Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Tác động của đồng tiền chung châu Âu với đồng đô la Mỹ


Tác động của đồng tiền chung châu Âu với đồng đô la Mỹ
Tác giả: Phạm Ngọc Uyển.
Ngày 2 và 3/5 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) đã họp tại Brussels. Sau khi xem xét các khía cạnh kinh tế theo tiêu chuẩn của hiệp định Maastricht, các vị nguyên thủ đi đến quyết định rằng 11 trong số 15 nước thành viên của EU là A'o, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Ailen, Italia, Luxemburg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đủ tiêu chuẩn trở thành thành viên của Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU). Như vậy, cam kết của họ tại Hội nghị thượng đỉnh Maastricht về việc thiết lập và đưa vào sử dụng đồng tiền chung châu Âu - đồng Euro - sẽ được thực hiện vào ngày 1 tháng 1 năm 1999. Với việc ra đời của đồng tiền chung , Tây Âu một lần nữa chứng tỏ sự sáng tạo và quyết tâm cao độ của các nhà lãnh đạo biến các nước này thành tấm gương và khuôn mẫu về nhất thể hoá kinh tế. Sự ra đời của Liên minh tiền tệ châu Âu EMU mở ra triển vọng tạo dựng một không gian kinh tế đồng nhất, xoá bỏ hàng rào quan thuế, tạo điều kiện cho việc tự do luân chuyển vốn, đầu tư và lao động giữa các nước trong khối. Tuy phải đến năm 2002 đồng Euro mới chính thức trở thành đồng tiền pháp định duy nhất của cả khối và việc ra đời của nó là sản phẩm của những cuộc dàn xếp chính trị khó khăn và vất vả giữa các nhà lãnh đạo ở khu vực này, nhưng quyết định trên có tác động kinh tế to lớn và sâu sắc không chỉ đối với các nước thành viên mà với toàn thể châu Âu cùng những nước buôn bán với khối này. Bài viết này tập trung đánh giá tác động của việc ra đời đồng tiền chung châu Âu với Mỹ, nước có đồng tiền ngự trị thế giới trong suốt mấy thập kỷ qua kể từ sau Thế chiến thứ hai.
1. Tiến đến "siêu quốc gia" đầu tiên của thế giới:
Tuy 4 nước thành viên khác của EU là Anh, Thụy Điển, Đan Mạch và Hy Lạp chưa là thành viên của EMU, Hiệp định thành lập Liên minh tiền tệ là một bước đi táo bạo và đầy thử thách nhằm tạo ra một châu Âu mới, và rộng hơn nữa là một thế giới mới. Với việc hình thành EMU, trung tâm kinh tế thế giới sẽ chuyển dịch xuống vùng Trung Đại Tây Dương và sẽ trở thành đầu tầu thúc đẩy và định hướng cho kinh tế thế giới tương lai.
Việc ra đời của đồng Euro với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) độc lập, cam kết theo đuổi chính sách tiền tệ theo hướng giữ ổn định, sẽ tạo cơ sở cho kinh tế phát triển không có lạm phát và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạch định một chính sách tài chính vĩ mô cho liên minh và sẽ là một đảm bảo giữ cho nền kinh tế khu vực ổn định và phát triển hơn trước. Trước mắt, người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở các nước thành viên sẽ bớt được một khoản chi phí trong giao dịch quốc tế ,mà theo các nhà kinh tế sẽ tiết kiệm được khoảng 100 tỷ D-mác hoặc không dưới 1% GDP của các nước, hay bằng tổng số hàng hoá sản xuất ra trong 1 năm của Hà Lan. Hơn nữa, khi đồng Euro trở thành đồng tiền pháp định, mọi hàng hoá bày bán trong các nước thành viên đều phải niêm yết giá tính theo đồng Euro thống nhất, nên tránh được sự chênh lệch giá hay phiền phức về tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền quốc gia. Người ta dự đoán có thể sẽ xuất hiện hiện tượng "bùng nổ mua sắm", và như vậy sẽ kích thích "cầu" và dẫn đến tăng trưởng kinh tế khu vực.
Điều cơ bản, quan trọng hơn cả là việc ra đời đồng Euro sẽ góp phần ổn định các biến số kinh tế vĩ mô trong khu vực, bao gồm sản lượng, lạm phát, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Có được đồng tiền chung cũng sẽ đẩy mạnh hơn thương mại giữa các nước thành viên và tình hình tài chính khu vực sẽ ổn định hơn do không chịu tác động chi phối của tốc độ đồng tiền khác thông qua tỷ giá hối đoái. Nhiều nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế của các nước EU có thể tăng thêm từ 0,5 đến 1%/năm, hay 440 tỷ D-mác trong vòng 10 năm tới, góp phần vào việc thúc đẩy công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế đang diễn ra ở khu vực này.
Tuy nhiên do những tiêu chuẩn kinh tế ngặt nghèo mà EMU áp đặt cho mỗi nước thành viên, những vấn đề kinh tế vĩ mô ở mỗi nước như chế độ thuế, chính sách thắt lưng buộc bụng trong bảo hiểm và an ninh xã hội, vấn đề công ăn việc làm.v.v...có thể sẽ gây những "phản ứng phụ" cho các chính đảng cầm quyền ở một số nước mỗi khi các cuộc bầu cử đến gần. Việc chính phủ các nước thành viên mất đi công cụ điều tiết kinh tế như chính sách tiền tệ...trong trường hợp gặp khủng hoảng kinh tế lại làm gay gắt thêm cuộc tranh luận về "thâm hụt dân chủ" diễn ra trong nội bộ các nước thành viên.
Việc mở rộng tư cách thành viên cho 4 nước còn lại cũng như với các nước EU tương lai vẫn còn cần một thời gian nữa. Nhưng việc phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô của EU ở hai cấp độ sẽ là những nan giải mới trong mục tiêu đoàn kết và thống nhất chính sách đối ngoại và an ninh, nhất là an ninh kinh tế của cả khối.
2. Một đối thủ kinh tế nặng ký với đồng đô la Mỹ.
Chính sách nhất quán của Mỹ là "ủng hộ một châu Âu thống nhất và hùng mạnh". Nhân dịp quyết định thành lập đồng Euro, Tổng thống Bill Clinton đã chúc mừng "thành tựu này của quá trình thống nhất châu Âu" và nhấn mạnh "một châu Âu hùng mạnh và ổn định nhưng mở cửa hơn nữa là điều tốt đối với Mỹ và thế giới". Tuy nhiên, việc ra đời của một đồng tiền thống nhất ở châu Âu đặt ra một số thách thức nhất định đối với Mỹ, biểu hiện ở một số mặt sau đây:
a. Việc ra đời của đồng Euro chắc chắn sẽ làm tăng thêm sức cạnh tranh thương mại quốc tế của Tây Âu với Mỹ vốn đã tồn tại suốt mấy thập kỷ qua.
Những con số buôn bán và đầu tư hai chiều trong năm 1991 cho thấy Mỹ và Tây Âu luôn luôn là bạn hàng quan trọng bậc nhất của nhau. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Tây Âu là 232 tỷ và các chi nhánh công ty Mỹ bán 741 tỷ USD hàng hoá ở Tây Âu, trong khi Tây Âu đầu tư trực tiếp vào Mỹ trong cùng thời gian là 188 tỷ và bán 600 tỷ USD hàng hóa trong thị trường Mỹ. Do buôn bán nội bộ Tây Âu chiếm đến 60% ngoại thương của cả khối nên một khi có đồng tiền chung sẽ thúc đẩy thương mại trong khối và giảm bớt được sự giao động do không còn phải dựa vào tỷ giá hối đoái của đồng đôla Mỹ. Như vậy là đồng Euro một khi ra đời và ổn định sẽ gây được độ tin cậy với giới tài chính quốc tế và nó có thể trở thành đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế, từng bước thay thế vị trí thống soái của đồng đôla Mỹ trong hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế. Theo dự đoán của một số chuyên gia tài chính, có khả năng sau năm 2002 ,có khoảng 3000 tỷ đôla vốn đầu tư quốc tế sẽ chuyển sang đồng Euro, trong số đó đến 700 tỷ hay 1000 tỷ là từ đồng đôla Mỹ. Và một khi có đồng tiền chung thì nhu cầu về dự trữ ngoại tệ bằng đồng đô la của các nước thành viên cũng như các nước khác trên thế giới sẽ giảm mạnh mà theo ước tính hiện nay ở riêng các nước EMU con số này đã lên đến hàng trăm tỷ đôla.
Cuộc cạnh tranh giữa đồng Euro và đồng đôla Mỹ còn diễn ra trên thị trường trái phiếu và dự trữ ngoại tệ của thế giới. Báo cáo của Uỷ ban châu Âu khẳng định sẽ làm cho đồng Euro trở thành đồng tiền quan trọng ngang với đồng đôla Mỹ, đồng tiền sẽ giảm lãi suất cho châu Âu để châu Âu trở thành thị trường trái khoán lớn nhất thế giới(2). Nhờ tính ổn định, đồng Euro có nhiều khả năng trở thành đồng tiền được ưa thích để trở thành đồng tiền dự trữ ngoại tệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này càng làm trầm trọng hơn địa vị của đồng đôla Mỹ trên thị trường trái khoán quốc tế vốn đang trên đà suy giảm trong thời kỳ 1981 - 1995. Một số dự đoán còn nói khi đồng Euro thay thế các đồng tiền mạnh của châu Âu, thì có đến 1/3 số chứng khoán trên thế giới sẽ được thể hiện bằng đồng Euro và trong kết toán ngoại thương quốc tế đồng Euro cũng sẽ chiếm đến 25%.
b. Thế mặc cả của Mỹ trong các cuộc thương lượng kinh tế với Tây Âu cũng sẽ bị giảm.
Sau năm 2002, Mỹ sẽ phải đối phó với một đối tác lớn hơn, hoàn thiện hơn, tự tin hơn và mạnh mẽ hơn. Việc ra đời của EMU sẽ làm cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của khối tránh được sức ép từ phía Mỹ và làm cho Mỹ mất thế mạnh trong các cuộc thương lượng kinh tế xuyên Đại Tây Dương trong tương lai, một thế mạnh mà Mỹ thường cậy vào thế độc tôn của đồng đôla để lèo lái tỷ giá hối đoái với các đồng tiền quốc gia riêng rẽ và gây hiệu ứng chia rẽ giữa các nước nhằm bảo vệ và tăng cường lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Trong thời gian từ nay đến 2002, Mỹ còn thời gian để chuẩn bị cho việc hoạch định và phối hợp chính sách tiền tệ và tài chính với các nước bạn hàng ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Thúc đẩy phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô thông qua cơ chế cấp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-7 có thể sẽ là một trong những cách để Mỹ bảo vệ lợi ích của mình khi lợi thế truyền thống mất đi. Việc xác định tỷ giá hối đoái đầu tiên giữa đồng Euro và đồng đôla Mỹ sẽ có tính chất quyết định cho mối quan hệ buôn bán xuyên Đại Tây Dương vào đầu thế kỷ tới, vì nếu tỷ giá quá cao đối với đồng đôla thì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Mỹ còn nếu quá thấp thì người ta sẽ bán tháo đồng đôla để quay sang dự trữ và buôn bán bằng đồng Euro.
c. Vấn đề về quyền đại diện của EMU tại các tổ chức tài chính quốc tế như IMF cũng sẽ là một thách thức lớn đối với Mỹ.
Theo quy định của Điều 1 khoản 13 trong nguyên tắc hoạt động của tổ chức, cơ quan điều hành của IMF phải đóng trên lãnh thổ của nước có tỷ lệ đóng góp lớn nhất. Hiện nay trụ sở điều hành của IMF đóng tại Washington do mức đóng góp của Mỹ lớn hơn hẳn các nước thành viên khác, đạt 33,6 tỷ USD, tương đương 18% tổng số vốn của IMF. Tổng số vốn đóng góp của các nước hạt nhân của EMU cũng đã xấp xỉ bằng tỷ lệ đóng góp của Mỹ. Một khi EMU hình thành và đồng Euro đi vào hoạt động thì tỷ lệ đóng góp của EMU có thể vượt Mỹ. Nếu điều đó xảy ra thì hoặc IMF sẽ phải dời cơ quan điều hành từ Washington sang châu Âu hoặc phải sửa đổi nguyên tắc nói trên. Do tỷ lệ góp vốn cho IMF dựa trên nguyên tắc tỷ trọng thương mại và tài chính lưu hành của một nước và có ý nghĩa đặc biệt trong việc bỏ phiếu xác định quyền vay vốn, hai mươi năm qua không một nước thành viên nào của EMU vay vốn của IMF do biết tận dụng cơ chế hỗ trợ cán cân thanh toán của Liên minh châu Âu. Cho dù các nước trong EMU có quyết định không hợp nhất thành một phiếu mà giữ nguyên số phiếu của từng nước thành viên đi nữa, thì vị thế của mỗi lá phiếu của các nước thành viên của EMU vẫn mạnh hơn và Mỹ không còn ở thế áp đảo như hiện nay. Với đà kinh tế thế giới ngày càng phát triển, sẽ còn nhiều nước và nhóm nước gia nhập IMF, liên minh tiền tệ châu Âu có tạo ra tiền đề cho sự thay đổi quyền đại diện và bỏ phiếu ở tổ chức này và làm giảm vị thế của Mỹ hay không, vấn đề sẽ được bàn bạc trong thời gian sau khi đồng Euro ra đời. Ngoài ra, hoạt động kiểm tra kinh tế đa phương của viên chức IMF cũng bị hạn chế khi làm việc ở cấp châu Âu dù họ có quyền đến kiểm tra từng nước theo quy chế của các nước thành viên G-7. Cho nên có thể thấy trước được là nếu EMU hình thành thì các nước thành viên lại càng ít phụ thuộc và gắn bó về mặt chính sách với IMF.
3. A'nh hưởng trên thị trường tài chính quốc tế:
Cũng như ở nhiều khu vực khác trên thế giới, EMU bao gồm các nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, cho nên việc đưa một đồng tiền chung vào hoạt động đòi hỏi phải có sự kết hợp chính xác cao giữa các chính sách kinh tế vĩ mô lẫn vi mô của các nước thành viên cũng như một sự đổi mới quan niệm về chủ quyền quốc gia. Giờ đây con tàu EMU đã chuyển bánh. Bản thân việc ra đời một đồng tiền mạnh đã làm cho các nhà hoạch định chính sách của các nước trên thế giới hết sức chú ý. Nhìn chung các chính phủ trên thế giới đều đánh giá cao việc ra đời của đồng Euro, coi đây là một mốc quan trọng trong quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới. Về mặt kinh tế đồng Euro sẽ cùng với đồng đôla Mỹ và đồng Yên Nhật được sử dụng làm phương tiện và cơ sở cho trao đổi và dự trữ quốc tế. Trong tương lai việc giải quyết những cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ kiểu như khủng hoảng tiền tệ ở châu A' hiện nay sẽ không còn phải dựa vào một đồng tiền duy nhất, mà khả năng đa dạng hoá ngày một lớn và vì vậy các nền kinh tế bị khủng hoảng không bị lệ thuộc quá nhiều vào những điều kiện khắt khe mà nước cho vay áp đặt. Điều này đến lượt nó sẽ làm cho quan hệ kinh tế thế giới sẽ trở nên lành mạnh và công bằng hơn.
Tuy nhiên vấn đề lâu dài đặt ra cho các nước bạn hàng của EMU là việc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong EMU sẽ mạnh hơn ở các mặt hàng công nghệ cao và đòi hỏi vốn lớn vì họ có những lợi thế so sánh của một thị trường thống nhất, có trình độ phát triển cao và ổn định. Trong mấy năm qua, các công ty lớn của Mỹ và Nhật đã có những biện pháp và chuẩn bị cho sự kiện này và họ đã ít nhiều thiết lập được chỗ đứng của mình thông qua các đối tác nội địa để tận dụng được lợi thế của việc sản xuất tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tránh được thuế nhập khẩu khi liên minh hình thành.
Một trong những vấn đề đặt ra cho các bạn hàng và con nợ của các nước thành viên EMU là tỷ lệ chuyển đổi giữa đồng tiền quốc gia nước chủ nợ với đồng Euro. Tuy đồng Ecu đã tồn tại một thời gian trong thanh toán quốc tế và quy định chuyển đổi ngang bằng giữa đồng ecu đồng Euro làm cho những giao dịch thương mại mới có phần dễ dàng, nhưng những khoản nợ từ việc trợ giúp, đầu tư...bằng đồng tiền quốc gia cần có hướng giải quyết thoả đáng, vì người ta dự tính chắc chắn tỷ lệ chuyển đổi của đồng Euro với đồng đôla sẽ tương đối thấp, cho nên có thể dự đoán trước khả năng xảy ra một cuộc bán tháo đồng đôla Mỹ để đổi lấy đồng Euro. Do hiện nay số nợ bằng đồng tiền quốc gia được tính theo đồng đôla Mỹ cho nên điều quan trọng là các nước nợ phải có những trao đổi và thương lượng để đi đến thống nhất một tỷ giá thích hợp sao cho số nợ không bị gia tăng do việc ra đời đồng Euro.
Điểm cuối cùng là một vài suy nghĩ về lịch sử các tổ chức tài chính quốc tế. Những năm 50 và 60 chứng kiến sự ra đời của các tổ chức các nước công nghiệp phát triển (OCDE) và Tổ chức Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT) khi Liên minh châu Âu ra đời nhằm tránh cho Tây Âu rơi vào chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập về kinh tế. Giờ đây khi EMU ra đời, với việc lưu hành đồng Euro thì liệu lịch sử có lặp lại chăng? Hay việc ra đời của cơ quan Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là bước đi trước để ứng phó với xu thế này? Những vụ đấu đá giữa Mỹ và EU về vấn đề kinh tế và thương mại ở tổ chức này (như việc EU kiện Mỹ vì luật Helm Burton và D'Amato trừng phạt các công ty buôn bán với Cuba, Lybi và Iran) sẽ phản ánh thực lực của mỗi bên trong việc bảo vệ lợi ích của mình trong cuộc cạnh tranh quốc tế dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới mà EMU là một bước đi trước./.
Tài liệu trích dẫn:
1. Chú giải: Anh, Thuỵ Điển và Đan Mạch chưa tự nguyện gia nhập, còn kinh tế Hy Lạp chưa đạt các chuẩn mực để làm thành viên.
2. "Nghiên cứu châu Âu", no 6, 1997, p. 70.
3. Tỷ giá hối đoái không được công bố trước ngày 1/1/1999. /.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét