Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

TOÀN CẦU HOÁ VÀ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO KINH TẾ CỦA HÀN QUỐC TRONG THẬP NIÊN CUỐI THẾ KỶ XX


TOÀN CẦU HOÁ VÀ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO KINH TẾ CỦA HÀN QUỐC TRONG THẬP NIÊN CUỐI THẾ KỶ XX





Toàn cầu hóa là một xu hướng nổi trội và đã trở thành môi trường của các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, giữa các nước và các bộ phận xã hội ở mỗi nước vẫn đang tồn tại sự khác biệt đáng kể về nhận thức cũng như trong hành động trước toàn cầu hóa. Những nước và các nhóm xã hội yếu thế thường bị thua thiệt do tác động từ những mặt trái của toàn cầu hóa và luôn phản đối nó hoặc trong tâm thế thích ứng bị động. Trong khi đó, những nước và những người có sức mạnh chi phối toàn cầu hóa lại coi nó là cơ hội mang lại sự tiến bộ cho mình và ra sức tận dụng những mặt tích cực của nó. Cho dù vậy, toàn cầu hóa vẫn đã và sẽ diễn ra, chi phối dưới hình thức này hay hình thức khác, với các mức độ khác nhau đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội của hầu hết các nước.
Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới hiện nay đang chuyển thành một hệ thống liên kết ngày càng chặt chẽ thông qua mạng lưới công nghệ thông tin. Toàn cầu hóa đòi hỏi các quyết định kinh tế, dù được đưa ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đều phải tính tới các yếu tố quốc tế.
Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, mọi hoạt động thương mại, tài chính, tiền tệ, đầu tư đều tăng nhanh. Từ 1990 đến 1997, tăng trưởng khối lượng xuất khẩu của thế giới hàng năm đặt 7% trong khi tăng trưởng GDP của thế giới chỉ đạt 3%. Lượng tiền trao đổi qua các giao dịch tài chính quốc tế hàng ngày trên thế giới năm 1986 mới ở mức 200 tỉ USD thì đến năm 1996 đã lên tới 1.500 tỷ USD (nay lên tới 3.500 tỷ USD). Từ 1991 đến 1997, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng 10%. Năm 1990 tổng số các công ty xuyên quốc gia là 35.000 với 150.000 chi nhánh thì đến 1997 đã lên tới 53.000 công ty với 450.000 chi nhánh hoạt động trên khắp thế giới[1]. Đó là nhân tố thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện ít nhiều thuận lợi cho các nước tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa do sự phân công chuyên sâu trong hợp tác quốc tế.
Đặc trưng tiêu biểu của toàn cầu hóa là hội nhập thương mại, đầu tư và các hoạt động tài chính giữa các quốc gia. Do đó, toàn cầu hóa sẽ mang lại sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn về cung ứng hàng hóa, dịch vụ và các nhân tố sản xuất; nền kinh tế thế giới sẽ phát triển thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng sẽ mang lại những thử thách và những vấn đề không mong muốn mà có thể gọi là “những thách thức của toàn cầu hóa”. Thứ nhất là, trong khi tự do hóa tài chính và đầu tư dẫn tới sự gia tăng các tổ chức tài chính đa quốc gia và tăng lượng vốn đầu tư toàn cầu, thì nó cũng có thể làm tăng nguy cơ bất ổn định của thị trường tài chính quốc tế. Thứ hai là, bởi toàn cầu hóa mang tính chất tư bản chủ nghĩa rõ rệt, khi mà các nước tư bản chủ nghĩa giàu có nhất, các công ty tư bản xuyên quốc gia đang nắm trong tay những nguồn lực vật chất và phương tiện hùng mạnh nhất để tác động lên toàn thế giới như vốn, kỹ thuật, công nghệ, các tổ chức và thể chế kinh tế, tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế. Họ nắm cả những phương tiện hùng mạnh nhất trong lĩnh vực tinh thần, cả những nguồn lực quan trọng nhất về chất xám([2]), thì rõ ràng quá trình toàn cầu hóa có nhiều bất lợi cho các nước nghèo và đang phát triển. Nếu như trước đây, sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới còn dựa trên nguồn nguyên nhiên liệu, các nước nghèo và đang phát triển còn nhiều lợi thế đấu tranh, thì ngày nay nhân tố tri thức cùng phương tiện truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng lại nằm trong tay các nước phát triển giàu có. Làm cho các nước nghèo, kém phát triển về cơ bản đã bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Kết quả là tạo ra sự mất cân đối thu nhập, làm cho hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng ra, bất bình đẳng ngày càng lớn. Và thứ ba là, kèm theo toàn cầu hóa là sự phá hủy môi trường sinh thái, điều kiện lao động trở nên tồi tệ hơn và sự hủy hoại các giá trị văn hóa truyền thống.
Ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc
Đối với Hàn Quốc, toàn cầu hóa đã mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế của đất nước họ. Người Hàn Quốc nhận thức rằng, trong xu thế phát triển của thế giới hiện nay, không thể không tính tới chính sách toàn cầu hóa; nếu tách rời nó thì trước sau sẽ bị cô lập. Chính sách toàn cầu hóa của Hàn Quốc đã được Tổng thống Kim Young Sam đề xướng và phác thảo từ những năm đầu của thập niên 90 với những nguyên tắc cơ bản đó là đảm bảo cho người dân có một mức sống tối thiểu; gắn liền phúc lợi với năng suất; nâng cao ý thức cộng đồng và giá trị gia đình; nâng cao hiệu lực của việc quản lý phúc lợi; tạo sự ổn định và an toàn xã hội. Vì thế, Hàn Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm đầu. Tự do hóa thương mại và đầu tư đã minh chứng cho việc mở cửa ra thị trường thế giới bên ngoài là hết sức có lợi và thu hút được nguồn vốn đầu tư và công nghệ thiết yếu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính của Hàn Quốc năm 1997 cho thấy rằng Hàn Quốc cũng phải gánh chịu và dễ bị tổn thương từ những hệ quả tiêu cực của toàn cầu hóa như mở rộng khoảng cách thu nhập và sự suy giảm của môi trường.
Tuy nhiên, với chiến lược phát triển kinh tế thị trường mở, Hàn Quốc coi quá trình toàn cầu hóa như một xu hướng tất yếu. Hàn Quốc chỉ có sự lựa chọn có thể đó là tập trung vào làm giảm đến mức tối thiểu những hiệu quả bất lợi của toàn cầu hóa. Do đó, cần phải thiết lập một hệ thống quản lý thích hợp mà có thể đáp ứng một cách hiệu quả đối với những cuộc khủng hoảng vốn đã cùng đồng hành với toàn cầu hóa.
Phương diện ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc tập trung vào những thách thức của toàn cầu hóa trong 3 lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế thế giới đó là thương mại, tài chính và hợp tác phát triển. Đối với thương mại, thì sự phù hợp giữa việc tăng cường hệ thống thương mại đa phương và sự hợp tác khu vực sẽ là vấn đề nổi bật, trong khi đó đối với tài chính, việc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế sẽ là vấn đề cần được thảo luận. Hàn Quốc đã đề ra những nguyên tắc của chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong thời đại toàn cầu hóa đó là:
1/ Phải có sự thay đổi quyết liệt vai trò của Chính phủ - một Chính phủ có tài chỉ đạo và điều khiển sự cạnh tranh lành mạnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và giải quyết thật sự có hiệu quả các vấn đề liên quan đến sự phát triển của xã hội như môi trường, lao động, phân phối thu nhập và phúc lợi xã hội; Một Chính phủ không biết chỉ huy sản xuất nhưng lại biết tạo dựng để mỗi doanh nghiệp và mỗi cá nhân có cơ hội phát triển và cơ hội làm giàu.
2/ Phải có sự thay đổi quyết liệt về chính sách. Chính sách hôm nay là đúng nhưng ngày mai nó lại trở nên lạc hậu. Vì vậy, nếu trong nhận thức và hành động để chính sách ngồi yên cũng đồng nghĩa với việc để cho đất nước ngồi yên.
3/ Trong thời đại toàn cầu hóa này của cải và chất lượng cuộc sống xã hội sẽ phụ thuộc vào chất lượng tri thức, thông tin và kỹ thuật của mỗi quốc gia đó. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc nâng cao chất lượng tri thức, thông tin và kỹ thuật. Người Hàn Quốc lý giải rằng, trong thế kỷ 20, năng suất được quan niệm là tập trung vào lao động, thì trong thế kỷ 21, năng suất được quan niệm là tập trung vào tri thức. Theo đó, Hàn Quốc phải phấn đấu để có được một số lượng đầy đủ kỹ sư và công nhân có kỹ năng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin tiên tiến nhất trên thế giới ngày nay.
4/ Nhận thức về sự phát triển dân tộc, các luật lệ, thể chế phải thật sự công bằng và đúng đắn; các sáng kiến tư nhân và sự tự quản địa phương phải được đảm bảo tới mức tối đa rằng, chỉ khi nào thực hiện được việc này thì mới có thể gặt hái được tiềm năng đầy đủ của các địa phương và khu vực tư nhân. Vì vậy, phải tạo ra được sự cạnh tranh: cạnh tranh giữa Chính phủ với khu vực tư nhân; giữa tư nhân với tư nhân và giữa địa phương này với địa phương khác. Một xã hội không có sự cạnh tranh là một xã hội tê liệt.
5/ Sự liên kết về chính trị-xã hội giữa các dân tộc, cộng đồng trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau ngày càng có tính chất quyết định đối với sự phát triển của dân tộc và như vậy, nó có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế.
6/ Các chính sách không hợp lý hay lỗi thời phải được sửa chữa và trật tự xã hội phải được phổ biến và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày vì sự phát triển của đất nước.
7/ Các công dân phải có niềm tự hào đúng đắn về nền văn hóa riêng của mình, đồng thời chấp nhận các nền văn hóa khác với một tinh thần rộng mở để cho tất cả mọi người đều có thể đóng góp vào việc phát triển một nền văn hóa và các giá trị phổ biến của dân tộc Hàn Quốc và của thế giới.
8/ Các quốc gia phải tạo ra những con người có ý thức về môi trường, trong đó thiên nhiên và con người cùng tồn tại và nuôi dưỡng lẫn nhau. Chất lượng cuộc sống chỉ có thể được nâng lên khi con người giữ gìn được sự trong sạch của thiên nhiên.
Với những nguyên tắc trên, có thể thấy toát lên một chiến lược toàn diện cho sự phát triển bền vững của Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Hàn Quốc vẫn từng bước hòa cùng với quá trình này và đóng một vai trò tích cực trong việc hình thành trật tự kinh tế thế giới.
Trật tự thương mại quốc tế và chính sách thương mại của Hàn Quốc
Với việc kết thúc Vòng đàm phán thương mại Uruguay năm 1993, và đặc biệt kể từ khi Tổ chức thương mại thế giới WTO được thành lập năm 1995 với mục tiêu mở rộng mậu dịch tự do hàng hóa và dịch vụ, thì cũng là lúc chủ nghĩa khu vực bắt đầu hưng thịnh. 170 hiệp định thương mại khu vực (RTAs) có hiệu lực trên toàn thế giới, trong đó 100 hiệp định được ký kết sau năm 1995. Sự phát triển nhanh RTA là kết quả của bối cảnh lịch sử, văn hóa và các mức độ hội nhập và phát triển kinh tế của mỗi nước. Tuy nhiên, nhân tố chính đằng sau xu hướng này dường như là sự thiếu tin tưởng vào khả năng điều hành thỏa đáng thương mại thế giới của WTO. Có nhiều quan điểm khác nhau về sự tác động của chủ nghĩa khu vực đối với hệ thống thương mại đa phương. Những quan điểm tiêu cực cho rằng chủ nghĩa khu vực có khuynh hướng phân chia thế giới thành các khối kinh tế cạnh tranh và làm tăng sự xung đột khu vực, vì thế mà nó phá hủy hệ thống thương mại tự do. Ngược lại, những quan điểm tích cực hơn thì cho rằng hợp tác kinh tế khu vực sẽ hỗ trợ thêm cho hệ thống thương mại đa phương. Thật vậy, RTAs có thể góp phần vào quá trình tự do hóa nội khối, các hiệp định này thường dễ ký kết và thực thi hơn so với các hiệp định mang tính toàn cầu và thậm chí có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hiệp định đa phương. Nhưng ngược lại, sự hợp tác khu vực cũng có thể khích động chủ nghĩa bảo hộ phân biệt đối xử với những nước ngoài thành viên. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng hợp tác khu vực sẽ cùng song hành với  trật tự thương mại đa phương.
Hàn Quốc ghi nhận và ủng hộ tính ưu việt của quan điểm môi trường thương mại đa phương của WTO, trong khi cho rằng chủ nghĩa khu vực được thúc đẩy bằng các hoạt động phù hợp với luật thương mại đa phương. Nói cụ thể, Hàn Quốc cho rằng WTO cần giảm những yếu tố phân biệt đối xử của chủ nghĩa khu vực đến mức tối thiểu bằng cách tăng cường giám sát RTAs, và trong bối cảnh này đã đặt ra vấn đề các hiệp định khu vực được xem giống như là một chương trình nghị sự trong bất kỳ vòng đàm phán thương mại mới nào. Trên thực tế, chủ nghĩa khu vực đã được bàn đến trong một cuộc họp của Ủy ban Thương mại OECD với sự tham gia của Hàn Quốc chia sẻ quan điểm cho rằng chủ nghĩa khu vực không phải là một chủ đề để chọn lựa mà đúng hơn là “phải cùng tồn tại với nó”.
Người ta cho rằng cần thiết phải đưa ra một cách tiếp cận thực tế hơn đối với xu hướng phát triển của chủ nghĩa khu vực, kể từ năm 1998, Hàn Quốc cũng đã theo đuổi Hiệp định mậu dịch tự do FTA với các nước trong đó có Chilê. Hơn nữa, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác kinh tế khu vực thông qua Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Những nỗ lực này dựa trên tư tưởng cho rằng các hiệp định khu vực có thể đáp ứng mục đích củng cố và mở rộng hệ thống thương mại đa phương. Khi mà các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương còn phụ thuộc khá nặng nề vào sự xuất khẩu ngoài khu vực, việc duy trì sự phụ thuộc lẫn nhau trong khu vực còn tương đối thấp và không tồn tại thị trường nổi bật để thu hút xuất khẩu từ các nước láng giềng, bằng việc thúc đẩy tự do hóa thương mại các hiệp định khu vực được trông chờ để bổ sung vào hệ thống đa phương WTO.
Hàn Quốc đặt mình vào vị thế cao nhất nhằm mở rộng và thúc đẩy hệ thống thương mại toàn cầu của WTO trong khi đó đang nỗ lực để tiếp cận với các vòng đàm phán mới ngay khi có thể. Đồng thời Hàn Quốc tích cực theo đuổi sự hợp tác kinh tế thông qua APEC và tiến trình ASEAN + 3 với quan điểm hợp tác kinh tế với các nước châu Á cuối cùng thì cũng sẽ đóng góp vào quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Do đó Hàn Quốc đang nỗ lực để tiến hành ký kết FTA song phương với các đối tác thương mại quan trọng. Chính sách ngoại giao thương mại của Hàn Quốc hiện nay đó là tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tự do hóa thương mại thế giới và đẩy mạnh hợp tác kinh tế khu vực.
Cải tổ cơ cấu tài chính quốc tế
Những hệ quả khác nhau của toàn cầu hóa đặc biệt là khả năng làm tăng lưu lượng tài chính vào và ra của dòng vốn đầu cơ ngắn hạn. Kết quả là, thị trường tài chính quốc tế ngày càng trở nên bất ổn khi bắt đầu xuất hiện cuộc khủng hoảng ngoại hối ở một nước này có thể nhanh chóng lan rộng sang nước khác. Để phản ứng trước vấn đề này, các nước đang tham gia vào quá trình cải tổ cơ cấu tài chính quốc tế giúp thu hẹp tính bất ổn trong thị trường tài chính thế giới và tập trung giải quyết vấn đề này trước khi nó trở thành những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tháng 7 năm 1997, giới quan sát cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa lưu lượng vốn, đưa ra một mô hình phù hợp với hội nghị Bretton Woods([3]). Năm 1944, hai kiến trúc sư đầu tiên của hệ thống Bretton Woods là J.M. Keynes và H.D. White cho rằng cần phải điều chỉnh những hệ quả bất lợi của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tự do hóa tài chính đã lan rộng trong suốt giai đoạn giữa cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai. Các ông cho rằng hệ thống tài chính và kinh tế quốc tế trong giai đoạn này đã làm giảm nhu cầu thiết yếu và phá vỡ hiệu lực của chính sách phúc lợi xã hội. Do đó cần phải xây dựng lại nền kinh tế thế giới bị tàn phá bởi chiến tranh. Hai nhà kinh tế này cũng đề nghị tái lập một nguồn quỹ hoàn chỉnh để khôi phục sự tăng trưởng kinh tế bằng việc mở rộng nhu cầu trong nước, tăng cường phúc lợi xã hội, việc làm, và thiết lập một hệ thống thương mại quốc tế tự do([4]). Nói một cách cụ thể, họ đã hình dung ra một hệ thống tài chính quốc tế để kiểm soát nguồn vốn và tỷ lệ trao đổi một cách hợp lý nếu hoạt động luân chuyển vốn không được kiểm soát, tỷ lệ trao đổi có thể trở nên bất ổn do dòng vốn đầu cơ và sự hủy hoại hệ thống thương mại tự do.
Tháng 6 năm 1999, tại cuộc họp các Bộ trưởng tài chính G7 đã đưa ra một bản báo cáo về kế hoạch cải tiến hệ thống tài chính quốc tế một cách ổn định và hiệu quả. Bản báo cáo đã được đệ trình lên cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ngay sau đó và đã xác định 6 lĩnh vực cần phải được cải tổ đó là: 1/ Cải cách sự quản lý thể chế tài chính quốc tế bao gồm cả IMF; 2/ Nâng cao sự minh bạch của các cơ quan tài chính và phát triển các chuẩn quốc tế; 3/ Nâng cao sự giám sát những quy định ở các nước công nghiệp; 4/ Đẩy mạnh hệ thống tài chính của các thị trường mới nổi; 5/ Thu hút hơn nữa thành phần tư nhân vào việc giải quyết và ngăn chặn những cuộc khủng hoảng; và 6/ Cải tiến sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Kết quả là các cơ quan tài chính quốc tế như Quĩ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng thế giới WB và Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS đã cam kết đưa ra chương trình phát triển chuẩn quốc tế. Do đó, ngay sau cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính G7 năm 1999 thì Diễn đàn ổn định tài chính FSF và cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính G20 cũng được tổ chức như một diễn đàn để thảo luận những biện pháp cải cách hệ thống tài chính quốc tế.
Hàn Quốc đã rút ra bài học từ những hệ quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng ngoại hối năm 97 có thể do kết quả từ quá trình toàn cầu hóa và thiếu một hệ thống nguyên tắc hoàn chỉnh, họ mong muốn cải tổ hơn nữa hệ thống tài chính quốc tế. Vì thế, Hàn Quốc đã tham gia tích cực trong những cuộc họp của G20 và đưa ra những sáng kiến để đẩy mạnh sự hợp tác khu vực trong APEC và ASEAN + 3 với hy vọng rằng những sáng kiến khu vực sẽ tiếp tục được theo đuổi cùng với sự cố gắng của toàn cầu. Chẳng hạn như, hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 3 tháng 11 năm 2000 đã thông qua lời đề nghị của tổng thống Kim Dae-jung về việc phát triển một hệ thống kiểm soát các hoạt động vốn đầu cơ ngắn hạn trong khu vực và điều chỉnh tốc độ huy động ngoại tệ bất cứ khi nào có khả năng xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Hàn Quốc hoan nghênh những cuộc thảo luận nhằm cải cách thể chế tài chính quốc tế hiện nay của IMF, WB và FSF, và ủng hộ việc thiết lập một hệ thống hỗ trợ để làm giảm mối đe dọa của những cuộc khủng hoảng tài chính tương lai. Đồng thời, Hàn Quốc tin rằng nguyên tắc quyết định quyền biểu quyết của một quốc gia trong IMF sẽ được điều chỉnh để phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của những nước mới nổi (NECs). Họ cũng tin rằng việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các nước châu Á sẽ giúp ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tài chính tương tự có thể xẩy ra trong tương lai. Với mục đích này, Hàn Quốc sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực vào IMF, WB và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính trong APEC và ASEAN + 3.
Toàn cầu hóa và hợp tác phát triển
Sự thất bại của cuộc họp bộ trưởng WTO tại Seattle để khởi đầu cho “Vòng đàm phán tự do hóa thương mại mới” đưa tới một số bài học. Đó là khó có thể tiếp tục theo đuổi toàn cầu hóa mà không để ý tới các nước đang phát triển, họ sẽ cảm thấy mình bị phân biệt đối xử và bị tách ra khỏi quá trình hội nhập kinh tế. Toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra thì khoảng cách thu nhập giữa các nước phát triển và đang phát triển ngày càng rộng thêm. Để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, nhiệm vụ cấp bách đó là thúc đẩy sự cố kết xã hội và thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các nước cũng như các tầng lớp xã hội.
Các nước phát triển đã gặt hái được những lợi ích lớn nhất từ quá trình toàn cầu hóa nên đưa ra sáng kiến tập trung giải quyết những vấn đề mà hiện nay các nước đang phát triển đang phải đối mặt. Với quan điểm này, những người tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Okinawa tháng 7 năm 2000 đã nhất trí dỡ bỏ viện trợ phát triển chính thức (ODA) đối với các nước phát triển kém nhất và tiến tới xóa nợ cho những nước nghèo.
Cho dù có những vấn đề về kinh tế riêng, song Hàn Quốc cũng nỗ lực giúp đỡ các nước đang phát triển bằng cách mở rộng viện trợ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1999 ODA của Hàn Quốc đạt mức 320 triệu USD trong khi đó GDP của họ chỉ tăng đều đều từ 0,3% năm 1996 lên 0,4% năm 1997, 0,6% năm 1998 và 0,8% năm 1999. Về mặt địa lý, 81% ODA song phương của Hàn Quốc năm 1999 tập trung vào các nước châu Á. Thêm vào đó, 600 sinh viên từ các nước ASEAN đã được mời sang Hàn Quốc cuối năm đó để tham dự khóa đào tạo đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực trong khu vực. Hơn nữa, Hàn Quốc đang đẩy mạnh viện trợ phát triển nguồn nhân lực và thiết bị thông tin liên lạc giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo. Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng chương trình này và tăng tỷ lệ phần trăm ODA của mình giành được từ GDP.
OECD và toàn cầu hóa
Hợp tác thân thiện với OECD là những nỗ lực quan trọng để đối phó với sự tác động của toàn cầu hóa và phát triển hơn nữa nền kinh tế Hàn Quốc. Giới quan sát cho rằng Hàn Quốc gia nhập OECD năm 1996 là một phần trách nhiệm đối với hệ quả cuộc khủng hoảng tài chính của nước này. Trên thực tế, kể từ khi bắt đầu những cuộc đàm phán về việc kết nạp Hàn Quốc năm 1994, OECD đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với Hàn Quốc mở rộng tự do và thúc đẩy hoàn toàn thị trường vốn dài hạn của mình. Nhưng Hàn Quốc đã không làm như vậy và kết quả là cuộc khủng hoảng tài chính 1997 đã lan rộng với quy mô lớn.
Tuy nhiên, trong quá trình vượt qua cuộc khủng hoảng này, Hàn Quốc đã chấp nhận và thực thi một cách nghiêm túc theo lời khuyên và những kế hoạch của OECD - xem xét lại những biện pháp thi hành và điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc trong tương lai. OECD cũng đưa ra lời khuyên đối với Hàn Quốc làm thế nào để thích ứng tốt hơn đối với quá trình toàn cầu hóa.
Chủ đề chính của cuộc họp hội đồng bộ trưởng OECD năm 2000 là “mô hình toàn cầu hóa”. Với gợi ý này, OECD đang tập trung vào việc tìm cách tối đa hóa những lợi ích và giảm những hệ quả bất lợi của toàn cầu hóa bằng những chiến lược phát triển như thúc đẩy sự phát triển bền vững, mở rộng thương mại tự do và sự hội nhập của các nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa. Thêm vào đó, OECD khẳng định rằng các hệ thống quyền lực thế giới phải xem xét một cách linh hoạt tình hình của mỗi nước nếu những lợi ích do toàn cầu hóa mang lại được nhận thức một cách đầy đủ và được chia sẻ rộng khắp. Do đó, OECD nhấn mạnh việc mở rộng hội đàm với các nước không phải là thành viên OECD, với các tổ chức quốc tế có liên quan và xã hội công dân. Vì vậy, Hàn Quốc cần phải tham gia tích cực vào những cuộc thảo luận này để có những quan điểm và hướng đi đúng đắn trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Tóm lại, toàn cầu hóa là một tất yếu lịch sử, khách quan, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế văn hóa, xã hội trên toàn thế giới. Nó tạo ra những cơ hội phát triển và nhiều thách thức đối với tất cả các quốc gia. Trong một thế giới mà tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng tăng thì không một quốc gia nào có thể phát triển được nếu không có mối liên hệ nào với bên ngoài. Các quốc gia, khu vực đều phải tham gia trào lưu toàn cầu hóa, tham gia quá trình hội nhập ở các mức độ nhất định, nếu không muốn bị tụt hậu, bỏ rơi.
Nắm bắt được quy luật tất yếu đó, Hàn Quốc đã sớm tập trung nghiên cứu vấn đề toàn cầu hóa và nhận thấy rằng nó chính là một xu thế mà thế giới đang hướng tới. Ngày nay, cả thế giới đều thừa nhận Hàn Quốc là một quốc gia rất năng động về kinh tế. Chính phủ đã có những chính sách phát triển kinh tế đúng hướng. Nhờ có những chính sách đúng và năng động này mà dẫn đến tăng trưởng kinh tế khá nhanh. Mục tiêu của Hàn Quốc là phấn đấu trong một thời gian ngắn sẽ trở thành một cường quốc kinh tế. Rất có thể Hàn Quốc sẽ thực hiện được mục tiêu này trong tương lai. Muốn vậy, Hàn Quốc phải đặt vấn đề cạnh tranh lên hàng đầu, đặc biệt là cạnh tranh ngang hàng với hàng hóa của Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, ngoài nội lực, ngoại lực của Hàn Quốc được kinh tế Mĩ và kinh tế Nhật Bản giúp sức cùng với cơn lốc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thổi vào đã kích thích kinh tế Hàn Quốc phát triển.
Hàn Quốc của thế kỷ 21 sẽ như thế nào? Câu hỏi được đặt ra và cũng đã được các chính khách, giới doanh nghiệp, công chức, viên chức của Hàn Quốc trả lời bằng những dự án tiếp tục phát triển kinh tế với quy mô lớn hơn. Hàn Quốc vẫn hy vọng trong một ngày nào đó sẽ thống nhất được Triều Tiên. Khi một nước Triều Tiên thống nhất với hơn 70 triệu dân thì kinh tế của đất nước này sẽ phát triển rất nhanh, vì tài nguyên của Bắc Triều Tiên khá dồi dào, trong khi đó, thế mạnh của Nam Triều Tiên lại có nhiều cơ sở công nghiệp vững chắc, và lúc đó, Triều Tiên sẽ đóng vai trò quan trọng trên chính trường và thương trường quốc tế. Đến một lúc nào đó, kinh tế của Triều Tiên sẽ có thể sánh ngang hàng với kinh tế Mĩ, kinh tế Nhật Bản. Đó là hình ảnh của một nước Triều Tiên sau thống nhất.

TRẦN THỊ DUYÊN
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Thái Việt, Toàn cầu hóa: Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa; Nxb KHXH  2006
2. Joseph E.Stiglitz Toàn cầu hóa và những mặt trái; Nxb Trẻ  2008
3. Trần Văn Tùng Tính hai mặt của toàn cầu hó, Nxb Thế giới
4. Nhiều tác giả, Toàn cầu hóa chuyển đổi và phát triển tiếp cận đa chiều, Nxb Trẻ.
5. Korea Focus số tháng 3-4 năm 2001



([1]) http://nhantainhanluc.com/contents/ Default. aspx?iid=72&AspxAutoDetectCookieSupport=1
([2]) http://nhantainhanluc.com/contents/ Default.aspx? iid=72&AspxAutoDetectCookieSupport=1

([3]) Hệ thống Bretton Woods là hệ thống quản trị tài chính và thương mại quốc tế do 44 nước đồng minh cùng ký kết tại Bretton Woods, New Hampshire Mĩ trong Hội nghị về tiền tệ và tài chính của Liên hợp quốc vào tháng 7 năm 1944. Điểm quan trọng nhất trong các thỏa thuận tại Bretton Woods là các nước hội viên đồng ý duy trì tỷ giá hối đoái cố định trên kim bản-vị, với sai biệt tối đa là 1%. Cũng tại Bretton Woods hai định chế quốc tế được thành lập là IMF và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế IBRD; ngân hàng này sau trở thành Ngân hàng thế giới WB. Đến năm 1971, Hoa Kỳ chấm dứt việc dùng kim bản-vị cho đồng đô la và thả nổi giá trị đô la trên thị trường hối đoái, và các nước khác cũng làm theo như vậy.
([4]) Korea Focus tháng 3-4/2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét