Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH CHÂU Á CỦA MỸ TỪ NỬA SAU NHỮNG NĂM 50 THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX


NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH CHÂU Á CỦA MỸ TỪ NỬA SAU NHỮNG NĂM 50 THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX

Đăng ngày: 17-07-2012, 10:42 | Danh mục: Bài viết Tạp chí » Năm 2007 » Số 11
Lịch sử lập quốc của Mỹ được tính từ ngày 04/7/1776, tức là ngày nước Mỹ công khai tuyên bố trước toàn thế giới về nền độc lập của mình. Vì vậy, so với các cường quốc tư bản Anh, Pháp thì Mỹ là một quốc gia còn rất non trẻ. Để có thể xác lập được vị thế của mình trên trường quốc tế, nước Mỹ tự nhận thấy không thể đi theo lối mòn của các cường quốc tư bản Châu Âu mà phải tìm cho mình một hướng đi mới. Đó là việc Mỹ sử dụng lợi thế của một nước đi tiên phong trong việc giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa thực dân để khuếch trương, mở rộng vị thế của mình đối với các nước Châu Mỹ Latinh nói riêng và đối với thế giới nói chung trong đó có các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
1. Bắt đầu bằng các Hiệp định thương mại và chính sách mở cửa
Trong số các nước Châu Á thì Nhật Bản không phải nước đầu tiên để cho Mỹ thiết lập mối quan hệ về thương mại mà là nước đầu tiên được Mỹ lựa chọn cho việc phục vụ chính sách của Mỹ ở khu vực này. Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1853, Mỹ cử Thiếu tướng hải quân Matthew Perry chỉ huy Đoàn tàu 7 chiếc tiến vào Edo yêu cầu Nhật Bản mở cửa. Dưới nhãn quan của các chiến lược gia của Mỹ thì Nhật Bản là điểm đến lý tưởng nhất cho phép Mỹ rộng đường trong việc thiết lập mối quan hệ thương mại với các nước khác trong khu vực. Một năm sau vào tháng 3 -1854, Hiệp ước Kanagawa được ký kết cho phép các thương nhân Mỹ được tự do buôn bán ở hai cảng biển Hakodate và Shimoda cũng như được đặt lãnh sự quán tại Shimoda.
Sau khi buộc Nhật Bản mở cửa, Mỹ tiến thêm một bước yêu cầu Nhật Bản trao cho Mỹ nhiều quyền lợi hơn giống như những quyền lợi mà Trung Quốc đã ưu đãi cho nước Anh. Không còn sự lựa chọn nào khác, Nhật Bản đành phải chấp nhận ký với Mỹ Hiệp ước bất bình đẳng nhưng núp dưới tên gọi là Hiệp ước " Hòa bình và Thương mại" vào năm 1858. Theo nội dung của bản Hiệp ước thì ngoài hai cảng Shimoda và Hakodate, các cảng và các thành phố sau đây được mở cửa vào các mốc thời gian tương ứng theo trình tự như sau: Kanagawa ngày 04-7-1859, Nagasaki ngày 04-7-1859, Nigata ngày 01-01-1860 và Hyogo ngày 01-10-1863. Ngoài ra, tại các cảng và thành phố kể trên công dân Mỹ có quyền được cư trú và được hưởng quyền lãnh sự tài phán. Đối với Trung Quốc, ngay từ những năm 40 của thế kỷ XIX, Mỹ đã thiết lập mối quan hệ  với nước này thông qua việc ký kết Hiệp ước Vọng Hạ vào năm 1844. Thế nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX thì Mỹ mới có điều kiện để xâm nhập một cách mạnh mẽ vào Trung Quốc. Để có thể chen chân vào thị trường Trung Quốc, Mỹ đã sử dụng chính sách mở cửa nhằm duy trì “nguyên trạng” (status quo ante bellum) lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 9 - 1899, Mỹ đã đưa ra chính sách mở cửa đối với Trung Quốc (The open door policy) với các nội dung như sau:
- Hàng hóa của các nước phải theo chế độ thuế quan của Trung Quốc và do Chính phủ Trung Quốc thu thuế.
- Không can thiệp vào lợi ích của các nước theo những điều đã ký.
- Tàu thuyền các nước đi lại trong thương cảng thuộc phạm vi các nước không được đánh thuế nhập khẩu cao hơn thuế suất qui định cho tàu thuyền của nước mình kể cả trên lĩnh vực xe lửa.
Với cách thức đó, trên thực tế Mỹ đã có được một vị thế ngang hàng với các cường quốc tư bản  Anh, Pháp trong việc phân chia phạm vi ảnh hưởng trên lãnh thổ Trung Quốc.
2. Đến việc thực hiện chiêu bài “ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc” và làm "trọng tài" trong các cuộc tranh chấp quốc tế
Một điều cần phải nhận thấy là khi nước Mỹ đủ sức để vươn ra bên ngoài thì cũng chính là lúc trên thế giới không còn "đất trống". Những năm cuối thế kỷ XIX  cho đến đầu thế kỷ XX, phần lớn các thị trường trên thế giới hầu như đã phân chia xong. Vì vậy, để có một chỗ đứng "dưới ánh nắng mặt trời", nước Mỹ không thể tiến hành các hoạt động bành trướng như các nước thực dân khác mà tìm cho mình một con đường đi riêng. Cho nên không thể phủ nhận điều mà nhà sử học Kenton Clymer nhận xét “Sự bành trướng của Mỹ trong những năm 1890 như một nỗ lực thôn tính thương mại hơn là lãnh thổ.... ngay cả trong trường hợp Philippin, động cơ kinh tế là chiếm ưu thế bởi đó là căn cứ thích hợp để từ đó thâm nhập vào thị trường được coi là rộng lớn của Trung Quốc, nơi mà Mỹ không hề có một ý muốn thiết lập một thuộc địa thực sự”(1). Chính sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong nước cộng với sức ép ngày càng gia tăng của các tập đoàn lũng đoạn và nguồn vốn khổng lồ mà Mỹ xuất khẩu ra thị trường thế giới đã buộc giới cầm quyền Mỹ quan tâm nhiều hơn đến thế giới bên ngoài trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực Mỹ đặc biệt chú ý. Rõ ràng là, đã đến lúc Mỹ “tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm hàng công nghiệp và ngành tài chính ngân hàng. Nếu chiếm được đất đai, cũng không được sử dụng cho các mục đích nông nghiệp mà cho các căn cứ hải quân ở Hawaii, biển Caribbean và Philippines – những căn cứ có thể bảo vệ cho nền ngoại thương đang càng mở rộng này”(2).
Theo cách nhìn của các chiến lược gia Hoa Kỳ thì Philippin có vị trí chiến lược quan trọng và lợi hại ở Châu Á. Ngoài ra, Philippin còn là bàn đạp và là trạm trung chuyển cho tham vọng của Mỹ vào bất cứ nước nào ở khu vực Thái Bình Dương và Viễn Đông, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Khống chế được Philippin là khống chế được con đường buôn bán thương mại trên biển và điều đặc biệt quan trọng là ngăn chặn được sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các nước đế quốc khác. Thượng nghị sỹ Beneredge đã phát biểu trong một bài diễn văn rằng, “Quần đảo Philippines mãi mãi là của chúng ta. Thị trường Trung Quốc rộng lớn lại ở đằng sau Philippines. Chúng ta không thể quên trách nhiệm của chúng ta đối với quần đảo đó, không thể bỏ qua cơ hội mở ra cho chúng ta tiền đồ ở phương Đông”(3).
Để thực hiện, ngưòi Mỹ bắt đầu tạo dựng lên một nguyên cớ "hợp pháp" để cho phép Mỹ có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Năm 1898, tại thủ đô Habana xảy ra một sự kiện chống đối ách thống trị của Tây Ban Nha. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là William Mckinley lấy cớ là "bảo vệ kiều dân của mình", phái chiến hạm đến Habana. Khi chiến hạm do Tổng thống William Mckinley phái đến tiến gần vào cảng Habana thì bị trúng mìn chìm. Mỹ đổ lỗi cho Tây Ban Nha và phát động cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha.
Đối với Philippin, lúc đầu Mỹ lấy danh nghĩa là "bạn của Philiippin " giúp Philippin tiến hành cuộc đấu tranh chống thực dân Tây Ban Nha. Thế nhưng sau khi đánh bại thực dân Tây Ban Nha Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Philippin (1899 - 1903) và biến Philippin thành thuộc địa của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong khi Mỹ đang tìm mọi cách củng cố quyền lực ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì Nhật Bản cũng đang tìm cách mở rộng quyền lực của  mình ở khu vực này. Bằng chứng là Nhật Bản tiến hành cuộc chiến tranh với Nga (1904 - 1905) và không che giấu tham vọng tấn công xâm lược Philippin. Trước tình hình đó, thái độ của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Nga - Nhật là ủng hộ Nhật Bản mặc dù về phía Mỹ cũng nhận thức ra được sự nguy hiểm từ Nhật nếu như Nhật chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Nga. Đấy là điều dễ hiểu khi mà Hội nghị Portsmouth lâm vào bế tắc thì Mỹ là nước đứng ra làm cầu nối và đóng vai trò trọng tài dàn xếp mối quan hệ giữa Nhật Bản với Nga. Đối với Hiệp ước Anh - Nhật đựơc ký kết năm 1902  đến năm 1905 được hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình mới thì Mỹ được coi là một thành viên bí mật của hiệp ước đó.
Theo sự thỏa thuận bí mật giữa Tổng thống Roosevelt với Nhật Bản thì về phía Nhật Bản yêu cầu có "một sự hiểu biết rất tốt về nhau hay một Hiệp ước trong thực tế, nếu không muốn nêu tên" giữa Nhật Bản, Anh và Mỹ. Đáp lại lời yêu cầu đó, Tổng thống Roosevelt cho rằng: “Ông cảm thấy tin tưởng, rằng không cần bất kỳ sự thỏa thuận nào thì nhân dân Mỹ cũng đã hoàn toàn tán thành với chính  sách của Liên hiệp Anh và Nhật Bản trong việc duy trì nền hòa bình chung tại Viễn Đông, rằng bất kỳ lúc nào có nhu cầu cần hành động thích đáng của Chính phủ Mỹ cùng với Nhật Bản và Liên hiệp Anh nhằm mục đích trên, Mỹ có thể thực hiện một cách rất tự tin nếu như họ coi hành động đó là hành động của Mỹ thực hiện theo trách nhiệm của bên tham gia hiệp ước”(4).
Với lời cam kết trên chúng ta có quyền khẳng định rằng Mỹ là thành viên bí mật của hiệp ước Anh – Nhật.  Minh chứng cho vấn đề này là việc Mỹ đã có những hành động hợp tác chặt chẽ với Liên hiệp Anh và Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật với trách nhiệm giúp đỡ Nhật Bản như những gì mà Anh đã dành cho Nhật Bản trước đó. Bởi hơn ai hết Mỹ nhận thức được sự nguy hiểm từ phía Nga nếu như liên minh Nga – Nhật được thiết lập thì quyền lợi cũng như vị thế của Mỹ ở Viễn Đông sẽ bị suy giảm.
Riêng đối với vấn đề Triều Tiên thì Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với việc quân đội Nhật thiết lập quyền bá chủ ở Triều Tiên với một mức độ cần thiết vì theo Nhật Bản thì Triều Tiên là nguyên nhân trực tiếp để dẫn đến cuộc chiến tranh. Thế nhưng thực chất của vấn đề này không phải bắt nguồn từ Triều Tiên mà nguyên nhân trực tiếp là  bắt nguồn từ vấn đề kiểm soát Mãn Châu và nguyên nhân gián tiếp là sự kiểm soát của Trung Quốc. Rõ ràng là giữa Mỹ và Nhật Bản đã có một sự thỏa thuận ngầm khi Nhật Bản đưa ra một tuyên bố chính thức không can thiệp vào Philippine thì Mỹ cũng đồng ý để Nhật Bản rảnh tay ở Triều Tiên. Sự thỏa thuận này đã được tờ Kokumin, một tờ báo nguyệt san của Chính phủ Nhật Bản thừa nhận:
Trên thực tế đây là một hiệp ước giữa Nhật Bản, Anh và Mỹ. Chúng ta có thể tin rằng chỉ khi Anh đã trở thành đồng minh của chúng ta, thì Mỹ cũng trở thành một bên của hiệp ước này. Do các điều kiện đặc thù trong nước, Mỹ không thể ký kết bất kỳ một hiệp định mở nào, nhưng chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng, Mỹ luôn là đồng minh của chúng ta, mặc dù điều đó không được ghi trong một hiệp ước chính thức nào cả; chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của một nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới – Tổng thống Rosevelt, Mỹ sẽ giải quyết các vấn đề phương Đông của mình trong sự hợp tác với Nhật Bản và Liên hiệp Anh”(5).
3. Và cuối cùng là đóng vai trò “người quyết định” để giải quyết các vấn đề Châu Á theo cách riêng của người Mỹ
Khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương là khu vực gắn bó một cách thiết thực đến quyền lợi của Mỹ, thế nhưng kết quả của sự phân chia quyền lợi giữa các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất thông qua Hội nghị Vecxai đã không hề đếm xỉa đến lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Vì vậy, từ chỗ là quan hệ đồng minh với Mỹ, Anh và Nhật Bản đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ ở khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương.
Ngày 12-11- 1921, Mỹ đứng ra triệu tập Hội nghị Oasinhtơn với sự   tham gia của 9 nước bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ý, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha và Trung Quốc. Kết quả của Hội nghị Oasinhtơn được thể hiện qua ba vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Mỹ đã ký với Anh, Pháp và Nhật Bản “Hiệp ước không xâm lược ở Thái Bình Dương” (13-02-1921) nhằm tiếp tục duy trì khu vực này ở trong tình trạng nguyên trạng với mục đích là bảo vệ quyền lợi của Mỹ khi Mỹ chưa có điều kiện mở rộng phạm vi ảnh hưởng đối với khu vực rộng lớn và giàu có về tài nguyên thiên nhiên này. Đồng thời với điều đó, Mỹ đã buộc Anh và Nhật Bản thủ tiêu Hiệp ước liên minh Anh – Nhật được ký kết vào năm 1902.
Thứ hai, Mỹ buộc các nước Anh, Pháp, Nhật, Ý, Bồ Đào Nha và Hà Lan  công nhận nguyên tắc “hoàn chỉnh về lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc” cũng như tạo cơ hội đồng đều” đối với tất cả các nước liên quan đến các hoạt động thương mại và công nghiệp trên lãnh thổ Trung Quốc.              
Với cách làm đó, trên thực tế, Mỹ đã hợp thức hóa được sự có mặt của Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc, điều mà Mỹ không đạt được trong Hội nghị Vecxai.
Thứ ba, Mỹ đã ký với các nước Anh, Pháp, Ý, Nhật Hiệp ước ( 06 – 02- 1922) về “hạn chế vũ trang và hải quân”,theo đó tỉ lệ hải quân của Mỹ được nâng lên ngang hàng với Anh (525000 tấn)  và vượt qua Nhật Bản (315000 tấn) đã buộc Anh từ bỏ nguyên tắc hạm đội hải quân của Anh bằng hai hạm đội mạnh nhất thế giới cộng lại cũng như làm giảm sức mạnh trên biển của Nhật Bản.
Như vậy, Hội nghị Oasinhtơn đã giải quyết được những vấn đề vướng mắc trong quan hệ giữa Mỹ với Anh và Nhật Bản liên quan đến lợi ích của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương và Trung quốc. Với kết quả của Hội nghị Oasinhtơn, Mỹ đã khẳng định được vị thế của mình và thiết lập một khuôn khổ mới do Mỹ chi phối ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Nhìn lại chính sách Châu Á của Mỹ trong nửa sau những năm 50 của thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy chính sách đối ngoại của Mỹ được triển khai hết sức linh hoạt tùy theo từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử cụ thể thích ứng với từng nước cụ thể. Đối với Nhật Bản và Trung Quốc trong giai đoạn đầu là thông qua các Hiệp định thương mại và “mở cửa” để có được một chỗ đứng “dưới ánh nắng mặt trời” như các nước tư bản phương Tây khác. Đến giai đoạn thứ hai với danh nghĩa là nước tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (chống chủ nghĩa thực dân Anh giành độc lập cho Bắc Mỹ trong những năm cuối thế kỷ XVIII) nên Mỹ sử dụng lợi thế đó để gạt Tây Ban Nha ra khỏi Philippin và biến Philippin thành nơi che chắn và bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Đồng thời lợi dụng cuộc chiến tranh Nga – Nhật, Mỹ trở thành một nhân tố quan trọng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Nhật tại Portsmouth vào năm 1905. Và giai đoạn thứ ba, sau khi trở thành “một nhân tố không thể thiếu’ trong những vấn đề thế giới, nước Mỹ tự trao cho mình quyền chủ động giải quyết các vấn đề quốc tế theo cách riêng của Mỹ, ít nhất là ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Và đấy là cơ sở tạo nên đường lối đối ngoại kiểu Mỹ (American way) cho phép Mỹ vươn lên thành một siêu cường sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và “có quyền” can dự vào các vấn đề trọng yếu của toàn cầu.

NGUYỄN VĂN TẬN
(Phó giáo sư,  Tiến sĩ, Đại học Khoa học Huế)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Minh Chơng, Cuộc cách mạng Philippin (1896-1898) – một trăm năm nhìn lại, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, 1998.
2. Eric Foner, Lịch sử mới của nước Mỹ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
3. Nguyễn Lê Nghị, Lê Minh Đức, Lịch sử nước Mỹ, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994.
4. Nguyễn Huy Quí, Lịch sử cận đại Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.
5. Jean Pierre Pichou, Văn minh Hoa Kỳ, Nxb. Thế giới,  Hà Nội, 1998.
6. Tiếp cận nghiên cứu Hoa Kỳ học và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế, Hà nội, 2000.
7. The Treat of Portsmouth 1905, ICAS Historical Document, http:// icasinc.org
8. Vĩnh Sính, Nhật Bản cận đại, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1991.






(1) Tiếp cận nghiên cứu Hoa Kỳ học và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế học, Hà nội, 2003, trang 75.
(2) Eric Foner, Lịch sử mới của nước M, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2003, trang 595.
(3) Cao Minh Chơng, Cuộc chiến tranh Philippin-Mỹ 1899- 1903, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, 1998, trang32-33.
(4) Dẫn theo tài liệu lịch sử  nghiên cứu Mỹ - Hàn; Số1905-0729-DOC; Bản thỏa thuận Taft-Katsura ngày 29.7.1905.http;//www.icasinc.org /
(5) Tài liệu đã dẫn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét