Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

QUAN HỆ KINH TẾ VIỆT NAM – NHẬT BẢN TỪ SAU KHI VIỆT NAM TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN CHÍNH THỨC CỦA TỔ CHỨC WTO ĐẾN NAY


QUAN HỆ KINH TẾ VIỆT NAM – NHẬT BẢN TỪ SAU KHI VIỆT NAM TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN CHÍNH THỨC CỦA TỔ CHỨC WTO ĐẾN NAY


Trước khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức WTO vào tháng 11/2006 quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu hết sức khả quan. Điều này được thể hiện qua các con số sau đây: Trên lĩnh vực đầu tư tính đến 12/2005, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam là 684 dự án với tổng vốn đầu tư 6907,2 triệu USD được cấp phép(1); viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam chiếm 40% tổng nguồn ODA của các nước và các tổ chức quốc tế cung cấp cho Việt Nam. Tính đến cuối năm 2005, tổng số ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã vượt qua con số 10 tỷ USD, trong đó viện trợ là trên 10%, phần còn lại là các khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp. Trên lĩnh vực buôn bán đối ngoại kể từ năm 2003 là năm thực hiện sáng kiến chung Việt - Nhật, ký kết Hiệp định tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, quan hệ thương mại hai nước phát triển với tốc độ cao, bình quân tăng trên 19%/năm. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức WTO ngày 7/11/2006 thì quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
1. Đầu tư trực tiếp (FDI) từ Nhật Bản vào Việt Nam
Sau khi Việt Nam ban hành Luật đầu tư nước ngoài (29/12/1987), dòng vốn FDI từ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hơn 1 năm sau  có khoảng gần 1 triệu USD, mở đầu là dự án đầu tư của công ty Kansai Kyodo trong lĩnh vực chế tạo thiết bị cảng ở Hải Phòng năm 1989, tiếp đến là dự án xuất khẩu may mặc của công ty Hikosen Kara vào tháng 3 năm 1990. Tính chung cả năm 1990, số vốn đầu tư tăng thêm trên 10 triệu USD và năm 1991 Nhật Bản có 6 dự án ở Việt Nam với tổng số vốn là 8 triệu USD.
Từ đó các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, tính đến tháng 8 năm 2006, Nhật Bản có 677 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 6,8 tỷ USD, đứng thứ ba trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam(2).
Điều cần nhận thấy là sau khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức WTO, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Số lượng các dự án ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm 2007, Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam là 154 dự án với số vốn 965.165 nghìn USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2008 số lượng dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là 78 dự án với vốn đầu tư 7,2 tỷ USD chiếm 16,2% lượng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam là thị trường hấp dẫn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong đó có Nhật Bản. Điều này là do các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam là nước có nền chính trị ổn định, đây là điều kiện tiên quyết nhằm giảm thiểu những rủi ro đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Thứ hai, với dân số trên 80 triệu người và sức mua ngày càng tăng, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ lớn hàng hoá của Nhật như thiết bị máy móc, hoá chất, phân bón, thuốc trừ sâu, vải vóc, đồ điện và diện tử, xe máy, ô tô… Hơn nữa thương hiệu Nhật Bản ở thị trường Việt Nam đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm lý tiêu dùng của phần lớn dân cư Việt Nam. Đây là lợi thế để các nhà đầu tư Nhật Bản hoàn toàn yên tâm khi bỏ vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Thứ ba, sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã bước sang giai đoạn thứ ba là một trong những động thái tích cực góp phần vào sự tăng tiến FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam. Mặc dù Nhật Bản không giữ vai trò số một trong cam kết FDI, nhưng Nhật Bản luôn được đánh giá là nhà đầu tư hàng đầu trong việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn này.
Có thể nói, sự thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của Nhật Bản được coi là một trong những yếu tố nổi bật của quá trình tăng trưởng kinh tế và mở rộng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản. Điểm khác biệt trong đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam so với FDI của Nhật Bản ở các nước thuộc khu vực ngoài ASEAN là sự kết hợp đồng thời sản xuất phục vụ thị trường nội địa với sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Châu Á, hiện nay Việt Nam đang hội đủ các yếu tố thuận lợi nhất: lao động khéo tay, chăm chỉ, tiếp thu nhanh các kỹ thuật mà tiền lương chỉ bằng 1/2 Thái Lan và thấp hơn Trung Quốc rất nhiều. Mianma thì lao động cũng dồi dào và tiền lương còn rẻ hơn ở Việt Nam nhưng cơ sở hạ tầng, cơ sở pháp lý còn quá kém. Philippin và Inđônêxia thì còn bất ổn về chính trị, xã hội. Hơn nữa, Việt Nam đang triệt để thực hiện sáng kiến chung Việt - Nhật, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt - Nhật, Hiệp định thương mại song phương Việt Nhật. Vì vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp lý, đặc biệt là Luật đầu tư mới thống nhất đang được thực thi tạo ra một sân chơi chung cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Rõ ràng là sau khi chính thức trở thành thành viên của tổ chức WTO, Việt Nam là một trong những nước thu hút vốn đầu tư nhiều nhất từ Nhật Bản. Tính đến tháng 9/2008, Nhật Bản là nước thứ ba trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 1019 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 16,9 tỷ USD. Đặc biệt Nhật Bản dẫn đầu về số vốn thực hiện tại Việt Nam. Trong cuộc gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, tổ chức tại thủ đô Tokyo, chiều 17/3/2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Trong tương lai Nhật Bản vẫn sẽ là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam và Việt Nam vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản.
2. Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam
Tính đến cuối năm 2005, tổng số ODA của  Nhật Bản dành cho Việt Nam đã vượt qua con số 10 tỷ USD, xấp xỉ 10,5 tỷ USD, trong đó  trên 10% là viện trợ không hoàn lại, phần còn lại là các khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian tài trợ dài. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) những năm vừa qua, Nhật Bản đều tiếp tục khẳng định vị trí vẫn là nhà tài trợ đứng đầu ở Việt Nam. Đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Nhật Bản đã tăng cường tài trợ ODA cho Việt Nam.
So với các nước trong khu vực, Nhật Bản là nước tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam. Năm 2006 viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đạt mức cao, trị giá lên tới 835,6 triệu USD. Năm 2007, con số đó đã tăng lên 890 triệu USD và đến năm 2008 là 1,1 tỷ USD.
Điều cần lưu ý là, sự gia tăng ODA của Nhật Bản cho Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn và việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA ở Việt Nam còn gặp những ách tắc, trở ngại trong việc giải ngân vốn đã chứng tỏ rằng Nhật Bản rất quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam.
Ưu tiên của Nhật Bản trong việc viện trợ ODA cho Việt Nam tập trung vào 5 lĩnh vực chủ yếu là (1) Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế, trong đó chú trọng hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; (2) Hỗ trợ cải tạo và xây dựng các công trình điện và giao thông; (3) Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn và chuyển giao công nghệ mới tại các vùng nông thôn; (4) Hỗ trợ phát triển giáo dục và y tế; (5) Hỗ trợ bảo vệ môi trường.
Thông qua các nguồn ODA, Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội như khôi phục Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), xây dựng Cảng cá Cát Lở (Vũng Tàu), nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai, xây dụng hệ thống cấp nước ở Gia Lâm (Hà Nội) và Hải Dương, xây dựng các cầu nhỏ ở nông thôn, xây dựng hơn 200 trường tiểu học ở vùng bão, xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Chi, Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng mở rộng và nâng cấp nhiều công trình như: Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, Quốc lộ 10, các cầu trên Quốc lộ 1, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, Phú Mỹ 1, Nhà máy thuỷ điện Hàn Thuận-Đa Mi, đại lộ  Đông - Tây ( TP. Hồ Chí Minh ), cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), Cầu Thuận Kiều (Hải Phòng), cầu Thanh  Trì (Hà Nội), đường hầm xuyên đèo Hải Vân... Đáng lưu ý, cầu Bãi Cháy hiện đang là cầu lớn và hiện đại nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả Đông Nam Á, và là một trong 5 cầu hiện đại nhất thế giới.
Về việc phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo của Việt Nam cũng đã được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tích cực. Hàng năm thông qua nguồn ODA từ nhiều quỹ tài chính khác nhau, Nhật Bản đã cung cấp một số lượng đáng kể học bổng đào tạo đại học và sau đại học cho các sinh viên và cán bộ khoa học-kĩ thuật của Việt Nam. Một số lượng lớn chuyên gia Nhật Bản hiện đang hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra ODA của Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam trong nhiều sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, tiểu vùng Mêkông mở rộng...
Từ thực tiễn sử dụng ODA của Nhật Bản trong những năm qua, vấn đề quan trọng đặt ra cho Việt Nam hiện nay là cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ODA, trong đó có việc giải ngân nguồn vốn này đang là quan tâm chung của cả hai phía, mà trách nhiệm trước hết là phía Việt Nam cần phấn đấu thực hiện nghiêm chỉnh, đúng tiến độ thời gian và có kết quả cao. Mặc dù, Nhật Bản  còn rất nhiều  khó khăn, thách thức cần phải vượt qua do vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt hơn thập niên vừa qua song chính sách ODA của Chính phủ Nhật đã khẳng định vẫn  tiếp tục ưu tiên cho các nước châu Á trong đó có Việt Nam.
Điều đó chứng tỏ rằng Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam được sử dụng đúng mục đích và thực hiện đúng theo cam kết đã được ký kết giữa hai nước.
3. Quan hệ thương mại
So với đầu tư trực tiếp và viện trợ ODA thì quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã có từ rất lâu đời và được củng cố và phát triển qua các giai đoạn phát triển của lịch sử. Vì vậy, sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), quan hệ thương mại hai nước càng có điều kiện phát triển. Nếu như năm 1998, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước chỉ đạt 2 tỷ USD nhưng chỉ mười năm sau đã tăng gấp 5 lần lên tới 10 tỷ USD.
Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Với 126 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội 5000 tỷ USD, Nhật Bản đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt nam. Trong tuyên bố chung Việt - Nhật năm 2006, hai nước đã nhất trí phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2010.  Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được và cơ hội hứa hẹn vẫn nhìn thấy những thách thức mà các bên cần phải vượt qua trong quan hệ thương mại.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm giữa hai nước trong 5 năm gần đây luôn ở mức từ 5 đến 9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 14-16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với tất cả các nước khác trên thế giới. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đã luôn tăng trưởng với tốc độ cao, trung bình từ 15-20% và từ nhiều năm qua Việt Nam luôn là nước  xuất siêu sang Nhật Bản. Cho đến năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng vượt bậc, đạt tới 12,5 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2006. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 16,7 % so với năm 2006. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản tăng mạnh đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 38,2%. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam đang thu hút nhiều dự án đầu tư từ Nhật Bản với sự chuyển giao công nghệ, máy móc sang Việt Nam của các doanh nghiệp ngày càng tăng.
Trong quan hệ thương mại với Nhật Bản năm 2007, Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại với hơn 500 triệu USD. Việt Nam có khả năng xuất khẩu khá nhiều mặt hàng như dầu thô, nông sản, thủy sản, đồ gỗ, may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ… Ngược lại, Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam máy móc, thiết bị điện, sản phẩm công nghệ cao, sắt thép, hóa chất… phục vụ tốt cho kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta.
Những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng: năm 2001 đạt 351 tỷ USD, năm 2004 đạt 454 tỷ USD và năm 2006 đạt 580 tỷ USD, năm 2007 đạt 621 tỷ USD (tăng 7,2% so với năm 2006), trong đó: nông thủy sản, thực phẩm là 51 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng kim ngạch nhập khẩu), hải sản là 14,6 tỷ USD (chiếm 2,4%), may mặc là 30 tỷ USD (chiếm 4,9%)…
Từ năm 2000-2004, Việt Nam nhập siêu khoảng trên 50 triệu USD/năm;Năm 2005-2006 Việt Nam xuất siêu trên 300 triệu USD/năm và đến năm 2007, nhập siêu khoảng 108 triệu USD (chủ yếu là do nhập khẩu máy móc thiết bị gia tăng do có sự gia tăng trong đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam). Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 6,069 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2006 và Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Bước sang năm 2008, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, kim ngạch thương mại hai chiều đã có tín hiệu tăng trưởng tốt. Tính đến hết tháng 7 năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Việt Nam xuất siêu trên 180 triệu USD. Như vậy, có thể tin tưởng rằng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản của cả năm 2008 sẽ vượt xa con số 15 tỷ USD, hoàn thành trước hai năm mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.
Tuy nhiên, một điều cần phải thấy là hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được chấp nhận tại thị trường Nhật Bản nhưng thị phần vẫn còn rất khiêm tốn, hiện mới đạt xấp xỉ 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, thị phần của Trung Quốc là 20,5%, Thái Lan 2,94%, Malaysia 2,8%, Philippines 1,4%, Singapore 1,13% (số liệu năm 2007).
Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản còn khiêm tốn là do các doanh nghiệp chưa nắm bắt được hết những lợi thế và khắc phục những khó khăn khi thâm nhập thị trường này.
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO, với cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ mức bình quân hiện hành 17,4% xuống còn 13,4% trong vòng 5-7 năm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi này  nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu và công nghệ của Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.Từ tháng 1/2007 đến tháng 9/2008 Việt Nam và Nhật Bản đã hoàn tất thoả thuận nguyên tắc về  Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) Việt Nam - Nhật Bản. Đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia. Hiệp định này thể hiện mối quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thủ tục hải quan, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, hợp tác kiểm dịch động thực vật (SPS) và các nội dung hợp tác kinh tế khác. Một loạt các chương trình hợp tác kinh tế nhằm cải thiện môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh và các cơ sở hạ tầng phần mềm cho phát triển thương mại được thực hiện sẽ là nền tảng cho phát triển thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tính đến hết tháng 7/2008, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản đã đạt 10 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2007, dự kiến đến hết năm 2008 đạt mức 15 tỷ USD (vượt mục tiêu hai nước đề ra).

Một số mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản sơ bộ 7 tháng năm 2008
Mặt hàng
Trị giá (1000 USD)
Đồ chơi trẻ em
4859
Cà phê
38802
Cao su
7618
Dây điện và dây cáp điện
429293
Dầu mỡ động thực vật
11430
Dầu thô
1521545
Sản phẩm gỗ
196605
Giầy dép các loại
77101
Hàng dệt may
442438
Hàng rau quả
17656
Hải sản
459228
Máy vi tính và linh kiện
200776
Sản phẩm gốm sứ
24855
Than đá
183 638
Nguồn: http:/www.gso.gov.vn/ và xử lý của tác giả
Một số mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản sơ bộ 7 tháng năm 2008
Mặt hàng
Trị giá (1000 USD)
Ô tô nguyên chiếc các loại
1 356
Bông các loại
238
Bột giấy
4 739
Bột mỳ
7 661
Các sản phẩm hoá chất
90 597
Cao su tổng hợp
27 059
Dầu mỡ động thực vật
3 961
Giấy các loại
26 766
Hoá chất
91 768
Kính xây dựng
4 697
Linh kiện ô tô
226 480
Linh kiện và phụ tùng xe máy
37 631
Máy móc thiết bị phụ tùng
1 495 684
Máy vi tính và linh kiện
467 017
Nguồn: http:/www.gso.gov.vn/ và xử lý của tác giả


Mặc dù đã có những tiến triển trong quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước, song theo phân tích của các chuyên gia trong ngành thương mại, hạn chế lớn nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản còn đơn điệu, có đến trên 50% là nguyên liệu thô và sản phẩm sơ chế. Ngoài ra về chất lượng hàng hóa cũng còn không ít điều vướng mắc trong quan hệ trao đổi thương mại với Nhật Bản, nhất là gần đây, thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản đã bị kiểm tra rất chặt chẽ, gắt gao, hầu như có đến 100% lô hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đều bị kiểm tra. Tuy đã có sự cảnh báo nhiều lần từ cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, song tình trạng thuỷ sản của Việt Nam xuất sang Nhật Bản vẫn bị kém chất lượng đã bị bạn từ chối không nhập nhiều lần. Vì thế nếu không có biện pháp hữu hiệu thì nguy cơ mất thị trường lớn này sẽ rất cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, con số trên vẫn chưa xứng với tiềm năng về nguyên liệu và lực lượng lao động hơn 10 triệu người của ngành này, mà nguyên nhân chủ yếu là do khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, thiếu thông tin hỗ trợ thị trường. Mặc dù vậy, song nhìn về tổng thể vẫn khẳng định rằng, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước, đặc biệt là với Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá  đất nước.
Để thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải: Nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như chính sách riêng đối với từng tập đoàn của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam; Xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp về lộ trình cam kết mở cửa về đầu tư nước ngoài làm cơ sở xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam; Phối hợp hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đăng ký của các dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đặc biệt chú trọng đến công tác thúc đẩy triển khai các dự án quy mô vốn đầu tư lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong vài năm gần đây bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về giải phóng mặt bằng .v.v. giúp cho các dự án này triển khai nhanh chóng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cam kết song phương mà Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hợp tác làm ăn; Tiếp tục xây dựng chương trình thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn III một cách hiệu quả…
Rõ ràng, với việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước phát triển mới cả về lượng và chất. Có thể hy vọng dự báo mới đây của các cơ quan kinh tế thương mại hai nước về 18 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Nhật đạt được vào năm 2010 (vượt xa so với kế hoạch 15 tỷ USD đã đề ra ban đầu của các nhà hoạch định chính sách và giải pháp phát triển thương mại của cả hai nước) sẽ trở thành hiện thực nếu như cứ đà phát triển hiện nay và sắp tới cả hai nước đều không có gì khó khăn, trở ngại lớn, và hơn nữa cả hai nước đều có các giải pháp phối hợp đồng bộ, tích cực hơn nữa trong việc khắc phục các khó khăn, bất cập còn tồn đọng trong quan hệ hai nước, trước hết là khẩn trương tiến tớithống nhất ký kết và thực thi các hiệp định kinh tế quan trọng tạo điều kiện cho cácdoanh nghiệp của cả hai nước hợp táclàm ăn cùng có lợi.

NGUYỄN VĂN TẬN (PGS, TS, Đại học Khoa học Huế)
NGUYỄN HOÀNG HUẾ (Đại học Phú Xuân, Huế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Xuân Bình, Trần Minh Quang (chủ biên), (2005), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại, tương lai, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản và tác động của nó đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 4/2007.9/2007, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Phan Minh Tuấn, Đầu tư trực tiếp Nhật Bản vào Việt Nam: cơ hội, thách thức, triển vọng, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2/2007.
4. Liên kết kinh tế Đông Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, số 4/2007.
5. Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư nước ngoài tháng
6. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6/2008.
7. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, số 5/2007.
8. http://ncnb. org.vn/Default. aspx.
9. http:// www.gso.gov.vn/default. aspx.
10. http:// www.mpi.gov.vn/fdi/.


(1) Phan Minh Tuấn, Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam: cơ hội, thách thức, triển vọng, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2/2007, tr. 9.
(2) Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư nước ngoài tháng 9/2006, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét