Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

MỘT SỐ TRỞ NGẠI TRONG QUAN HỆ NHẬT-TRUNG TỪ SAU CHIẾN TRANH LẠNH ĐẾN NAY


MỘT SỐ TRỞ NGẠI TRONG QUAN HỆ NHẬT-TRUNG TỪ SAU CHIẾN TRANH LẠNH ĐẾN NAY




Nhật Bản và Trung Quốc là hai nước lớn ở Châu Á. Một bên là một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, còn bên kia là một cường quốc chính trị và một nền kinh tế đang lên. Mối quan hệ giữa hai quốc gia này đã và đang có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của Châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Quan hệ Nhật – Trung thời hiện đại đã trải qua những bước đi thăng trầm. Từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, do nhiều nhân tố thúc đẩy, mối quan hệ này đã có nhiều biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, sự bất đồng trong nhiều vấn đề đang cản trở sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Quan hệ Nhật – Trung căng thẳng đã ảnh hưởng lớn tới quá trình hợp tác và hội nhập ở Đông Á. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến những vấn đề gây trở ngại trong quan hệ hai nước Nhật – Trung từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
Những vấn đề gây trở ngại cho mối quan hệ Nhật – Trung thời hiện đại đã được đề cập trên nhiều phương diện, nhiều góc độ khác nhau. Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tác động mạnh mẽ tới tình hình quan hệ quốc tế. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm tranh thủ những bạn đồng minh và tìm kiếm một vị trí trên trường quốc tế. Trong xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều ra sức cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, những vấn đề lịch sử để lại đang là “hòn đá tảng” ngăn cản mong muốn hoà bình hữu nghị giữa hai quốc gia. Theo chúng tôi, trở ngại chính là những tồn tại của lịch sử bao gồm thái độ đối với lịch sử, tâm lí nghi ngại lẫn nhau và tranh chấp lãnh thổ.
1. Thái độ đối với lịch sử
Mối quan hệ Nhật – Trung đã có từ rất sớm. Khoảng thế kỉ VI – VIII, triều đình Nhật Bản đã chọn lựa những người tài giỏi và gửi sang Trung Quốc để học tập và tiếp thu văn hoá tiên tiến của Trung Quốc. Trong suy nghĩ của tầng lớp lãnh đạo Nhật Bản lúc bấy giờ hình thành hai thái độ đối với Trung Quốc: kính nể hoặc phủ nhận. Đại đa số giới thượng lưu và trí thức Nhật Bản đều nhận thấy văn hoá Trung Quốc là tiến bộ và cần học tập. Còn Trung Quốc chỉ nhận thức Nhật Bản là nước láng giềng “kém” văn minh. Từ đó cho đến trước thời đại Minh Trị, Trung Quốc luôn khẳng định vị thế nước lớn trong quan hệ với Nhật Bản. Tuy nhiên, những đặc điểm về địa lý, lịch sử, văn hoá đã tạo nên tinh thần tự tôn dân tộc rất mãnh liệt ở người Nhật Bản. Dù chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhưng người Nhật không tiếp thu nguyên vẹn mà đã cải biến nhiều yếu tố cho phù hợp với môi trường và văn hoá Nhật Bản. Các Thiên hoàng Nhật Bản cũng luôn khẳng định ý thức ngang hàng với các Thiên tử Trung Hoa. Duy nhất trong lịch sử Nhật Bản chỉ Ashikaga Yoshimitsu (1358 - 1408), vị tướng quân thứ ba của dòng họ Ashikaga là người nhận tước phong “quốc vương Nhật Bản” của các hoàng đế Trung Hoa ban cho.
Sang thời kì Minh Trị, nhờ những biện pháp cải cách duy tân đất nước, Nhật Bản đã thoát khỏi nguy cơ mất độc lập và trở thành một cường quốc ngang hàng với các nước tư bản phương Tây. Từ đây, Nhật Bản bắt đầu thực hiện tham vọng đế quốc của mình. Để thực hiện chủ trương ‘thoát Á nhập Âu” trên tinh thần “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt qua phương Tây”, Nhật Bản đã tiến hành các cuộc xâm lược ra bên ngoài. Đầu tiên, Nhật Bản nhìn sang Trung Hoa cổ kính, già nua. Cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895) là bước đầu của quá trình Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Tiếp đó, Nhật Bản xâm lược vùng Đông Bắc Trung Quốc lập nên “Mãn Châu quốc”, đưa hoàng đế Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của triều Mãn Thanh lên làm “bù nhìn” cai trị. Từ đó cho đến Chiến tranh Thế giới thứ hai là những năm tháng đầy đau khổ và tủi nhục đối với người Trung Quốc khi một phần lớn lãnh thổ nằm dưới sự cai trị của quân phiệt Nhật Bản. Lòng tự tôn dân tộc, ý thức Đại Trung Hoa đã bị tổn thương nghiêm trọng. Thực tế, Nhật Bản đã gây ra nhiều đau thương cho các dân tộc Châu Á nói chung và cho người dân Trung Quốc nói riêng.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản là nước bại trận nhưng trong tình hình Chiến tranh Lạnh bắt đầu phát triển, Nhật Bản đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn Mỹ - Xô, dựa vào Mỹ để tập trung phát triển kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn với tốc độ phát triển “thần kỳ”, Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Chính sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và dựa vào mối liên minh với Mỹ mà lòng tự tôn dân tộc của Nhật Bản càng được phát huy.
Từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, Nhật Bản đang ra sức vươn lên vị trí  một cường quốc chính trị. Nhật Bản đang thực hiện việc “trở lại Châu Á” bằng kinh tế, đầu tư và viện trợ ODA. Trong số các nước Châu Á, Trung Quốc là nước nhận được ODA nhiều nhất từ Nhật Bản. Mặc dầu vậy, thái độ đối với các vấn đề lịch sử của hai nước rất khác nhau. Trung Quốc luôn đòi hỏi Nhật Bản phải chính thức công khai xin lỗi  ở cấp nhà nước và có những hành động thiết thực sửa chữa những sai lầm của quá khứ quân phiệt. Còn Nhật Bản lại luôn né tránh nhìn nhận một cách đầy đủ những vấn đề này. Đây là bất đồng lớn đã và sẽ cản trở sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Chính sự bất đồng về thái độ đối với lịch sử đã làm căng thẳng quan hệ hai nước trong những năm đầu thế kỉ XXI. Nó kéo theo những tranh cãi về sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản, về việc viếng thăm ngôi đền Yasukuni của nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản…
Vào năm 1983, Nhật Bản đã ban hành bộ sách giáo khoa về lịch sử trong đó phủ nhận những hành động tàn bạo mà quân phiệt Nhật Bản đã gây ra ở nhiều nước Châu Á trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Điều này đã làm cho nhiều nước Châu Á, nhất là Trung Quốc hết sức tức giận. Đến ngày 5/4/2005, Bộ Giáo dục Nhật Bản lại cho ban hành bộ sách giáo khoa lịch sử mới dành cho bậc phổ thông, trong đó tô hồng quá khứ thời quân phiệt, không dùng từ “xâm lược” khi nhắc đến cuộc chiếm đóng quân sự đối với các nước Châu Á. Vụ thảm sát Nam Kinh từ tháng 12/1937 đến tháng 3/1938 được gọi là một “vụ việc” trong đó “nhiều” người Trung Quốc bị giết. Trung Quốc khẳng định, trong vụ thảm sát Nam Kinh đã có 300.000 người chết, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, 20.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp. Còn phiên toà xét xử tội phạm chiến tranh do Mĩ tổ chức thì liệt kê khoảng 140.000 người chết.
Bộ sách giáo khoa lịch sử mới của Nhật Bản đã gây nên sự tức giận đối với người dân Trung Quốc và nhiều nước Châu Á khác. Những vụ tấn công người Nhật, đập phá cửa hàng người Nhật ở Trung Quốc từng liên tiếp xảy ra. Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh cũng bị ném chai lọ, gạch đá. Phía Nhật Bản thì cho rằng, Trung Quốc luôn cố gắng thổi phồng những vấn đề lịch sử và không nhất thiết phải đưa tất cả tội lỗi của Nhật Bản trong thời kì chiến tranh vào sách giáo khoa vì nó không đem lại tác dụng giáo dục lòng tự tôn dân tộc cho học sinh Nhật Bản. Vì vậy, Trung Quốc có lí do để hiểu rằng Nhật Bản chưa bao giờ nhìn nhận đúng đắn và có thiện chí sửa chữa sai lầm của quá khứ.
Trong khi vấn đề sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản chưa được giải quyết thì việc trước đây các nhà lãnh đạo Nhật Bản viếng thăm ngôi đền Yasukuni càng làm cho Trung Quốc và nhiều nước Châu Á láng giềng thêm giận dữ. Đền Yasukuni là ngôi đền Thần đạo, nơi tưởng niệm 2,5 triệu người Nhật chết trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó có cả 14 lãnh đạo quân phiệt đã bị xét xử là tội phạm chiến tranh loại A. Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, đã có 3 vị thủ tướng Nhật viếng thăm đền Yasukuni, đặc biệt là Thủ tướng J. Koijumi, nắm quyền từ 1998 – 2004, người có công vực dậy nền kinh tế Nhật sau khủng hoảng tài chính năm 1997. Trong hai nhiệm kì của mình, ông Koijumi thường xuyên viếng thăm ngôi đền này. Trung Quốc và nhiều nước Châu Á đã phản ứng dữ dội trước hành động đó và cho rằng việc này đã phủ nhận quá khứ tội lỗi của Nhật Bản, xúc phạm tới tình cảm nhân dân họ. Phía Nhật Bản luôn tuyên bố đây là vấn đề thuộc về đời sống tâm linh của họ, đền Yasukuni là nơi thờ vong linh những người Nhật tử nạn trong chiến tranh chứ không phải nơi thờ tội phạm chiến tranh. Tất cả những điều này cho thấy, nhận thức về các vấn đề lịch sử của Nhật Bản đang đặt ra nhiều vấn đề gây tranh cãi, là nguyên cớ để phía Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản chưa thực sự hối hận về những tội lỗi trong quá khứ.
2. Tâm lí nghi ngại lẫn nhau
Từ chỗ bất đồng về thái độ đối với lịch sử đã dẫn tới tâm lí nghi ngại lẫn nhau. Trung Quốc cũng như nhiều nước Châu Á vẫn chưa thể nào quên được những tai hoạ mà chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã gây ra cho mình. Sau cải cách Minh Trị, Nhật Bản hội nhập vào thế giới tư bản và nhanh chóng vươn lên một cường quốc. Đối với nhiều nước Châu Á lúc bấy giờ, Nhật Bản là tấm gương sáng để học tập. Đặc biệt, sau chiến thắng trước nước Nga Sa hoàng (1904 - 1905), người ta hy vọng có thể dựa vào “người anh cả da vàng” để chống lại chủ nghĩa tư bản phương Tây. Nhưng mong ước đó nhanh chóng bị dập tắt bởi những hành động tàn bạo của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
Trong thời kì Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật đưa ra chiêu bài xây dựng “khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á” nhằm đặt các nước Châu Á vào vòng lệ thuộc. Chiến tranh thế giới thứ hai là thất bại đầu tiên của Nhật trong việc thực hiện các tham vọng đế quốc của mình. Nhật Bản bại trận, phải lệ thuộc vào Mỹ và mất hết ảnh hưởng ở Châu Á.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật tập trung phát triển kinh tế và nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới (sau Mỹ). Từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật Bản đang ra sức tìm kiếm một vai trò chính trị mới lớn hơn cho tương xứng với sức mạnh kinh tế - tài chính của mình. Hiện nay, Nhật đóng góp 20% ngân sách của Liên Hợp Quốc nhưng lại không có quyền quyết định đối với những vấn đề an ninh chính trị toàn cầu. Mục tiêu mà Nhật đang theo đuổi là thúc đẩy nhanh quá trình tải tổ Liên Hợp Quốc và tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho vị trí thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.
Nhưng những dấu ấn của quá khứ cộng với những hành động thể hiện rõ tham vọng chính trị hiện nay của Nhật đã làm cho Trung Quốc lo ngại về sự phục hồi chủ nghĩa quân phiệt. Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Nhật Bản lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đã gửi quân đội của mình ra nước ngoài, mặc dù chỉ làm các nhiệm vụ hoà bình như cứu hộ, vớt mìn trên biển… Sau sự kiện 11/9/2001, Nhật cũng gửi quân đội đến Afganistan. Năm 2003, trong cuộc chiến vùng Vịnh lần hai, Nhật cũng gửi quân đội đến Iraq. Đặc biệt, từ tháng 1/2007, Nhật đã tiến gần đến việc sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp hoà bình 1946 khi chính thức đổi tên “Cục Phòng vệ” thành Bộ Quốc phòng, cho phép triển khai quân đội và những hành động quân sự bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Chắc chắn, Trung Quốc chưa bao giờ cảm thấy yên tâm khi ở bên “người láng giềng” giàu mạnh và đầy tham vọng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn còn chưa hết bất an khi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật vẫn còn hiệu lực. Hiệp ước này được sửa đổi năm 1997 đã xác định phạm vi bảo vệ là “những khu vực xung quanh Nhật Bản”, hàm ý bao gồm cả Đài Loan - vấn đề luôn làm Trung Quốc đau đầu. Việc Nhật Bản vẫn dựa vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ luôn làm cho Trung Quốc phải cảnh giác.
Ngược lại, Nhật Bản cũng cảm thấy mối lo ngại từ Trung Quốc ngày càng tăng. Công cuộc cải cách của Trung Quốc đã và đang đạt được những thành quả to lớn. Từ 1978 – 2001, GDP bình quân của Trung Quốc mỗi năm tăng 9,4%. Năm 2000, GDP của Trung Quốc đã vượt qua mức 1000 tỷ USD, tổng sản lượng kinh tế năm 2001 đã vươn lên đứng hàng thứ 6 thế giới. Đến tháng 12/2007, theo đánh giá mới của WB dựa trên sức mua tương đương (PPP), Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh gay gắt với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực kinh tế.
Đồng thời, Trung Quốc là một trong năm nước thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề chính trị thế giới. Trung Quốc là cường quốc hạt nhân hàng đầu ở Châu Á, có lực lượng quân đội thường trực đông gấp 10 lần quân đội Nhật Bản. Ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc liên tục tăng. Hiện nay, Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình hiện đại hoá quân đội một cách toàn diện với mục tiêu xây dựng một lực lượng có thể triển khai nhanh ở bất cứ đâu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc đã thể hiện rõ tham vọng lãnh thổ của mình ở vùng biển Đông và các đảo tranh chấp với Nhật. Mối lo ngại của Nhật Bản về sức mạnh quân sự của Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở. Những người theo dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn định ở Đông Bắc Á, nhất là khi quan hệ hai nước vẫn còn nhiều bất đồng, tranh chấp. Điều đó đã cho thấy, tâm lí nghi ngại lẫn nhau đang là vấn đề cản trở sự phát triển quan hệ hai nước Nhật Bản – Trung Quốc.
3. Tranh chấp lãnh thổ
Tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ xuất phát từ lợi ích quốc gia mà còn liên quan đến những vấn đề lịch sử. Cho nên, nó càng làm cho bất đồng giữa hai bên thêm sâu sắc.
Về tranh chấp lãnh thổ, Nhật Bản và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Senkaku (theo tên gọi của Nhật Bản) hay là Điếu Ngư (theo tên gọi của Trung Quốc). Đây là quần đảo gồm 8 hòn đảo không có cư dân sinh sống nhưng được xác định là có trữ lượng lớn về dầu mỏ và khí đốt. Nhật Bản đã đưa ra đường ranh giới để tách biệt khu vực kinh tế riêng biệt dài 200 hải lý giữa hai nước và luôn coi Senkaku là dãy đảo thuộc về tỉnh Okinawa của Nhật. Trung Quốc cho rằng, toàn bộ thềm lục địa biển phía đông của Trung Quốc, mở rộng ra phía đông gần như toàn bộ tuyến đường ranh giới tới vùng cực nam mà người Nhật đang sinh sống trên đảo Okinawa,  “được kéo dài tự nhiên” bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư  là thuộc Đài Loan và do vậy nó thuộc về Trung Quốc. Hiện nay, do nhu cầu năng lượng của cả hai nước ngày càng tăng nên việc tranh chấp để khẳng định chủ quyền đối với dãy đảo này càng thêm quyết liệt. Đối với Trung Quốc, nhượng bộ đối với vấn đề  Điếu Ngư sẽ liên quan tới vấn đề độc lập của Đài Loan và vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông. Còn với Nhật, bất cứ nhượng bộ nào trong vấn đề Senkaku cũng sẽ dẫn tới những khó khăn khi đòi lại những đảo ở miền Nam Sakhalin. Dù hai nước đều nỗ lực và hứa hẹn sẽ “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” nhưng mâu thuẫn về vấn đề lãnh thổ vẫn là điều khó vượt qua.
Tóm lại, trên đây là những vấn đề đang và sẽ tiếp tục cản trở bước phát triển trong quan hệ Nhật – Trung từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Quan hệ Nhật – Trung căng thẳng sẽ có ảnh hưởng lớn tới hoà bình, an ninh ở Đông Á cũng như triển vọng thành lập cộng đồng Đông Á. Do vậy, cả hai nước phải thật sự nhìn thẳng vào các vấn đề lịch sử, hết sức nỗ lực để giải quyết những bất đồng và cùng đóng góp xây dựng một khu vực Đông Á hoà bình, thịnh vượng.

TRẦN ANH ĐỨC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Xuân Bình (chủ biên), Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kì sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
2. Nguyễn Văn Hồng (chủ biên), Trung Quốc cải cách mở cửa, những bài học kinh nghiệm, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003.
3. http://www.ncnb.org.vn/ http://www. vnn.vn/thegioi/2005/05/440145/
5. http://vietbao.vn/The-gioi/Nhat-Trung-Han-tuan-trang-mat-lai-cham-dut/20411617/162/
6. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon /Index.aspx?ArticleID=216384&ChannelID=94
8. Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 10/2007.
9. http://www.vtc.vn/quocte/tintuc/ 1705 32/index.html
10. http://www.mof.gov.vn/Default.asp xtab id=82&ItemID=40556
11. httpwww.vnmedia.vn/news/detail .asp/News/Id=113887&CatId=26
12. http://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/china/
13. http://www.keidanren.or.jp/english /policy/2001/006/index.html





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét