Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

TÌNH HỮU NGHỊ CHIẾN ĐẤU CHỐNG ĐẾ QUỐC XÂM LƯỢC CỦA CÁC CHÍ SĨ HAI NƯỚC VIỆT - HÀN Ở ĐẦU THẾ KỶ XX


TÌNH HỮU NGHỊ CHIẾN ĐẤU CHỐNG ĐẾ QUỐC XÂM LƯỢC CỦA CÁC CHÍ SĨ HAI NƯỚC VIỆT - HÀN Ở ĐẦU THẾ KỶ XX

Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa. Cùng ở trong khu vực địa lý phương Đông Châu Á (đồng châu), cùng chung màu da vàng (đồng chủng), cùng chịu ảnh hưởng của nền văn minh cổ đại Trung Hoa (đồng văn), cùng bị xâm lược, áp bức bóc lột của phong kiến Trung Quốc, thực dân phương Tây và đế quốc Nhật Bản (đồng cừu). Với bốn cái "đồng" đó, hai dân tộc Việt - Hàn đã từng có mối quan hệ giao lưu lịch sử - văn hóa lâu đời trên nhiều phương diện.
Trong kho tàng văn hiến của hai nước, cũng có nhiều tư liệu lịch sử quý giá, phản ánh mối quan hệ giữa hai nước. Từ thế kỷ XVII, các sứ thần Việt Nam và Triều Tiên từng gặp nhau ở Trung Quốc kết nghĩa bạn bè, trao đổi văn thơ, như Phùng Khắc Khoan (1528-1613) của Việt Nam đã có nhiều bài thơ tặng sứ thần Triều Tiên, nói lên tâm sự cùng hội cùng thuyền, trong đó có câu:
"Cổ vân: tứ hải giai huynh đệ,
Tương tế đồng chu xuất công xa".
(Người xưa: bốn bể là nhà,
Thuyền xa cùng chống, ngựa xe cùng ngồi)(1)
Trong tập thơ Phùng Công thi tập của Phùng Khắc Khoan có Lời tựa của Lý Tố Quang (sứ thần Triều Tiên) giới thiệu nội dung và nói lời cảm tưởng khá xúc động. Sang thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn (1726-1784) đi sứ sang Trung Quốc cũng kết bạn với sứ thần Triều Tiên là Hồng Khải Hy, họ lại có dịp trao đổi ý kiến về trứ tác văn thơ với nhau, nên chi trong hai tác phẩm của Lê Quý Đôn là cuốn Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm đều có lời đề Tựa của Hồng Khải Hy. Sau này, năm 1769, Lê Quý Đôn biên soạn cuốn Bắc sứ thông lục kể lại chuyến đi sứ nhà Thanh năm 1760 có nhiều tư liệu lịch sử về quan hệ Việt - Triều. Còn về phía Triều Tiên, kể từ những thế kỷ thời trung đại, các tác phẩm của các học giả Hàn Quốc biên soạn như: Triều kinh thi thiếp, Chi Phong tậpvà các bộ sử như Triều Tiên vương triều thực lục, đã được lưu hành tại Việt Nam, trong đó đều có đề cập đến sự thực lịch sử phong phú về mối quan hệ Hàn - Việt. Đặc biệt, từ xa xưa hơn, ở thế kỷ XII, bắt đầu có một nhóm người Việt Nam sang định cư ở Triều Tiên, trở thành dòng họ Lý (Lý Long Tường) gốc Đại Việt, đã góp phần xây dựng quê hương mới Hàn Quốc. Và rồi nhiều thế kỷ tiếp theo, mối quan hệ lịch sử và văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Hàn tiếp tục được nối dài bởi hoạt động của các sứ thần và của các thương nhân Việt Nam và Triều Tiên (mà ở trong bài viết ngắn này chúng tôi không kể lại nữa).
Từ thế kỷ XIX trở đi, khi chủ nghĩa tư bản phương Tây đã trở thành đế quốc xâm lược các nước phương Đông, thì hai nước Việt - Hàn cũng cùng nhau đứng trong một chiến tuyến để chống kẻ thù chung góp phần làm cho phong trào "Châu Á thức tỉnh".
Ở Việt Nam, khi thực dân Pháp đã bình định xong và xác lập ách thống trị tàn bạo của chúng cũng là lúc phong trào đấu tranh chống xâm lược của nhân dân lên cao. Bấy giờ, một số sĩ phu yêu nước tiến bộ tìm đường cứu nước mới theo xu hướng duy tân - cải cách hợp với thời đại mới. Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) đã sớm tập hợp, kết liên đồng chí, sáng lập ra Duy Tân Hội (1904), nhằm "đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập Chính phủ độc lập". Phan Bội Châu đã trực tiếp lãnh đạo phong trào Đông du (1905-1909) tuyển chọn hàng trăm thanh niên ưu tú, yêu nước xuất dương cầu học tại Nhật Bản, thành tài để trở về cứu nước.
Nhật Bản bấy giờ, sau "30 năm Duy tân của vua Minh Trị" đã trở thành một nước cường thịnh, thủ đô Tokyo trở thành trung tâm văn minh tiến bộ ở phương Đông, có sức thu hút mạnh mẽ nhiều nhà yêu nước của Châu Á đến đây học tập gương tự phấn, tự cường của Nhật Bản - người anh em "đồng chủng, đồng văn" này. Trong số các chí sĩ cách mạng, thanh niên yêu nước của các nước Á Đông có người Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin, Miến Điện, Inđônêxia... cũng có không ít người Việt và người Hàn. Tại đây họ có nhiều cơ hội giao lưu tình cảm, tư tưởng với nhau, cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm vận động cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền bá "tư tưởng  chống đế quốc - phong kiến" qua các tác phẩm văn thơ tuyên truyền yêu nước của mỗi nước đối với kẻ thù cướp nước họ. Như Phan Bội Châu năm 1905, tại Tokyo đã viết tác phẩm Việt Nam vong quốc sử, là một bản án tố cáo tội ác của thực dân Pháp tại Việt Nam. Tác phẩm này được xuất bản ở Tokyo và ngay lập tức được các bạn Hàn dịch ra tiếng Hàn và phổ biến ở Triều Tiên và đã có tác dụng tuyên truyền tư tưởng yêu nước căm thù giặc rõ rệt. Giáo sư Kim-So-Un (1908-1982) đã đọc tác phẩm này và hồi ức lại như sau:
"Vào những năm ở Chihae (Trấn Hải, một thành phố gần Pusan), tôi bắt đầu đọc những truyện nhi đồng dịch sang tiếng Hàn như Sans famille (của Hertor Malot) và A Dog of Flanders (của Ouida tức De La Ratmée); thỉnh thoảng tôi cũng đọc những sách loại khoa học giả tưởng, như The Time Machine (của H.B.Wells). Bản dịch ra tiếng Hàn của The Time Machine mang tên là "Hàng-thời-khí) - một tiêu đề mà tôi nghĩ là rất thoáng.
Trong số những sách đọc lúc này, cảm động nhất là cuốn Việt Nam vong quốc sử của Lương Khải Siêu (trích nguyên văn)(2), một học giả Trung Quốc có bút hiệu là ẩm Băng Thất. Sách này nói về nỗi đau khổ không bút nào tả xiết mà dân tộc An Nam (tên gọi Việt Nam lúc bấy giờ) đã phải chịu đựng dưới ách đô hộ của người Pháp. Mỗi cái cửa sổ cũng bị đánh thuế, khi kết hôn cũng bị đánh thuế ba lần. Biết người An Nam dùng nhiều muối trong thức ăn, họ tăng giá muối lên 10 lần hoặc 20 lần. Sở dĩ tôi khó chấp nhận một cách vô tư rằng, nước Pháp là quê hương của nghệ thuật và trung tâm của văn hóa cũng vì cuốn Việt Nam vong quốc sử đã để lại một ấn tượng quá sâu sắc trong tôi từ buổi thiếu thời(3)".
Tại Việt Nam, tác phẩm Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu sáng tác ở Nhật Bản năm 1905 và ngay sau đó, được ấn hành hai lần ở Trung Quốc (và cũng được dịch và ấn hành tại Triều Tiên, có hai bản dịch khác nhau) và đã sớm chuyển về nước để phổ biến như là một tài liệu tuyên truyền yêu nước và rất được các giới đồng bào tìm đọc. Thậm chí, khi trường Đông Kinh Nghĩa Thục thành lập ở Hà Nội năm 1907, thì tác phẩm "văn thơ yêu nước" này được coi như một tài liệu giáo khoa, tuyên truyền cách mạng quan trọng. Có điều đặc biệt thú vị là, năm ấy lại cũng từ Nhật Bản, nhà yêu nước Phan Bội Châu gửi về cho Đông Kinh Nghĩa Thục một tác phẩm có cùng chủ đề gọi là Triều Tiên vong quốc sử (không rõ tác giả là ai, là người Triều Tiên hay cũng chính là Phan Bội Châu?)(4). Trong Lời nói đầu, có tựa đề "Hãy nhìn xem tình trạng đau đớn của người Cao Ly mất nước" có đoạn viết:
"Nhật Bản là một nước Châu Á, Cao Ly cũng là một nước nhỏ ở Châu Á. Một bên thì mạnh lướt thế giới một bên thì ngã xuống bị mất. Bảo rằng người giống da vàng chúng ta không thể trỗi dậy ư? - Chúng tôi muốn cùng các người xem nước Nhật Bản! Bảo rằng người giống vàng chúng ta không thể mất được ư? - Chúng tôi muốn cùng các người hãy xem nước Cao Ly!...(5)
Nội dung cuốn sách Triều Tiên vong quốc sử cũng có những chương, mục tố cáo đế quốc Nhật Bản và đế quốc Nga hoàng. Đó là "hai con cọp xâu xé nhau... Cao Ly là của chung hai nước Nhật, Nga... nay thì hoàn toàn là của Nhật Bản. Đấy là lịch sử thống khổ của Cao Ly gần 10 năm lại đây"(6).
Kết luận của Lời nói đầu, tác giả (chúng tôi ngờ đây chính là Phan Bội Châu) viết thêm:
"Than ôi! Cao Ly mất rồi! Cao Ly bỗng chốc làm phên giậu của nước ta, bỗng chốc ngang hàng với nước ta, lại bỗng làm phên giậu cho nước khác, mà rồi sẽ lại là người đồng bệnh đáng thương xót của nước ta. Vì hòa ước Mãn Châu ngày nay để người Nhật nắm hết lợi quyền, nên người Nga tranh, người Pháp  tranh, mà các nước cũng đều lên tiếng ủng hộ, viện cớ rằng "lợi ích phải đều nhau". Cái nguy bức trước mắt là như thế đó. Chưa bàn đến sau này nước ta là một con vật khổng lồ nằm kềnh ra trên cõi đất Á Đông này, rồi sẽ là còn, là mất, ranh giới mất còn xa nhau không đầy sợi tơ sợi tóc. Nước ta sẽ là Cao Ly ư? Sẽ là Nhật Bản ư? Cái đó là ở nơi quốc dân chúng ta!(7)
Vào thời điểm chuyển biến cục diện của phong trào cách mạng ở Đông Nam Á lúc bấy giờ, cũng tại Tokyo, nơi tập trung nhiều nhà yêu nước của nhiều nước "đang đi tìm đường cứu nước" họ đã họp nhau thành lập ra Hội Đông Á đồng minh (cũng có tên gọi là Đông Á hòa thân hội) vào cuối năm 1907. Hội này như chính Phan Bội Châu đã ghi rõ trong Niên biểu (tự truyện) của mình:
"Trước hết hãy liên kết các chí sĩ ở toàn Châu Á và những dân tộc vong quốc ở Châu Á làm thế nào đoàn kết thành một đảng, sẽ có lúc đồng thời cách mệnh cả.
Một phương diện đã tính như thế, mà còn một phương diện nữa, thì chỉ lấy cách mệnh tuyên truyền là cách giáo dục ở trong thời kỳ vong quốc"(8)
Hội Đông Á đồng minh có sự tham gia đông đảo của các chí sĩ Trung Quốc, Ấn Độ, Miến Điện, Philíppin, Việt Nam và cả Triều Tiên nữa. Hội bầu Chương Bỉnh Lân là người của Trung Quốc Đồng minh hội làm Chủ tịch và Phan Bội Châu người của Duy Tân hội Việt Nam làm Phó Chủ tịch. Trong Ban Chấp hành Hội có ông Đới. (Mister Day) người Ấn Độ, ông Triệu Tố Ngang người Triều Tên làm ủy viên. Trong Điều lệ Hội Đông Á đồng minh có ghi thêm là ngoài việc đặt "Tổng bộ" tại Tokyo, còn đặt "trạm liên lạc" ở Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Philippin, An Nam v.v... Mục đích của Hội là: "Liên kết các đảng cách mạng các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, An Nam, Philippin, Miến Điện, Mã Lai, Triều Tiên, Nhật Bản, cho nên có người Triều Tiên đã tham gia Hội này, mà người đứng đầu phân hội là Triệu Tố Ngang(9).
Cũng ở thời điểm này, còn có nhóm các thanh niên yêu nước Triều Tiên có mặt tại Tokyo như Pak Un Sik (Phác Ân Thực)v.v... do học tập, trao đổi kinh nghiệm với lưu học sinh và nhân sĩ các nước Đông Nam Á, trong đó có lưu học sinh và hội viên Duy Tân hội Việt Nam của Phan Bội Châu, khi trở về nước đã lãnh đạo phong trào nhân dân chống đế quốc Nhật Bản và là một yếu nhân của Tân Dân hội (New People’s Association). Tân Dân Hội là một tổ chức yêu nước bí mật nhưng đã phát động một phong trào nhằm: mở mang văn hóa do những trí thức tiểu biểu (phần lớn đã du học ở Nhật Bản) đề xướng vào khoảng năm 1910 với khẩu hiệu "học tập là sức mạnh". Phong trào đã truyền bá, giáo dục tư tưởng yêu nước trong những cuộc diễn thuyết công khai, trong việc giáo dục ở các trường tư thục và trong hoạt động báo chí. Trong khắp cả nước lại lập ra những đoàn thể văn hóa như Tây Bắc học hội, Kiến Nam học hội, nhằm phổ biến các học thuyết tiến hóa luận, cạnh tranh sinh tồn,những tư tưởng dân chủ, dân quyền, bình đẳng v.v... của phương Tây, đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc(10).
Thật không hẹn mà gặp, mà giống nhau trong chủ trương và hành động. Ở Việt Nam, vào năm 1907, những người du học hoặc có tham quan ở Nhật Bản trở về nước, được ảnh hưởng trực tiếp bởi tư tưởng Duy tân của Nhật Bản và được giao lưu với các lưu học sinh các nước (trong đó có lưu học sinh Triều Tiên) họ đã góp phần sáng lập và hoạt động tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Trường này hoạt động công khai với mục đích "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" để đạt đến lý tưởng "hóa dân cường quốc". Các nhà sáng lập và chỉ đạo "phong trào Nghĩa Thục" (Đông Kinh Nghĩa Thục từ một trường đã lan rộng thành một phong trào Nghĩa Thục) đã có những phương pháp truyền bá tư tưởng yêu nước tiến bộ của thời đại như diễn thuyết, bình văn... Và bấy giờ nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh (1872-1926) cũng đã sớm đưa ra một phương châm cứu nước:
"Người nước ta ơi! Đồng bào ta ơi!
Ai là kẻ thiệt yêu tự do, tôi có một vật rất quý báu, xin tặng cho đồng bào ta: Không Chi Bằng Học!"
Từ đó, những người chí sĩ yêu nước của hai dân tộc Việt - Hàn vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo với nhau. Họ luôn luôn gắn bó với nhau trong lý tưởng cứu nước, đánh đuổi kẻ thù dân tộc là bọn thực dân, đế quốc. Sự gắn kết tình nghĩa đó được thể hiện ở chỗ thư từ qua lại trao đổi tin tức, tâm tình của những người "đồng bệnh" (cùng bị mất nước). Đến năm 1912, các chí sĩ Đông du (kể cả người Triều Tiên) phát tán về Trung Quốc. Họ lại lập raHội Chấn Hoa hưng Á do Đặng Cảnh Á làm Hội trưởng, Phan Bội Châu làm Phó Hội trưởng Hội nhằm mục đích làm cho "quốc uy Trung Hoa đã chấn được, thì Đông Á nhân đó mà cường lên"(11). Chương trình hành động sẽ là: "Bước thứ nhất là viện trợ nước Việt Nam, bước thứ nhì là viện Ấn Độ, Miến Điện, bước thứ ba là viện Triều Tiên, phải biết dùng biện pháp "kịch liệt bạo động", theo gương Yên Trong Căn năm 1909 ám sát Y Đằng Bắc Văn là viên Toàn quyền Nhật Bản ở Triều Tiên.... Tư liệu lịch sử thành văn cho biết: Mãi cho đến năm 1922, tác phẩm Y hồn đan (Bài thuốc chữa hồn) do Phan Bội Châu viết bằng chữ Hán, lúc đó cụ đang hoạt động ở Trung Quốc được một người bạn dịch sang tiếng Pháp: Traité de Médecine. Tác phẩm này đã được một chí sĩ Triều Tiên là Mẫn Quốc Y cho xuất bản và phổ biến ở Triều Tiên với lời ghi chú:
"Traité de Médecine. Publié par Mẫn Quốc Y. En Corée, le le. Janvier 1923"(12).
Và đến năm sau, tại Quảng Châu, người thanh niên Việt Nam yêu nước Phạm Hồng Thái cho nổ quả bom mưu sát Toàn quyền Pháp Merlin (19-6-1924), thì một tờ báo Triều Tiên tên là Hiện Tượng Báo đã cho đăng ngay bức "Di thư" kèm theo "Di ảnh" của liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Bức "Di thư" này được một người bạn Triều Tiên lấy tên là Từ Hưng Á trực tiếp gửi đến Tòa báo kèm theo một bức thư "Gửi chủ bút Hiện tượng báo" có nội dung như sau:
"Kính gửi Tiên sinh chủ bút,
"Hưng Á tôi người Hàn, giận nỗi mất nước, bôn ba hô hào để mưu đồ việc khôi phục. Trước đây khi ở Nhật có tiếp xúc với anh Phạm Hồng Thái, chí sĩ Việt Nam, đàm luận suốt ngày, tầm mắt của tôi nhân đó được mở rộng ra nhiều. Phạm quân người Bắc Kỳ(13), Việt Nam, biết Hán văn(14), đặc biệt giỏi Pháp văn. Anh tuổi 30, ý khí hào kiệt, phấn phát, bản tính rất giống Kinh Kha, Nhiếp Chính(15). Lần này sang Nhật để thi hành lệnh ám sát, nhưng ở Nhật chẳng có mảy may một kẽ hở để thừa dịp. Nhân dò xét biết rằng Toàn quyền nói trên ắt sẽ du hành Hương Cảng và Quảng Đông, bởi vậy trước hết sẽ ghé Hương Cảng. Khi Toàn quyền Việt Nam đến Hương Cảng, vì có nhiều người nước ngoài ở xung quanh nên không cho nổ bom ám sát được vì sợ liên lụy đến những người nước khác. Bất đắc sĩ phải bám theo đến Sa Diện (Quảng Châu) trong tô giới Pháp mới cho bom nổ để mưu sát.
Hưng Á tôi trước đó cùng Phạm quân gặp nhau nhiều lần ở Hương Cảng, nên được biết tất cả đầu đuôi của kế hoạch. Sau khi Phạm quân được lệnh của đoàn, đã thảo trước một bức thư tuyên ngôn, ý đợi khi công việc đã hoàn thành thì sẽ tuyên bố tức thời.
Hưng Á tôi ở Hương Cảng ngóng chờ tin tức của Phạm quân. Nay được tin qua Quý Báo là Phạm quân đã chôn mình dưới dòng sông Châu Giang, hỡi ơi! Thống hận làm sao!
Hành động này của Phạm quân cùng việc An Trọng Căn của tệ quốc bắn chết Y Đằng Bác Văn (Ito Hirobumi) người Nhật, hai việc sau trước ấy thảy đều vẻ vang. Vì thế tôi ghi lại di thư tuyên ngôn, đính kèm theo hình Phạm quân để lại tặng và xin gửi đến Quý Báo. Mong Quý Báo xem xét thu nhận và đăng tải để công bố trước thế giới. Tôi xin cảm tạ vô cùng. Đấy là lý do vì sao tôi viết thư này.
Kính chúc Tiên sinh bình an.
Kính thư: Từ Hưng Á người Triều Tiên viết thư ở Hương Cảng(16).
Cũng trong thời gian này (1925) có thêm một sự kiện lịch sử quan trọng xuất hiện, phản ánh mối quan hệ đồng minh - chống đế quốc xâm lược - của các dân tộc bị áp bức ở Đông Nam Á. Đó là Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức do Nguyễn Ái Quốc cùng với một số chí sĩ Trung Quốc chủ trương được chính thức thành lập (ngày 9tháng7-1925). Đây là một đoàn thể có tính chất quốc tế bao gồm người Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Inđônêxia, Miến Điện...
Đại hội thành lập đã thông qua tôn chỉ của Hội là "liên lạc với các dân tộc đó, cùng làm cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc".
Tuyên ngôn của Hội khẳng định: "Con đường thoát duy nhất để xóa bỏ sự áp bức chỉ có thể là liên hiệp các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới, áp dụng những phương pháp cách mạng để lật đổ về căn bản chủ nghĩa tư bản đế quốc cực kỳ hung ác".
Hội trưởng là Liêu Trọng Khải (Trung Quốc). Nguyễn Ái Quốc mang tên Lý Thụy là một trong những người lãnh đạo của Hội, được bầu làm Bí thư kiêm phụ trách công việc tài chính, đồng thời cũng là người trực tiếp phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức(17).
Hội cũng đã phát đi "lời kêu gọi", trong đó có đoạn:
"Hỡi hết thảy những người bị áp bức, anh em! Nếu bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ trở nên đáng gờm... Chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta.
Hỡi các bạn thợ thuyền! Tất cả các bạn đều biết rằng những kẻ áp bức chúng tôi và những kẻ ngược đãi các bạn chỉ là một... Nếu các bạn muốn thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ đang hành hạ các bạn thì các bạn hãy hết đoàn với chúng tôi! Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Chúng ta cùng có chung lợi ích, nên khi đấu tranh cho chúng tôi là các bạn cũng chiến đấu cho các bạn. Khi giúp đỡ chúng tôi các bạn cũng tự cứu mình.
Các bạn thân mến! Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi. Toàn thể các dân tộc bị áp bức, toàn thể thợ thuyền trên trái đất đang bị cách mạng tối thương"(18)
Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức, năm đó cũng đã cho xuất bản cuốn sách Phạm Hồng Thái truyện của Phan Bội Châu để tôn vinh người anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh trong vụ "Tiếng bom Sa Diện" mưu sát Toàn quyền Đông Dương Merlin tại Quảng Châu (19-6-1924) cũng hòa nhịp với tờ Hiện tượng báo của Triều Tiên đăng Di thư, Di ảnh của Phạm Hồng Thái để quảng bá tấm gương lẫm liệt của  người anh hùng này không thua kém gì hành động ám sát Toàn quyền Ito Hirobumi (năm 1909) của Yên Trọng Căn của Triều Tiên(19).
Vào giai đoạn cuối thời cận đại, những năm từ 1925-1945, mối tình "hữu nghị chiến đấu" Việt - Hàn, thông qua các sự kiện  ngoại giao, chính trị, kinh tế... và cả những chính khách hoạt động cách mạng ở trong nước và cả ở nước ngoài, còn được thể hiện ở nhiều "tư liệu lịch sử" quan trọng khác, chẳng hạn như Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở còn hoạt động ở Mỹ, ở Pháp, ở Nga, ở Trung Quốc v.v... cũng từng có liên hệ với nhiều chính khách người Hàn mà chúng ta có thể khai thác từ Hồ sơ lưu trữ của Quốc tế Cộng sản hay của các cơ quan ngoại giao, công an, hải quan... Nhưng tác giả bài này xin tự hạn chế "độ dài của các trang viết" và xin dừng lại ở những nét "tương đồng" và "tương tác" trong một số nét trên đây, thể hiện ở  mối quan hệ "đồng minh, chiến hữu" của các nhân vật và các phong trào yêu nước đấu tranh giành độc lập dân tộc của mỗi nước ở thời điểm chuyển tiếp đầu thế kỷ XX, tiến tới thời cận đại hóa của Đông Á.
Đề tài về "mối quan hệ Việt - Hàn biểu hiện trong tiến trình lịch sử" là  một đề tài vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn nhằm phát huy tình hữu nghị Việt - Hàn, rất đáng được giới nghiên cứu học thuật chúng ta quan tâm đi sâu tìm hiểu hơn nữa.

PGS. TS. CHƯƠNG THÂU
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dịch vụ Thông tin hải ngoại của Hàn Quốc, Hàn Quốc - Đất nước - Con người (Bản tiếng Việt, Seoul, 1993)
2. Nguyễn Bá Thành biên soạn, Tương đồng văn hoá Hàn Quốc – Việt Nam, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1996.
3. Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản Giao lưu văn hoá, Nxb. Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2000.
4. Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX. Nxb. Hà Nội, 1982.
5. Phan Bội Châu, Toàn tập, T5 và T6, Nxb. Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2002.
6. Shin Yong Ha, Formation and Development fo Modern Korean Nationalism. Dae Kwang Muwbasa, Seoul. 1989.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Nxb. Chính trị Quốc gia - Hà Nội - 1995.
8. Chương Thâu, Phạm Hồng Thái và Tiếng bom Sa Diện, Nxb. Nghệ An, Vinh, 2003.
9. T.Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976.
10. Kỷ Yếu Hội thảo khoa học quốc tế, “East Asia and Korea in Transition Moderns”, Inha Univ, 2007.


(1) Dẫn theo Vĩnh Sính: Việt Nam và Nhật Bản - giao lưu văn hóa. Nxb Văn nghệ Tp. HCM, 2001, tr.339.
(2) Kim-So-Un đã nhầm tưởng Lương Khải Siêu là tác giả của Việt Nam vong quốc sử vì sách này được in lại trong Tuyển tập của Lương. Thật ra Lương chỉ đề Tựa và giúp Phan ấn hành sách (Vĩnh Sính chú) - Tôi cũng lưu ý bạn đọc là: Hồi tháng 11-2005. Gs. Kawamoto Kunie tại Hội thảo khoa học về (kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du" (Hà Nội) cũng đã có sự lầm lẫn tương tự. (Chương Thâu chú thêm).
(3) Vĩnh Sính - Sđd, tr 327-328.
(4) Theo Ts. Youn Dae Yeong cho biết thì tác giả của Triều Tiên vong quốc sử là Lương Khải Siêu (qua mạn đàm 29-6-07 tại Đại học Inha).
(5) Cuốn Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu mới đây (1980) tại Hàn Quốc lại được tái bản với bản dịch của Huyền Thái nằm trong bộ sách Lịch sử - Truyện ký tiểu thuyết (quyển thứ 5) do Sở Nghiên cứu văn hiến Hàn Quốc học biên soạn.
(6,7) Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và Phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX., Nxb Hà Nội - 1982. tr. 197-200.
(8) Phan Bội Châu - Toàn tập. T6. Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - Hà Nội - 2000. tr.  196.
(9) Về Triệu Tố Ngang, chúng ta biết được tiểu sử sơ lược như sau: Ông còn được gọi là Lý Dung Ân hay Triệu Dung Ân, học ở Đại học Minh Trị, Tokyo và hoạt động trong Hội Đông Á đồng minh, một thời gian sau về Triều Tiên ở nước ngoài, đặt cơ sở ở Thượng Hải (và chắc là có chân trong tổ chức Hội Chấu Hoa hưng Á?). Nhân phong trào đòi độc lập 1-3-1919, ông tham gia chính phủ lâm thời Quốc dân Đại Hàn được thành lập ở Thượng Hải và được cử làm đại biểu của chính phủ đi dự Hội nghị giảng hòa ở Paris. Tại đây ông gặp Nguyễn Ái Quốc (trong Niên biểu, Phan Bội Châu nói nhầm là gặp Nguyễn Ái Quốc ở nước Mỹ).
(10)  Shin Yong Ha: Formation and Development of Modern Korean Nationalism. Dae Kwang Murwbasa - Seoul, ROK 1989-P.287-290.
(11) Phan Bội Châu - Toàn tập. T.6. tr.224,227,229.
(12) Phan Bội Châu - Toàn tập. T5. Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - Hà Nội 2000 – tr, 224.
(13)  Phạm Hồng Thái (1893-1924) tên thật là Phạm Thành Tích, người làng Ngọc Điền huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Một số người Pháp lúc bấy giờ có khi gọi Nghệ An là miền Nam (méridional) Bắc Kỳ.
(14) Nguyên văn "tiệp liệp" tức là biết nhưng không tinh thông.
(15) Hai hiệp khách đời Chiến Quốc (Trung Quốc) mưu sát Tần Thủy Hoàng.
(16) Chương Thâu, Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Diện. Nxb Nghệ An, 2003, tr.84-85.
(17)  T.Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Sự thật - Hà Nội, 1976-tr.27.
(18Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Hà Nội, 1995,  T.2, tr. 437-439.
(19) Tai hội thảo quốc tế ở Đại học Inha cuối tháng 6-2007 vừa rồi, có ý kiến của một học giả Hàn Quốc cho biết: khoảng trước năm 1925, Hồ Chí Minh cũng từng đọc tác phẩm Mục dân tâm thư của một chí sĩ yêu nước người Triều Tiên. Chúng tôi chưa có điều kiện xác minh thông tin này.(Tác giả chú thích).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét