Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Những bài học chiến lược từ bế tắc Trung-Nhật trong tranh chấp lãnh thổ


Những bài học chiến lược từ bế tắc Trung-Nhật trong tranh chấp lãnh thổ


Những diễn biến và hậu quả do cuộc đối đầu lãnh hải Trung Quốc-Nhật Bản có thể gây nên trong tương lai nếu căng thẳng tiếp tục diễn ra theo xu hướng cứng rắn của cả hai bên mà không được tháo gỡ một cách hòa bình.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tôkyô bùng phát sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định mua 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) của các tư nhân Nhật Bản. Trung Quốc coi hành động mua bán này của Chính quyền Tôkyô nhằm mục đích sáp nhập quần đảo vào lãnh thổ Nhật Bản. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku và chính thức công bố các tọa độ địa lý của quần đảo để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền và gửi tài liệu này lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. 
Bắc Kinh bắt đầu tuyên bố chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ năm 2010. Trong thời gian đó, một tàu cá Trung Quốc lao vào 2 tàu tuần tra Nhật Bản ở vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư/Senkaku. Cuộc đối đầu giữa hai nước tiếp tục diễn ra trong suốt hai năm qua do Trung Quốc thường xuyên áp dụng nhiều biện pháp để khẳng định quần đảo này thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhật Bản chiếm đảo Điếu Ngư/Senkaku sau khi đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Trung Quốc-Nhật Bản năm 1895. Tiếp đó, Mỹ kiểm soát quần đảo sau khi đánh bại Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhưng Mỹ đã trao trả quần đảo này cho Nhật Bản theo Hiệp ước Đảm bảo An ninh Mỹ-Nhật năm 1960 và hiệp ước này được xây dựng trên cơ sở hiệp ước an ninh song phương Mỹ-Nhật năm 1951. Hiệp ước năm 1960 buộc Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công và đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng được hiệp ước này bảo vệ. Hành động quân sự quyết đoán của Bắc Kinh đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải gây nên tình hình mất ổn định trong toàn bộ khu vực ít nhất trong 2-3 năm qua. Một trong những lý do khiến các nhân vật diều hâu hoặc theo đường lối cứng rắn ở Bắc Kinh cho rằng đến nay luận thuyết giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình không phù hợp nữa. Hiện nay, Trung Quốc đủ sức mạnh quân sự và kinh tế để khẳng định vị thế của mình trên thế giới. Một số quan chức Trung Quốc khác lại cho rằng hiện nay Mỹ đang suy yếu và Trung Quốc ngày càng phát triển. Và mặc dù tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhưng Trung Quốc không có xu hướng thụt lùi và cũng không muốn xung đột quân sự để gây nên những hậu quả không rõ ràng.
Thực tế, thời gian qua Trung Quốc thường xuyên gây sức ép với Nhật Bản về vấn đề tranh chấp lãnh hải. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cảnh báo Thủ tướng Yoshihiko Noda bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok không được thúc đẩy vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku. Hiện nay Trung Quốc đã phái 16 tàu hải giám và các tàu thuyền khác thường xuyên hoạt động xung quanh đảo Điếu Ngư/Senkaku. Một nguồn tin khác do các phương tiện truyền thông Trung Quốc gần đây cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch huy động hàng nghìn tàu cá đến hoạt động ở các vùng nước xung quanh đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trong khi đó, cả hai chính phủ hiện đang vấp phải nhiều khó khăn chính trị trong nước. Tại Nhật Bản, các nhân vật theo đường lối cứng rắn, dưới sự lãnh đạo của Thị trưởng Tôkyô Shintara Ishihara, đang bao vây và tìm cách lật đổ Thủ tướng Noda, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn trong tình thế thậm chí khó khăn hơn. Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) sẽ được tổ chức trong tháng 11/2012 và sẽ mở ra sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các vụ bê bối chính trị ở cấp cao gây nên, trong đó phải kể đến vụ giết hại một người nước ngoài và cái chết của con trai nhà lãnh đạo cao cấp Lệnh Kế Hoạch trong một vụ tai nạn. Sự đồng thuận trước đó về việc phân chia quyền lực trong Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị dường như bị xáo trộn. Trong bối cảnh đó, không nhà lãnh đạo Trung Quốc nào có thể mềm mỏng với Nhật Bản. Hơn nữa, từ lâu Chính phủ Trung Quốc vẫn đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan và giáo dục dân chúng không tin tưởng người nước ngoài. 
Chắc chắn các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hưởng lợi trong quá khứ bằng cách phát động các cuộc biểu tình đường phố và tấn công sứ quán nước ngoài và tài sản của họ. Chẳng hạn, sau khi xảy ra sự kiện máy bay Mỹ ném bom nhầm Sứ quán Trung Quốc ở Bêôgrát năm 1999 và vụ xung đột giữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc với một máy bay do thám Mỹ năm 2001, các nhà chức trách Trung Quốc đã huy động dân chúng xuống đường biểu tình phản đối và tấn công Sứ quán và Lãnh sự Mỹ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, lúc đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể kiểm soát và ra lệnh chấm dứt các cuộc biểu tình sau khi bày tỏ sự phản đối. Lần này, mặc dù tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy khó có thể ngăn cản người biểu tình. Những người biểu tình tấn công bất cứ thứ gì của người Nhật Bản và lan rộng trên 80 thành phố khiến các nhà chức trách nhận thấy nguy cơ không thể kiểm soát. Vì vậy, một bài báo đăng trên trang web của Tân Hoa Xã ngày 16/9 đã thu hút sự chú ý của Chính phủ Nhật Bản về dư luận Trung Quốc và buộc họ phải xem lại hành động của mình. Bài báo cũng kêu gọi người biểu tình Trung Quốc cần thể hiện lòng yêu nước một cách "khôn ngoan" và không vi phạm pháp luật. Điều đó chứng tỏ chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong nội bộ.
Bên cạnh đó có 2 vấn đề khác cần quan tâm. Thứ nhất là vai trò của Mỹ. Sau khi bất đồng lãnh hải Trung Quốc-Nhật Bản gia tăng, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke tuyên bố Mỹ không đóng bất cứ vai trò nào trong cuộc xung đột này và hy vọng chính phủ hai nước sẽ giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Trong chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản giữa tháng 9/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng có quan điểm tương tự và tỏ ra thận trọng khi đề cập đến vấn đề xung đột vũ trang xảy ra giữa hai nước. Nhưng tuyên bố gần đây trước Tiểu ban Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á Kurt M. Campbell khẳng định hiệp ước năm 1960 buộc Mỹ phải có trách nhiệm hỗ trợ Nhật Bản nếu bị tấn công. Và hiệp ước đó bao gồm cả đảo Điếu Ngư/Senkaku. Thứ hai là liệu cộng đồng quốc tế có thể ép Trung Quốc đưa vấn đề tranh chấp ra tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc. Và nếu Trung Quốc quyết định sử dụng sức mạnh quân sự phát động một cuộc chiến tranh trong thế kỷ 21 để thu hồi lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố bị mất trong cuộc chiến tranh Trung Quốc-Nhật Bản năm 1895, hành động đó sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc dường như quyết định sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nhật Bản. Bắc Kinh khẳng định rõ rằng Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại, nhưng chắc chắn thiệt hại của Nhật Bản sẽ lớn hơn nhiều lần và thậm chí những thiệt hại đó sẽ đẩy lùi xã hội Nhật Bản trở lại quá khứ ít nhất 20 năm. Tất nhiên, một cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới không thể không gây nên những hậu quả nghiêm trọng khác cho các nền kinh tế khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bên ngoài khu vực. 
Trần Quang (gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét