Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CHÍNH TRỊ ĐỐI NỘI TỚI CHÍNH SÁCH ĐÔNG Á- THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA NHẬT BẢN


ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CHÍNH TRỊ ĐỐI NỘI TỚI CHÍNH SÁCH ĐÔNG Á- THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA NHẬT BẢN




Lôgíc của các sự kiện chỉ ra rằng, xem xét vai trò quốc tế và lợi ích quốc gia của Nhật Bản không thể không đề cập tới ảnh hưởng của yếu tố chính trị đối nội. Nếu yếu tố quốc tế - yếu tố bên ngoài - có tác động to lớn thì yếu tố chính trị đối nội - yếu tố bên trong - giữ vai trò quyết định. Bởi như đã biết, tình hình chính trị Nhật Bản có tác động trực tiếp và quyết định đến chính sách đối ngoại của nước này. Tình hình chính trị của Nhật Bản được nhận diện thông qua xem xét vai trò và ảnh hưởng của tứ giác quyền lực: đảng chính trị, chính phủ, giới kinh doanh và công chúng. Thông thường người ta nói ở Nhật Bản, sức mạnh chính trị bị chi phối bởi tam giác quyền lực; nói như vậy là người ta đã bỏ quên một lực lượng rất quan trọng, đó là công chúng. Có lẽ khách quan hơn và thực tế hơn là xem xét sức mạnh chính trị của Nhật Bản thông qua cách tiếp cận tứ giác quyền lực.
1. Đảng phái chính trị
Như đã nói ở trên, hệ thống đảng chính trị Nhật Bản được hình thành từ giữa những năm 1950 mà điểm nhấn là sự ra đời của Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Về lý thuyết, từ 1955 Nhật Bản tồn tại hệ thống chính trị đa nguyên, nhưng trên thực tế chỉ có Đảng LDP nắm vị trí chi phối. Đảng này chi phối cơ quan hành pháp và cả lập pháp cho tới năm 1993 bởi họ chiếm đa số trong quốc hội. LDP chi phối cả giới kinh doanh theo nghĩa những người đứng đầu các công ty lớn đều là thành viên của LDP. Chính vì vậy mối quan hệ của tứ giác quyền lực này đã tạo ra nét đặc thù trong cơ chế vận hành của hệ thống chính trị Nhật Bản. Mối nhân duyên bộ tứ này tạo ra sự ổn định chính trị cho Nhật Bản suốt nhiều thập niên qua. Tới năm 1993, LDP mất vị trí độc tôn tuy nhiên sau một thời gian ngắn “ngôi đầu bảng” lại trở về với LDP. Đảng này phải liên minh với các đảng nhỏ hơn để nắm giữ quyền lực lãnh đạo đất nước cho đến ngày nay.
Có thể nói, trong suốt nhiều thập niên qua, LDP đã để đậm dấu ấn của mình lên chính sách đối ngoại của Nhật Bản; ở đó có hai điểm mấu chốt cần phải nhấn mạnh, đó là họ luôn coi Mỹ là một đối tác ưu tiên, coi quan hệ Nhật - Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của nước này. Đây là điểm nhất quán và xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đồng thời LDP cũng ủng hộ mạnh mẽ vai trò của Nhật Bản trong các thể chế quốc tế và khu vực.
Có thể nói, hệ thống đảng chính trị ở Nhật Bản rất phức tạp. Đồng hành với Đảng LDP là sự xuất hiện của Đảng Xã hội Nhật Bản - JSP. Đảng này thường giữ vị trí là đảng đối lập chính với LDP trong suốt thời kỳ cầm quyền liên tục và độc tôn của LDP (1953-1993). Lập trường của đảng này là thiên tả. Có một sự thay đổi kịch tính đối với Đảng LDP vào tháng 6 năm 1994. Đó là cùng với sự sụp đổ của chính phủ liên minh (LDP đối lập) mà JSP là một thành viên, đảng này đã liên minh với đối thủ cũ của mình trước đó là LDP. Thực ra, liên minh này chỉ được coi là sách lược bởi nhờ đó Tổng thư ký của Đảng này là Muryama Tomiichi trở thành Thủ tướng. Và kết quả của liên minh này là sự chuyển đổi lập trường từ hòa bình thiên tả sang ủng hộ lập trường của LDP. Đây thực chất là một sự đánh đổi giữa một đảng nắm giữ vai trò thủ tướng với việc thực thi một lập trường thiên hữu trong chính sách đối ngoại. Nhờ đó, chính sách đối ngoại của Nhật Bản được thực thi trong thời kỳ LDP cầm quyền được tiếp tục và đã tạo ra một giai đoạn ổn định tương đối về chính trị cho Nhật Bản trong bối cảnh LDP vừa bị mất quyền lực. Từ 1996, JSP đổi tên thành Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản và trở thành đảng trung tả mạnh nhất ở nước này từ đó cho đến nay. Trong khi đó Đảng Cộng sản (JCP) vẫn tiếp tục lập trường hòa bình thiên tả. Trong thực tiễn chính trị Nhật Bản, Đảng Cộng sản không có ảnh hưởng nhiều và từ sau Chiến tranh Lạnh ảnh hưởng chính trị của Đảng này tiếp tục bị suy giảm. Như đã nói ở trên, lập trường dân tộc thiên tả của đảng này đã chi phối hành động của họ trong suốt mấy thập niên qua. Họ ủng hộ chính sách đối ngoại hòa bình, ủng hộ Nhật Bản tham gia vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc mà không vi hiến. Việc gửi quân ra nước ngoài được coi là hành động vi hiến. Và đương nhiên là họ không ủng hộ yếu tố hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản tức là họ không ủng hộ chính sách của LDP trong việc coi quan hệ với Mỹ là quan hệ trụ cột trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Cùng với những biến động chính trị trong chính trường Nhật Bản trong suốt thập niên 1990, các đảng chính trị ở Nhật Bản có nhiều thay đổi. Có sự phân hóa sâu sắc trong đảng LDP kể từ khi đảng này mất vị trí độc tôn (1993). Đảng JSP cũng như vậy, điều này đã được đề cập một phần ở trên khi tổng thư ký của Đảng, Tomiichi trở thành thủ tướng. Một số đảng mới được thành lập nhằm thích ứng với tình hình chính trị thời kỳ đó. Sự kiện được người ta bàn đến nhiều nhất là Ozawa Ochiro. Ông được đánh giá là người có lập trường trung tả. Trong chính sách đối ngoại Nhật Bản, ông ủng hộ nước này phải trở thành một quốc gia bình thường. Ông là người có vị thế trong đảng LDP và đã từng giữ vị trí tổng thư ký LDP thời kỳ 1989-1991. Ông trở thành thủ tướng của chính phủ liên minh thời kỳ 1993-1994. Và là người lãnh đạo Đảng Phục hưng Nhật Bản (Japan Renewal Party) thời kỳ 1993-1994. Sự phân hóa trong Đảng LDP cùng với bối cảnh chính trị mới ở Nhật Bản trong kỷ nguyên 1990 - kỷ nguyên mất mát, người Nhật gọi như vậy - đã đẩy tới các đảng chính trị mới được thành lập và một số đảng nhỏ trước đây tìm kiếm cơ hội mới. Và đây cũng là thời kỳ để Ozawa tiếp tục xác lập vai trò của mình trong các đảng mới mà ông tham gia. Đảng Mặt trận Mới (New Frontier Party, 1994-1997), Đảng Tự do (Liberal Party,1998-2003). Lập trường chính trị của Đảng Tự do Nhật Bản gần với LDP, nhất là trong vấn đề chính trị đối ngoại. Và đây là lý do để đảng này liên minh với LDP lập chính phủ thời kỳ 1999 - 2000. Tuy nhiên, do những khác biệt nhất định, cho nên Đảng Tự do Nhật Bản đã chọn con đường riêng sau đó; vào tháng 10 năm 2003 họ đã hợp nhất với Đảng Dân chủ Nhật Bản (Democractic Party).
Đảng Komeito là một đảng không có nhiều ảnh hưởng tới lĩnh vực chính trị đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ LDP độc tôn cầm quyền. Đảng này thành lập năm 1964, có mối liên hệ chặt chẽ với một tổ chức phật giáo có tên gọi là Soka Gakkai. Họ đã chuyển từ lập trường trung dung sang thiên hữu trong những năm gần đây. Chính tình hình chính trị trong những năm 1990 đã tác động tới sự thay đổi lập trường của Đảng này và mở ra cơ hội cho họ tham gia chính phủ liên minh. Họ ủng hộ chủ nghĩa đa phương, mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Á - Thái Bình Dương và gia tăng vai trò của nước này tại Liên Hợp Quốc nhưng với các hành động phi quân sự. Đây là điểm khác biệt với lập trường thiên hữu của LDP và vì thế người ta gọi Đảng Komeito có lập trường thiên hữu nửa vời.
Có thể nhấn mạnh rằng, hệ thống đảng chính trị giữ vai trò chi phối đời sống chính trị và chính sách đối ngoại nước này trong suốt hơn năm thập niên qua. Đây là đặc điểm chung đối với bất kỳ một hệ thống chính trị hiện đại nào. Tuy nhiên, điểm lưu ý là Đảng LDP đã xác lập vị thế độc tôn và quyền uy của nó trong bối cảnh cạnh tranh không đáng kể của các đảng khác trong suốt gần 40 năm. Bởi vậy chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong gần 4 thập kỷ ấy thể hiện đậm nét quan điểm và lập trường của LDP. Thập kỷ 1990 hay còn gọi là thập kỷ mất mát về kinh tế được coi là nguyên nhân chính làm cho LDP mất vị thế độc tôn và các đảng chính trị ít có ảnh hưởng có cơ hội tham gia chính trường. Tuy nhiên, do LDP là đảng có vị trí lịch sử và nhận được sự ủng hộ của giới kinh doanh lớn và giới công chức chính phủ cho nên đảng này vẫn tiếp tục chi phối tình hình chính trị Nhật Bản trên cơ sở liên minh với những đảng nhỏ hơn.
2. Chính phủ Nhật Bản
Như đã đề cập ở trên, bên cạnh các đảng chính trị, hệ thống công chức hay còn gọi là các cơ quan công quyền hay gọi chính xác hơn là các cơ quan thuộc chính phủ Nhật Bản đã có ảnh hưởng đặc biệt tới chính sách đối ngoại của nước này. Chính hoạt động của các cơ quan này đã tạo ra diện mạo cho các chính sách đối ngoại của Nhật Bản qua các thời kỳ. Khi đề cập tới các cơ quan trước hết phải kể đến Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế - Công nghiệp và Thương mại (MOFA, FOF, MITE) và sau đó là Bộ Quốc phòng (MOD,kể từ 2007), văn phòng Thủ tướng và các cơ quan khác.
Bộ Ngoại giao được coi là cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Bộ này thực thi chính sách đối ngoại dựa trên cấu trúc hình mạng bao gồm các vụ chức năng, vụ khu vực, và các đại sứ quán ở nước ngoài. Cho dù có một số cải cách và điều chỉnh trong một số thời kỳ song cho đến nay cơ cấu hình mạng vẫn giữ nguyên, bao gồm các vụ chức năng thuộc bộ,  thư ký bộ trưởng, vụ chính sách đối ngoại, vụ kinh tế, vụ hợp tác kinh tế, vụ ngân sách và vụ thông tin quốc tế. Các vụ khu vực có: Vụ Bắc Mỹ, Vụ Châu Á, Vụ Châu Mỹ La Tinh và Caribe, Vụ Châu Âu và Châu Đại Dương và Vụ Trung Đông và Châu Phi. Người ta cho rằng Vụ Bắc Mỹ là vụ quan trọng nhất bởi nó liên quan đến việc đề xuất thực thi và củng cố quan hệ đối ngoại với Mỹ. Và đôi khi cũng có những căng thẳng trong quan hệ giữa vụ này và Vụ Châu Á xung quan câu chuyện cùng thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản với Mỹ và Châu Á như thế nào.
Trong chính sách đối với Châu Á nói riêng nhất là đối với Đông Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản rất chú trọng gia tăng ảnh hưởng của một siêu cường kinh tế. Người ta gọi Nhật Bản là một trong số ít quốc gia thực thi thành công chính sách ngoại giao kinh tế và chính sách này được thể hiện trong nhiệm vụ của bộ  MOF và METI. Thực tế cho thấy cả hai bộ này ngoài chức năng tạo lập chính sách tài chính, thương mại và công nghiệp trong nước, họ còn có nhiệm vụ xây dựng chính sách tài chính và thương mại quốc tế cũng như xúc tiến mở rộng thị trường, thương lượng các hiệp định song phương và đa phương nhằm hỗ trợ giới doanh nhân tìm kiếm lợi ích từ thị trường nước ngoài đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Đồng thời với 3 bộ chủ chốt trên đây, Cục Phòng vệ Nhật Bản trước đây và kể từ 1-1-2007 trở đi là Bộ Quốc phòng có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách an ninh đối ngoại và chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Chính sách an ninh đối ngoại mà cơ quan này thiết kế và thực thi gắn liền với việc Nhật Bản tham gia vào lực lượng hòa bình của Liên Hợp Quốc, cũng như các quan hệ quốc phòng với Mỹ và sự tham gia của cơ quan này trong các diễn đàn hợp tác an ninh khu vực và quốc tế. Đương nhiên các hoạt động của cơ quan này nhất là trong lĩnh vực an ninh đối ngoại bị sự chi phối của Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản năm 1947. Rất có thể trong tương lai gần vị thế của Bộ Quốc phòng sẽ gia tăng một khi hiến pháp này được sửa đổi. Bên cạnh đó, Văn phòng Thủ tướng với một quy mô nhỏ hơn song được coi là cầu nối giữa các bộ với Thủ tướng và tư vấn cho Thủ tướng chỉ đạo chính sách đối nội và đối ngoại Nhật Bản.
3. Giới kinh doanh
Giống như bất cứ quốc gia công nghiệp phát triển nào, lợi ích của giới kinh doanh được coi là tâm điểm cần bảo vệ của giới hoạch định chính sách đối ngoại bởi đó thực chất là lợi ích quốc gia. Bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua việc bảo vệ lợi ích của giới doanh nhân làm việc ở nước ngoài là mục tiêu nổi bật thậm chí là chủ yếu trong chính sách kinh tế quốc tế của bất kỳ quốc gia phát triển nào, Nhật Bản không là ngoại lệ. Điều này cũng có nghĩa là giới doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại. Ở Nhật Bản tổ chức doanh nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách đối ngoại và cả chính sách đối nội là liên đoàn các tổ chức kinh tế (Keidanren).
Tổ chức này quy tụ các nhà doanh nghiệp và có mối quan hệ rất chặt chẽ với Đảng LDP. Họ thường có đại diện làm việc ở các đại sứ quán Nhật Bản ở nước ngoài. Các đại diện này sẽ nắm bắt thông tin về nền kinh tế và chính trị của nước sở tại để tư vấn cho Keidanren trong hoạt động kinh doanh. Từ năm 2002, tổ chức này sát nhập với liên đoàn hiệp hội giới chủ Nhật Bản nhưng vẫn giữ tên gọi như cũ. Nhờ đó những ảnh hưởng của tổ chức này tới chính sách đối ngoại đã gia tăng. Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản và Uỷ ban Phát triển kinh tế Nhật Bản cũng là 2 tổ chức có nhiều ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của nước này.
Bên canh đó, các hiệp hội khác cũng có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Trong đó phải kể đến Hiệp hội Hợp tác Nông nghiệp Nhật Bản (Nokyo), Liên đoàn thương mại Nhật Bản (Sohyo), chính sức ép đến từ Nokyo đã buộc giới lãnh đạo của LDP trong nhiều thời kỳ phải điều chỉnh chính sách khi thương lượng với các thể chế quốc tế, nhất là vấn đề bảo hộ nông nghiệp. Các cuộc thương lượng gia nhập WTO trước đây hay các cuộc thương lượng về hiệp định thương mại tự do song phương của Nhật Bản với các đối tác Đông Á - Thái Bình Dương đã gặp không ít trở ngại khi bàn đến các vấn đề gắn với  nông sản phẩm xuất nhập khẩu của Nhật Bản. Đảng LDP có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này và họ rất coi trọng Nokyo bởi sự ủng hộ của tổ chức này rất quan trọng đối với LDP trong các kỳ bầu cử các cơ quan lập pháp. Còn Sohyo ủng hộ mạnh mẽ Đảng JSP và ủng hộ lập trường hòa bình thiên tả trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
4. Giới truyền thông
Không phải ngoại lệ, ở Nhật Bản giới truyền thông cũng được coi là một thế lực có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của nước này. Ở Nhật Bản có 5 tờ báo có phạm vi phát hành rộng nên ảnh hưởng của những tờ báo này lan tỏa trên phạm vi quốc gia. Tất nhiên lập trường của các tờ báo này cũng rất khác nhau. Sự ủng hộ của một tờ báo đối với một khuynh hướng chính trị nào được coi như là “người anh em ruột thịt” cổ súy cho quan điểm và đường lối của đảng đó. Tờ Ashahi Shimbun và Mainichi Shimbun có lập trường thiên tả còn tờ Yomiuri Shimbun, Nihon Keizai shimbun (Nikkei) và tờ Sankei Shimbun lại có lập trường thiên hữu. Các tờ báo này liên kết chặt chẽ với hệ thống phát thanh truyền hình Nhật Bản và tạo thành một tổ hợp truyền thông tác động rất mạnh tới việc hoạch định chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Không phải ngẫu nhiên mà những chương trình bình luận, đánh giá về chính sách đối ngoại của Nhật Bản trên các kênh truyền hình, các diễn giả thường xuyên được mời là các nhà báo nổi tiếng chứ ít khi người ta mời các học giả hay nhà chính trị.
Ảnh hưởng của các hội nghề nghiệp và của các phương tiện truyền thông tới chính sách đối ngoại của Nhật Bản chính là hiện thân của cái gọi là tác động của công chúng Nhật Bản tới chính sách đối ngoại của nước này. Trong suốt hơn 5 thập kỷ qua kể từ năm 1955, tùy thuộc vào các đặc điểm phát triển khác nhau trong từng thời kỳ, sự tác động của công chúng tới chính sách đối ngoại của Nhật Bản cũng khác nhau. Đó là nói về hiệu ứng của sự tác động còn phương thức tác động thì không có sự khác nhau. Điều cần nhấn mạnh là sự tác động theo hướng dân tộc thiên hữu đang ngày càng trở thành xu thế trội nếu không nói là áp đảo. Chính sự biến đổi của môi trường quốc tế và khu vực sau Chiến tranh Lạnh đã tạo cơ hội để chủ nghĩa dân tộc thiên hữu thể hiện lập trường thông qua  sự tác động của công chúng Nhật Bản.

Như vậy có thể nói, tác động của Tứ giác quyền lực tới việc hoạch định chính sách đối ngoại Nhật Bản nói chung và chính sách Đông Á-Thái Bình Dương nói riêng là một thực tế hiển nhiên. Chỉ có điều mức độ tác động của từng yếu tố tới chính sách này rất khác nhau và cho đến nay chưa ai lượng hoá được song vị trí của các đảng chính trị, nhất là LDP và các cơ quan thuộc chính phủ là đặc biệt quan trọng.

PGS. TS. NGÔ XUÂN BÌNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ellis S. Krauss and T.J. Pempel, (eds.,), (2004), Beyond Bilateralism: US-Japan Relations in the New Asia-Pacific, Sanford, Cal; Sanford University Press.
2. Suisheng Zhao, (ed.,), (2004), Chinese Foreign Policy: Pragmatism and Strategic Behavior, Armonk, N.Y.: M.E. Sharpe.
3. Nishihara Masashi, (ed.,), (2000), The Japan-U.S. Alliance: New Challenges for the 4. 1st Century, New York.
5. Millard, Mike, (eds.,), (2001), Leaving Japan: Observation on the Dysfuntional U.S. -Japan Relationship,Armonk, N.Y.: M.E. Sharpe.
6. Frances McCall Rosenbluth, (ed.,), (2007), The Political Economy of Japan’s Low Fertility, Stanford, Calif.: Stanford University Press.
7. Maharajakrishna Rasgotra, (ed.,), (2007), The New Asian Power Dynamic, New Dlhi: Observer Researche Foudation.
8. Daniel A. Bell, (2006), Beyond Liberal Democracy: Political Thinking for an Asian Context, Princeton, N.J.: Princeton University Press.
9. Mark Beeson, (2006), Bush and Asia: America’s Evolving Relations with East Asia, New York: Routledge.
10. C. Randall Henning, (2002), East Asian Finacial Cooperation, Washington, DC: Institute for International Economics.
11. Takashi Inoguchi, (ed.,), (2002), Japan’s Asian Policy: Revival and Response, New York: Palgrave Macmillan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét