Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Viễn cảnh quan hệ Trung - Mỹ năm 2013


Viễn cảnh quan hệ Trung - Mỹ năm 2013

Mỹ và Trung Quốc vừa hoàn thành sự kế tục lãnh đạo và giờ có thể bắt tay vào phát triển mối quan hệ đang chuyển hóa chưa từng có trong một bầu không khí tương đối ổn định ở mỗi nước. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong 2013, nhưng hiện vẫn có những nhân tố có thể gây bất ngờ.
Thế giới 2012

Năm 2012 đã đem lại những thay đổi quan trọng cho động lực trong quan hệ Trung-Mỹ, nổi bật nhất là chủ trương của Mỹ “xoay trục” về châu Á được dư luận chú ý; lãnh đạo Trung Quốc không ngừng lên tiếng phản đối việc họ cho rằng Mỹ can thiệp vào sân trước trong chiến lược của Trung Quốc.
Quá trình chuyển giao chính trị trong nước ở Trung Quốc không gây ra bất ngờ nào. Ông Tập Cận Bình từ nhiều năm được dự kiến là người kế nhiệm. Có nhiều dấu hiệu hy vọng rằng cá nhân ông Tập Cận Bình có thể thân thiện với Mỹ, bởi giữa thập kỷ 1980, ông Tập đã có một thời gian nghiên cứu về nông nghiệp Mỹ tại Muscatine, bang Iowa.
Trong khi đó việc Tổng thống Obama tái đắc cử cũng đem lại một kết quả tương đối thuận lợi cho Trung Quốc. Đối thủ thuộc đảng Cộng hòa Mitt Romney đã từng thề là sẽ gắn cho Trung Quốc một mác “lèo lái tiền tệ” ngày đầu tiên ông lên cầm quyền – mở đường cho việc trừng phạt về thương mại. Một động thái như vậy rất có thể sẽ đem lại những tác động nghiêm trọng cho quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước.
Mặc dù có những phát triển bề mặt tích cực như vậy trong quan hệ Trung-Mỹ, nhìn chung vẫn còn tồn tại những căng thẳng sâu sắc trong mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới này. Việc Mỹ “xoay trục” quân sự về châu Á và ủng hộ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang gây ra những căng thẳng nghiêm trọng và công khai.
Thêm vào các nguồn căng thẳng mới này là một sự bất đồng lâu năm nhất về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, đây là môt sân khấu đang được dàn dựng cho một thời đối đầu ngày một gia tăng và càng công khai giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2013.

Bất ổn khu vực

Sự căng thẳng gia tăng ở biển Hoa Đông đã dẫn đến một dự báo về các mối quan hệ sóng gió trong năm tới. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đang gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trong và xung quanh vùng đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Tuần trước, máy bay chiến đấu của Nhật Bản phải đối mặt với một máy bay trinh sát của Trung Quốc trong khu vực này. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hứa sẽ duy trì “cảnh giác cao” trong vụ tranh chấp đầy rủi ro này.
Trong khi đó thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Shinzo Abe đang thúc đẩy một lập trường chủ động hơn của Nhật Bản chống lại những tham vọng khu vực và tuyên bố đòi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Chỉ trong vài ngày sau nhậm chức, ông Abe đã điện đàm với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, Nga, Ấn Độ, Australia, Indonesia và Anh. Tất cả những nước này (trừ Anh là đồng minh lâu năm của Mỹ) đều ở quanh Trung Quốc. Ông Abe nói với báo chí rằng: “Quan hệ Nhật-Trung là thách thức lớn nhất trong thế kỷ 21 về lĩnh vực ngoại giao và an ninh …Tôi sẽ xây dựng lại mối quan hệ tin cậy trong liên minh Nhật-Mỹ.”
Lập trường chủ động mới của Nhật có tác động to lớn đối với chính sách của Mỹ tại khu vực. Một trụ cột cho sự dính líu của Mỹ ở châu Á là hiệp định phòng thủ chung ký với Nhật Bản. Đạo luật ủy quyền quốc phòng mới nhất, mới được quốc hội Mỹ thông qua, bao gồm hai điều khoản tối quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Trung. Một điều khoản quy định rằng Mỹ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhưng vẫn thừa nhận quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo này. Ngôn từ như vậy có thể làm cho bất kỳ cuộc xung đột nào trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku leo thang. Tranh chấp leo thang đối với các đảo không có người ở có tiềm năng nổ ra một cuộc chiến tranh liên quan đến ba nền kinh tế lớn nhất của thế giới.
Một điều khoản khác của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng đã chọc giận Bắc Kinh khi thể hiện Quốc hội Mỹ ủng hộ việc bán các máy bay chiến đấu tiên tiến cho Đài Loan. Bắc Kinh coi bất kỳ thương vụ nào bán vũ khí cho Đài Loan đều là sự ủng hộ cho một "tỉnh nổi loạn" và là một vi phạm trắng trợn vào vấn đề an ninh nội bộ của Trung Quốc. Động thái chính trị này của Mỹ, diễn ra tại một thời điểm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, được Trung Quốc coi là một tín hiệu về sự xâm lược của Mỹ. Hai điều khoản trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng không mang tính ràng buộc pháp lý, mà chỉ là thể hiện "ý của Quốc hội". Tuy nhiên, biểu tượng này đã không qua mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trong hai bài xã luận gần đây, báo nhà nước Trung Quốc đã công khai bày tỏ tức giận đối với các động thái này của Mỹ. Một bài xã luận trên tờ Nhật báo Trung Quốc tuần trước đã lên án cái mà tờ báo này gọi là sự can thiệp của Mỹ vào khu vực:
“Sự dính líu của Mỹ vào tranh chấp về dãy đảo Điếu Ngư gây phương hại cho hòa bình và ổn định khu vực, bởi vì hành động đó chỉ khuyến khích Nhật Bản ngày càng ngả theo cánh hữu …Sự lựa chọn tốt nhất vào lúc này là hai nước duy trì bầu không khí cho quan hệ song phương, chứ không phải kích động nhau về những vấn đề nhạy cảm.”
Một xã luận gần đây bằng tiến Anh trên tờ Nhân dân Nhật báo thậm chí còn thẳng thắn hơn về ý đồ chống Trung Quốc của Mỹ. Tờ báo viết: “ Sự thiếu bình tĩnh của Mỹ phản ánh tính phức tạp trong quan hệ Mỹ-Trung. Bất kể Trung Quốc nhắc lại bao nhiêu lần về con đường phát triển hòa bình và bày tỏ thiện chí trên thực tế, Mỹ vẫn nghi ngờ Trung Quốc. Mỹ có một truyền thống tạo ra những kẻ thù tưởng tượng và Trung Quốc dường như có đủ điều kiện để trở thành một kẻ thù như vậy của Mỹ theo quan điểm về văn hóa, lịch sử và xã hội. Tuy nhiên, những kẻ thù tưởng tượng mang “tính tưởng tượng” chỉ vì một lý do, và do đó sẽ là không thông minh khi biến một sự nghi ngờ chiến lược thành một cuộc đối đầu chiến lược”.
Phía Trung Quốc luôn luôn lên án Mỹ “can thiệp” vào tranh chấp biển đảo ở Đông Hải và vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan bởi vì, trong con mắt của Bắc Kinh, đây không phải là những vấn đề quốc tế. Trung Quốc coi những vấn đề này có liên quan đến các vấn đề lịch sử nhạy cảm về chủ quyền của Trung Quốc.

Áp lực công chúng

Những ngôn từ chính trị đối đầu gữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phản ánh trong quan điểm của người dân thường ở cả hai nước. Theo một công trình nghiên cứu về thái độ của công chúng toàn cầu của Pew, chỉ có 43% người Trung Quốc nhìn nhận Mỹ một cách có thiện cảm, giảm hơn so với tỷ lệ 58% trước đây.
Trong khi đó 26% người dân ở Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ “ác cảm”, tăng hơn so với tỷ lệ 8% hai năm về trước. Rõ ràng là những con số này ở một mức độ rộng lớn hơn bị tác động bởi ngôn từ của truyền thông.
Trong khi đó công trình nghiên cứu về thái độ của công chúng toàn cầu của Pew cho thấy kết quả số người Mỹ nghi ngờ và lo ngại về Trung Quốc ngày một tăng. Năm ngoái chứng kiến một sự thay đổi quan trọng số người Mỹ ủng hộ “quan hệ mạnh mẽ hơn” với Trung Quốc sang ủng hộ “phải cứng rắn hơn với Trung Quốc”. Những quan ngại về kinh tế - như việc Trung Quốc đang nắm giữ phần lớn món nợ công của Mỹ và mất công ăn việc làm ở Mỹ cho Trung Quốc – là những vấn để lo ngại nhiều nhất trong nội bộ người Mỹ khi nói về Trung Quốc. Những vấn đề như nhân quyền và các khả năng quốc phòng ngày càng tăng của Trung Quốc chỉ thấy ở chưa đến 50% dân số Mỹ.
Tất nhiên, việc Mỹ tăng triển khai quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương không thể làm được gì nhiều để cải thiện nền kinh tế Mỹ. Trong khi kinh tế trì trệ và bế tắc chính trị đe dọa đưa nước Mỹ đến bờ vực của "vách đá tài chính", các chỉ số kinh tế vĩ mô của Trung Quốc lại mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên. Điều đó không phải để nói rằng Trung Quốc không có vấn đề nội bộ. Những vấn đề như chống tham nhũng và cải cách theo hướng dân chủ trong nước sẽ là trọng tâm chính của các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc trong năm tới.
Một động lực đối đầu đang phát triển một cách chậm chạp giữa Mỹ và Trung Quốc và sẽ tiếp tục trong một tương lai gần. Năm 2012 đã đưa Mỹ “xoay trục” về châu Á và chứng kiến sự leo thang chưa từng thấy trong cuộc tranh chấp lãnh thổ dai dẳng ở Đông Hải. Năm 2013 có lẽ sẽ đem lại nhiều bất ngờ hơn về chính sách. Cả hai cường quốc có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào những vấn đề nội bộ, nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc nhằm vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì thế những ai quan tâm đến mối quan hệ giữa hai cường quốc này có thể chờ đợi những điều bất ngờ.
Phạm Ngọc Uyển (theo Asia Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét