Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Làm thế nào để Mỹ duy trì lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông


Làm thế nào để Mỹ duy trì lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông


PDF.
Điều then chốt của vấn đề Biển Đông hiện nay là “một đối phó với hai”, tức là Trung Quốc đồng thời phải đối mặt với mâu thuẫn chủ quyền với các nước như Việt Nam, Philíppin… và mâu thuẫn về quyền lợi biển với Mỹ. 

Hai mâu thuẫn này tuy tính chất không giống nhau nhưng thường đan quyện vào nhau, không tách rời ra được, tạo nên sự bị động chiến lược của Trung Quốc. Muốn giải quyết tình hình khó khăn này, cần phải phân rõ mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu, tách rời hai mâu thuẫn này ra. Do tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philíppin đã “nóng lên”, liên quan đến lợi ích cốt lõi và tinh thần dân tộc của các nước, khiến không gian thỏa hiệp của hai bên bị thu hẹp lại, do đó mâu thuẫn này trước mắt được coi là mâu thuẫn chủ yếu cần phải tập trung tài nguyên chiến lược và trí tuệ chiến lược để đối phó, trong một thời gian nhất định khó giải quyết triệt để, cần phải kiên trì bền bỉ. Trong khi đó, việc tranh chấp quyền lợi biển giữa Trung Quốc và Mỹ cho dù có thể ảnh hưởng một cách toàn diện đến môi trường xung quanh và an ninh quốc gia của Trung Quốc, nhưng hai bên vẫn có không gian thỏa hiệp, vì thế trong giai đoạn hiện nay mâu thuẫn này được coi là mâu thuẫn thứ yếu (đương nhiên, mâu thuẫn chủ yếu hay mâu thuẫn thứ yếu đều có thể thay đổi tùy thuộc vào sự thay đổi của điều kiện không gian và thời gian). Từ ý nghĩa này mà nói, việc hiện nay cần phải đột phá tình hình khó khăn về an ninh trong vấn đề Biển Đông, khiến Mỹ duy trì lập trường trung lập đã trở thành nhu cầu tất yếu chiến lược, và điều này không còn là ảo tưởng chiến lược theo mong muốn chủ quan. 
Trước tiên, Mỹ không có đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, giữa Trung Quốc và Mỹ không tồn tại mâu thuẫn chủ quyền, đây là tiền đề quan trọng có thể khiến Mỹ duy trì lập trường trung lập. Đương nhiên, cho dù Mỹ không có nhu cầu đòi hỏi chủ quyền, nhưng lại có chủ trương về quyền lợi biển, và hy vọng duy trì địa vị chủ đạo trên biển thậm chí toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để đạt được mục tiêu này Mỹ sẽ ra sức lợi dụng các mâu thuẫn để kiềm chế Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc mở rộng lợi ích trên biển do sự trỗi dậy đưa tới. Nhưng nhà cầm quyền Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc với tư cách là nước lớn châu Á-Thái Bình Dương thậm chí nước lớn thế giới; lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần bày tỏ, Trung Quốc hy vọng Mỹ phát huy vai trò mang tính xây dựng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nói cách khác, lãnh đạo hai nước đã mở ra không gian rất lớn trong việc chung sống hoà bình giữa hai nước Trung-Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “Thái Bình Dương đủ rộng, hoàn toàn có tiếp nhận cả hai nước Trung Quốc và Mỹ”. Việc thông qua các cơ chế như đối thoại cấp cao, tham vấn về công việc của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự hợp tác có hiệu quả trong một số vấn đề cụ thể, tìm ra con đường chung sống tốt đẹp giữa hai nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính là đáp án mà hai bên Trung-Mỹ cần cố gắng tìm kiếm. 
Thứ hai, chủ trương chính sách của Mỹ về vấn để Biển Đông tuy có mặt mâu thuẫn xung đột với Trung Quốc, nhưng cũng không thiếu không gian thỏa hiệp thậm chí là hợp tác. Nhìn vào một loạt những phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao chính phủ Mỹ như Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta… và của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ cho thấy chủ trương chính sách của Mỹ về vấn đề Biển Đông có thể khái quát thành những điểm dưới đây: không có đòi hỏi về chủ quyền; trong vấn đề tranh chấp chủ quyền không giữ lập trường cũng không đứng về bên nào; ủng hộ việc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp; phản đối việc lựa chọn biện pháp quân sự hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp; thúc giục các bên tôn trọng luật pháp quốc tế bao gồm “Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển”; tự do hàng hải; lợi ích thương mại không bị ảnh hưởng; đưa ra sự bảo hộ an ninh cần thiết cho các nước đồng minh; duy trì trật tự an ninh và thương mại trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương v.v… 
Chủ trương chính sách nêu trên của Mỹ tồn tại xung đột hiện thực hoặc tiềm tàng với Trung Quốc trên ba mặt sau: 
- Về vấn đề “tự do hàng hải”, Mỹ nhấn mạnh, dựa vào những quy định có liên quan của luật pháp quốc tế và cách làm nhất quán của Mỹ tại các khu vực biển khác trên thế giới, Mỹ có thể triển khai các hoạt động bao gồm việc trinh sát quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc giống như tại vùng biển quốc tế, theo đuổi cái gọi là “tự do tuyệt đối”. Trung Quốc tuy cũng ủng hộ “tự do hàng hải”, nhưng phản đối Mỹ triển khai các hoạt động quân sự như “tiếp cận do thám” mang tính thù địch rõ rệt. 
- Về vấn đề “phương thức giải quyết”, Mỹ chủ trương Trung Quốc cùng với các nước đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông vận dụng phương thức đối thoại đa phương để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền, và thúc giục Trung Quốc ký kết “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông”, Trung Quốc thì lại nhấn mạnh giải quyết song phương, không chỉ bởi kinh nghiệm thành công trước đây mà còn bởi tranh chấp với các nước liên quan không hoàn toàn giống nhau, vì vậy giải quyết song phương phù hợp với thực tế hơn. 
- Về vấn đề “can thiệp quân sự”, “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philíppin” ký kết năm 1951 đã cung cấp cơ sở pháp lý cho việc Mỹ can thiệp quân sự vào việc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philíppin; một khi Trung Quốc và Philíppin xảy ra xung đột quân sự, Mỹ có can thiệp hay không, can thiệp khi nào, can thiệp như thế nào… đã trở thành vấn đề cần phải đối phó giữa Trung Quốc và Mỹ. 
Trong ba mâu thuẫn lớn này, phương thức “giải quyết đa phương” vốn chỉ là một sáng kiến trong chính sách của Mỹ, nhưng gần đây thái độ của Mỹ tỏ ra cứng rắn, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Nuland tuyên bố “Những nỗ lực tìm cách chia để trị, cuối cùng đã đưa tới cục diện tranh giành giữa các bên đòi hỏi chủ quyền, sẽ không mang lại kết quả mà chúng tôi mong muốn”, công khai phê phán chủ trương “giải quyết song phương” của Trung Quốc, điều này làm tăng thêm trở ngại và biến số trong việc thông qua đàm phán để giải quyết tranh chấp. Nhưng về tổng thể mà nói, sáng kiến “giải quyết đa phương” của Mỹ không mang ý nghĩa thực chất, cũng không có tính ép buộc, có thể thông qua các kênh ngoại giao để hóa giải, điều cần xem xét nhiều hơn là thiện chí đàm phán giữa Trung Quốc và các nước liên quan. Trong ba mâu thuẫn lớn nêu trên, vấn đề can thiệp quân sự của Mỹ là nguy hiểm nhất. Quan hệ đồng minh Mỹ-Philíppin và sức ép chính trị trong nước Mỹ khiến cho việc can thiệp quân sự của Mỹ vào tranh chấp chủ quyền như đối với bãi đá ngầm Scarborough có thể sẽ xảy ra, nhưng nhìn vào thái độ hiện nay của Mỹ, thì việc cố gắng tránh bị lôi cuốn vào tranh chấp quân sự vẫn là sự lựa chọn hàng đầu trong chính sách của Mỹ. Cho dù nhìn về lâu dài, việc trực tiếp đối kháng quân sự trên biển với Trung Quốc cũng không phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ. Do đó, tuy đây là vấn đề nghiêm trọng, nhưng điều cần xem xét nhiều hơn là ở khả năng dự phòng và quản lý khủng hoảng của Trung-Mỹ, cũng như việc nâng cao thực lực quân sự của Trung Quốc. 
Mâu thuẫn chủ chốt chính là vấn đề “tự do hàng hải”. Những năm gần đây, va chạm hoặc xung đột trong vấn đề Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc như “sự kiện máy bay va nhau” (năm 2001), “sự kiện tàu USNS Impeccable” (năm 2009)… đều liên quan đến vấn đề này. Sự thực, giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề này cũng không hoàn toàn đối lập nhau. Quân đội Trung Quốc coi hoạt động “tiếp cận do thám” của Mỹ ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc là một trong ba trở ngại lớn của việc giao lưu quân sự song phương, Mỹ thì lại cho rằng đây là quyền lợi mà luật pháp quốc tế thừa nhận. Trên thực tế, Trung Quốc không phản đối “tự do hàng hải”, thậm chí đối với một số hoạt động mang tính chất quân sự không phải lúc nào cũng phản đối, điều mà Trung Quốc phản đối là việc do thám quân sự với tần suất cao và ở nhiều cấp độ của Mỹ và thái độ thù địch trong chiến lược đối với Trung Quốc được thể hiện đằng sau những sự việc này. Phía Mỹ đã đưa ra sự biện hộ rằng Mỹ hoan nghênh tàu chiến Trung Quốc đến vùng đặc quyền kinh tế Mỹ, và nói rằng sớm muộn cũng có ngày tàu chiến Trung Quốc sẽ đi ra thế giới, sẽ đối mặt với vấn đề giống như vấn đề của Mỹ tại vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc, do đó hy vọng Trung Quốc nhìn xa trông rộng, linh hoạt thiết thực, “dành cho mình một con đường sau này”. Những quan điểm này xem ra rất có lý, nhưng có một sự thực dễ thấy là, nó coi thường quyết tâm của Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình và truyền thống cơ bản của ngoại giao Trung Quốc. Dù cho hải quân Trung Quốc sau này sẽ đi ra bên ngoài, nhưng cũng không đến vùng đặc quyền kinh tế của nước khác tiến hành do thám quân sự một cách liên tục và có ý đồ như vậy. Do đó, phương hướng tiếp theo mà hai nước Trung-Mỹ cần cùng nhau cố gắng đó là dưới tiền đề lớn ủng hộ nguyên tắc “tự do hàng hải”, triển khai trao đổi và thảo luận một cách chân thành về nội hàm cụ thể và cách lý giải của mỗi bên về “tự do hàng hải” và có thể bàn về những phương thức mang tính xây dựng như tập trận chung… để tạo ra sự giao lưu trao đổi một cách lành mạnh. 
Cuối cùng, lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ nhất trí đồng ý cùng xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Mối quan hệ kiểu mới giữa quân đội hai nước và mối quan hệ kiểu mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nằm trong mối quan hệ nước lớn kiểu mới này. Trước mắt, chiến lược quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ đang theo đuổi phù hợp với sự “tái cân bằng” chiến lược ở các cấp độ khác nhau trong mục tiêu chung của cục diện châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo, và tập trung vào việc “tái bố cục” chiến lược châu Á-Thái Bình Dương kéo dài từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Trung Quốc là trọng điểm quan tâm của Mỹ, nhưng không phải toàn bộ, điều này có sự khác biệt tương đối lớn so với việc kiềm chế Liên Xô và đối kháng Mỹ-Xô theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Cũng như vậy, chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mà Trung Quốc theo đuổi cũng không phải là bài xích “Chủ nghĩa Monroe kiểu châu Á” của thế lực Mỹ, mà là theo đuổi một thể cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương chung sống hoà bình giữa các nước bao gồm cả Mỹ. Trung Quốc và Mỹ cần phải tăng cường tư duy mới cùng nhau xây dựng và cùng nhau phát triển, lấy việc giao lưu trao đổi lành mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương làm điều kiện để xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ. Từ ý nghĩa này mà nói, việc Mỹ liệu có thể duy trì lập trường trung lập chiến lược trong vấn đề Biển Đông hay không chính là hòn đá thử vàng để thử nghiệm việc Mỹ có muốn cùng Trung Quốc và các nước khác xây dựng trật tự mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không./. 
Theo Tạp chí Quan hệ Quốc tế Hiện đại – số 8/2012 – Trung Quốc
Lê Sơn (gt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét