Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Quan hệ Trung - Mỹ: đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ 21


Quan hệ Trung - Mỹ: đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ 21
Tác giả: Phạm Cao Phong.
I. Bước phát triển mới trong quan hệ Trung- Mỹ:
1.1. Từ ngày 26/10 đến ngày 4/11/1997, chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân đã thăm chính thức Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, sau 12 năm thiếu vắng những chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, kể từ chuyến thăm Mỹ của cựu Chủ tịch Dương Thượng Côn năm 1985. Kết thúc chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã ra thông cáo chung, trong đó nêu rõ: "Hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng thông qua việc tăng cường hợp tác để đối phó với thách thức của thế giới và thúc đẩy hoà bình và phát triển trên thế giới. Hai bên nhận thức rằng mối quan hệ ổn định giữa Trung Quốc và Mỹ là quan trọng đối với việc thực hiện trách nhiệm chung của hai nước là phấn đấu vì hoà bình và thịnh vượng của thế kỷ XXI", "hai nước có chung lợi ích đáng kể và ý chí sắt đá tìm kiếm mọi cơ hội và đấu tranh với những thách thức trong mối quan hệ hợp tác, sự vô tư và lòng quyết tâm để nhằm đạt được những tiến bộ cụ thể... Hai nước có tiềm năng hợp tác to lớn trong việc duy trì hoà bìnhvà ổn định trên thế giới và khu vực, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hoặc phá huỷ hàng loạt, thúc đẩy sự hợp tác ở Châu A' -Thái Bình Dương (CA-TBD), chống lại việc buôn bán ma tuý, tội ác có tổ chức trên thế giới và nạn khủng bố, tăng cường trao đổi và hợp tác song phương trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, thương mại , luật pháp, bảo vệ môi trường, năng lượng, khoa học kỹ thuật và giáo dục, văn hoá cũng như cam kết trao đổi về các đoàn quân sự"(1). Hai bên cũng đạt được thoả thuận về việc: lập đường dây nóng giữa hai nước, trao đổi các đoàn đại biểu quan chức của chính phủ và các cơ quan thuộc chính phủ nhằm tham khảo lẫn nhau về chính trị, quân sự, an ninh và kiểm soát vũ khí, thiết lập cơ chế tham khảo giữa quân đội hai nước nhằm tăng cường an toàn hàng hải về quân sự. Đồng thời đã ký thoả thuận về một số vấn đề cụ thể như: Mỹ sẽ cung cấp cho Trung Quốc kỹ thuật hạt nhân dùng cho lò phát điện, Trung Quốc cam kết không cung cấp kỹ thuật hạt nhân cho Iran, ký hợp đồng mua bán máy bay Boeing trị giá 3,2 tỷ đôla Mỹ, v.v...
Nếu tuyên bố Thượng Hải năm 1972 nhân chuyến thăm Trung Quốc của cựu Tổng thống Mỹ Nixon đặt nền tảng cho quan hệ Trung - Mỹ, thì chuyến đi thăm Mỹ vừa qua của chủ tịch Giang Trạch Dân đã đưa quan hệ giữa hai nước vào giai đoạn phát triển mới. Chưa bao giờ Trung Quốc lại được Mỹ dành cho một vị thế tương đối bình đẳng như hiện nay. Ngoài ra, so với ba bản tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Mỹ ký kết vào các năm 1972, 1979 và 1982, thì bản Thông cáo chung lần này đề cập một cách đầy đủ nhất đến việc tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực giữa Trung Quốc và Mỹ. So với trước, sự hiểu biết giữa hai bên tăng lên, quan hệ Trung- Mỹ phát triển ổn định hơn, nếu có nẩy sinh vấn đề thì lãnh đạo cao cấp hai nước có thể liên lạc trực tiếp với nhau hoặc thông qua cơ chế tham khảo để bàn bạc giải quyết. Đây là những thoả thuận mới chưa từng có giữa hai nước.
1.2. Sở dĩ quan hệ Trung - Mỹ đạt được bước phát triển như trên là do trong thời gian qua, cả hai nước đều tích cực điều chỉnh chính sách với mục tiêu đưa quan hệ Trung - Mỹ đi vào ổn định hơn. Về phần mình, Trung Quốc nhận thức rằng tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sau sự kiện Thiên An Môn 1989 với đỉnh cao là cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan 1996 bị kéo dài sẽ tác động xấu ( nếu không muốn nói là đe doạ) đến việc thực hiện chiến lược bốn hiện đại hoá, thống nhất tổ quốc, tăng cường quan hệ đối ngoại và phát huy ảnh hưởng, vị trí, vai trò của Trung Quốc trên trường Quốc tế, trước hết là ở khu vực CA- TBD. Do đó, Trung Quốc đã coi việc cải thiện và duy trì quan hệ ổn định với Mỹ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại điều chỉnh quan hệ với các nước lớn trên thế giới nhằm tạo ra sự cân bằng chiến lược có lợi cho mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển toàn diện của Trung Quốc. Phương châm 16 chữ do Giang Trạch Dân đưa ra trong thời điểm sau sự kiện Thiên An Môn khi Trung Quốc và phương Tây tiến hành bao vây cấm vận là: "Tăng thêm niềm tin, giảm bớt phiền phức, phát triển hợp tác, không đối kháng nhau" đã được chuyển thành: " Tăng thêm hiểu biết, mở rộng nhận thức, phát triển hợp tác mở ra tương lai"(1). Trong hoàn cảnh khó khăn do Mỹ lập "vành đai đen" xung quanh Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn, Trung Quốc đã khéo léo khai thông được quan hệ với Mỹ, thể hiện ở hai điểm sau: thứ nhất, Trung Quốc đã lợi dụng chính sách "dính líu" của Mỹ để tăng cường tiếp xúc toàn diện với các chính sách khác nhau tác động vào nội bộ Mỹ, làm dung hoà bớt những quan điểm thù địch đối với Trung Quốc, khuyến khích những quan điểm có lợi cho Trung Quốc để một mặt buộc Mỹ phải thừa nhận vị trí , vai trò của mình; mặt khác dùng những cam kết song phương, kể cả cam kết cấp cao làm thúc đẩy quan hệ Trung- Mỹ phát triển tích cực(2). Thứ hai, Trung Quốc đã dùng các mối quan hệ khác như việc phát triển quan hệ Trung- Nga, Trung Quốc- Liên minh Châu Âu (chủ yếu là với Pháp và Đức) để tác động vào quan hệ Trung- Mỹ.
Sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ diễn ra trong môi trường quốc tế thuận lợi. Các nước lớn đang dàn xếp thoả thuận với nhau về một khung quan hệ tiến tới việc hình thành một trật tự quốc tế mới. Trong nội bộ Mỹ cũng có những điều kiện thuận lợi đối với sự điều chỉnh chính sách nói trên của Trung Quốc. Nếu như trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Clinton còn phải tính đến dư luận công chúng và Quốc hội Mỹ đòi thực hiện lời hứa rằng chính quyền Mỹ do ông đứng đầu sẽ thi hành chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, thì thắng cử nhiệm kỳ hai đã tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với cá nhân tổng thống Clinton và chính quyền của ông ta trong việc điều chỉnh chính sách đối với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, những thắng lợi về kinh tế đạt được trong nhiệm kỳ đầu đã tạo điều kiện cho chính quyền Clinton trong nhiệm kỳ hai của mình có thể tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực đối ngoại, trong đó có việc triển khai chính sách tích cực hơn đối với Trung Quốc. Mỹ đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, từ chính sách "dính líu" (với những tên gọi khác nhau như "dính líu tích cực", "dính líu toàn diện" v.v...) với nội dung chính là buộc Trung Quốc chấp nhận luật chơi do Mỹ đề ra, chấp nhận những giá trị về dân chủ, nhân quyền của Mỹ theo phương châm "tiếp cận rắn"sang "chính sách liên kết thực dụng" (mà một số nhàquan sát còn gọi là chính sách "cam kết xây dựng". Nội dung chính của chính sách này là tăng cường quan hệ song phương Mỹ - Trung để phục vụ trước hết cho lợi ích của Mỹ theo tinh thần "nước Mỹ trên hết", đề cập tới luật chơi, những giá trị của Mỹ theo phương châm "tiếp cận mềm" một cách linh hoạt hơn, tuỳ từng vấn đề và từng thời điểm, không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc là: thúc đẩy sự hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế; khuyến khích nền kinh tế thị trường và quá trình dân chủ hoá về chính trị ở Trung Quốc; lôi kéo Trung Quốc vào một trật tự thế giới mới, chấp nhận luật chơi của Mỹ. Nó không những phù hợp với yêu cầu tăng cường quan hệ của Trung Quốc, mà còn được các đồng minh của Mỹ ủng hộ. Josept S. Nye, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: "Các đồng minh và các bạn của chúng ta (chỉ nước Mỹ) trong khu vực ủng hộ một chính sách giao kết. Nếu chúng ta quyết định một cách sai lầm, thực hiện một chính sách ngăn chặn rộng rãi, chứ không phải giao kết với Trung Quốc thì chúng ta sẽ tiến hành chính sách này một cách đơn độc ở Châu A', không có sự ủng hộ của các đồng minh chủ chốt"(4).
2. Những nhân tố chi phối quan hệ Trung- Mỹ:
2.1. Những nhân tố thuận:
a) Những điểm song trùng về lợi ích:
Về kinh tế: Đối với Trung Quốc, Mỹ là một nguồn cung cấp vốn đầu tư và kỹ thuật cao, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, để thực hiện công cuộc bốn hiện đại hoá. Hiện nay, Mỹ đầu tư vào 23250 công trình (phần lớn là công trình kỹ thuật cao) tại Trung Quốc với tổng số vốn lên tới 36,8 tỷ đôla Mỹ (kể cả đầu tư của Mỹ vào Hồng Kông), đứng thứ ba trong tổng số các nhà đầu tư bên ngoài vào thị trường Trung Quốc sau Đài Loan và Nhật Bản(5). Về thương mại, Mỹ là bạn hàng lớn thứ hai của Trung Quốc (sau Nhật Bản) với mức tăng bình quân hàng năm là 22,6%, vượt mức tăng trung bình hàng năm về ngoại thương của Trung Quốc trong cùng thời kỳ là15,9%. Theo số liệu của Trung Quốc, thương mại Trung- Mỹ (không bao gồm buôn bán qua Hồng Kông) tăng liên tục, từ 11,77 tỷ đôla Mỹ năm 1990 lên tới 48,99 tỷ đôla Mỹ năm 1997 với tỷ lệ tương ứng trong tổng kim ngạch ngoại thương Trung Quốc là 10,2% năm 1990 và 15,1% năm 1997(6). Theo số liệu của Mỹ, kim ngạch mậu dịch giữa hai nước là 64,5 tỷ đôla Mỹ (bao gồm cả buôn bán qua Hồng Kông)(7). Ngoài ra, Mỹ còn là một nước có tiếng nói quan trọng trong các tổ chức tài chính và thương mại quốc tế như quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) , Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Các công ty Mỹ có nhiều cổ phần trong nhiều công ty đa quốc gia và xuyên quốc gia, có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đối với Mỹ, Trung Quốc là một thị trường hàng hóa và đầu tư quan trọng. Trong bối cảnh tiến trình khu vực hoá và toàn cầu hoá diễn ra ngày càng nhanh, cả thế giới là một thị trường thống nhất (thị trường mở), thì sự cạnh tranh về thị trường ngày càng gay gắt và đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi nước. Do đó, các nhà tư bản Mỹ không thể bỏ qua Trung Quốc - một thị trường có thể giúp nước Mỹ nâng cao hơn nữa sức mạnh kinh tế, duy trì vị trí số một về kinh tế trên thế giới. Thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) chỉ chiếm khoảng 3,8% tổng kim ngạch ngoại thương của Mỹ và chỉ chiếm 9,55% thương mại giữa Mỹ với khu vực CA- TBD, nhưng đã tạo công ăn việc làm cho 170.000 công dân Mỹ(8).
Về an ninh chính trị: Đối với Trung Quốc, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì sự ổn định của đất nước. Xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, Mỹ phải sử dụng có mức độ những con bài về dân chủ, nhân quyền hoặc phong trào đòi ly khai ở Tây Tạng, Tân Cương để làm sao không tạo sự bất ổn về chính trị ở Trung Quốc hoặc làm ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Trung tới mức đi ngược lại những tính toán của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo quan điểm của Trung Quốc, trong thời kỳ quá độ tiến lên một trật tự thế giới mới, Mỹ là siêu cường duy nhất, có tiềm lực kinh tế và khoa học kỹ thuật lớn, có vị trí vai trò rất quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh Trung Quốc bị bao vây cấm vận sau sự kiện Thiên An Môn 1989, Trung Quốc xác định rằng cải thiện quan hệ với Mỹ không phải là bước đột phá khẩu, nhưng là mục tiêu quan trọng nhất. Duy trì quan hệ ổn định với Mỹ giúp Trung Quốc một mặt thực hiện được mục tiêu phát triển đất nước, mặt khác giúp trung Quốc có vị thế cao hơn trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ với các nước phương Tây nói riêng. Điều đó giải thích tại sao từ 1989 đến nay Trung Quốc luôn tỏ ra mềm mỏng và có nhiều nhượng bộ với Mỹ về những vấn đề cụ thể như dân chủ, nhân quyền, bán vũ khí cho Iran... nhằm đạt được mục tiêu lớn là cải thiện quan hệ với Mỹ, hy sinh "tiểu cục" để đạt được "đại cục"; ở CA- TBD, Trung Quốc coi việc cải thiện quan hệ Trung- Mỹ là một biện pháp nhằm tạo ra sự cân bằng quan hệ trong tam giác Mỹ- Trung- Nhật. Trung Quốc coi phát triển quan hệ với Mỹ là một phương cách nhằm nâng cao vị thế của Trung Quốc trong quan hệ tam giác này, nhất là trong bối cảnh Mỹ- Nhật vừa ký Hiệp ước an ninh với nội dung có tính chất kiềm chế Trung Quốc, và Nhật Bản đang muốn có một vị trí chính trị xứng đáng hơn với tiềm năng kinh tế của mình và sự cọ sát giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở khu vực CA- TBD có xu hướng gia tăng. Đối với Mỹ, từ đầu thập niên đến nay, chính sách đối ngoại của Mỹ được xây dựng trên cơ sở chính sách chung là tập trung vào các vấn đề đối nội, phục vụ trước hết cho sự phát triển trong nước. Mỹ muốn có sự hợp tác của các nước khác trong việc duy trì an ninh thế giới, trong đó Mỹ đóng vai trò chủ đạo nhằm duy trì lợi ích truyền thống của Mỹ trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Một cường quốc đang lớn mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, là uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là đối tượng mà Mỹ phải duy trì và phát triển quan hệ, nhất là trong việc bảo đảm an ninh ở CA- TBD. Trung Quốc còn là một nhân tố quan trọng mà Mỹ sử dụng để hạn chế sự phát huy vai trò ảnh hưởng của Nhật Bản nhằm đảm bảo cho các lợi ích của Mỹ ở khu vực CA- TBD. Phát triển quan hệ song phương với Trung Quốc và Nga là một trong những biện pháp được Mỹ tính toán nhằm chia tách mối quan hệ "đối tác chiến lược Trung- Nga" trong tứ giác Mỹ- Trung- Nga- Nhật. Quan hệ tốt với Trung Quốc còn giúp Mỹ kiểm soát được vấn đề phát triển vũ khí, trong đó có vũ khí hạt nhân, của một số nước như Iran, Pakistan,... tránh cho Mỹ cùng một lúc phải đối phó với quá nhiều vấn đề quốc tế.
b) Nhân tố quốc tế: Sau khi Liên Xô sụp đổ, những tư duy của thời kỳ chiến tranh lạnh dựa trên cơ sở ý thức hệ, quan hệ quốc tế mang tính chất đối kháng, loại trừ lẫn nhau đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hoá về kinh tế đòi hỏi các nước phải có mối liên hệ với nhau, cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu: về phát triển kinh tế, bệnh dịch, môi trường, chống khủng bố, buôn lậu ma tuý v.v... Đó là nguyên nhân đưa đến thực tế vừa đấu tranh, vừa hợp tác giữa các nước từ đầu thập niên đến nay. Một điều cần nhận thấy là việc chưa có một mối quan hệ giữa các nước lớn từ đầu thâp niên 90 đến nay là một nguyên nhân đưa đến những điều không chắc chắn trong sự phát triển của tình hình thế giới. Điều đó đòi hỏi các nước lớn phải điều chỉnh chính sách, nhằm tạo ra khung cơ bản trong quan hệ giữa các nước này, không những nhằm đảm bảo lợi ích của họ, mà còn tác động đếnviệc định hình sự phát triển của quan hệ quốc tế sau khi Liên Xô bị sụp đổ. Đây là một nguyên nhân quan trọng tác động đến chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ và ngược lại, khiến cho hai nước Trung- Mỹ, cho dù mục tiêu chiến lược cao nhất trái ngược nhau, nhưng vẫn đều nhận thức được yêu cầu phải tiến hành cải thiện quan hệ, xây dựng mối quan hệ " đối tác chiến lược" với nhau.
2.2. Những nhân tố nghịch:
a). Điểm khác biệt về lợi ích chiến lược: Như trên đã phân tích, Trung Quốc và Mỹ có những lợi ích song trùng, cần phát triển mối quan hệ song phương. Nhưng về mặt chiến lược, lợi ích của hai bên lại không phù hợp với nhau. Mục tiêu của Mỹ là duy trì địa vị lãnh đạo thế giới, không để cho các nước cạnh tranh vai trò này của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc mặc dù tạm thời chấp nhận vai trò siêu cường của Mỹ, nhưng muốn thiết lập một thế giới đa cực, trong đó Trung Quốc là một cực, có vị trí và vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Sự mâu thuẫn về lợi ích chiến lược này có tính chất lâu dài, cạnh tranh nhau, nhưng không mang tính chất loại trừ nhau.
b). Nhân tố nội bộ mỗi nước: Quan hệ Trung- Mỹ chịu sự tác động của nhân tố nội bộ mỗi nước. Ngay sau chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Giang Trạch Dân, ngày 6/11/1997, Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua bảy đạo luật và hai nghị quyết kêu gọi xem xét lại mối quam hệ Mỹ- Trung do "vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc", thực chất là hạn chế quan hệ với Trung Quốc. Điều đó cho thấy, dù đạt được những thoả thuận vừa qua, quan hệ Trung- Mỹ vẫn cứ phải vượt qua những khó khăn do nội bộ Mỹ đưa lại. Ngay cả đối với Hồng Kông, "Đạo luật về chính sách của Mỹ đối với Hồng Kông" do cựu tổng thống Bush ký ngày 5/10/1992 cũng là một công cụ để một số giới ở Mỹ sử dụng chống lại Trung Quốc. Mỹ chưa từ bỏ hoàn toàn ý đồ kiềm chế Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, và luôn luôn tìm cách gây sức ép với Trung Quốc, tuy đề cập đến vấn đề này của các chính quyền Mỹ có khác nhau. Trong nhân dân Trung Quốc, tình cảm chống Mỹ vẫn còn. Năm 1996, Trung Quốc đã xuất bản cuốn sách "Trung Quốc có thể nói không", đề cập đến tình cảm chống Mỹ và khẳng định lòng quyết tâm của nhân dân Trung Quốc chống lại sức ép của Mỹ. Trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn có những quan điểm cứng rắn đối với Mỹ, coi Mỹ là nhân tố gây mất ổn định chính trị ở Trung Quốc thông qua "diễn biến hoà bình".
c) Vấn đề Đài Loan: Nếu như cải cách các xí nghiệp quốc doanh là vấn đề khó khăn nhất đối với việc thực hiện cải cách triệt để nền kinh tế, được coi là "mặt trận cuối cùng" của công cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc, thì giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất giữa hai miền là "mặt trận cuối cùng" về chính trị. Sự khác biệt về quan điểm thống nhất đất nước giữa chính phủ Trung Quốc và nhà cầm quyền Đài Loan, những cải cách về dân chủ, tiến hành bầu cử ở Đài Loan trong những năm gần đây và những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, kể cả trên lĩnh vực kinh tế, khiến cho vấn đề có phần khó giải quyết hơn. Nhưng vì lợi ích dân tộc, dù sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này. Năm 1994, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã đưa ra tuyên bố tám điểm để giải quyết vấn đề Đài Loan theo phương châm "một nước hai chế độ", trong đó nêu rõ vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua hoà bình, đồng thời cũng nói rõ Trung Quốc không tuyên bố không sử dụng vũ lực. Nhưng trên thực tế, việc sử dụng vũ lực sẽ là một quyết định vô cùng khó khăn đối với Trung Quốc(9). Vấn đề Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc nhưng lại rất nhậy cảm trong quan hệ Trung- Mỹ. Từ năm 1979 đến nay, sự căng thẳng về vấn đề này luôn thể hiện nhiệt độ trong quan hệ Trung- Mỹ. "Luật quan hệ với Đài Loan" do Quốc hội Mỹ thông qua ngày10/4/1979, nói rõ chính sách của Mỹ là: khẳng định quyết định của Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa chính là dựa trên lòng mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình; coi bất kỳ cố gắng nào nhằm quyết định tương lai của Đài Loan bằng biện pháp không hoà bình, kể cả biện pháp tẩy chay hoặc cấm vận, đều là mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và là mối quan tâm sâu sắc của Mỹ; cung cấp cho Đài Loan vũ khí phòng thủ; duy trì khả năng của Mỹ để chống lại bất kỳ phương sách sử dụng vũ lực và các biện pháp cưỡng ép khác có thể phá hoại chế độ an ninh hoặc chế độ kinh tế xã hội của nhân dân ở Đài Loan(10). Trên thực tế, Đài Loan được Mỹ sử dụng để kiềm chế con đường ra biển của Trung Quốc, đồng thời, gây sức ép khi cần thiết với Trung Quốc trong quan hệ song phương. Cố vấn an ninh quốc phòng Mỹ Berger đã thừa nhận rằng trong các đời Tổng thống Mỹ trước đây, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan đều lấy "Luật quan hệ với Đài Loan" làm chỗ dựa(11). Dựa trên Luật này mà đầu năm 1996 một số nghị sỹ Mỹ đã yêu cầu chính quyền B. Clinton phải đưa hai tầu sân bay đến gần eo biển Đài Loan để đảm bảo cho cuộc tuyển cử dân chủ đầu tiên ở Đài Loan được tiến hành thuận lợi. Mỹ cũng dựa vào Luật này để bán vũ khí cho Đài Loan. Thậm chí, một số nghị sĩ Mỹ đã đi xa hơn với quan niệm cho rằng "Luật quan hệ với Đài Loan" có giá trị pháp lý cao hơn ba tuyên bố Trung- Mỹ(12). Trong chuyến thăm Đài Loan gần đây, cựu cố vấn an ninh quốc gia A.Lake đã nói thẳng ra rằng: "Mỹ và Trung Quốc tuy cải thiện mối quan hệ nhưng tuyệt đối không hy sinh lợi ích của Đài Loan, đó là lập trường và chính sách trước sau như một của Mỹ"(13). Trước những câu hỏi do Trung Quốc đưa ra, Mỹ và Nhật Bản không bác bỏ cũng không thừa nhận rằng phạm vi phòng thủ của Hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật ký năm 1996 có bao gồm cả việc bảo vệ Đài Loan hay không, khiến cho Trung Quốc có những lý do để nghi ngờ và phản đối mạnh mẽ. Điều này cho thấy trong vòng 10- 15 năm tới, Đài Loan vẫn là vấn đề nhậy cảm trong quan hệ Trung- Mỹ. Trong tương lai, để giải quyết vấn đề nội bộ này, Trung Quốc phải tính đến thái độ và phản ứng của Mỹ. Liệu quan hệ hợp tác Trung- Mỹ thể hiện trong bản Thông cáo chung, những kinh nghiệm Trung Quốc có được trong việc thu hồi Hồng Kông một cách êm thấm với ông Đổng Kiến Hoa đứng đầu cơ quan hành chính của đặc khu có thể giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề này dễ dàng hơn chăng?
d) Vấn đề dân chủ, nhân quyền: Việc tuyên truyền và khuyến khích thực hiện dân chủ, nhân quyền theo quan niệm của Mỹ là một trong những nội dung chính sách đối ngoại của Mỹ. Mỹ coi vấn đề này là một nội dung của những giá trị của Mỹ, cần phải thúc đẩy thực hiện trên toàn thế giới. Quan niệm sai lầm như vậy đã dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với một số nước. Nhưng kể từ năm 1989 đến nay, Mỹ chĩa mũi nhọn chủ yếu vào Trung Quốc, khiến cho vấn đề nhân quyền, dân chủ trở thành vấn đề gay cấn trong quan hệ giữa hai nước, tuỳ từng thời điểm mà vấn đề này nổi lên với những mức độ khác nhau.
e) Về kinh tế: Sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và việc nước này hoà nhập nhiều hơn vào hệ thống kinh tế quốc tế sẽ khiến cho quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ nẩy sinh một số vấn đề và những vấn đề này sẽ ngày càng nhiều và phức tạp hơn. Trong thời gian qua, đã xẩy ra sự cọ sát giữa hai bên về vấn đề bản quyền, hàng dệt v.v... Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục xẩy ra những cọ sát tương tự, nhưng ít có thể xẩy ra chiến tranh mậu dịch giữa hai bên
3. Thay lời kết: triển vọng quan hệ Trung-Mỹ trong thời gian tới:
3.1. Xem xét đặc điểm phát triển của quan hệ Trung- Mỹ trong thời gian qua, chúng ta thấy mối quan hệ này chịu sự tác động của nhiều nhân tố: bối cảnh và trào lưu trên thế giới và khu vực; nhân tố nội bộ từng nước; những quan niệm khác nhau về dân chủ , nhân quyền; những mâu thuẫn về kinh tế v.v... Nhưng xét cho cùng, lợi ích chiến lược của mỗi bên trong hoàn cảnh quốc tế của từng thời kỳ là nhân tố chính chi phôí quan hệ giữa hai nước, khiến cho mối quan hệ này phát triển theo dạng hình sin, trải qua những bước thăng trầm khác nhau . Trong khoảng thời gian từ đầu năm 90 đến nay, tuy cả hai nước đều có lợi ích song trùng với nhau, nhưng hai bên lại tồn tại mâu thuẫn về chiến lược: Mỹ muốn duy trì thế giới một cực sau khi Liên Xô sụp đổ, trong khi Trung Quốc chủ trương một thế giới đa cực. Những mâu thuẫn không cơ bản giữa hai nước đã từng bị gạt sang một bên khi hai bên có cùng lợi ích hội tụ là chống Liên Xô, nay lại nổi lên những bất đồng xung quanh vấn đề Đài Loan, những quan niệm khác nhau về dân chủ, nhân quyền, những va chạm trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Do đó, có thể nói những lợi ích song trùng giữa hai nước: duy trì nền hoà bình và ổn định trên thế giới, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực đất nước và phát huy vai trò, vị trí trên trường quốc tế không chỉ đưa đến sự hợp tác giữa hai nước mà còn đưa đến sự đấu tranh giữa hai nước. Nhìn chung , tuỳ từng thời điểm, mặt đấu tranh hay mặt hợp tác nổi lên, nhưng từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hai nước chưa bao giờ bị đổ vỡ.
3.2 Chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Giang Trạch Dân cuối năm 1997 diễn ra trong bối cảnh có sự chuyển biến lớn trong quan hệ giữa các nước lớn. Các cường quốc đều điều chỉnh chính sách đối với nhau, là những cơ sở đầu tiên cho việc định hình quan hệ giữa các nước lớn trong thời kỳ tới. Tuy nội dung và mức độ thoả thuận giữa từng cặp trong bốn cường quốc nói trên có khác nhau, nhưng đều hứa hẹn quan hệ giữa các cường quốc này sẽ phát triển ổn định hơn, trong đó quan hệ kinh tế được coi trọng hơn trước. Phương cách đối xử cũ đã không còn phù hợp, quan hệ giữa các cường quốc được xây dựng trên cơ sở "đối tác", trong đó một mặt các nước sẽ tăng cường hợp tác với nhau. Mặc khác, lợi ích song trùng giữa các nước không chỉ mang lại "hoa thơm và trái ngọt", mà còn đưa đến những mâu thuẫn giữa các nước. Các cường quốc sẽ cạnh tranh với nhau trên từng vấn đề nhằm phục vụ lợi ích dân tộc, giữ được và phát huy vị trí và vai trò của mình trên trường quốc tế, nhưng không để cho quan hệ bị đổ vỡ. Những nước này có thể dễ đạt được thoả thuận với nhau ở một số điểm, nhưng sẽ cạnh tranh gay gắt với nhau ở những vấn đề có tính chiến lược trong mối quan hệ đan xen chồng chéo với nhau. Để tránh xung đột Mỹ- Trung, Samuel P. Huntington cho rằng Mỹ cần phải tôn trọng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền hoà bình kiểu Trung Hoa (Pax Sinica), nhưng liệu chính quyền Mỹ có chấp nhận điều đó(14)? Bản báo cáo chính trị tại Đại hội XV của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho rằng "Chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền vẫn là nguồn gốc chủ yếu đe doạ hoà bình và ổn định trên thế giới", và Trung Quốc cam kết "cần phải chống chủ nghĩa bá quyền". "Chủ nghĩa bá quyền" mà Trung Quốc đề cập là gì nếu như không phải là Mỹ? Cùng với sự lớn mạnh của Trung Quốc, không loại trừ khả năng quan hệ Trung- Mỹ gặp khó khăn do những mâu thuẫn về mặt chiến lược đưa lại. Do đó, cho dù hiện nay các nước lớn đều bầy tỏ nguyện vọng cải thiện quan hệ, chừng nào mà những sự cân bằng chiến lược giữa các nước vẫn chưa hoàn toàn được xác lập vững chắc, thì trong bối cảnh đó những điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Cho dù quan hệ "đối tác chiến lược" hay "hợp tác chiến lược" giữa các nước lớn được xác lập thì quan hệ giữa các nước lớn vẫn phát triển theo những bước thăng trầm khác nhau. Đây cũng là phương hướng phát triển quan hệ Trung- Mỹ trong vòng 10- 15 năm tới./.
Tài liệu tham khảo:
1. Gerrit W. Grong Bih jawlin (Edt)- American Relations at a time of Change. Centre of Strategic and International Studies- Washington, D.C1994.
2. Richard Bernstein & Ross H.Muro: Coming Battle with China. Alfred A. Knof, USD,1997.
3. Humphrey Hawksley & Simon Holberton: Dragon Strike. The Millennium War. Sidwick & Jackson, UK, 1997.
4. John F. Copper: China Diplomacy. The Washington- Taipei- Beijing Triangle. Wesstview press, 1992.
5. Far eastern Economic Review, Times, Newsweek, The Economist.
6. Ban tư tưởng- Văn hoá Trung ương: Thông tin các tư tưởng, 6/1996.
7. Nghiên cứu Trung cộng, Đài Loan, vol.32, 1/1998, bản tiếng Trung.
8. Business time, Singapor 26/12/1996.
9. Thông tấn xã Việt Nam: Tin tham khảo thế giới, Tin tham khảo đặc biệt.
10. Bộ Ngoại Giao: Bản tin A./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét