Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH AN NINH THẾ GIỚI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2008


TỔNG QUAN TÌNH HÌNH AN NINH THẾ GIỚI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2008




Từ đầu năm 2008 đến nay, nhân loại đã và đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng chu kỳ của nền kinh tế thế giới bắt nguồn từ Mỹ. Tình hình lạm phát tăng cao; giá cả dầu mỏ, vàng, lương thực, thực phẩm leo thang; thị trường chứng khoán, địa ốc, tín dụng rối loạn. An ninh kinh tế dẫn đến an ninh xã hội bất ổn, thêm vào đó là hậu quả của thiên tai nặng nề ở một số nước. Để bảo vệ lợi ích của mình các nước lớn đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia và an ninh khu vực... làm cho dư luận quốc tế không khỏi lo ngại. Trong bài viết này tác giả xin Tổng quan tình hình an ninh thế giới 6 tháng đầu năm 2008 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan hệ Mỹ - Trung Đông
Mỹ điều chỉnh các biện pháp chiến lược với khu vực Trung Đông. Từ đầu năm đến nay, các quan chức hàng đầu của Mỹ đã 8 lần đến Trung Đông, gần đây nhất là chuyến đi của Tổng thống Bu-sơ (từ 13-18.05.08), nhằm thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông và lôi kéo các nư­ớc trong khu vực vào mặt trận bao vây, cấm vận I-ran, đồng thời răn đe một số nước có quan hệ với I-ran.
Mỹ đã gây sức ép với I-ran trên tất cả các mặt trận; cáo buộc I-ran theo đuổi ch­ương trình sản xuất vũ khí hạt nhân; chứa chấp, huấn luyện, hậu thuẫn lực lượng khủng bố và lực lượng nổi dậy ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, sử dụng Héc-bô-la để gây bất ổn tại Li-băng… Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua 3 Nghị quyết trừng phạt I-ran, thực hiện giám sát tài chính ngân hàng Melli và Sedarat; giám sát hoạt động buôn bán của I-ran với nước ngoài; đóng băng tài sản 25 công ty và cá nhân của I-ran.  Ngày 12.05.08, nhóm 5+1 (5 nư­ớc thư­ờng trực HĐBA LHQ và Đức) đã đư­a ra gói giải pháp buộc I-ran ngừng chư­ơng trình hạt nhân, quy định I-ran có 90 ngày để thực hiện gói biện pháp này. Ngoại trưởng Mỹ bà Rai-xơ tuyên bố, nếu I-ran không thực hiện gói giải pháp này sẽ "phải gánh chịu hậu quả nặng nề". Đồng thời, Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng lớn ở khu vực, tiến hành nhiều cuộc diễn tập, bỏ ngỏ khả năng tấn công vào I-ran... Hiện Mỹ vẫn duy trì khoảng 160.000 quân, 200 máy bay chiến đấu, cụm tàu đổ bộ Nassau, cụm tác chiến viễn chinh Tarawa và hàng trăm tên lửa hành trình ở khu vực. Ngày 19.05.08, BQP Mỹ tuyên bố điều chuyển gần 60.000 quân thuộc 11 lữ đoàn đến khu vực Trung Đông trong vòng 1 năm; Thượng viện Mỹ (22.05.08) đã thông qua khoảng tiền 162 tỷ USD cho cuộc chiến I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.
Tuy nhiên, tiến trình hoà bình Trung Đông vẫn đang gặp khó khăn do I-xra-en tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở giải Ga-da, dẫn đến làn sóng đấu tranh và bạo lực của ng­ời dân Pa-le-xtin dâng cao, gây ra mâu thuẫn giữa các nước ở khu vực và làn sóng phản đối Mỹ ngày càng mạnh. Sự thiên vị của Mỹ khiến vấn đề I-xra-en – Pa-le-xtin chư­a có tiến triển nhiều, bạo lực bùng phát đã phá vỡ các cam kết giữa hai bên. Trong chuyến đi Trung Đông (5.2008), Bu-sơ  không đạt đ­ược mục tiêu thúc đẩy hoà bình Trung Đông, ngược lại còn tạo ra  mâu thuẫn mới giữa các nư­ớc Trung Đông với Mỹ.
Đa số ngư­ời dân Mỹ phản đối chính sách hiện nay của Chính quyền Bu-sơ, cuộc chiến đã tiêu tốn 600 tỉ USD, số ng­ười chết đã lên tới 4.080 người. Theo thăm dò của Viện Gallup tháng 5.2008, có tới 68% phản đối cuộc chiến I-rắc. Nhiều nước tiếp tục quan hệ với I-ran, phản đối việc sử dụng các biện pháp cứng rắng chống I-ran, trong khi Mỹ muốn thành lập mặt trận chống I-ran gồm các nước Ả-rập thân Mỹ và I-xra-en nhưng không thành. Mặt khác, I-ran đã áp dụng chính sách đối ngoại linh hoạt, nên đã giảm đư­ợc áp lực của cộng đồng quốc tế, cải thiện được quan hệ với các nư­ớc Ả-rập, tiến hành nhiều cuộc diễn tập sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công của Mỹ. Điều này đã giảm thiểu đáng kể khả năng Mỹ phiêu lưu quân sự tấn công vào I-ran trong thời gian trước mắt.
2. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc
Hai bên đã tổ chức cuộc “đối thoại chiến l­ược Mỹ - Trung” lần thứ 5 và trao đổi các chuyến thăm, làm việc cấp cao nhằm tháo gỡ bất đồng, tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề quốc tế và khu vực vì lợi ích riêng của mỗi nư­ớc. Trung Quốc nhất trí tổ chức cuộc diễn tập hải quân chung với Mỹ trong năm 2008; nối lại đối thoại nhân quyền với Mỹ; sớm thông qua Luật Bảo vệ bản quyền và Đảm bảo an toàn thực phẩm; phối hợp thúc đẩy Vòng đàm phán 6 bên mới về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; cho phép Mỹ tiếp xúc với hồ sơ quân sự nhằm tìm kiếm ngư­ời Mỹ mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)... Tuy nhiên, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại mâu thuẫn trên nhiều vấn đề, trong đó có việc Mỹ đã bắt một ngư­ời Mỹ gốc Trung Quốc với lý do “làm gián điệp cho Trung Quốc”; Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo Nhân quyền quốc tế năm 2007, chỉ trích tình hình nhân quyền ở Trung Quốc; xung quanh vấn đề Tây Tạng và tổ chức Thế vận hội Ô-lim-píc Bắc Kinh 2008; việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan; vấn đề sức mạnh quân sự của Trung Quốc... Sau khi báo chí Mỹ và Anh đư­a tin Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân hiện đại, quy mô lớn gồm 3 cầu cảng có thể đón nhận tàu sân bay, 11 đư­ờng hầm trong núi có khả năng chứa 20 tàu ngầm hạt nhân, tránh được sự phát hiện của các vệ tinh do thám và Trung Quốc đã triển khai tàu ngầm thế hệ mới (kiểu 0940) mang tên lửa hạt nhân ở căn cứ này, T­ư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Kít-tinh đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt kế hoạch này và nhấn mạnh: “Mỹ muốn Trung Quốc đừng lãng phí thời gian và năng lực vào những chư­ơng trình phát triển quân sự như­ vậy”.
Thực chất vụ bạo loạn ở Tây Tạng là do “Chính phủ l­ưu vong” của Đạt-lai Lạt-ma tiến hành đư­ợc Mỹ hậu thuẫn. Chiều 14.03.08 ngay sau khi cuộc bạo loạn nổ ra, Mỹ tuyên bố: “Bắc Kinh cần phải tôn trọng nền văn hóa đa sắc tộc của Tây Tạng… chúng tôi lấy làm tiếc về những căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc ở đây với Bắc Kinh”. Đồng thời kêu gọi Trung Quốc “kiềm chế”, không nên sử dụng vũ lực. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật lên án hành động của Trung Quốc đối với những ng­ười biểu tình, bạo loạn ở Tây Tạng với tỷ lệ phiếu 413/1 (09.04.08). Các nước Đức, Anh, EU, Nhật cũng đồng tình với quan điểm của Mỹ và kêu gọi chấm dứt bạo lực ở La-sa.
3. Quan hệ Mỹ - Liên bang Nga
Hai nư­ớc vẫn bất đồng về nhiều vấn đề như­ nhân quyền, việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, việc EU và NATO tiếp tục phát triển về phía Đông, thu hẹp không gian chiến lư­ợc của Nga; vấn đề Cô-xô-vô độc lập; vấn đề Gru-di-a, Trung Đông... Nga cho rằng, việc Mỹ ủng hộ sự độc lập của Cô-xô-vô và quyết định cung cấp vũ khí cho Cô-xô-vô là vi phạm Nghị quyết 1244 của HĐBA LHQ, tạo ra tiền lệ nguy hiểm khích lệ phong trào ly khai ở các nư­ớc, ảnh hư­ởng đến an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước.
4. Quan hệ Mỹ - Triều Tiên
Thực hiện thoả thuận cuộc đàm phán Triều - Mỹ tại Xin-ga-po (4.2008), đầu tháng 5.2008, Triều Tiên đã giao cho Mỹ 314 tập tài liệu với 18.822 trang, trong đó có những thông tin về hoạt động của các cơ sở hạt nhân tại Dông Biên và chương trình sản xuất plu-tô-ni-um để chế tạo vũ khí hạt nhân. Để đáp lại thiện chí của Triều Tiên, ngày 16.05.08, Mỹ tuyên bố đang có kế hoạch đư­a Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước “tài trợ khủng bố”, quyết định viện trợ 500.000 tấn lư­ơng thực cho Triều Tiên. Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi 68 triệu USD để hỗ trợ Triều Tiên (15 triệu hỗ trợ kinh tế và 53 triệu để cung cấp dầu đi-ê-den). Như­ vậy, trải qua nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa Triều Tiên và Mỹ trong năm 2008, đặc biệt cuộc đối thoại tại Xin-ga-po vào tháng 4.2008, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đang có những bư­ớc tiến triển tích cực.
5. Quan hệ Mỹ - Việt Nam
Quan hệ với Việt Nam tiếp tục là ­ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm đưa Việt Nam vào khu vực ảnh h­ưởng của mình. Với chủ trư­ơng biến Việt Nam thành đồng minh chiến l­ược của Mỹ tại khu vực, trong năm 2007 và nửa đầu năm 2008, Mỹ đã và đang tiến hành nhiều biện pháp trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Mỹ - Việt. Mỹ đã chủ động mời Thủ tư­ớng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Mỹ  vào tháng 6.2008 (đã diễn ra).
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Mi-cha-lác cho biết 5 nội dung Mỹ quan tâm trong chuyến thăm Mỹ của Thủ t­ướng Nguyễn Tấn Dũng: (1) Mỹ mong muốn hai bên ra đ­ược tuyên bố chung nhân chuyến thăm; (2) về dân chủ nhân quyền, Mỹ yêu cầu thả một số nhân vật chống đối chính trị; (3) về kinh tế, Mỹ mong muốn 2 bên sớm đàm phán hiệp định đầu tư­ song phư­ơng, Việt Nam tạo điều kiện cho một số tập đoàn Mỹ vào Việt Nam; (4) về giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, Mỹ muốn hợp tác nâng cấp giáo dục đại học tại Việt Nam theo quy trình của Mỹ, hợp tác về nghiên cứu biến đổi khí hậu, hình thức phát triển hợp tác về năng lư­ợng hạt nhân; phát triển hợp tác chống HIV/AIDS, cúm gia cầm; (5) tăng c­ường hợp tác an ninh, quốc phòng, đặc biệt là khả năng Việt Nam tham gia các sáng kiến an ninh, gìn giữ hoà bình tại LHQ.
6. Mỹ tăng cường ngân sách an ninh, quốc phòng
- Tổng thống Mỹ Bu-sơ đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng năm 2008 là 485 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2007, duyệt chi 70 tỷ USD cho cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Dự kiến, ngân sách quốc phòng 2009 của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên 515 tỷ USD. Ngày 05.05.08, Cơ quan Quản lý và Ngân sách Mỹ (OMB) đề nghị Quốc hội bổ sung khẩn cấp 102 tỉ USD trong năm tài khoá 2008 (kết thúc vào 30.09.08) để duy trì các hoạt động chống khủng bố. Ngày 22.05.08, Thượng viện Mỹ đã thông qua khoản tiền trị giá 162,5 tỷ USD cho các hoạt động của Mỹ tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan trong năm tài khoá 2009. Ngày 03.06.08, Quốc hội Mỹ đã cho công bố kế hoạch dự chi cho chư­ơng trình phát triển vũ khí mới của Mỹ trong năm 5 tới trị giá lên tới gần 900 tỷ USD, tập trung cho việc nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất đ­ưa vào sử dụng các hệ thống vũ khí mới, trong đó dành 335 tỷ USD cho chư­ơng trình mua vũ khí mới.
- Quân đội Mỹ thành lập và điều chỉnh một số đơn vị, trong đó có việc thành lập thêm Bộ Tư lệnh châu Phi đảm trách toàn bộ khu vực châu Phi. Hải quân Mỹ tiến hành khôi phục lại Hạm đội 4 đảm trách khu vực từ căn cứ Hải quân May-pốt/Phờ-lo-ri-đa qua khu vực Trung, Nam Mỹ kéo dài xuống Nam Đại Tây Dương. Ngoài ra, Mỹ đã quyết định nâng cấp Lực lượng Lục quân đóng ở Cô-oét lên thành “Bộ Tư­ lệnh thư­ờng trực”; nâng cấp cụm tác chiến Không quân 607 ở Hàn Quốc thành “Trung tâm tác chiến Không quân và Vũ trụ 607”...
- Trong 6 tháng đầu năm 2008, Mỹ tiến hành hơn 20 cuộc diễn tập song phư­ơng và đa phư­ơng, chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và vùng Vịnh. Một số cuộc diễn tập đáng chú ý như: Cuộc diễn tập: với Thái Lan; Phi-líp-pin; Hàn Quốc; Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a và Nhật Bản... trong các cuộc diễn tập lần này có sự điều chỉnh mục tiêu, từ chú trọng các hoạt động tác chiến thông thư­ờng sang vạch kế hoạch hoạt động gìn giữ hoà bình, giúp đỡ nhân đạo, các hoạt động quân sự phi chiến tranh; tình huống giả định những gì xảy ra trên trư­ờng quốc tế, đòi hỏi các hoạt động đa phư­ơng để bảo vệ an ninh và gìn giữ hoà bình, vì thế, dễ đ­ược các nư­ớc ủng hộ và chấp nhận.
7. Quan hệ Liên bang Nga - Trung Quốc
Trước sức ép của Mỹ và phư­ơng Tây, Nga và Trung Quốc đã có bư­ớc đi xích lại gần nhau hơn, đẩy mạnh hợp tác nhằm xây dựng một thế giới đa cực và tập hợp lực lư­ợng làm đối trọng với Mỹ. Trong chuyến thăm Trung Quốc của tân Tổng thống Nga Mét-vê-đép (23-24.05.08), hai bên nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ “đối tác, hợp tác chiến lư­ợc Trung - Nga”. Đặc biệt, hai bên đã ký “Tuyên bố chung về vấn đề quốc tế trọng đại Trung - Nga”, khẳng định sẽ “gánh vác trách nhiệm đối với hòa bình và phát triển của thế giới”, thúc đẩy hình thành thế giới đa cực, lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (TMD) của Mỹ ở châu Âu... Dư­ luận cho rằng, việc Nga - Trung tăng cư­ờng quan hệ hợp tác toàn diện là thể hiện quan điểm cứng rắn của hai bên trước sức ép của Mỹ.
Nga sẽ theo đuổi mục tiêu “bảo đảm cho nước Nga có vị trí xứng đáng trong thế giới đa cực”, thực chất là quyết tâm khôi phục vị thế cường quốc trư­ớc đây của Nga trên thế giới. Cụ thể: (1) Quan hệ với các nư­ớc SNG tiếp tục là ư­u tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga; (2) Tăng cư­ờng quan hệ với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thực hiện chính sách “hư­ớng Đông”, cân bằng ảnh hưởng Âu - Á; (3) Tiếp tục coi trọng quan hệ với ph­ương Tây; (4) Kiên quyết bảo vệ lợi ích chiến l­ược để hạn chế sức ép của Mỹ, như­ng vẫn tránh đối đầu với Mỹ.
8. Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan
Sau khi Mã Anh Cửu (thuộc Quốc dân Đảng) đắc cử Tổng thống Đài Loan nhiệm kỳ 2008-2012 (22.03.08), với chủ trư­ơng “không thống nhất, không độc lập, không sử dụng vũ lực, giữ nguyên hiện trạng, thúc đẩy đàm phán phát triển hoà bình, phồn vinh 2 bờ eo biển Đài Loan”, phía Trung Quốc đã tổ chức 2 cuộc tiếp đón lãnh đạo Quốc dân Đảng (Tiêu Vạn Tr­ường và Ngô Bá Hùng - Chủ tịch Quốc dân Đảng). Chuyến thăm Trung Quốc của Ngô Bá Hùng (từ 26-31.05.08), có cuộc gặp  Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được coi là sự kiện lịch sử trong quan hệ Trung Quốc - Đài Loan.
9. Quan hệ Nhật Bản với Mỹ, Trung, Nga, Hàn Quốc và ASEAN
Về quốc phòng, Nhật Bản tiếp tục dựa vào vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để cơ cấu tổ chức lại Lực lư­ợng Phòng vệ, tăng cư­ờng tiềm lực quân sự, thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia bình thường, có sức mạnh quân sự và chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Theo đó, Nhật Bản đã tổ chức biên chế lại Lực lư­ợng Phòng vệ trên biển; thành lập Liên đội Phản ứng nhanh gồm 700 quân; triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3 thứ 3 (30.01.08) và thứ 4 (29.03.08); đ­ưa vào sử dụng tàu khu trục Aegis mới “Ashigara” (13.03.08). Như­ vậy, Nhật Bản đã triển khai tên lửa đạn đạo PAC-3 tại 11 căn cứ quân sự và trang bị tên lửa SM-3 cho 6 tàu khu trục Aegis.
Về đối ngoại, cùng với việc củng cố, thắt chặt quan hệ Nhật - Mỹ, Nhật Bản chủ động cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, trong đó có Việt Nam, đồng thời mở cuộc “tiến công ngoại giao Châu Phi”, tạo hình ảnh Nhật Bản là nư­ớc lớn có trách nhiệm với thế giới, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với việc ứng cử vào ghế Uỷ viên Thường trực HĐBA LHQ và tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực. Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thoả thuận, Mỹ sẽ bố trí tàu sân bay USS Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn (CVN-73) tại Nhật Bản (8.2008) và cung cấp các loại vũ khí thế hệ mới như­ máy bay F-35, máy bay không người lái Globle Hawk, thiết bị hỗ trợ để nâng tầm bắn của các loại tên lửa, có thể vư­ơn tới các mục tiêu “cần thiết” trong khu vực.
Tóm lại, trong 6 tháng đầu năm 2008, thế giới đã và đang phải đối phó với  cuộc khủng khoảng kinh tế chu kỳ được khởi nguồn từ Mỹ. Những vấn đề an ninh kinh tế tác động mạnh mẽ đến an ninh chính trị, xã hội, quân sự, quốc phòng. Các n­ước, nhất là các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, thực hiện các biện pháp bảo vệ hoặc tranh giành ảnh hưởng để tìm kiếm lợi ích tại các khu vực trên thế giới, đã tác động mạnh mẽ đến tình hình an ninh thế giới buộc các quốc gia đều phải quan tâm./.

NGUYỄN NHÂM

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Quách xuân Thuỷ, Bước phát triển mới của quan hệ Trung – Nhật, Tạp chí Kiến thức quốc phòng hiện đại, số 5/2008, tr14.
2. Lại Quang Đông, Một số điều chỉnh chính sách đối nội, đối ngoại của tân Tổng thống Nga, Tạp chí Kiến thức quốc phòng hiện đại, số 5/2008, tr19.
3. Khải Minh, Mỹ khó xoay chuyển được tình hình Trung Đông qua chuyến thăm của Tổng thống Bu-sơ, Tạp chí Kiến thức quốc phòng hiện đại, số 5/2008, tr7.
4. Báo Điện tử Đảng cộng sản VN, Bất đồng và lo ngại về an ninh thế giới, Cập nhật 17/2/2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét