Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

QUAN HỆ NHẬT BẢN – CĂMPUCHIA TRONG LĨNH VỰC HỢP TÁC VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG, KINH TẾ, XÃ HỘI (1991- 2007)


QUAN HỆ NHẬT BẢN – CĂMPUCHIA TRONG LĨNH VỰC HỢP TÁC VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG, KINH TẾ, XÃ HỘI (1991- 2007)


Trong quá trình nghiên cứu quan hệ giữa Nhật Bản với các nước Châu Á, Đông Nam Á (ĐNA) có rất nhiều bài viết của các nhà khoa học về quan hệ Nhật Bản với các nước ĐNA dưới nhiều lĩnh vực khác nhau, khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, việc nghiên cứu quan hệ Nhật Bản với Cămpuchia và Lào vẫn còn trống vắng nhất là trong giai đoạn sau khi vấn đề hòa bình ở Cămpuchia đã được giải quyết. Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, chúng tôi cùng với một số học viên cao học khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Huế đã quan tâm nghiên cứu vấn đề này, hy vọng sẽ lấp một khoảng trống trong nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng tôi dự định có nhiều bài viết về quan hệ Nhật Bản với Cămpuchia và Lào trên các lĩnh vực khác nhau, phân tích, lý giải những tác động của mối quan hệ giữa Nhật Bản - Cămpuchia, Nhật Bản - Lào đối với lợi ích hai nước, khu vực, đồng thời dự báo triển vọng, thách thức của mối quan hệ này trong tương lai dưới tác động của các nhân tố quốc tế và khu vực. Sau bài viết với tiêu đề “Quan hệ Nhật Bản - Cămpuchia giai đoạn 1991-2007” tham gia Hội nghị khoa học quốc tế “Nghiên cứu về Nhật Bản”do Trường ĐH KHXH&NV Quốc gia phối hợp với Quĩ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản chủ trì ngày 12, 13/9/2008, chúng tôi tiếp tục giới thiệu bài viết Quan hệ Nhật Bản - Cămpuchia trong lĩnh vực hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, y tế cho Cămpuchia trong giai đoạn này. Bài viết chủ yếu phân tích cơ sở của mối quan hệ hợp tác, biểu hiện cụ thể của các lĩnh vực hợp tác và lợi ích thu được của cả 2 phía do quá trình hợp tác này mang lại, qua đó phân tích, lý giải và rút ra những kết luận bước đầu cũng như những tác động của nó đối với từng nước và khu vực. Đồng thời nêu lên những đóng góp thiết thực cụ thể,có hiệu quả của Nhật Bản đối với Cămpuchia trong các lĩnh vực nói trên, qua đó thấy rõ hơn vai trò của Nhật Bản trong quan hệ với Cămpuchia nói riêng cũng như với ĐNA và Đông Dương nói chung.
I. CƠ SỞ CỦA MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA  NHẬT BẢN  VÀ CĂMPUCHIA
Nhật Bản và Cămpuchia là hai quốc gia Đông Á có nhiều mối liên hệ về lịch sử và truyền thống văn hóa xã hội trong quá khứ. Ngày nay, Nhật Bản là một trong những siêu cường kinh tế của thế giới, còn Cămpuchia vẫn đang trong danh sách các nước kém phát triển. Nhưng điều đó hoàn toàn không thể ngăn trở được mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Quan hệ giữa hai nước đã được khởi động từ lâu, song do nhiều lí do khách quan và chủ quan khác nhau nên phải đến cuối những năm 1980 và đầu thập kỷ 1990 mới có điều kiện để phát triển. Quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia từ đầu những năm 1990 trở đi diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động to lớn. Trước hết, là Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự sụp đổ của trật tự hai cực Ianta. Điều đó đã chấm dứt sự đối đầu căng thẳng đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong các mối quan hệ quốc tế và khu vực. Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã làm thay đổi thế giới, tác động và thúc đẩy sự hình thành nên xu hướng đối thoại, liên kết, hợp tác cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia nói riêng.
Đông Nam Á vốn là “điểm nóng” của cuộc đối đầu “Đông – Tây”, Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng đồng thời kết thúc sự đối đầu giữa ASEAN và Đông Dương. Hiệp định Hòa bình về Cămpuchia được kí kết (10/1991), xu thế “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” được ủng hộ hơn bao giờ hết. Điều đó tạo nên những nhân tố quan trọng dẫn đến sự xích lại gần nhau giữa hai khối nước ASEAN và Đông Dương trong đó có Cămpuchia. Quan hệ Nhật Bản - Cămpuchia được phát triển trên cơ sở chính sách đối ngoại chú trọng Đông Nam Á của Nhật Bản và nhu cầu hợp tác của hai nước đặc biệt là trong những năm cuối thập niên 1980 trở đi.
Ngay từ cuối những năm 1970, Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng cho mình một đường lối đối ngoại Đông Nam Á, trong đó Học thuyết Fukuda là nền tảng của chính sách này. Nội dung cơ bản của học thuyết này gồm 3 điểm: “1. Nhật Bản là một quốc gia tôn trọng hòa bình, không chấp nhận vai trò của một cường quốc quân sự và quyết tâm đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của Đông Nam Á và cộng đồng thế giới; 2. Nhật Bản sẽ nỗ lực để củng cố mối quan hệ bạn bè và tin cậy trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội với các nước trong khu vực; 3. Nhật Bản sẽ là một bạn hàng bình đẳng hợp tác tích cực với các nước ASEAN và các nước khác, tăng cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau với các nước Đông Dương và sẽ góp phần vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên toàn khu vực Đông Nam Á”(1). Với nỗ lực thực hiện Học thuyết Fukuda từ 1977đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã tạo được một vị thế và vai trò khá vững chắc trong mối quan hệ với ASEAN cũng như với các thành viên của nó. Đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng tác động rất thuận lợi để Nhật thúc đẩy và phát triển quan hệ với Cămpuchia.
Bước sang thế kỷ XXI, Nhật Bản có sự điều chỉnh chính sách của mình đối với khu vực ĐNA. Trước hết, Nhật Bản chủ trương tăng cường hợp tác toàn diện đối với ASEAN. Đồng thời Nhật Bản coi các nước ĐNA và tổ chức ASEAN  là một trong những đối tác chiến lược, nơi có thể tạo ra sự cân bằng trong hợp tác Đông Á và củng cố địa vị nước lớn của mình, trước hết là ở Châu Á. Trong mục tiêu chiến lược ở Đông Nam Á trong thế kỷ XXI, Nhật Bản nhằm  hướng đến những lợi ích: Một là, bảo đảm môi trường hoà bình có lợi cho Nhật; Hai là, bảo vệ an toàn đường vận tải biển qua khu vực Đông Nam Á.; Ba là, duy trì nguồn cung cấp tài nguyên, thị trường tiêu thụ và đầu tư. Các học thuyết: Học thuyết Miazawa, Học thuyết Hashimoto, Học thuyết Obuchi và gần đây là học thuyết Koizumi về Đông Nam Á đều nhằm đến việc thúc đẩy đối thoại an ninh và chính trị giữa các quốc gia trong khu vực, tăng cường hợp tác Nhật Bản – ASEAN, nâng quan hệ Nhật Bản – ASEAN lên tầm cao hơn, chuyển quan hệ Nhật – ASEAN sang quan hệ bạn bè, hợp tác, bình đẳng, trao đổi rộng rãi không những về kinh tế mà cả an ninh, chính trị, văn hoá và xã hội.
Vào đầu những năm 1990, nhu cầu thiết lập mối quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Cămpuchia trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước hết, đối với Nhật Bản: Nhật Bản là một cường quốc kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới nhưng lại “lùn về chính trị”, do vậy, Chính phủ Nhật phải nỗ lực ngoại giao để xóa đi hình ảnh đó, đưa nước Nhật trở thành một quốc gia có vị thế chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế và khu vực đầu những năm 1990 (như đã phân tích ở trên) đã đưa đến một cơ hội có một không hai trong vấn đề Cămpuchia để  Nhật Bản thực hiện điều đó.
Đối với Cămpuchia: Cămpuchia là một nước sau cuộc xung đột, đã từng trải qua một thời kỳ dài hơn 20 năm rối loạn chính trị và biến động xã hội, bắt đầu từ thời chế độ quân sự Lon Nol và sau đó là chế độ Pol Pot. Trong suốt thời kỳ biến động này, các thể chế pháp luật và sự thực thi luật pháp đã bị phá huỷ. Các cơ sở của sự phát triển kinh tế bao gồm giao thông, cầu đường và các điều kiện thuận lợi về thuỷ lợi và các nhu cầu cơ bản của xã hội như là hệ thống trường học, bệnh viện, cung cấp nước bị phá huỷ gần như toàn bộ. Nguồn nhân lực có thể đóng góp cho sự phát triển của quốc gia này đã bị giảm đi 1/10 thông qua các cuộc thanh trừng và lao động ép buộc dưới chế độ Pol Pot. Như một di sản của thời chiến, lực lượng quân sự của Cămpuchia vẫn được duy trì với quy mô khá lớn. Hơn nữa hàng triệu quả bom không nổ vẫn còn tồn tại, nó tiếp tục gây ra những tổn thất và cản trở sự phát triển của Cămpuchia. Trong hoàn cảnh đó, 35,5% dân số, khoảng hơn 4 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, những chỉ số kinh tế, xã hội, như tỷ lệ người biết đọc, biết viết và tỷ lệ tử vong ở trẻ em chiếm mức cao nhất vùng. Từ khi gia nhập ASEAN, Cămpuchia đã phải lao vào cuộc đua khắt khe với với các nước láng giềng để hội nhập kinh tế khu vực”(2).
Chương trình Quốc gia nhằm khôi phục và phát triển của Cămpuchia (the Nation Program to Rehabilitate and Develop Cambodia – NPRD) được thực hiện từ năm 1994 và Kế hoạch 5 năm đầu tiên của đất nước: Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 1996-2000 (Socio-Economic Development Plan 1996-2000(SEDP-I) đã trở thành khuôn khổ và nền tảng cơ bản của NPRD, Cămpuchia đã đề ra mục tiêu trung và dài hạn với các kế hoạch: trong vòng 10 năm phải tăng gấp đôi tổng thu nhập GDP ; nâng cao mức sống quốc gia thông qua việc cải thiện các dịch vụ xã hội trong các lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe và giáo dục; khuyến khích tăng thu nhập ở các vùng nông thôn; thúc đẩy phát triển thực sự về tình hình chính trị, xã hội, tài chính và môi trường. Chỉ bằng con đường đó mới có thể từng bước giảm sự lệ thuộc của Cămpuchia vào viện trợ  của nước ngoài.
Tháng 11/1998, Chính phủ mới của Cămpuchia đã tuyên bố cương lĩnh của Chính phủ Hoàng gia Cămpuchia về Kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1998-2003 và khẳng định sự tiếp tục theo đuổi các mục tiêu ưu tiên hàng đầu là chống nghèo đói, phát triển kinh tế, xã hội. Các vấn đề đặc biệt quan trọng được đặt ra là ổn định xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, cùng với một loạt các cải cách nhằm mục tiêu là nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm quản lý và  nhanh chóng tăng nhanh tổng thu nhập quốc gia và cải thiện một bước quan trọng đời sống nhân dân lao động.
Chiến lược giảm nghèo tạm thời của Cămpuchia được công bố tháng  11/2000, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lần thứ II đã được Ủy ban Quốc gia thông qua tháng 8/2002 và Chiến lược giảm nghèo quốc gia đã được Hội đồng các Bộ trưởng chính thức phát động tháng 12/2002. Tất cả các chiến lược trên đều cho thấy tầm quan trọng đặc biệt  của các biện pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển lĩnh vực xã hội thông qua các dịch vụ y tế và giáo dục. Trong các chiến lược này Chính phủ Cămpuchia cũng nêu bật tầm quan trọng của mục tiêu đạt tốc độ phát triển kinh tế trung bình hằng năm của Cămpuchia là 6%-7%. Qua sự phân tích ở trên chứng tỏ công cuộc tái thiết, xây dựng lại đất nước và phát triển kinh tế xã hội là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Chính phủ và nhân dân Cămpuchia trong đó lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế là vô cùng quan trọng trong thời kỳ đầu mới vượt qua những thảm họa của chiến tranh. Bên cạnh sự phát huy các nhân tố nội lực của Chính phủ và nhân dân Cămpuchia thì sự viện trợ, giúp đỡ quốc tế của các nước lớn có tiềm lực kinh tế và kỹ thuật là vô cùng quan trọng. Cămpuchia rất cần sự giúp đỡ viện trợ của Nhật Bản, một cường quốc kinh tế và khoa học công nghệ ở khu vực và thế giới. Mặt khác, sau khi hòa bình đượclập lại ở Cămpuchia (1991) các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ cũng đang hết sức sốt sắng cho việc tạo lập ảnh hưởng của mình ở đất nước này. Do vậy, việc phát triển quan hệ với Nhật Bản, Cămpuchia sẽ khai thác được sự cân bằng lực lượng và ảnh hưởng quốc tế có lợi trên đất nước mình.
Như vậy, do bối cảnh quốc tế thuận lợi cộng với nhu cầu hợp tác của hai nước Nhật Bản và Cămpuchia trong những năm đầu thập niên 1990 là những đòn bẩy chủ yếu thúc đẩy quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia bước vào thời kỳ phát triển mới.
II. QUAN HỆ NHẬT BẢN – CĂMPUCHIA TRÊN LĨNH VỰC HỢP TÁC VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG, KINH TẾ, XÃ HỘI, GIÁO DỤC VÀ Y TẾ
1. Hợp tác Nhật Bản – Cămpuchia trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội
Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội là một trong những cơ sở nền tảng vô cùng quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội của bất cứ quốc gia nào. Sau nội chiến và xung đột kéo dài hoàn cảnh lịch sử xã hội của Cămpuchia ở trong tình trạng vô cùng khó khăn   hầu hết hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh tế trọng điểm, thủy lợi... hầu như đã bị phá hủy. Nhu cầu cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng của Cămpuchia đã trở thành vấn đề bức thiết và có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp tái thiết, xây dựng và phát triển của Cămpuchia. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ đầu những năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đã tích cực giúp đỡ Cămpuchia về lĩnh vực này thông qua các chương trình tái thiết Cămpuchia cùng với các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế. Đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản trong quan hệ hợp tác với Cămpuchia. Cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội trong quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia từ 1991 đến 2007 chủ yếu là: cải thiện, nâng cấp và xây dựng hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc; các điều kiện cung cấp điện, nước và một số vấn đề khác.
Giao thông vận tải và thông tin liên lạc là một trong những mạch máu quan trọng của cơ sở  kinh tế xã hội. Do vậy, giúp Cămpuchia cải thiện, nâng cấp và xây dựng hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc là ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua việc thực hiện một loạt các dự án của Nhật Bản trong lĩnh vực này ở Cămpuchia từ năm 1991 đến năm 2007.  Trong giai đoạn đó, hầu như không có năm nào là không có các hoạt động của các dự án trong lĩnh vực này. Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là cơ quan tích cực ủng hộ Cămpuchia cải thiện và phát triển hệ thống giao thông vận tải quốc gia. Sau hiệp định hòa bình năm 1991, sự khôi phục khẩn cấp về đường sá, cầu cống, bến cảng, sân bay của Cămpuchia đã được Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á(ADB) đề xướng. Việc cải thiện các yếu tố trên đã được xem là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Cămpuchia. Trước hết là dự án khôi phục cầu Chroy Changwar (còn được gọi là cầu Nhật Bản hay “cầu hữu nghị Cămpuchia – Nhật Bản”. Dự án này đã hoàn thành vào năm 1994 với trị giá 23,2 triệu USD bằng viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản. Các dự án thực hiện các hạng mục công trình nhằm cải tạo quốc lộ 6, quốc lộ 7 vào các năm 1996, 1999, 2002, 2003 với trị giá hàng trăm ngàn USD viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản. Hay các dự án nhằm khôi phục, sửa chữa và mở rộng các cảng quốc tế quan trọng Sihanoukville và Phnom Penh trong những năm đầu thế kỷ XXI. Rồi các dự án khôi phục cải thiện cơ quan khí tượng hàng không dân dụng Cămpuchia (2006), dự án Nghiên cứu kế hoạch tổng thể về vận tải biển ở Cămpuchia (2006), dự án cải thiện quốc lộ 1 (đoạn Phnom Penh – Neak Loueng) từ năm 2003 đến 2006. Bên cạnh đó là các dự án về công trình giao thông đô thị ở Phnom Penh(3).
Về lĩnh vực thông tin liên lạc, quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia cũng đạt được một số thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này. Bằng viện trợ không hoàn lại,  Nhật Bản đã giúp đỡ Cămpuchia thực hiện các dự án nâng cấp đài phát thanh quốc gia hoàn thành vào tháng 6/1998 với trị giá 12,9 triệu USD và dự án cải thiện hệ thống thông tin liên lạc ở thủ đô Phnom Penh hoàn thành tháng 4/1998 với tổng trị giá 30,6 triệu USD. Đây là hai công trình sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Thêm vào đó, bằng vốn vay ODA lãi suất 0,9%/năm, thời hạn trả là 30 năm và có thể gia hạn thêm 10 năm, năm 2005, Nhật Bản đã giúp đỡ Cămpuchia thực hiện dự án hệ thống thông tin liên lạc vùng MeKong trong phạm vi hành lang phát triển Cămpuchia với tổng trị giá 28,85 triệu yên.
Sự phát triển của thông tin liên lạc và phát thanh ở Cămpuchia là một trong những kết quả giúp đỡ, viện trợ có hiệu quả của Nhật Bản. Nhật Bản đã giúp Cămpuchia cải thiện các điều kiện trang cấp điện thoại và cung cấp các thiết bị truyền hình. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, bộ Bưu chính viễn thông Cămpuchia đã lập kế hoạch phát triển dài hạn (2001-2005) và đang nỗ lực phát triển hệ thống thông tin liên lạc phủ sóng ở các vùng ngoại ô Phnom Penh và thủ phủ các tỉnh, thành phố với mục tiêu thu hẹp khoảng cách thông tin giữa nông thôn và thành thị. JICA rất coi trọng các vấn đề trên và tiếp tục giúp đỡ, ủng hộ cả “phần cứng”(trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật công nghệ...) và cả  “phần mềm” ( nhân lực) trong các hoạt động duy trì, bảo dưỡng, quản lý các phương tiện, sản xuất các chương trình thông qua viện trợ kỹ thuật với mục tiêu là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ cấu tổ chức cho các lĩnh vực này.
Hợp tác Nhật Bản – Cămpuchia trong việc xây dựng, nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng lĩnh vực năng lượng điện cũng được chú ý. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hệ thống truyền tải, phân phối cũng như sản xuất điện của Cămpuchia còn ở trình độ thấp và phụ thuộc vào các nguồn khí nhập khẩu từ các nước láng giềng, là những nhân tố cản trở sự phát triển ngành điện cũng như cản trở sự phát triển kinh tế xã hội ở Cămpuchia. Để giúp Cămpuchia khắc phục tình hình trên và tạo ra sự phát triển ổn định, hiệu quả trong lĩnh vực này, Nhật Bản đã tích cực ủng hộ Cămpuchia thực hiện một loạt các dự án. Trước hết, ngày 15/6/1999, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ không hoàn lại cho Cămpuchia 28,71 triệu USD để thực hiện dự án khôi phục và nâng cấp cung cấp điện ở Phnom Penh. Dự án đã hoàn thành vào tháng 3/2002 và đã đáp ứng được nhu cầu điện của nhân dân và các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Ngày 25/3/2002, Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Cămpuchia 15,78 triệu USD chi phí cho dự án mở rộng các điều kiện cung cấp điện ở tỉnh Siem Reap hoàn thành vào tháng 5/2004. Chính phủ Nhật Bản đã giúp Cămpuchia thực hiện dự án điện khí hóa nông thôn với tổng trị giá 9,874 triệu USD (6/2006) sẽ hoàn thành vào 3/2008. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn tài trợ xây dựng các cơ sở cung cấp nước sạch, theo kế hoạch tổng thể của JICA từ năm 1992, dự án cải thiện các điều kiện cung cấp nước ở Phnom Penh, hoàn thành vào 3/1999 với tổng viện trợ là 45,48 triệu USD. Dự án cải thiện hệ thống nước ở thị xã Siem Reap (trị giá 14,19 triệu USD) bằng viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản. Bên cạnh việc giúp đỡ Cămpuchia cải thiện, xây dựng và nâng cấp các điều kiện cung cấp điện, nước, Nhật Bản còn giúp Cămpuchia phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Với mục đích  vừa cung cấp điện ổn định, an toàn vừa thông qua quản lý có hiệu quả và thích hợp tiêu chuẩn, kỹ thuật của ngành điện ở Cămpuchia, Nhật Bản đã phối hợp với Cămpuchia thực hiện dự án xây dựng năng lực và tổ chức trong lĩnh vực điện . Dự án được thực hiện từ tháng 9/2004 đến tháng 9/2007 với các hoạt động cơ bản là phái các chuyên gia, cung cấp trang thiết bị và vật tư cần thiết để thực thi các dự án đào tạo kỹ thuật ở Nhật cho các nhân viên, công chức Cămpuchia trong lĩnh vực điện(4). Dự án khôi phục hệ thống tưới tiêu Kandal Stung ở hạ lưu sông Prek Thno,dự án này được thực hiện bằng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản trị giá 218 triệu yên nhằm tới mục tiêu cung cấp nước tưới hiệu quả nhất cho vùng Kandal Stung. Hay dự án khôi phục hệ thống tưới tiêu Kandal Stung (2005-2008), được thực hiện bằng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản với trị giá 19,26 triệu USD. Mục tiêu dự án là nhằm tới cung cấp nước tưới hiệu quả cho vùng Kandal Stung bằng việc phục hồi các điều kiện tưới nước như máy móc, kênh tưới và các công trình liên quan.
Phần lớn các dự án nói trên được thực hiện bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội của Cămpuchia nói chung, trong đó chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện mục tiêu giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước rất đa dạng và phong phú thực sự được đẩy mạnh từ những năm đầu thế kỷ XXI. Đây là một nội dung quan trọng trong sự hợp tác giữa Nhật Bản và Cămpuchia từ những năm 1990 đến năm 2007. Do đó, thành tựu của nó sẽ góp phần củng cố và thúc đẩy sự phát triển của quan hệ giữa hai nước (sẽ được phân tích kỹ trong bài hợp tác Nhật Bản- Cămpuchia trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp)
2. Hợp tác giữa Nhật Bản – Cămpuchia về văn hóa, giáo dục
Hoàn cảnh lịch sử của Cămpuchia đã đưa đến các vấn đề bất cập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và trong tạo nguồn nhân lực mà Cămpuchia đã và đang phải đối mặt. Đó là: trình độ dân trí thấp kém, tỷ lệ mù chữ cao, sự kém chất lượng và lạc hậu của nền giáo dục đào tạo nhất là về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên. Đây thực sự là những cản trở to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Cămpuchia từ khi hòa bình lập lại đến nay.
Trên cơ sở đó, với thế mạnh về trình độ khoa học kỹ thuật và nền giáo dục phát triển của mình, Nhật Bản đã coi hợp tác phát triển giáo dục và tạo nguồn nhân lực là một trong những lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Cămpuchia .
Các hoạt động hợp tác giáo dục và phát triển nhân lực chỉ thực sự được thúc đẩy và phát triển từ cuối những năm 1990 trở lại đây, sau khi tiến trình hòa bình ở Cămpuchia ổn định thật sự. JICA là cơ quan chính chịu trách nhiệm hợp tác với Cămpuchia trên lĩnh vực này thông qua các chương trình đào tạo kỹ thuật, “chương trình lời mời thanh niên” và các dự án hợp tác kỹ thuật khác. Trong đó, mục tiêu của chương trình đào tạo kỹ thuật là nhằm đạo tạo đội ngũ chuyên viên kỹ thuật, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lí trên các lĩnh vực cho các nước đang phát triển trong đó có Cămpuchia. “Chương trình lời mời thanh niên” là một bộ phận trong các hoạt động hợp tác của JICA, giới trẻ các nước đang phát triển được mời đến học tập, trao đổi kinh nghiệm cùng với giới trẻ Nhật Bản trong thời gian ngắn (khoảng 1 tháng). Các dự án hợp tác kỹ thuật là một hình thức ủng hộ gồm 3 yếu tố: phái các chuyên gia, nhận người tham gia đào tạo tại Nhật, cung cấp trang thiết bị và các lọai vật tư. Ba yếu tố đó được chỉ đạo và kết nối một cách có hệ thống trong toàn bộ tiến trình thực hiện dự án từ việc lập kế hoạch, tới việc thực hiện và đánh giá dự án .
Trong sự phát triển giáo dục của Cămpuchia, kế hoạch chiến lược giáo dục và Chương trình ủng hộ giáo dục được phát triển một cách có hệ thống vào tháng 6/2001. Đây là một chương trình nhằm ủng hộ Cămpuchia trong các nỗ lực nhằm phát triển nguồn nhân lực: đào tạo giáo viên trong các cơ quan giáo dục chất lượng cao và các nhà khoa học....Từ năm 2001 có 20 sinh viên Cămpuchia (từ năm 2006 tăng lên 25 người) nhận được học bổng tại các trường Đại học Nhật Bản trong các lĩnh vực: kinh tế, luật, quan hệ quốc tế gồm luật quốc tế và các lĩnh vực quan trọng khác về phát triển nguồn nhân lực. Học bổng hàng năm trong viện trợ của Nhật Bản dành cho Cămpuchia luôn có xu hướng tăng và ổn định. Cụ thể là: năm 2000 là 159 triệu yên (1,47 triệu USD); năm 2001 là 311 triệu yên (2,6 triệu USD); năm 2002 là 366 triệu yên (3,1 triệu USD); năm 2003 là 57 triệu yên (467 ngàn USD); năm 2004 là trên 5 triệu USD; năm 2005 là 4,3 triệu USD; năm 2006 là 3,5 triệu USD; năm 2007 (tính đến 14/6) là 3,165 triệu USD. Các khoản viện trợ này đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển giáo dục và nguồn nhân lực của Cămpuchia trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực khác nhau của Cămpuchia  được thể hiện rất đa dạng và cũng là một nét nổi bật trong quan hệ Nhật Bản –Căm puchia những năm đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu để giúp Cămpuchia có những nguồn lực cơ bản nhất đó là trong lĩnh vực giáo dục, y tế và   nông nghiệp. Dưới dạng các dự án hợp tác kỹ thuật, JICA đã thực hiện hợp tác với Cămpuchia trong các dự án phát triển nguồn nhân  lực cho các cơ sở y tế quận, huyện ở Phnom Penh, Battambang, Kampot và Kongpong Cham. Dự án này bắt đầu từ tháng 9/2003 nhằm tới mục tiêu thiết lập năng lực xây dựng các cơ quan sức khỏe cộng đồng của các sở y tế. Nội dung của nó bao gồm thiết lập cơ chế ủy nhiệm và xác định rõ chuyên gia công nghệ về X- quang, xây dựng tổ chức cho lĩnh vực giáo dục, y tế cơ bản, bao gồm các hoạt động đã được xem xét là các khóa học, sách giáo khoa và và năng lực quản lý trường học. Dự án này sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2008.
JICA cũng đã tiến hành phái các chuyên gia hợp tác kỹ thuật của mình tới Cămpuchia dưới hình thức ngắn và dài hạn. Theo “Sự hợp tác của JICA với Cămpuchia (2006) thì số lượng các chuyên gia đã được phái đến Cămpuchia và đang hoạt động ở Cămpuchia trong những năm gần đây là 21 chuyên gia ngắn hạn và 38 chuyên gia dài hạn. Các chuyên gia này công tác ở hầu hết các bộ, ngành của Chính phủ Cămpuchia trong đó nhiều nhất là Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp (10 người), Bộ Y tế (9 người), Bộ Giáo dục Thanh niên và thể thao (8 người) …Bên cạnh đó, JICA còn tổ chức “Chương trình tình nguyện viên hợp tác quốc tế Nhật Bản”. Chương trình này đã đến với Cămpuchia từ năm 1966, nhưng sau đó đến 1970 nó bị đình lại do sự mất ổn định ở Cămpuchia và đến năm 1992, chương trình này đã trở lại hoạt động ở Cămpuchia. Cũng theo tài liệu trên của JICA thì hiện có 34 tình nguyện viên đang hoạt động ở Cămpuchia. Ngoài ra, từ tháng 4/2001, JICA còn phái các tình nguyện viên có thâm niên là những người tình nguyện từ 40 đến 69 tuổi và đặc biệt là có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng trong các lĩnh vực kỹ thuật đến công tác tại Cămpuchia. Cho đến năm 2006 đã có khoảng 22 tình nguyện viên như thế đã đến Cămpuchia(5). Đội ngũ các chuyên gia cũng như các tình nguyện viên của JICA phái đến thực sự đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực của Cămpuchia. Nhất là các chuyên gia, họ rất tích cực trong vai trò chuyển giao công nghệ tân tiến, tri thức, kinh nghiệm bổ ích, thiết thực cho Cămpuchia. Tất cả họ đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển nguồn nhân lực cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước này trong những năm qua.
Có thể nói sự ra đời của Trung tâm Hợp tác Nhật Bản – Cămpuchia (2004) là đỉnh cao nhất trong sự hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước trong giai đoạn này. Trung tâm này đã đi vào hoạt động từ ngày 21/02/2006. Trung tâm này được xây dựng trong Đại học Hoàng gia Cămpuchia với diện tích 2.670 mét vuông. Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Hun Sen đã bày tỏ hi vọng Trung tâm này sẽ trở thành một cơ quan nghiên cứu có hiệu quả giúp Cămpuchia học tập kinh nghiệm của Nhật Bản cũng như các nước Đông Á. Trung tâm này là công trình được JICA đầu tư với trị giá 4,4 tỷ USD, do Giáo sư tiến sỹ văn học Oum Ravy thuộc Đại học hoàng gia Cămpuchia làm chủ nhiệm. Trung tâm sẽ đào tạo nhân tài quản lí kinh tế cho Cămpuchia, thúc đẩy kinh tế thị trường bằng phương thức và kinh nghiệm của Nhật Bản, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị giữa hai nước thông qua dạy học bằng tiếng Nhật và các hoạt động giao lưu văn hóa. Trung tâm đã được nhiều giáo sư, học giả và các doanh nhân nổi tiếng của Nhật Bản đích thân giảng dạy hoặc áp dụng hình thức đào tạo từ xa qua đài truyền hình(6).  Trung tâm hợp tác Nhật Bản – Cămpuchia hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp về việc thúc đẩy sự phát triển giáo dục đào tạo và phát triển nhân lực cho Cămpuchia.
Nằm trong kế hoạch hợp tác chung giữa 2 nước, nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục môn toán ở các trường trung học phổ thông. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2005 đến tháng 10/2008 với nội dung cơ bản là duyệt lại chương trình giảng dạy mới đối với 4 môn là toán, vật lý, hóa học và sinh học lớp 10 đến lớp 12. Sau đó từ tháng 2/2006, Trái Tim Vàng (Heart of Gold )- một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản đã thực hiện  dự án “Cải thiện chương trình giảng dạy và các loại sách giáo viên khoa học tự nhiên cho các trường tiểu học ở Cămpuchia”. Dự án này được thực hiện trong toàn quốc và sẽ hoàn thành vào tháng 7/2008.
Với khoản viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản là 4,64 triệu USD đã được sử dụng vào Dự án xây dựng các trường tiểu học ở Phnom Penh (giai đoạn II). Đây là kết quả của sự phối hợp giữa  JICA cùng chính quyền Phnom Penh và Bộ Giáo dục thanh niên và thể thao Cămpuchia. Giai đoạn I của dự án hoàn thành vào tháng 12/2005 và đã xây dựng được các công trình với tổng số 147 phòng học (115 phòng mới, và 32 phòng được sửa lại) cùng với các thiết bị lớp học trị giá 4,25 triệu USD. Trong giai đoạn II này các công trình trường học ở 5 trường tiểu học sẽ được xây dựng và dự án hoàn thành vào tháng 2/2007. Các tổ chức tư nhân, phi Chính phủ Nhật Bản cũng tham gia tích cực các hoạt động này. Chẳng hạn, để nhằm cải thiện việc quản lý trường tiểu học ở tỉnh Siem Reap, một tổ chức phi Chính phủ ở quận Hiroshima đã thực hiện dự án “Cải thiện công tác quản lý trường học” ở huyện Pouk thông qua các hoạt động huấn luyện, hội thảo và các buổi Seminar được hướng dẫn bởi các chuyên gia đến từ đại học Hiroshima của Nhật Bản. Dự án dự định thực hiện từ năm 2000 đến năm 2008(7).
Như vậy, quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia trên lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực từ những năm 1990 trở lại đây có nội dung hết sức phong phú, bao hàm nhiều hoạt động, trong đó chủ yếu vẫn là việc dành những khoản viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản cho Cămpuchia nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị vật chất cho các cơ sở giáo dục của Cămpuchia. Bên cạnh đó việc tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo được tổ chức ở Nhật Bản hoặc Cămpuchia dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản rồi dành học bổng cho sinh viên Cămpuchia … để bồi dưỡng đào tạo nhân tài cho Cămpuchia...Trong đó, sự ra đời của Trung tâm hợp tác Cămpuchia – Nhật Bản tại Đại học Hòang gia Cămpuchia năm 2006 là sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này. Quan hệ hai nước trong lĩnh vực này đã đáp ứng nhu cầu bức thiết về phát triển giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho sự phát triển của các ngành kinh tế, xã hội của Cămpuchia. Nó là một bộ phận quan trọng có vai trò củng cố và thúc đẩy quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia trong giai đoạn từ những năm 1990 trở lại đây.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu  mối quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia trong lĩnh vực hợp tác về cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội giai đoạn 1991 – 2007, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
+  Nhật Bản và Cămpuchia là hai quốc gia Đông Á có nhiều mối liên hệ về lịch sử và truyền thống văn hóa, xã hội trong quá khứ. Ngày nay, Nhật Bản là một trong những siêu cường kinh tế của thế giới, còn Cămpuchia vẫn đang trong danh sách các nước kém phát triển. Nhưng điều đó hoàn toàn không thể ngăn trở được mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Quan hệ giữa hai nước đã được khởi động từ lâu, song do nhiều lí do khách quan và chủ quan khác nhau nên phải đến cuối những năm 1980 và đầu thập kỷ 1990 mới có điều kiện để phát triển. Đông Nam Á vốn là “điểm nóng” của cuộc đối đầu “Đông – Tây”, Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng đồng thời kết thúc sự đối đầu giữa ASEAN và Đông Dương. Hiệp định Hòa bình về Cămpuchia được kí kết (10/1991), xu thế “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” được ủng hộ hơn bao giờ hết. Điều đó tạo nên những nhân tố quan trọng dẫn đến sự xích lại gần nhau giữa hai khối nước ASEAN và Đông Dương trong đó có Cămpuchia. Quan hệ Nhật Bản - Cămpuchia được phát triển trên cơ sở chính sách đối ngoại chú trọng Đông Nam Á của Nhật Bản và nhu cầu hợp tác của hai nước đặc biệt là trong những năm cuối thập niên 1980 trở đi. Do bối cảnh quốc tế thuận lợi cộng với nhu cầu hợp tác của hai nước Nhật Bản và Cămpuchia trong những năm đầu thập niên 1990 là những đòn bẩy chủ yếu thúc đẩy quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia bước vào thời kỳ phát triển mới.
+ Việc giải quyết vấn đề Cămpuchia đã đem lại hòa bình, ổn định ở ĐNA nói chung và Cămpuchia nói riêng, tạo ra một “cơ hội tuyệt vời” đối với Nhật Bản để nâng cao vị thế chính trị ngang tầm với vị thế là “cường quốc kinh tế số 2 thế giới”. Quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia cũng diễn ra trong bối cảnh mà quan hệ giữa Nhật Bản với tổ chức ASEAN đang phát triển. Điều này, tạo môi trường khu vực thuận lợi thúc đẩy mối quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia.
Sự tích cực và năng động nhằm thúc đẩy mối quan hệ hai nước của Nhật Bản được thể hiện trong việc hoạch định và chuyển hướng đường lối đối ngoại đối với Châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á trong những năm cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 được xem là nền tảng của chiến lược đối ngoại Đông Nam Á của Nhật Bản. Nhìn lại những nỗ lực ngoại giao năng động của Chính phủ Nhật Bản trong  thời gian nói trên có thể thấy Nhật Bản đã hết sức quyết đoán và dũng cảm trong việc xác lập vai trò chính trị khu vực và quốc tế trong vấn đề Cămpuchia. Trên thực tế quyền định đoạt vấn đề Cămpuchia vào thời điểm lịch sử đó thuộc về năm nước lớn trong Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an, nhưng Nhật Bản từ một người ngoài cuộc đã chủ động và dũng cảm vươn lên để “san sẻ trách nhiệm” với cộng đồng quốc tế trong vấn đề Cămpuchia, xem Cămpuchia là điểm  khởi đầu của chiến lược đối ngoại của mình. Kế hoạch hợp tác quốc tế (1988), chuyến thăm Cămpuchia của ngài Kawano (1990),  “Hội nghị Tokyo về Cămpuchia” (6/1990), gửi lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến Cămpuchia và  Hội nghị quốc tế về vấn đề tái thiết Cămpuchia (6/1992) … là hàng loạt  những nổ lực ngoại giao của Nhật Bản nhằm thể hiện những điều trên và được đánh giá là những nỗ lực “làm sống lại học thuyết Fukuda”.Cố gắng tích cực, chủ động, độc lập trong  ngoại giao của Nhật Bản về việc giải quyết vấn đề Cămpuchia đã dược nhân dân Cămpuchia nhìn nhận bằng việc tín nhiệm  tăng cường quan hệ với Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế và xây dựng đất nước của họ.
Về phía Cămpuchia, sau thời gian nội chiến và bất ổn định kéo dài thì hòa bình, ổn định, khôi phục, xây dựng và phát triển đất nước đã trở thành nhu cầu bức thiết hơn bao giờ hết của nhân dân và Chính phủ Cămpuchia. Để thực hiện thành công công cuộc tái thiết và phát triển đất nước, ngoài sự nỗ lực, tích cực và cố gắng của chính phủ và  nhân dân Cămpuchia thì sự giúp đỡ, chia sẻ quốc tế  đối với Cămpuchia thực sự có một vai trò to lớn về mặt ngoại lực. Vì vậy, Nhật Bản- một cường quốc kinh tế và khoa học kỹ thuật, có mối quan hệ  truyền thống lâu đời với  Đông Nam Á, có uy tín với nhân dân Cămpuchia được coi là nhân tố đầu tiên, quan trọng  mà  chính phủ Cămpuchia  hướng tới trong thu hút ngoại lực.  Như vậy là lợi ích và nhu cầu của Nhật Bản và Cămpuchia đã gặp nhau. Đây là một trong những cơ sở vô cùng quan trọng và có tính quyết định đến xu hướng phát triển tốt đẹp của quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia trong giai đoạn này.
+ Sau những hoạt động ngoại giao độc lập, chủ động của Nhật Bản cùng với nhiều nguyên nhân quốc tế quan trọng khác hòa bình đã thực sự trở về với Cămpuchia thì vấn đề giải quyết  hậu quả  khó khăn do những năm dài  năm sau chiến tranh mang lại là hết sức cấp thiết  nhằm ổn định đời sống nhân dân, tái thiết và phát triển đất nước. Từ đó, quan hệ hai nước đã bắt đầu được thiết lập trên các lĩnh vực khác nhau, nhưng đáng chú ý nhất là quan hệ hợp tác trên lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, phát triển giáo dục và y tế, nguồn nhân lực cho Cămpuchia.Quan hệ hai nước trong lĩnh vực hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, phát triển giáo dục và y tế, nguồn nhân lực cho Cămpuchia được thiết lập từ đầu những năm 1990, song do tình hình bất ổn định chính trị và xung đột vũ trang ở Cămpuchia là những nhân tố cản trở to lớn cho sự phát triển của mối quan hệ này .  Bắt đầu từ cuối những năm 1990, nhất là đầu thế kỷ XXI, tình hình Cămpuchia ổn định thật sự với việc thiết lập Chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử năm 1998 và Chính phủ sau đó vào năm 2003, 2008 với các chính sách và đường lối mới khôi phục và phát triển đất nước, đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới vào đầu thiên niên kỷ mới. Cùng với một số lĩnh vực quan hệ  khác như: chính trị ngoại giao, viện trợ ODA, quan hệ Nhật Bản - Cămpuchia trong lĩnh vực hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, giáo dục và y tế  đã thể hiện tính ổn định, liên tục và phát triển. Đây cũng là các lĩnh vực được cả hai phía Nhật Bản và Cămpuchia đánh giá là  phát triển toàn diện nhất khi bước sang thế kỷ XXI .
+ Hợp tác trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội ,y tế giáo dục được  thể hiện dưới nhiều loại hình phong phú và đa dạng, được sự quan tâm đặc biệt của cả 2 chính phủ và nhân dân 2 nước và được coi là hợp tác có hiệu qủa, cụ thể và thiết thực nhất không những giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt mà còn có lợi ích  lâu dài  giúp chính phủ Cămpuchia thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định và tái thiết đất nước. Những thành công trong lĩnh vực này là cơ sở vô cùng quan trọng tạo điều kiện cho Chính phủ Nhật Bản thực hiện những cam kết của mình, nâng cao sự tín nhiệm của Nhật Bản trong nhân dân Cămpuchia và Đông Dương. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho Cămpuchia ổn định, hội nhập nhanh chóng vào khu vực,và thế giới
+ Nguồn vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các dự án về kinh tế xã hội trong quan hệ hợp tác Nhật Bản - Cămpuchia ở Căm puchia là do Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức kinh tế nhà nước và tư nhân Nhật Bản tài trợ, nhưng chủ yếu là do viện trợ không hoàn lại của ODA Nhật Bản. Từ năm 1993 đến cuối năm 2005, Nhật Bản đã viện trợ kinh tế cho Cămpuchia tổng cộng 1,4 tỷ USD, bình quân mỗi năm 100 triệu USD, năm 2007 đạt 130 triệu USD. Viện trợ của Nhật Bản thường chiếm 20 % tổng viện trợ nước ngoài cho Cămpuchia. Từ năm 2003 đến nay Nhật Bản luôn là nhà tài trợ nhiều nhất cho Cămpuchia, mặc dù những năm gần đây kinh tế Nhật Bản không mấy lạc quan, viện trợ cho  nước ngoài của Nhật Bản phải cắt giảm 30%, nhưng đối với Cămpuchia thì vẫn được tăng lên(8). Điều này cho thấy Nhật Bản luôn  là nhà tài trợ lớn  nhất cho Cămpuchia, và cũng không kèm theo những yêu cầu khắt khe về mọi quy định cũng như gắn viện trợ với vấn đề nhân quyền mà Cămpuchia cũng như các nước Đông Nam Á khác rất khó thực hiện như yêu cầu của các nhà tài trợ Mỹ. điều này càng cho thấy hiệu quả thiết thực, lâu dài và đặt cơ sở, nền tảng cho sự phát triển bền vững về kinh tế ,xã hội và an sinh con người.
+ Nhật Bản kiên trì theo đuổi chính sách khu vực mà họ đưa ra, quyết tâm giữ chữ “tín” đối với nhân dân Đông Dương và Đông Nam Á, sử dụng 3 biện pháp ngoại giao tổng lực: ngoại giao kinh tế, ngoại giao hòa bình, ngoại giao văn hóa trong đó tùy từng điều kiện để thực hiện mềm dẻo và khôn ngoan cả 3 đòn bẩy trên nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Trong quan hệ hợp tác với Cămpuchia giai đoạn 1991-2007 thì ngoại giao kinh tế được coi là mũi nhọn và mang lại lợi ích cho cả Nhật Bản và Cămpuchia. Vì vậy chính phủ và nhân dân Cămpuchia cần có những chính sách ngoại giao khôn khéo, kịp thời nhằm tận dụng sự giúp đỡ, đóng góp  của Nhật Bản về xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong những năm tiếp theo.


PGS.TS HOÀNG MINH HOA
TRỊNH VĂN VINH
(Trường Đại học Sư phạm Huế)
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Minh Hoa, Chính sách đối ngoại Đông Nam Á của Nhật Bản sau Chiến tranh Lạnh và tác động của nó với ba nước Đông Dương, Hội thảo Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản Hội nhập và phát triển, ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, 10/2007
2. Hoàng Thị Minh Hoa , Trịnh Văn Quang , Quan hệ Nhật Bản- Cămpuchia (1991-2007), Hội thảo quốc tế Trường Đại Học KHXHNVQG và Quĩ giao lưu  văn hóa Quốc tế Nhật Bản phối hợp tổ chức tại HN, ngày 12,13 tháng 9/ / 2008
3. Japan’s Assistance Policy for Campuchia, http://www.kh.emb-japan.go.jp/economic/cooperation/japc/jpc.htm
4. Masaya Shiraishi, “Hợp tác ở Đông Dương và đóng góp của Nhật Bản”, Hội Thảo Quốc tế “ASEAN hôm nay và ngày mai”, HN, 1997, trang 583-584.
5. Triển vọng quan hệ Nhật Bản – Campuchia, TTX VN, TLTKĐB, ngày 25-03-2006.
6. http://www.jica.go.jp/Campuchia/english /activities/pdf/CP chapter1.pdf
7.http://www.jica.go.jp/english/ evalution/ project/term/as/2007/cam_01.pdf
8.http://www.jica.go.jp/Campuchia/ enhlish/activities/pdf/basic.pdf
9. Website, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam


(1) Hoàng Minh Hoa, Chính sách đối ngoại Đông Nam Á của Nhật Bản sau Chiến tranh Lạnh và tác động của nó với ba nước Đông Dương, Hội thảo Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản Hội nhập và phát triển, ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, 10/2007, tr. 8

(2)http://www.jica.go.jp/Campuchia/english /activities/pdf/ CP chapter1.pdf

(3) Website, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
(4) Masaya Shiraishi, “Hợp tác ở Đông Dương và đóng góp của Nhật Bản”, Hội Thảo Quốc tế “ASEAN hôm nay và ngày mai”, HN, 1997, trang 583-584.

(5)http://www.jica.go.jp/Campuchia/enhlish/activities/pdf/ basic.pdf

(6) Triển vọng quan hệ Nhật Bản – Campuchia, TTX VN, TLTKĐB, ngày 25-03-2006.

(7)http://www.jica.go.jp/Campuchia/ enhlish/activities/pdf/ basic.pdf

(8) Triển vọng quan hệ Nhật Bản – Campuchia, TTX VN, TLTKĐB, ngày 25-03-2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét