Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

NGOẠI GIAO KINH TẾ CỦA NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP ĐÔNG Á: CHIẾN LƯỢC CẠNH TRANH VÀ ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC


NGOẠI GIAO KINH TẾ CỦA NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP ĐÔNG Á: CHIẾN LƯỢC CẠNH TRANH VÀ ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC

Bước vào thập niên 1990, sự trỗi dậy thần kỳ của kinh tế Trung Quốc, cùng lúc với sự suy thoái kéo dài của kinh tế Nhật Bản đã làm biến đổi nhiều mảng màu trên bản đồ kinh tế Châu Á. Hình ảnh về con chim đầu đàn trong đàn nhạn biển - Nhật Bản, trở nên nhạt nhoà trước không khí sôi động tiếng máy trong công xưởng khổng lồ của thế giới – Trung Quốc. Người ta bắt đầu nghi hoặc về một sự hoán vị sức mạnh trên phương diện kinh tế chính trị quốc tế đang diễn ra tại khu vực Châu Á. Trên đà tăng trưởng kinh tế vũ bão, Trung Quốc dường như cũng không khỏi nảy sinh tư tưởng về một “Đại quốc hùng cường”([1]), khi bất ngờ thể hiện một loạt các hoạt động ngoại giao kinh tế trong khu vực. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và những biểu hiện hết sức uyển chuyển và mau lẹ của ngoại giao kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản không thể lặng thinh, đã vội vã phản ứng bằng một loạt chiến lược thông qua đàm phán WTO (Tổ chức thương mại thế giới), FTA (Hiệp định thương mại tự do) và EPA (Hiệp định liên đới kinh tế). Cả Nhật Bản và Trung Quốc dường như đều đã sẵn sàng bước vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt nhằm tiến tới ký kết FTA với ASEAN. Hơn nữa, kế hoạch xây dựng một FTA giữa ba nước Nhật Bản–Trung Quốc - Hàn Quốc cũng như ASEAN + 3, cũng đang được triển khai nhanh chóng, hướng tới đích cuối cùng là mục tiêu lớn lao về một mô hình thương mại tự do trên toàn khu vực Đông Á.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đứng hàng đầu trong khu vực Châu Á, thế nhưng chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc không chỉ thể hiện tâm lý cảnh giác, mà còn tỏ rõ sự thấu hiểu tầm quan trọng của quan hệ tương hỗ lẫn nhau về lợi ích kinh tế, chính trị.
Xem xét quan hệ cạnh tranh và điều chỉnh trong chiến lược ngoại giao kinh tế của Nhật Bản đối với Trung Quốc, chúng tôi không chỉ hy vọng cung cấp rõ hơn cái nhìn về bối cảnh hội nhập Đông Á, mà còn mong muốn tìm hiểu phần nào cách thức điều hòa những mặt đối lập giữa Nhật Bản – một đối tác lớn, đồng thời là một hình mẫu trong phát triển kinh tế, với Trung Quốc – một hiện tượng kinh tế đang thu hút sự chú ý của cả thế giới, đồng thời cũng là láng giềng cận kề với chúng ta.
Trong phần đầu bài viết chúng tôi sẽ nêu khái quát về trào lưu FTA đang lan rộng khắp thế giới và trở nên phổ biến ở Châu Á. Phần 2 nêu lên một số yếu tố chính của ngoại giao kinh tế Trung Quốc. Trong phần 3 sẽ làm rõ những đặc trưng ngoại giao kinh tế của Nhật Bản đối với Châu Á. Còn phần cuối cùng sẽ tìm hiểu những điều chỉnh quan trọng trong chiến lược ngoại giao kinh tế của Nhật Bản với Trung Quốc vì một lợi ích kinh tế chung trong khu vực.
1. Đông Á trong thời kỳ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Kinh tế thế giới một mặt đang vận hành theo xu hướng toàn cầu hóa, mặt khác trào lưu khu vực hóa kinh tế cũng đang diễn ra đồng thời ở cả Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á. Tại Châu Âu và Bắc Mỹ, xu hướng khu vực hóa tiến triển theo hình thức thống nhất thị trường và hiệp định tự do thương mại, còn tại Châu Á, xu hướng này lại triển khai theo hướng thương mại và đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp theo sự điều tiết của thị trường. Tuy mô hình gắn kết các quốc gia như Hiệp định thương mại tự do khu vực (AFTA) của ASEAN hay Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) cũng đã được tạo lập, nhưng sự tiến triển thực chất là quá chậm rãi so với những gì diễn ra tại châu Âu và Bắc Mỹ.
Thế nhưng, trong năm 2001, Trung Quốc đã đưa ra một mục tiêu đến năm 2010 sẽ ký kết xong FTA với ASEAN. Sang năm 2002 Nhật Bản đã ký EPA với Singapo. Tại Châu Á chỉ trong một thời gian ngắn đã mở ra một thời đại thực sự của FTA. Thành lập khu vực mậu dịch tự do nghĩa là đồng thuận với việc cắt giảm toàn bộ hay phần lớn thuế quan giữa các nước tham gia hiệp định. Còn với những nước không tham gia thì hàng hóa xuất khẩu sẽ phải chịu một chế độ thuế quan đặc biệt. Từ những năm 1980 số các khu vực tự do thương mại trên thế giới đã gia tăng nhanh chóng, đến nay có thể gọi là thời kỳ chưa từng có của các “Đại FTA”. Vậy việc Nhật Bản và Trung Quốc cùng lúc bắt tay vào thúc đẩy FTA liệu có phải do theo đuổi trào lưu của thế giới, phải chăng với nguyên nhân trong khu vực chưa hề có liên kết kinh tế mà họ cảm thấy lo ngại sẽ “lạc hậu” so với EU và NAFTA?
Vốn dĩ Nhật Bản vẫn luôn trọng thị tự do hóa thương mại đa phương theo thông lệ của WTO, nhưng nay đã chuyển sang trục ngoại giao kinh tế bằng FTA. Trung Quốc trong thế kỷ 20 cũng đã dồn sức cho mục tiêu gia nhập WTO, thế nhưng hiện lại đôn đáo thực hiện chiến lược ký kết FTA với các nước lận cận.
Đương nhiên, FTA không chỉ mang hiệu quả kinh tế, mà về phương diện chính trị cũng có một ý nghĩa tượng trưng nhất định. Đối với Nhật Bản, việc tham gia  FTA có thể coi là động thái cần thiết để tránh khỏi bị cô lập và loại bỏ khỏi trào lưu của thế giới. Ngoài ra, những bắt buộc cắt giảm thuế quan thông qua FTA cũng có khả năng tạo nên bước đột phá trong cải cách các vấn đề nội địa như nông nghiệp, đồng thời lại là bước đi có tác dụng điều chỉnh ấn tượng về một nước Nhật Bản quá khép kín thị trường. Cả về mặt chiến lược ngoại giao, động thái này cũng có khả năng tạo lập một lực đối ứng với sự năng động của Trung Quốc.
Giả dụ một khu vực tự do thương mại khổng lồ ASEAN+Trung Quốc mà Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo trở thành hiện thực, thì cả về mặt chính trị cũng như kinh tế, Trung Quốc hầu như cầm chắc vị trí minh chủ của Châu Á. Nếu như vậy chắc chắn một trật tự Châu Á mới với Trung Quốc làm trung tâm sẽ được tạo dựng.
Nói chung, đối với sự thống nhất trong khu vực luôn cần thiết sự có mặt của một quốc gia làm hạt nhân, như trong trường hợp EU có Đức, Pháp và NAFTA có Mỹ. Thiếu đi ảnh hưởng của một quốc gia có sức mạnh áp đảo thì tác dụng của sự thống nhất cũng sẽ bị giảm thiểu.
Sau khi đã hoàn thành mục tiêu gia nhập WTO, quốc gia có quy mô chính trị khổng lồ Trung Quốc lại muốn cùng ASEAN thúc đẩy FTA, phải chăng là đang có ý đồ chính trị tạo lập một trật tự châu Á mới với vị trí hạt nhân?
Có quan điểm khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, chắc không hẳn Trung Quốc chỉ muốn truyền bá rộng rãi văn minh Trung Hoa, kế tục ý thức truyền thống “Hoa Di Tư tưởng” (Tư tưởng coi Trung Quốc là cao quý, lân bang là kém cỏi) trước kia, mà là nhằm khuếch trương một khu vực kinh tế “Đại Trung Hoa”. Quan điểm này xem ra khá hợp lý, bởi lẽ “Hoa Di Tư Tưởng” giờ đã đi vào quá khứ nên không cần thiết phải cường điệu hóa lên. Như vậy chỉ có thể giải thích về chiến lược của Trung Quốc thông qua suy luận rằng, ý thức Đại quốc đã được đánh thức cùng với năng lực kinh tế bùng phát và mong muốn tạo lập ảnh hưởng lâu dài trong khu vực!
2. Những bước tiến của ngoại giao kinh tế Trung Quốc
a) Toàn cầu hóa là một cơ hội vàng
Bước vào thập niên 1990, hoạt động ngoại giao kinh tế của Trung Quốc trở nên hết sức năng động với nhận định, toàn cầu hóa kinh tế thế giới chính là cơ hội ngàn năm có một đối với mục tiêu “Phú quốc Cường binh”, và Trung Quốc cần quyết tâm để cơ hội quý báu ấy không vuột khỏi tầm tay. Hơn nữa, đúng lúc này, kinh tế Nhật Bản trong một thời gian dài rơi vào suy thoái triền miên. Với Trung Quốc, hiếm có cơ may nào thuận lợi hơn để rút ngắn cách biệt đối với Nhật Bản, đồng thời cũng là thời cơ tuyệt vời để tạo dựng một trật tự kinh tế Châu Á mới. Vả lại, những động thái này của Trung Quốc đồng thời cũng mang ý nghĩa đối trọng với sự dịch chuyển chiến lược của Nhật Bản, từ quan điểm trọng thị WTO sang quan tâm tới FTA.
Theo một bộ phận trí thức Trung Quốc, sau thế kỷ thứ 19, chiến tranh Nhật Triều, chiến tranh Nhật Trung, sự đồng thuận của Nhật Bản với chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ sau chiến tranh thế giới lần thứ II đã phương hại nhiều đến sự hiện đại hóa của Trung Quốc. Ngay cả phe có quan điểm ôn hòa hơn cũng nhận thức rằng, sau thế kỷ thứ 19, Nhật Bản đã thích ứng tốt với những thách thức của toàn cầu hóa, nhưng Trung Quốc thì để tuột mất những cơ hội đã đến tầm tay. Theo họ, trong thế kỷ 19, khi đối mặt với toàn cầu hóa thì rõ ràng Nhật Bản đã thích ứng thành công hơn so với Trung Quốc.  Sau chiến tranh Thế giới lần thứ II, Nhật Bản không chỉ nắm bắt được những cơ hội trong Chiến tranh Lạnh (nổi loạn của Trung Quốc, chiến tranh Triều Tiên) mà còn nhanh chóng thoát khỏi bóng đen của đại chiến và vươn lên trở thành lá cờ đầu của Đông Á hiện đại. Hơn nữa,  giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên phương diện lịch sử đã có quan hệ cạnh tranh về kiến tạo. Một học giả hiện đại có uy tín của Trung Quốc còn ví: “Một núi không thể cùng tồn tại hai chúa” ([2]).
Như vậy từ sau thế kỷ 19, trong quá trình toàn cầu hóa, Trung Quốc đã có những cảm xúc phức tạp của một nước đánh mất cơ hội vàng với một nước đã nắm bắt được hồng vận là Nhật Bản. Vì vậy Trung Quốc càng thấm thía kinh nghiệm này, với động cơ từ bên trong là ổn định chính trị trong nước, cải thiện quan hệ với Mỹ để tận dụng tốt nhất hoàn cảnh hiện có.
Trên thực tế, từ năm 2000 trở đi, ngoại giao FTA của Trung Quốc đã tiến triển với hiệu suất khá bất ngờ. Năm 2000, Trung Quốc đề xuất kế hoạch hình thành một khu vực mậu dịch tự do cùng với ASEAN, năm 2001 tuyên bố bắt đầu đàm phán với mục đích xây dựng khu vực tự do thương mại với ASEAN trong vòng 10 năm. Trong năm 2002, Trung Quốc đã thống nhất một cơ cấu hợp tác kinh tế toàn diện với ASEAN, ngoài ra còn bắt đầu một cách thực chất FTA với Thái Lan. Năm 2003 Trung Quốc tham gia Điều ước hữu hảo Đông Nam Á, một điều ước cơ bản với ASEAN, và ký Hiệp định hợp tác kinh tế chặt chẽ (CEPA) với Hồng Công. Trong năm 2005 Trung Quốc cũng đặt mục tiêu ký kết FTA cả với Singapo, Ôxtrâylia và Niudilân.
b. Phản ứng của Nhật Bản trước FTA giữa Trung Quốc và ASEAN
Tháng 11/2001, Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất bắt đầu đầu đàm phán với mục đích thành lập FTA trong vòng 10 năm. Điều này đã gây nên một tâm lý lo ngại thực sự đối với Nhật Bản. Về phản ứng này của Nhật Bản, có thể diễn giải như sau: Thứ nhất là tâm lý cảnh giác rằng, liệu Trung Quốc có đang mang ý định tái thiết một trật tự kinh tế Châu Á mới hay không. Thứ hai là cảm giác khó chịu khi Trung Quốc đàm phán với ASEAN – một khu vực kinh tế mà Nhật Bản vẫn tin chắc là sân sau của mình – mà phớt lờ đi sự có mặt của Nhật Bản. Thứ ba là tâm lý bất an rằng Nhật Bản ngoài việc mất đi vị trí cờ đầu trong kinh tế Châu Á, thậm chí còn trở nên bị cô lập trong khu vực. Thứ tư là mối đe doạ trước năng lực sản xuất ngày càng phình đại của Trung Quốc. Và thứ năm là sự bất ngờ trước chiến lược ngoại giao sắc bén của Trung Quốc đồng thời với nỗi thất vọng về hiệu quả của chiến lược ngoại giao của Nhật Bản.
Liệu có phải ý đồ của Trung Quốc là loại bỏ Nhật Bản?
Với các nhà xây dựng chính sách Trung Quốc, quan điểm về Nhật Bản trên thực tế chia làm 2 phe. Phe thứ nhất cho rằng, không thể phủ nhận được thực lực kinh tế và kỹ thuật của Nhật Bản, và kết quả của một nỗ lực thống nhất khu vực mà không có Nhật Bản sẽ khó có thể đạt đến trình độ như EU hay NAFTA – tóm lại sự góp mặt của Nhật Bản là cần thiết. Nhưng phe thứ hai lại có lập trường trái ngược khi cho rằng, mô hình Nhật Bản trên phương diện kinh tế đến giờ đã hoàn tất mọi sứ mệnh lịch sử của mình, và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kết giao với một đối tác triển khai chậm chạp trong các chính sách như Nhật Bản là không cần thiết.
Một thực tế khó tin là hiện nay lập trường của phe thứ hai tại Trung Quốc xem ra lại có lực hơn. Về dư luận, theo báo Nikkei Shimbun ra ngày 22/6/2004, đối với câu hỏi thăm dò ý kiến: “Các nước - khu vực chúng ta cần tăng cường quan hệ trong tương lai”, thì câu trả lời của phía Nhật Bản là: Trung Quốc chiếm 43%, ASEAN chiếm 21%, Mỹ trên 19%. Thế nhưng cũng cùng câu hỏi này, phía người Trung Quốc đã đưa ra câu trả lời về đối tác quan trọng cần tăng cường quan hệ trong tương lai là: Mỹ chiếm 31% số người được hỏi, Nga 24%, ASEAN 23%, còn Nhật Bản chỉ vẻn vẹn có 4%. Nghĩa là trong quá trình quyết định chính sách của Trung Quốc sự tồn tại của Nhật Bản đang trở nên nhỏ bé.
Dĩ nhiên khi xem xét chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc cũng như của bất kỳ một quốc gia nào khác thì điểm không thể bỏ qua là bối cảnh triển khai chiến lược ngoại giao đó. Trước hết an ninh là một mệnh đề lớn. Phải chăng vì lý do đó mà Trung Quốc triển khai mục tiêu trung gian là tăng cường mở rộng tổng lực quốc gia với cách thức là FTA. Đối với Trung Quốc, FTA về bản chất không chỉ mang mục tiêu theo đuổi lợi ích kinh tế, mà còn vì mục tiêu an ninh, thúc đẩy quan hệ ngoại giao, nâng cao vị thế chính trị quốc tế... Theo nhận thức của chính Trung Quốc thì Trung Quốc có mối quan hệ không ổn định với Mỹ, với Ấn Độ, khúc mắc về Đài Loan. Thực tế, trên thế giới thì Trung Quốc cũng là nước có nhiều vấn đề phức tạp với các quốc gia giáp biên giới nhất. Vì thế, cùng với việc tăng cường sức mạnh kinh tế, Trung Quốc cũng không thể không tính đến an ninh quốc phòng. Và trước những chiến lược của Trung Quốc với ý thức minh chủ Châu Á như vậy  thì động thái từ phía Nhật Bản và ASEAN ra sao?
3. Chiến lược FTA của Nhật Bản
a. Thay đổi chiến lược thông thương
Trước bối cảnh ngoại giao kinh tế của Trung Quốc tại Châu Á đang tiến dài từng bước mạnh mẽ và dứt khoát thì Nhật Bản đã có những động thái nhất định. Từ sau thế kỷ 20 Nhật Bản về cơ bản luôn giương cao lá cờ ủng hộ hiệp định đa phương của WTO. Và về FTA, nếu xét trên một phương diện nào đó là một dạng phân biệt đối xử với các nước không tham gia hiệp định. Ngoài ra điều này cũng có nguy cơ dẫn đến kinh tế tập đoàn hóa. Phương châm trọng thị WTO của Nhật Bản về lý lẽ là chính đáng. Vậy thì sự chuyển hướng của Nhật Bản từ trọng thị WTO sang FTA như vậy có lý do từ đâu?
Trên thực tế, EU và NAFTA với kinh nghiệm trong đàm phán WTO sẽ có lợi khi chế định luật lệ ngoại thương trong thống nhất khu vực, sẽ càng phát huy được kinh nghiệm đàm phán FTA để nắm lấy vai trò chủ đạo. Nhật Bản không có kinh nghiệm về FTA, thế nên ngay cả trong việc xây dựng luật lệ thương mại mới chắc chắn cũng sẽ có nhiều mặt đi sau Châu Âu và Mỹ.
Cũng xuất phát từ vấn đề phân biệt đối xử với các nước không tham gia điều ước, trào lưu của thế giới là trọng thị những thành quả lớn trước mắt thu được từ sự tăng trưởng của ngoại thương và đầu tư  của các nước tham gia hiệp định. Hơn nữa về thực chất, FTA cũng dễ ký kết hơn các hiệp định đa quốc gia nên được đánh giá là tác nhân quan trọng để thúc đẩy tự do hóa thương mại theo xu hướng toàn cầu hóa. Trong sự biến đổi của trào lưu thế giới như vậy Nhật Bản cũng không thể nào tự cô lập mình. Sự thay đổi trong chiến lược thông thương này bắt đầu thể hiện từ khoảng năm 1998, khi được Bộ Thương mại Nhật Bản đưa ra trong văn bản nội bộ về chính sách chiến lược trong ngoại thương, theo đó chủ trương xây dựng FTA với Hàn Quốc, ASEAN và Mỹ.
b. FTA với Singapo và Mêhicô
Thành quả trước tiên của Nhật Bản chính là FTA với Singapo. Đối tượng của FTA lần này là cắt giảm thuế quan, tự do hóa tài chính bao gồm cả dịch vụ, điện tử hóa các thủ tục hải quan, hợp tác trên nhiều phương diện di chuyển nhân lực. Cả hai nước trong bối cảnh thúc đẩy FTA đều đã có đàm phán mậu dịch đa chiều.
Năm 1999, sau khi hội nghị cấp cao WTO được tổ chức tại Seatle, hoạt động ký kết hiệp định ngoại thương trên thế giới giữa hai quốc gia hay hoạt động ngoại thương khu vực bắt đầu tăng tốc. Theo lời thủ tướng Gôchôctông, Singapo lo ngại bị bỏ rơi ở khu vực Châu Á, đã đề xuất ký kết FTA với Nhật Bản. Phía Nhật Bản mặc dù lúc này vẫn chưa triển khai “quốc tế hóa đồng Yên” tại châu Á nhưng đã bắt tay vào thực hiện ngoại giao kinh tế Châu Á. Đối với Nhật Bản, do xuất khẩu nông nghiệp của Singapo cũng không lớn, nên có thể không mấy khó khăn dẹp yên những phê phán của các thế lực bảo hộ nông nghiệp trong nước, và đề xuất của Singapo lúc này đã gần như một chiếc phao cứu hộ. Hai nước trong chưa đầy một năm đã đạt được tốc độ đàm phán chưa từng thấy trong tiền lệ. Mặc dù hiệp định thương mại tự do giữa Nhật Bản và Singapo mang ý nghĩa tượng trưng lớn nhưng lợi ích thực sự lại không lớn lắm. Lý do là trước đó tổng kim ngạch ngoại thương giữa hai nước có mức thuế 0% đã lên đến 84%.
Việc Nhật Bản ký hiệp định với Singapo về nông sản đã tạo nên cảm giác mất tin tưởng với các nước ASEAN khác. Mục đích mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vào thị trường Nhật Bản của các nước này đã phải thất vọng trước những mức tiêu chuẩn quá cao của Nhật Bản. Tháng 7/2002 Nhật Bản và các nước ASEAN đã bắt đầu bàn thảo nhằm hướng tới một hiệp định tự do thương mại trong tương lai. Tuy nhiên Nhật Bản vẫn giữ quan điểm không thay đổi đối với một số nông sản nhiệt đới, điều này làm các nước ASEAN khác không mấy hài lòng. Về phía Thái Lan với đối tác đàm phán FTA thì họ còn ưu tiên Trung Quốc và Ấn Độ hơn là Nhật Bản.
Quá trình đàm phán ký kết FTA với Mêhicô chú trọng đàm phán thực chất bao gồm cả hàng nông sản cuối cùng cũng đã vượt qua các chướng ngại và đi đến thống nhất tháng 3/2004. Việc đàm phán sản phẩm nhập khẩu từ Mêhicô bao gồm nhiều nông sản như thịt lợn, rau, hoa quả… đã phải trải qua nhiều cuộc tranh cãi. Mùa thu năm 2003, Nhật Bản nhượng bộ về nhập khẩu thịt lợn và lẽ ra việc đàm phán đã kết thúc sớm nếu Mêhicô không đưa ra yêu cầu mở rộng thị trường cho sản phẩm nước cam ép của họ, và kết cục việc đàm phán phải tiến hành dứt điểm theo từng mặt hàng. Tuy nhiên Mêhicô vẫn chỉ ra rằng những yếu tố đàm phán nhằm ký kết FTA tự do hóa nhập khẩu nông sản sản phẩm nông nghiệp đối với Nhật Bản đã diễn ra theo thông lệ trên thế giới.
Giới công nghiệp Nhật Bản đã rất hy vọng việc ký kết FTA với Mêhicô kết thúc nhanh chóng. Lý do của điều này là sau khi thuế quan được bãi bỏ tại NAFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ hướng tới Mêhicô tăng mạnh. Nằm ngoài FTA nên sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải chịu mức thuế cao và trong cạnh tranh gặp nhiều bất lợi. ASEAN và Trung Quốc cũng đã rất chú ý tới quá trình đàm phán của Nhật Bản và Mêhicô. Họ xem trong đàm phán thái độ của Nhật Bản đối với vấn đề nông sản có thể cho thấy sự mềm dẻo đến đâu. Giả sử thái độ Nhật Bản quá quyết liệt, ASEAN sẽ mang một tâm lý e ngại sẽ nhất thời muốn hướng tới Trung Quốc. Và cuối cùng thì Nhật Bản cũng kết thúc đàm phán với đối tác hết sức khó khăn Mêhicô, tuy nhiên sau này liệu Nhật Bản cũng có nắm được những cơ hội tốt về FTA tại Châu Á hay không!
4. Chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc: cạnh tranh và điều chỉnh
a. “Những chiếc gai không thể lấy ra”
Sau khi hồi phục quốc giao vào năm 1972, quan hệ Nhật Bản Trung Quốc nhìn về đại cục tiến triển tương đối lạc quan và đa dạng. Đặc biệt quan hệ kinh tế cho đến gần đây phát triển khá suôn sẻ. Trao đổi thông tin và nhân lực giữa hai nước được mở rộng nhanh chóng. Cho đến nay Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chủ trương dựa trên sự tin cậy lẫn nhau cùng duy trì một quan hệ ổn định, hướng đến quan hệ tương hỗ cùng tồn tại trong tương lai. Nhưng tiếc là đó vẫn chỉ là triển vọng. Trong Asia Cup bóng đá mùa hè năm 2004 đã nổ ra phong trào chống Nhật sục sôi ở Trung Quốc khiến người ta phải nhận thức lần nữa về sự phức tạp trong quan hệ hai nước. Mặc dù nhìn đại cục mọi mặt vẫn tiến triển nhưng trên thực tế quan hệ Nhật – Trung có thể ví như đang có quá nhiều chiếc gai đâm sâu, nếu rút ra thì chảy máu mà giữ nguyên thì sưng đau nhức nhối([3]). Vài năm gần đây giữa hai bên nổi cộm lên nhiều vấn đề không thể đi đến một tiếng nói chung như vấn đề lịch sử, vấn đề sách giáo khoa, vấn đề Yasukuni… Trong bối cảnh dư luận trong nước của Nhật Bản trước sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc yêu cầu cần cắt giảm ODA cho nước này, rồi yêu cầu đối với đồng Nhân dân Tệ, việc phát động bảo hộ tạm thời của Nhật Bản, vấn đề nguồn tài nguyên trên biển Đông… đã gia tăng thêm nhiều bất đồng giữa hai bên.
Trước một Trung Quốc năng động và những đòi hỏi gắt gao của việc bảo hộ nông nghiệp trong nước, Nhật Bản nên có lối đi như thế nào. Cả hai vấn đề đã được tựu chung bằng một cơ chế bảo hộ, đó là cơ chế: Hạn chế nhập khẩu khẩn cấp tạm thời (Safe guard) gây nhiều tranh cãi của phía Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã phát động cơ chế “safe guard” tạm thời với một số mặt hàng đang từ Trung Quốc đổ vào Nhật Bản với số lượng ngày càng lớn như hành, thảo dược và tre tươi. Và để đáp lại Trung Quốc đã lập tức có biện pháp trả đũa khi áp dụng thuế đặc biệt với một số sản phẩm chủ chốt của Nhật Bản như xe hơi và điện thoại di động.
Về phương diện an ninh, Trung Quốc cũng không che dấu sự khó chịu trước Kế hoạch phòng thủ tên lửa (TMD) và phê phán việc “Tái định nghĩa quan hệ đồng minh” của Nhật Bản và Mỹ. Chỉ riêng có vấn đề Đài Loan là hai bên vẫn lặp lại nguyên tắc coi đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Về phương diện kinh tế, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, chắc hẳn từ hợp tác cùng phát triển nhiều cục diện ở hai bên sẽ trở thành cạnh tranh. Nhất là trong thời đại FTA của thế giới, quan hệ Nhật - Trung cũng càng lúc càng nóng bỏng với vấn đề xác định vị trí minh chủ trong trật tự Châu Á mới.
Tuy nhiên, dù phải ôm trong lòng những chiếc gai sắc nhọn nhưng không ai có can đảm rút ra, và Nhật Bản với Trung Quốc cũng không có sự lựa chọn nào khác hơn là cùng nhau tồn tại. Một FTA Đại Châu Á được thiết lập có đủ sự góp mặt của cả Nhật Bản và Trung Quốc sẽ mang lại thuận lợi cho tất cả các thành viên. Cả trong vấn đề an ninh, việc ngăn chặn vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, xây dựng sự ổn định của khu vực Đông Bắc Á thì sự điều chỉnh của Nhật Bản và Trung Quốc cũng hết sức cần thiết. Đặc biệt trong đàm phán 6 bên về CHDCND Triều Tiên cũng như việc bình thường hóa Nhật – Hàn không thể thiếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngay cả vấn đề ngoại giao mới của Nhật Bản là nguyện vọng trở thành Uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng không thể thiếu sự ủng hộ của Trung Quốc.
Để điều chỉnh quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, cần thiết phải có sự kiểm soát bằng cách vừa thừa nhận những khác biệt, vừa tìm kiếm những điểm chung, vừa chấp nhận sự đối lập vừa tối thiểu hóa những đối lập đó.
Hiện tại Trung Quốc dường như đang mang tư tưởng đặc hữu của một quốc gia đang trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng sung mãn, đó là niềm tự hào muốn thay đổi trật tự đã được tồn tại trước kia, tạm thời để lấn át tâm lý thận trọng và bằng mọi giá muốn hành động quyết liệt. Thực tế này nước Đức và Nhật Bản đã từng trải qua trong nửa đầu của thế kỷ 20. Trung Quốc cũng đã từng bị dư luận quốc tế phẫn nộ vì sự kiện quảng trường Thiên An Môn, vào năm 1996 với sự kiện tên lửa Đài Loan lại một lần nữa bị lên án. Tuy nhiên Trung Quốc cũng đã tỏ ra kiên trì khi tiến hành đàm phán WTO, biểu lộ quyết tâm tham gia này dù phải chịu nhiều sức ép bất lợi. Điều này chứng tỏ khả năng của Trung Quốc có thể tự kiềm chế trước ý định tham gia vào luật lệ quốc tế. Và Trung Quốc, vì lợi ích chung có thể tự kiềm chế đến mức nào cũng là yếu tố rất quan trọng quyết định sự ổn định của Châu Á.
b. Hướng tới một FTA “Đại Châu Á”
Đối với những biến đổi trong chiến lược ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản đã thể hiện một số quan điểm chiến lược cơ bản. Đặc biệt về vấn đề mang tính chính trị như bảo hộ nông nghiệp và đàm phán FTA, Nhật Bản đã ý thức rằng cơ quan chức năng đa nguyên hóa là nguyên nhân, và đường lối ngoại giao kinh tế không rõ phương hướng của Nhật Bản sẽ dễ làm cho đối tác đàm phán mất lòng tin. Vì vậy Nhật Bản cho rằng càng sớm càng tốt phải có được một ngoại giao kinh tế nhất nguyên hóa. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bỏ đi kết cấu chức năng vốn có, mà vấn đề là sự quyết đoán. Đặc trưng của ngoại giao FTA Trung Quốc là tốc độ. Trung Quốc dù phải đè nén tâm lý bất mãn của nông dân trong nước thì cũng quyết tâm giải phóng bằng được thị trường nông sản nội địa. Dĩ nhiên sự khác nhau về thể chế chính trị không thể cho phép Nhật Bản làm điều giống như vậy. Tuy nhiên Nhật Bản cũng không thể buông xuôi. Dù không thể nào xem nhẹ lợi ích của người sản xuất nông nghiệp trong nước nhưng nếu quá coi trọng lợi ích cá nhân sẽ xảy ra tình trạng để mất lợi ích to lớn của quốc gia. Nếu cần sự bảo hộ với người sản xuất nông nghiệp thì đó có thể là chính sách viện trợ cho chuyển đổi nghề nghiệp…, để đi đến được một quyết đoán về chính trị, bởi bảo hộ nếu không tính đến các vấn đề quốc tế sẽ tạo ra chiến lược ngoại giao thiếu hiệu quả.
Nhật Bản nên đối phó với chiến lược của Trung Quốc như thế nào? Nhật Bản chắc chắn cần đối ứng một cách tích cực trong quan hệ ngoại giao kinh tế đối với Trung Quốc. Tuy nhiên đối ứng không có nghĩa là đẩy sâu thêm sự đối lập, mà đó là cách thức để xây dựng quan hệ tương hỗ cùng có lợi. Ngoài ra một sự cạnh tranh tích cực cũng có thể kích thích quá trình thống nhất, gia tốc dòng chảy của hội nhập.
Đương nhiên, Nhật Bản cũng mong muốn nhanh chóng ký kết FTA với Hàn Quốc. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước cùng ở xa trung tâm Châu Á, không nằm trong khu vực ảnh hưởng Trung Hoa, nếu lơ là về các nỗ lực chính sách cũng đều có nguy cơ bị cô lập ở Châu Á. Về dư luận của Hàn Quốc đối với FTA không hoàn toàn đáng lạc quan, nhưng Nhật Bản cần tiếp tục tiếp cận một cách kiên nhẫn.
Hiện tại, cả Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc mỗi nước đều đang xúc tiến một FTA riêng rẽ với ASEAN. Đặc biệt Hàn Quốc định về đích trước cả Nhật Bản và Trung Quốc khi có kế hoạch ký kết FTA với ASEAN vào năm 2009. Tuy nhiên, 3 mô hình ASEAN+1 tồn tại song song không mong có một hiệu quả tốt đẹp, nếu như không nói là sẽ làm cho quan hệ càng thêm rối ren. Sẽ là ưu việt nhất nếu Hàn Quốc và Nhật Bản ký FTA trước, rồi sau đó khi đã hình thành mô hình ASEAN+2, nhiều khả năng là Trung Quốc cũng sẽ phải hòa mình trong dòng chảy đó!
Xét về đại cục, một mô hình liên kết khu vực tại Đông Á, dù còn xa xôi, nhưng rõ ràng đã là một xu hướng đang trở nên hiện thực hoá. Thế nên tất yếu, từ những bước khởi đầu của một quá trình lâu dài và nhiều thách thức, sự đối lập trong quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc sẽ giống như một thành trì bằng đá tảng khó có thể vượt qua. Việc Nhật Bản và Trung Quốc có thể suy xét điều chỉnh vì những lợi ích kinh tế chung hay không, cũng chính là nhân tố tiên quyết để mục tiêu to lớn liên kết khu vực–một đồng tiền chung–một Cộng đồng Đông Á trong tương lai trở thành hiện thực.

ĐỖ THỊ ÁNH
(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kỷ yếu hội thảo: “Hướng tới Cộng đồng Đông Á - Thách thức và Triển vọng”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Asian Research Institute, Osaka University of Economy and Law, Center for East Asian Studies – Beijing University, 9/2006
2. Takahashi Katsuhide “Thống nhất Đông Á với ngoại giao kinh tế Nhật Bản”, Đại học Kobe, 2005
3. Cơ quan Nghiên cứu Đông Á tại Nhật Bản, Vai trò của Nhật Bản với tiến trình liên kết Đông Á, 2005
4. Bộ ngoại giao Nhật Bản, Sách trắng ngoại giao,  2004, 2005, 2006.
5. Nikkei Shimbun 6/20004, 9/2005, các Website


([1]) Xem Takahashi Katsuhide :“Thống nhất Đông Á với ngoại giao kinh tế Nhật Bản”, Đại học Kobe, 2005.
([2]) PGS. Vương Dũng, Học viện Quan hệ quốc tế, trường Đại học Bắc Kinh
([3]) Takahashi Katsuhide: “Thống nhất Đông Á với ngoại giao kinh tế Nhật Bản”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét