Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Những nhân tố thúc đẩy và hạn chế hợp tác an ninh chính trị Việt Nam - Asean trong 5 năm qua


Những nhân tố thúc đẩy và hạn chế hợp tác an ninh chính trị Việt Nam - Asean trong 5 năm qua
Tác giả: Ngô Hữu Mạnh.
Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7/1995 là một quyết định đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển, xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa trên thế giới và đặc biệt là phù hợp với lợi ích quốc gia của ta. Trong quá trình tham gia hợp tác và hội nhập vào ASEAN, chúng ta đã có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng đồng thời cũng gặp không ít những khó khăn. Xét trên góc độ hợp tác về an ninh, chính trị, nhờ một số nhân tố thúc đẩy chúng ta đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, đồng thời cũng có những nhân tố hạn chế sự hợp tác, hai loại nhân tố này thường đan xen và tác động lẫn nhau, đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực lớn trong tiến trình hợp tác và đảm bảo an ninh, chính trị trong khu vực.
I. Những nhân tố thúc đẩy sự hợp tác an ninh, chính trị Việt Nam - ASEAN:
1. Tác động của bối cảnh quốc tế:
Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, CNXH tạm thời lâm vào thoái trào, các nước XHCN còn lại tiếp tục cải cách, đổi mới và đã thu được những thành tựu bước đầu khẳng định vai trò vị trí của mình trong khu vực và thế giới, khẳng định tính tất yếu của thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Các nước đế quốc tư bản chủ nghĩa có ưu thế hơn các nước XHCN đang tìm mọi cách gây sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự, áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền, tiếp tục sử dụng chiến lược diễn biến hòa bình nhằm thu hẹp dần phạm vi, ảnh hưởng tiến tới thủ tiêu các nước XHCN còn lại; các nước đang phát triển đang có xu hướng đoàn kết lại nhằm chống lại sự áp đặt của các nước lớn vì lợi ích của quốc gia - dân tộc mình.
Bối cảnh quốc tế đó đang tạo ra cục diện mới tập hợp lực lượng trong cuộc đấu tranh giữa các nước XHCN với các nước TBCN, giữa các trung tâm tư bản với nhau, giữa các nước đang phát triển với chủ nghĩa đế quốc và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân với giai cấp tư sản trong lòng Chủ nghĩa đế quốc ngày càng phức tạp, đa dạng, nhiều chiều và xuất hiện nhiều hình thái mới đan xen.
Tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, cách mạng thông tin trong hai thập niên cuối thế kỷ XX vẫn tiếp tục phát huy sức mạnh đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hội, an ninh, quân sự của thế giới. Các quốc gia trên thế giới càng phụ thuộc nhau, ảnh hưởng đến nhau nhiều hơn, ranh giới chủ quyền quốc gia suy giảm, xuất hiện ngày càng nhiều vấn đề toàn cầu đòi hỏi các quốc gia phải cố gắng hợp tác để cùng nhau giải quyết mới có hiệu quả.
Cục diện mới này dẫn đến hệ quả : chiến tranh lớn giữa các nước, các khu vực khó xảy ra vì lợi ích đan xen; nhưng chiến tranh nhỏ : xung đột khu vực, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh thương mại, chiến tranh thông tin, điện tử gia tăng. Nhưng nhìn về tổng thể, xu thế hòa bình ổn định tương đối và hợp tác để phát triển vẫn là xu thế chính hiện nay.
Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa nền kinh tế thế giới tiếp tục gia tăng với cường độ ngày càng lớn, các nước tư bản phát triển có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh quốc tế do nắm được tiềm lực vốn, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý nên ngày càng trở nên giàu có, ngược lại các nước đang phát triển, kém phát triển bị thua thiệt nhiều, dẫn đến khoảng cách giầu nghèo ngày càng gia tăng giữa các nước tư bản phát triển với các nước đang phát triển, giữa các khu vực khác nhau trên thế giới. Các nước tư bản phát triển lợi dụng xu thế quốc tế hóa, khu vực hóa và toàn cầu hóa để áp đặt những giá trị phương Tây lên các nước đang phát triển nên đã và đang tạo ra xu thế tập hợp lực lượng mới ở các nước thế giới thứ ba.
Trật tự kinh tế, chính trị thế giới đang trong quá trình hình thành. Hiện nay Mỹ đang có ưu thế sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ lớn nhất trên thế giới, nhưng Mỹ chưa đủ sức chi phối thế giới mặc dù Mỹ có mặt ở khắp mọi nơi. Các quốc gia, các liên minh kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, Nga, Â'n Độ, Nhật Bản, EU, ASEAN đang trở thành những thách thức lớn đối với Mỹ, đang liên kết với nhau nhằm chống lại và làm suy yếu thế "một cực" hiện nay của Mỹ để thành lập một thế giới "đa cực".
2. Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn:
Thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, các nước lớn liên tục điều chỉnh chiến lược quốc tế, khu vực và chiến lược quốc gia của mình để thích ứng với bối cảnh quốc tế mới, đồng thời từng bước triển khai, thử nghiệm những mục tiêu, biện pháp chiến lược mới trên qui mô khu vực và thế giới. Chiến lược của các nước lớn cơ bản đã được định hình , tuy nhiên từng nước vẫn còn phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khách quan cho phép. Cơ sở hoạch định các chiến lược của các nước lớn đều xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc kết hợp lợi ích khu vực nhằm hướng tới lợi ích cân bằng chiến lược trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên do lợi ích quốc gia và tham vọng khác nhau của các nước lớn nên việc triển khai và tổ chức thực hiện chiến lược đã xâm hại đến lợi ích quốc gia của các nước khác; Các nước có lợi ích tương đồng có xu hướng liên kết với nhau hình thành lên các tuyến, các khu vực có lợi ích khác nhau đan xen nhau, cuộc đấu tranh vì lợi ích quốc gia dân tộc trở thành tiêu điểm trong việc giải quyết các quan hệ quốc tế.
Mỹ: Vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược toàn cầu trong thập niên 90 là lãnh đạo thế giới hướng tới mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia Mỹ, một nền kinh tế thịnh vượng và thúc đẩy các nền dân chủ trên thế giới. Mỹ đang từng bước điều chỉnh chiến lược can dự và mở rộng trong thập niên 90 sang chiến lược can dự và hợp tác (còn gọi là chiến lược can dự mang tính xây dựng hay chiến lược định hình). Chiến lược can dự và hợp tác của Mỹ tạo thành một vành đai an ninh xuyên suốt từ Âu sang A', một mặt Mỹ củng cố và tăng cường sức mạnh của NATO ở Châu Âu, mặt khác tăng cường hợp tác an ninh ở Châu A' - Thái Bình Dương với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Xingapo, Philipin, U'c trong đó hợp tác an ninh Nhật - Mỹ là trục chính đảm bảo cho Mỹ triển khai thế chiến lược toàn cầu của khu vực.
Trung Quốc: Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ trong hai thập niên 80 và 90 đã và đang trở thành mối đe dọa và thách thức lớn nhất đối với địa vị thống trị toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc hiện chưa có chiến lược toàn cầu thành văn nhưng kế hoạch 4 hiện đại của Trung Quốc được vạch ra từ Đại hội XI tiếp tục được bổ xung điều chỉnh ở các đại hội sau cho đến đại hội XV cho thấy rõ mục tiêu chiến lược của Trung Quốc nỗ lực trở thành cường quốc khu vực và thế giới đang trở thành hiện hữu. Trung Quốc đang tạo ra thế và lực của mình trong khu vực, cố gắng liên kết với Nga, Â'n Độ tạo nên thế đối trọng với Mỹ trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế.
Nga: Sau một thập niên khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội, vị trí cường quốc của Nga bị suy giảm nhiều, tuy nhiên Nga vẫn là cường quốc quân sự (chỉ đứng sau Mỹ về tiềm lực quân sự, và cân bằng với Mỹ về tiềm lực hạt nhân), do đó Nga vẫn có những tiếng nói nhất định trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế.
Mục tiêu chiến lược của Nga là giành lại vị trí siêu cường đã mất, trên cơ sở tăng cường nội lực mở rộng quan hệ với nước ngoài, thu hút vốn đầu tư, tăng cường tiềm lực quốc phòng, kiềm chế Mỹ trong việc giảm thiếu vũ khí hạt nhân, sửa đổi học thuyết quân sự mới trong việc giành chủ động vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với chiến lược an ninh mới của NATO nhằm vào Nga và các nước đồng minh của Nga. Nga và Trung Quốc có lợi ích tương đồng trong việc kiềm chế thế "đơn cực" của Mỹ, do đó Nga ra sức tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên nhiều phương diện cả chính trị, quân sự và kinh tế, củng cố Liên bang Nga - Belarus, tiếp tục mở rộng đối với các nước SNG và mở rộng quan hệ với các nước EU, trong đó có Anh, Pháp, Đức tạo thành thế chiến lược cân bằng Đông - Tây. Khi tiềm lực kinh tế của Nga được tăng cường thì việc mở rộng vị trí vai trò ở Châu A' - Thái Bình Dương càng trở lên mạnh mẽ hơn.
EU: Mục tiêu chiến lược của EU là tạo dựng một thực thể có đủ sức mạnh đối trọng với Mỹ, tách khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, có tiếng nói độc lập trong các quan hệ quốc tế. Trước mắt EU cố gắng tạo dựng một thực thể kinh tế, tiến tới một liên minh về chính trị, quân sự từng bước mở rộng quan hệ với Nga, Trung Quốc, ấn Độ, ASEAN nhằm tạo ra một thế giới "đa cực", hạn chế vai trò lãnh đạo của Mỹ hiện nay.
Â'n Độ là một nước đông dân thứ hai sau Trung Quốc, trong tương lai có thể trở thành nước đông dân nhất thế giới, với thế mạnh của một nước lớn, Â'n Độ đang tăng tốc nền kinh tế, sẽ trở thành một cường quốc phần mềm, cường quốc hạt nhân, mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tầm kiểm soát quân sự không chỉ ở khu vực biển ả rập mà vươn dài ra Biển Đông.
Sự vươn dậy của Â'n Độ không chỉ tạo ra sự quan tâm của Mỹ mà cả Nga và Trung Quốc trong khu vực và trở thành đối tác tranh thủ, lôi kéo của cả ba nước lớn Mỹ, Trung Quốc và Nga.
3. Tác động của khu vực Châu A' - Thái Bình Dương:
Khu vực Châu A' - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động và có tốc độ phát triển cao nhất của thế giới, mặc dù do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông A' trong năm 1997 - 1998, nhịp độ tăng trưởng của Châu A' có giảm xuống. Châu A' - Thái Bình Dương đang trong quá trình liên kết kinh tế, các mô hình liên kết như ASEAN, APEC, đang vận động và phát triển, trong tương lai có thể hình thành khu vực kinh tế Đông A' khi các thực thể kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có đủ sức tách khỏi sự phụ thuộc và khống chế của Mỹ.
Khu vực Châu A' - Thái Bình Dương là khu vực tập trung nhiều lợi ích của các nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU, Â'n Độ), tập trung nhiều điểm nóng (Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, Biển Đông, Campuchia), nhiều mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ do hậu quả của chiến tranh lạnh để lại chưa được giải quyết, vẫn đang tiềm ẩn tình trạng mất ổn định. Cuộc đấu tranh vì lợi ích quốc gia - dân tộc sẽ diễn ra quyết liệt luôn cần đến vai trò của các nước lớn nhưng do có đồng lợi ích nên ít có khả năng xảy ra xung đột, chiến tranh lớn, xu hướng chính là hòa giải, thỏa hiệp, hy sinh lợi ích của các nước nhỏ.
Các nước XHCN có xu hướng xích lại gần nhau do sự tấn công của chủ nghĩa đế quốc, do quá trình quốc tế hóa, khu vực hóa toàn cầu hóa và quá trình cải cách đổi mới CNXH hiện thực trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc mình.
4. Các nước ASEAN có nhu cầu mở rộng hợp tác nhằm tạo ra vị thế mới trong khu vực và trên thế giới.
Trong phạm vi khu vực, tất cả các nước ASEAN đều mong muốn có một nền hòa bình, ổn định, tôn trọng chủ quyền của các nước quốc gia và lợi ích các dân tộc để có cơ hội mở rộng hợp tác phát triển : xúc tiến sự phát triển của từng nước, đồng thời tạo dựng một thị trường khu vực chung, tạo thành một tổng thể chặt chẽ để có thể chống lại sức ép từ bên ngoài và nâng cao vai trò ngoại giao của các nước trong các cuộc thương lượng quốc tế, trên cơ sở Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam A' được ký năm 1976, được coi như "Bộ quy tắc ứng xử" chỉ đạo một quan hệ giữa các nước trong khu vực nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định.
5. Việt Nam có đường lối đối ngoại mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, được coi là nhân tố quan trọng hàng đầu.
Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương và các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau không can thiệp vào những việc của nhau, bình đẳng cùng có lợi thông qua thương lượng để tìm những giải pháp phù hợp giải quyết các vấn đề tồn tại và các tranh chấp, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển.
6. Việt Nam tham gia ASEAN - yếu tố tự thân này cũng tạo ra động lực mới thúc đẩy quá trình hợp tác an ninh, chính trị Việt Nam - ASEAN.
Việt Nam gia nhập ASEAN đã và đang tạo ra cho Việt Nam một môi trường hòa bình, ổn định để hòa nhập vào cộng đồng khu vực và quốc tế nhằm phát triển đất nước, phá thế bao vây của Mỹ, phương Tây đối với nước ta, tạo những điều kiện mới nâng cao vị thế trên thế giới, đồng thời thu hẹp sự khác biệt và tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các thành viên ASEAN, hạn chế những mặc cảm, nghi kị do lịch sử để lại, tăng cường các sức mạnh của ASEAN cũng như tạo thêm những nhân tố để củng cố hòa bình, ổn định và hạn chế những nhân tố dẫn tới sự bất hòa, mất ổn định trong khu vực. Việc ASEAN tuyên bố cam kết gìn giữ hòa bình ổn định ở Đông Nam A', giải quyết bất đồng tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình là nhân tố hết sức thuận lợi cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, tập trung nguồn lực vào phát triển kinh tế và xây dựng đất nước.
ASEAN đang ngày càng tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào các nước lớn, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ hơn trong việc hoạch định đường lối, kế hoạch để gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực vì hợp tác và phát triển. Tham gia ASEAN, Việt Nam, có điều kiện hơn để đề cao chính sách độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam.
Mối quan hệ và sự hợp tác của Việt Nam với các nước thành viên ASEAN ngày càng được tăng cường thì càng giảm những vùng "đất thánh" của các thế lực thù định bên ngoài nhằm chống phá Việt Nam, làm giảm nơi ẩn náu của bọn tội phạm hình sự chạy trốn.
Là thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam bình đẳng với các thành viên khác trong hiệp hội, tham gia xây dựng những chủ trương, đường lối, chính sách và kế hoạch chung của ASEAN. Đây là một lợi thế của Việt Nam góp phần vào việc Đông Nam A' thành khu vực phát triển phù hợp vơí lợi ích của Việt Nam và các thành viên khác trong ASEAN.
Là thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam tham gia các diễn đàn (ARF, ASEM, APEC) và nhiều diễn đàn không chính thức khác, có điều kiện để đưa ra những sáng kiến và tham gia quyết định các vấn đề chung của liên hiệp hội, không để các nước khác áp đặt quan điểm của họ đối với ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng, không để các nước lớn thù địch với Việt Nam sử dụng diễn đàn để chống Việt Nam. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy hợp tác an ninh, chính trị trong khu vực.
Dựa trên những điểm đồng về giá trị châu A', về an ninh, kinh tế, văn hóa, nhân quyền... Việt Nam có thể cùng ASEAN đấu tranh chống lại những sự áp đặt quan điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, nhân quyền... và sự can thiệp của các nước lớn đối với ASEAN, chống lại ý đồ bành trướng, lấn chiếm của các nước lớn ở biển Đông nói chung, Trường Sa nói riêng.
7. Các nước ASEAN đều cam kết giữ gìn hòa bình ổn định ở Đông Nam A', giải quyết bất động tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình.
Đây là nhân tố thuận lợi cho sự phối hợp về an ninh, chính trị giữa Việt Nam và ASEAN trong 5 năm qua và mong muốn duy trì đoàn kết, nhất trí, bảo đảm sự phát triển đồng đều, nhất là trong bối cảnh ASEAN mở rộng.
Các nước ASEAN đều mong muốn tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế vai trò của ASEAN tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong ARF. Trước những thách thức và đòi hỏi của tình hình mới, các nước ASEAN càng có nhu cầu cải tiến lề lối làm việc cũng như trong quan hệ với các nước đối tác để nâng cao tính hiệu quả của các hoạt động. Các nước ASEAN tăng cường đối thoại xây dựng lòng tin và thực hiện chính sách ngoại giao phòng ngừa dưới nhiều hình thức : song phương, đa phương, chính thức và không chính thức để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực trong đó lấy diễn đàn ARF làm nòng cốt, nhằm tìm cách hạn chế và từng bước đi đến khống chế các nguy cơ gây mất ổn định khu vực, góp phần vào việc duy trì sự ổn định ở châu A'- Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vừa qua, mặc dù trong nội bộ ASEAN xuất hiện một số thành viên dao động, nhưng các nước thành viên vẫn duy trì theo nguyên tắc đồng thuận để đi dến những giải pháp khắc phục. Các chính phủ ASEAN đã nhận thức được tính cần thiết về dân chủ hóa đời sống chính trị thực hiện công bằng xã hội ; tăng cường bàn bạc để đưa ra các biện pháp điều chỉnh chính sách ngoại giao và chính sách an ninh khu vực. Bên cạnh chủ trương giảm dần sự phụ thuộc vào các nước lớn, tăng cường tính độc lập của mình trên mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, và các nước ASEAN đưa ra chính sách đoàn kết nội bộ và thực hiện chính sách ngoại giao quốc tế với các nước lớn. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN VI ở Hà Nội (12/1998), ASEAN đã nhất trí tuyên bố "Chương trình Hành động Hà Nội".
Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tháng 7/1999 ở Singapore, các ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố chung về an ninh khu vực, khẳng định thái độ phản đối của các nước ASEAN về sử dụng vũ khí hạt nhân, kiên quyết loại trừ các nguy cơ về thử nghiệm hoặc dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa an ninh, chủ quyền các nước khác. Đồng thời thông qua Hội nghị này, các ngoại trưởng ASEAN cũng thống nhất các hành động tập thể về các vấn đề an ninh, quốc phòng trong nội bộ ASEAN.
II. Những nhân tố hạn chế hợp tác an ninh, chính trị Việt Nam - ASEAN:
1. Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn trong khu vực:
Sau một thập niên sau chiến tranh, các nước lớn trên thế giới và trong khu vực châu A' - Thái Bình Dương vẫn đang tiếp tục điều chỉnh chiến lược của mình trong khu vực. Việc điều chỉnh này một mặt có tác động thúc đẩy hợp tác an ninh, chính trị Việt Nam - ASEAN, mặt khác cũng có tác động hạn chế do lợi ích đan xen của các nước lớn, dẫn đến xu hướng ly tâm trong các nước ASEAN. Tình hình đó đã và sẽ ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với nhau nói chung và giữa ASEAN và Việt Nam nói riêng. Do những diễn biến phức tạp trong thời gian qua (tháng 7/1997 ở Campuchia, Đông Timo năm 1999...) nguyên tắc truyền thống của ASEAN "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau" đang bị thách thức mạnh mẽ. Có nhiều quan chức và học giả ASEAN đã đặt vấn đề ASEAN cần phải có một "chính sách can thiệp xây dựng" hay "can thiệp với đặc điểm ASEAN, với phương cách ASEAN"...
2. Cơ chế hợp tác an ninh, chính trị Việt Nam - ASEAN là một cơ chế lỏng lẻo:
Diễn đàn an ninh Đông Nam A' (ARF) được thành lập từ năm 1993 đã có những bước tiến triển đáng kể, là một diễn đàn bổ ích cho đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị, an ninh khu vực. Tuy nhiên ARF vẫn còn là một tiến trình lâu dài và phức tạp vừa hợp tác và đấu tranh, do tính đa dạng của các thành viên cũng như tính chất các vấn đề an ninh khu vực nên không dễ dàng đi tới thống nhất những quan điểm chung. Nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau đang bị tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ vừa qua do tình hình chính trị - xã hội của một số nước thành viên trong khu vực.
3. Sự khác biệt về ý thức hệ, cơ cấu chính trị - xã hội, trình độ phát triển giữa Việt Nam và một số nước trong ASEAN:
ASEAN 10 gồm các nước khác biệt về chế độ chính trị, xã hội, ý thức hệ và sự phát triển kinh tế cùng nhiều vấn đề khác. Tính đa dạng của ASEAN về các mặt chính trị, văn hóa và lợi ích an ninh... càng lớn thì ASEAN càng khó đạt lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực như thời hạn thực hiện AFTA, khả năng đóng góp vào các hoạt động chung của hiệp hội...
Một vài nước hội viên ASEAN còn e ngại về Việt Nam vốn có những bất hòa và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nên nếu tăng cường hợp tác về chính trị, an ninh với Việt Nam thì có thể sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
4. Tranh chấp lãnh thổ, biển đảo:
Bốn trong số 10 thành viên ASEAN (Việt Nam, Philippin, Malaysia và Brunây) có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông - khu vực có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với ASEAN mà còn đối với nhiều nước lớn và khu vực châu A' - Thái Bình Dương. Tuy ASEAN đã đưa ra những nguyên tắc chung nhằm giải quyết các tranh chấp Biển Đông (Tuyên bố của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Manila tháng 7/1992) nhưng khi xảy ra sự việc cụ thể thì không phải các nước này đều có phản ứng hoặc ứng xử như nhau. Các nước ASEAN chưa có sự thống nhất về giải pháp đối với tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc (ví dụ gần đây nhất là tháng 5/2000 Trung Quốc và Philippin đã ký tuyên bố chung về quan hệ mới và thỏa thuận giải quyết song phương hòa bình ở Trường Sa). Tình hình đó tạo điều kiện cho bên ngoài lợi dụng, gây chia rẽ ASEAN.
5. Nguy cơ xung đột sắc tộc, tôn giáo ở một vài nước ASEAN trong thời gian qua không những không làm giảm đi mà còn có chiều hướng tăng lên với những diễn biến phức tạp mới như đánh bom, bắt cóc con tin, đòi thành lập nhà nước Hồi giáo (Philipin) đòi độc lập (vùng A-chê - Inđônêxia)...
6. Vấn đề an ninh nội bộ của từng nước ASEAN nói riêng và của toàn khu vực Đông Nam A' nói chung có nhiều diễn biến phức tạp, giữa các nước thành viên ASEAN vẫn còn tồn tại nhiều tranh chấp về lãnh thổ, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa... Và còn tồn tại sự nghi kỵ lẫn nhau giữa một số thành viên (Malaysia và Singapore...) cần phải có thời gian dài mới giải quyết được.
Tuy các thành viên của ASEAN có cùng mục đích tôn chỉ chung, song vì truyền thống lịch sử hoặc lợi ích địa - chính trị riêng của từng nước nên mỗi thành viên ASEAN lại có chính sách an ninh riêng. Một số nước có quan hệ an ninh với một số nước ngoài khu vực, tạo điều kiện cho sự can thiệp của các nước ngoài trong trường hợp xảy ra khủng hoảng liên quan đến an ninh của các nước ASEAN đó.
7. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính vừa qua đã làm cho tình hình ở một số nước ASEAN vốn đã phức tạp càng thêm phức tạp, làm gay gắt thêm các mâu thuẫn xã hội, sắc tộc, tôn giáo, đấu tranh giành quyền lực giữa các phe phái... Tình hình đó chẳng những đã cản trở quá trình khắc phục hậu quả khủng hoảng, sự phát triển của các nước này, hạn chế sự hợp tác về mọi mặt giữa các nước mà về lâu về dài sẽ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đoàn kết và hợp tác trong ASEAN, nếu tình hình không sớm được khắc phục.
Quá trình hợp tác an ninh, chính trị Việt Nam - ASEAN đang diễn ra trong môi trường an ninh quốc tế và khu vực có nhiều biến động, phức tạp trong thập niên 90 của thế kỷ XX. Trật tự chính trị, kinh tế thế giới đang trong quá trình định hình, những nhân tố thúc đẩy và hợp tác an ninh, chính trị Việt Nam - ASEAN thường đan xen nhau và tác động lẫn nhau. Do đó Việt Nam và các nước ASEAN muốn đẩy mạnh hợp tác an ninh, chính trị tốt, cần phải phát huy tối đa nội lực của bản thân mỗi nước trong Hiệp hội, tăng cường quan hệ với các nước lớn trong và ngoài khu vực; nâng cao tính hiệu quả của Diễn đàn an ninh khu vực ARF và tăng cường liên kết khu vực trên tất cả các bình diện khác nhau, nhất là lĩnh vực kinh tế nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác an ninh, chính trị, hạn chế những tác động tiêu cực./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét