Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Quan hệ Mỹ - Trung sau quá trình chuyển giao quyền lực


Quan hệ Mỹ - Trung sau quá trình chuyển giao quyền lực

(VOV) - Quá trình chuyển đổi và hoàn thiện bộ máy lãnh đạo mới ở Mỹ và Trung Quốc đang mở ra hy vọng cải thiện mối quan hệ hai nước.
Hãng thông tấn Tân Hoa xã mới đây đã có bài viết đề cập đến mối quan hệ Mỹ - Trung sau khi cả Trung Quốc và Mỹ vừa hoàn thành quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Bài viết cho rằng, việc hoàn thiện bộ máy lãnh đạo mới ở hai nước mở ra hy vọng mới cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mở rộng quan hệ hợp tác với phương châm “cùng có lợi”.
Trong cuộc điện đàm ngày 14/3 sau khi ông Tập Cận Bình được bầu là Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng, hai nước đang đứng trước một cơ hội lịch sử để có thể xây dựng “biểu đồ” mới cho mối quan hệ song phương giữa hai nước trong tương lai.
Trong cuộc điện đàm này, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cam kết tiếp tục đối thoại và trao đổi, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau cũng như nỗ lực hợp tác để xây dựng mối quan hệ mới giữa hai cường quốc thay vì tiếp tục cạnh tranh và đối đầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại cuộc gặp với Tổng thống Obama trong chuyến thăm Mỹ năm 2012. Khi đó ông Tập Cận Bình là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Hợp tác dần thay thế đối đầu?
Trong một bài phát biểu về chính sách châu Á-Thái Bình Dương tại New York tuần trước, Thomas Donilon - cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Mỹ Obama lưu ý rằng: "Quá trình chuyển đổi lãnh đạo ở Trung Quốc và việc ông Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Trung với những cơ hội mới".
Trên thực tế, sau gần bốn thập kỷ phát triển mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dù không phải là không có lúc xáo trộn và thăng trầm, Mỹ -Trung đã đạt được nhiều kết quả góp phần đưa quan hệ hai nước lên một cấp độ cao hơn.
"Mối quan hệ Mỹ - Trung có thể ví như một cánh cửa có thể mở rộng quan hệ, nhưng nó có thể đóng lại một cách nhanh chóng nếu như bạn không chớp cơ hội để vọt qua" ông Jonathan Pollack, giám đốc Trung tâm John Thornton Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Brookings ở Washington nói.
Có thể nói, một nền tảng vững chắc đã được thiết lập cho việc xây dựng mối quan hệ kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự liên kết giữa hai nước về kinh tế và thương mại có thể nói chưa bao giờ gần gũi hơn thời điểm này. Hiện hai nước đang là đối tác thương mại lớn nhất của nhau với kim ngạch thương mại hàng năm đạt gần 500 tỷ USD trong năm 2012.
Washington và Bắc Kinh đã duy trì liên lạc và đối thoại cấp cao thông qua các Hội nghị Thượng đỉnh, cũng như các cuộc Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế được tổ chức hàng năm. Việc trao đổi đoàn và trao đổi văn hóa đã đạt đến một mức độ chưa từng có, trong khi các hoạt động trao đổi quân sự và đối thoại cũng đang được bình thường hóa.
Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ cũng đã phối hợp chặt chẽ trong việc đối phó với các vấn đề nổi cộm trong khu vực và toàn cầu như: vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và Iran; chống khủng bố; an ninh năng lượng; biến đổi khí hậu; an ninh lương thực, kiểm soát dịch bệnh, cũng như đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ trên cương vị Phó Chủ tịch nước năm 2012 đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ý tưởng và đề xuất về nguyên tắc gồm 5 điểm để xây dựng mối quan hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Nguyên tắc này bao gồm việc tăng cường đối thoại và thông tin liên lạc giữa hai nước; mở rộng hợp tác thiết thực; thúc đẩy sự tin cậy chiến lược; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và chung tay trong việc đối phó với những thách thức trên toàn thế giới. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng đã có những phản ứng tích cực đối với đề xuất này.
"Chúng tôi không muốn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được định nghĩa với sự cạnh tranh và đối đầu", ông Donilon cho biết trong bài phát biểu ở New York.
Trong khi đó, Bonnie Glaser, một chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết, việc hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là “tín hiệu tốt đẹp cho mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai”.
Trong một dấu hiệu tích cực khác, các quan chức hàng đầu về chính trị và quân sự của Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, Ngoại trưởng John Kerry và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, đã và đang chuẩn bị cho các chuyến thăm Trung Quốc trong tương lai gần với mục tiêu tiếp tục các cuộc đối thoại cấp cao và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau giữa hai nước.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew tại Bắc Kinh ngày 20/3/2013 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Rào cản lớn vẫn nằm ở phía trước
Mặc dù có nhiều tín hiệu lạc quan trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều rào cản và khó khăn phía trước với cả hai nước để xây dựng mối quan hệ kiểu mới.
“Sự thành công phụ thuộc vào việc hai bên xác định khái niệm về mối quan hệ mới như thế nào”, bà Glaser - một chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ nói.
Ông Jonathan Pollack - Giám đốc Trung tâm John Thornton Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Brookings ở Washington thì cho rằng: Trong thời điểm hiện nay, rất khó để xác định chính xác các nội dung trong việc xây dựng mối quan hệ mới này, bởi nó là một khái niệm rộng.
Cả Mỹ và Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức "xây dựng khái niệm cho mối quan hệ theo kiểu mới này và xem nó hoạt động như thế nào trong thực tế", ông Jonathan Pollack nói.
Mặc dù đã có những bước tiến lớn trong việc cải thiện mối quan hệ song phương, vẫn còn một khoảng cách lớn để hai nước có thể thiết lập đầy đủ sự tin cậy chiến lược - điều cần thiết để giảm bớt hiểu lầm và tăng cường sự đồng thuận giữa hai bên.
Bên cạnh sự khác biệt về chính trị và xã hội, các giai đoạn phát triển và truyền thống lịch sử và văn hóa giữa hai nước, Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại những tranh cãi xung quanh các vấn đề về nhân quyền, tôn giáo và thương mại. Mặt khác, Bắc Kinh cũng cho rằng, Washington tiếp tục tạo ra các rào cản mới, bằng cách thổi phồng lên cái gọi là "Lý thuyết về mối đe dọa Trung Quốc".
Mới đây nhất, vấn đề an ninh mạng lại “làm nóng” mối quan hệ giữa hai nước khi Mỹ đưa ra cáo buộc các hacker từ Trung Quốc đã tấn công các hệ thống máy tính của Mỹ để ăn cắp dữ liệu chính trị, an ninh và bí mật thương mại. Ngoài ra, một ủy ban của Hạ viện Mỹ năm 2012 thậm chí còn đề xuất một lệnh cấm các công ty viễn thông Trung Quốc được tiếp cận với thị trường Mỹ với lý do “đe dọa an ninh quốc gia của đất nước” mà phía Trung Quốc cho rằng đó là “những bằng chứng vô căn cứ”.
Bên cạnh đó, mối quan hệ về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được xem là một mắt xích yếu nhất trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ kiểu mới. "Các cuộc đối thoại về quân sự đã tụt hậu khá xa so với đối thoại về chính trị và kinh tế”, bà Glaser cho biết. Ngoài ra, với lý do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc đã nhiều lần đình chỉ các cuộc đối thoại và trao đổi quân sự với Mỹ để phản đối. Chính vì vậy, mối quan hệ hợp tác về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ như thế nào tiếp tục là mối quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu và cộng đồng quốc tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét