng tốt của nhau"(6). Thủ tướng Kichi Miyazawa cũng tiếp tục phát triển hơn nữa đường lối đối ngoại chú trọng đến Đông Dương  và cũng đã khẳng định "Nhật Bản sẽ triển khai chính sách  ngoại giao kinh tế với các nước Châu Á và đặt trọng tâm vào Châu Á - Thái Bình Dương, coi Đông Nam Á có vị trí đặc biệt". Trên cơ sở đó Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa trong chuyến thăm chính thức các nước ASEAN tháng 1/1993 đã tuyên bố:
- "Thứ nhất, trên cơ sở một tầm nhìn lâu dài về an ninh Đông Nam Á, Nhật Bản chủ trương cùng các nước khu vực tập trung hợp tác ổn định tình hình khu vực, thiết lập trật tự an ninh và bảo vệ hoà bình ở khu vực.
- Thứ hai, Nhật Bản kêu gọi hợp tác, phối hợp chặt chẽ với ASEAN để tái thiết Đông Dương, xác lập diễn đàn toàn diện Đông Dương".(7)
Nội dung cơ bản của sự điều chỉnh trên chứng tỏ Nhật Bản muốn đẩy cao thêm một bước nữa trong quan hệ với thị trường truyền thống Đông Nam Á, nhất là Đông Dương. Đặc biệt chú trọng đến nhân tố đảm bảo an ninh, ổn định chính trị trong khu vực là yếu tố cơ bản để phát triển kinh tế. Để thực hiện mục đích trên, Nhật Bản sẽ đóng vai trò cầu nối trong việc giải quyết các vấn đề giữa ASEAN và Đông Dương.
Nhằm chủ động trong cuộc chạy đua mở rộng ảnh hưởng về quyền lực kinh tế và chính trị tại Đông Nam Á với các cường quốc khác, Nhật Bản lại điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ ở khu vực này. Trong bài diễn văn đọc tại Singapore ngày 14/01/1997, Thủ tướng Hashimoto điều chỉnh thêm một bước chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Đông Nam Á với những đường nét mới, cụ thể có ba vấn đề sau:
- Thúc đẩy, nỗ lực mạnh mẽ hơn các quan hệ hợp tác với các nước ASEAN về kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển.
- Xúc tiến, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực an ninh chính trị và văn hoá.
- Thể hiện rõ nét một đường lối đối ngoại của Nhật Bản đối với Đông Nam Á trong tình hình mới. "Kế thừa chính sách ngoại giao trước đây của Nhật Bản, phát triển hơn nữa với các nước trong khu vực Đông Nam Á theo quan điểm học thuyết Fukuda".(8)
Nội dung điều chỉnh lần này cho thấy Nhật Bản muốn thông qua hợp tác ASEAN để nâng cao hơn nữa vai trò chính trị của mình. Mặt khác, Nhật Bản khẳng định và nâng cao hơn một bước việc coi trọng Đông Nam Á như là một đối tác quan trọng về chính trị ở khu vực. Mặc dù còn khó khăn  do phải đối mặt với suy thoái kinh tế nhưng Nhật Bản vẫn tích cực đóng góp và hỗ trợ lớn cho các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á và khắc phục được cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Tháng 12/1998, Thủ tướng Nhật Bản Kobuchi đã tuyên bố đường lối đối ngoại Đông Nam Á mới của mình với sự quan tâm toàn diện và sâu sắc hơn. Học thuyết của Kobuchi không chỉ đặt vấn đề quan trọng trong lĩnh vực quan hệ kinh tế mà còn đề cập đến mối quan tâm với Đông Nam Á cả về yếu tố văn hoá, xã hội và an ninh con người.
Đặc biệt sau sự kiện nước Mỹ bị khủng bố 11/09/2001, Nhật Bản cũng đẩy mạnh và giành ưu tiên cho khu vực Châu Á, nhất là Đông Á, trong đó có các nước ASEAN. Vì Nhật Bản thấy rõ nếu mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với Đông Á thì thị trường này sẽ là nơi tạo ra nguồn cung và nguồn cầu to lớn cho Nhật Bản đối với các loại hàng hoá và công nghệ cao. Mặt khác, Đông Á có nền kinh tế năng động sẽ góp phần tác động với ASEAN tạo thị trường rộng lớn quan trọng cho Nhật Bản, giúp Nhật Bản thực hiện có hiệu quả, thành công nhất tư tưởng của học thuyết Fukuda. Trong chuyến đi thăm các nước ASEAN tháng 1/2002, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đã đưa ra 5 sáng kiến nhằm mở rộng phạm vi hợp tác ở Đông Á. Một trong những sáng kiến đó là việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 (về sáng kiến phát triển Đông Á) (Initiative for Development in East Asia - IDEA) đã được thực hiện ở Tokyo vào tháng 8/2002. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Nhật Bản đã nhấn mạnh đến vai trò của viện trợ phát triển chính thức ODA như là một cơ sở để tăng trưởng kinh tế thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện phát triển "tập trung vào con người" bắt đầu từ giáo dục. Mặc dù đang gặp khó khăn về  kinh tế nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn cam kết sẽ tiếp tục tích cực giúp đỡ các nước Đông Á thông qua viện trợ. Như vậy, có thể thấy Nhật Bản đang đóng vai trò tích cực trong tiến trình phát triển ASEAN+3 và thể hiện ý muốn trở thành đầu tàu về hợp tác khu vực Đông Nam Á.
3. Ảnh hưởng của việc điều chỉnh chính sách đối ngoại Châu Á, Đông Nam Á của Nhật Bản đối với ba nước Đông Dương
Sự thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á như đã trình bày ở trên có ảnh hưởng lớn đến các nước ASEAN nhất là các nước Đông Dương. Cụ thể trong các vấn đề sau đây:
Tạo ra một môi trường hoà bình, an ninh ở Đông Nam Á thông qua việc giải quyết các vấn đề bằng đối thoại, hợp tác, hoà bình là cơ sở cho các quốc gia, dân tộc phát triển.
Theo quan niệm của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Nhật Bản thì việc Nhật Bản thực thi chính sách củng cố quan hệ với Mỹ là họ muốn cùng Mỹ và dựa vào ảnh hưởng của Mỹ để duy trì và giữ lại sự cân bằng về chiến lược an ninh khu vực. Tuy nhiên, Nhật Bản đã thể hiện tính độc lập hơn trong quan hệ với Mỹ để giải quyết các vấn đề của khu vực và Đông Dương, tạo nên một môi trường hoà bình ổn định để phát triển. Nhật Bản muốn thể hiện quyết tâm thực hiện vai trò chính trị nước lớn của mình trong vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ba  nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia đã được hưởng lợi thế từ chiến lược ưu tiên phát triển Đông Nam Á và Đông Dương của Nhật Bản từ sau Chiến tranh Lạnh để đề ra chiến lược phát triển quan trọng nhằm khai thác có hiệu quả chính sách này. Điều này được thể hiện rõ trong việc giải quyết vấn đề Cămpuchia. Tháng 6/1990, Nhật Bản đã phối hợp với Thái Lan đứng ra triệu tập cuộc họp tại Tokyo của các phái chính trị ở Cămpuchia để bàn về giải pháp nỗ lực cho tiến trình lập lại hoà bình ở nước này. Nhật Bản đã thuyết phục ba nhóm ở Cămpuchia đồng ý với hình thức hai nhóm thay vì bốn nhóm. Đây là mô hình khả thi nhất cho việc mở đường xúc tiến hoà bình ở Cămpuchia. Ngay sau việc ký kết hiệp định hoà bình ở Cămpuchia năm 1991, xu hướng trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng đã được thay đổi. Hai nhóm nước ASEAN và Đông Dương đã chấm dứt đối đầu, mở ra một thời kỳ mới cho khu vực phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị.
Tiếp sau đó Nhật Bản đã đơn phương vượt qua sự phản đối của Mỹ và các nước ASEAN quyết định nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam năm 1992 trong khi Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, đã ảnh hưởng lớn đến việc cải thiện các mối quan hệ trong khu vực. Kết quả dễ nhận thấy nhất trong những thay đổi trong khu vực là quyết định của ASEAN kết nạp Việt Nam (1995), Lào, Myanma (1997),  Cămpuchia (1999) trở thành những thành viên đầy đủ trong tổ chức này. Giấc mơ ASEAN 10 trở thành hiện thực và phát triển ngày càng cao trên trường quốc tế.
Tạo điều kiện cho các nước Đông Nam Á trong đó có các nước Đông Dương khôi phục và phát triển kinh tế.
Trong quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã rất chú trọng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế Đông Dương. "Nhật Bản kêu gọi hợp tác phối hợp chặt chẽ với ASEAN để tái thiết Đông Dương và xác định diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương"(9). Nhật Bản muốn mở rộng vai trò của mình sang các nước Đông Dương, muốn làm vai trò cầu nối giữa ASEAN với Đông Dương.
Với  sự ủng hộ và giúp đỡ của Nhật Bản trong một môi trường quốc tế mới thuận lợi, năm 1992 Ngân hàng phát triển Châu Á đã bắt đầu chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mêkông. Từ năm 1993, chính phủ Nhật Bản đưa ra sáng kiến tổ chức diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương được các nước Đông Dương rất ủng hộ. Năm 1994, với sự tác động của Nhật Bản, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế đã đồng ý thành lập nhóm làm việc, hợp tác kinh tế Đông Dương và Myanma. Tại Băng Kốc năm 1995, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã đồng ý tổ chức Uỷ ban Mêkông, bắt đầu những dự án riêng về tổ chức, hợp tác và phát triển kinh tế lưu vực sông Mêkông.
Những hoạt động trên của Nhật Bản và các nước Đông Dương đã thể hiện mong muốn của các nước Đông Dương phát triển khu vực kinh tế năng động, biến thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như tuyên bố của Việt Nam, Lào (vào những năm 1980) và Cămpuchia là kinh tế thị trường (vào những năm 1990). Các hoạt động trên đã tạo điều kiện thúc đẩy sự hội nhập của các nước Đông Dương vào khu vực, tiến kịp các nước láng giềng về mặt công nghệ, trình độ phát triển kinh tế, mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc … trong các nước trên bán đảo Đông Dương.
Chính sách đối ngoại Đông Nam Á của Nhật Bản sau Chiến tranh Lạnh, trong đó đặc biệt chú ý đến các nước Đông Dương, tháng 5/1995, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng lần đầu tiên của Diễn đàn ba nước Đông Dương tại Tokyo đã bàn về việc tái thiết và phát triển hơn nữa kinh tế ba nước: Việt Nam, Lào, Cămpuchia. Tại cuộc họp này, ba vấn đề chính được đưa ra nhằm xem xét, xây dựng cơ sở pháp lý và thể chế hoá để phát triển kinh tế 3 nước Đông Dương:
(1) Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng,
(2) Phát triển nguồn nhân lực,
(3) Buôn bán và đầu tư chủ yếu cho ba nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia. Đây là những cơ sở pháp lý cần thiết để phát triển ngoại thương và đầu tư phát triển của ba nước Đông Dương.
Từ sau 1995 với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức kinh tế của Nhật Bản và những tổ chức kinh tế khác, Nhật Bản đã bắt đầu các chương trình giúp đỡ Cămpuchia, Lào, Việt Nam trong việc hiểu biết hơn nữa về hệ thống ASEAN, AFTA và cơ chế thị trường tạo điều kiện cho các nước này tham gia vào tổ chức ASEAN.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn tham gia tích cực trong tiến trình thúc đẩy sáng kiến và hợp tác, phát triển ba nước Đông Dương, đặc biệt là đối tác Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực ODA và FDI. Chỉ trong hơn 10 năm kể từ năm 1992  - 2002, Nhật Bản đã cung cấp cho  khoảng gần 8 tỉ USD chiếm vị trí hàng đầu trong các nhà tài trợ cho Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Việt Nam với 369 dự án với 4 tỉ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, không những thế, Nhật Bản còn là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam(10). Lào và Cămpuchia cũng là những đối tác quan trọng trong chính sách phát triển toàn diện Đông Dương của Nhật Bản. Dưới ảnh hưởng của chính sách Đông Á, trong đó coi trọng Đông Nam Á của Nhật Bản đã tạo ra ở khu vực nhiều mối quan hệ phát triển các tiểu vùng kinh tế, quan tâm đặc biệt đến nhiều hình thức hợp tác kinh tế năng động: ASEAN+3,  ASEAN+6, các dự án tiểu vùng sông Mêkông, khu vực liên kết Đông Á... Các quan hệ này cùng với sự tham gia của nhiều cường quốc lớn, các tổ chức kinh tế, ngân hàng lớn của khu vực và quốc tế là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế Đông Dương và các nước Đông Nam Á đáp ứng lợi ích to lớn của Nhật Bản ở khu vực.
Chính Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Myrazama cũng đã nhận định: "ASEAN và các quốc gia Đông Dương đang tìm kiếm sự ổn định và thịnh vượng trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng nắm giữ một vai trò chủ yếu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhân dân các nước Đông Nam Á đang nỗ lực phấn đấu vì lợi ích của chính mình và hướng tới sự ổn định và thịnh vượng của toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, có thể nói Đông Nam Á đã bước vào một kỷ nguyên mới. Trong kỷ nguyên mới này, Nhật Bản sẽ tiếp tục xây dựng các quan hệ chặt chẽ với Đông Nam Á, thúc đẩy hợp tác song phương theo nhiều cách khác nhau, trước hết Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp đỡ các quốc gia này thông qua chương trình ODA, đầu tư tư nhân, thúc đẩy mậu dịch và tạo nguồn nhân lực"(11).
Tạo điều kiện thiết lập khu vực kinh tế mở toàn diện năng động ở Đông Dương.
Trong xu hướng đối thoại hợp tác và phát triển kinh tế hiện nay dưới tác động của toàn cầu hoá thế giới có hai xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu là khu vực hoá chia lẻ thế giới và xu hướng duy trì hệ thống kinh tế khu vực mở. Châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động và mạnh mẽ là do hệ thống kinh tế toàn cầu mở và tự do. Nhật Bản tích cực tham gia vào Tổ chức kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương vì mục tiêu của APEC (Asian Pacific Economic) là hợp tác mở. Để giữ được kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương mở thì khu vực này phải tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và viện trợ ODA của Nhật Bản vẫn phải giữ một vai trò rất quan trọng. Hiến chương "ODA của Nhật Bản đã trở thành một trụ cột quan trọng trong nhiệm vụ đóng góp quốc tế và là một phương sách có ý nghĩa trong chính sách ngoại giao"(12). Châu Á, nhất là Đông Nam Á vẫn là khu vực ưu tiên nhận ODA của Nhật Bản.
Dưới ảnh hưởng của chính sách đối ngoại mới mà Nhật Bản thực thi sau Chiến tranh Lạnh, vai trò của Nhật Bản ngày càng tăng lên ở khu vực này và Nhật Bản rất quan tâm đến ba nước Đông Dương. Mặc dù Việt Nam, Lào, Cămpuchia là những nước có trình độ phát triển kinh tế còn thấp nhưng lại có nhiều tiềm năng phát triển trong so sánh về lao động, tài nguyên và về vị trí chính trị, địa kinh tế quan trọng nên được nhiều nước trong khu vực rất quan tâm. Lợi thế ba nước Đông Dương kết hợp lại sẽ tạo ra thế mạnh để khai thác có hiệu quả nguồn lực của đất nước cũng như chủ động tận dụng các mối quan hệ hợp tác quốc tế và khu vực mở. Việc tiếp nhận ODA của Nhật Bản bước đầu tạo cơ sở xây dựng khu vực Đông Dương thành khu kinh tế mở năng động thông qua hàng loạt các sáng kiến kinh nghiệm của cả Nhật Bản và của cả các nước ASEAN và Đông Dương vì lợi ích của các đối tác. Đó là dự án phát triển Tiểu vùng sông Mêkông bao gồm sáu nước: Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Mianma, Vân Nam (Trung Quốc). Đây là một hợp tác quan trọng của ASEAN vì đây là thị trường đầy tiềm năng của thế kỷ XXI. Mục tiêu nhằm tạo ra sự phát triển đồng đều bền vững ở tiểu khu vực có sông Mêkông chảy qua, phát triển mạnh mẽ hơn sự hợp tác giữa ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản. Hàng trăm các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn đã tham gia vào diễn đàn đầu tư vào khu vực này. Liên kết Đông Á cũng là sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto năm 1996, sau đó được Thủ tướng Obuchi đưa ra kế hoạch toàn diện để tăng cường trao đổi nhân lực Đông Á. Theo đó, Nhật Bản sẽ giúp 80 tỉ USD cho các nước này, nhằm phát triển hơn nữa . Tư  tưởng học thuyết Fukuda cũng đã tạo cho khu vực này sự liên kết mở giữa ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand. Nhằm thông qua sự liên kết kinh tế Đông Á để thể hiện tư tưởng của Nhật Bản muốn gắn kết và thuyết phục ASEAN  tạo dựng con đường hội nhập Đông Á, mà trong đó Nhật Bản là người lãnh đạo tích cực, ASEAN là trụ cột kết dính các đối tác(13) với phương châm "Hành động cùng nhau, cùng nhau tiến bước tạo ra sự hợp tác thực sự... Nhật Bản và ASEAN đạt tới sự thịnh vượng hơn, hoà bình hơn", hiểu biết, tin cậy lẫn nhau hơn. Sự hợp tác này đòi hỏi sự trao đổi tư tưởng, ý kiến và con người". Như vậy, có thể thấy Nhật Bản đóng vai trò tích cực trong ASEAN+3 và thể hiện ngày càng rõ rệt ý muốn trở thành một đầu tàu về hợp tác khu vực Đông Á.
Vào những năm 1990 trở đi, cùng với sự ủng hộ tích cực của Nhật Bản và các nước lớn trên cơ sở sự phát triển kinh tế thương mại của ba nước Đông Dương, các sáng kiến về "Hành lang Đông Tây", về tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Cămpuchia... đã được xúc tiến mạnh mẽ. Đây là những cơ hội thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư, nhiều tổ chức tài chính thế giới tham gia, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế mở ở Đông Dương bắt đầu phát triển. Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Việt Nam, Lào, Cămpuchia để xây dựng hệ thống giao thông vận tải, đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới, đẩy mạnh hợp tác thương mại du lịch, nâng cao mức sống và văn hoá cho nhân dân biên giới ba nước Đông Dương và các nước khác ở khu vực, tạo cơ hội thuận lợi nhất cho các nước ở Đông Nam Á hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

HOÀNG THỊ MINH HOA
(PGS, TS, Đại học Sư phạm Huế)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Ngô Xuân Bình (2000), Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Ngô Xuân Bình, Trần Quang Minh chủ biên, (2005), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại, tương lai, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Diplomatic Blue Book for 1976, Review of Recent Development in Japan's Foreign Press Centure -  Japan 1976.
4. Đỗ Đức Định (1996), Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5. Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản và tác động của nó đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 4/2007.
6. Diễn văn của Thủ tướng Koizumi  đọc tại Diễn đàn Hợp tác Nhật Bản và ASEAN về Đông Á tại Singapore ngày 14/1/2002.
7. Diễn văn của Thủ tướng Junichiro Koizumi 14/1/1992,Website, Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
8. Hoàng Thị Minh Hoa (1993), Từ thuyết Đại Đông Á đến học thuyết Fukuda của Nhật Bản, Thông báo KH Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
9. Hoàng Thị Minh Hoa (2005), Hợp tác an ninh quân sự Mỹ - Nhật giai đoạn 1975 -  1991 trong quan hệ với chính sách đối ngoại Châu Á của Nhật Bản, Thông báo Khoa học -  ĐHSP.
10. Keesing (1993), Record World Events - Tokyo - 39.
11. Khai mạc Hội nghị tiểu khu vực 3 nước Cămpuchia, Việt Nam và Lào về lĩnh vực viễn thông theo http://www.VNpost gov, VN bao 2002/so 47/Thoisu/Thong20cao.htm
12. Liên kết kinh tế Đông Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản -  Tạp chí NVĐKTCT, số 4/2007
13. Masaya Shiraishi (1997), Hợp tác Đông Dương và đóng góp của Nhật Bản, Hội thảo quốc tế ASEAN hôm nay và ngày mai, Hà Nội.
14. Hồng Minh, Hợp tác Uỷ ban Sông Mêkông khởi động, Tuần báo Quốc tế số 33, 8/1995.
15. Nhật Bản với tiến trình liên kết kinh tế Đông Á hiện nay, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6/2006.
16. Quan hệ ASEAN - Nhật Bản tình hình và triển vọng, 1989, Nxb khoa học, Hà Nội
17. Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (2003), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
18. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á số 6/2006.
19. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, số 5/2007.
20. Japan Review International Affairs Special Issue, 1991.
21. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, số 4/2006.
22. Viện trợ phát triển chính thức ODA của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, số 3 - 1996.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét