Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

BÀN VỀ SỨC MẠNH CỦA TRUNG QUỐC


BÀN VỀ SỨC MẠNH CỦA TRUNG QUỐC




Khi nói đến sức mạnh của Trung Quốc người ta thường đề cập tới hai nội dung chủ yếu, sức mạnh cứng (hard power) và sức mạnh mềm (soft power) hay còn gọi là sức mạnh quân sự, tiềm lực kinh tế và sức mạnh vô hình.
Sức mạnh cứng là thứ có thể đo đếm được. Đó chính là sức mạnh quân sự và kinh tế. Kinh nghiệm lịch sử trong hai thế kỷ gần đây của Trung Quốc chỉ ra rằng, nếu thiếu hoặc yếu khả năng quân sự và kinh tế thì vai trò của họ sẽ bị suy giảm và những mục tiêu trong chính sách đối ngoại sẽ không thực hiện được. Người ta còn nhớ sự yếu kém về mảng sức mạnh cứng của người Trung Quốc trong thế kỷ XIX là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thất bại trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương và buộc họ phải nhường một phần lãnh thổ của mình cho các đế quốc phương Tây và thất bại trong cuộc chiến tranh với Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Với những thất bại này, mục tiêu toàn vẹn chủ quyền quốc gia của người Trung Quốc đã không đạt được. Và từ cuối thế kỷ XX cho tới nay, người Trung Quốc đang muốn xác lập lại mục tiêu này. Trong một chừng mực nào đó, họ đã đạt tới; bằng chứng là Hồng Kông đã trở lại với Trung Quốc từ năm 1997.
1. Sức mạnh quân sự
Chúng ta trở lại với sức mạnh cứng của người Trung Quốc. Trước hết là sức mạnh quân sự. Trung Quốc được coi là một trong những cường quốc quân sự chủ yếu của thế giới. Cho dù cho đến nay chưa ai có số liệu chính thức về ngân sách quốc phòng chính thức của nước này từ các nhà hoạch định chính sách quân sự của Trung Quốc. Đây là chỉ số đầu tiên và căn bản nhất cần phải nhận biết khi đề cập tới sức mạnh quân sự của một quốc gia. Theo dự báo của một số nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapo thì ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2004 là 62,5 tỷ đô la và chiếm tới 3,9% GDP. Như vậy, Trung Quốc xếp thứ 3 trên thế giới về ngân sách quốc phòng chỉ sau Hoa Kỳ và Nga, cao hơn cả Pháp, Nhật Bản, Anh và Đức([1]). Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đang gia tăng, chẳng hạn năm 2007 chính phủ nước này thông báo sẽ tăng 17,8% ngân sách  quốc phòng([2]); người ta dự tính là ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Theo cách lý giải của người Trung Quốc, ngân sách quốc phòng gia tăng là nhằm hiện đại hóa lại lực lượng quân đội của họ. Như chúng ta biết, học thuyết quân sự của Trung Quốc đã thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau; thời Mao họ nhấn mạnh tới việc áp dụng “chiến tranh nhân dân” trong trường hợp Trung Quốc bị tấn công; còn dưới thời Đặng, học thuyết quân sự được áp dụng là “chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại” điều này cũng có nghĩa là quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phải được trang bị các loại vũ khí  hiện đại; còn từ những năm 1990 trở lại đây, học thuyết quân sự của nước này chuyển sang “chiến tranh hạn chế trong điều kiện công nghệ cao”([3]). Người ta nói, dường như Trung Quốc đang cố gắng học bài học kinh nghiệm của người Mỹ từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, ở đó cuộc chiến tranh diễn ra trong một thời gian ngắn và các loại vũ khí hiện đại được người Mỹ sử dụng khá phổ biến. Điều này có nghĩa là người Trung Quốc muốn trang bị cho quân đội của mình các loại vũ khí hiện đại.
Sự chuyển đổi này trong học thuyết quân sự của Trung Quốc được phản ánh trong những thay đổi về cơ cấu lực lượng quân sự. Thống kê quân sự của nước này cho thấy, về phương diện truyền thống họ coi trọng bộ binh. Cho đến nay, bộ binh vẫn là lực lượng chủ yếu của quân đội nhưng đã giảm quy mô. Từ 1985 đến 2005 số lượng binh sỹ đã giảm từ 3,9 triệu xuống còn 2,3 triệu. Và gần đây người ta nói, lục quân chỉ còn 1,6 triệu và 250.000 hải quân, 400.000 lính không quân. Quân đội Trung Quốc có 8.580 xe tăng và 4.500 các loại phương tiện chiến đấu khác.
Hiện đại hóa không chỉ là cung cấp các phương tiện kỹ thuật và vũ khí tối tân cho lục quân mà còn là tìm cách cải thiện khả năng chiến đấu của hải quân và không quân. Trung Quốc không có hải quân phản ứng nhanh (lính thủy đánh bộ hoạt động ở vùng biển xa, gọi là blue water navy). Họ chỉ có lực lượng hải quân thông thường (green water navy), khả năng chiến đấu hạn chế. Trung Quốc cũng đang tìm cách cải thiện khả năng phản ứng nhanh của lực lượng này bằng cách tăng cường mua sắm các loại phương tiện hiện đại, đặc biệt là các loại máy bay chiến đấu và các tàu khu trục của Nga. Việc hiện đại hóa hải quân và không quân của Trung Quốc, theo họ nói là nhằm nâng cao khả năng phòng thủ chứ không nhằm đe doạ ai, bởi họ theo đuổi “con đường phát triển trong hòa bình”. Tuy nhiên, những động thái của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là nâng cao khả năng chiến đấu cho lực lượng hải quân đã làm cho không ít các quốc gia láng giềng lo ngại, nhất là những nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Một yếu tố nữa nói lên sức mạnh quân sự của Trung Quốc đó là việc nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Trung Quốc tuyên bố có vũ khí hạt nhân từ năm 1964. Theo số liệu người ta công bố năm 2005, Trung Quốc có 46 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, 35 tên lửa đạn đạo tầm trung và 725 tên lửa đạn đạo tầm ngắn([4]). Trung Quốc tuyên bố rằng họ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để phòng vệ và không phải là người sử dụng đầu tiên. Tuy nhiên, việc nước này có vũ khí hạt nhân cộng với tình hình phức tạp trên Bán đảo Triều Tiên làm cho nhiều quốc gia lo ngại về nguy cơ của những cuộc chạy đua hạt nhân mới ở khu vực Đông Bắc Á. Người ta đặt câu hỏi rằng, nếu vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không được giải quyết, Nhật Bản cũng phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ thì điều gì sẽ xảy ra đối với an ninh của Đông Bắc Á nói riêng và của cả Đông Á nói chung?
Như vậy có thể nói rằng Trung Quốc là một cường quốc quân sự và điều này tạo cơ sở cho Trung Quốc thực hiện các mục tiêu chiến lược như đã nói ở trên.
2. Tiềm lực kinh tế
Sau đây chúng ta đề cập tới một khía cạnh nữa của “sức mạnh cứng” Trung Quốc. Đó là tiềm lực kinh tế của nước này. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tiềm lực kinh tế của một quốc gia được phản ánh chủ yếu thông qua chỉ số GDP. Theo thống kê chính thức, năm 2004 GDP của Trung Quốc đạt 1,68 nghìn tỷ đô la. Cũng chỉ số này của Mỹ là 11,7; của Nhật là 4,66; của Cộng hòa Liên bang Đức là 2,16; của Anh là 2,13; Pháp 2,0 và Nga 1,4 (đơn vị nghìn tỷ đô la)([5]). Tuy nhiên, Trung Quốc là một nước đông dân số nên GDP/người đạt 1293 US$, đây là mức thấp nhất so với các cường quốc kể trên.
Xét ở phương diện cơ cấu kinh tế, đây là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ cấu này tạo cho Trung Quốc nhiều lợi thế như các  cường quốc khác. Đương nhiên nước này còn có một lợi thế khác đó là lao động rẻ và đến lượt nó Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhất là về các loại hàng dệt may, đồ chơi, hàng điện máy và các loại hàng hóa thông dụng khác. Trong gần hai thập niên qua sự phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu ở Trung Quốc tập trung ở khu vực tư nhân và các tỉnh duyên hải bởi vậy tình hình phát triển ở khu vực này khả quan hơn. Năng suất lao động cao hơn, nhiều việc làm mới được tạo ra và thu nhập của người lao động cũng gia tăng đáng kể. Trong khi đó các tỉnh miền tây và các vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục gia tăng và khu vực kinh tế nhà nước cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Cho dù khu vực này đã bị thu hẹp phần nào do tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, nhà nước dành một số ưu đãi song trang thiết bị vẫn chưa được hiện đại hóa cho nên năng suất lao động vẫn không được cải thiện bao nhiêu, thậm chí một số doanh nghiệp vẫn bị thua lỗ trong kinh doanh.
Nhìn chung, Trung Quốc vẫn chưa có một nền kinh tế được trang bị các công nghệ cao hay như người ta nói chưa có một nền kinh tế tri thức. Đây cũng là một bất lợi của Trung Quốc trong tương quan so sánh với các cường quốc kể trên, cho dù nước này đã thu hút được một lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài khá lớn trong hơn hai thập niên vừa qua.
Thực tế cho thấy, FDI tại Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng tương đối cao; luồng đầu tư đến từ Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản được coi là quan trọng nhất. Như chúng ta biết, sự dính líu của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới đã diễn ra cách đây nhiều thập kỷ, đặc biệt là khi nước này trở thành thành viên của IMF, WB (năm 1980) và WTO (2001).

Bảng: Các chỉ số kinh tế chủ yếu của Trung Quốc 2002-06
Đơn vị tính: Tỉ đô la Mỹ và %
Chỉ số chủ yếu
2002
2003
2004
2005
2006
GDP
12033,3
13582,3
15987,8
18308,5
20940,7
Tăng trưởng thực tế
9,1
10,0
10,1
10,2
10,7
Chỉ số giá tiêu dùng
-0,8
1,2
3,9
1,8
1,5
Thương mại quốc tế
620,8
851,0
1154,6
1421,9
1760,7
(%)
21,8
37,1
35,7
23,2
23,8
Xuất khẩu
325,6
438,2
593,3
762,0
969,1
(%)
22,4
34,6
35,4
28,4
27,2
Nhập khẩu
295,2
412,8
561,2
660,0
791,6
(%)
21,2
39,8
36,0
17,6
20,0
Giá trị sản lượng công nghiệp
3299,5
4199,0
5,480.5
7218,7
NA
(%)
16,5
27,3
30,5
31,7
16,6
Đầu tư tài sản cố định
4350,0
5556,7
7047,7
8877,4
10987,0
(%)
16,9
27,7
26,8
26,0
23,8
Bán lẻ
4813,6
5251.6
5950,1
6717.7
7641,0
(%)
11,8
9,1
13,3
12,9
13,7
Thu nhập/người của cư dân đô thị
7702,8
8472.2
9421,6
10493.0
11759,0
(%)
12,3
10,0
11,2
11,4
12,1
Thu nhập/người của cư dân nông thôn
2475,6
2622.2
2936,4
3254,9
3587,0
(%)
4,6
5,9
12,0
10,8
10,2
Tỉ lệ thất nghiệp
4
4,3
4,2
4,2
4,1
Nguồn: PRC National Bureau of Statistics (NBS), China Statistical Yearbook 2006; NBS website; USCBC

Các đối tác mậu dịch chính của Trung Quốc bao gồm Mỹ (21,1%), Hồng Kông (17,0%), Nhật Bản (12,4%), Hàn Quốc (4,7%). Đó là về xuất khẩu; còn nhập khẩu các đối tác chính là Nhật Bản (16,8%), Đài Loan (11,5%), Hàn Quốc (11,1%), Mỹ (8,0%)([6]).
Khi đánh giá về tiềm lực kinh tế của Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc kinh tế thực sự, trở thành đối thủ cạnh tranh với các
thế lực chính của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ  trong vòng một, hai thập niên tới. Cơ sở của nhận định này chính là việc xem xét tương quan so sánh tiềm lực kinh tế cũng như cơ chế kinh tế, những lợi thế kinh tế của Trung Quốc với các cường quốc đã nói ở trên.
3. Sức mạnh vô hình
“Sức mạnh mềm” hay người ta còn gọi đó là sức mạnh vô hình của người Trung Quốc. Sức mạnh vô hình của nước này thể hiện trên các khía cạnh sau đây,
Thứ nhất là sự ổn định chính trị, xã hội. Người Trung Quốc tự hào rằng cơ chế chính trị đổi mới của họ tạo cho đất nước rộng lớn này phát triển ổn định. Đây là điều khó giải thích đối với nhiều học giả nước ngoài, bởi nước này thực thi hệ thống chính trị nhất nguyên, quản lý Hồng Kông theo cơ chế “một đất nước hai chế độ”, thế nhưng tình hình vẫn ổn định và đất nước này tiếp tục phát triển. Cũng có người dự báo, với cơ chế “một nước hai chế độ” và với một quy mô rộng lớn như vậy thì nguy cơ của bất ổn định sẽ là điều khó tránh khỏi đối với nước này trong một, hai thập kỷ tới. Đây cũng là điều rất đặc biệt diễn ra trong thời đại ngày nay bởi ở Trung Quốc, tình hình chính trị, xã hội vận động theo xu hướng hướng tâm, trong khi đó ở Nga và nhiều nước khác tình hình lại vận động theo xu hướng ly tâm. Dẫu sao thì cho đến thời điểm này những lợi thế về ổn định chính trị xã hội vẫn là một thực tế của Trung Quốc.
Thứ hai, những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cũng được coi là một lợi thế tạo nên sức mạnh vô hình của người Trung Quốc trong suốt mấy thế kỷ qua. Lịch sử cho thấy, văn hóa Trung Quốc hay còn gọi là văn minh Trung Hoa đã có ảnh hưởng sâu rộng tới một số nước ở khu vực Đông Á, nhất là ở Việt Nam, Bán đảo Triều Tiên và cả Nhật Bản. Và ngày nay với hơn 30 triệu người Hoa sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, văn hóa Trung Hoa được những người này tiếp sức cộng với những ảnh hưởng hữu hình của hàng hóa “made in China” được bán rộng rãi ở nhiều quốc gia, tiếp tục gia tăng ảnh hưởng. Rõ ràng văn hóa Trung Hoa có tầm ảnh hưởng không chỉ ở khu vực Đông Á mà còn cả trên phạm vi thế giới.
Như vậy có thể nói, Trung Quốc là một thế lực đang nổi lên mà cơ sở của nó chính là sự liên kết giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, hay nói chính xác hơn, đó là sự kết gắn giữa sức mạnh hữu hình và sức mạnh vô hình. Ở đây sức mạnh hữu hình giữ vai trò chi phối và điều này tạo cơ sở thực tiễn cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sức mạnh vô hình của Trung Quốc chỉ giữ vai trò hỗ trợ. Tuy nhiên đây cũng là một thế mạnh riêng của người Trung Quốc.

NGÔ XUÂN BÌNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Zhang Yunling, Emerrging New East Asian Relationlism.
2. Melissa G. Curley and Nicholas Thomas (eds.), (2007). Advancing East Asian Regionalism. London, New York, Rouled
3. Oded Shenka, (2006), The Chinese Centery: The Rising Chinese Economy and Its Impart on the Global Economy, the Balance of Power and Your Job, Upper Saddle River, N.J.: Wharton School Pub.,.
4. Nicholas Tarling, (2006), Regionalism in Southeast Asia: to Forter the Political Will, New York Routlege.
5. Suisheng Zhao, (ed.,), (2004), Chinese Foreign Policy: Pragmatism and Strategic Behavior, Armonk, N.Y.: M.E. Sharpe.
6. Kokubun Ryosei and Wang Jisi, (eds.,), (2004), The Rise of China and a Changing East Asia Order, Tokyo: Japan Center for International Exchange.
7. Maharajakrishna Rasgotra, (ed.,), (2007), The New Asian Power Dynamic, New Delhi: Oberver Research Foudation.
8. Frances McCall Rosenbluth, (ed.,), (2007), The Political Economy of Japan’s Low Fertility, Stanford, Calif.: Stanford University Press.
9. Edward Friedman and Sung Chull Kim, (eds.,), (2006), Regional Cooperation and Its Enemies in Northeast Asia: the Impact of Domestic Forces, New York: Routledge.
10. Shale Horowitz, Uk Heo, Alexader C. Tan, (eds.,), (2007), Identity and Change in East Asian Conflicts: the Cases of China, Taiwan, and the Koreas, New York; Palgrave Macmillan.


([1]) The Military Balance 2005-2006, p270
([2]) Theo BBC ngày 7/3/2007.
([3]) Shambaugh, Moderlazing China’s Military, p.222.
([4]) The Military Balance 2005-2006, p.270.
([5]) Derek McDougall, (2007), Asia Pacific in World Politi, Lynn Rienner Publishers, Inc, p.62
([6]) Derek McDougall, (2007). Asia Pacific in World Politics. Lynn Rienner Publishers, Inc, p.63

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét