Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Mô hình lý thuyết giải thích hiện tượng ASEM


Mô hình lý thuyết giải thích hiện tượng ASEM
Tác giả: Tôn Sinh Thành.
Gần đây, bên cạnh xu thế khu vực hoá, xu thế hợp tác giữa các khu vực ngày càng phát triển. Cuối những năm 80, bên cạnh các quan hệ vốn có từ thập kỷ 70 của EU với nhóm các nước Châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương (ACP), nhóm các nước Địa Trung Hải, nhóm các nước Nam Mỹ (MERCOSUR) và Hiệp Hội các nước Đông Nam A' (ASEAN), trên thế giới xuất hiện những cơ chế hợp tác liên khu vực mới. APEC thực chất là cầu nối giữa hai khu vực Đông A' và Bắc Mỹ. Khu vực tự do thương mại Châu Mỹ (AFTAA), mà Mỹ đề nghị là cầu nối giữa Bắc Mỹ với Trung và Nam Mỹ. Khu vực tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương (TAFTA) mà Canađa đề nghị là cầu nối Bắc Mỹ với Châu Âu. Đó là chưa kể tới các đề nghị sát nhập NAFTA với AFTA, sát nhập ASEAN với khu vực kinh tế gần gũi (CER) của Australia và New Zealand. Sáng kiến hợp tác liên khu vực quan trọng mới đây nhất là Hợp tác A'-Âu (ASEAM), ra đời tháng 3/1996.
Giải thích hiện tượng hợp tác liên khu vực nói chung và ASEM nói riêng như thế nào ? Căn cứ trên lập luận của Robert Keohane rằng "các thể chế (quốc tế) ít khi sinh ra từ sự hỗn độn ; ngược lại, chúng thường được xây dựng trên cơ sở của nhau" (1), bài viết này nêu giả thiết rằng ASEAN và EU đang dịch chuyển cơ chế hợp tác ASEAN-EU sang cơ chế hợp tác A'- Âu rộng lớn và có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chưa đi sâu phân tích để chứng minh giả thiết nói trên, mà chỉ đề cập đến một mô hình lý thuyết để tiếp cận hiện tượng này.
Mô hình lý thuyết mà chúng tôi đề nghị chủ yếu dựa trên mô hình kinh tế cung cầu. Đây là một mô hình từng được Moravcsik sử dụng để giải thích quá trình nhất thể hoá Châu Âu (2). Theo mô hình này, mọi tiến trình hợp tác hay xung đột đều có thể được giải thích như một qúa trình tác động qua lại giữa cung và cầu. Trong quá trình này, các bên trước hết xác định nhu cầu của mình và sau đó tìm cách thoả mãn nhu cầu đó thông qua một quá trình mặc cả giữa họ với nhau.Quá trình tác động qua lại giữa cung và cầu sẽ đem lại các kết quả hợp tác. Sự chuyển biến về chất của cung và cầu sẽ dẫn tới chuyển biến về cấu trúc của các cơ chế hợp tác.
Mô hình phân tích ASEM mà chúng tôi đề nghị cũng dựa trên lập luận của Putnam cho rằng các cuộc thương lượng quốc tế có thể được xem như một trò chơi hai cấp độ : ở cấp quốc gia, các nhóm lợi ích gây áp lực với chính phủ để hình thành chính sách, ở cấp quốc tế, các chính phủ tìm cách đạt được khả năng mặc cả cao nhất để thoả mãn các áp lực trong nước (3). Tuy nhiên, Putnam cũng thừa nhận rằng có thể còn nhiều cấp độ khác nữa. Đối với hợp tác liên khu vực, trò chơi đó bao gồm 3 cấp độ: quốc gia, khu vực và liên khu vực; ở cấp quốc gia, các chính phủ xác định các lợi ích quốc gia dưới áp lực của các nhóm trong nước; ở cấp khu vực, các chính phủ mặc cả với nhau nhằm đạt được một lập trường chung cho cả nhóm; và cuối cùng ở cấp liên khu vực, các nhóm khu vực thương lượng với nhau để hợp tác nhằm thoả mãn các lợi ích quốc gia và khu vực.
Khi cả hai lập luận trên được phối hợp với nhau, hợp tác liên khu vực có thể được xem như là một tiến trình tác động qua lại giữa cung và cầu ở cả ba cấp : quốc gia, khu vực và liên khu vực. Nói cách khác, các quốc gia và nhóm khu vực lúc đầu hình thành các ước vọng về các mối lợi khi hợp tác liên khu vực với các khu vực khác. Sau đó các nhóm đó thương lượng với nhau để làm sao biến các ước vọng đó thành hiện thực.
Cung và cầu của hợp tác liên khu vực được hình thành và biến chuyển như thế nào? Dưới tác động của những nhân tố nào? Sau đây bài viết sẽ đi vào chi tiết:
Những nhân tố tác động đến nhu cầu hợp tác liên khu vực:
Không có nhân tố đơn lẻ nào quyết định nhu cầu hợp tác liên khu vực. Trái lại nó là kết quả của sự phối hợp nhiều nhân tố kinh tế, chính trị, an ninh, lịch sử, văn hoá... Có thể chia các nhân tố này làm hai loại : các nhân tố tuyệt đối và các nhân tố tương đối. Nhấn mạnh nhân tố nào trong hai nhân tố trên đây tuỳ thuộc cách lập luận theo quan điểm nào.
Có quan điểm cho rằng các mối lợi tuyệt đối như thương mại, đầu tư và các lợi ích khác là những nhân tố chủ yếu quyết định hợp tác liên khu vực. Theo quan điểm này, hợp tác liên khu vực là câu trả lời tất yếu đối với đòi hỏi của các lực lượng thị trường trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, và quá trình nhất thể hoá kinh tế không còn bị bó hẹp trong biên giới quốc gia hay khu vực. Các cơ chế hợp tác liên khu vực đã trở thành vũ đài chủ yếu cho các tác động qua lại giữa các khu vực, là một biện pháp mới để quản lý kinh tế thế giới.
Tuy nhiên có người đã lập luận rằng các mối lợi tương đối như lợi ích chính trị chiến lược và lợi thế đối với bên thứ ba mới là nhân tố chủ yếu quyết định hợp tác liên khu vực. Theo quan điểm này, các quốc gia luôn luôn có tham vọng giành lợi thế tương đối tối đa. Chính khát vọng giành sức mạnh tương đối là động cơ khiến các nước tập hợp lại với nhau và dùng chiến lược cân bằng. Với hợp tác liên khu vực, trò chơi cân bằng được nâng lên cấp độ cao nhất, cân bằng giữa các khu vực với nhau. Duncan Snidal nói rằng, trong một hệ thống đa cực, các bên dễ có xu hướng muốn giành lợi thế tương đối hơn (4). Nếu ASEAN và NAFTA tăng quan hệ thương mại giữa hai bên, thế cân bằng thương mại mới sẽ hình thành, có lợi cho NAFTA và ASEAN, trong khi EU phải trả giá. Để bảo vệ mình, EU phải thương lượng một khuôn khổ quan hệ hợp tác mới với cả NAFTA lẫn ASEAN. Hơn nữa, nếu các nhóm khu vực phối hợp thực hiện được vai trò thống trị tập thể trong hệ thống thương mại đa biên, các nước còn lại sẽ không còn cách nào khác hơn là chấp nhận hệ thống đó.
Các nhân tố quyết định mặt "cung" của hợp tác liên khu vực:
Mặt "cung" của hợp tác liên khu vực là kết quả của tiến trình thương lượng nhằm thoả mãn "cầu" của mỗi khu vực, mỗi nước trong khu vực đó và các nhóm lợi ích trong mỗi nước. Theo các lý thuyết về thương lượng, các nhân tố cơ bản sau đây sẽ quyết định quá trình thương lượng : phân bố quyền lực giữa các bên tham gia hợp tác; cơ chế thương lượng; nội dung thương lượng (hay chương trình nghị sự); và vấn đề thành viên.
Phân bố quyền lực là nhân tố đầu tiên tác động đến hành vi của các bên hợp tác. Có hai loại phân bố quyền lực cơ bản : Phân bố cân đối là tình huống lý tưởng và các cuộc thương lượng có khả năng thành công nhất. Tuy nhiên trên thực tế, các bên tham gia thương lượng thường có sức mạnh không cân nhau. Bên nào có sức mạnh lớn hơn sẽ gây áp lực với bên yếu hơn, đặc biệt là bằng những biện pháp gắn vấn đề, để giành thêm lợi thế. Tình huống này thường dẫn đến tranh chấp và vì thế hợp tác trở nên khó khăn hơn.
Kết quả hợp tác còn bị tác động bởi cơ chế mặc cả trong đó bao gồm các thể chế và các thể lệ ra quyết định. Các thể chế làm giảm cơ hội phá rào và tăng cơ hội hợp tác vì nó tạo điều kiện cho các bên gặp nhau lại. Robert Keohane lập luận rằng, hành động của các quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các dàn xếp về mặt thể chế, bởi vì chúng tạo điều kiện cho sự lưu chuyển thông tin và cơ hội để thương lượng, khả năng theo dõi sự tuân thủ của các nước khác (6). Tuy nhiên các bên thường có quan điểm khác nhau về việc tạo lập các cơ chế thương lượng bởi vì họ có đặc điểm văn hoá khác nhau. Ví dụ, trong khi châu A' nhấn mạnh các tính không chính thức, không đối đầu, mềm dẻo và từng bước trong các cơ chế, thì phương Tây lại nhấn mạnh tính chất pháp lý, thể chế hoá và tính khẩn trương. Sự khác biệt này ảnh hưởng rất rõ đến đàm phán giữa hai nhóm và kết quả hợp tác.
Chương trình nghị sự là nhân tố quan trọng của quá trình thương lượng. Chương trình nghị sự mà mỗi nước đưa ra thể hiện lợi ích quốc gia và thương lượng là một tiến trình hoà giải các lợi ích đó. Trong quan hệ liên khu vực, hợp tác là tiến trình hoà giải lợi ích của hai khu vực. Sự đồng nhất lợi ích quốc gia trong mỗi nhóm càng lớn thì lợi ích của hai khu vực chồng lên nhau càng nhiều, nhờ thế làm cho nội dung hợp tác giữa hai khu vực mở rộng hơn(7). Khi sức mạnh của các thành viên tăng lên, họ thường sẵn sàng mở rộng phạm vi hợp tác và chấp nhận việc gắn các vấn đề để giành lợi thế tối đa (8). Tuy nhiên thủ thuật gắn các vấn đề trong thương lượng thường gây rắc rối và phải trả giá về mặt chính trị bởi vì nó tạo ra tình trạng kẻ được và người mất ở tất cả các nước và các bên tham gia, vốn là các bên có lợi ích rất khác nhau trên các vấn đề khác nhau.
Cuối cùng, vấn đề thành viên tham gia bao giờ cũng là điều nan giải trong các cuộc thương lượng. Khi số lượng thành viên tăng lên thì người ta khó quyết định hành động hơn và khó tìm ra giải pháp thoả mãn cho các vấn đề liên quan hơn. Việc mở rộng thành viên sẽ làm giảm hiệu quả ra quyết định, bởi vì điều đó làm tăng sự đa dạng của các hệ thống quốc gia và lợi ích quốc gia. Như vậy hợp tác sẽ trở nên khó khăn hơn nếu số thành viên tham gia tăng lên (9).
Thay đổi thể chế trong hợp tác liên khu vực.
Sự dịch chuyển hợp tác liên khu vực một cấu trúc này sang một cấu trúc khác là kết quả của những thay đổi "cung" và "cầu" hợp tác. Sự thay đổi các kì vọng và nguồn lực thực sự dành cho hợp tác sẽ dẫn đến sự thay đổi cấu trúc hợp tác. Arthur Stein lập luận rằng, "khi sự phân bố quyền lực quốc tế biến chuyển, đến lượt nó tác động đến cách đề cập (lợi ích) của các bên thì các thể chế sẽ thay đổi" (10). Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả khi cách đề cập của các bên đã thay đổi, thì các thể chế cũng có thể không đổi, bởi vì theo Stein lập luận: "Có các chi phí ngầm liên quan đến các thể chế quốc tế, và vì thế chúng khó bị thay đổi hay xoá bỏ" (11). Theo Stein, truyền thống và uy tín cũng là cơ sở để duy trì thể chế cũ. Keohane cho rằng khả năng thiết lập hợp tác mới sẽ phụ thuộc vào cách thức của các thể chế hiện tại. Các thể chế quốc tế mới có thể được hình thành dưới ảnh hưởng của sự tin tưởng lẫn nhau do các thể chế cũ tạo nên (12). Như vậy một khuôn khổ lý thuyết để giải thích việc ASEM không những phải tính đến nhiều nhân tố tác động đến cung và cầu hợp tác liên khu vực, mà còn những tác động của chúng tới sự thay đổi cấu trúc hợp tác liên khu vực.
Hợp tác ASEAN-EU và ASEM:
Nếu mô hình lý thuyết trên được áp dụng cho hợp tác ASEAN - EU và ASEM, có thể sơ bộ nhận thấy những thay đổi cung và cầu xuất hiện trong hai cơ chế trên. Những năm 70, nhu cầu của EU chỉ giới hạn vào việc nhất thể hoá kinh tế và an ninh ở Châu Âu, trong khi ASEAN bị giới hạn bởi các nhu cầu phát triển kinh tế và ổn định chính trị tại mỗi nước và trong khu vực Đông Nam A'. Hợp tác ASEAN-EU là sản phẩm của các nhu cầu đó trong những năm 70. Đến những năm 90, EU có nhu cầu đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế và chính trị thế giới, trong khi ASEAN hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng ở cả Châu A'-Thái Bình Dương. Những nhu cầu đó hình thành dưới tác động của các biến chuyển trong mỗi khu vực và trên thế giới sau chiến tranh lạnh. Về lợi ích tuyệt đối, cả EU lẫn ASEAN đều bước vào một kế hoạch lớn để phát triển kinh tế và nhất thể hoá khu vực. Các kế hoạch đó đòi hỏi nhiều hơn nữa các nguồn lực quốc gia, trong khu vực và ngoài khu vực. Tốc độ toàn cầu hoá nhanh của kinh tế thế giới làm tăng đòi hỏi đối với các chính phủ đáp ứng để tạo ra các khung thể chế thương lượng cho các hoạt động của các lực lượng thị trường. Về lợi ích tương đối, các sự kiện như sự kết thúc chiến tranh lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô và sự suy yếu tương đối về sức mạnh của Mỹ đã tạo ra một khoảng trống quyền lực không những trên thế giới nói chung và cả châu A' nói riêng. Trong bối cảnh đó, EU hy vọng sẽ tăng vai trò kinh tế và chính trị của mình trên thế giới. EU cho rằng họ không thể bị gạt ra khỏi châu A', một vũ đài quan trọng của cuộc chạy đua kinh tế và chính trị trên thế giới. ASEAN phản ứng đối với tình hình này bằng mong muốn tăng sức mạnh tương đối của mình thông qua việc củng cố bản thân, kiến tạo một liên minh kinh tế và chính trị châu A' và xây dựng một mạng lưới quan hệ kinh tế và chính trị với các cường quốc lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, về mặt "cung" mà nói, cấu trúc ASEAN-EU đã không được nâng cấp thoả đáng trong những năm 90 và không đáp ứng những tham vọng ngày càng tăng của cả EU lẫn ASEAN. Sự mất cân đối về sức mạnh giữa hai nhóm tiếp tục tác động tiêu cực tới quan hệ giữa hai bên. Nội dung hợp tác không được mở rộng do sự khác biệt về lợi ích ngày càng tăng. Trong chiến tranh lạnh, chương trình nghị sự trong hợp tác ASEAN-EU bao gồm các sự ủng hộ lẫn nhau về chính trị, giúp đỡ phát triển và thương mại ưu đãi. Sau chiến tranh lạnh, nội dung chính trị không còn những vấn đề dễ chịu như trước nữa, mà là những vấn đề tranh cãi như nhân quyền và môi trường. Các tranh chấp về thương mại và đầu tư cũng không còn được bỏ qua như trước. Sau hai thập kỷ, cơ chế hợp tác ASEAN-EU cũng không cải tiến gì. Sự bất đồng giữa hai nhóm càng bị khoét sâu khi hai nhóm mở rộng thành viên. Ví dụ việc ASEAN kết nạp Mianma đã gây ra những trục trặc khó giải quyết cho hợp tác ASEAN-EU. Kết quả là nguồn lực thực sự cung cấp cho hợp tác ASEAN-EU bị giảm sút.
Trong bối cảnh đó, ASEM ra đời. ASEM là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-EU và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đang tăng lên của EU và ASEAN. ASEM tạo cho ASEAN cơ hội quý báu để thúc đẩy chủ nghĩa khu vực Châu A', trong đó ASEAN đóng một vai trò quan trọng. Đối với EU, ASEM là một công cụ quan trọng để thúc đẩy chiến lược mới đối với châu A', ASEM là công cụ của EU trong cuộc chơi toàn cầu để cân bằng lại với Mỹ và để giành thêm sức mạnh tương đối trong các cuộc thương lượng đa phương. Hợp tác ASEAN-EU khó có thể đáp ứng được các mục tiêu trên đây. Về mặt "cung", các nguồn lực đã được cung cấp cho ASEM nhiều hơn là cho hợp tác ASEAN-EU. Trong một quan hệ cân đối hơn, hai bên EU và Đông A' sẵn sàng đi đến thoả hiệp và dễ đạt được thoả thuận hơn. Sau ASEM I, một mạng lưới các mối liên hệ và hội nghị đã được thiết lập. Với các cuộc trao đổi ở cấp cao, cơ chế hợp tác ra quyết định mềm dẻo, ASEM tỏ ra có hiệu quả hơn cơ chế hợp tác ASEAN-EU. ASEM có chương trình nghị sự rộng hơn và đạt tiến bộ nhanh hơn trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh và văn hoá. Hơn nữa trong một diễn đàn lớn như ASEM, các bất đồng giữa ASEAN và EU về nhân quyền và các vấn để khác khó trở thành tiêu điểm thảo luận. Tóm lại cả hai mặt "cung" và "cầu" của ASEM đều cao hơn hợp tác ASEAN-EU . Vì vậy, có thể nói sự ra đời của ASEM là kết quả của sự vận động lôgich của ASEAN và EU trong bối cảnh hợp tác ASEAN-EU giảm bớt vai trò. Tuy nhiên với cơ chế có được sau nhiều năm tồn tại, hợp tác ASEAN-EU không dễ gì bỏ đi được.
Trên đây là minh hoạ sơ bộ về việc áp dụng mô hình cung-cầu vào việc phân tích quan hệ ASEAN-EU và sự hình thành ASEM. Mô hình này có tính khả thi hay không, còn phải có thời gian và cần được chứng minh thêm bằng những phân tích chi tiết và sâu hơn nữa những chuyển biến cung-cầu trong hợp tác ASEAN-EU và ASEM cùng những mối quan hệ tác động qua lại giữa hai cơ chế hợp tác đó.
Tài liệu tham khảo:
(1) Robert O. Keohane, After Hegemony. (Princeton New Jersey, Princeton University Press, 1984), 79.
(2) Andrew Moravesik, "A Liberal Inter-governmentalist Approach", Journal of Common Market 31, no. 4 (December 1993) : 473-524.
(3) Robert Putnam, "Diplomacy and domestic Politics : the Logic of Two-level Games", International Organization 42, no 3 (summer 1988) 427-460.
(4) Duncan Snidal, "International Cooperation Anong Relative-Gains Maximizers," in Cooperative Models in Internatioal Relations Research, edited by Michael D. Intriligator and Urs Luterbacher (Massachusetts : Kluwer Academic Publishers, 1994), 105-126.
(5) Fen Osler Hampson, Multilateral Negotiations (Johns Hopkins University Press. 1995),9.
(6) Robert O. Keohane, International Institutions and State Power (Westview, 1989) 1-20.
(7) Robert Putnam, "Diplomacy and Domestic Politics : the Logic of Two-level Games, International Organization 42, no.3 (summer 1988) : 427-460.
(8) Miles Kahler, International Institutions and the Political Economy of Integration (Washington, D.C : The Brooking Institutons, 1995), 124.
(9) Hampson, 1995, 8.
(10) Arthur Stein, Why Nations Cooperate (New York : Cornell University Press, 1990), 24-53.
(11) Arthur Stein, "Coordination and Collaboration : Regimes in an Anarchic World,", in Neorealism and Neoliberalism : The Contemporary Debate, edited by David Baldein (Colombia University Press, 1993), 29-59.
(12) Robert O. Keohane, After Hegemony (Princeton, New Jersey : Princeton University Press, 1984) 79./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét