Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Quan hệ Nhật - Nga và vấn đề tranh chấp lãnh thổ


Quan hệ Nhật - Nga và vấn đề tranh chấp lãnh thổ
Tác giả: Lê Linh Lan.
Tranh chấp lãnh thổ là vấn đề tương đối phổ biến trong quan hệ giữa các nước. Tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, giữa các nước ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông vốn vẫn là điểm tối không chỉ trong quan hệ song phương, mà còn có nguy cơ gây mất ổn định an ninh khu vực. Tuy nhiên, ít có mối quan hệ song phương nào mà sự khai thông và phát triển của nó lại phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề tranh chấp một vùng lãnh thổ biển như giữa Nhật và Nga. Hơn năm thập kỷ đã trôi qua kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng hiệp định hoà bình vẫn chưa được ký chủ yếu là do bế tắc về vấn đề tranh chấp bốn hòn đảo phía Bắc Hokkaido, Nhật Bản (vùng lãnh thổ phía Bắc theo cách gọi của Nhật, hay các đảo Nam Kurile theo cách gọi của Nga). Chiến tranh lạnh -cuộc chiến đã một lần nữa đẩy hai nước vào hai mặt trận đối kháng- kết thúc đã gần một thập kỷ, nhưng chỉ đến năm 1997 người ta mới thấy có cơ sở để hy vọng về khả năng quan hệ Nhật Bản và Nga cuối cùng sẽ chuyển sang một trang mới.
Vài nét về tranh chấp vùng lãnh thổ phía Bắc:
Vùng lãnh thổ phía Bắc bao gồm đảo Etorufu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo Habomai do quân đội Liên Xô chiếm đóng năm 1945 khi Nhật bại trận và chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc . Đây là vấn đề tranh chấp lãnh thổ phức tạp có lịch sử lâu đời giữa Nhật và Nga. Cơ sở đòi hỏi chủ quyền của Nhật đối với vùng lãnh thổ phía Bắc dựa vào Hiệp định Shimoda (1855) và St. Petersburg (1875), theo đó Nga hoàng công nhận các đảo Etorufu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo Habomai thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Trong khi đó, Liên Xô cho rằng quần đảo Kuril được người Nga khám phá ra đầu tiên và người Nga đã là những người đầu tiên định cư và phát triển những hòn đảo này. Theo Nga, hai hiệp định nói trên trở nên vô hiệu lực bởi cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 và Hiệp định Porstmouth năm 1905.
Những diễn biến và thoả thuận giữa các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ hai làm phức tạp thêm tranh chấp vùng lãnh thổ phía Bắc giữa Nga và Nhật. Theo Hiệp định Yalta, Liên xô, Mỹ và Anh thống nhất trao cho Liên Xô quần đảo Kuril. Tuy nhiên, phía Nhật cho rằng đây là thoả ước giữa các nước thắng trận, Nhật không được biết cũng như không tham gia vào Hiệp định này. Ngược lại, Nga cho rằng Hiệp định Yalta là hợp pháp và có giá trị như giải pháp cuối cùng cho tranh chấp chủ quyền quần đảo Kuril. Hơn nữa, theo Nga, vì Nhật là nước khởi đầu thế chiến thứ hai, nên khi thua trận Nhật phải chấp nhận những hậu quả của nó. Trong Hiệp ước hoà bình Sanfrancisco năm 1951, Nhật Bản từ bỏ chủ quyền của mình đối với Nam Sakhalin và quần đảo Kuril (Hiệp ước không chỉ rõ những đảo nào nằm trong chuỗi đảo này). Nga cho rằng vùng lãnh thổ phía Bắc (4 hòn đảo tranh chấp) thuộc về quần đảo Kuril. Tuy nhiên, ở Nhật nhìn chung có một sự nhất trí trong số 4 đảo, hai đảo Etorufu và Kunashiri thuộc về quần đảo Kuril và đảo Shikotan và các đảo Habomai không thuộc về quần đảo Kuril.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đã có thời điểm hai nước gần đi đến được thảo thuận về tranh chấp lãnh thổ và ký Hiệp ước hoà bình. Đó là vào năm 1956, khi giai đoạn hậu Stalin bắt đầu và Nikita Khrushchev chủ trương thúc đẩy chính sách ngoại giao "chung sống hoà bình". Tuyên bố sẽ từ chức sau khi ký được hiệp ước hoà bình với Liên Xô của Thủ tướng Nhật Hatoyama đã tạo điều kiện để nội bộ Nhật thống nhất quay trở lại lập trường đàm phán mềm dẻo. Tháng 10 năm 1956, Thủ tướng Hatoyama thăm Matxcơva và ký Tuyên bố chung, theo đó Liên Xô đồng ý "chuyển giao" đảo Shikotan và nhóm đảo Habomai (hai đảo không thuộc về chuỗi đảo Kuril) cho Nhật ngay sau khi hai nước ký Hiệp ước hoà bình. Tuy nhiên, dưới áp lực của Mỹ, Hatoyama sau đó đã thay đổi lập trường và yêu cầu Liên Xô trao trả cả 4 đảo cho Nhật trước khi hai bên có thể ký Hiệp ước hoà bình. Năm 1960, vào thời điểm quan hệ Đông-Tây căng thẳng và khi Mỹ Nhật tái khẳng định Hiệp định hợp tác an ninh, Liên xô đã từ bỏ cam kết năm 1956 của mình. Năm 1973, không lâu sau những cú sốc Nixon và vào thời điểm cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất, Thủ tướng Nhật Tanaka Kakuei thăm Matxcơva với ý định đàm phán một giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ, theo đó Nhật sẽ giúp đỡ Liên Xô về mặt kinh tế để đổi lấy lãnh thổ. Nỗ lực của Nhật lần này cũng thất bại bởi không những lập trường hai bên cách xa nhau, mà còn bởi thực tế chiến tranh lạnh. Đến năm 1979, khi Liên Xô can thiệp vào Afganistan, quan hệ Nhật Nga lại trở nên căng thẳng.
Sự sụp đổ của Liên Xô và chiến tranh lạnh kết thúc đặt quan hệ Nhật- Nga vào một cục diện mới. Quan điểm của Nga về tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản đã thay đổi cơ bản so với quan điểm của Liên Xô cũ.
Năm 1991, trong chuyến thăm Nhật, người phát ngôn của Xô viết tối cao Nga lúc đó đã chuyển tới Thủ tướng Nhật Toshiki Kaifu bức thông điệp của Yeltsin về chủ trương của Nga từ nay sẽ tiếp cận vấn đề lãnh thổ theo nguyên tắc "luật pháp và công lý", thay vì coi quan hệ giữa Nga và Nhật là quan hệ giữa một nước thắng trận và một nước bại trận. Năm 1990, trong chuyến thăm Nhật của mình với tư cách đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô, Yeltsin đã đưa ra kế hoạch năm giai đoạn:1. Matxcơva thừa nhận có vấn đề lãnh thổ; 2. Tuyên bố Nam Kuril là vùng đặc quyền kinh tế; 3. Phi quân sự hoá 4 đảo đang tranh chấp; 4. Ký hiệp ước hoà bình; 5. Các thế hệ tương lai giải quyết dứt điểm vấn đề.
Tháng 10 năm 1993, trong chuyến thăm Nhật, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã chính thức thừa nhận cốt lõi vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật là chủ quyền đối với vùng lãnh thổ phía Bắc. Chuyến thăm kết thúc bằng Tuyên bố Tokyo kêu gọi một giải pháp cho tranh chấp quần đảo Kuril dựa trên những nguyên tắc về luật pháp và công lý. Tuy nhiên, tiếp xúc Nhật- Nga trong giai đoạn này không đi đến kết quả cụ thể nào. Không những thế, triển vọng giải quyết vấn đề lãnh thổ và ký Hiệp ước hoà bình không sáng sủa gì hơn thời kỳ chiến tranh lạnh bởi trở ngại nội bộ cả hai bên.
Lợi ích của Nhật và Nga đối với một giải pháp cho tranh chấp quần đảo Kuril:
Cả Nhật Bản và Nga đều có những lợi ích vô cùng to lớn trong việc đạt được một giải pháp cho tranh chấp quần đảo Kuril, làm cơ sở cho việc ký Hiệp định hoà bình và cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Lợi ích của Nhật:
Đối với Nhật, vùng lãnh thổ phía Bắc có ý nghĩa nhiều hơn về mặt tâm lý và thể diện dân tộc, bởi chừng nào những đảo này còn nằm trong tay Nga thì Nhật còn cảm thấy gánh nặng của một nước bại trận trong chiến tranh thế giới thứ hai-một gánh nặng mà Nhật đã luôn cố gắng thoát ra trong những thập kỷ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, nếu Nhật không vượt qua được gánh nặng tâm lý và không thoả hiệp để tiến tới một giải pháp thì những lợi ích to lớn, lâu dài của Nhật sẽ bị ảnh hưởng. Thứ nhất, Nhật có lợi ích an ninh trực tiếp đối với một nước Nga láng giềng hữu nghị, ổn định và phát triển. Một nước Nga thù địch, bất ổn định và nội chiến sẽ là mối đe doạ trực tiếp đối với Nhật Bản. Thứ hai, nước Nga với những tài nguyên thiên nhiên bất tận và một thị trường to lớn sẽ tạo ra những cơ hội không thể bỏ qua cho kinh tế Nhật Bản. Dầu lửa và khí đốt thiên nhiên của vùng Viễn Đông có ý nghĩa chiến lược đối với nước Nhật Bản nghèo tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt khi tính đến sự cần thiết đa dạng hoá nguồn cung cấp nhiên liệu của Nhật.
Cuối cùng, việc cải thiện quan hệ với Nga phù hợp với những nỗ lực chung của Nhật Bản tăng cường vai trò quốc tế của mình thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Nhật sẽ có cơ hội để đóng một vai trò đặc biệt trong sự chuyển đổi của nước Nga. Hơn nữa, Nhật cũng rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, cải thiện quan hệ với Nga nằm trong điều chỉnh chính sách chung của Nhật theo hướng cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào Mỹ như trước đây, qua đó tăng cường vai trò chính trị của mình ở khu vực và trên thế giới.
Trong diễn văn trước Quốc hội Nhật Bản chiều ngày 16/2/1998, cựu Thủ tướng Nhật Hashimoto đã tuyên bố: "4 nước Mỹ Nhật Trung Nga thiết lập mối quan hệ trên cơ sở tin cậy và phối hợp là quan trọng, vì hoà bình và ổn định ở châu A'-Thái Bình Dương. Trong đó, tôi chú trọng nhất việc triệt để cải thiện quan hệ với Liên bang Nga".
Lợi ích của Nga:
Vấn đề chủ quyền các hòn đảo tranh chấp cũng có ý nghĩa tượng trưng, tâm lý và đặc biệt là lòng tự hào dân tộc đối với Nga. Vượt lên trên nhũng lý do đó, Nga có những lợi ích to lớn trong việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ với Nhật. Cải cách kinh tế và những nỗ lực đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng sẽ có được sự ủng hộ của Nhật, một cường quốc về kinh tế mà sự giúp đỡ về vốn cũng như công nghệ, kỹ thuật có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Nga. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh những kỳ vọng của Nga về sự hỗ trợ của Mỹ và các nước phương Tây khác đối với cải cách kinh tế đã tỏ ra không có cơ sở. Những tính toán về kinh tế có thể nói là ưu tiên hàng đầu của Nga trong quan hệ với Nhật.
Cải thiện quan hệ với Nhật Bản cũng phù hợp với lợi ích chính trị của Nga. Trước xu thế Mỹ ngày càng trở nên lũng đoạn các công việc quốc tế, mục tiêu nổi bật của ngoại giao Nga là góp phần tạo dựng một trật tự đa cực trong đó Nga cũng là một cực quan trọng. Điều này cũng nhằm hạn chế vai trò áp đảo của Mỹ và bảo vệ vị trí nước lớn của Nga. Để thực hiện mục tiêu này, Nga thực hiện chính sách ngoại giao đa phương hoá và đặc biệt đặt trọng tâm vào củng cố quan hệ với các nước lớn.
Quan trọng hơn, có thể thấy những tính toán về cân bằng quyền lực ở châu A'- Thái Bình Dương có tác dụng như lực đẩy hai nước láng giềng lại với nhau. Theo bản báo cáo tổng kết chiến lược của Viện nghiên cứu chiến lược Luân Đôn (IISS), Nhật và Nga chia sẻ mối lo ngại chung đối với một nước Trung Quốc quân sự hùng mạnh đang nổi lên và chiều hướng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc. Mặc dù Nga và Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện quan hệ song phương được đánh dấu đặc biệt bởi tuyên bố xây dựng mối quan hệ "đối tác chiến lược cho thế kỷ 21", mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung không được xây dựng trên cơ sở bền vững cả về mặt kinh tế, an ninh cũng như chính trị. Những tính toán ngắn hạn của Nga như mối lợi thu được từ việc bán vũ khí cho Trung Quốc cũng như việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhằm phục vụ mục tiêu hoà nhập với dòng chảy chính trong quan hệ quốc tế ở Đông A' và cũng để cân bằng quan hệ không mấy xuôn xẻ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, là nguyên nhân chủ yếu. Tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế thấp, những nghi kỵ do lịch sử để lại và những tính toán chiến lược lâu dài mâu thuẫn đặt mối quan hệ đối tác chiến lược này trước những thách thức to lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Tướng Rodionov trong tiếp xúc riêng với phía Nhật đã khẳng định có những hạn chế đối với sự phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Nga -Trung.
Tóm lại, nhìn từ góc độ lợi ích và tính toán chiến lược thì quan hệ Nga- Nhật hoàn toàn có khả năng phát triển theo hướng tích cực. Hơn nữa, đối với cả Nhật và Nga, nhóm đảo này không có tầm quan trọng sống còn cả về mặt chiến lược lẫn lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, một giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ chấp nhận được cho cả Nhật và Nga phải đứng trước những trở ngại nội bộ không dễ vượt qua.
Giải pháp cho tranh chấp đảo Kuril: những trở ngại chính:
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, bối cảnh quốc tế và mâu thuẫn đối kháng hai cực là một trong những trở ngại to lớn, nếu không nói là có tính chất quyết định đối với quan hệ Nhật -Xô. Mỹ luôn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Nhật để tiến tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Phụ thuộc vào Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Nhật Bản không thể không tính đến lập trường của Mỹ trong quan hệ với Liên Xô. Tuy nhiên, lập trường căn bản của Mỹ đã thay đổi cùng với sự kết thúc chiến tranh lạnh. Mỹ tỏ ý ủng hộ việc Nhật và Nga sớm giải quyết vấn đề lãnh thổ và cải thiện quan hệ song phương. Trung Quốc, vốn luôn quyết tâm đào sâu mâu thuẫn Nhật- Xô trong bối cảnh mâu thuẫn Xô- Trung thời kỳ chiến tranh lạnh, nay cũng đã tỏ thái độ ủng hộ việc Nhật- Nga xích lại gần nhau. Trong khi môi trường quốc tế trở nên thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ Nhật-Nga, những trở ngại trong nước trở thành những lực cản chủ yếu đối với vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước.
Đối với Nhật Bản, nhượng bộ đối với Nga trong vấn đề lãnh thổ sẽ khơi dậy sự chống đối của các lực lượng hữu khuynh ở Nhật Bản. Sẽ không dễ dàng đối với tân Thủ tướng Nhật Keijo Obuchi trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của Thượng Nghị Viện đối với một giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ với Nga. Mặc dù LDP vẫn chiếm đa số trong Hạ Nghị Viện, nhưng thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 7/98 đã đặt LDP vào vị trí thiểu số trong Thượng Nghị Viện. Tình hình này đặt vị tân thủ tướng vào một tư thế khó khăn trong việc thực hiện chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nặng nề trong nước cũng như ở châu A', ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nhật là phục hồi phát triển kinh tế và đưa Nhật Bản ra khỏi cơn suy thoái trầm trọng đã kéo dài gần một thập kỷ.
Đối với Nga, tình hình kinh tế và chính trị trong nước của Nga cũng không dễ dàng hơn đối với việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật. Những nỗ lực cải cách kinh tế của Nga cho đến nay vẫn chưa thu được kết quả. Không những thế, khủng hoảng kinh tế và tài chính của Nga trầm trọng hơn bao giờ hết. Bất ổn định chính trị cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong tình hình Nga thời gian gần đây. Trong bối cảnh như vậy, khả năng Nga nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ là gần như không thể có. Phần lớn người Nga cho rằng đây chưa phải là thời điểm để giải quyết vấn đề lãnh thổ. Khủng hoảng kinh tế đi liền với khủng hoảng chính trị đã xói mòn cơ sở quyền lực của Yeltsin. Hơn nữa, sức khoẻ của Yeltsin càng ngày càng suy yếu, và điều này đã có ảnh hưởng rõ ràng đối với sự tham gia của Nga vào các vấn đề quốc tế. Gần đây, trong cuộc gặp thượng đỉnh APEC ở Kuala Lumpur, khi Nga được chính thức chấp nhận là thành viên của APEC, Tổng thống Nga Yeltsin đã không thể tham dự vì vấn đề sức khoẻ và Thủ tướng Nga Primakov đã phải thay mặt Yeltsin dự cuộc họp này. Trong chuyến thăm Nga từ ngày 22 đến 24/11/1998, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã phải gặp Yeltsin và tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại bệnh viện nơi Yeltsin đang điều trị bệnh phổi. Bởi cá nhân Yeltsin đóng một vai trò rất quan trọng trong quan hệ Nhật Nga, vấn đề sức khoẻ của ông có khả năng trở thành trở ngại chính trong việc tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ Nhật -Nga.
Tiến triển trong quan hệ Nhật Nga và triển vọng:
Từ đầu năm 1997, quan hệ Nhật- Nga có những bước tiến triển khả quan. Sự hợp tác của phía Nga trong việc điều tra vụ tàu chở dầu của Nga bị đắm ở Biển Nhật Bản tháng 1/1997 đã tác động tích cực lên tâm lý lãnh đạo Nhật. Không lâu sau đó, tháng 3/97, Thủ tướng Nhật Hashimoto đã bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc Nga trở thành thành viên của nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Nhật cũng tích cực ủng hộ nỗ lực của Nga gia nhập APEC và WTO. Đáp lại thiện ý của Thủ tướng Nhật, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã tuyên bố trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 tại Denver tháng 6/1997 là tên lửa của Nga không còn chĩa vào Nhật Bản, Nga không phản đối việc nâng cấp hiệp định an ninh Mỹ-Nhật và hơn nữa, Nga ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những cử chỉ mang đầy tính xây dựng giữa hai nhà lãnh đạo đã mở đường cho cuộc gặp riêng nồng ấm nhất giữa các nhà lãnh đạo Nhật- Nga trong thế kỷ 20. Có thể nói quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật là một trong những nhân tố dẫn đến bước đột phá trong quan hệ song phương. Thủ tướng Nhật Hashimoto khi đọc diễn văn từ chức trước Quốc hội Nhật cũng đã công nhận thành tựu đối ngoại quan trọng bậc nhất của mình (thoả thuận Krasnoyarsk) một phần đạt được nhờ tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với B. Yeltsin. Cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tại Krasnoyarsk giữa Hashimoto và Yeltsin đã đánh dấu bước chuyển lịch sử trong quan hệ Nhật Nga với quyết tâm của hai nước ký được Hiệp định hoà bình trước năm 2000.
Tháng 4/1998, trong cuộc gặp không chính thức tại Kawana, Nhật Bản, Hashimoto đã đề nghị một giải pháp đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Nga. Mặc dù toàn văn giải pháp của Hashimoto chưa bao giờ được công bố, theo một số nguồn tin không chính thức, Hashimoto đề nghị hoạch định đường biên giới Nhật- Nga phía Bắc đảo Etorufu (1 trong số 4 đảo tranh chấp). Đề nghị của Hashimoto có nghĩa là Nga trao lại chủ quyền của cả 4 hòn đảo tranh chấp cho Nhật trong khi Nhật công nhận quyền quản lý hành chính tạm thời của Nga đối với 4 hòn đảo này. Theo kế hoạch, Tổng thống Nga Yeltsin đã trả lời đề nghị của Hashimoto trong dịp Thủ tướng Nhật Obuchi thăm chính thức Nga từ ngày 11 đến 13 tháng 11 năm 1998. Cũng như đề nghị của Hashimoto, phản hồi của phía Nga không được công bố chính thức. Theo nguồn tin của Hãng Thông tấn Interfax, Nga vẫn không thay đổi lập trường và tiếp tục khẳng định chủ quyền của Nga đối với bốn hòn đảo đang tranh chấp. Tuy nhiên, theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Obuchi, hai bên đã thống nhất thành lập hai ủy ban về phát triển kinh tế bốn hòn đảo đang tranh chấp và về việc hoạch định biên giới giữa Nhật và Nga ở vùng lãnh thổ phía Bắc.
Những diễn biến tích cực trong quan hệ Nhật- Nga dường như đã làm cho triển vọng giải quyết vấn đề lãnh thổ và ký Hiệp định hoà bình trở nên hiện thực hơn. Tuy nhiên, thực chất những tiến bộ đạt được không có hiệu lực đảm bảo hai nước sẽ thực hiện được cam kết đúng thời hạn, tức là trước năm 2000 bởi những trở ngại trình bày phần trên, đặc biệt là từ phía Nga. Hơn nữa, trong số các phương án đang được bàn đến, không có một phương án tối ưu có thể chấp nhận được đối với cả hai bên.
Phương án thứ nhất, trao trả cả 4 đảo vùng lãnh thổ phía Bắc cho Nhật là không thể hình dung được đối với phía Nga trong tình hình hiện nay, dù cho Nhật sẵn sàng cung cấp những khoản viện trợ kinh tế khổng lồ.
Phương án thứ hai, trao trả 2 đảo theo như thoả thuận năm 1956 cũng không hiện thực vào thời điểm hiện nay. Bất cứ sự nhượng bộ nào từ phía Yeltsin sẽ gây ra sự phản đối quyết liệt của những người cộng sản- Đảng đối lập lớn nhất ở Đuma quốc gia. Hơn nữa, phái quân sự Nga cực lực chống lại bất cứ sự nhượng bộ lãnh thổ nào với Nhật. Trong tình hình hiện nay, nhượng bộ với Nhật về vấn đề lãnh thổ gần như có nghĩa Yeltsin tự đặt dấu chấm hết lên con đường công danh chính trị của mình. Điều này khó có thể xảy ra đối với một nhà chính trị như Yeltsin.
Phương án thứ 3 là cùng phát triển kinh tế vùng lãnh thổ phía Bắc. Đây là phương án được phía Nga ủng hộ bởi Nga sẽ không phải đối đầu với vấn đề chủ quyền những hòn đảo đang tranh chấp trong khi vẫn đạt được mục tiêu chủ yếu của mình là tranh thủ Nhật về hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, Nhật tỏ ra lạnh nhạt với phương án này bởi lo ngại về ý định của Nga nhằm ký Hiệp định hoà bình trong khi gác lại vô thời hạn vấn đề chủ quyền.
Phương án cuối cùng, Nga cho Nhật thuê dài hạn hai đảo Shikotan và Habomai mà phía Nga đã đồng ý trao trả cho Nhật năm 1956 khó có thể có được sự ủng hộ của Nhật. Chấp nhận thuê cho dù thời hạn dài bao nhiêu vô hình chung là Nhật công nhận chủ quyền của Nga đối với những hòn đảo này.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng con đường dẫn tới Hiệp định hoà bình giữa Nhật và Nga dường như mới bắt đầu. Nếu tính đến những trở ngại cả hai nước phải vượt qua để đi đến được một giải pháp dung hoà cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ, quá trình này sẽ lâu dài và khó khăn. Tuy nhiên, bởi việc bình thường hoá quan hệ Nhật- Nga không chỉ đem lại những lợi ích to lớn cho hai nước mà còn góp phần vào hoà bình và ổn định ở châu A'- Thái Bình Dương, chúng ta chỉ có thể hy vọng quan hệ hai nước sẽ theo kịp những biến đổi lớn lao đã và đang diễn ra trước ngưỡng cửa thế kỷ 21./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét