Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

CHÍNH SÁCH CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI ĐÔNG Á-THÁI BÌNH DƯƠNG


CHÍNH SÁCH CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI ĐÔNG Á-THÁI BÌNH DƯƠNG




Mục tiêu chủ yếu của Trung Quốc trong chính sách đối với Đông Á và rộng hơn là đối với cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là xác lập vai trò nước lớn và từ đó tìm kiếm và duy trì những tham vọng về chủ quyền lãnh thổ và những lợi ích kinh tế. Nói như vậy không có nghĩa là Trung Quốc muốn thống trị khu vực này mà thực ra họ nhằm tới mở rộng ảnh hưởng ra toàn khu vực. Và đương nhiên từ việc duy trì ảnh hưởng Trung Quốc nhằm tới việc duy trì chủ quyền lãnh thổ của họ và những tham vọng lãnh thổ khác. Như chúng ta biết, Trung Quốc đã mất một phần lãnh thổ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, điều này cũng có nghĩa là họ đã mất một phần chủ quyền lãnh thổ hoặc là chủ quyền về toàn vẹn lãnh thổ của họ đã bị suy giảm. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Trung Quốc luôn luôn đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đối với Đài Loan, cũng như những vấn đề nhạy cảm về chủ quyền lãnh thổ đối với Xinjiang và Tibet. Việc Hồng Kông trở lại với Trung Quốc vào năm 1997 cũng là một vấn đề thuộc chủ đề này.
Như chúng ta biết một trong những mục tiêu chủ chốt gắn chặt với chính sách đối ngoại là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định xã hội. Trung Quốc là một nước có dân số lớn nhất thế giới, nhưng mức sống chỉ đạt trung bình của thế giới, đây là một thách thức lớn đối với các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc trong việc đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của người dân như ăn, mặc, ở, giáo dục, chăm sóc y tế…và họ cũng phải nỗ lực để đáp ứng những nhu cầu đó. Đây cũng là điều giải thích tại sao mà các thế hệ lãnh đạo thời hậu Mao nhấn mạnh vào hiện đại hoá kinh tế. Xét ở phương diện chính sách đối ngoại trong 2 thập niên gần đây cho thấy, người Trung Quốc đang tìm mọi cách  để thực hiện chính sách “lấy ngoài phục vụ trong”, tức là thúc đẩy các quan hệ quốc tế nhằm phục vụ cho sự nghiệp hiện đại hoá kinh tế. Có thể nhấn mạnh rằng, chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cũng nhằm những mục đích như vậy.
Chúng ta sẽ xem xét chính sách của Trung Quốc đối với khu vực này trên 2 phương diện chính sau đây:
1. Về phương diện chính trị - chiến lược
Thực tế cho thấy, người Trung Quốc quan tâm tới khu vực này theo một khía cạnh rộng lớn hơn, bắt đầu bằng sự nhận thức về địa chính trị, tức là đặt Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới và cùng chia sẻ những lợi ích về địa chính trị và địa kinh tế. Quan niệm Đông Á - Thái Bình Dương được hiểu ở đây bao gồm Mỹ, Đông Bắc Á,  Đông Nam Á, Trung Á và cả Nam Á.
Bởi vậy chính sách của Trung Quốc đối với khu vực này được nhận diện thông qua quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và cả với 4 tiểu khu vực này.
Mỹ luôn được Trung Quốc coi là một đối tượng cạnh tranh và cũng là một đối tác của họ cho nên chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ là vừa hợp tác vừa đấu tranh. Do Mỹ là một đối tượng có nhiều ảnh hưởng tới khu vực cho nên Trung Quốc rất chú ý tới cường quốc này. Mỹ có quan hệ liên minh chặt chẽ với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ đã xây dựng căn cứ quân sự ở cả hai nước này. Vấn đề này luôn luôn là một sức ép với Trung Quốc. Mặc dù Mỹ đã có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ năm 1972 nhưng vẫn có quan hệ chính trị, kinh tế rất chặt chẽ với Đài Loan. Mỹ tuyên bố thực hiện chính sách một Trung Quốc nhưng Mỹ lại ủng hộ Đài Loan trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là quốc phòng. Điều này luôn làm cho Trung Quốc khó chịu. Rõ ràng là sự dính líu của Mỹ ở Đông Bắc Á đã hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo một nghĩa nào đó Mỹ có vai trò chi phối ở Đông Bắc Á, còn Trung Quốc thì không. Tất nhiên vai trò của Trung Quốc đối với các quan hệ khu vực là không thể thiếu và đang gia tăng. Chẳng hạn, vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết được nếu không có sự dính líu của Trung Quốc; Trung Quốc rất khó khăn trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhất là vấn đề Đài Loan nếu thiếu vai trò của Mỹ.
Nhật Bản cũng là một nhân tố kìm giữ ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á. Cho dù Trung Quốc đang ngày càng chứng tỏ họ là một cường quốc kinh tế nhưng Nhật Bản mạnh hơn họ về phương diện này. Chúng ta biết, ngân sách quốc phòng Nhật Bản là 1% GDP nhưng họ trên thực tế cũng là một cường quốc về quân sự. Trung Quốc xem Nhật Bản liên minh chặt chẽ với Mỹ về quân sự có nguy cơ gây ra sự bất ổn ở khu vực; điều này không được Mỹ và Nhật Bản thừa nhận. Rõ ràng là ba nước là những cường quốc có ảnh hưởng to lớn đến khu vực này, Trung Quốc chỉ có thể xác lập vai trò của mình nếu họ duy trì các quan hệ với Nhật Bản. Vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc không thể giải quyết được nếu thiếu nhân tố Nhật Bản nhất là vấn đề Đài Loan. Giống như Mỹ, Nhật Bản thực hiện chính sách ngoại giao “một nước Trung Quốc” nhưng vẫn có những quan hệ chính trị không chính thức với Đài Loan. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển liên quan tới đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và các lợi ích kinh tế khác đã và đang trở thành những chủ đề nóng hổi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Bởi vậy, duy trì quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản ở phương diện chính trị, chiến lược cũng là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc hiện nay, cho dù đôi khi cả 2 bên cũng không giữ được bình tĩnh, và đã không ít lần đặt quan hệ này trong tình trạng nóng về kinh tế nhưng lạnh về chính trị.
Với Đông Bắc Á ngoài Nhật Bản mối quan tâm của Trung Quốc là Đài Loan, Hàn Quốc và nước Nga. Trung Quốc chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình và hoà hiếu với các nước láng giềng. Từ đó tạo ra một môi trường hoà bình giúp Trung Quốc phát triển kinh tế và thực hiện tham vọng về chủ quyền lãnh thổ của mình. Theo quan điểm của Trung Quốc, Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, một tỉnh của nước này. Cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1894 - 1895, Trung Quốc thất bại và hệ quả là Đài Loan thuộc về Nhật Bản. Nỗi nhục này của người Trung Quốc chỉ được xoá đi khi Đài Loan trở về với Trung Quốc.
Trong quan hệ với Hàn Quốc vấn đề toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ không liên quan trực tiếp tới Trung Quốc. Chỉ có một sự kiện mang tính lịch sử mà đôi khi làm cho các đối tác khó chịu đó là sự dính líu của Trung Quốc trong cuộc nội chiến trên bán đảo Triều Tiên đầu những năm 1950. Cho đến nay, Trung Quốc đã có quan hệ tốt với cả 2 quốc gia trên bán đảo Triều Tiên. Từ đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc nhất là trong các quan hệ thương mại và đầu tư. Với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân  Triều Tiên (Triều Tiên), Trung Quốc có quan hệ truyền thống rất chặt chẽ. Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc trên nhiều phương diện. Và đây là một lợi thế của Trung Quốc trong quan hệ với Triều Tiên hiện nay. Trung Quốc chủ trương giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng con đường hoà bình; trong các cuộc đàm phán 6 bên Trung Quốc luôn tỏ ra là một đối tác quan trọng và tích cực. Đã không ít hơn một lần Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên về vấn đề này. Người ta hy vọng với vai trò và ảnh hưởng của mình, Trung Quốc sẽ tác động tới Triều Tiên  có hiệu quả hơn.
Với nước Nga, Trung Quốc nhận thức rằng nước Nga là “một chú gấu ngủ quên” và chú gấu bắt đầu thức dậy. Xây dựng quan hệ chặt chẽ với nước Nga sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và qua đó kiềm chế vai trò của Nga. Rõ ràng nước Nga đã có những ảnh hưởng nhất định và cũng là một đối tác quan trọng của Trung Quốc ở Đông Bắc Á. Ảnh hưởng của nước Nga tới Trung Á cũng bắt đầu gia tăng kể từ hơn một thập niên qua. Sự hiện diện của nước Nga ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhất là quan hệ của nước Nga với Mỹ và Nhật Bản được gia tăng cũng trở thành nhân tố kìm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Trên thực tế, Nga cũng là một nhân tố rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc thực thi chính sách duy trì toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; đặc biệt là việc Nga không ủng hộ chủ nghĩa li khai cộng với vai trò lớn của Nga trong tổ chức hiệp ước Thượng Hải (G5) đã tạo môi trường hòa bình ở Trung Á và giúp Trung Quốc bình ổn được khu vực biên giới với Nga và các nước láng giềng ở phía Tây Bắc.
Trong quan hệ với các nước Trung Á kể từ sau chiến tranh lạnh Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận. Trước 1991, Trung Á là một phần của Liên Xô nhưng sau đó các quốc gia độc lập đã xuất hiện. Trung Quốc có biên giới với Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Khi ảnh hưởng của nước Nga bị suy giảm thì cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này trở nên hiển nhiên. Trung Quốc lo ngại về sự bất ổn định của vùng này bởi nó liên quan đến chủ nghĩa li khai ở Xinjiang. Hiệp ước Thượng Hải và chính sách của Nga đã nói ở trên giúp Trung Quốc hóa giải nguy cơ bất ổn này.
Với Đông Nam Á, Trung Quốc chủ trương mở rộng và thắt chặt mối quan hệ đối với các quốc gia ở khu vực này, thông qua các quan hệ ngoại giao, chính trị, các diễn đàn song phương và đa phương. Bằng cách này, Trung Quốc không chỉ gia tăng sự hiện diện tại khu vực này như một cường quốc mà nó còn giúp Trung Quốc cô lập Đài Loan và xử lý vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển theo cách thức giữ nguyên hiện trạng có lợi cho Trung Quốc. Bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được trong thời gian vừa qua đương nhiên là có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực nhưng nó cũng gián tiếp thừa nhận cách thức giữ nguyên hiện trạng có lợi cho Trung Quốc như đã nói ở trên. Điều cần nhấn mạnh là bằng cách gia tăng ảnh hưởng với khu vực này, Trung Quốc cũng đang muốn tìm một con đường riêng để cạnh tranh với các cường quốc khác như Mỹ, Nhật Bản và có thể cả Nga trong tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà trong các diễn đàn khu vực như ARF hay ASEAN + 1, ASEAN + 3 hay việc bàn thảo các hiệp định thương mại tự do…. Trung Quốc luôn tỏ ra là tác nhân xông xáo nhất và có nhiều sáng kiến nhất.
Với Nam Á, Trung Quốc cũng thực thi chính sách ngoại giao hữu hảo. Nếu trước đây họ ưu tiên cho quan hệ Pakistan hơn là quan hệ với Ấn Độ thì trong những năm gần đây người ta cảm nhận Trung Quốc đã thực thi chính sách ngoại giao cân bằng với hai cường quốc hạt nhân này. Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng Trung Quốc coi trọng Pakistan hơn bởi đây là một đối tác truyền thống của Trung Quốc. Cần phải thấy rằng, Trung Quốc đã thay đổi chính sách này bởi họ biết Ấn Độ đang là một nhân tố được cả Mỹ và Nhật Bản quan tâm, bởi vậy thực thi chính sách ngoại giao cân bằng với Ấn Độ và Pakistan sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn.
2. Về phương diện kinh tế
Có thể nói, các đối tác kinh tế chủ yếu của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở Châu Á - Thái Bình Dương cho nên chính sách của Trung Quốc là đồng thời với việc củng cố các quan hệ chính trị chiến lược và tiếp tục gia tăng các quan hệ kinh tế. Sự thịnh vượng của Trung Quốc về mặt kinh tế trong 2 thập niên gần đây gắn liền với các quan hệ thương mại và đầu tư với các đối tác chủ yếu ở khu vực này, đặc biệt là với Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước Đông Á khác.

Bảng 1: Mười đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc năm 2006
Tổng kim ngạch
Thứ tự
Nước/Vùng
Tổng số
(tỉ đô la Mỹ)
% so với 2005
1.
Mỹ
238,7
24,7
2.
Nhật Bản
187,6
12,4
3.
Hồng Kông
149,4
24,0
4.
Hàn Quốc
121,9
20,2
5.
Đài Loan
98,1
19,6
6.
Đức
71,0
24,5
7.
Singapo
36,8
24,2
8.
Malaysia
33,5
21,7
9.
Hà Lan
31,0
18,4
10.
Nga
30,6
15,3
Xuất khẩu đến (Đơn vị tỉ đô la và %)
1.
Mỹ
184,8
25,1
2.
Hồng Kông
139,5
27,6
3.
Nhật Bản
83,2
9,0
4.
Hàn Quốc
40,3
26,9
5.
Đức
36,5
25,0
6.
Hà Lan
27,7
17,4
7.
Anh
22,0
27,1
8.
Singapo
20,7
40,5
9.
Đài Loan
18,9
26,5
10.
Italia
14,4
35,2
Nhập khẩu từ (Đơn vị tỉ đô la và %)
Nhật Bản
104,4
15,2
Hàn Quốc
81,6
17,1
Đài Loan
79,2
18,1
Mỹ
53,9
23,1
Đức
34,5
24,0
Malaysia
21,2
18,2
Úc
17,4
18,1
Thái Lan
16,2
29,2
Nga
16,2
11,2
10.
Singapo
16,1
8,1
Ghi chú: Số liệu trên là của 11 tháng đầu năm 2006
Nguồn:http://www.uschina.org/info/forecast/2007/trade-performance.html
Mỹ là nhà xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc nhất là đối với các sản phẩm dệt may, đồ chơi và một số sản phẩm công nghiệp khác. Lợi thế của lao động rẻ đã tạo cơ hội cho Trung Quốc xuất khẩu một khối lượng lớn hàng hóa sang Hoa Kỳ đồng thời cũng thu hút mạnh các nhà đầu tư Mỹ. Năm 2004, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đạt 196,7 tỷ đô la; trong khi đó xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ đạt 36,7 tỷ đô la([1]). Bởi vậy thặng dư mậu dịch nghiêng về Trung Quốc. Hiện trạng này diễn ra trong suốt nhiều năm gần đây. Và nhiều lúc vấn đề này đã làm cho quan hệ thương mại của Trung Quốc với Mỹ trở nên căng thẳng.
Nhật Bản cũng là một đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc. Bảng trên cho thấy Nhật Bản chiếm vị trí số 3 trong xuất khẩu của Trung Quốc và chiếm vị trí số 1 trong nhập khẩu. Và cũng giống như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản là một trong 5 nhà đầu tư hàng đầu tại Trung Quốc. Những số liệu trong bảng sau là một minh chứng cụ thể
Bảng 2: Đầu tư trực tiếp nước ngoài  (FDI) tại Trung Quốc
Nước/Vùng
Tổng số /năm 2005 ( tỉ đô la)
Tổng số /năm 2006 (tỉ đô la)
Hồng Kông
$17,95
$20,23
Quần đảo Virgin Islands thuộc Anh
$9,02
$11,25
Nhật Bản
$6,53
$4,60
Hàn Quốc
$5,17
$3,89
Hoa Kỳ
$3,06
$2,87
Đài Loan
$2,15
$2,14
Singapore
$2,20
$2,26
Cayman Islands
$1,95
$2,1
Đức
$1,53
$1,98
Western Samoa
$1,36
$1,54
Nguồn:http://www.uschina.org/info/forecast/2007/trade-performance.html
Nói tóm lại Đông Á - Thái Bình Dương là khu vực hết sức quan trọng đối với Trung Quốc cả trên phương diện chính trị chiến lược và kinh tế. Thực tế cho thấy các đối tác chính của Trung Quốc xét trên cả phạm vi khu vực và toàn cầu đều tập trung ở đây. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác là các đối tác trọng yếu của Trung Quốc trên tất cả các phương diện, đặc biệt là chính trị và kinh tế. Việc Trung Quốc duy trì quan hệ chặt chẽ với các nước lớn luôn hiện diện như một chính sách ưu tiên của họ trong suốt mấy thập niên qua và trong tương lai cũng như vậy. Cho dù quan hệ của Trung Quốc đối với Mỹ, Nhật Bản nhiều khi vẫn còn gặp trở ngại mà nguyên nhân sâu xa là những va chạm lợi ích song cả Trung Quốc và 2 nước này vẫn tìm những cách thức phù hợp để vượt qua. Trong những năm gần đây Trung Quốc đã chủ động điều chỉnh chính sách theo hướng gia tăng ảnh hưởng của một cường quốc mới nổi và dường như họ muốn chứng minh cho các đối tác rằng Trung Quốc đang nổi lên, đang gia tăng ảnh hưởng tới Đông Á và cả Châu Á - Thái Bình Dương song đó là “sự trỗi dậy hoà bình”. Tuy nhiên đó là thông điệp trên văn bản. Người ta vẫn hy vọng thông điệp đó sẽ được thể hiện trong thực tế. Điều lưu ý là những mục tiêu trong chính sách của Trung Quốc đối với Đông Á - Thái Bình Dương được đề cập ở trên mang tính dài hạn và để đạt tới là điều không dễ dàng bởi nó không chỉ phụ thuộc vào những toan tính của họ mà còn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài.

PGS. TS. NGÔ XUÂN BÌNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Akira, Kojima, “How China’s Bold Economic Diplomacy Affects Japan.” Japan Echo, February (2003): 31.
2. Ash Robert F. and Y.Y. Kueh, “Economic Integration within Greater China: Trade and Investment Flows Between China, Hong Kong and Taiwan”, in Greater China: the Next Superpower? ed. David Shambaugh, 59-93. Oxford: OUP, 1995.
3. Breslin, Shaun, “Decentralisation, Globalisation and China’s partial Re-engagement with the Global Economy.” New Political Economy 5 (2000): 205-226. Calder, Kent and Min Ye “Northeast Asia: Ripe for Regionalism?”BASC News 6/1 (2003):
4. Robert Gilpin, The Political Economy of International Relations (Princeton: PUP, 1987).
5. Johnston, Francis M. “Beyond Regional Analysis: manufacturing zones, urban employment and spatial inequality in China.” The China Quarterly, March (1999): 2-21.
6. Mody, Ashoka and Fang-Yi Wang. “Explaining Industrial Growth in Coastal China: Economic Reform...and What Else?” The World Bank Economic Review 11 (1997): 293-395.
7. Peng Dajin, “Subregional Economic Zones and Integration in East Asia.” Political Science Quarterly 117 (2002-03): 613-641.
8. Rozman, Gilbert, "Flawed Regionalism: Reconceptualizing Northeast Asia in the 1990s," Pacific Review 11 (1998): 1-27.
9. Rozman, Gilbert, “Re-starting Regionalism in Northeast Asia” North Pacific Policy Papers 1, Program on Canada-Asia Policy Studies (2000): 7-25.


([1]) US Department of Commerce, 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét