Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

SỰ TIẾP XÚC GIAO LƯU VĂN HOÁ VIỆT NAM – HÀN QUỐC THỜI TRUNG ĐẠI: NHỮNG THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU MỚI


SỰ TIẾP XÚC GIAO LƯU VĂN HOÁ VIỆT NAM – HÀN QUỐC THỜI TRUNG ĐẠI: NHỮNG THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU MỚI





I. Người Việt Nam đến Hàn Quốc
1. Hoàng tử Lý Dương Côn đến Hàn Quốc
Cuối năm 1994, Giáo sư Pyon Hong Kee (Phiến Hoằng Cơ) - một chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu tộc phả Hàn Quốc đã sang Việt Nam và công bố kết quả nghiên cứu của mình về sự kiện Lý Dương Côn sang Hàn Quốc vào thế kỷ XII.
Căn cứ vào Tinh Thiện Lý thị tộc phả hiện đang được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Seoul và một số chi họ Lý ở Hàn Quốc, Giáo sư cho biết, Lý Dương Côn là con trai thứ ba của vua Lý Nhân Tông, rời bỏ nước ra đi để "tránh quốc loạn", đến Hàn Quốc vào thế kỷ XII, sinh cơ lập nghiệp cùng với dân bản địa. Đặc biệt, đến đời thứ 6 có Lý Nghĩa Mẫn, từng có nhiều công lao trong thời kỳ võ quan nắm quyền, thăng chức cao nhất trong triều, quyền hành gần như Tể tướng, đứng đầu chính quyền Cao Ly trong 6 năm (1190 - 1196). Công lao, chức tước của Lý Nghĩa Mẫn ghi trong tộc phả khớp với Cao Ly sử và Lý Nghĩa Mẫn trở thành nhân vật lịch sử Hàn Quốc.
Giáo sư Pyon đã trao lại cho Giáo sư Phan Huy Lê những tư liệu mà ông thu thập được ở Hàn Quốc để hai bên tiếp tục nghiên cứu so sánh đối chiếu.
Cuối năm 2007, nhân kỷ niệm 15 quan hệ Việt - Hàn, tại Hội thảo quốc tế quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc ở khách sạn Daewoo, Hà Nội, Giáo sư Phan Huy Lê đã công bố kết quả nghiên cứu của mình. Giáo sư cho biết, hoàn toàn không tìm thấy tư liệu trực tiếp trong sử liệu Việt Nam và Lý Dương Côn nếu là con vua Lý Càn Đức thì chỉ có thể là con nuôi. Giáo sư lập luận rằng, việc chính sử chép thiếu tên hay thậm chí chép sai về một số nhân vật và sự kiện lịch sử, kể cả các Hoàng tử con vua cũng là việc bình thường, có thể chứng minh bằng nhiều dẫn chứng khi phân tích chính sử và đối chiếu với những tư liệu đáng tin cậy trong văn bia, gia phả... Hơn nữa, những bộ sử chép về vương triều Lý còn lại đến nay đều biên soạn từ đời Trần về sau, việc ghi chép sơ lược và có nhiều thiếu sót. Từ đó, Giáo sư căn cứ vào gia phả dòng họ Lý Tinh Thiện, so sánh đối chiếu với lịch sử Việt Nam giai đoạn Lý Nhân Tông truyền ngôi cùng những vấn đề liên quan rồi nêu ý kiến xác nhận Lý Dương Côn là một Hoàng tử con nuôi của vua Lý Nhân Tông, thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Lý. Giáo sư còn khảo cứu hoàn cảnh ra đi của Lý Dương Côn rồi nêu một suy đoán, một giả thuyết rằng, Lý Dương Côn có can dự vào những mối quan hệ cung đình phức tạp trong việc nối ngôi nên sau khi Lý Dương Hoán lên ngôi thì Lý Dương Côn tìm đường ra đi để "tránh quốc loạn". Kết luận cuối cùng, Giáo sư viết: "Qua tư liệu gia phả, dòng họ Lý gốc Việt ở Tinh Thiện đã hội nhập vào cuộc sống và văn hoá Hàn Quốc, có những cống hiến qua các thời kỳ lịch sử của Hàn Quốc".
Trong lịch sử Việt Nam, có một câu chuyện khá rõ nét là triều đại mới đã xoá bỏ hình ảnh của triều đại cũ, tiêu biểu là triều Trần đối với triều Lý và triều Nguyễn đối với Tây Sơn. Triều Trần sau khi thay nhà Lý còn bắt tất cả con cháu dòng họ Lý phải đổi họ sang họ Nguyễn. Bởi thế, chúng tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê cho biết "những bộ sử chép về vương triều Lý còn lại đến nay đều biên soạn từ đời Trần về sau, việc ghi chép sơ lược và có nhiều thiếu sót." Giáo sư nêu ra nhận định trên là xuất phát từ nhiều cơ sở, khảo cứu nhiều tư liệu, song, điều mà chúng tôi nêu trên có ý nghĩa chiến lược, mang ý nghĩa chỉ đạo cho triều đại mới trong các vấn đề chính trị, văn hoá và lịch sử. Chúng tôi cũng tán đồng ý kiến cho rằng cần gạn lọc "những tư liệu đáng tin cậy trong văn bia, gia phả...". Ngay từ đầu năm 1994, tức mới hơn một năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng tôi đã có dịp sang Hàn Quốc học tập, nghiên cứu và đã tiếp cận với con cháu dòng họ Lý Tinh Thiện và Lý Hoa Sơn. Mỗi lần tiếp xúc, điều khiến tôi xúc động là họ rất tự hào mình là con rồng cháu tiên, là người gốc Việt. Bộ gia phả mà họ lưu giữ mấy trăm năm cùng con người thực, tấm lòng người Việt muốn được xác nhận là người gốc Việt thực đáng trân trọng. Việc công bố kết quả nghiên cứu của Giáo sư Pyon và Giáo sư Phan không chỉ làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử mà còn chứng minh rằng sự tiếp xúc văn hoá Việt - Hàn được bắt đầu từ thế kỷ XII.
2. Hoàng tử Lý Long Tường đến Hàn Quốc
Tuy về cơ bản, việc xác nhận dòng họ Lý Hoa Sơn là dòng họ Lý gốc Việt cũng trên cơ sở gia phả của dòng họ này, nhưng tư liệu lịch sử ở Hàn Quốc viết về Lý Long Tường còn lưu giữ được phong phú hơn nhiều như cuốnHoa Sơn Quân bản truyện, Thụ hàng môn, Bia kỷ tích... nên việc công bố kết quả nghiên cứu về Lý Long Tường sớm hơn nhiều so với Lý Dương Côn. Bởi thế, cho đến nay, sự kiện Lý Long Tường đến Hàn Quốc thường được nêu ra như sự mở đầu cho quan hệ Việt - Hàn trong lịch sử.
Cuốn sách Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hoá Việt Triều trong lịch sử do Hội khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1997 tại Hà Nội in một loạt bài nghiên cứu về Lý Long Tường như Họ Lý gốc Việt Nam ở Hàn Quốc của Phan Huy Lê; Cháu 22 đời vua Lý Anh Tông hiện ở Cao Ly của Sở Cuồng; Sự tích về một người Việt Nam có công lớn đánh quân Mông Cổ trên đất Triều Tiên của Nguyễn Quang Ân... Ngoài ra, còn có Bài văn bia ghi sự tích Thụ hàng môn do cụ Trần Văn Giáp dịch; Hoa Sơn Quân bản truyện do Giáo sư Nguyễn Tá Nhí dịch... Tư liệu trong đó thống nhất xác định rằng Lý Long Tường là Hoàng tử con thứ của vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), em vua Lý Cao Tông (1176 - 1210), chú vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224) đã đem đồ thờ của tổ tông cùng thuộc hạ vượt biển vào năm 1226 để tránh hiểm hoạ từ phía nhà Trần, do thuyền trôi dạt nên đã đến huyện Ung Tân, Cao Ly. Ông được vua Cao Ly ưu ái, ban cho đất cư trú. Từ đó, ông và con cháu họ Lý hoà nhập vào cuộc sống với nhân dân trong vùng, được mọi người quý mến. Quân Mông Cổ xâm chiếm Cao Ly, vào năm thứ 40 đời vua Cao Tông, tức năm Quý Sửu (1253), Lý Long Tường đã lập công lớn đánh bại quân xâm lược. Vua Cao Ly rất khen ngợi, sai đổi tên Trấn Sơn làm Hoa Sơn, phong cho ông tước Hoa Sơn Quân, ban thêm đất 30 dặm vuông, nhân khẩu của 20 hộ làm thực ấp, sai dựng Thụ hàng môn, lập bia kỷ tích. Sau đó, Lý Long Tường mở trường dạy học giáo hoá nhân dân trong vùng, có công xây dựng lại nề nếp học hành.
Khác với Lý Dương Côn, lý do ra đi của Lý Long Tường được xác định rõ ràng. Vào cuối thời Lý, thế lực họ Trần lớn mạnh, quyền hành trong triều nằm trong tay Trần Thủ Độ và nhà Trần thay nhà Lý với sự chuyển ngôi "yên ả" của công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) cho nhà Trần. Sau khi phế bỏ triều Lý, lập triều Trần (1226 - 1400), Trần Thủ Độ muốn lòng dân đoạn tuyệt với nhà Lý nên đã bắt đổi họ Lý, tìm cách giết hại tôn thất nhà Lý... Lý Long Tường là đô đốc thuỷ quân, ông hiểu rằng không thể lập lại thế cờ nên tìm đường lánh nạn, vượt biển ra đi. Tuy nhiên, một số vấn đề khác như tại sao ông lại đến Cao Ly? Thuyền của ông bị trôi dạt hay ông có chủ đích? Ông lập công lớn đánh quân Mông Cổ trên đất Cao Ly vào năm nào? vẫn còn nhiều tranh luận.
Giáo sư Jeon Hye Kyung cho rằng, Lý Long Tường cùng với gia tộc mang đồ tế khí vượt biển chạy sang Cao Ly vào năm 1226. Qua các thương nhân Việt Nam thường qua lại buôn bán với thương nhân miền Nam Trung Quốc, Hoàng tử Lý Long Tường được nghe các câu chuyện về đất nước Cao Ly xinh đẹp, con người thuần hậu, văn hoá phát triển nên đã tìm đường đến Cao Ly.
Như vậy, Lý Long Tường đến Cao Ly là có chủ đích.
Các tài liệu khác thường hướng theo ý cho rằng con thuyền của Lý Long Tường gặp sóng to gió lớn nên bị trôi dạt đến Cao Ly. Chẳng hạn như ông Nguyễn Đình Bưu nêu, nhà Lý bị mất ngôi về nhà Trần, năm 1226, Lý Long Tường phải cùng bọn Lý Quân Bật chạy ra biển và trôi dạt đến quận Khang Linh.
Giáo sư Yu In Sun cũng xác nhận, rốt cuộc, có thể cho rằng vì họ là tôn thất nhà Lý mà bản thân không thể làm gì được nên sau khi khóc hận, noi gương Bá Di, Thúc Tề trong câu chuyện cổ Trung Quốc thời xưa, nghĩ là không thể ở lại đất Việt Nam được nữa bèn lên thuyền theo hướng Trung Quốc rồi bị gió thổi dạt tới Ung Tân, Cao Ly.
Dẫu rằng lý do ra đi của Lý Long Tường còn có tranh luận nhưng không có ý kiến nào phủ nhận họ Lý đến Cao Ly vào năm 1226.
Câu chuyện về Lý Long Tường sau khi đến Cao Ly, Hoa Sơn Quân bản truyện chép: Trước đây, vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim lớn bay từ phương Nam đến, liệng vòng quanh bờ biển Tây Hải. Nhà vua tỉnh giấc, rất lấy làm lạ, bèn cho người đi tìm kiếm khắp nơi, thế là tìm được vương tử của An Nam. Nhà vua nghe biết bèn than rằng: "Tệ ấp cũng đang gặp giặc Mông hung hãn, sắp sửa vượt biển ồ ạt kéo tới. Con cháu của ta sau này giả như sẽ gặp phải tai hoạ như người ấy thì có khác nào như cảnh ngộ của công tử. Hơn nữa, An Nam và nước ta từ tiền Triều đã giao hiếu với nhau."
Thế rồi đem đất Hoa Sơn tặng cho làm thực ấp (vì rằng ở An Nam cũng có đất tên là Hoa Sơn), phong làm Hoa Sơn Quân. Từ đó, Hoa Sơn Quân ở đấy cùng với các ông già áo vải thôn dã chung sống, tiêu dao khắp vùng Đại An ở sông Phú Lương.
Giáo sư Jeon Hye Kyung đã đọc câu chuyện này và có lẽ còn tham khảo tài liệu khác nên trong phần viết về Hoàng tử Lý Long Tường đến Hàn Quốc về cơ bản giống như vậy, song cũng có điểm khác:
- Điểm giống nhau là Lý Long Tường đến Hàn Quốc ứng với giấc mộng của nhà vua Cao Ly. Vua Cao Ly nghĩ rằng nước An Nam đã có tình thông hiếu với Cao Ly từ đời vua trước nên vua Cao Ly tiếp đãi tử tế, ban cho thực ấp sinh sống. Lý Long Tường cùng những người đi theo sống hoà chung với nhân dân bản địa.
- Điểm khác là nhà vua Cao Ly ban thêm thực ấp, tặng biệt hiệu Hoa Sơn Quân, dựng Thụ hàng môn, lập bia kỷ tích sau khi Lý Long Tường có công lớn đánh thắng giặc Mông Cổ. Sau khi đánh thắng giặc Mông Cổ, nhân dân Cao Ly đều tôn kính quý mến ông, ông mở trường dạy học và bỏ nhiều công sức giáo hoá nhân dân trong vùng.
Đã gọi là Truyện thì có thể hư cấu song cũng có điều cần tham khảo. Đoạn nêu trên là một đoạn ngắn trong câu chuyện dài có thể cho thấy một điều là: Phải chăng tình hoá hiếu giữa An Nam với tiền triều của Cao Ly là sự kiện Hoàng tử Lý Dương Côn đến Cao Ly trước đó? Lý Dương Côn và con cháu của ông đã được tiếp kiến nhà vua và quan hệ với quan lại trong triều Cao Ly? Điều này là có thể. Bởi, con cháu của Lý Dương Côn nhiều đời làm quan to trong triều Cao Ly, đặc biệt còn có Lý Nghĩa Mẫn trải thăng nhiều chức quan, quyền hành gần như tể tướng trong 6 năm trời (1190 - 1196) như đã nêu trên.
Điểm khác biệt mà Giáo sư Jeon nêu ra khác với Bản truyện, tới năm 2007 đã được Giáo sư Yu In Sun trên cơ sở nghiên cứu so sánh Gia phả họ Lý Hoa Sơn, Bản truyện, Cao Ly sử, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược... đã chứng minh Lý Long Tường có công lớn đánh giặc Mông Cổ khi quân Mông Cổ sang xâm lược Cao Ly lần thứ hai vào năm 1232 và được phong biệt hiệu Hoa Sơn Quân là do có công trạng đó. Điều đó tức là Lý Long Tường tham gia chỉ huy cuộc chiến chống quân xâm lược Mông Cổ sớm hơn rất nhiều so với tư liệu trước đó đã nêu vào năm 1253 (năm thứ 40 đời vua Cao Tông) và việc ông mở trường dạy học, trung hưng nề nếp học hành của dân chúng trong vùng cũng sớm hơn rất nhiều. Dưới góc độ tiếp xúc giao lưu văn hoá để xem xét vấn đề thì diện tiếp xúc giao lưu không chỉ hạn hẹp trong một phạm vi nhất định trong một dòng họ, một vùng hẻo lánh mà mở rộng hơn nhiều, sâu lắng hơn nhiều, bền lâu hơn nhiều.
Giáo sư Yu In Sun là Giáo sư sử học nổi tiếng của Hàn Quốc. Ông để lại dấu ấn đậm ở Việt Nam khi cho xuất bản cuốn Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII bằng tiếng Việt, Nxb KHXH năm 1994. Tại Hội thảo quốc tế quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lần này (2007), trong bản báo cáo, một lần nữa, Giáo sư khẳng định lại sự kiện Lý Long Tường và công bố kết quả nghiên cứu nêu trên. Kết quả nghiên cứu đó có cơ sở khoa học, lập luận chặt chẽ và đáng tin cậy.
3. Giai thoại Mạc Đĩnh Chi đến Hàn Quốc
Mạc Đĩnh Chi là danh thần nhà Trần, nổi tiếng học giỏi tài cao từ nhỏ. Năm 1304, thi đậu Trạng nguyên, năm 1308 sang sứ nhà Nguyên và để lại nhiều giai thoại về tài năng, khí tiết, ứng đối biện luận sắc sảo... khiến vua quan nhà Nguyên vị nể.
Trong chuyến đi sứ nhà Nguyên năm 1308, giai thoại ông viết bài Phiến minh thư (Bài minh về chiếc quạt) nhân khi vua nhà Nguyên bắt Mạc Đĩnh Chi và sứ thần Cao Ly làm thơ đề quạt cho thấy:
- Tài năng biện giải, ứng đối của Mạc Đĩnh Chi.
- Sứ thần Việt Nam cùng đến Yên Kinh với sứ thần Cao Ly, cùng vào triều và thi tài làm thơ.
Sách sử và văn học Việt Nam chỉ cho biết một giai thoại Mạc Đĩnh Chi cùng làm thơ đề quạt dâng lên vua Nguyên với sứ thần Cao Ly chứ không thấy chép việc ông được sứ thần Cao Ly mời sang thăm Cao Ly.
Cuốn sách của Hội khoa học lịch sử Việt Nam có đăng lại bài của tác giả Sơn Sa Lê Khắc Hoà in trong An Nam tạp chí số 4, năm 1926 viết về tác giả có gặp hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi từ Cao Ly về Việt Nam. Trong câu chuyện kể của hậu duệ Mạc Đĩnh Chi, có chi tiết về chuyến đi sứ của Mạc Đĩnh Chi năm 1308, Mạc Đĩnh Chi cùng làm thơ với sứ thần Cao Ly dâng lên vua Nguyên, khi Trạng Cao Ly về nước, có mời Trạng Mạc sang chơi 4 tháng. Trong thời gian ở Cao Ly, Trạng Cao Ly làm mối cho Trạng Mạc một người cháu gái trong họ làm thiếp. Trạng Mạc đem người thiếp ấy về Trung Quốc, sau 5 năm thì bà thiếp ấy về Cao Ly, dắt về hai đứa con, một trai một gái. Mười năm sau, Trạng Mạc lại đi sứ Trung Quốc rồi sang Cao Ly 6 tháng. Ông đi du lãm gần khắp Cao Ly, đến đâu ai cũng hoan nghênh bởi ai cũng biết ông là bậc thông minh xuất chúng lại vừa là rể của Cao Ly. Ông có làm tập thơ truyền thế, được nhiều đời truyền tụng. Hết sáu tháng thì ông về nước, khi ấy, bà thiếp vừa có mang ba tháng, sau sinh ra người con trai.
Người kể ra câu chuyện này là hậu duệ về ngành con cả và ông khoe rằng, ông là cử nhân của Cao Ly, thi đỗ khi mới 16 tuổi, làm quan tới chức Quận trưởng, vì không chịu được cảnh áp bức của người Nhật nên từ quan, về cố quốc, đi buôn sâm cho qua ngày tháng. Ông cho biết thêm, theo gia phả dòng họ, ngành cả đa đinh hơn ngành thứ, ngành thứ có nhiều người hiển đạt hơn.
Đây là một câu chuyện cảm động về tình người, tình cảm vợ chồng với nhiều tình tiết lạ kỳ về Trạng Mạc Đĩnh Chi hai lần đến Cao Ly. Câu chuyện này từng xôn xao ở Hàn Quốc, song vì sử liệu không thấy ghi chép, hơn nữa, gia phả dòng họ này cũng chỉ được nhắc đến trong câu chuyện mà chưa thấy được xác minh nên có lẽ, sự kiện cũng chỉ dừng lại ở mức giai thoại. Dẫu sao, tình cảm đẹp giữa hai dân tộc đã được dân gian truyền tụng và tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau.
II. Người Hàn Quốc đến Việt Nam
1. Triệu Hoàn Bích
Tư liệu Hàn Quốc cho biết, vào thời trung đại, trong số những người Triều Tiên đã đi Việt Nam về có thể chia làm hai nhóm. Một là nhóm những người khi xảy loạn năm Nhâm Thìn đã bị Nhật Bản bắt làm tù binh, phải làm việc trên các thuyền đánh cá, trong quá trình làm việc phải đi lại giữa Việt Nam và Nhật Bản rồi sau đó được trả về nước. Hai là nhóm những người đi thuyền bị trôi dạt vào Việt Nam rồi quay trở về Triều Tiên.
Hai Giáo sư Hàn Quốc Yu In Sun và Park Hee Byung đều xác nhận rằng, người đầu tiên đến Việt Nam là Triệu Hoàn Bích, văn nhân tỉnh Chin Chu. Ông là người thông thạo chữ Hán nên Nhật Bản đã bắt ông theo thuyền của người Nhật sang Việt Nam nhiều lần trong 3 năm liền. Câu chuyện này được hai Giáo sư dẫn lại theo Triệu Hoàn Bích truyện của Trịnh Sĩ Tín (1558 - 1619) trong Mai Song tiên sinh tập.
Theo Triệu Hoàn Bích truyện, khi ông đến Việt Nam, ông đã ghi chép về phong tục tập quán, văn chương thơ phú, khí hậu, trang phục, cách ăn uống, tục nhuộm răng đen; các loại sản vật như trầu cau, các động vật kỳ lạ như con voi, chim trĩ trắng.... Ông cũng ghi chép rằng người Việt Nam truyền nhau đọc Chi Phong tập của Lý Tuý Quang và đánh giá cao.
Giáo sư Park Hee Byung còn ghi cụ thể Triệu Hoàn Bích sang Việt Nam lần đầu vào năm 1604 và sau đó có đi lại thêm hai lần nữa.
Chi Phong loại thuyết (quyển 17) của Lý Tuý Quang cũng ghi chép về chuyến đi của Triệu Hoàn Bích, ghi rõ về thời gian và khoảng cách đi lại giữa Nhật Bản và Việt Nam: "Việt Nam cách Nhật Bản 3 vạn 7 nghìn hải lý, nếu đi liên tục suốt ngày đêm không nghỉ bằng đường biển thì phải mất 56 ngày mới đến huyện Hưng Nguyên Việt Nam.".
Trong cuốn Việt Nam và Nhật Bản, giao lưu văn hoá, trang 66, Giáo sư Vĩnh Sính, người từng giảng dạy ở nhiều trường đại học của Nhật Bản và các nước khác trên thế giới cũng viết: “Những thuyền buôn Nhật muốn sang Việt Nam (cũng như các nước Đông Nam á khác) phải chờ gió Bắc vào cuối thu để giăng buồm về Nam, thương lượng và xuất nhập hàng hoá tại Việt Nam khoảng 6 tháng rồi nương gió nồm mùa hè năm sau mà về lại Nhật.
Chuyến hành trình đầu tiên sang An Nam của thuyền Suminokura bắt đầu vào cuối thu 1603 và trở lại Nhật tháng 6 năm 1604. Hoa tiêu trên thuyền là người Hoa, thư ký là Triệu Hoàn Bích (người Triều Tiên bị bắt đem về Nhật trong lần quân Tôytomi Hideyoshi sang đánh Triều Tiên vào thập niên 1590), thuỷ thủ trên tàu không chỉ là người Nhật mà còn có cả những người quen đi biển mang nhiều quốc tịch”
Như vậy, chuyến đi sang Việt Nam lần đầu tiên của Triệu Hoàn Bích đã được xác nhận rõ là vào năm 1604.
Triệu Hoàn Bích được coi là nhân vật đại diện cho nhóm người thứ nhất theo thuyền của Nhật Bản sang Việt Nam và ghi chép những điều tai nghe mắt thấy. Câu chuyện đó không chỉ lưu truyền trong tầng lớp quan lại mà còn lưu truyền trong dân gian, chí ít cũng là những người thân và dân chúng trong vùng Triệu Hoàn Bích sinh sống. Có thể ngoài những điều kỳ lạ của vùng đất phương Nam ra, hai yếu tố gây ấn tượng tốt đối với Triệu Hoàn Bích là người Việt Nam đánh giá cao văn chương của Lý Tuý Quang - một đại quan, một nhà tư tưởng lớn đương thời của nước ông và người Việt Nam hậu đãi khi biết ông là người Triều Tiên. Qua đây, ta cũng có thể biết rõ thêm về nho sĩ Việt Nam đương thời thích đọc Chi Phong tập, lưu truyền tập thơ tặng đáp giữa Lý Tuý Quang và Phùng Khắc Khoan.
2. Người dân đi thuyền trôi dạt sang Việt Nam
Hai Giáo sư Jeon và Park đều dẫn ghi chép trong cuốn Trú Vĩnh Thiên của Trịnh Đông Dũ (1744 - 1808) viết về câu chuyện 21 người dân đảo ChêJu khi phiêu dạt sang Việt Nam vào tháng 10 năm 1678, đã gặp người dân ở đó, thấy rằng hình dáng, đầu tóc có vẻ từng trải; khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục tập quán có nhiều điểm khác, có nhiều hoa quả, động vật lạ, nhiều sản vật quý. Cuốn sách còn nêu người Việt Nam tính tình thuần hậu và cũng đã biết Hoàng tử Việt Nam sang Cao Ly.
Giáo sư Jeon dẫn sách Tăng bổ Cảnh La chí (Cảnh La: chỉ đảo Chêju) viết về câu chuyện một người dân đảo ChêJu là Kim Bok Su đi biển gặp phải gió bão phiêu dạt đến Việt Nam. Những người cùng đi đều chết hết, còn anh ta may mắn sống sót, được dân địa phương giúp đỡ, anh gặp một cô gái Lưu Cầu tên là Im - Chin - Hiang, họ sống với nhau mấy năm ở đó rồi trở về quê hương. Họ kể lại nhiều điều về phong tục Việt Nam.
Giáo sư Jeon cũng dẫn sách Trú Vĩnh Thiên ghi chép câu chuyện về 24 người dân đảo ChêJu đi thuyền gặp gió bão nên đã phiêu dạt đến Hội An Việt Nam vào năm 1685, đời vua Túc Tông. Tháng 7 năm sau, nhà vua Việt Nam thương những người này bèn bỏ một số tiền chi phí cho thuyền buôn Trung Quốc, đồng thời gửi theo một chiếu thư để những người này được trở về nước và trình chiếu thư lên vua Triều Tiên.
Giáo sư Park còn cho biết, nội dung câu chuyện này đã được chứng thực trong sử ký ghi ngày 13 tháng 2 năm thứ 15 đời vua Túc Tông trong Túc Tông thực lục.
Qua nội dung trình bày ở trên, ta có thể nhận thấy sự giao lưu tiếp xúc văn hóa Việt - Hàn đã xuất hiện từ đầu thời trung đại với những sự kiện khá đặc biệt.
Với sự công bố kết quả nghiên cứu mới nhất của Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Yu In Sun và những thông tin nghiên cứu mới của Giáo sư Jeon Hye Kyung, Park Hee Byung, chúng ta càng có thể nhận biết sâu sắc hơn về sự tiếp xúc giao lưu văn hoá giữa hai nước trong lịch sử.
Nhìn tổng quát, tuy sự tiếp xúc giao lưu văn hoá giữa hai nước thời trung đại chưa nhiều, chưa chính thức nhưng qua sự tích Lý Dương Côn, Lý Long Tường đến Hàn Quốc, người Triều Tiên phiêu dạt sang Việt Nam rồi trở về nước đã cho thấy từ thời đó, nhân dân hai nước đã biết về tình hình chính trị, phong tục tập quán, đất nước con người và sản vật quý hiếm của Việt Nam - Hàn Quốc.
III. Khái quát việc khảo sát tư liệu thơ văn xướng hoạ của sứ thần hai nước ở Bắc Kinh, Trung Quốc
Trong quá trình nghiên cứu thơ văn xướng hoạ của sứ thần hai nước Việt Nam – Hàn Quốc hơn mười năm qua, chung tôi đã thu thập được hàng trăm đơn vị văn bản thơ văn xướng hoạ của sứ thần hai nước (sau đây viết tắt là thơ văn xướng hoạ). Tình hình tư liệu như sau:
1.Văn bản thơ văn xướng hoạ đều là chữ Hán.
2.Văn bản thơ văn xướng hoạ đều xuất hiện đầu tiên ở Bắc Kinh Trung Quốc, sau đó được mang về hai nước và lưu truyền trong dân gian.
3.Do sao đi chép lại nên có sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn không chỉ trong một bài mà còn cả tên tác giả.
4.Theo số liệu chúng tôi thu thập được, số lượng đơn vị văn bản ở Việt Nam gấp nhiều lần ở Hàn Quốc.
Qua tư liệu thu thập được ở Việt Nam và Hàn Quốc chúng tôi bước đầu khẳng định, bắt đầu từ Phùng Khắc Khoan đi sứ Trung Quốc năm 1597 thời Lê Trung Hưng, kết thúc là Nguyễn Tư Giản đi sứ năm 1868 thời Nguyễn, tức trong khoảng thời gian dài gần 300 năm đã có 13 lần hai bên sứ thần gặp gỡ nhau ở Bắc Kinh, cụ thể là:
1. Phùng Khắc Khoan - Lý Tuý Quang, Kim Tiêu dật sĩ.
2. Nguyễn Công Hãng - Du Tập Nhất, Lý Thế Cẩn.
3. Nguyễn Tông Quai - Lý Bán Thôn.
4. Lê Quý Đôn - Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung, Triệu Vinh Tiến.
5. Vũ Huy Đĩnh - Doãn Đông Thăng, Lý Trí Trung.
6. Lê Quang Viện --- ?
7. Hồ Sĩ Đống - Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần.
8. Nguyễn Đề - Lý Nguyên Hanh, Từ Hữu Phòng.
9. Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn - Từ Hạo Tu, Lý Bách Hanh, Phác Tề Gia.
10. Ngô Thì Nhậm --- ?
11. Phạm Chi Hương - Lý Dụ Nguyên.
12. Bùi Ngọc Quỹ - ?
13. Nguyễn Tư  Giản - Triệu Bỉnh Cảo, Kim Hữu Uyên, Nam Đình Thuận

Trong số 13 lần nêu trên, chúng tôi khảo sát văn bản thơ văn xướng hoạ cùng các tư liệu có liên quan đến 3 lần gặp gỡ của Lê Quang Viện, Ngô Thì Nhậm, Bùi Ngọc Quỹ với sứ bộ Hàn Quốc rồi đi đến xác định có sự nhầm lẫn cả về tác giả và thơ văn.
Với tư liệu hiện có đã qua khảo sát, chúng tôi xác định được 10 lần hai bên sứ bộ gặp nhau và làm thơ xướng hoạ, cụ thể như sau:



Số
TT
Tác gia - sứ thần
Năm đi sứ - gặp gỡ
Thơ văn xướng hoạ

Việt Nam
Hàn Quốc

Thơ
Văn
A. THỜI LÊ TRUNG HƯNG (1533 - 1788)
1.
Phùng Khắc Khoan
Lý Tuý Quang,
Kim Tiêu dật sĩ
1597
32
6
2.
Nguyễn Công Hãng
Du Tập Nhất,
Lý Thế Cẩn
1718
12

3.
Nguyễn Tông Quai
Lý Bán Thôn
1748

1
4.
Lê Quý Đôn
Hồng Khải Hy,
Lý Huy Trung,
Triệu Vinh Tiến.
1760-1761
7
4
5.
Vũ Huy Đĩnh
Doãn Đông Thăng, Lý Trí Trung
1772-1773
5

6.
Hồ Sĩ Đống
Lý Quang,
Trịnh Vũ Thuần
1778
5

B. THỜI TÂY SƠN (1788 - 1802)
7.
Nguyễn Đề
Lý Nguyên Hanh,
Từ Hữu Phòng
1789 ?
1795 ?
9

8.
Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn
Từ Hạo Tu,
Lý Bách Hanh,
Phác Tề Gia.
1790
19

C. THỜI NGUYỄN (1802 - 1945)
9.
Phạm Chi Hương
Lý Dụ Nguyên
?
1

10.
Nguyễn Tư Giản
Triệu Bỉnh Cảo,
Kim Hữu Uyên,
Nam Đình Thuận.
1868
2

Cộng
12
21

92
11

Xem xét bảng trên, ta thấy:

- Số tác gia – sứ thần Hàn Quốc nhiều hơn Việt Nam 9 người. Tổng cộng cả hai bên là 33 người.
- Số lượng thơ: 92 bài, văn: 11 bài
- Số lượng thơ văn nhiều nhất là của Phùng Khắc Khoan và Lý Tuý Quang, Kim Tiêu dật sĩ.
- Số lượng ít nhất là của Nguyễn Tông Quai và Lý Bán Thôn, Phạm Chi Hương và Lý Dụ Nguyên
Đây là những bài thơ văn đã được giám định qua hàng trăm đơn vị văn bản, được coi là khả dĩ tốt nhất để phục vụ cho công việc nghiên cứu.
Đây chính là những bằng chứng lịch sử hiện diện ở cả hai nước, là tư liệu quí hiếm đóng góp cho việc nghiên cứu về đất nước con người, văn học lịch sử, phong tục tập quán, tư tưởng và đạo học, tình cảm hữu nghị của hai dân tộc.
Tại Hội thảo quốc tế ở Hà Nội như đã nêu trên, Giáo sư Park đã nêu 5 lần sứ thần hai nước gặp gỡ ở Bắc Kinh vào khoảng nửa sau thế kỷ XV:
1. Từ Cư Chính (1420 - 1488)               - Lương (Như) Hộc
2. Hồng Quý Đạt (1438 - 1504)            - Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Vĩ
3. Kim Thế Bật (1473 - 1533)               - Sứ thần Việt Nam
5. Tào Thân                                              - Lê Thời Cử
6. Kim An Quốc (1478 - 1543)             - Sứ thần Việt Nam
Trong cuốn sách của Giáo sư Jeon, Giáo sư dẫn sách Tỳ quan tạp ký (quyển 2) của Ngư Thúc Quyền ghi chép việc quan phiên dịch Tào Thân khi đến Yên Kinh đã gặp sứ thần Việt Nam Lê Thời Cử, cùng nói chuyện thơ văn và làm thơ xướng hoạ. Câu chuyện gặp gỡ giao lưu này được xác định vào đời vua Thành Tông (1469 - 1494), triều đại Triều Tiên, tức vào khoảng nửa sau thế kỷ XV.
Chúng tôi rất trân trọng những phát hiện mới của các giáo sư Hàn Quốc về lĩnh vực này và tiến hành khảo cứu tư liệu, sơ bộ có ý kiến như sau:
Trong năm lần sứ thần hai nước gặp nhau đó, có hai lần chưa xác định được danh tính sứ thần Việt Nam. Số sứ thần đã xác định được danh tính gồm Lương (Như) Hộc, Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Vỹ, Lê Thời Cử (Việt Nam) và Từ Cư Chính, Hồng Quý Đạt, Kim Thế Bật, Tào Thân, Kim An Quốc (Hàn Quốc). Tra cứu Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Từ điển văn học Việt Nam, Các nhà khoa bảng Việt Nam... Chúng tôi mới xác định được tên một sứ thần là Lương (Như) Hộc, người đã gặp Từ Cư Chính và có thơ xướng hoạ như Giáo sư Park đã nêu.
Lương (Như) Hộc (1420 - 1501) tự Tường Phủ, người làng Hồng Liễu, huyện Trường Tân, nay là xã Tân Hưng huyện Gia Lộc, Hải Dương. Ông thi đỗ Thám hoa khoa Nhâm Tuất (1442), trải thăng các chức An Phủ phó sứ, Trực học sĩ Viện Hàn lâm, Đô ngự sử, Thị lang bộ lễ, Trung thư lệnh kiêm bí thư giám học sinh.
Từ điển nhân vật lịch sử và Từ điển văn học đều chép ông hai lần sang sứ nhà Minh, không ghi rõ năm tháng. Trong thời gian đi sứ, học được cách khắc ván in, về nước truyền nghề cho dân các làng Hồng Liễu và Liễu Chàng ở Hải Dương. Do vậy, ông được dân các làng này thờ làm Thành hoàng và Tổ sư nghề khắc ván in.
Ông cùng học trò là Dương Đức Nhan soạn sách Tinh tuyển chư gia luật thi. Riêng ông soạn bộ Cổ kim chế từ tập gồm 3 quyển, đã thất truyền. Về sáng tác, ông có Hồng Châu quốc ngữ thi tập, Tiêu tương bát cảnh thi, đều đã thất truyền. Hiện chỉ còn 6 bài phú chữ Hán chép trong Quần hiền phú tập và 6 bài thơ chữ Hán chép trongTrích diễm thi tậpToàn việt thi lụcThư mục đề yếu nêu tên tác phẩm có liên quan đến Lương Như Hộc nhưLương đại vương (VHv.1845) viết về sự tích Lương Như Hộc và 10 đạo sắc phong; Tinh tuyển chư gia thi tập(A.574), Dương Đức Nhan biên tập, Lương Như Hộc phẩm bình và Thi sao do Lý Văn Ba chép, ghi là có thơ của ông. Tập Thi sao hiện ở Pháp, không lưu giữ ở Việt Nam. Trong số sách nêu trên, không thấy ghi chép bài thơ nào ông làm trong hai chuyến đi sứ nhà Minh. Có thể thơ đi sứ của ông bị thất truyền từ rất sớm.
Từ Cư Chính (1420 - 1488) là quan chức, đồng thời là một học giả lớn, nhà thơ lớn thời sơ kỳ ChoSon. Năm 1444, ông thi đỗ tiến sĩ văn khoa, trải thăng các chức như Phán thư bộ Hình, Phán thư bộ Binh, Phán thư bộ Lại, Đại đề học Nghệ văn quán kiêm Hiệu trưởng Thành quân quán. Ông là người từng 23 năm liền vừa là Đại đề học vừa chỉ đạo công việc biên soạn những bộ sách lớn của ChoSon như Đông văn tuyển. Tác phẩm tiêu biểu của ông có Bút uyển tạp ký, Đông nhân thi thoại, Tứ giai tập, Đông nhân thi văn...
Cuốn Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX do chúng tôi biên dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Việt có một mục chủ yếu viết về Từ Cư Chính và công lao của ông đối với văn học Hàn Quốc thời sơ kỳ ChoSon, đặc biệt nhấn mạnh đến việc ông chỉ đạo việc biên soạn bộ Đông văn tuyển suốt 7 năm liền với 23 học giả tham gia. Có điều, cuốn sách không hề đề cập một chút nào tới việc ông có đi sứ nhà Minh hay không. Từ điển văn học Hàn Quốc chép kỹ hơn về lai lịch của Từ Cư Chính, song cũng không chép việc ông đi sứ. Cuốn Triều Tiên văn học sử của Vi Húc Thăng (Trung Quốc) do NXB Đại học Bắc Kinh xuất bản năm 1986 cũng dành nửa trang 202 viết về Từ Cư Chính nhưng cũng không thấy chép việc ông đi sứ Trung Quốc. Bởi vậy, chúng tôi chưa thể xác định Từ Cư Chính đã gặp Lương Như Hộc ở Bắc Kinh và làm thơ xướng hoạ.
Như vậy, chúng tôi tạm có nhận xét như trên nhưng vẫn cần có sự tiếp tục nghiên cứu thêm, nhất là đi sâu nghiên cứu tư liệu ở Hàn Quốc.
Những vấn đề nêu trên không phải là mới, đã được một số nhà nghiên cứu ở các chuyên ngành văn học, sử học, văn bản học … đề cập đến trong các cuốn sách hoặc báo cáo ở các hội thảo khoa học. Nhưng, những kết quả mới mà bài viết nêu ra có lẽ đã làm sáng tỏ thêm vấn đề nghiên cứu sự tiếp xúc giao lưu văn hoá Việt – Hàn thời Trung đại và cũng cần có thêm ý kiến mới của các nhà khoa học, đặc biệt là tìm hiểu về hậu duệ Mạc Đĩnh Chi ở Hàn Quốc?

LÝ XUÂN CHUNG
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt:
1. Bùi Duy Tân – Ngọc Liễn (1979), Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Ty Văn hoá Hà Sơn Bình.
2. Bùi Duy Tân (2000), Phùng Khắc Khoan - tác gia - tác phẩm, Nxb Hà Tây.
3. Bùi Duy Tân (1979), Lê Quý Đôn - Nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII, Nxb Thái Bình.
4. Đại Việt sử ký toàn thư (1993), Nxb KHXH Hà Nội.
Đại cương lịch sử Việt Nam (2004), Nxb Giáo dục.
5. Hội khoa học lịch sử Việt Nam (1997), Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hoá Việt - Triều trong lịch sử, Hà Nội.
6. Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục (bản dịch), Nxb KHXH Hà Nội.
7. Thơ đi sứ (1993), Phạm Thiều - Đào Phương Bình chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội.
8. Trần Văn Giáp (1971), Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb KHXH Hà Nội.
9. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, Hà Nội 2007.
Tiếng Hán:
2. Bùi Ngọc Quỹ; Yên hành tổng tải; A.3040.
3. Lê Quý Đôn; Bắc sứ thông lục; A.179.
4. Lê Quý Đôn; Quần thư khảo biện; A.1872.
5. Lê Quý Đôn; Quần thư khảo biện; A.252.
6. Lê Quý Đôn; Quế Đường thi tập; quyển 1; A.576.
7. Lê Quý Đôn; Kiến văn tiểu lục; VHv.1322.
8. Lê Quý Đôn; Toàn Việt thi lục; A.3200/1.
9. Nguyễn Đề; Hoa trình thi tập; tập hậu; VHv.149.
10. Nguyễn Đề; Hoa trình tiêu khiển tập; A.1361.
11. Đoàn Nguyễn Tuấn; Hải Yên thi tập; A.1167.
12. Đoàn Nguyễn Tuấn; Hải Ông thi tập; A.2603; VHc.2086.
13. Đoàn Nguyễn Tuấn; Hải Phái thi tập; A.310.
14. Hồ Sĩ Đống; Hoa trình khiển hứng; A.515; VHc.2540.
15. Vũ Huy Đĩnh; Hoa trình thi tập; A.447; VHc.2538, A.446.
16. Nguyễn Công Hãng; Bắc sứ thi tập; VHv.2166; VHc.2160.
17. Phạm Chi Hương; My Xuyên sứ trình thi tập; A.251; VHc.2654.
18. Vũ Huy Tấn; Hoa nguyên tuỳ bộ tập; A.375.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét